Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Sát na định không có nghĩa là bạn chỉ chánh niệm trên đề mục trong một sát na, mà nghĩa là định tâm chỉ kéo dài trong một sát na. Định của bạn sẽ như thế này : 1 sát na…1 sát na … 1 sát na, cứ tiếp diễn như vậy không gián đoạn. Không gián đoạn nghĩa là tâm không bị phân tán. Đó chính là khanika samadhi – sát na định. 

---o0o---

Tiếp cận tuệ giác thứ nhất : Chánh niệm hay biết tâm và đối tượng

Tất cả các pháp do duyên cấu tạo đều luôn đổi mới! Không có cái gì là cũ cả. Luôn luôn mới, nghĩa là luôn luôn sanh diệt, bởi vì nếu không diệt thì nó không thể mới! Nó phải cũ; cái gì có đã có lâu tất sẽ thành cũ. Nó luôn luôn mới có nghĩa là nó sanh và diệt. Mới nghĩa là sanh và diệt.

Khi mở mắt điều gì sẽ xảy ra? Tâm có luôn ở đó không? Không, tâm không luôn luôn ở đó, nó sanh và diệt nhanh đến mức ta tưởng nó vẫn luôn còn ở đó, bởi vì nó cùng một loại tâm. Vì nó cùng một loại tâm nên ta tưởng nó vẫn nguyên xi không thay đổi. Nó không phải là một loại tâm, chỉ giống nhau về thể loại tâm. Hai việc đó rất khác nhau. Khi đã thực hành một thời gian dài, bạn sẽ chứng nghiệm được điều này… tâm chánh niệm tự thân nó là sanh diệt, luôn luôn có khoảng trống ở giữa.

Một người mới hành thiền thì không dễ làm được điều đó. Chỉ sau khi đã hành thiền một thời gian dài, rất nhiều ngày, bạn mới có thể kinh nghiệm được rằng luôn luôn có khoảng trống ở giữa. Khi thấy vật đó như “thế này”, nó trông có vẽ rất chắc, nhưng khi “chánh niệm” hơn, bạn sẽ không còn thấy nó là chắc đặc nữa. Tất cả mọi thứ đều dao động và biến dịch. Võng mạc của chúng ta cũng luôn luôn lúc mở lúc tắt, tắt mở, tắt mở… cứ diễn tiến hoài như vậy, rồi đến lúc bạn biết rằng có cái gì đó đang diễn ra trong mắt của mình. Nó giống như nhìn vào màn hình TV, có các chấm sáng sanh diệt. bạn sẽ càng ngày càng thấy rõ hơn điều đó. Một số người khi thực hành đến giai đoạn này phàn nàn rằng mắt họ có cái gì đó không ổn, “Tôi không nhìn rõ mọi thứ, không thể tập trung nhìn được.” Nếu điều đó xảy ra với bạn, chỉ cần tự nhắc mình, “ Đó là điều tự nhiên”. Khi càng chánh niệm, những việc bình thường chúng ta không cảm nhận được sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Khi nghe cũng vậy. Khi ngồi thiền, chúng ta nên học cách mở mắt hành thiền, nhưng với những thiền sinh ngoại quốc thì tốt nhất nên nhắm mắt lại.

Đức Phật dạy hành thiền trong cả khi nghe, nhìn, nếm ngửi, cảm giác trong thân và các suy nghĩ nữa, tất cả 6 căn, không bỏ sót điều gì. Hãy tự huấn luyện mình chánh niệm trên cả 6 xúc xứ như vậy.

Đối với người nước ngoài thì nhắm mắt lại tốt hơn. Khi hành thiền, bạn không thể tắt cái nghe đi được, bạn vẫn nghe thấy tiếng động. Lúc đầu thì bạn suy diễn: “À, đây là tiếng xe tải, đây là tiếng đàn ông, đây là tiếng chân một người đang đi lại ngoài kia.” Bạn cứ suy diễn như vậy. Mỗi khi suy diễn là bạn đã có phản ứng. Bạn không thích cái người nào đó cứ đi lại gần đó, “Ai nói chuyện mà to thế nhỉ? Ở đây ồn ào quá! Xe cộ ở đâu ra mà nhiều thế không biết, tôi phải làm gì bây giờ đây?” Đủ loại suy nghĩ đến trong đầu bạn. Lúc đó chỉ cần rõ biết các suy nghĩ đang đến trong tâm, thấy rõ mình đang suy diễn và bình phẩm. Khi bạn chánh niệm hơn về các phản ứng và diễn dịch của tâm, nó sẽ càng ngày càng ít dần đi. Sau một thời gian, khi tâm mới bắt đầu diễn dịch và phản ứng, bạn nhận biết được ngay và nó liền chấm dứt. Làm nhiều lần như vậy, bạn sẽ không còn phản ứng nữa. Rồi sau một thời gian, khi nghe một điều gì đó, bạn không suy diễn nữa. Một thời gian dài không còn suy diễn, sẽ có một điều kỳ lạ xảy ra với bạn. Dường như bạn không còn kinh nghiệm mọi việc rõ ràng được nữa. Kinh nghiệm của bạn không còn mạnh như xưa.

