Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

 

Thanissaro-Bhikkhu
Thiền sư Thanissaro-Bhikkhu

Ajaan Fuang Jotiko, thầy tôi, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Chanthaburi, gần biên giới Campuchia về phía Đông Nam Thái Lan.  Mồ côi ở tuổi mười một, ông được các chùa nuôi dưỡng, và được thọ giới xuất gia năm ông vừa hai mươi tuổi.  Tuy nhiên, khi bắt đầu học giới luật ở tu viện, sư nhận ra rằng các vị sư ở đó không thực sự nghiêm túc trong việc thực hành các lời Phật dạy.  Vì thế sư ao ước tìm được một vị thầy có thể giáo huấn sư đúng theo những gì sư đã được đọc.

Vào năm tu học thứ hai, cơ may đó đã đến khi ngài Ajaan Lee Dhammadharo, một thành viên của truyền thống tu khổ hạnh trong rừng -do ngài Ajaan Mun Bhuridatto tạo dựng- đến thăm chùa với ý định xây thiền viện trong một nghĩa trang cổ, giáp với Chanthaburi.  Chọn tu học theo thiền sư Ajaan Lee, sư thọ lại giới theo hệ phái đó và về trú nơi thiền viện mới.

Từ đó trở đi, trừ một vài ngoại lệ, sư luôn an cư mùa mưa dưới sự hướng dẫn của sư phụ Ajaan Lee cho đến khi vị này mất năm 1961.  Một trong những ngoại lệ là thời gian năm năm trong thế chiến thứ II, sư một mình hành thiền trong các rừng thuộc miền bắc Thái Lan. 

Lần khác nữa là thời gian sáu năm -trong những năm đầu của 1950- khi thiền sư Ajaan Lee giao trách nhiệm cho Ajaan Fuang trông coi thiền viện Chanthaburi để ngài đi du hành đến nhiều vùng ở Thái Lan, chuẩn bị tìm chỗ cư ngụ tại Bangkok.  Năm 1957, khi ngài Ajaan Lee đã xây dựng được Wat Asokaram, một thiền viện mới tại Bangkok, Ajaan Fuang lại theo sư phụ về đó, để giúp chăm sóc công trình được coi là một công trình lớn cuối cùng trong cuộc đời thiền sư Ajaan Lee.

Sau khi thiền sư Ajaan Lee viên tịch, đáng lý ra Ajaan Fuang sẽ làm trụ trì của Wat Asokaram.  Nhưng lúc đó, tu viện này đã phát triển thành một cộng đồng lớn, phức tạp không dễ quản lý, nên sư không muốn nhận vị trí đó.  Vì thế năm 1965, khi ngài Tăng thống của Thái Lan, tại trú xứ Wat Makut Kasatriyaram (Ngôi chùa Vương Miện Vua) ở Bangkok, mời sư đến an cư mùa mưa ở đó, để hướng dẫn ngài hay bất cứ tu sĩ nào thích học thiền, sư vui vẻ nhận lời.

Ajaan Fuang trải qua ba mùa an cư tại Wat Makut, còn vào các mùa khô, sư du hành về vùng quê để sống độc cư.  Mặc dầu sư rất tôn trọng ngài Tăng thống với tư cách cá nhân, nhưng sư cảm thấy chán nản với những trò chính trị mà sư chứng kiến ở các cấp lãnh đạo tâm linh, nên sư bắt đầu tìm đường thoát ra.

Năm 1968, một tín nữ tên Khun Nai Sombuun Ryangrit cúng cho ngài Tăng thống đất để xây một tu viện nhỏ trong vùng núi gần bờ biển của tỉnh Rayong, không xa Chanthaburi mấy.  Ajaan Fuang xung phong đi trông coi tu viện này, Wat Dhammasathit, cho đến khi một vị trụ trì chính thức được chọn.  Tuy nhiên, tu viện này ở trong một khu rất nghèo, dân cư không mấy hoan nghênh ý tưởng có một tu viện chuyên tu thiền trong vùng đất của mình.  Vì thế không tu sĩ nào muốn nhận làm trụ trì tu viện.  Do đó, Ajaan Fuang tự nhận làm trụ trì của Wat Dhammasathit, không lâu trước khi ngài Tăng thống mất trong một tai nạn xe hơi năm 1971.

