Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

1. Gampopa : đệ tử chính của Milarepa. Là một đại học giả và thiền giả, trong thế kỷ 12 đã truyền rộng phái Kagyu ở Tây Tạng.

2. Hai Yoga : trong Tantra Anuttara (vô thượng), có hai thực hành chính : một là Yoga (giai đoạn) Phát Sanh, hai là Yoga (giai đoạn) Thành Tựu. Yoga Phát Sanh là cái chuẩn bị cho cái sau, và nhấn mạnh vào những thực hành an định và quán chiếu. Những nét chính của nó gồm những bước sau :
(1) Quán tưởng mọi sự vật và tự thân tan vào Đại Không.
(2) Quán tưởng trong Không một chủng tử tự (bija) tự chuyển hóa thành hình ảnh của Phật Bổn Tôn.
(3) Quán tưởng toàn thân Thân Phật Bổn Tôn gồm Ba Kinh Mạch Chính và Bốn Luân Xa.
(4) Quán tưởng mạn đà la và đồng hóa mọi biểu lộ với Phật tánh.
(5) Trì tụng Mật chú của Phật Bổn Tôn và áp dụng một quán tưởng đặc biệt cho một mục tiêu yoga đặc biệt.
(6) Quán tưởng mọi vật, gồm cả Thân Phật Bổn Tôn tan vào trong chủng tử tự trong Luân Xa Trái Tim và chủng tử tự này lại hòa tan vào Đại Không.
(7) Từ cái Không lại phóng ra Phật Bổn Tôn và Mạn đà la.
Yoga này nhấn mạnh những quán tưởng và tu hành tâm linh căn cứ vào yoga, để đặt một nền móng cho thực hành Yoga Thành Tựu. Nhưng vì điều này được làm với nỗ lực ý thức với “tâm thế gian”, nó không thể được xem là siêu vượt thế gian trong bản chất, và chỉ được coi là thực hành sơ bộ cho những yoga cao hơn.
Yoga Thành Tựu là Yoga Mật thừa cao cấp, mục tiêu chính yếu của nó là dẫn khí (prana) thuộc nghiệp vào Kinh Mạch Trung Ương và chuyển hóa chúng thành Ánh Sáng-Trí Huệ, như thế mà chứng ngộ Pháp thân. Rồi từ Pháp thân, thiền giả được chỉ dạy là phát khởi Báo thân và những Hóa thân. Trong nhóm Yoga Thành Tựu, Yoga Nội Nhiệt và Yoga Thân Huyễn là hai cái căn bản, còn những Yoga Ánh Sáng, Giấc Mộng, Trung Ấm và Chuyển Di là phụ trợ.

3. Xuất Hiện, Tăng Trưởng và Đạt Đến : là ba giai đoạn trong đó Ba Cái Không tuần tự khởi hiện và tám mươi phân biệt và phiền não tuần tự chìm lặng trong tiến trình “Hòa Tan của Tâm-Khí”. Điều này có thể xảy ra trước giấc ngủ, vào lúc chết, và khi khí đi vào kinh mạch trung ương. Xem phần Yoga Ánh Sáng.

4. Demchog (TT. bDem-mChog, Skt. Samvara) : một bổn tôn quan trọng của Tantra Mẹ.

5. “Chỗ mở“ trên đỉnh đầu. Đây là Cửa ra duy nhất cho thức con người có thể bỏ thân và sanh về cõi Phật thanh tịnh (Skt. Brahmarandhra).

6. Ba Kinh mạch : Trung Ương, Phải và Trái là ba kinh mạch (nadi) trong thân thể. Cả ba đều ở phần giữa của thân, chạy song song nhau dọc theo xương sống. Kinh Mạch Phải (TT. Ro.Ma) được xem là thuộc về hệ mặt trời, Kinh Mạch Trái (TT. RKyan.Ma) thuộc về hệ mặt trăng, và Kinh Mạch Trung Ương thuộc về sự hợp nhất của mặt trời và mặt trăng. Kinh mạch phải và trái được xem là những cái thuộc sanh tử, và trung ương là kinh mạch dẫn đến niết bàn. Một sự quán tưởng rõ ràng ba kinh mạch này là điều kiện tiên quyết cho thực hành Sáu Yoga.

7. Bốn Luân Xa (Skt. Cakra), hay bốn Trung Tâm, ở đầu, cổ họng, ngực và rốn, chúng nối với Kinh Mạch Trung Ương. Luân Xa Đầu cũng được gọi là Trung Tâm của Đại Lạc ; Luân Xa Cổ Họng, Trung Tâm Vui Thích ; Luân Xa Tim, Trung Tâm của Pháp ; và Luân Xa Rốn, Trung Tâm Chuyển Hóa.

8. Hạt (TT. Tigle, Skt. Bindu), có nghĩa là “điểm” hay “hạt”, thường được dùng trong những bản văn Mật thừa có nghĩa “tinh chất” của năng lực sinh khí. Hạt tigle cũng tương đương với Bồ đề tâm khi Bồ đề tâm được dùng theo nghĩa Mật thừa.

