Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (20)


Xem mục lục

Biết đang thở, đó là bước đầu tiên, biết đang thở ra, đang thở vào là bước thứ hai, biết đang thở ra dài, thở vào dài, biết thở vào ngắn, thở ra ngắn là bước thứ ba, nhưng sau đó thì bạn buông bỏ cả ngắn lẫn dài, mà chỉ chánh niệm trên hơi thở từ đầu đến cuối một cách liên tục.

Các kỹ năng và hiểu biết cơ bản (tiếp theo) 

Cách đó giúp tôi rất nhiều, nhưng đôi lúc không ra khỏi chùa được, thì việc tôi làm là ngồi trong phòng và tưởng tượng đang trở về với mái chùa thân yêu của mình ở Miến Điện. Tôi không nghĩ rằng sự tưởng tượng như vậy là vô ích… nó các tác động đến tâm tôi rất nhiều. Tôi ngồi đó… hít vào, thở ra… thư giãn, thư giãn thêm nữa… tâm dần dần trở nên yên tĩnh… Con đường dẫn đến chùa của tôi đi qua một cánh đồng lúa, ở hai bên là những ruộng lúa xanh mướt, rất thoáng đãng với tiếng gió thổi rì rào mát mẻ, tôi có thể nghe thấy cả tiếng chim gù xa xa. Tôi đi chầm chậm, tưởng tượng rằng mình đang thực sự thả bước đi trên con đường đó, cảm nhận được khí trời cùng với gió mát, với âm thanh và mùi hương trên đồng lúa, ở hai bên là những thửa ruộng xanh mướt, rất thoáng đãng với tiếng gió rít rì rào, mát mẻ, tôi có thể nghe thấy cả tiếng chim gù xa xa. Tôi đi chầm chậm, tưởng tượng rằng mình đang thực sự thả bước đi trên con đường đó, cảm nhận được khí trời cùng với gió mát, với âm thanh và mùi hương trên đồng lúa, rồi sau đó đi qua một cây cầu nhỏ. Có một thác nước nhỏ ở gần cây cầu, trong tưởng tượng của tôi, tôi sẽ ngồi ở đó một lúc, nghe tiếng thác reo và cảm nhận ngọn gió thổi mơn man, mát dịu. Từ đó tôi sẽ đi qua cây cầu và đi ngược về chùa của mình. Tôi leo qua một sườn đồi thoai thoải, ở một bên đồi có một vách đá, khoảng giữa có một con đường đất nhỏ rộng khoảng 7-8 bước chân, ẩn mình dưới những tán tre và những lùm cây mới mọc. Tôi sẽ đi qua nơi đó, chầm chậm leo lên đỉnh đồi, trên đó có một khoảng trống bằng phẳng. Ở đó không có nhiều cây lớn nên có thể nhìn ngắm ra quang cảnh xung quanh. Tôi nhìn ra thật xa và thấy những ngọn núi ở phía đông, những ngọn đồi vùng Shan,rồi chậm rãi thả bộ đi xuống, cảm nhận tất cả mọi thứ đang hiện hữu quanh mình, rồi xuôi dốc đi xuống ngôi chùa của mình. Sườn đồi thoai thoải đổ xuống, càng tới gần chùa các lùm cây ngày càng cao lớn vì người ta không chặt cây trong khuôn viên chùa. Ở bên ngoài thì họ chặt. Càng vào trong khuôn viên chùa cây càng cao, càng nhiều bóng mát và càng nhiều yên tĩnh hơn, bởi vì tán cây hấp thụ tiếng ồn nên ở chỗ có nhiều cây cối sẽ thấy yên tĩnh và mát mẽ hơn. Tôi đi sâu vào trong chùa. Ở khoảng giữa sân, có một khoảng trống không có cây. Gần đó là chánh điện và thiền đường, không lớn như ở đây, chỉ nho nhỏ thôi. Tôi đi vào trong chánh điện và đóng cửa lại. Khi về đến chùa, ngay cả khi tôi thực sự về nơi đó, tôi cảm thấy như mình đã trút bỏ mọi ồn ào, xao xác của cuộc đời ở lại sau lưng… cái thế giới náo nhiệt, bận rộn đó… nơi đây, nơi chốn yên bình của tôi chẳng có liên quan gì với nó cả. Mái chùa của tôi nằm bên ngoài thế giới. Không hẳn là cô lập… nó vẫn có liên hệ với thế giới bên ngoài, nhưng cũng nằm ngoài thế giới đó, đó là điều tôi cảm nhận. Tôi bước chân vào chùa và cảm thấy mình đã để lại bên ngoài cái thế giới xô bồ, bận rộn. Tôi về lại chỗ của mình, đảnh lễ Đức Phật, ngồi xuống và hành thiền. Chỉ mất khoảng năm phút để tưởng tượng nhưng sự tưởng tượng đó đã tác động đến tâm tôi rất nhiều. Nếu bạn không thể kiếm được một chỗ nào thích hợp thì hãy làm theo cách đó xem sao. Tưởng tượng mình đang ở một nơi lý tưởng để hành thiền. Hãy ung dung, thong thả, chầm chậm, chầm chậm. Khi tâm bạn tin vào điều tưởng tượng đó và chấp nhận nó, nó sẽ có tác động đến tâm bạn.

