Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Phần 1 : Chánh niệm hay biết tâm và đối tượng

Nhưng để được mãn nguyện thì đừng ngóng vọng đi tìm những thứ bên ngoài. Không có cái gì ở bên ngoài khiến bạn mãn nguyện được đâu. Điều duy nhất là cho bạn mãn nguyện là tiếp cận và sống thật sâu sắc với bản chất tâm linh của mình, một bản chất cao thượng và đẹp đẽ.

Tiếp cận tuệ giác thứ nhất: Chánh niệm hay biết tâm và đối tượng

Tôi rất vui khi thấy các bạn đến đây học pháp. Nhìn thấy các bạn hành thiền khiến tôi rất hạnh phúc. Bạn muốn sự vui vẻ, và tất nhiên tất cả chúng ta ai cũng đều muốn vui vẻ và mãn nguyện. Chúng ta tìm kiếm sự thoả mãn, chúng ta cố gắng tìm kiếm nó trong suốt cuộc đời. Nếu hỏi rằng, "Mình đã tìm được một điều gì thực sự mãn nguyện, bền vững, mạn lại thoả mãn lâu dài cho mình chưa?" … hầu hết chúng ta đều nói, " Chưa tìm được.” Chúng ta làm hết công này đến việc kia, và cảm thấy thoả mãn trong phút chốc, có thể trong vài giờ, có thể vài ngày, sau đó sự mãn nguyện đó cũng tan biến dần. Nếu muốn an vui, mãn nguyện và hoàn mãn (đó là điều khó làm nhất; hoàn mãn, thành đạt đầy đủ, không muốn thêm một điều gì nữa, không thiếu thốn một cái gì nữa, hoàn mãn là ngược với trống rỗng. Hoàn mãn là đầy đủ, hoàn toàn mãn nguyện), nếu muốn hoàn mãn, hãy tiếp cận với phần tâm linh của chính mình. Đừng đi ngóng vọng tìm những thứ bên ngoài để làm cho mình được mãn nguyện. Chúng ta cần rất nhiều thứ để sống, để sinh hoạt, để khoẻ mạnh.

Nhưng để được mãn nguyện thì đừng ngóng vọng đi tìm những thứ bên ngoài. Không có cái gì ở bên ngoài khiến bạn mãn nguyện được đâu. Điều duy nhất là cho bạn mãn nguyện là tiếp cận và sống thật sâu sắc với bản chất tâm linh của mình, một bản chất cao thượng và đẹp đẽ.

Con người chúng ta có thể nói là có hai loại bản chất khác nhau: Một bản chất cao thượng và một bản chất hạ liệt. Nếu nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) bạn sẽ thấy hai loại tâm sở khác nhau. Một là các tâm sở "đẹp” (tịnh quang tâm sở) và một bên là các tâm sở "không đẹp”. Chúng ta có đầy đủ cả hai đặc tính đó. Chẳng hạn ích kỷ là không đẹp, hào phóng, rộng rãi là đẹp; não hại người là không đẹp; tự chế là đẹp, thất niệm là không đẹp. Nhìn vào tâm mình, bạn sẽ thấy, khi thất niệm, tâm của bạn trở nên trạo cử, bất an, phóng đi hết chỗ này, chỗ nọ như một kẻ vô gia cư, lang thang vật vờ, không đi đến đâu cả, sống vạ vật đầu đường xó chợ, sở hành không lấy gì làm tốt đẹp.

Tâm không chánh niệm cũng như một kẻ vô gia cư, không an toàn, chẳng hạnh phúc. Khi có chánh niệm, bạn cảm thấy thực sự như đang ở trong nhà mình. Cho nên chánh niệm chính là ngôi nhà của bạn.

Khi chánh niệm, bạn ở trong nhà; khi thất niệm, bạn lang thang ngoài đường, chẳng đi đến đâu.

Hãy sống với phần tâm linh của mình, phần tốt đẹp trong con người mình… hãy chánh niệm.

