NHỮNG GIÁO HUẤN TRỰC TIẾP CỦA SHRI SINGHA
Khi tôi, Guru Padma của Uddiyana,
Vào năm tám tuổi, đức tin thức tỉnh.
Tôi đến trước Guru Shri Singha,
Cúng dường phẩm vật, và thỉnh hỏi giáo lý.
Guru của tôi nói, “Hãy tu tâm con trong Ba Tạng.” Thế nên, về phương đông của Tòa Kim cương, tôi nghiên cứu Kinh; về phương nam, tôi nghiên cứu Luật; về phương tây, tôi nghiên cứu Luận; và về phương bắc tôi nghiên cứu các ba la mật. Rồi tôi đến trước Shri Singha, cúng dường phẩm vật, và nghiên cứu toàn bộ Ba Tạng.
Tôi thỉnh cầu ngài chấp nhận tôi. Guru của tôi trả lời, “Con ạ, trước hết con phải tu hành tâm theo những giáo lý của Mật Chú.”
Như vậy, trong xứ sở Uddiyana, tôi đã nghiên cứu ba yoga; trong xứ Sahor, tôi nghiên cứu Mahayoga tantra và Phần Tâm của Đại Toàn Thiện; trong xứ Nairanjara, tôi nghiên cứu Kilaya; trong xứ Singha, tôi nghiên cứu Padma Maheshvara; trong xứ Vasudhara, tôi nghiên cứu Kriya; trong xứ Nepal, tôi nghiên cứu Yamantaka, trong xứ Merutse, tôi nghiên cứu Mamo; ở Tòa Kim cương, tôi nghiên cứu tám sadhana heruka; và trong xứ Lantsha, tôi nghiên cứu Guhya Samaja, gồm bốn phần của tantra cha và tantra mẹ.
Đã chứng ngộ mọi hiện tượng chỉ là như mộng, như huyễn, không thật, hư giả, tôi đến trước guru, ngài đang trình bày Pháp cho một nhóm 5.500 người, gồm một số nhà vua. Khi tôi đến, Guru Shri Singha nói, “Ngươi muốn gì, kẻ tập sự?”
Tôi trả lời, “Con đã học rộng rãi những giáo lý của Mật Chú. Bây giờ con muốn nhận giáo lý từ ngài.”
Guru Shri Singha nói, “Con là một người học rộng, trước hết nghiên cứu Ba Tạng và thứ hai, nghiên cứu Mật Chú. Bây giờ hãy để cho sự tích tập ấy giải tán đi.”
Rồi ngài nói tiếp, “Con hiểu rằng mọi hiện tượng đều hư giả, nhưng điều này chẳng lợi ích. Cái hiểu này – rằng mọi sự là như mộng, như huyễn, không thật, hư giả – cần được đồng hóa vào trong hiện thể của con. Không đem nó vào lòng, nó trở nên tẻ nhạt. Điều này không đưa đến giác ngộ.”
Tôi nói, “Nếu như vậy, xin ban cho con một giáo lý để đem nó vào lòng.”
Guru trả lời, “Trước hết, hãy làm một mạn đà la để cúng dường!”
Tôi làm một mạn đà la bằng bột vàng và cúng dường ngài.
Shri Singha nói, “Bây giờ, hãy ở yên trước mặt ta. Tư thế khoanh chân, tay trong ấn thiền định, xương sống thẳng. Đây là điểm then chốt của thân.
“Hãy hướng cặp mắt con đến khoảng không của bầu trời. Đây là điểm then chốt của các kinh mạch.
“Hãy siết chặt khí ở phần dưới và ép nén khí ở phần trên. Đây là điểm then chốt của khí.
“Hãy quán tưởng một chữ E từ một bindu đỏ trong luân xa nirmana ở trung tâm rốn. Hãy quán tưởng một bindu trắng từ một chữ BAM trong luân xa mahasukha của trung tâm đỉnh đầu. Đây là điểm then chốt của bindu.
“Hãy chú tâm vào BAM tan chảy bởi ngọn lửa hừng từ E, sau đó bindu trắng và đỏ hòa lẫn trong luân xa dharma ở trung tâm trái tim. Đây là điểm then chốt của tâm.
“Hãy để cho bindu trắng và đỏ trở nên càng lúc càng nhỏ, và cuối cùng, chớ giữ trong tâm cái gì cả. Đây là điểm then chốt của giác ngộ trọn vẹn.”
Tôi thực hành theo cách này, và một số kinh nghiệm sanh khởi, như không có cảm giác về thân, không có cảm giác hơi thở vào và hơi thở ra, cảm giác có thể chuyển động vô ngại qua những hình tướng, và cảm giác tôi là bất tử. Khi những kinh nghiệm này xảy ra, tôi cảm thấy tự phụ và kể lại cho guru.
