Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Khi một hành giả đang hành thiền, rất chánh niệm và bắt đúng sát na hiện tại, nếu có người bên cạnh nói điều gì đó, anh sẽ chỉ nghe âm thanh mà không hiểu được ý nghĩa của lời nói, đây là một trong những cách kiểm tra.

 Trong một số tu viện ở Miến Điện, người ta cũng làm như vậy. Khi thiền sinh đã phát triển được một mức định tâm nào đó, thiền sư sẽ bảo: “Đi đến ngồi thiền ở đám đông đang nói chuyện kia.” Thiền sinh cố ý đặt thiền sinh vào một nơi thật ồn ào, những chỗ như nhà bếp và nghe mọi người nói chuyện, nếu thật sự chánh niệm,bạn có thể nghe được âm thanh nhưng sẽ không hiểu được người ta đang nói gì. Điều đó không còn quấy rầy bạn được nữa, bởi vì nó không tạo nên được một ý niệm nào trong tâm bạn, chỉ có sự diệt… diệt mất … Đối với những người mới bắt đầu thì điều này rất khó. Thậm chí ở đây, khi có nhiều xe ô tô qua lại trên đường, bạn cũng bị quấy rầy: “Trời ạ, ở đâu ra mà lắm xe thế không biết.” Khi thật sự chánh niệm, bạn vẫn nghe được tiếng động nhưng nó không thể quấy rầy bạn được nữa. Hãy cố gắng phát hiện điều đó nhiều hơn nữa, xem cái gì là paramattha, cái gì là pannatti.

Thậm chí bạn cũng không thể thấy được chuyển động. Đây cũng là một điều rất kỳ lạ và khó hiểu, bởi vì chúng ta thường nghĩ mình thấy được chuyển động. Chuyển động thuộc phạm vi nhận thức của cảm giác trong thân, không phải thuộc phạm vi nhận thức của con mắt. 

Làm sao chúng ta lại nghĩ rằng mình thấy được sự chuyển động? Một cái gì đó hiện lên rồi biến mất rồi một cái khác hiện lên rồi biến mất. Giả dụ như bạn có một màn hình máy tính và cài đặt một chương trình cho máy tính sao cho khi một chấm rất nhỏ chợt sáng lên rồi biến mất, một chấm khác lại loé lên ở ngay bên cạnh chấm đó, cùng một chỗ đó nhưng ở sát ngay bên cạnh chấm cũ, hiện lên rồi biến mất; một chấm khác lại hiện lên rồi biến mất. Nếu việc này xảy ra rất nhanh, khi đó bạn thấy gì? Bạn thấy một chấm nhỏ đang chuyển động, nhưng thực ra chấm sáng đó không hề chuyển động. Hãy cố hiểu điều này; không có gì chuyển động cả. Chúng ta không thể thấy được sự chuyển động, chỉ là một cái gì đó hiện lên rồi biến mất, rồi một cái khác hiện lên ở chỗ khác rồi biến mất. Bây giờ hãy lấy một ví dụ khác: Thắp một ngọn nến. Bạn có thể di chuyển ngọn lửa từ nơi này đến nơi khác được không? Chỉ nghĩ về ngọn lửa thôi, đừng nghĩ về cây nến, đặt sự chú ý vào ngọn lửa. Ngọn lửa là một cái gì đang cháy và đang diệt mất, bạn không thể di chuyển ngọn lửa của cây nến từ nơi này đến nơi khác. Khi bạn mang nó đến đây thì ngọn lửa cũ đã biến mất từ lâu rồi, nhưng vẫn có cái gì đó giữ được tính liên tục, vẫn tiếp tục cháy… Cố gắng tiếp cận gần hơn nữa với ý niệm vô thường này.

Đó là lý do vì sao Đức Phật nói, “ niccam navava sankhara”, tất cả các pháp hữu vi đều luôn luôn đổi mới, không có gì là cũ cả.

