Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

NAMO GURU

Khi vị Thầy vĩ đại Padmakara, một bậc mantradhara (chân ngôn trì) sở hữu truyền thống giáo lý đầy ân phước đã ẩn cư ở Ngọc Pha Lê tại Pamagong, công chúa xứ Kharchen – Công Chúa Tsogyal đã khẩn cầu chỉ dạy. Vào dịp đó, Ngài dạy Tràng Hoa Pha Lê của sự Thực Hành Không Lỗi này vì lợi ích của những thế hệ tương lai. Những người trong tương lai, hãy lưu ý!

Đạo sư Hóa Thân Padma nói: khi thực hành Giáo Pháp tận đáy lòng, con cần có một vị Thầy đủ phẩm tính, chân thực, và đáng tin cậy, một vị Thầy tâm linh hoàn hảo với sự trao truyền không gián đoạn của một dòng truyền thanh tịnh.

Nếu vị Thầy con là giả, những chỉ dẫn sẽ lỗi lầm và mọi tu hành của con sẽ trở nên hư hỏng, vì vậy rất nguy hiểm, việc gặp một vị Thầy đủ phẩm tính là quan trọng nhất. Hãy nhớ điều này trong tâm!

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, sự trao truyền không gián đoạn của dòng phái nghĩa là gì?

Vị Thầy hóa thân đáp: Người ta cần một dòng truyền có sự trao truyền không gián đoạn sự giác ngộ từ pháp thân, báo thân và hóa thân. Dòng truyền của Đạo Sư Padma giống như vậy. Pháp Thân Phổ Hiền truyền cho Báo Thân A Di Đà, bậc trao truyền tánh giác qua những phương tiện thiện xảo cho Hóa thân Padmakara. Con, người phụ nữ, đã nhận được lời dạy của vị hóa thân trong thân người. Con đã được ban sự trao truyền của dòng phái cũng như ân phước của dòng truyền.

Đạo Sư Padma hóa thân nói: Những vị Thầy không nên ban tâm pháp cho những đệ tử không có mối liên kết về nghiệp.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều này có nghĩa gì?

Đạo Sư đáp: Những người như vậy không tôn kính thầy họ và cố dành được giáo lý một cách gian trá. Nếu nhận được, họ nói giáo lý đến từ một nguồn khác và để cho giáo lý khẩu truyền bị lãng phí. Họ không giữ gìn mệnh lệnh của dòng truyền. Vì không thực hành, nếu ban giáo lý thâm sâu cho họ cũng giống như ném bụi vàng ròng xuống mương. Những đệ tử như vậy không phải là pháp khí thích hợp cho sự chỉ dạy. Vì không nhận thức thấu đáo và sẽ thiếu lòng tin, họ sẽ không nhớ giáo lý. Do ban hướng dẫn khẩu truyền cho người không thích hợp, giáo lý sẽ chỉ trở thành những chữ viết, những quyển sách không ý nghĩa, do vậy là hủy báng Pháp. Do ban giáo lý cho người nhận không thích hợp, giáo lý sẽ bị hư hoại. Do đó, không nên như vậy. Có khả năng giữ gìn những giáo lý thâm sâu và khéo léo khảo nghiệm những tính cách của đệ tử là điều quan trọng. Hãy ghi nhớ điều này trong tâm.

Vị Thầy hóa thân nói: Không nên dạy Giáo Pháp cho người tạo ra những quan niệm sai lầm.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều này có lỗi gì?

Đạo Sư đáp: Những người không thích hợp như vậy không hiểu được những điểm trọng yếu của hướng dẫn khẩu truyền. Vì thiếu sự trao truyền của dòng phái, tâm họ sẽ không hòa nhập với Giáo Pháp và cá tánh của họ sẽ trở nên hư hỏng. Dạy Pháp cho người trí thức khéo léo trong nghiên cứu khô khan (càn huệ) và chỉ bám vào những lời lẽ ngụy biện là phỉ báng Pháp. Vì phỉ báng Pháp, người phỉ báng sẽ tích tụ nghiệp xấu, và chính con vì tức giận họ cũng sẽ tích lũy hành động xấu. Do đó cả hai vị Thầy và đệ tử không thích hợp đều tích lũy nghiệp xấu vì Giáo Pháp. Nên không cần phải làm thế.

Không nên làm cho Giáo Pháp uyên thâm trở thành một món hàng mua bán mà hãy thực hành kiên trì nơi hoang vắng và hòa nhập tâm con với Giáo Pháp.