Guru nói, “Tự phụ là cực kỳ ngu ngốc khi được những ban phước của một vị thầy chạm đến và cho đó là đủ. Bây giờ hãy đi đến một nơi chốn cô tịch, và chớ làm ra những chế tạo tâm thức nào cả.”
Tôi đến một chỗ vắng vẻ và trong một năm cố gắng không tạo ra bất kỳ chế tạo nào của tâm thức. Một số kinh nghiệm sanh khởi, như cảm giác “tánh Không là hình tướng! Hình tướng là tánh Không! Hình tướng và tánh Không là không thể phân chia! Không có nhị nguyên giữa chư Phật và chúng sanh! Sẽ không có phạm vào hành vi xấu nào dù tôi dấn thân vào những hành động bất thiện! Sẽ không có lợi lạc nào dù tôi dấn thân vào mười nghiệp thiện!”
Xem những điều ấy là thỏa mãn, tôi kể lại cho guru. Ngài nói, “Ngu muội khi thỏa mãn với những kinh nghiệm thiền định.
“Nếu con nghĩ rằng hình tướng và tánh Không là không thể phân chia, con sẽ không dính dáng đến những hình tướng. Con là gì?
“Nếu con nghĩ rằng chư Phật và chúng sanh là không thể phân chia, con sẽ tôn vinh và phục vụ chúng sanh cùng một mức độ như con làm với chư Phật. Con có làm thế?
“Nếu con nghĩ, ‘Ta sẽ không có nghiệp báo dù ta dấn thân vào mười hành vi bất thiện’, con sẽ có thể chấp nhận mười hành vi bất thiện của những người khác hướng đến con – cho dù điều đó đưa đến cái chết của con. Con có thể làm thế?
“Nếu con nghĩ, ‘Dù nếu ta dấn thân vào mười thiện nghiệp, cũng không có lợi lạc gì’, con sẽ không có cảm giác vui vẻ khi con được những người khác làm lợi lạc bằng sự thực hành mười thiện nghiệp của họ – cho dù cuộc đời con được cứu sống. Con có như thế?
“Bây giờ hãy đi trở lại một nơi cô tịch, và để cho thân thể con ở yên như một xác chết, để cho lời của con ở yên như một người câm, và để cho tâm con ở yên như bầu trời.”
Bấy giờ tôi đến một nơi vắng vẻ và thực hành theo cách ấy, nhờ đó tám kinh nghiệm sanh khởi:
Vui sướng vì những kinh nghiệm này, tôi thuật lại với guru. Ngài nói, “Có ba sự kiện trong Đại Toàn Thiện: sự kiện của hiện diện tự phát, sự kiện của không thể quan niệm, và sự kiện của đại lạc. Trong ba cái này, những kinh nghiệm của con là sự kiện của hiện diện tự phát. Sau khi đã an trụ trong sự tươi mới, sự không thể quan niệm và đại lạc sẽ biểu lộ.
“Sanh tử thì quyến rũ lừa dối và tâm thì cả tin! Chớ bám vào kinh nghiệm thiền định, mà hãy trải rộng tâm con.”
“Người ta được cho là trãi rộng tâm mình như thế nào?” Tôi hỏi.
Guru Shri Singha trả lời, “Không có sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh ngoài phạm vi của tâm họ. Cái được gọi là tâm, thức hay tánh giác, chỉ là một thực thể đồng nhất. Tâm của một chúng sanh thì giới hạn; tâm của một vị Phật thì toàn khắp. Thế nên hãy khai triển lãnh vực của tâm giống như không gian không giới hạn ở các phương đông, tây, nam, bắc.”
Rồi tôi đến một chỗ vắng vẻ và khai triển phạm vi của tâm cho đến như không gian, nhờ đó những đức tin sau đây sanh khởi:
Bấy giờ tôi có những kinh nghiệm mạnh mẽ về cái hiểu:
Tôi đã có những kinh nghiệm cảm thấy sáng tỏ sống động, thanh tịnh toàn bộ, và khuếch tán trọn vẹn. Kinh nghiệm sáng tỏ như mặt trời mọc lên trong bầu trời; kinh nghiệm tánh Không giống như không gian; và kinh nghiệm lạc giống như một đại dương. Tôi có một loạt những kinh nghiệm giống như những làn sóng trên đại dương hay những đám mây trong bầu trời.
Khi những điều này xảy ra, tôi kể lại cho guru. Guru Shri Singha nói, “Thể trạng tự nhiên của sự vật thì không có cái gì để kinh nghiệm. Vậy thì con đang kinh nghiệm cái gì? Cái gì đang kinh nghiệm? Con rất phấn chấn về cái gì thế? Ta thì chẳng kinh nghiệm cái gì cả. Con đã thành tựu cái gì cao hơn thế chăng?