Cũ nghĩa là một cái y hệt vậy, không có gì là cái y hệt như vậy cả. Có thể bạn đã từng đọc triết học, tôi không nhớ rõ ai đã nói điều đó, nhưng có một người nói rằng, “ Bạn không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, nhưng tôi thì nói rằng: Bạn thậm chí không thể tắm một lần trên cùng một dòng sông được. Đâu là dòng sông? Thế nào là con người? Khi chụp một tấm hình về dòng sông, bạn sẽ có được ý niệm về nó. Khi cho con người là một cái gì đó trường tồn thì bạn mới nói: Người này lội xuống con sông ấy, anh ta lên bờ và không thể quay lại cùng một dòng sông đó nữa vì nước sông luôn trôi chảy. Ngay cả ý niệm về dòng sông cũng là một ý niệm ráp nối, tập hợp lại trong tâm;ý niệm về con người cũng là một thứ được ráp nối, tập hợp lại và nó cũng luôn biến đổi.

Lấy một ví dụ khác cho bạn hiểu rõ hơn. Hãy lấy một cái túi vải, bên trong đổ đầy cát mịn, buộc nó bằng một sợi dây và treo lên cao; khoét một lỗ ở dưới đáy. Điều gì sẽ xảy ra? Cát sẽ rơi xuống và bạn nhìn thấy gì? Bạn sẽ thấy một dòng cát thẳng. Cái dòng cát đó có thực không? Có phải thực sự có một dòng cát thẳng không? Không, nó chỉ trông giống như một dòng thẳng, khi đẩy túi cát lắc qua lắc lại thì bạn sẽ nhìn thấy gì? Bạn sẽ nhìn thấy một dòng chảy uốn qua uốn lại. Dòng chảy uốn lượn đó có thật không? Không, nó không có thật. Đó chỉ là những hạt cát rất mịn rơi xuống ở các điểm khác nhau, chỉ là ảo ảnh về một dòng chảy uốn lượn qua lại, nhưng không có dòng chảy nào cả, chỉ có những hạt cát nhỏ li ti đang rơi… rơi… Nếu quên cái túi vải đựng cát đi và chỉ chăm chú nhìn vào dòng chảy thì bạn sẽ có một ý niệm rõ hơn, thực ra không có dòng chảy nào cả.

Thân thể chúng ta cũng y như vậy, luôn luôn sanh và diệt. Hình dáng không thuộc về phạm vi nhận thức của con mắt. Nó là một thứ do tâm ráp nối lại mà thành.

Mùi cũng vậy, bạn có thể ngửi một mùi và nói: “Đây là hoa hồng,” nhưng mùi thì không phải là hoa hồng. Hoa hồng là một ý niệm chúng ta tạo ra ở trong tâm. Mùi thì có thật, nhưng tên của nó là điều mà bạn được từ đâu đó. Bạn gắn cái mùi này với hình dáng, màu sắc của hoa hồng, một bông hồng trong thực tại thông thường. Nếu không tập hợp các sự kiện lại, làm sao bạn hiểu được các cảm giác thuần tuý? Đôi khi sư phụ hỏi tôi: “Đường có ngọt không?” Khi học thiền, sư phụ thường hỏi đi hỏi lại tôi như vậy nhiều lần. Tôi nghĩ đúng là một câu hỏi chỉ để mà hỏi… “Có chứ, đường thì phải ngọt chứ ạ”. Sư phụ hỏi tiếp: “Thật không?” Tôi nghĩ bụng:” Sư phụ muốn ám chỉ cái gì vậy nhỉ? Không hiểu sư phụ hỏi cái gì? Tại sao lại hỏi mình đường có ngọt không?” Sư phụ hỏi tiếp “ Danh từ “đường” có thật hay không hay chỉ là một khái niệm?” Tôi trả lời: “ Tên gọi chỉ là tên gọi, là khái niệm.” Khi ấy sư phụ mới nói: “ Cái tên gọi thì không ngọt…” Tôi nói: “ Đúng vậy, bạch thầy… tên gọi thì không thể ngọt được.” Sư phụ hỏi tiếp:” Vậy thì cái gì ngọt?” Đương nhiên không phải là đường ngọt rồi. Bạn chỉ có thể nói ngọt là ngọt, và thậm chí ngay cả ngọt cũng chỉ là một tên gọi thôi. Vậy nó là gì: Nó chỉ là một cảm giác trên đầu lưỡi mà bạn gọi là ngọt, bạn chỉ tập hợp các khái niệm đó lại với nhau. Nếu bạn chỉ cho người khác thấy cái cảm giác đó, không nói cho họ biết tên gọi hay mùi vị của nó, rồi hỏi cái này có vị gì? Anh ta sẽ chịu chết không trả lời được.