Vị Thầy Padma hóa thân nói: Đừng giữ lại những đệ tử làm cho giáo huấn bị uổng phí.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều này có nghĩa gì?

Vị Thầy đáp: Người kinh doanh ham thích danh lợi thế gian để nhu cầu hàng ngày chiếm hết thì giờ của họ và không xem việc thực hành là sự theo đuổi chính. Họ thỏa mãn với những từ như “thực hành”, “thọ nhận”, hay “hiểu biết” Giáo Pháp. Vào lúc có khả năng kiếm được dù chỉ một món tiền nhỏ hay danh tiếng, thực phẩm, hoặc của cải, giải trí hay kính trọng, họ sẽ không duy trì giáo huấn, ngay cả dù đã có sự chỉ đạo bí mật của vị guru họ. Trái lại họ giải nghĩa giáo lý không cẩn thận hòa lẫn sự lừa bịp và giả dối. Không nên truyền đạt hướng dẫn khẩu truyền cho người đi theo hay đệ tử thích lừa bịp, họ sẽ lợi dụng vị Thầy và Giáo Pháp. Giáo Pháp và giáo lý sẽ trở nên hư hoại. Không nên ban cam lồ bất tử cho người khác mà mình không tự uống, và chỉ trao cho những người thành thật quan tâm. Vì sửa đổi sai lạc giáo lý thâm sâu của Kim Cương Thừa người ta sẽ không nhận được bất kỳ ân phước nào, những bà mẹ và chị dakini sẽ phiền lòng và kết quả là che chướng. Hãy ghi nhớ trong lòng!

Vị Thầy hóa thân nói: Hãy trích chiết cam lồ của những giáo huấn khẩu truyền và ban cho người xứng đáng có nghiệp tương tục của những thực hành trước, người mong muốn tận đáy lòng theo đuổi ý nghĩa thiêng liêng, và người sẽ thực hành với sự kiên trì.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó có nghĩa gì?

Vị Thầy đáp: Những người như vậy đều xem vị Thầy của họ như một vị Phật, họ có lòng sùng kính to lớn. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng khi nhận được cam lồ của những giáo lý khẩu truyền. Vì tâm họ thoát khỏi nghi ngờ và lưỡng lự, họ xem giáo lý như viên ngọc như ý quý báu. Nhận thức những đau khổ của sinh hoạt luân hồi là chất độc, họ nỗ lực trong thực hành vì lơị ích của tương lai. Thấy được những mưu cầu của cuộc sống này là vô ích, họ có dũng khí chịu đựng và kiên trì to lớn khi cố hoàn tất sự giác ngộ vô thượng. Người cao quý như vậy không nhiễm ô vì cạnh tranh, tham vọng thèm khát vật chất và uy tín là người con tâm linh của các Đấng Chiến Thắng. Nếu con trao đầy đủ giáo lý cho người đó, sẽ lợi ích cho chính con và người khác. Hãy nhớ điều này trong tâm.

Một bình chứa không thích hợp không thể giữ gìn dòng sữa của sư tử tuyết. Mà khi rót vào bình bằng vàng, sữa sẽ có những đặc tính kỳ diệu.

Vị Thầy hóa thân nói: Nếu con muốn đạt giác ngộ chỉ trong một đời mà không đi vào con đường kỷ luật tự thân, thì sự thực hành sẽ không thấm vào tâm. Do vậy, thực hiện kỷ luật tự thân là điều quan trọng.[35] 

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, người ta đi vào con đường kỷ luật tự thân như thế nào?

Vị Thầy đáp: Trước hết, khi thực hành Giáo Pháp, nếu không thực hành với sự trì giới mà là khoe khoang, kiêu căng, lười biếng, con sẽ không thành công. Vì lý do này, hãy đi nhập thất ở một nơi như mộ địa, vùng cao, núi tuyết, một nơi ẩn cư hẻo lánh, nơi cư ngụ của một thành tựu giả, hay trong rừng vào tháng tốt lành như mùa hè và mùa thu, hoặc vào ngày tốt như mồng một, mồng tám và ngày rằm. Ở một nơi như vậy, con hãy quét dọn, làm một chỗ ngồi, chuẩn bị bày một mandala cúng dường, và sắp xếp một bàn thờ với những biểu tượng của thân, khẩu, ý giác ngộ. Hãy cúng một torma cho thổ địa, loài rồng và những loài khác với một cúng dường nước, ra lệnh cho họ kềm chế không tạo che chướng và hãy là những người bạn đồng hành đức hạnh. 