“Những kinh nghiệm của con là một thành tựu khác với cái của chư Phật ba thời. An định vào việc có một kinh nghiệm cần được nhận biết là bị Ma quyến rũ.
“Tất cả những kinh nghiệm của con là được thiết kế và đến từ chế tạo. Chúng sẽ vẫn đến và đi. Chúng sẽ không cho phép con đối diện với những khó khăn. Chúng chỉ là một cái mền đắp của những quan niệm tốt đẹp; con chưa mở nút thắt của tư tưởng khái niệm. Đó giống như có một bệnh tiềm ẩn bên trong. Con có thể lạc phúc lúc này, nhưng nó sẽ không ích lợi. Bởi vì con chưa thâm nhập đến cốt lõi, xác ướp của mê lầm vẫn còn rảo chung quanh.
“Nếu con xem kinh nghiệm thiền định là đỉnh cao, con không thể xác quyết cái thấy khi còn chìm trong những khái niệm. Nếu con cho phép mình bị thôi miên bởi một phần của samadhi – nghĩ rằng không có gì cao hơn – và xem nó như sự hoàn thiện của samadhi, con sẽ không cắt đứt hoạt động của tư tưởng khái niệm. Con sẽ không làm cạn kiệt những lớp của kinh nghiệm thiền định, và chất dơ của vô minh sẽ không được tịnh hóa.
“Đối với mỗi kinh nghiệm thiền định, có một mê say tạm thời. Tri giác chúng như là chân lý duy nhất, con đã bị che tối. Khi che tối thực tại vốn không có bám dính và chuyển đổi, sự bám dính và chuyển đổi đã biến những kết quả lạc phúc này của con thành đi lạc.
Nếu con bám vào trong sáng và xem nó như cái cao nhất, con sẽ hoàn thành trạng thái cao nhất trong cõi sắc. Nếu con bám vào kinh nghiệm tánh Không của vô niệm và xem nó là cao nhất, con sẽ hoàn thành trạng thái cao nhất trong cõi vô sắc. Nếu con bám vào lạc và xem nó là cao nhất, con sẽ đạt đến không gì khác hơn là trạng thái cao nhất trong cõi dục. Tuy nhiên, không có cái nào đưa đến giác ngộ không gì sánh, siddhi (thành tựu) tối thượng của Đại Ấn.
“Nếu như vậy, con sẽ tu hành như thế nào?”, tôi hỏi.
“Hãy làm lộ tâm bổn nguyên của con, và rồi trở lại gặp ta!” ngài trả lời.
“Vâng, con phải đặt nỗ lực vào cái gì?” tôi hỏi.
“Tất cả nỗ lực của con cần đặt chính xác vào không nỗ lực!” ngài trả lời.
“Con cần thực hành samadhi không nỗ lực như thế nào?” tôi hỏi.
“Thiện nam tử, chớ cho những kinh nghiệm tạm thời là cao nhất; chớ bám vào chúng. Chớ quan sát những đối vật, và chớ quan sát tâm. Chớ đi vào sự vật, và chớ sanh tham muốn. Chớ chứa chấp những hy vọng và chớ ấp ủ thất vọng. Hãy để cho tâm con đúng như nó là. Hãy để cho tâm con an nghỉ như trung tâm của không gian”, ngài nói.
Rồi tôi đi đến một chỗ hoang vắng và thực hành y như ngài dạy. Những kinh nghiệm trước kia của tôi trở thành không gì khác hơn là những lớp của khái niệm và hoàn toàn tắt mất. Tôi chứng ngộ tâm tự nhiên, hoàn toàn không bị che tối bởi bất kỳ khuyết điểm hay đức hạnh nào – hoàn toàn thoát khỏi một căn cứ của cái gì được thiền định hay cái gì gây ra mê lầm. Tôi chứng ngộ rằng nếu tâm tự nhiên này được trau dồi, thì không có cái gì sẽ được sản sanh; và nếu không trau dồi, cũng vẫn không có mê lầm. Tôi chứng ngộ nó là tâm tự nhiên không có khuyết điểm nào – cái tỉnh thức rõ biết sống động và trần trụi. Chứng ngộ cái mở trống rốt ráo này, hoàn toàn tươi mới, vị đồng nhất của tất cả hiện tượng sanh tử và niết bàn, tôi thuật lại cho guru.