Chúng ta tự tạo ra một thực tại của riêng mình, điều đó là cần thiết và quan trọng để cuộc sống của chúng ta được trôi chảy bình thường, nhưng nó sẽ trở thành một chướng ngại để hiểu biết về thực tại siêu thế.

Thực tại này cũng là một thực tại, tôi không phủ nhận thực tại thông thường đó. Đức Phật cũng thuyết giảng về nhiều cấp độ thực tại khác nhau. Trong đó có sự thật chế định hay sự thật quy ước. Nó là sự thật, không phải là điều giả mạo, nhưng muốn hiểu được paramattha (thực tại chân đế) là một loại thực tại siêu thế, bạn phải vượt qua được sự thật chế định này. Song chúng ta lại thường bị mắc kẹt trong thực tại thông thường và không muốn buông bỏ nó. Chúng ta bị nhốt trong cái bẫy của sự thật chế định. Rất nhiều lần, nhiều vị thầy đã nói với tôi là chúng ta bị mắc kẹt trong các khái niệm, chúng ta bị cầm tù trong các khái niệm. Lần đầu tiên nghe sư phụ nói về điều đó, tôi không hiểu được nghĩa của nó là gì. Chúng ta bị mắc bẫy, chúng ta bị cầm tù trong khái niệm… nhưng tôi cũng cố để hiểu… Sư phụ muốn ám chỉ cái gì nhỉ? Làm sao chúng ta lại bị cầm tù trong các khái niệm? Phải đến vài ba tháng sau tôi mới bắt đầu hiểu ra được…

Quả vậy, chúng ta bị cầm tù trong các khái niệm, chính khái niệm là thứ gây hạnh phúc hay đau khổ cho bạn. Nếu bạn thực sự tiếp cận được với paramattha, không gì có thể làm cho bạn hạnh phúc hay đau khổ được nữa.

Tôi đã phát hiện ra một điều: Tất cả các loại lý tưởng, tất cả các loại chủ nghĩa- chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân chủ và cả chủ nghĩa Phật giáo nữa – tất cả thực ra chỉ là những khái niệm. Bất cứ chủ nghĩa nào… bởi vì chúng ta bị dính mắc vào các ý tưởng, chúng ta bị giam hãm trong chúng và chúng ta mất tự do. Bạn thậm chí còn có thể sống tốt đẹp hơn ngay trong chính thực tại thông thường này, bởi vì bạn không còn bị nó cầm tù nữa; bạn luôn hay biết được những gì đang diễn ra, bạn có thể sống tốt đẹp, thích nghi được với mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn. Mọi sự vật sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thấu hiểu được thực tại kia. Chúng ta quá coi trọng cái thực tại chế định này đến nỗi bị nó làm tổn thương, chúng ta không thể buông bỏ được nó vì nó làm cho chúng ta bị tổn thương.

Hãy cố gắng hiểu lý do tại sao chúng ta phải hành thiền. Chúng ta hành thiền để hướng đến mục đích gì, chúng ta đang cố hiểu về loại thực tại nào đây.

Đây chỉ là một bước chuyển từ thực tại quy ước sang loại thực tại khác… làm thế nào để diễn đạt điều đó được nhỉ… thực tại đích thực. Tôi không muốn dùng từ “thực tại tuyệt đối”, bởi vì tôi đã thảo luận với đại đức Nanavisuddhi về từ “tuyệt đối” này và chúng tôi cảm thấy rắc rối, rồi cuối cùng phải bỏ không dùng nữa.