Sáng hôm sau thức dậy hãy gạt bỏ sự nhàn rỗi. Thực hiện những hoạt động Phật Pháp như cúng dường đến vị Thầy và Tam Bảo, cầu nguyện và dâng torma cho Bổn Tôn, Dakini, và Hộ Pháp. Khi dâng cúng torma đừng bày chúng quay ra ngoài mà hãy quay vào trong con như một trùng hợp tốt lành để sự thành tựu không bị mất.

Vào ban ngày, nên tu hành xem những tri giác của con như giấc mộng. Nghĩa là hãy an trú một cách tự nhiên và thanh thản, không sửa chữa những gì xuất hiện. Hãy để cho kinh nghiệm của con tự do, và rộng mở. Nghỉ ngơi với sự tỉnh thức rộng mở và không trụ chấp.

Vào buổi tối con cần lấy tánh giác làm con đường. Nghĩa là tăng cường sự tỉnh giác vào cuối ngày và nghỉ ngơi một cách cảnh giác và tỉnh thức không rơi vào hôn trầm.

Vào nửa đêm hãy hòa nhập trạng thái ngủ sâu với pháp tánh và ngủ trong trạng thái vô niệm. Áp dụng quyết tâm mạnh mẽ suy nghĩ tôi sẽ nhận ra những giấc mộng chỉ là những giấc mộng! Nhờ vậy con sẽ có thể nhớ pháp tánh trong lúc mộng và được giải thoát khỏi hảo mộng hay ác mộng.

Vào buổi sáng con cần nhận pháp tánh làm con đường. Nghĩa là khi thức dậy, thân con cảm thấy thoải mái, hãy đem pháp tánh vào tâm và thực hành sự tự-tỉnh giác này mà không tập trung chú tâm, không thiền định hay rơi vào hôn trầm. Đừng để mình giải đãi, lười biếng mà thực hành tỉnh thức rộng mở trong lúc vẫn giữ vẫn giữ đúng những biện pháp của kỷ luật tự thân.

Cho đến khi con hoàn thành nhập thất, không nên mặc quần áo của người khác vì có thể gây nhiễm ô và làm tiêu tan sự thực hành của con. Nếu thực phẩm của con quá bổ dưỡng, con sẽ rơi vào sức mạnh của cảm xúc phiền não. Nếu nó quá tệ, thân con sẽ yếu không thể tiếp tục thực hành kỷ luật tự thân. Hãy giữ một khẩu phần cân bằng và có điều độ.

Đừng ăn những thực phẩm không sạch sẽ, do ăn trộm, hay thực phẩm bỏ đi. Không ăn thực phẩm của người bị nhiễm ô vì vi phạm samaya hay người bị phiền não vì những thế lực xấu. Nếu ăn, sự thành tựu sẽ bị trì hỗn và chướng ngại làm không hoàn tất việc nhập thất của con có thể xảy ra.

Đừng di chuyển chỗ ngồi. Nếu di chuyển chỗ ngồi hay giường trước khi hoàn tất nhập thất hoặc trước thời gian mà con nguyện, những dấu hiệu và biểu tượng sẽ biến mất và con có thể gặp những chướng ngại bất ngờ.

Không nên thực hiện nghi lễ bảo vệ người khác hay cố gắng trục trừ tà ma; nếu làm; khả năng của con sẽ suy giảm. Không tắm rửa những bụi bẩn trên thân, đầu, tóc, giặt quần áo, vì điều đó sẽ làm cho sự thành tựu bị mờ nhạt và biến mất. Không hớt tóc, cạo râu hay cắt móng tay vì điều đó sẽ làm yếu năng lực của mantra. Đừng thuyết giảng cho người khác trong am thất của con vì điều đó sẽ cản trở những dấu hiệu thành tựu. Không nên phát nguyện thực hành chỉ một lần trong thời gian dài, mà hãy phát nguyện hàng ngày, nếu không con sẽ bị Mara ảnh hưởng.

Năng lực của mantra không phát triển vì nói chuyện với người khác. Vậy hãy giữ sự tịnh khẩu. Nếu con tụng niệm vajra của Kim Cương Thừa hay của những Bổn Tôn phẫn nộ với âm lớn, năng lực của mantra sẽ suy giảm và những tinh linh, phi nhân sẽ hoảng hốt và ngất đi. Vậy hãy tụng niệm mantra với âm nhỏ đúng cách.