Lần đầu tiên tôi được gặp thiền sư Ajaan Fuang là vào tháng Tư năm 1974.  Lúc đó, Wat Dhammasathit xem giống như một trại hè đã xuống cấp: có ba nhà sư sống trong ba cái thất nhỏ, một chái nhỏ là nơi các vị thọ thực, một nhà bếp vừa đủ chỗ cho vài ba tu nữ, và một ngôi điện gỗ nhỏ trên đỉnh đồi –là nơi ở của tôi – nơi có biển ở về hướng nam.  Miếng đất cúng dường, trước đó đã trải qua một đám cháy, thiêu rụi tất cả cây cối, và các sườn đồi phủ đầy cỏ lau.  Cháy rừng hằng năm vẫn xảy ra trong khu vực, khiến cây cối không thể mọc cao, dầu vùng núi phía trên tu viện phủ đầy cây rừng nhiệt đới rậm rạp.

Mặc các điều kiện khó khăn này, Ajaan Fuang dường như có đôi mắt sáng, một trí tuệ tuyệt vời giúp sư chuyển hóa mọi thứ chung quanh –một nội tâm bình lặng, hạnh phúc và vững chãi mà tôi luôn ngưỡng vọng.  Sau vài tháng hành thiền dưới sự hướng dẫn của sư, tôi trở về Mỹ, sau đó trở lại Thái Lan vào mùa thu năm 1976 để xuất gia và bắt đầu tu tập rốt ráo dưới sự chỉ dạy của sư.

Trong thời gian tôi vắng mặt, Ajaan Fuang đã gầy dựng được một nhóm cư sĩ thiền sinh tuy nhỏ nhưng rất thành tâm.  Đầu năm 1976, vị trụ trì mới của Wat Makut đã mời Ajaan Fuang trở lại để tổ chức các khóa tu thiền thường xuyên.  Cả cuộc đời còn lại –cho đến khi mất năm 1986- Ajaan Fuang chia đều thời gian cho việc đi lại giữa Bangkok và Rayong.  Phần lớn các đệ tử của sư thuộc tầng lớp trí thức tại Bangkok.  Họ thiền tập để tìm sức mạnh tâm linh và điểm tựa trong môi trường xã hội tân tiến với những áp lực chóng mặt của Thái Lan.

Năm đầu tiên khi tôi trở lại Rayong, tu viện Dhammasathit là một nơi tách biệt và im ắng đến khó tưởng, với chỉ một nhóm tu sĩ và gần như không có khách vãng lai.  Các vụ cháy rừng đã được kiềm chế, một khu rừng mới đang phát triển.  Tuy nhiên, vào mùa thu năm 1979, không khí yên tĩnh bắt đầu biến mất khi việc xây dựng tháp trên ngọn đồi được triển khai.  Vì tháp được xây dựng gần như hoàn toàn do công sức đóng góp, nên có nhiều thành phần tham gia –tu sĩ, cư sĩ từ Bangkok, và dân trong làng.