Bạn biết mình đang tưởng tượng, biết điều đó không có thật. Mặc dù nó không thật nhưng tác động của nó lên tâm bạn là có thật và đó là điều quan trọng nhất.

Khi ngồi thiền, tâm bạn trở nên thật tĩnh lặng và an bình. Nếu bạn tưởng tượng điều xấu, nó sẽ có tác động xấu đến tâm bạn, nếu tưởng đến điều tốt, nó sẽ tác động tốt đến tâm bạn, điều đó rất tự nhiên, bạn hãy thử làm theo cách đó xem.

Tuần trước tôi đã nói về các tư tưởng thiện: Hãy nghĩ đến bất cứ việc thiện nào. Chúng ta không thể tự ép buộc mình không được nghĩ ngợi, bởi vì các ý nghĩ đến và đi suốt ngày trong tâm, nhưng đôi lúc ta cũng có quyền lựa chọn hướng tâm mình đến những ý nghĩ thiện. Hãy cố gắng làm điều đó trong mọi lúc. Khi đã làm quen rồi, tâm sẽ ngày càng nhiều suy nghĩ thiện, và mỗi khi có suy nghĩ bất thiện, bạn sẽ thấy mình khó chịu, trạo cử, bất an và mệt mỏi… bạn cảm thấy khác biệt ngay.

Một số người có thói quen suy nghĩ quá nhiều đến việc bất thiện, đến nỗi họ trở nên thích suy nghĩ việc bất thiện. Họ thích lúc nào cũng tức giận hoặc buồn bực một cái gì đó mới được. Tôi biết một số người như thế. Tôi hỏi một người rằng: “Tại sao ông cứ thích phải giận dữ mới được, chính ông đang làm cho mình giận đấy chứ, ông có biết điều đó không?” Ông ta nói: “ Đúng thế, tôi biết tôi đang làm cho mình giận dữ.” Tôi hỏi ông ta: “Tại sao ông lại phải làm vậy?” Người này biết rằng ông đang tự làm cho mình tức giận, ông đang cố tình nghĩ đến những việc xấu, và ông ta nói: “Khi tức giận, tôi cảm thấy mình có sức sống hơn.”

Có những người tự gây giận cho mình, để cảm thấy có nhiều sức sống hơn như vậy đấy. Người này cố nghĩ đến tất cả mọi điều tệ hại về chính phủ, về thời tiết, về đồ ăn thức uống, về mọi chuyện trên đài báo, TV, đối với ông ta thì luôn luôn lúc nào cũng có một điều gì đó rất sai trái. Tôi hỏi: “Tại sao ông lại cứ muốn nhìn thấy những điều sai trái như vậy?” Chúng tôi là những người bạn thân và có thể nói chuyện với nhau rất cởi mở. Ông ta nói: “Nếu không biết cái sai, bạn sẽ là kẻ ngu ngốc!” Ông ta đang muốn cố chứng minh điều gì ở đây? Ông muốn chứng minh rằng mình không phải là kẻ ngu, bằng cách bới lông tìm vết, cố vạch ra mọi điều sai trái.

Khi buồn bực, hãy cố nhìn sâu vào tâm mình. Tại sao chúng ta phải làm như thế? Làm vậy để cố chứng tỏ điều gì ? Mình được gì từ việc đó? Mỗi khi làm việc gì, chúng ta đều hy vọng sẽ đạt được một cái gì đó. Vậy thì… chúng ta được gì từ những sự giận dữ và buồn bực này?

Ông ta đang cố chứng tỏ rằng ông ta không phải loại ngu, ông cũng muốn mình năng động và nhiều sức sống hơn. Tôi nhận thấy một điều khác nữa là: Người này không bao giờ làm việc thiện. Khi bạn thực sự thích làm việc thiện, việc lợi ích, dù đó là công việc thế gian hay công việc hành thiền, bạn sẽ không có thời gian cho những tư tưởng bất thiện chen vào, không có thời gian để tìm lỗi kẻ khác.

Người nào không làm việc thiện, một cách tự nhiên, họ sẽ làm ác, bạn không thể chọn đứng giữa.

Hầu hết mọi người chỉ có hai con đường để lựa chọn: thiện hay ác.

Khi đã quen giữ tâm an bình, tĩnh lặng và thư giãn, thì chỉ một chút suy nghĩ bất thiện sanh khởi cũng khiến bạn cảm nhận khác hẳn. Bạn sẽ trở nên bất an, bức xúc và mệt mỏi.