Guru nói, “Bản tánh bổn nguyên, pháp thân không hợp tạo, chính là tâm tự nhiên trần trụi và thanh tịnh này, không có cái gì để trau dồi hay cái gì gây mê lầm. Bây giờ, chớ tự làm mờ tối với tham muốn thêm nữa! Hãy đem người khát khao già lão đến trạng thái không tham muốn!
“Bằng cách duy trì trạng thái được biết là không bao giờ trau dồi và không bao giờ lìa khỏi, không bao giờ tách lìa khỏi bản tánh vốn vượt khỏi trau dồi, con sẽ đạt được những thành tựu (siddhi) tối thượng và bình thường. Bây giờ, có cái gì khác quấy rầy con nữa?”
“Không có cái gì quấy rầy con khi con không có những lỗi lầm hay tiếc nuối liên hệ đến samaya của con”, tôi trả lời.
“Con không bằng lòng ư?” ngài hỏi.
“Con chỉ không bằng lòng một chút”, tôi trả lời.
“Nếu con không bằng lòng, con có hy vọng. Nếu con bằng lòng, con có lo sợ. Nếu con có hy vọng và lo sợ, con có bám dính nhị nguyên. Điều đó sẽ che đậy trí huệ bất nhị của đại lạc, quả không nhiễm ô. Không suy nghĩ cái này là một lỗi lầm hay đức hạnh, hãy kiên trì thực hành tính bất nhị. Từ giờ trở đi, chỉ liên tục mà không cần trở lại gặp ta!”
Rồi tôi thực hành trong tỉnh Uddiyana và không có ý tưởng nhỏ nhất nào về việc hỏi những giáo lý, về cúng dường kinh nghiệm của tôi, về đức hạnh hay không đức hạnh, hay về tốt hay xấu. Tôi chỉ đi nơi nào tôi đi và ngồi chỗ nào tôi ngồi. Tôi trở thành như một xác chết.
Rồi guru đến và nói, “Con không lễ lạy ta sao? Con không trình bày sự chứng ngộ của con cho ta sao?”
“Cái này không phải là không lễ lạy, và con không có thậm chí một cái hiểu nhỏ bằng đầu sợi tóc để cúng dường ngài. Bây giờ giống như dấu vết một con chim bay qua bầu trời”, tôi trả lời.
Guru nói, “Sự chứng ngộ ấy không thể biến đổi, chớ lìa bỏ nó! Không tách lìa với chứng ngộ ấy, hãy đi nơi nào con muốn. Hãy giữ hạnh con tương hợp với Ba Tạng. Hãy giữ thiền định của con tương hợp với Mật Chú. Giữ cái thấy của con tương hợp với Đại Toàn Thiện. Hãy đáp ứng những mục tiêu của chúng sanh giống như một viên ngọc như ý. Hãy giữ gìn đông đúc các đệ tử xứng đáng. Dù con không có những mong muốn, hãy luôn luôn cúng dường cho những guru, bổn tôn và dakini. Con sẽ trở thành một người mà tám loại thiên long phục vụ như người hầu”. Nói rồi, ngài ra đi.
Sau đó, tôi để trong lòng sự kiện rằng mọi sự là như mộng và như huyễn và bản thân tâm thì vượt khỏi sống chết. Tôi có những thị kiến những bổn tôn của tám sadhana Heruka, tám loại thiên long trở thành những người hầu hạ tôi, và tôi đi lang thang qua nhiều vùng Ấn Độ làm lợi lạc cho chúng sanh.
Về sau, khi (vua Trisong Deutsen) xây chùa Samye, tám loại thiên long gây ra những trở ngại. Tôi bảo họ, “Không tốt khi gây ra những trở ngại, vì ý định của vua thì tuyệt hảo như vàng!”
Những thiên long bắt bẻ, “Tại sao chính ngài không đến đây, đạo sư?”
Thế nên tôi đích thân đến Xứ Tuyết, và trên đường tôi gặp những sứ giả.
Tôi, Padma của Uddiyana,
Theo Guru Shri Singha.
Đây, giáo huấn cuối cùng của ngài,
Đã giải thoát cho tôi, Padma.
Dù không được giải thoát bởi Ba Tạng hay Mật Chú,
Tôi được giải thoát bởi giáo lý bí mật này.
Nguyện tất cả những người xứng đáng cũng được giải thoát qua nó.
Nguyện giáo huấn trực tiếp và cuối cùng này
Của Guru Shri Singha
Gặp một người xứng đáng có tu hành trước kia!
Cái này được giấu trong Hang Hoa Sen Pha Lê.
Ta giao phó cho con, Shampo,
Khi có người không xứng đáng đến.
Không có giáo huấn như thế này trong thế gian.
SAMAYA.
ẤN, ẤN ẤN.
ẤN GIAO PHÓ.
ẤN BÍ MẬT.
ITHI.
Hết