Nếu bạn thực sự mong muốn một điều gì đó, thì sẽ luôn có cách để đạt được nó. Điều đó nghĩa là, nếu thực sự muốn chánh niệm, bạn sẽ có cách để làm điều đó. Không khó đâu…nếu bạn thực sự muốn chánh niệm… chúng ta cần phải làm rõ mục đích của mình. Bạn có thực sự muốn chánh niệm không? Trừ phi chúng ta ngày càng chánh niệm hơn, bằng không sẽ chẳng có cách nào để cảm nhận hạnh phúc, an vui và mãn nguyện được.

Thế giới này là nơi dành cho những cơ hội. Đúng vậy, chúng ta có mặt ở đây là một cơ hội, được sinh làm người ở trong thế giới loài người. Khi tôi đọc những câu chuyện về các vị Bồ tát (Bodhisattvas), tôi nhận ra rằng Bồ tát không thích ở những nơi quá tốt đẹp và hoàn hảo. Vì sao vậy? Tôi nghĩ điều này cũng dễ đoán thôi! Bạn không có gì để học cả. Mọi thứ đều quá hoàn hảo, quá tuyệt vời rồi. Các vị Bồ tát cố ý đến những nơi phải đương đầu với khó khăn. Khi tôi đọc câu chuyện về Đức Phật và người anh họ đã đem vô số phiền toán, rắc rối đến cho Ngài, người đó là ai? Đó là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa),ông ta đã tạo ra nhiều rắc rối cho Đức Phật. Tôi biết ơn Devadatta về chính những việc làm đó. Điều này nghe có vẻ thật phi lý, vì sao? Bởi vì chính nhờ có Devadatta mà chúng ta mới hiểu rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp của Đức Phật. Nếu không nhờ vậy làm sao chúng ta biết? Chính Devadatta, về một mặt nào đó, đã giúp Đức Phật phô bày sự toàn hảo của Ngài.

hế giới là một nơi đầy cơ hội, và tôi tìm kiếm cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Mỗi một khó khăn là một cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Nếu thực sự hiểu được điều này, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời là vô nghĩa, dù cho bất kể chuyện gì xảy đến.

Nếu chỉ phản ứng lại và tạo thêm những hành động bất thiện thì sẽ chẳng thể học hỏi và trưởng thành lên được.

Đó là điều chúng ta đang làm ở đây, giữ chánh niệm trong mọi lúc, suốt ngày… nhìn… nghe… rất nhiều việc và tâm chúng ta luôn phản ứng.

Chỉ nhờ quan sát cách thức của tâm đối với những kinh nghiệm như vậy, chỉ nhờ làm vậy chúng ta mới học hỏi và trưởng thành lên được.

Từ bây giờ trở đi, hãy nghĩ rằng bạn là học sinh suốt đời của một trường học vĩ đại… học bạ của bạn là toàn bộ các quan hệ của bạn với thế giới bạn đang sống, từ khi chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay. Đó là một trường học không chính thức. Mỗi sự thử nghiệm là một bài học giá trị để học hỏi, mỗi kinh nghiệm đề là điều giá trị để học hỏi. Bí quyết ở đây là hãy đơn giản biến bất cứ nơi nào bạn sống thành giảng đường học tập của mình.

Đến giờ, chúng ta đã biết đề mục của thiền là thực tại chân đế (paramattha), là tính chất tự nhiên của các hiện tượng thân tâm. Lấy một ví dụ, cái nhìn chẳng hạn… tất cả mọi người đều có thể nhìn, nhưng người hành thiền nhìn sự việc khác với người thường. Bạn làm gì khi hành thiền; chánh niệm về sự nhìn; bạn nhìn một cái gì đó và hoàn toàn cảm nhận được nó mà không hề suy nghĩ về nó. Điều này rất quan trọng, không suy nghĩ về nó. Suy nghĩ không phải là thiền Vipassana; nó là thiền chỉ (samatha); phải thật rõ về hai loại thiền này. Một số người học thiền đâu đó rồi nói rằng khi ngồi thiền phải suy tư một việc gì đó. Đúng, đó cũng là một loại thiền, gọi là thiền chỉ (samatha); giống như thiền tâm từ (metta –bhavana), bạn nghĩ về mọi người với tâm từ ái. Niệm Phật (Buddhanussati- bhavana) cũng vậy, bạn quán niệm về Đức Phật và các phẩm chất của Ngài, định tâm vào các ân đức đó, tâm bạn tự động an trụ và một mức độ nào đó, nó cũng có được những đức tính ấy. Ngay cả tâm từ cũng vậy. Khi đã quen rải tâm từ, có lúc ngay cả khi không nghĩ về người nào, bạn vẫn thấy trong mình có một tình thương. Bạn có thể thâm nhập vào trạng thái đó, đó thực ra là tâm từ ở trình độ cao; bạn không còn nghĩ về tâm từ nữa nhưng vẫn cảm nhận được nó. Bạn cảm thấy trong lòng rất ấm áp, nhân hậu, dịu dàng và rộng rãi.