Khi tôi nói về ngũ giới, có người hỏi rằng: “ Tôi phải giữ năm giới bao lâu mới đủ để bắt đầu tập thiền?” Đây quả thực là một câu hỏi rất hợp lý, một câu hỏi rất hay. Một số người nói: Trước hết phải hành giới (sìla), giữ năm giới trong sạch trước khi tập hành thiền, nhưng phải giữ giới trong sạch trong bao lâu. Thật là khó để trả lời bao lâu. Vì vậy, tôi mang câu hỏi này đến hỏi những người thầy của mình, và cũng cố gắng tra cứu xem kinh điển nói ra sao, và tôi đã tìm ra một câu trả lời hợp lý:

Vấn đề không phải ở chỗ cần bao nhiêu thời gian; mà là ở thành tâm của mình. Nếu bạn quyết định ngay lúc này: “Tôi sẽ không hại chính mình, tôi sẽ không hại một ai nữa”, thì kể từ lúc đó thì kể từ lúc đó, bạn đã có thể hành thiền được rồi.

Nếu trong tâm vẫn còn ý muốn não hại người khác, thì dù có hành thiền bạn cũng thể đạt được định tâm, không thể có an lạc và tuệ giác thực sự, bởi vì bạn cần phải có tác ý không làm hại mình, hại người. Bạn phải quyết định trong tâm như vậy, đó là một điều cần phải làm. Quyết định một cách chân thành: “Tôi sẽ không tự hại mình và cũng không hại một ai cả”, hoàn toàn thành tâm, thành ý.

Khi đã quyết định như vậy, thì kể từ giờ phút đó, bạn đã sẵn sàng để hành thiền. Tất cả đều phải đi cùng với nhau: giới hạnh, từ bi và tuệ quán, chúng phải đi cùng nhau, không thể tách rời từng thứ một. Chúng ta thường có xu hướng thích mọi thứ phải rạch ròi, tách bạch. Không, mỗi phần trong cuộc sống của chúng ta đều được nối kết với những phần khác, đây là điều rất quan trọng, nhất là đối với các thiền sinh. Mỗi phần trong cuộc sống đều có liên quan với tất cả những phần còn lại. Bất cứ việc gì bạn làm cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hành thiền của bạn, hoặc ảnh hưởng xấu, hoặc ảnh hưởng tốt. Sự thật này chính là cơ sở cho cuộc sống giác ngộ của chúng ta.

Có một người là thành viên ban Hộ Tăng của một trung tâm thiền tại Miến Điện, anh ta là một nhà kinh doanh và công việc kinh doanh của anh ta không được chân thật cho lắm. Do vậy, một người bạn của anh ta đã chỉ ra điều đó: “Nhìn lại xem, anh đang hành thiền nhằm phát triển các phẩm chất tâm linh vì mục đích giải thoát, một việc làm cao quí và thánh thiện như vậy, thế mà khi làm ăn, tại sao anh không trung thực?” Anh ta cũng chỉ dối trá một chút chút thôi và tất cả mọi người đều làm như thế cả; anh ta không phải là hạng người thật xấu mà chỉ là một người xấu bình thường như tất cả những người khác. Anh ta nói: “Hai việc đó hoàn toàn khác nhau, khi đến thiền viện, tôi hành thiền và tinh tấn phát triển tâm linh hướng tới giác ngộ giải thoát, nhưng trong công việc kinh doanh thì kinh doanh là kinh doanh chứ, đó là một vấn đề khác!”Bạn không thể làm thế được!! Hãy nhớ lấy điều này và hãy xem bạn đang làm gì, hãy luôn luôn giữ lý tưởng ấy trong tâm và đối chiếu với những việc bạn làm, xem việc làm đó làm tổn hại hay hổ trợ cho sự tu tập tâm linh của bạn.

Chính cách sống hàng ngày của chúng ta như thế nào mới thực sự là điều quan trọng.

Chúng ta sử dụng các nguồn lực của mình một cách ích lợi ra sao, đối xử với những người xung quanh với tình thương thế nào.

Hai chìa khoá cho một cuộc đời thành công là sự hoà hợp về tinh thần và sự phục vụ đối với đồng loại.

Hai việc đó luôn đi cùng với nhau. Nếu chúng ta làm hại đến người khác, dù bằng bất cứ cách nào, thì cũng sẽ gây hại lại cho sự tu tập tâm linh của mình. Giới hạnh có rất nhiều ý nghĩa. Giữ gìn ngũ giới, mỗi khi dùng cái gì chúng ta phải suy xét xem tại sao mình dùng nó. Khi ăn cái gì, chúng ta phải suy nghĩ: “Tại sao mình ăn?” Khi mặc quần áo cũng vậy:  “ Tại sao mình mặc những quần áo này?” Nếu không suy xét như vậy thì tâm tham sẽ làm chủ chúng ta và rồi chúng ta sẽ ăn uống tham lam vô độ, mặc đồ với tâm tham đắm, mặc chỉ để khoe mẽ, chưng diện. Mỗi khi nghe hoặc nhìn một cái gì, hãy cố gắng chánh niệm, nhìn xem cái gì đang diễn ra trong mình. Con mắt của chúng ta suốt ngày ngó chỗ này, liếc chỗ nọ, còn lỗ tai thì cứ dóng lên cố nghe cho thật nhiều. Lúc ấy thì chúng ta chẳng cố giữ chánh niệm tí nào cả và khi không có chánh niệm thì chúng ta càng bị trạo cử, bất an nhiều hơn.