Chính bởi vì các suy nhĩ, nên chúng ta kinh nghiệm sự việc một cách mạnh mẽ và ấn tượng hơn. Vì vậy, khi không còn suy nghĩ, chỉ còn sự hay biết, chúng ta không thực sự cảm nhận như trước nữa. Tôi muốn nói là mọi sự việc không còn mạnh mẽ, ấn tượng sâu đậm như trước nữa. Ngay cả với cái đau, khi ngồi thiền đầu gối bạn đau cứng, càng phản ứng lại bạn sẽ càng cảm thấy đau hơn. Khi không nghĩ đến nó nữa và chỉ hay biết, cảm nhận mà không cố làm gì nữa, không cố vượt qua, không suy diễn về nó, chỉ sống trọn vẹn với cái đau, sau một lúc bạn sẽ thấy cái đau nhạt dần đi, không còn đau đớn như trước nữa. Chính tiến trình suy nghĩ của chúng ta đã làm phóng đại các cảm giác lên.

Khi bạn không suy nghĩ nữa và chỉ thuần tuý hay biết, suy nghĩ sẽ mờ nhạt đi đến mức chúng ta cảm thấy mình bị mất mát một điều gì. Chúng ta muốn bám víu vào một cái gì đó.

Chẳng hạn có một quả bóng lớn hình cầu, bạn có thể cầm nó bằng một tay được không? Không thể cầm được. Nó là một quả cầu bóng láng, trơn tuột. Nhưng nếu bạn gắn vào nó một cái quai thì có thể xách đi được nhờ vào cái quai. Với cái quai, chúng ta có thể cầm, nắm, xách mọi thứ một cách chắc chắn,không thể rơi hay tuột được, nhưng nếu không có quai, nó sẽ rất trơn và không thể cầm nổi. Khi dừng lại mọi suy nghĩ, bạn tiếp xúc được với thực tại, do vậy không thể bám víu vào một cái gì được nữa. Nó trở nên trơn tuột và mơ hồ, đó là điều sẽ phải xảy ra.

Do đó, hãy ngừng suy diễn về tiếng động, chỉ hay biết nó và bạn sẽ thấy bởi vì có tiếng động nên có cái nghe diễn ra. Cái nghe diễn ra ở đâu? Lúc đầu thì bạn thấy cái nghe diễn ra ở tai của mình. Thậm chí bạn còn cảm nhận được sóng âm thanh đập vào thành tai nữa. Bạn thực sự cảm nhận được điều ấy. Nếu thật nhạy cảm, thậm chí bạn có thể cảm nhận được sóng âm thanh trên làn da mình nữa, không chỉ ở lỗ tai mà nó còn va đập vào da của bạn nữa. Bạn trở nên rất nhạy cảm với tiếng động và sau một thời gian, thậm chí tiếng động cũng thực sự trở thành một nỗi khổ đối với bạn nữa. Một người bạn của tôi là thiền sinh và cũng là một bác sĩ (tôi nghĩ các bác sĩ rất chịu khó làm việc, và vì vậy họ có thói quen làm , việc chăm chỉ, cần mẫn. Thực tế để trở thành bác sĩ, bạn phải làm việc thật chăm và khi hành thiền họ cũng rất chăm chỉ). Anh ấy nói, “Khi hành thiền, lúc đầu tôi nghĩ tiếng động ở ngoài kia (anh ấy sống trong một khu đông dân có rất nhiều xe cộ, cũng ở một góc phố như ở đây) và nó đến với tôi, tôi cảm nhận được tiếng động ở tai mình.” Về sau anh lại nghĩ, “Tiếng động đang diễn ra trong tai tôi.” Sau đó một thời gian nữa, anh nhận ra rằng tiếng động đang diễn ra trong tâm. Anh có thể cảm nhận được điều đó trong tâm. Tâm hay biết và đối tượng, chúng xúc chạm nhau, bạn cảm nhận được sự xúc chạm đó, tâm và đối tượng chạm nhau. Hãy cố cảm nhận điều đó, hãy chánh niệm về tiếng động, về các loại âm thanh khác nhau. Đừng nghĩ về nó. Lúc đầu bạn nghĩ tiếng động nằm ở ngoài kia. Sau một thời gian, bạn phát hiện rằng tiếng động đang diễn ra trong lỗ tai. Về sau bạn lại cảm nhận nó ở trong tâm mình.