Nhưng chúng ta đã quá quen với suy nghĩ, đến nỗi ngay cả khi hành thiền Vipassana, suy nghĩ cũng chen vào, suy nghĩ về thiền hay về mọi việc. Chúng ta nhận xét, đánh giá kinh nghiệm của mình. Có một cái gì đó trong tâm rất thích bình phẩm, đánh giá, một bình luận viên, giống như khi xem chương trình thời sự hoặc trong một bộ phim, một bình luận viên luôn mồm diễn giải, bình luận về những điều đang xảy ra; tâm ta cũng y hệt như vậy. Nó luôn diễn giải mọi sự: Cái này là cái này, cái này tốt, cái kia xấu. Trong tâm có một bình luận viên luôn mồm bình phẩm.

Bạn đang hành thiền, mọi việc đang tiến triển rất tốt đẹp, rồi bỗng nhiên lại suy nghĩ, " Ô bây giờ thật là tuyệt, mọi thứ đang diễn ra hết sức tốt đẹp.”

Khi hành thiền chúng ta phải hiểu là không cần suy nghĩ: Các suy nghĩ vẫn đến nhưng chúng ta không khuyến khích chúng, dù chúng có hay ho đến đâu chăng nữa. Hồi tôi mới tập thiền, nhiều suy nghĩ rất đẹp thường nảy sinh trong đầu, suy nghĩ này tiếp nối suy nghĩ khác, chúng kết nối với nhau rất khéo, rất thú vị. Tôi trở thành dính mắc với những ý nghĩ về Phật pháp đến nỗi không thể buông bỏ chúng được. Tôi yêu thích chúng, tôi muốn ghi nhớ những suy nghĩ ấy, nhưng về sau nó trở thành một chướng ngại rất lớn đối với tôi. Tôi hành thiền với các bạn đồng tu, nhiều người trong số họ không phải là người trí thức cao, sách vở chẳng đọc nhiều, họ chỉ đọc một số sách Phật pháp, các lãnh vực khác thì hầu như chẳng biết tí gì và họ chẳng suy nghĩ nhiều. Vì còn trẻ nên tôi thích viết lách, thích viết những bài luận thật tinh tế, uyên áo, những bài pháp thật hay; vì ước muốn đó mà mỗi khi hành thiền các suy nghĩ rất hay về Phật pháp cứ đến và tôi không thể buông bỏ chúng được. Tôi muốn phải viết chúng ra bằng được. Vì lý do đó mà tôi phải mất nhiều thời gian hơn tất cả các bạn đồng tu, những con người ít học, không phải dân trí thức. Họ tu luyện được định tâm sâu sắc hơn và tiếp cận được với thực tại, họ phát triển được mức định rất thâm sâu. Đôi khi tôi cảm thấy rất xấu hổ," Những người không được học hành tử tế đó hoá ra lại tu tập giỏi hơn mình nhiều." Sư ganh đua bắt đầu khởi lên trong tôi, "Anh ta tu tập giỏi hơn mình, nhất định mình cũng sẽ làm được như anh ta.” Khi chúng tôi cùng đến gặp sư phụ, người hỏi tôi, "Thiền của con thế nào rồi?" " Không có gì đặc biệt,” tôi đáp, "nhưng con cảm thấy an lạc hơn." Tôi chẳng có gì để nói cả, ngoại trừ cảm thấy an lạc hơn một chút.