Còn có nhiều sự việc cản trở sự thành đạt tâm linh. Một trong những việc đó là giết cha, giết mẹ. Một người đã phạm tội giết cha, giết mẹ sẽ không thể đắc đạo quả (magga – phala), người đó có thể hành thiền những sẽ không bao giờ đắc được các tâm siêu thế, bởi vì cực trọng nghiệp giết cha, giết mẹ, giết bị thánh A la hán, gây thương tích cho Đức Phật sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tâm. Tà kiến cũng rất quan trọng! Nếu người nào đó nghĩ rằng không có việc thiện, cũng chẳng có việc ác, mọi thứ đều như nhau cả, hoặc làm thiện không mang lại quả tốt, làm ác cũng chẳng chịu quả xấu, người nào còn tin vào những loại tà kiến đó thì sẽ không bao giờ thành đạt được bất cứ mục tiêu tâm linh nào. Tôi biết các bạn không có những loại tà kiến đó.

Nếu bạn đã thầm buộc tội, trách cứ một người nào đó, dù đó là bất cứ một người thiền sinh nào ở đây, nếu đã trót nghĩ xấu về người đó, hãy nhớ và đến xin lỗi. Tự nói với chính mình rằng: “Tôi đã làm một việc sai trái.” Nếu bạn có suy nghĩ tiêu cực nào về người khác hay về một thiền sinh nào ở đây, thì những suy nghĩ xấu đó có thể cản trở sự tiến bộ của bạn. Thế nên tại sao khi vào ngồi thiền, trước hết chúng ta cần phải tăng cường tình cảm đồng đạo, sự gắn bó,hỗ trợ lẫn nhau và những tư tưởng, từ bi, bác ái. Mỗi khi ngồi hành thiền cùng cả nhóm hoặc ngồi một mình, trước hết bạn hãy nghĩ đến mọi người và rải tâm từ cho họ: “ Tôi sẽ hổ trợ họ cùng tu tập”. Nếu bạn không giúp người khác tu tập, bạn sẽ cảm thấy mình trở nên cô độc và ích kỷ. Khi các thiền sinh buộc tội, trách cứ lẫn nhau, tôi nhận thấy rằng chính điều đó làm cho họ cảm thấy có lỗi, bất an và trạo cử. Nó sẽ phá hoại định tâm của họ.

Đây cũng là một điểm quan trọng. Mấy ngày trước có người hỏi tôi một câu hỏi tương tự như vậy. Một số người đã hành thiền từ rất lâu rồi, nhưng hầu hết họ chỉ làm mỗi một việc, chẳng hạn như ngồi và liên tục giữ chánh niệm trên hơi thở ra, vào, chỉ mỗi việc đó.

Đức Phật dạy: “Cattaro satipatthana “ (MN i. 56), Tứ Niệm Xứ

Chúng ta phải thực hành toàn bộ cả bốn niệm xứ chứ không phải chỉ có một. Để phát triển được tuệ giác thâm sâu uyên áo, chúng ta cần phải tu tập toàn diện cả bốn niệm xứ. Niệm xứ đầu tiên là kayanupassana, niệm thân – tôi sẽ đi sâu vào chi tiết sau, ngay trong niệm thân cũng có rất nhiều chi tiết, niệm xứ thứ hai là vedananupassana, niệm thọ. Niệm xứ tiếp theo là cittanupassana, niệm tâm và dhammaupassana, niệm pháp hay nói chung là niệm nội dung của bất cứ loại tâm nào. Cố gắng tu tập càng nhiều càng tốt cả bốn niệm xứ này. 

Thiền Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) bao hàm tất cả chứ không loại trừ. Thiền chỉ (Samatha) mang tính loại trừ: Bạn chọn một đề mục và loại bỏ tất cả các đề mục khác.

Nhưng đối với thiền Vipassana, ban đầu bạn bắt đầu với một đề mục rồi dần dần bạn tiếp nhận thêm ngày càng nhiều đề mục nữa, hay biết tất cả mọi thứ diễn ra trong thân và tâm mình, trong nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và mọi chỗ.

Mỗi khi muốn học cách làm một việc gì, chúng ta phải học phương pháp làm từ một người nào đó. Chúng ta phải có đủ các pháp môn trong kinh điển Pali và quanh ta cũng có rất nhiều vị thầy. Để học một phương pháp thì cũng không đến nỗi khó khăn lắm.