Tuyệt đối nghĩa là gì? Rất khó để nói về nó. Nó là một thực tại sâu xa không do tâm tạo tác. Ngay cả khi đó, chúng ta cũng phải hiểu được thực tại này và thậm chí còn vượt qua nó nữa. Ở đó còn có một loại thực tại khác nữa nằm ngoài tiến trình tâm- vật lý này. Từ thực tại chế định này, chúng ta tiến tới thực tại chân đế paramattha, trong đó chỉ có các tiến trình, chỉ có các hiện tượng, không có gì tồn tại, không có chúng sanh nào. Từ đó, chúng ta tiến vào một thực tại khác nữa, nơi mọi hiện tượng không tồn tại… Đó cũng là một thực tại, rất khó hiểu và thật khó diễn tả về nó và hy vọng sẽ không làm các bạn rối trí, bởi vì đó là những điều nằm ngoài giới hạn của ngôn từ. Sau này chúng ta sẽ nói về thực tại chân đế paramatthanày thêm nữa.

Bây giờ tôi sẽ nói về ba loại định (samadhi) khác nhau.

Loại định đầu tiên mà tôi muốn nói đến là an chỉ định (jahna). Bạn đã từng nghe nói đến từ an chỉ định. An chỉ định là trụ tâm vào một ý niệm nào đó, như tâm từ (metta) chẳng hạn.

Bạn tu tập tâm từ bằng cách nuôi dưỡng những tư tưởng từ ái… “cầu mong cho tôi được hạnh phúc… cầu mong cho tôi được hạnh phúc… cầu mong cho tôi được an lạc.” Sau đó một lúc bạn sẽ cảm thấy thực sự được như vậy… “Tôi thực sự muốn hạnh phúc” Nhưng cũng thật là lạ… con người thật lạ lùng… Bạn có thực sự muốn có hạnh phúc không?

Chúng ta cần phải hỏi lại câu này nhiều lần: Bạn có thực sự muốn được hạnh phúc không? Hạnh phúc theo bạn nghĩa là gì? Và bạn có biết làm cách nào để đạt được hạnh phúc đó không?

Bất cứ việc gì chúng ta làm mỗi ngày đây, chúng ta làm bởi vì nghĩ nó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Chúng ta đã làm điều đó từ rất lâu rồi. Đến giờ bạn đã tìm thấy hạnh phúc đó chưa? Chúng ta có thể tu tập cho được hạnh phúc đó. “Tôi muốn được hạnh phúc”, và bạn cũng có thể chia sẻ ước muốn đó với những người khác … “Cũng giống như tôi, anh ấy cũng muốn được hạnh phúc… anh ấy cũng muốn hạnh phúc… chị ấy cũng mong có hạnh phúc”. Bạn đặt mình ngang bằng với người khác, không phân biệt. “Cũng như tôi muốn được hạnh phúc… anh ấy cũng muốn được hạnh phúc… chị ấy cũng muốn được hạnh phúc, không có gì khác nhau cả! Tôi cũng có thể cầu mong như vậy cho người khác, không hơn không kém được không?” Bạn không thể nói là: “Tôi mong cho người khác được hạnh phúc hơn tôi.” Không, đó không phải là tâm từ thật sự, chúng ta phải đi cùng với nhau. Như vậy sau một thời gian bạn sẽ thực sự cảm thấy rằng: “Ồ… tôi thực sự muốn người đó cũng được hạnh phúc.” Mới đầu thì khó có thể có loại tâm từ đối với những người xa lạ, hoàn toàn không quen biết. Vì vậy, trước hết hãy nghĩ đến cha mẹ mình, thầy tổ, bạn bè, anh em hay người bạn đời của mình.