9. Dùng một ngòn tay bít lỗ mũi trái và thở qua lỗ mũi phải, rồi làm ngược tiến trình này, thở vào qua lỗ mũi trái ; người ta sẽ sớm nhận ra rằng một lỗ mũi cho không khí vào nhiều hơn lỗ mũi kia. Theo sinh lý học Mật thừa, chỉ có sáu thời kỳ trong hai mươi bốn giờ hai lỗ mũi thở bằng nhau. Điều này là do những thay đổi về khí ở Luân Xa Rốn. Phán đoán căn cứ vào thời gian và sức mạnh của hơi thở qua hai lỗ mũi, thiền giả có thể tiên đoán nhiều biến cố quan trọng ảnh hưởng đến mình và thế giới. Nghệ thuật này được nói chi tiết trong cuốn sách của Karmapa Rangjung Dorje, Nghĩa Bên Trong Sâu Xa và nhiều sách khác.

10. Chủng tử tự (bija) là tinh túy hay những biểu tượng chính của một bổn tôn, hay của một luân xa, một đại… Người ta tin rằng làm việc với một chủng tử tự thì có thể đánh thức hay làm chủ một đại mà nó đại diện.

11. Hơi Thở Cái Bình Luôn Luôn Vững Bền : Một loại thở ‘Cái Bình’ nhẹ và êm ; đặc điểm chính của nó là đặt một áp lực thường trực và nhẹ nhàng ở phần bụng dưới.

12. Bốn Trí Huệ-Lạc hay Bốn Trí Huệ Không-Lạc : theo Đại thừa trí huệ về tánh không thường được nhấn mạnh ; nhưng Trí Huệ Không-Lạc có vẻ đặc trưng của Mật thừa. Đây là sự hợp nhất giữa tánh Không và Lạc.

13. Đây là “hai mươi bốn chỗ tụ hội” của những Dakini và thiền giả Mật thừa ở Ấn Độ.

14. Yidam : Phật Bổn Tôn, do Thầy lựa chọn trong khi quán đảnh. Người ta cầu nguyện và nương dựa vào vị ấy. Trong Yoga Phát sanh, thiền giả quán tưởng thân vật chất của mình trở thành thân của Phật Bổn Tôn – thật ra ngài là một sự nương dựa của thiền giả trong mọi thực hành. Dakini, những ‘phụ nữ du hành trên không’ (nghĩa là những người nữ đã chứng đắc tánh Không), là những ‘nữ thần’ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong Mật thừa. Hộ pháp là những thần hoặc các vị trời bảo vệ và phục vụ cho thiền giả

15. Tám Sở Đắc Thế Gian hay Tám Ngọn Gió Thế Gian : được, mất, khen chê, vinh nhục, vui buồn.

16. Yum : Phật Mẫu.

17. Thần chú Vajrasattva : một thần chú nổi tiếng và quan trọng gồm một trăm âm, để tịnh hóa tội lỗi và trừ bỏ những cản trở tâm linh. Hầu hết các Lama đều trì tụng chú này vào mỗi ngày.

18. Nếu lúc đó không có vị thầy, thiền giả có thể cầu nguyện trực tiếp với Phật và nhận quán đảnh từ Phật nhờ quán tưởng và cầu nguyện.

19. Nếu một thiền giả Mật thừa tiếp xúc với người và những sự vật phi pháp hay đến những chỗ dơ nhiễm, người ấy có nguy cơ bị ô uế, làm cho sự tiến bộ bị trở ngại.

20. Bốn Cái Không của Giấc Ngủ : bốn sự biểu lộ lần lượt của cái Không xảy ra ngay trước hay sau giấc ngủ. Đó là : Không Ban Đầu, Không Cùng Cực, Không Tối Thượng, và Không Bổn Nguyên. Sự khác biệt của bốn cái Không này ở chỗ mức độ sự sáng tỏ và triệt suốt của chúng.

21. Trong khi chữ Hum tan vào, điểm chấm nhỏ sau cùng có thể thấy được gọi là Nada. Xem hình vẽ [  Nada]. Cũng có nói rằng Nada là âm thanh huyền bí tự sinh không do đụng chạm giữa hai vật.

22. Sắc thân (Rupakaya) : gồm Báo thân và Hóa thân của Phật quả.

23. Yếu tố Đại Viên Cảnh Trí – Ba mươi ba tư tưởng phân biệt của sân. Ở đây, vì thiếu sách Tây Tạng để quy chiếu, dịch giả (Garma C. C. Chang) không kể ra những tên này.

Với độc giả tiếng Việt, có thể tham khảo thêm Cái Chết Trong Phật Giáo Tây Tạng, Trí Huệ và Đại Bi, Đức Dalai Lama thứ 14, NXB. Thiện Tri Thức, 1998 (nhất là ở trang 232) và Tử Thư Tây Tạng, Chogyam Trungpa, NXB. Thiện Tri Thức, 2000.

24. A là chủng tử tự của Trung Tâm Rốn, tượng trưng yếu tố dương ; Ham là chủng tử tự của Trung Tâm Đầu, tượng trưng yếu tố âm. Hai cái này cũng còn gọi là Hạt Tigle, hay Bồ đề tâm, đỏ và trắng.

Cuốn “Sáu Yoga của Naropa” do Garma C. C. Chang đến đây là chấm dứt. Các dịch giả thêm vào ba bản văn dịch sau đây, trích từ cuốn Readings on Six Yogas of Naropa do Glenn H. Mullin dịch từ tiếng Tây Tạng (Snow Lion Publications, 1997) để độc giả có thêm tài liệu nghiên cứu.

Xem mục lục