Tuy nhiên một điều quan trọng là phải xác định xem bạn đã thực sự hiểu rõ phương pháp đó hay chưa? Bạn cần phải đặt nhiều câu hỏi.

Đừng chỉ nghe và ghi chép xong rồi bỏ đi, hãy đặt câu hỏi. Đó là cách học tốt nhất , dù trong thiền hay bất cứ môn học nào, người hỏi nhiều, ý tôi muốn nói là thực sự tư duy và đặt câu hỏi và thực sự lắng nghe, là người hiểu rõ hơn cả. Đặt nhiều câu hỏi hơn nữa, nhiều nữa, cho đến khi bạn thực sự hiểu rõ – đó là cách học hay nhất. Thảo luận cũng rất quan trọng. Học phương pháp, hỏi rõ các câu hỏi để làm rõ phương pháp và thực hành, khi thực hành bạn sẽ thấy có nhiều khó khăn nẩy sinh. Bất cứ lúc nào có khó khăn, hãy đến hỏi thầy, nói chuyện với thầy và nhận lấy những lời khuyên.

Trong hầu hết mọi trường hợp, nếu cứ tiếp tục thực hành bạn sẽ tự có câu trả lời, điều này rất đúng. Hầu hết thời gian chúng ta sống ở trong rừng và ở rất xa thầy. Chúng ta chỉ có thể gặp thầy mỗi tháng một lần. Vì thế khi hành thiền, mỗi khi gặp khó khăn thì lại nói, “ Khi nào gặp thầy, tôi sẽ hỏi điều này”, rồi sau đó tiếp tục hành thiền và một ngày nọ câu trả lời hiện lên trong tâm, chúng ta không cần phải đến hỏi thầy nữa. Nhiều học trò của tôi cũng vậy, thỉnh thoảng tôi mới có dịp đến thành phố họ ở, và khi tôi đi khỏi đó thì họ gặp khó khăn. Họ bèn ghi lại những vấn đề khó khăn đang gặp phải,nghĩ rằng: “Tôi sẽ hỏi thầy khi nào thầy tới đây”, nhưng họ vẫn tiếp tục nhiệt tâm hành thiền, chân thành và toàn tâm, toàn ý, rồi sau đó tìm ra được câu trả lời cho chính mình. Khi tôi đến và gặp lại họ, nhiều người thưa: “Bạch thầy, con đã ghi lại rất nhiều câu hỏi để hỏi thầy khi thầy đến, nhưng khi tiếp tục hành thiền thì con lại tự tìm được câu trả lời, nên bây giờ con lại chẳng có nhiều để hỏi nữa, chỉ có một hai câu thôi.”

Nếu cứ tiếp tục hành thiền, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.

Một người bạn tốt, một người thầy giỏi chính là một người bạn tốt của mình, một người thầy và một người bạn cũng giống nhau, không hề khác biệt. Đức Phật nói Ngài cũng chỉ là một người bạn tốt. Có một người thầy giỏi, một người bạn tốt, giữ liên lạc với thầy và hỏi thầy những vấn đề của mình, rồi nhận lấy những lời khuyên, tất cả những việc đó rất quan trọng. Nếu không có một người thầy, một người bạn, không có sự hướng dẫn thì sẽ rất khó để chúng ta bước đi trên con đường này. Chúng ta sẽ phạm phải rất nhiều sai lầm, sẽ nhiều lần lầm đường, lạc lối. 

Trong giai đoạn đầu hành thiền, chúng ta phải giữ tâm định trên một đề mục. Chẳng hạn như hởi thở ra, vào, cố gắng giữ tâm trên đề mục đó càng lâu càng tốt. Khi tâm an trụ tại đó, dần dần chúng ta sẽ phát triển được định tâm, tâm sẽ an trụ trên đề mục lâu hơn. Khi tâm đã tương đối tĩnh lặng, chúng ta có thể thấy được bản chất của cảm thọ, bản chất của đề mục. Ngay cả niệm hơi thở cũng có nhiều bước. Nếu thực hiện từng bước một, một cách hệ thống sẽ dễ phát triển chánh niệm và định tâm hơn nhiều. 

Chẳng hạn, việc đầu tiên bạn cần phải ý thức được là mình đang thở. Khi biết mình đang hít thở, tức là bạn đã thực hiện được bước thứ nhất, bởi vì hầu như trong mọi lúc, mặc dù vẫn thở nhưng chúng ta chẳng hề biết điều đó. Vì sao? Bởi vì chúng ta mãi nghĩ ngợi chuyện này chuyện kia suốt, nghĩ… rồi lại nghĩ… Chúng ta nghĩ ngợi điều gì? Đôi khi cũng chẳng biết mình đang nghĩ ngợi điều gì nữa. Hầu như mọi lúc, chúng ta không biết mình đang nghĩ chuyện gì, điều đó diễn rất vô thức. Mỗi khi biết mình đang thở, nó sẽ giúp kéo tâm về thực tại… “Tôi đang thở”… đó là một bước. Bước tiếp theo là thở vào và biết là mình đang thở vào, thở ra mình biết mình đang thở ra, đó là bước tiếp theo… thở vào, thở ra.