Đến đây lại có một khó khăn nữa vì tôi đã từng dạy thiền tâm từ cho một số người và có người nói, “ Tôi không muốn nghĩ đến bản thân mình nữa.” Tôi nói, “ Hãy rải tâm từ đến cho chính mình, mong cho mình được hạnh phúc. “ Người đó nói, “ Tôi muốn quên phứt bản thân tôi đi, tôi ghét chính tôi.” Bởi vì trước kia bà đã làm nhiều việc rất kinh khủng… Bà ta là một người hung hăng và xấu tính xấu nết; bà ấy còn không thể tử tế với chính mình được nữa. Tôi hỏi bà ấy: “Bà có thể rải tâm từ cho bố, mẹ mình được không?” Bà ta đáp: “Tôi thù ghét ông bố tôi. Ông ta là kẻ rượu chè nghiện ngập. Ông ấy đã rời bỏ gia đình và chết, vì vậy chúng tôi phải sống rất nghèo khổ, khi còn nhỏ tôi cực khổ lắm; ông ta không hề quan tâm đến chúng tôi, không hề yêu thương chúng tôi.” Tôi hỏi: “Thế còn mẹ bà thì sao?” “Ôi chào, bà ấy hả, sau khi bố tôi bỏ đi thì bà ta cũng cuốn gói chạy theo thằng nhân tình của mình luôn”… “Thế rồi điều gì xảy ra với bà sau đó?” “Tôi và em trai tôi phải cố vật lộn mà sống lây lất qua ngày đoạn tháng, hoạ hoằn mẹ tôi cũng tạt qua và thí cho chút tiền ăn.” Tôi nói, “ Thế còn thầy giáo thì sao?” Bà ta nói, “ Tôi không thể nghĩ gì về mấy ông thầy ấy cả.” Đối với con người này, thật là khó để rải tâm từ cho chính mình và cho người khác được; tôi cảm thấy thực sự nãn lòng. Tôi nghĩ đây là một trường hợp rất lạ, bởi vì thường thì chúng ta nghĩ là mình yêu chính bản thân mình và ít nhất cũng yêu được một người nào đó. Ít nhất cũng có một người nào đó trên đời để chúng ta thương yêu, nhưng người đàn bà này nói không có ai trên đời mà bà ta có thể thương yêu được, bà ta không có tình thương với bất cứ ai trên đơi. Cuối cùng tôi hỏi bà ta: “Thế trên thế giới này, có một người nào bà có thể thực sự tử tế với họ được không?” Sau một lúc ngẩm nghĩ, bà ta đáp, “Ờ, có…tôi thương con chó của tôi, mà thực ra nó cũng phải là con chó của tôi, nó là con chó của người thuê nhà chung với tôi. Nó không phải là con chó của tôi thật, nhưng tôi thương con chó ấy.” Tôi dần dần phát hiện ra rằng có một số người rất khó tu tập được tâm từ.

Thiền tâm từ rất quan trọng đối với thiền Vipassana. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng nhấn mạnh đến nó. Không có tâm từ, trái tim bạn sẽ khô cằn, hoang vắng, thậm chí còn không thể thực hành nổi Vipassana nữa.

Bạn cần phải có một nền tảng là tâm từ và cả đức tin, sự kính ngưỡng đối với Đức Phật , sự tự tin và tự trọng đối với chính mình, đối với thầy mình, tin tưởng vào sự tu tập của mình và pháp hành mình đang theo đuổi. Không có những điều này thì sự tu tập của bạn khó mang lại kết quả. Có khi bạn tự lừa dối mình với sự tưởng tượng: “Tôi hạnh phúc, tôi an lạc,” nhưng rồi cũng không thể đi xa hơn được nữa, bạn chỉ tưởng tượng, điều đó không có thực. Bạn có thể trụ tâm vào bất cứ ý niệm nào, ngay cả tâm từ.