Không có tâm, không thể nhận biết bất cứ điều gì. Bởi vì có tâm hay biết sanh khởi nên bạn mới thấy mình nhận biết âm thanh.

Hãy cố gắng rõ biết toàn bộ cả quá trình, và trong quá trình đó bạn có thể phản ứng lại bằng thích hay không thích, bạn cũng rõ biết luôn điều đó nữa… Tôi thích âm thanh này, không thích tiếng động kia. Mỗi khi bạn phản ứng như vậy, hãy chánh niệm hay biết điều đó. .. cái này nghe hay quá, cái kia nghe thật dở, thật khổ khi cứ nghe mãi tiếng động này. Thường thì mắt chúng ta không cảm nhận được cảm giác dễ chịu (lạc thọ) hay khó chịu (khổ thọ). Mắt chỉ kinh được những cảm giác trung tính (không khổ, không lạc) mà thôi. Nhưng khi nhìn chúng ta lại suy diễn thêm và khi thích thì chúng ta lại thấy vui vẻ, hạnh phúc, không thích thì buồn bực, đau khổ, điều đó không phát xuất từ nhãn thức, mà chính từ tâm thức. Khi chúng ta không suy diễn nữa, khi chúng ta dừng lại chính nơi nhãn thức dừng, chúng ta sẽ không có bất cứ cảm giác lạc hay khổ nào cả. Tất cả mọi thứ đều trở thành trung tính, không khổ, không lạc. Khi nhìn một vật nào đó, không có gì là khổ hay lạc trong cái nhìn ấy cả. Chỉ có sự suy diễn trong tâm khiến nó thành khổ hay lạc, dễ chịu hay khó chịu mà thôi. Khi nhìn một ánh sáng chói mắt như hàn điện chẳng hạn, nó sẽ làm mắt ta khó chịu, đau đớn. Vấn đề nảy sinh ở đây là đối tượng của con mắt đau hay sắc (rupa) đau. Thực ra không phải võng mạc cảm nhận cái đau mà một bộ phận khác của cơ thể cảm nhận nó. Với tai cũng vậy. Tai chỉ nhận biết được âm thanh chứ không cảm nhận được cái đau, nhưng tất cả chúng đều xảy ra ở cùng một chỗ. Chúng hoà lẫn, hợp nhất với nhau.

Hãy cố gắng hiểu thật rõ những điều này, bởi vì đây là những bản chú giải cổ mà tôi muốn giải thích rõ.

Khi hành thiền bạn không cần phải suy nghĩ đến những điều này, chỉ cần cố gắng biết những gì đang diễn ra. Đừng suy nghĩ và cố tìm hiểu, mà chỉ cảm nhận nó một cách trực tiếp. 

Cũng vậy, đối với mũi và mùi hương, ví dụ đôi khi ngồi thiền bạn ngửi thấy có cái gì đó cháy, bởi vì hầu như lúc nào thiền đường cũng thắp hương. Một số người thích, nhưng một số khác lại không. Bạn ngửi thấy mùi hương và suy nghĩ về nó. Mùi này thơm quá, và khi không thích thì bạn nói, “Sao mấy người lại thích cái mùi kinh khủng này. Tại sao họ lại đốt những thứ này ở đây nhỉ? Nó có hại cho phổi,” bạn bắt đầu suy nghĩ. Khi bắt đầu nghĩ ngợi như vậy, hãy chánh niệm hay biết các suy nghĩ đó; thích hay không thích chỉ là sự suy diễn của chúng ta. Chúng ta đã quen ưa cái này, ghét cái nọ, đó chính là thói quen bị điều kiện hoá của chúng ta. Nếu bạn thức sự cảm thấy nó không tốt cho phổi của mình – một số người bị dị ứng với các loại mùi – thì có thể ngồi ra một chỗ khác.

Điều quan trọng là đừng phản ứng, đừng suy diễn gì cả.