Bước tiếp theo nữa là, bởi vì hít vào là phải mất chừng 2-3 giây nữa; trong khoảng thời gian đó tâm bạn đã có thể phóng ra ngoài rất nhiều lần rồi. Để giúp cho tâm không phóng ra ngoài nữa, ta sẽ thực hiện một biện pháp khác. Bạn có thể chia hơi thở làm năm đoạn, nhờ vậy chánh niệm sẽ được năm lần. Bạn có thể kéo tâm trở lại năm lần khi hít vào và cũng chừng ấy lần khi thở ra. Bạn đếm tới năm, nó sẽ giúp cho bạn giữ chánh niệm tốt hơn trên hơi thở. Song cũng có người hiểu sai phương pháp này. Có người nói: một lần hít vào thở ra đếm một, hít vào thở ra lần nữa đếm hai, nghĩ là thở bao nhiêu hơi thì đếm bấy nhiêu lần. Nó cũng có tác dụng giữ tâm bạn trên hơi thở, nhưng mục đích thực sự là để bạn cố gắng chánh niệm nhiều hơn trên hơi thở, nhờ vậy tâm của bạn sẽ không phóng ra ngoài trong khoảng thời gian giữa hai hơi thở. Nếu bạn năm lần chánh niệm trên hơi thở vào thì tâm bạn sẽ khó phóng đi hơn. Có khi bạn hít vào, chánh niệm ở đoạn đầu hơi thở nhưng lại không chánh niệm được được đoạn giữa và đoạn cuối, điều đó có thể xảy ra. Vì vậy, để tránh trường hợp đó, bạn có thể đếm nhiều lần, ít nhất là năm lần, trên mỗi hơi thở vào ra. Bạn có thể đếm nhiều hơn năm, nhưng chỉ tối đa là mười, bởi vì nếu đếm nhiều hơn mười thì phải đếm nhanh, việc đó làm tâm bạn trạo cử. Tuỳ theo mức độ dài ngắn của hơi thở mà bạn đếm, tối thiểu năm lần, và khoảng giữa từ năm đến mười. Con số không quan trọng. Bạn cần phải mục đích của việc đếm hơi thở là để giữ tâm liên tục trên hơi thở. Đừng cố phải đạt đến con số đó, điều này rất quan trọng. Đừng cố đếm nhanh hơn để kết thúc đúng lúc hơi thở cạn hết, chỉ cần đếm thật tự nhiên và đều đặn.

Hãy giữ tâm mình ở đó, nhưng khi tâm đã an trụ được rồi, thì đặt vào đâu nữa?

Giữ tâm trên các cảm giác, chứ đừng đặt tâm trên khái niệm. Hơi thở thực ra là một khái niệm, một ý niệm; tiếng Pali gọi là pannatti.

Tôi sẽ giải thích từ này lại nhiều lần. Pannatti và paramattha ( khái niệm tục đế và thực tại chân đế), hai từ này cần phải giải thích nhiều, bởi vì trong nhiều trường hợp, thay vì đặt tâm trên paramattha thì thiền sinh lại đặt tâm trên pannatti, bởi vì đó là việc anh ta thường làm nhất từ trước đến nay- luôn luôn đặt tâm trên pannatti. Nhiều lần, tôi đã thử dịch từ này tiếng Anh và đã thảo luận với đại đức Nanavisuddhi. Trong các bản dịch thì họ gọi pannatti là khái niệm. Khái niệm là gì? Khi nghe từ khái niệm, bạn hiểu thế nào? Một từ, một tên gọi, chúng tôi cố tìm nghĩa của nó nhưng không thể tìm ra một cách dịch thực sự chuẩn xác, do đó đại đức Nanavisuddhi đã đề nghị dịch là “designation”.

Tên gọi là pannatti, bất cứ tên gọi nào cũng là pannatti (khái niệm tục đế), hướng trong, hướng ngoài cũng là pannatti, khi bạn gọi một thứ gì đó là không khí thì cái tên gọi đó cũng là pannatti, bởi vì, thực ra cái bạn gọi là không khí đó chỉ là một tập hợp nhiều nguyên tố khác nhau.

Như vậy, khi tập hợp nhiều thứ lại với nhau, đặt cho nó một cái tên hoặc hiểu nó như là một sự vật, là bạn đang hiểu về pannatti chứ không hiểu về paramattha thực sự.