Đối với Đức Phật cũng vậy, đôi khi suy tưởng về các ân đức của Ngài khiến tâm tôi an định, nó làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc, rất an lạc. Bởi vì trạng thái và tính chất của tâm bạn phụ thuộc vào rất nhiều đối tượng của tâm. Khi nghĩ về người mình ghét, bạn cảm thấy sân hận, giận dữ, không cảm thấy an lạc chút nào; khác hẵn khi nghĩ về một người từ bi, nhân hậu và an bình, một người nào đó như Đức Phật… chỉ cần tưởng tượng về một người như vậy. Tôi không được trực tiếp gặp Đức Phật và không có quan hệ họ hàng gì với Ngài cả, nhưng tôi có mối quan hệ riêng với thầy tôi, người thầy dạy thiền đầu tiên của tôi. Tôi không biết bây giờ ông còn sống nữa hay không. Thầy tôi là một cư sĩ, một nhạc sỹ và nghệ nhân chế tác dụng cụ âm nhạc. Tôi nghĩ đến thầy mỗi ngày, bởi vì thầy đem đến một bước ngoặc lớn lao cho cả cuộc đời tôi. Thầy thật là tĩnh lặng và an bình trong mọi lúc. Một nhà sư tĩnh lặng và an bình không phải là quá hiếm, không phải là một điều gì quá đặc biệt; nhưng thật sự hiếm hoi khi thấy một cư sĩ thật tĩnh lặng, thật an bình và nhân hậu đến vậy. Tôi không bao giờ thấy thầy buồn bực hay cáu giận chuyện gì cả, không bao giờ thầy coi thường, nổi giận hay nói xấu người khác… Thầy giữ ngũ giới trong sạch mà không cần cố gắng, và cũng chẳng bao giờ nói với ai về điều đó cả. Thầy rất nhân hậu, tử tế với mọi người nhưng thầy cũng không bao giờ nói về tâm từ. Đó quả thật là một điều đặc biệt. Thầy không nói,” Tôi là một người từ bi.” Tất cả mọi người đều yêu quí thầy, nhưng thầy chẳng bao giờ thiên vị một ai cả. Thật là một con người rất đặc biệt, một người có trình độ phát triển tâm linh rất cao, thầy không dính mắc với bất cứ một ai, dù già hay trẻ, thầy đối xử với mọi người rất bình đẳng. Thầy không lập gia đình, sống một mình với bà mẹ già. Thầy nói, “ Chừng nào mẹ tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc bà,sau khi bà mất tôi sẽ xuất gia.” Thầy rất yêu thương mẹ, là con trai độc nhất của bà cụ, còn ông bố đã mất lâu rồi. Thầy chăm sóc mẹ một cách rất yêu thương, với tâm từ thật sự chứ không chỉ là một nghĩa vụ. Mẹ thầy cũng rất yêu thương thầy. Nhìn những con người như thế cũng làm cho bạn hiểu ra một điều gì thật sâu sắc trong cuộc đời. Điều đó nằm ngoài ngôn từ. Ngay cả nói về tâm từ cũng là một việc rất khó. Quan hệ giữa tôi và cha mẹ tôi rất xấu, nhiều lần tôi đã thực sự thù ghét họ vì họ đã không làm đúng mức và đầy đủ cho tôi. Con người này, thầy của tôi, yêu thương mẹ mình với tất cả tấm lòng và bà cụ cũng yêu thương con mình với tất cả trái tim, họ rất hy sinh vì nhau nhưng không quá dính mắc, điều này thật lạ… không quá dính mắc. Mỗi khi nghĩ về thầy lại làm tâm tôi thật bình an… một con người rất đặc biệt.

Một người thầy khác của tôi là một vị sayadaw lớn tuổi. Ngài mất năm 90 tuổi. Ngài là một người dịu dàng, tốt bụng và ngọt ngào không thể tưởng tượng được. Ngài không bao giờ đối xử với ai một cách thiếu tôn trọng cả. Tôi chưa bao giờ thấy ngài buồn bực hoặc lo lắng điều gì. Đôi khi tôi cũng bị lo lắng, khi tôi đi Mỹ cùng với ngài, ngày đi đã gần kề, chúng tôi đã có vé máy bay và lịch bay nhưng vẫn chưa làm được hộ chiếu… Tôi nói với ngài: “Sayadaw, một tuần nữa chúng ta khởi hành mà  mà đến giờ này vẫn chưa có hộ chiếu”, ngài nói, “Đừng lo!” rất đơn giản –đừng lo. Làm sao ngài có thể nói đơn giản như vậy, chẳng hề vương vấn chút lo âu nào được nhỉ? Mới đầu thì tôi rất khó hiểu được điều đó. Tất cả mọi người đều rất yêu quí ngài, ngài không nói được một chữ tiếng Anh. Rất nhiều người phương tây khi nhìn thấy ngài, họ cảm thấy kinh ngạc… “Nhìn ông già kia kìa”, rất dịu dàng, rất nhẹ nhàng, ngay cả giọng nói của ngài cũng không hề có một chút căng thẳng nào, một giọng nói thật ngọt ngào và êm dịu, thật tĩnh lặng, nhưng có có rất nhiều nội lực và sức mạnh, không hề yếu ớt. Sự dịu dàng và mềm mại của ngài đi cùng với sức mạnh và sự tự tin. Bạn không thể học được những điều như thế ở trong sách vở. bạn phải ở cùng với con người đó thì mới có thể cảm nhận được điều đó. Sư phụ tôi là như vậy đó và tôi rồi cũng có thể sẽ giống như ngài. Những điều này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều nghị lực và hy vọng.