Khi ngửi một mùi gì, chỉ chánh niệm rõ biết nó, bởi vì có mùi đó nên mới có tâm biết đó; bởi vì có một bộ phận trong thân nhạy cảm với mùi nên tâm hay biết này mới sanh khởi. Các giác quan, đối tượng và tâm hay biết (căn, trần, thức), khi hành thiền bạn có thể hay biết cả ba, nhưng đừng cố suy nghĩ về chúng. Bạn có thể chánh niệm về bất cứ phần nào trong ba phần đó, và chỉ cần chánh niệm một phần là cũng đủ. Đừng cố phải thấy cho được cả ba phần khác nhau này, người khác dễ thấy được phần khác, nhưng chỉ là cùng một tiến trình mà thôi. Bạn chỉ cần chánh niệm về một phần của nó là đủ. Nếu cố gắng quá mức bạn sẽ bị trạo cử và bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về nó.

Đối với thân cũng vậy, bạn cảm nhận được cái gì đó thì chỉ cảm nhận mà đừng suy diễn về nó.

Thông thường khi ngồi thiền chúng ta cũng chẳng có gì để nếm cả. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy vị chua trong miệng nhưng không rõ rệt lắm, không quan trọng. Nhưng khi ăn, thấy vị ngon là chúng ta thích liền, không ngon thì lại không ưa. Có một phản ứng luôn luôn xảy diễn. Ngửi thấy mùi thức ăn là chúng ta đã thấy thích hoặc không thích. Thông thường trong khi ngồi thiền chúng ta không ăn, không cần thiết phải ăn lúc đó. Trong mọi lúc, chúng ta phải luôn cảm nhận, hay biết một điều gì đó trong thân. Chẳng hạn khi hít vào, thở ra, đó là một loại cảm giác; một luồng không khí xúc chạm nhẹ nhàng trong lổ mũi, ra- vào, luôn luôn có cảm giác tại đó. Vậy chúng ta hãy cảm nhận trực tiếp cảm giác đó mà không nghĩ về nó, nó có thể là ngắn hay dài, nhưng mục đích chính là hay biết cả quá trình. Trong kinh nói rằng: Khi thở vào một hơi thở dài biết mình đang thở vào dài (Digham va assasanto: Digham assasamiti pajanati ~ MN i.56) . Đọc chỗ này, có thể bạn sẽ cho rằng mình phải hiểu như sau: “Tôi đang thở vào dài, tôi đang thở ra dài”. Nếu cố làm như thế, tâm bạn sẽ bị trạo cử, không yên; như vậy là bạn đang làm quá mức. Đối với người mới bắt đầu thì chỉ cần nói “thở vào” hoặc chỉ “vào” và cảm nhận toàn bộ hơi thở từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt.

Hãy cảm nhận chứ đừng suy nghĩ về nó. Khi thực sự chấm dứt suy nghĩ và cảm nhận trực tiếp, ngay lập tức tâm bạn chuyển sang một kênh khác (trong TV của bạn cũng có nhiều kênh khác nhau như vậy.) Cách thức hoạt động của tâm cũng thay đổi.

Bất cứ khi nào phải dùng đến ngôn từ là chúng ta đang hoạt động trong thực tại thông thường. Khi ngừng sử dụng bất cứ loại ngôn từ, hình dáng hay hình ảnh nào, tâm của chúng ta sẽ hoạt động trong một kênh khác và trong thiền thì chúng ta làm việc trong một kênh khác như vậy. Chúng ta cố gắng hiểu mọi việc theo một cách khác, không theo cách thông thường mà chúng ta quen hiểu nữa. Ngay khi bạn sử dụng ngôn từ là bạn đem tâm trở về với cách thức hoạt động và nhận biết thông thường. Điều này thường xảy đến trong giai đoạn đầu hành thiền. Chúng ta không thể loại bỏ nó ngay lập tức được. Mỗi khi nó xuất hiện, hãy nhận biết nó.

Cũng vậy, suy nghĩ, niệm thầm chỉ có ích cho người mới bắt đầu hành thiền, sau một thời gian, bạn phải buông bỏ nó.