Lúc đầu tôi không thích vì nếp sống bình lặng của tu viện bị xáo trộn, nhưng tôi bắt đầu nhận thấy có điều gì rất thú vị xảy ra:  Những người có thể không bao giờ nghĩ đến việc tu thiền lại vui vẻ góp sức xây dựng vào cuối tuần; những lúc nghỉ tay, khi các thiền sinh theo Ajaan Fuang đi hành thiền, thì những người mới này cũng tham gia, rồi chẳng bao lâu họ cũng trở thành các thiền sinh thường xuyên.  Nhờ đó, tôi bắt đầu biết đến bài học quan trọng về phương cách hành thiền trong những điều kiện không như ý.  Ajaan Fuang bảo với tôi rằng dầu bản thân sư cũng không thích công việc xây dựng, nhưng có những người sư cần giúp, và đây là cách duy nhất để sư có thể tiếp cận họ.  Ngay sau khi ngôi tháp hoàn thành vào năm 1982, công trình lại tiếp tục với việc xây một tượng Phật lớn đặt nền trên gian phòng nơi thường dùng làm lễ xuất gia, và cứ thế, khi công việc làm tượng tiến triển, càng ngày càng có nhiều tình nguyện viên tham gia hành thiền.

Trong những năm cuối đời, sức khỏe của Ajaan Fuang trở nên tồi tệ.  Một bệnh nhiễm da nhẹ của Ajaan Fuang xảy ra trong thời gian sư ở Wat Makut, phát triển thành bệnh vảy nến nặng, và không có thuốc gì –Tây, Thái hay Trung- có thể chữa trị được.  Tuy vậy, sư vẫn duy trì thời khóa biểu dày đặc, dầu sư ít khi thuyết giảng cho đám đông thính giả.  Trái lại, sư thích dạy cho từng cá nhân riêng lẻ.  Cách sư hay làm để giúp người bắt đầu hứng thú với việc tu thiền là thiền tập chung với họ, hướng dẫn họ qua những khó khăn bước đầu, sau đó để họ càng lúc càng tự hành một mình, và sư lại quay sang giúp các thiền sinh mới khác.  Ngay cả khi bệnh vảy nến của sư trở nên trầm trọng, sư vẫn dành thời gian để dạy đệ tử một cách riêng lẻ.  Kết quả là, các đệ tử của sư –dầu khá ít so với con số đệ tử của sư phụ Ajaan Lee và các vị thiền sư nổi tiếng khác- trung thành sâu sắc với sư.

 
 
 

Tháng Năm, 1986, chỉ vài ngày sau khi tượng Phật hoàn thành, nhưng trước khi phòng thọ giới xuất gia hoàn thành, Ajaan Fuang bay qua Hong Kong để viếng một đệ tử vừa gầy dựng được một trung tâm thiền tại đó.  Bỗng nhiên, vào sáng ngày 14, tháng Năm, khi đang ngồi thiền, sư bị đột quỵ.  Người đệ tử gọi xe cấp cứu ngay khi nhận biết điều gì đang xảy ra, nhưng Ajaan Fuang đã tắt thở khi vừa đến bệnh viện.

Vì trước đó vài năm, Ajaan Fuang đã yêu cầu không hỏa táng xác sư, nên người ta bắt đầu kế hoạch xây cho sư một tòa tháp.  Tôi được giao trách nhiệm biên soạn tiểu sử và ghi lại các băng ghi âm thuyết pháp nào có thể sử dụng được để phát hành nhằm tưởng nhớ sư.  Tôi khám phá ra, với sự ngỡ ngàng, là tôi biết về cuộc đời Ajaan Fuang nhiều hơn bất cứ ai khác.  Những người sư từng có thời chung sống hồi tuổi trẻ hoặc đã chết hoặc già quá nên không còn nhớ gì nữa.  Bỗng dưng các giai thoại mà sư đã kể cho tôi nghe trong năm đầu tiên khi tôi quay trở lại với sư –về thời tuổi trẻ và những năm tháng sống với sư phụ Ajaan Lee- trở nên cốt lõi trong phần tiểu sử của sư.  Thật đáng tiếc khi nghĩ đến bao nhiêu điều có thể tôi đã thiếu sót, vì khả năng thông thạo tiếng Thái và sự hiểu biết về văn hóa Thái của tôi vẫn còn hạn chế.