Điều cực kỳ quan trọng là bạn phải học thiền từ một người thầy.

Mặc dù bạn có thể học những lời hướng dẫn hành thiền cơ bản từ bất cứ cuốn sách nào, những hướng dẫn cơ bản này cũng không khó lắm. Nhưng để thực sự tu tập được những phẩm chất cao thượng,bạn cần phải sống cùng một người thầy, người thầy đó thể hiện những đức tính sống động, một tấm gương sống về lòng từ bi, sự biết đủ, sự tĩnh lặng, bình an và giải thoát; người thầy đó là một người thật tự do, giải thoát. Bạn cần phải sống với một vị thầy như thế trong một thời gian dài. Tôi sống với sư phụ khoảng năm năm. Càng sống lâu bên cạnh một người thầy như vậy, bạn sẽ càng học hỏi được nhiều điều, điều đó là thực tế, thầy không hề đóng kịch. Bất cứ người nào cũng có thể đóng kịch được. Khi xem phim, bạn có thể thấy một nhân vật trong vai một người thật trầm tĩnh và phát triển cao về tâm linh, nhưng đó chỉ là đóng phim… Chỉ khi bạn đã sống cùng người đó trong nhiều năm, khi đó bạn mới thật sự nhận chân được điều đó.

Khi niệm tưởng đến Đức Phật, bạn hãy tìm hiểu về Ngài nhiều hơn nữa, về sự thanh tịnh, giải thoát, về trí tuệ, lòng từ bi, xả kỷ vị tha của Ngài. Thường xuyên niệm tưởng sâu sắc đến các ân đức của Đức Phật, dần dần bạn sẽ cảm nhận được chúng… Bời vì tâm thức chúng ta phụ thuộc vào đối tượng, bạn giữ gìn một biểu tượng cho mình, Đức Phật là một biểu tượng, một ý niệm cho chúng ta niệm tưởng, suy tư đến. Chúng ta suy tư đến hình ảnh đó, hình ảnh Đức Phật, sự thanh tịnh, sự giải thoát, sự tĩnh lặng, trí tuệ và lòng từ bi của Ngài…Càng suy nghĩ nhiều đến các ân đức của Đức Phật, tâm bạn càng thấm nhuần những phẩm chất đó ở trong chính mình, bởi vì càng suy tư về tâm từ bi của Đức Phật, bạn sẽ càng cảm nhận được nó. Những phẩm chất đó trở thành của bạn, bạn cũng khát khao đạt được chúng… “Tôi muốn được như vậy”… bạn đặt ra một mục tiêu cho chính mình… “Đây là lý tưởng của tôi… dù không bao giờ đạt được lý tưởng cao thượng như Đức Phật, song ít nhất tôi cũng sẽ đạt tới một mức độ nhất định nào đó.”

Những người đã giác ngộ, ngay cả đệ tử của Đức Phật, đều là những người đi theo bước chân Ngài, Ngài là bậc đạo sư và bạn cũng sẽ giác ngộ. Khi đắc đạo, bạn cũng sẽ được giác ngộ như Ngài.

Có ý tưởng rõ ràng về điều mình muốn làm và mục đích của mình, điều đó rất quan trọng. Còn cứ mơ mơ, hồ hồ: “Ồ, cũng được, tôi cũng muốn hành thiền, tôi cũng muốn hạnh phúc”, bạn sẽ không có một ý tưởng rõ ràng và sẽ không có đủ nghị lực. Càng xác định rõ mục đích và lý tưởng của mình, bạn sẽ có thêm nhiều nghị lực, sẽ càng đầu tư thêm thời gian và công sức vào việc mình làm. Hãy xác định rõ việc bạn muốn làm. Tôi chỉ đưa ra những ý tưởng chung chung như vậy để bạn phát triển thêm.