Cũng giống như việc bạn phải dùng gậy chống để đi lại. Khi yếu mệt, bạn cần có một cái gì để chống: Một cây gậy chống hay thậm chí một sợi dây để vịn. Những người tàn tật hoặc trong giai đoạn hồi phục sau một chấn thương, khi tập đi lại họ phải cần vịn vào một cái gì đấy để khỏi bị ngã. Họ vịn vào một sợi dây và đi chầm chậm. Nhưng khi đã đi lại bình thường rồi thì không cần vịn dây nữa, họ buông bỏ nó, bởi vì nếu cứ tiếp tục vịn dây thì sao? Họ bị phụ thuộc vào nó và nó trở thành một chướng ngại. Chẳng hạn bạn phải dùng một cây gậy chống để tập đi. Mỗi bước đi bạn phải chống cây gậy xuống, và bước một bước tiếp và lại chống cây gậy xuống một lần nữa. Nếu bạn yếu và đi rất chậm thì cây gậy rất có ích, nhưng khi đã học chạy mà vẫn còn làm vậy, mỗi bước lại chống gậy xuống đất một lần, bạn có thể làm như thế được không? Nếu cố làm thế, bạn sẽ phải chạy chậm lại. Vậy lúc đó hãy vứt cây gậy đi. Nó rất có ích đấy nhưng bây giờ thì không còn cần thiết nữa.

Bạn cần phải thật khéo léo, thiện xảo trong cách thực hành của mình.

Đối với người mới bắt đầu, niệm thầm rất có ích, “hít vào, thở ra, hít vào… thở ra…” bởi vì tâm bạn thường hay tán loạn và trạo cử, không yên. Giữ tâm mình chỉ an trụ trên hơi thở thôi thì khó, vì vậy bạn phải dùng cách niệm thần để kéo tâm mình trở lại với hơi thở.

Khi đã học được cách an trú tâm trên hơi thở thì bỏ niệm “thở vào dài”, chỉ niệm “vào”, “ra”. Sau một thời gian thì “vào, ra” cũng bỏ nốt, không cần niệm gì nữa.

Đối với người mới tập thiền, có rất nhiều cách để phát triển định tâm và chánh niệm. Như trước đây tôi đã nói với các bạn, trong một hơi thở bạn có thể đếm một, hai, ba, bốn, năm, sáu cho đến mười. Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì bạn muốn giữ tâm trên hơi thở; hơi trước nối tiếp hơi thở sau. Nếu không làm như vậy thì giây trước bàn còn biết hơi thở, giây sau tâm đã chạy mất, nghĩ ngơi một chuyện gì đó mất rồi. Để tâm không lang thang nghĩ ngợi chuyện này chuyện kia, bạn hãy cố gắng đếm. Nó rất có ích cho những người mới bắt đầu.

Sau một thời gian thì không cần đếm, không cần niệm, không cần làm gì nữa, chỉ sống trọn vẹn với từng hơi thở.

Khi hành thiền, bạn sẽ cảm nhận được nhiều cảm giác trên cơ thể. Có khi thấy nóng, có lúc lại lạnh, ngứa ngáy, lúc khác lại đau. Khi cảm giác trở nên rất mạnh, một cách tự nhiên tâm bạn sẽ hướng về cảm giác đó. Bạn không thể ngăn chặn tâm hướng đến đó được. Khi nó đi đâu, hãy theo sát nó, không sao cả. Trong thiền Vipassana, bạn có thể thay đổi đề mục được. Miễn là luôn có chánh niệm hay biết đề mục, miễn là đừng suy nghĩ miên man là được. Vì vậy, định trong thiền Vipassana mới được gọi là khanika samadhi, hay có thể dịch ra là sát na định (định trong từng khoảng khắc). Sát na định nghĩa là đề mục thay đổi, nhưng định tâm vẫn có. Một đề mục hiện hữu trong vài khoảng khắc, bạn an trụ trên đề mục đó, khi đề mục đó biến mất, tâm bạn lại an trụ trên một đề mục khác, trong một vài khoảng khắc, thực ra chỉ trong một khoảng khắc và bạn cũng an trụ trong đó.

Sát na định không có nghĩa là bạn chỉ chánh niệm trên đề mục trong một sát na, mà nghĩa là định tâm chỉ kéo dài trong một sát na. Định của bạn sẽ như thế này : 1 sát na…1 sát na … 1 sát na, cứ tiếp diễn như vậy không gián đoạn. Không gián đoạn nghĩa là tâm không bị phân tán. Đó chính là khanika samadhi – sát na định.

Khi có bất cứ cảm giác nào xảy đến, dù đó là tiếng động hay cảm giác đau, không sao cả, hãy luôn theo sát và hay biết nó.