Một lần, một tuệ giác rất rõ ràng và đơn giản xuất hiện trong tâm tôi. Nó cho thấy trước nay tôi vẫn còn luôn sợ hãi, e ngại một điều gì đó. Tâm tôi trở nên thật tĩnh lặng, an lạc trong vài giây, sau đó tôi nhớ lại rằng trong đời mình chưa được hưởng niềm hạnh phúc nào như thế. Đó không phải là một tuệ giác sâu sắc gì, thực ra cũng chẳng phải tuệ giác (nana)nữa; nó chỉ là một sự tĩnh lặng và chánh niệm, một sự chánh niệm hoàn toàn, yên tĩnh và rất thoải mái, không nghĩ ngợi về một điều gì cả, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai, chỉ là một sự an lạc, tĩnh lặng trong một vài giây ngắn ngủi. Khi ra khỏi trạng thái đó, tôi biết rằng trước nay mình chưa bao giờ cảm nhận được sự an lạc đó. Tôi sợ mình không trở thành một người thành đạt, không yêu và không được yêu, rất nhiều lo sợ. Đôi khi nỗi sợ này rất mơ hồ, thậm chí bạn không thể nói về nó được, nhưng bạn cảm nhận được điều ấy, cảm nhận được mình đang mang một nỗi sợ trong lòng. Dẫu sao, trong lúc hành thiền, không nên suy nghĩ điều gì, khi có suy nghĩ đến, hãy nhận biết rồi buông bỏ. Sau này, khi thực hành một loại thiền Vipassana khác là niệm tâm (cittanupassana), thì bạn mới có thể nhìn thẳng vào nó. Nhưng đối với những người mới bắt đầu thì không nên theo dòng suy nghĩ, bởi vì nếu đi theo, nó sẽ tiếp diễn mãi không ngừng.

Ví dụ, khi nhìn một vật gì đó, cái chúng ta thực sự nhìn thấy là gì? Chúng ta chỉ nhìn thấy các màu sắc, và các màu sắc này chỉ là phản ứng của võng mạc mà thôi. Giải thích một cách khoa học thì đó là những phản ứng trên võng mạc được não bộ chúng ta chuyển ra thành màu sắc. Vậy thì cái gì đi đến đập vào võng mạc? Đó là sắc (rupa). Sắc không phải ở bên ngoài, thực sự chúng ta cũng không biết có cái gì ở ngoài đó. Khi chúng ta nhìn, có một cái gì đó xảy ra trong mắt chúng ta, cả trong vỏ não và trong tâm nữa. Tất cả chúng đều nối kết với nhau. Đó chính là những hạt photon với năng lượng và tầng số khác nhau mà hệ thống thần kinh của chúng ta phản ứng và tạo ra các xung động điện với cường độ khác nhau, chính cái đó tạo nên màu sắc. Những người bị mù màu, dù bạn có đưa cho họ xem nhiều loại màu khác nhau họ cũng không thể nhìn thấy hết, cái họ nhìn thấy được chỉ là một vài mảng màu. Màu sắc thì vẫn có đó, nhưng họ không nhận biết được. Cái chúng ta cho là màu sắc và cái thấy, chỉ là các kinh nghiệm của chúng ta, không phải là một cái gì ở bên ngoài, hãy cố gắng hiểu điều này. Cái chúng ta nhìn thấy chỉ là kinh nghiệm của chính chúng ta mà thôi, chúng ta không thực sự thấy được những cái bên ngoài đó. Có thể bên ngoài có một cái gì đó, đúng là có một cái gì đó thật, nó là cơ sở cho kinh nghiệm của chúng ta nhưng thực sự chúng ta không biết nó là cái gì. Chúng ta kinh nghiệm thấy một cái gì đó rơi vào võng mạc và ở đó phản ứng xảy ra, võng mạc sản sinh ra một xung động và hệ thống thần kinh truyền tải xung động đó về não bộ. Não bộ được kết nối với tâm, nên chúng ta diễn dịch và nhận thức kinh nghiệm đó. Rất khó giải thích về những điều này. Khi nhìn một người nào đó, thì đó là sự diễn dịch trong tâm chúng ta, không phải ở con mắt; con mắt không biết một thứ gì hết ngoài màu sắc.