Khi thở vào, hướng đi của hơi thở vào hay ra không quan trọng vì cả hai đều là pannatti. Paramattha (thực tại chân đế) là cái bạn đang trực tiếp cảm nhận. Bạn có cảm giác thế nào khi hít vào? Cảm giác đó, cảm nhận đó xảy ra ở đâu, cảm giác là có thật!   Khi hít vào, thở ra, bạn cảm giác được những gì? Một cái gì đó xúc chạm nhẹ nhàng, cọ xát, đẩy đưa qua lại, những cảm giác này là những cái thực để neo tâm bạn lại đó. Nhiệt độ cũng thế, nóng, lạnh… ở một chỗ nào đó xung quanh mũi, bạn cảm nhận có cái gì đó đang diễn ra khi hít vào, thở ra. An trụ tâm mình tại đó, cố gắng neo tâm ở đấy, nhiều lần kéo tâm về chỗ đó khi hít vào thở ra. Làm như vậy một thời gian ngắn thôi, bởi vì đếm hơi thở cũng là một dạngpannatti. Các con số đều là pannatti, không phải paramattha. Chúng ta sử dụng số đếm chỉ để phân chia hơi thở thành các đoạn nhỏ để theo dõi hơi thở liên tục mà thôi. Giữ chánh niệm không gián đoạn trên hơi thở, đó là điều quan trọng nhất . Nếu đã hiểu mục đích của phương pháp, bạn có thể buông bỏ tất cả những thứ còn lại, chỉ thực hành như vậy thôi.

Giữ tâm ở chỗ luồng không khí ra vào, neo tâm liên tục tại chỗ tiếp xúc, không gián đoạn… hãy cố gắng hết mình!

Chỉ trong giai đoạn đầu,  bạn cố gắng đến hay niệm “vào”, “ra” theo mỗi hơi thở, nhưng sau đó phải buông bỏ “vào, ra”, buông bỏ việc đếm hơi thở và chỉ chánh niệm trực tiếp, không xen một ý niệm nào.

Khi đã phát triển được một mức định tâm nhất định nào đó. Bạn sẽ nắm bắt được bản chất vô thường của hơi thở… tôi muốn nói là cảm giác… bởi ngay cái chúng ta gọi là hơi thở thì cũng là pannatti. Cái chúng ta cảm nhận trực tiếp là cảm giác. Hãy kiểm tra lại xem bạn đang có thực hành như vậy không? Tâm bạn đang ở đâu? Đang suy nghĩ điều gì? Nếu còn điều gì thắc mắc về vấn đề này, xin các bạn hỏi ngay và làm cho rõ, bởi vì nếu không an trú tâm trên paramattha, thì dù có tĩnh lặng, an bình và tập trung, bạn cũng không thể thấy được thực tại chân đế. 

Trong thiền tuệ có hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là làm tâm trở nên tĩnh lặng, phát triển định để tâm không tán loạn, bình ổn các suy nghĩ và giữ tâm trên một đề mục… đó là mục đích đầu tiên của thiền.

Giai đoạn thứ hai quan trọng hơn là tuệ tri mọi sự như chúng đang hiện hữu, dù gọi nó là thực tại chân đế hay bất cứ cái gì khác, hãy tuệ tri mọi sự việc đúng theo thực tướng của chúng… các cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc… thấu hiểu chúng như thực sự chúng đang là.

Nếu giữ tâm mình trên khái niệm tục đế (pannatti), chúng ta có thể đạt được tĩnh lặng, bình an và sự tập trung, nhưng sẽ không thấy được danh (nama) như là thực danh, sắc (rupa) như là thực sắc. Chúng ta không tiếp cận được với danh sắc, mà chỉ giữ tâm mình trên các khái niệm tục đế mà thôi. Hình dáng, kích cỡ to nhỏ đều là các khái niệm tục đế; đông, tây, nam, bắc cũng là khái niệm tục đế, tôi sẽ đưa thêm một ví dụ về pannatti… thứ hai, thứ ba, thứ tư… cũng đều là các tên gọi.

Khi hành thiền, an trú tâm trên những điều bạn thực sự trực tiếp kinh nghiệm, tất cà mọi khái niệm sẽ biến mất.

Đôi khi, thậm chí bạn không biết mình đang ngồi ở đâu nữa, không biết ngồi quay mặt hướng đông hay hướng tây nữa, không biết được cả những điều ấy. Có lúc, một cảm giác rất lạ xảy đến, bạn không biết ngay cả bản thân mình nữa, bởi vì con người cũng là một ý niệm tự tạo trong tâm bạn. Tuy nhiên, để đạt đến mức ấy, chúng ta cần phải có tuệ giác sâu sắc về anatta (vô ngã). Khi đã phát triển tuệ giác về vô ngã này, có lúc thậm chí bạn còn không biết tên của mình là gì nữa. Phải nghĩ một lúc mới ra. Mất một lúc mới nhớ ra tên mình là gì… nhưng những điều đó sau này mới xảy đến.