Trước khi bạn hành thiền, hãy dành vài phút để suy tưởng về sự thanh tịnh, sự tĩnh lặng, bình an, giải thoát, trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật. Bạn sẽ an trụ tâm vào đó và cảm thấy thật tĩnh lặng và bình an. Sau đó, nếu hành thiền với một đề mục của thiền Vipassana, tâm bạn sẽ an trú trong đề mục được lâu hơn, bởi vì quán niệm về Đức Phật sẽ tạo điều kiện cho bạn buông bỏ những băn khoăn, lo nghĩ của thế gian. Bạn sẽ không còn cho những việc đó là quan trọng nữa… về chiếc xe ô tô của tôi, công việc của tôi, về chuyện này, chuyện kia… những việc đó có thể đợi được… Có lúc, khi đang hành thiền, bạn lại nghĩ, “ Tôi phải trả tiền cho cái hoá đơn đó… tôi cần phải gọi điện, chuyện này rất quan trọng”   Đúng vào lúc bạn đang bắt đầu ngồi thiền là một cái gì đó quan trọng lại nảy ra trong đầu, phá rối và làm bạn xao lãng. Vì vậy, tôi mới nói với các bạn là phải chuẩn bị cho tâm mình.

Sự chuẩn bị này rất quan trọng. Đừng nghĩ rằng việc đó làm bạn mất thời gian, bởi vì càng chuẩn bị tốt thì hành thiền sẽ càng dễ dàng hơn.

Bạn hãy buông bỏ tất cả… cái hoá đơn đó không quan trọng,cuộc điện thoại đó cũng không quan trọng, việc ấy có thể đợi hai tiếng nữa cũng được, hoặc bất cứ chuyện gì cũng vậy…Bạn sẽ tìm cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề ấy, nhưng bây giờ là lúc phải gác tất cả mọi việc sang một bên… hãy buông xả mọi thứ như vậy.

Nghĩ về một người nào đó như Đức Phật, một người thật tự do và giải thoát, điều đó dễ làm cho bạn xả bỏ hơn.

Đối với tôi, thì hình ảnh đó là sư phụ của tôi. Khi nghĩ đến sư phụ, tôi có thể buông bỏ được mọi thứ. Tôi cảm nhận được sự giải thoát của người, sự buông bỏ, không dính mắc, sự tri túc biết đủ và ít ham muốn của người. Hãy chuẩn bị tâm mình như vậy.

Khi bạn đã thực sự an trú tâm vào đề mục, dù là một cái dĩa màu trắng hay màu nâu, thậm chí chỉ là một lổ hổng, hoặc thiền tâm từ, hoặc niệm tưởng ân của Đức Phật… Khi tâm bạn đã thực sự thể nhập và an trú trong đó, không còn bị chi phối , xao lãng nữa, thì đó được gọi là an chỉ định (jahna)Jhana có hai nghĩa, một là an trụ và nghĩa hai là thiêu đốt. Nó thiêu đốt phiền não, ít nhất cũng tạm thời.

Nếu bạn thực sự an trú tâm và quên hết mọi việc bên ngoài, tâm bạn thể nhập vào đề mục và an trú trong đó, nó không hề lay động. Đôi khi bạn còn không thể hướng tâm mình đến một đề mục khác được nữa. Nó quay trở lại đề mục cũ và an trú tại đó, một mức định rất mạnh, nhưng để đạt được một mức định như vậy là tương đối khó. Tuy nhiên, bạn có thể đạt được cận định khá dễ dàng. Cận có nghĩa là gần, bạn chưa nhập được vào an chỉ định nhưng đã đến rất gần. Khi đến đây, bạn chưa vào được trong phòng những đã đến ngoài cửa. Cận định cũng như vậy, rất gần với an chỉ định, có nghĩa là tâm bạn có thể an trú liên tục trong đề mục vài phút rồi xao lãng một chút, rồi lại quay lại… chỉ xao lãng một chút xíu … rồi quay lại… cứ tiếp tục như vậy. Đạt được mức định ấy là đủ để thực hành thiền Vipassana.

Để thực hành thiền Vipassana không nhất thiết phải đạt tới tận an chỉ định, song tâm bạn vẫn cần phải có một mức độ ổn định và yên tĩnh nhất định

Xem mục lục