Khi hành thiền chúng ta cố gắng làm điều đó, cố gắng chánh niệm về những gì mình nhìn thấy. Lúc đầu thì các suy nghĩ cứ miên man không dứt: Cái này đẹp, cái kia hay. Sau một thời gian, bạn quan sát những ý nghĩ đang xảy đến, chúng sẽ chậm dần, chậm dần rồi dừng lại. Khi suy nghĩ dừng lại. lúc đầu bạn cảm thấy mình không kinh nghiệm được cái gì cả, kinh nghiệm này rất mơ hồ, chỉ không còn một suy nghĩ nào nữa. Nó trở nên vô nghĩa, thực ra nó là vô nghĩa! Chúng ta tạo ra các ý nghĩa, ở một mức độ nào đó thì việc đó cũng quan trọng, nhưng khi hành thiền Vipassana, chúng ta cố gắng chứng nghiệm một điều nằm ngoài kinh nghiệm thông thường, không phải là thực tại thông thường nữa, tự nhiên nhưng không thông thường.

Chúng ta tự tạo ra các ý nghĩa, chúng ta diễn dịch, và thực ra chúng ta hiểu sự diễn dịch của chính mình. Khi hiểu ra một điều gì, thì đó là sự diễn dịch của chính chúng ta. Chúng ta thống nhất sự diễn dịch của mình với nhiều người khác. Bạn diễn dịch sự việc theo một cách nhất định và tôi cũng diễn dịch sự việc theo một cách nhất định. Chúng ta có sự thoả thuận ở đây, và chúng ta nghĩ "đúng, đúng nó là như thế," nhưng thực ra đó chỉ là sự đồng ý về cách diễn dịch. Chúng ta không thực sự biết được cái gì có ở bên ngoài đó. Chúng ta chỉ đồng ý với nhau về cách diễn dịch.

Nếu tôi nhìn vào tấm thảm như thế này, không suy nghĩ, mọi suy nghĩ dừng lại, tôi chánh niệm về cái mình đang nhìn: Mẫu mã, màu sắc ra sao, thậm chí ngay cả hình thức, mẫu mã cũng là một sự tập hợp, ráp nối và tôi cũng chẳng nghĩ về tấm thảm nữa. Lúc đó không còn là tấm thảm nữa. Chỉ có cái mà tôi đang nhìn. Chỉ có các màu sắc khác nhau, nó không còn là tấm thảm nữa. Khi đạt đến trình độ đó, bạn đã tiếp cận được với thực tại chân đế paramattha. Với người mới tập thiền thì không dễ làm được điều đó.

Do vậy, khi nhìn chúng ta chánh niệm về đối tượng đang đến với con mắt, có thể nói như vậy, và khi chấm dứt mọi suy nghĩ, chánh niệm hợn nữa, bạn sẽ thấy rõ được tâm chánh niệm,cái đang biết đối tượng. Có một cái biết đang có một cái gì đó ở đây. Bạn chánh niệm về chính tâm chánh niệm của mình. Điều này rất quan trọng. Chỉ khi đó thì tiến trình mới được hoàn toàn đầy đủ. Đối tượng, bạn hay biết đối tượng và thấy rõ được sự hay biết đó: Hai sự việc đang diễn tiến. Điều này sẽ xảy đến dần dần. Đó là điều chúng ta đang cố gắng làm.

Một người mới hành thiền, khi nhìn một cái gì đó, ngay lập tức cái tâm liền suy diễn, đánh giá: "Ồ cái này hay, tôi thích cái này, cái này đẹp.” Đó có thể là một bức tranh, một quả táo, một chiếc ô tô, một người đàn ông hay một phụ nữ, bất kể là cái gì. Khi bạn nhìn thấy, ngay lập tức bạn đã suy diễn và đánh giá. Khi việc đó xảy ra thì bạn phải làm gì? Đừng buồn bực, thất vọng về điều đó. Nếu suy nghĩ đó đến, bạn hãy chánh niệm biết rõ nó ngay lập tức. Nếu bạn không thích điều gì đó," Tôi không thích điều này, nó thật tệ, " ngay lập tức, bạn hãy thấy rõ suy nghĩ đó: Không thích, thù ghét hoặc thất vọng. Cứ tiếp tục như vậy cả thời gian dài… bạn phản ứng, rồi lại suy diễn, đánh giá… bạn lại phản ứng, nhưng nếu bạn chấm dứt suy diễn, đánh giá, bạn sẽ không còn phản ứng nữa.

Sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy rằng bởi vì có đối tượng nên mới có chánh niệm diễn ra. Khi nhắm mắt lại, chánh niệm về một cái gì đó, bạn vẫn có thể thấy một hình ảnh rất mơ hồ trong mắt mình, nhưng bạn không biết bất cứ cái gì ở bên ngoài. Mặc dù trí nhớ nói với bạn rằng có rất nhiều người đang ngồi ở đó, khoảng 60 người, nhưng đó chỉ là trí nhớ nói. Khi nhắm mắt lại, bạn không vòn hay biết được đối tượng bên ngoài nữa. Khi mở mắt ra, bạn lại chợt có sự hay biết trở lại. Chánh niệm được tạo điều kiện bởi đối tượng: Có đối tượng này thì có chánh niệm này. Khi quay nhìn xung quanh, bạn cũng có thể thấy điều đó, bởi vì có sự hay biết, nên có chánh niệm trên đối tượng diễn ra. Nếu không có sự hay biết này, bạn không thể thấy được đối tượng, không thể biết đối tượng.

Bạn phải nhìn từ cả hai phía: Có lúc nhìn đối tượng và thấy có một đối tượng đang hiện hữu và đây là tâm chánh niệm biết đối tượng đó. Bởi vì có đối tượng nên có sự hay biết, bởi vì có sự hay biết nên bạn mới có thể nói có đối tượng hiện hữu. Bạn cũng ý thức được cả tâm hay biết đó nữa.

Đối tượng này tác động đến tâm bạn như thế nào? Khi nhìn một vật xinh đẹp, nó thu hút sự hay biết của bạn, thu hút tâm trí bạn. Bạn muốn nhìn nữa, không muốn quay mặt đi, bạn muốn ở lại với đối tượng đó, với cảm giác đó. Bạn biết hình ảnh này, sắc thể (rupa) này đang thu hút tâm trí bạn, vì vậy bạn hướng tâm đến đối tượng. Đó chính là tâm sở tác ý (trongAbhidhamma gọi là manassikara – tác ý tâm sở), nó chuyển hướng và định hướng tâm bạn. Như vậy, bạn biết bởi vì có đối tượng nên tâm hướng về đối tượng đó. Khi nhìn không rõ một vật nào đó, bạn cố gắng chú ý nhìn cho rõ… Có cái gì đang ở đó. Điều gì khiến bạn phải cố nhìn như vậy? Sức thu hút của đối tượng; tâm bị hút về đối tượng. Bạn biết rằng đối tượng này có một sức hút nào đó. Nó đang thu hút tâm trí bạn.

Bất cứ điều gì diễn ra trong toàn bộ quá trình đó, hãy cố gắng bám sát nó! Thử làm lại: Nhắm mắt, không còn thấy đối tượng bên ngoài nữa… rồi mở mắt ra, nếu làm như vậy một vài lần thật chánh niệm, bạn sẽ phát hiện ra rằng: Khi vừa mở mắt, có một cái gì đó xảy ra trong tâm, ngay lập tức sự hay biết xuất hiện. Bạn kinh nghiệm được ngay sự xuất hiện của nó. Chúng ta có thói quen như vậy từ rất lâu, đến nỗi thực sự không để ý đến điều đó nữa. Khi tôi thử làm như vậy, tôi ngồi trên ghế nhìn ra ngọn đồi và cánh rừng trước mặt, mắt mở to và cố gắng theo sát chánh niệm về cái nhìn, hay biết về đối tượng và sắc màu. Khi nhắm mắt lại, mọi thứ biến mất! Đối tượng biến mất và sự hay biết cũng biến mất.

Chúng ta thường có xu hướng tin rằng: Mặc dù mình nhắm mắt, nhưng bên trong vẫn có một người nào đó hay biết đối tượng, người đó luôn có mặt. Chúng ta gán cho nó tính liên tục. Làm thật chánh niệm, nhắm mắt lại, đối tượng biến mất và tâm hay biết biến mất. Rồi ngay tại đó có một tâm khác khởi sanh, tâm này khác tâm trước, nó là một tâm mới. Như tôi đã nói với các bạn tuần trước, mọi thứ xảy ra trên thế giới này đều luôn luôn mới mẻ.

Xem mục lục