Càng đáng buồn hơn khi biết rằng những lời dạy của Ajaan Fuang để lại cho hậu thế quá ít ỏi.  Thông thường, sư không cho phép ghi âm các bài giảng, vì sư cho rằng những lời dạy đó chỉ dành cho những người biết lắng nghe để có thể thực hành ngay tại chỗ, tức thì, và chúng có thể không phù hợp cho người khác ở giai đoạn khác trong sự thực hành của họ.  Một vài băng ghi âm có được là từ các bài nói chuyện đơn giản, nhằm giới thiệu với khách vãng lai lần đầu tiên đến thiền viện cúng dường theo nhóm hoặc những người mới bắt đầu tu thiền.  Các đề mục thâm sâu hơn hoàn toàn không được ghi âm.

Vì thế sau khi in bộ sách để tưởng nhớ Ajaan Fuang, tôi tự bắt tay vào công trình của riêng mình.  Tôi viết xuống tất cả những gì tôi có thể nhớ về các lời dạy của sư, phỏng vấn các đệ tử khác về các đề tài tương tự.  Các cuộc phỏng vấn kéo dài hơn hai năm và đòi hỏi nhiều công phu biên tập để rút ra những giáo huấn có thể hữu ích cho mọi người, nói chung, và có thể in thành sách.  Kết quả là chúng tôi có một quyển sách mỏng với tựa đề, The Language of the Heart (Ngôn Ngữ Của Trái Tim -NNCTT).  Rồi, không lâu trước khi tôi trở về Mỹ để giúp thành lập một tu viện ở California, một cuộn băng ghi âm khác của Ajaan Fuang đã được tìm thấy.  Một bài giảng qua đó sư đã nói những điều sâu xa hơn cho một trong những đệ tử của sư.  Tôi đã viết lại theo băng ghi âm và sắp xếp để in trong một tập sách mỏng có tựa đề, Transcendent Discernment  (Trí Tuệ Siêu Việt-TTSV).

Quyển sách mà bạn đang cầm trong tay được trích từ ba quyển sách trên.  Phần lớn là từ quyển The Language of the Heart (NNCTT), dầu tôi đã cắt bớt một phần sách vì chúng chỉ liên quan đến những sự việc thuộc văn hóa Thái, hoặc vì cách chơi chữ hay nói bóng trong ngôn ngữ Thái không thể dịch sang ngôn ngữ khác.  Ajaan Fuang thích chơi chữ - tính khôi hài của sư là một trong những thứ thu hút tôi đến với sư trước tiên- và rất nhiều những câu nói đáng nhớ của sư là thuộc dạng này.  Tiếc thay, phần lớn các đoạn văn này đánh mất ý nghĩa đó trong dịch thuật, và việc phải giải thích chúng sẽ nhanh chóng trở nên quá tỉ mỉ, nên tôi đã lược bỏ gần như tất cả, trừ một số ít –thí dụ như chuyện “rác”- (litter) là một thí dụ về cách sư chơi chữ.

Bên cạnh các phần trong The Language of the Heart (NNCTT), tôi thêm vào gần như toàn bộ Transcendent Discernment (TTSV) cùng với những phần nổi bật trong tập kỷ yếu.  Không phải tất cả là dịch thẳng từ các sách trên, ở một số chỗ tôi phải kể lại các giai thoại để chúng dễ hiểu hơn đối với các độc giả ngoài Thái Lan.  Tuy nhiên, tôi rất cẩn trọng xuyên suốt quyển sách để dịch thông điệp của Ajaan Fuang chính xác nhất trong khả năng của tôi.