Nếu có câu hỏi nào về pannatti và paramattha, xin các bạn cứ hỏi, vấn đề này rất quan trọng. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này, đôi khi vào buổi tối, phải mất nhiều ngày về vấn đề này, rất thú vị. Đại đức Nanavisuddhi và tôi… chúng tôi thường nói về chuyện pannatti và paramattha, về đối tượng của thiền Vipassana. Đôi khi nói chuyện rất lâu, quên mất cả thời gian… chúng tôi ngồi nói chuyện từ 9 giờ tối, nghĩ rằng chỉ nói khoảng một tiếng, nhưng sau đó thì quên mất thời gian bởi vì thời gian cũng là pannatti. Khi nhìn đồng hồ thì đã 11 giờ rưỡi. Nếu bạn có câu hỏi nào thêm thì cứ hỏi. Bây giờ là lúc dành cho các câu hỏi. Có câu hỏi nào không? Xin cứ tự nhiên…

Hỏi và đáp: Dài hay ngắn (của hơi thở) đều là pannatti. Đây là các câu hỏi rất hay, cám ơn các bạn đã hỏi điều đó. Khi nghĩ dài, chúng ta muốn nói đến điều gì?

Điều quan trọng là đừng để bị kẹt trong ngôn từ. Khi hơi thở dài thì hay biết toàn bộ quá trình hơi thở, từ khi bắt đếu cho đến lúc kết thúc.

Giữ tâm trên cảm giác xúc chạm của hơi gió, nơi luồng không khí ra vào xúc chạm với mũi và an trụ tâm tại đó, dù hơi thở dài hay ngắn cũng vậy. Chỉ trong giai đoạn mới tập thiền thì mới tập nhận biết hơi thở dài, hơi thở ngắn… chỉ trong giai đoạn đầu thôi. Biết đang thở, đó là bước đầu tiên, biết đang thở ra, đang thở vào là bước thứ hai, biết đang thở ra dài, thở vào dài, biết thở vào ngắn, thở ra ngắn là bước thứ ba, nhưng sau đó thì bạn buông bỏ cả ngắn lẫn dài, mà chỉ chánh niệm trên hơi thở từ đầu đến cuối một cách liên tục.

Đếm hơi thở không được quá 10… cũng không nên ép mình phải đếm đến một số chính xác nhất định nào đó, hãy buông bỏ việc đếm hơi thở và chỉ canh chừng xem tâm mình có an trú tại đó hay không. Bởi vì, chúng ta có thói quen suy nghĩ quá nhiều và suy nghĩ thường xảy ra quá nhanh và dễ dàng đến mức khi hít vào dài, chúng ta chỉ biết mình đang hít vào mà thôi. Lúc đầu thì đếm 1,2,3,4,5,6,7,8… rồi chúng ta quên mất và nghĩ lan man đến một chuyện gì đó. Để tâm không tuột đi, chúng ta phải cố gắng bắt nó lại nhiều lần và buộc nó vào hơi thở, đó là mục đích của phương pháp đếm hơi thở… sau đó thì buông bỏ cả đếm và chỉ an trú trên hơi thở.

Nếu có thể trụ tâm trên hơi thở mà không cần đếm, thì đừng đếm nữa, bởi vì sau đó đếm hơi thở cũng sẽ là một cản trở, đó chỉ là các con số… chúng ta không cần hiểu các con số… chúng ta chỉ cần thấu hiểu các cảm giác trên thân.

Hỏi & đáp: Đúng vậy, biết đang thở là pannatti, đếm hơi thở cũng là pannatti, ngắn, dài cũng là pannatti. Điều này chỉ có ích trong giai đoạn đầu thôi. Khi có thể an trú tâm trên hơi thở mà không cần nghĩ đến một từ nào cả là tốt nhất… không cần nghĩ đến ngôn từ, bởi vì ngắn hay dài cũng chỉ là những khái niệm… nó là sự so sánh… cái chính cần phải làm là trụ tâm trên hơi thở một cách liên tục, nếu bạn làm được điều đó rồi thì hãy buông bỏ tất cả mọi thứ còn lại! Ngắn, dài, vào, ra không thành vấn đề.

Hỏi & đáp: Chỉ là để giúp tâm bạn không bị tán loạn, giúp bình ổn tâm mà thôi. Chỉ trong giai đoạn đầu, khi bạn ngồi xuống một lúc, chỉ vài phút thôi, thử làm theo cách đó rồi buông bỏ nó. Bởi vì chúng ta đã bị xáo động khi làm bao nhiêu công việc, nên một cách tự nhiên, tâm bạn cũng bị tăng tốc theo… và suy nghĩ quá nhiều… Khi bạn ngồi thiền… chỉ hít vào… thở ra… và cố gắng đếm hơi thở một chút thôi…

Thử xem bạn có thể trụ tâm trên hơi thở được không, nếu làm được điều đó rồi thì hãy buông bỏ mọi số đếm, buông bỏ mọi ý niệm.

Xem mục lục