Khi hành thiền thì bất cứ điều gì diễn ta trong hiện tại cũng là đề mục thiền của bạn; không phải là điều xảy ra trước hoặc sau đó. Đây là một ví dụ rất hay: Một ngày trời mưa, sấm chớp bão bùng, bạn hãy ra ngoài và nhìn lên bầu trời, có lúc bạn thấy tia chớp, nó chỉ kéo dài một vài giây rồi biến mất. Bạn không thể nói được hình dạng của nó như thế nào. Khi nó xảy đến, bạn chỉ hay biết nó. Khi nó không có ở đó thì không có ở đó nữa, bạn không cần phải suy nghĩ về nó.

Hãy sẵn sàng, luôn luôn có mặt rồi đề mục sẽ đến và bạn rõ biết nó. Đừng chờ đợi cái gì đến tiếp, đừng cố tạo ra một kinh nghiệm nào, chớ làm cho kinh nghiệm thiền của mình phải tốt hơn. Nhưng hãy sống với bất cứ cái gì đang diễn ra, sống hoàn toàn trọn vẹn với nó. Đó là điều quan trọng nhất của thiền: Sống trọn vẹn với bất cứ cái gì đang hiện hữu.

Bạn không thể ngồi suốt cả ngày được. Cơ thể chúng ta cần vận động, cần phải tập thể dục, cần thay đổi tư thế. Điều này rất quan trọng, bởi vì Đức Phật dạy rằng, khi bạn giữ nguyên một tư thế quá lâu – tôi không biết thời gian bao nhiêu lâu là quá lâu – điều đó tuỳ thuộc vào từng người, thân sẽ đau đớn. Khi thân thể đau đớn, không thể chịu đựng nổi thì tâm sẽ trở nên tán loạn trạo cử, khi tâm tán loạn thì không còn an lạc, tĩnh lặng, không còn định tâm nữa; không có định tâm thì không có tuệ giác; không có tuệ giác thì không có giải thoát! Khi cơn đau đã đến mức không thể chịu đựng nổi thì bạn đừng cố chịu đựng nữa. Hãy thay đổi tư thế. Khi bạn thay đổi tư thế, hãy làm thật chánh niệm. Đang ngồi mà muốn dịch chuyển một chút, bạn có thể làm. Dịch chuyển một cách từ từ, chầm chậm và bạn thấy cơn đau giảm dần. Bạn cảm nhận cơn đau giảm dần từng chút một; đừng đổi tư thế ngay lập tức mà quên chánh niệm về cử động và sự giảm bớt cơn đau. Làm như vậy sẽ có một khoảng trống mà bạn không ý thức được. Khi cơ thể bị đau đớn, tâm bạn không thích điều đó. Bạn muốn tống khứ, xua đuổi cái đau đi. Đây là một thói quen, nhưng nó cũng có ích, bởi vì nếu không làm được một điều gì đó với nó, bạn có thể tự gây thương tổn cho bản thân mình mà không biết. Chẳng hạn như khi cầm phải một vật gì thật nóng, chúng ta phải buông nó ra ngay lập tức, nếu không sẽ bị bỏng liền. Đây là một phản ứng bản năng sống còn mà chúng ta đã học được. Khi ngồi thiền chúng ta biết không có gì nguy hiểm ở đây cả.

Khi bạn bị đau, hãy sống với cái đau đó, kham nhẫn chịu đựng đến mức có thể được,quan sát xem tâm mình phản ứng như thế nào. Đây là một quá trình học hỏi rất quan trọng.

Đức Phật đã cho một lời dạy thật là sâu sắc “ Hãy để cho thân đau chứ đừng để tâm đau” ( aturakayasa me sato, cittam anaturam bhavissatitti ~ SN iii.1 ). Đó là điều bạn cần thực hành ! Chúng ta không thể loại bỏ được tất cả mọi đau đớn trong thân. Khi ngày càng lớn tuổi, bạn biết rằng mình sẽ chung sống với cái đau. Những người bị thấp khớp, họ không có cách nào chạy thoát khỏi đau đớn được. Nếu bạn sử dụng quá nhiều thuốc, nó sẽ làm hỏng gan, thận và các bộ phận khác trong cơ thể. Nếu bạn muốn dùng thuốc thì cũng được; đó không phải là điều tôi đang nói đến ở đây. Đối với những cơn đau bình thường không gây tác hại nhiều lắm thì hãy cố gắng sống với nó và quan sát xem tâm mình phản ứng ra sao. Nhiều lúc, chúng ta thay đổi tư thế không phải vì đau đến mức không chịu nổi, mà bời vì tâm nóng nảy, bứt rứt, không yên. Chúng ta dịch chuyển, cựa quậy liên tục vì chúng ta không có thói quen kham nhẫn với cái đau

Xem mục lục