Trong quá trình tổng hợp quyển sách này, tôi đã có cơ hội để hồi tưởng lại quan hệ thầy trò ở Thái, và các cách đối xử của Ajaan Fuang với các đệ tử của mình, cư sĩ hay tu sĩ.  Sư đã tạo một môi trường cởi mở, thân thiện và tôn trọng qua đó các đệ tử có thể thảo luận với sư về những vấn đề đặc biệt trong đời sống tại gia hay xuất gia của họ, mà không cảm thấy mình là bệnh nhân hay khách hàng, mà chỉ như là với một đồng loại; người có thể hướng họ đến một điểm tựa bền vững trong cuộc đời.  Từ khi trở về đây (Mỹ), buồn thay tôi thấy thiếu vắng sự quan hệ giữa thầy trò như thế.  Tôi mong rằng khi Phật giáo đã trụ vững ở đây, mối quan hệ đó cũng sẽ được phát triển, để mang lại lợi ích tinh thần và tâm linh cho cả xã hội.

Một số người Thái có lần hỏi tôi thấy điều gì đáng ngưỡng mộ nhất ở Ajaan Fuang.  Họ mong là tôi sẽ nói đến khả năng có thể đọc được tư tưởng người khác hay các năng lực siêu nhiên.  Mặc dầu có những điều như thế - việc sư biết tâm tôi quá diệu kỳ- tôi nói với họ là chính sự tử tế và nhân bản của sư khiến tôi ngưỡng mộ nhất:  Suốt những năm bên nhau, sư chẳng bao giờ làm gì khiến tôi cảm thấy mình là người Tây phương hay rằng sư là người Thái.  Chúng tôi luôn đối thoại một cách trực tiếp, bình đẳng giữa con người với nhau, bất kể sự khác biệt về văn hóa.  Tôi biết rằng nhiều đệ tử khác của sư, dầu không nói ra như thế, họ vẫn cảm nhận những đức tính đó ở sư.

Tôi gửi quyển sách này đến độc giả như một cách chia sẻ những gì tôi đã được học từ Ajaan Fuang, và riêng dành, với lòng tôn kính sâu xa nhất, để tưởng nhớ đến sư.  Có lần sư nói với tôi rằng nếu không nhờ sư phụ Ajaan Lee, sư sẽ chẳng bao giờ nhìn ra được sự huy hoàng của cuộc sống.  Tôi cũng mang cái ơn đó đối với sư.
Thanissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff)                          
Thiền Viện Metta Forest Valley Center, CA 92082-1409

Ghi Chú:  Trong bản dịch mới này, tôi (tỳ kheo Thanissaro) đã thêm phần có tựa là “Công Đức” (Merit).  Phần này trong bản in đầu tiên năm 1993 không có.

_____________________________________________
Xem thêm về thầy Thanissaro:
Nếp Sống Của Một Thiền Sư
Vài nét về thầy Thanissaro

Vài nét về Thiền Viện Metta Forest Valley Center:

Thiền viện “Metta Forest Monastery là một tu viện thiền trong rừng của truyền thống tu viện trong rừng ở Thái Lan. Được thành lập vào năm 1990 bởi Ajaan Suwat Suvaco, ngày nay được đặt dưới sự chỉ đạo của Thiền sư Thanissaro Bhikkhu (Ajaan Geoff) với tư cách là trụ trì và thiền sư từ năm 1993. Hiện tại có tám nhà sư người Mỹ và một nhà sư Thái Lan đang cư trú.

Tu viện nằm bên ngoài Valley Center of California ở cuối con đường trong một vườn bơ được bao quanh bởi những ngọn núi và nhà nguyện của miền bắc Hạt San Diego. Là một thiền viện, với mục đích chính tạo cho nam nhân có cơ hội xuất gia làm Tỳ kheo để thực hành Pháp và Luật Vinaya do Đức Phật dạy cách đây hơn 2.500 năm.

Cư sĩ cũng được chào đón tại Tu viện để thực hành giáo lý của Đức Phật.

Tu viện mở cửa hàng ngày, quanh năm cho những người muốn đến thăm. Không cần thiết phải gọi trước xin phép. Muốn biết thêm chi tiết xin truy cập trang mạng: monastery etiquette.

 

metta_mapimg-1

Xem mục lục