Nếu tụng niệm trong khi nằm, đếm mantra bằng tay để trên ngực, con sẽ gây trở ngại cho mình. Trong mọi trường hợp, khi thân con ngồi thẳng, kinh mạch sẽ thẳng, điều này khiến cho phong đại tuần hoàn tự do. Vì gió và tâm nối liền với nhau, khi gió trôi chảy tự do thì kết quả là tâm con sẽ duy trì sự chú tâm và tập trung. Thế nên, đây là lý do sâu xa nhất con nên giữ thân ngồi theo tư thế thiền định bảy điểm.

Không ngủ vào ban ngày, điều này sẽ đem lại nhiều khuyết điểm, vậy; hãy từ bỏ bằng mọi cách.

Không khạc nhổ nơi người ta thường đi qua vì điều này sẽ ngăn cản năng lực của mantra

Cho đến khi con hoàn tất thực hành nhập thất, hãy từ bỏ những hành động làm lợi ích người khác, những mưu cầu và xao lãng, hay những hành động làm khuấy động thân, khẩu, ý của con; hãy tập trung kiên trì vào thực hành trong lúc tăng trưởng các hành động đức hạnh cho lợi ích chính con.

Trong lúc nhập thất, dù bất kỳ dấu hiệu tốt hay xấu nào của thực hành hoặc những biểu hiện huyền diệu có thể xảy ra, không nên quan tâm thích hay không thích hoặc đánh giá cái gì lấy và bỏ cái gì. Hành giả, hãy để tâm con nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của nó và tiếp tục thực hành cho đến lúc cuối.

Khi kết thúc nhập thất, hãy thực hiện cúng dường tạ ơn, tháo mở sự giới hạn nơi nhập thất nhưng vẫn duy trì điều kiện nhập thất trong vài ngày không đi vào thành phố hay nơi xa xôi. Trong ba ngày không ngủ ở nơi nào khác ngoài giường của con và tránh tầm nhìn của người không cùng chung samaya.

Không phô bày các vật dụng thực hành của con cho người khác và đừng chia xẻ những chất liệu thành tựu[36] mà hãy chính mình hưởng.

Từ lúc bắt đầu nhập thất cho đến khi hoàn tất, đừng đột ngột ra ngoài thất dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Hãy nhận thức nó như những che chướng của Mara và không chịu thua những khó khăn.

Trong mọi trường hợp, một hành giả tự nỗ lực trong tiếp cận và thành tựu không nên tham gia những hoạt động hàng ngày một cách bừa bãi. Không ăn bất kỳ thực phẩm nào mình có được do tình cờ. Không mặc quần áo bẩn hay ô nhiễm. Không nằm xuống bất cứ chỗ nào để ngủ. Không phóng uế trong tầm nhìn của người khác hay nơi người ta qua lại. Đừng thực hành yoga không đúng lúc. Thật cẩn thận về cách cư xử của con trong mọi lúc.

Nói chung, nếu con muốn hạnh phúc, hãy áp dụng việc thực hành Pháp của con, kỷ luật tự thân và chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn. Hãy chia ngày và đêm của con thành nhiều phần và thực hành đúng thời khóa. Do vậy, hạnh phúc của con sẽ kéo dài. Hãy nhớ điều này trong tâm!

Vị Thầy hoá thân nói: Khi cố gắng đạt giác ngộ vô thượng. Nếu không thể giữ nguyện của con trong một thời gian dài, con sẽ bị ảnh hưởng bởi những ma quỷ che chướng.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó có nghĩa gì?

Vị Thầy đáp: Khi con giữ nguyện thực hành những giáo huấn khẩu truyền không gián đoạn, hãy nhiệt thành áp dụng những đối trị để loại bỏ tham luyến người khác khen ngợi và sự trói buộc của thức ăn, đồ uống do sự tôn kính, đảnh lễ, cúng dường của người khác dành cho con và yêu cầu làm lễ bảo vệ (cầu an). Điều này chỉ làm gián đoạn việc thực hành tâm linh của người thiếu ổn định và tự tín.

Khởi đầu con có thể giữ nguyện trong ba, bảy, hay chín ngày, hoặc nửa tháng mùa đông hay một tháng mùa hè, sau đó dần dần tăng lên nhiều tháng và nhiều năm. Tốt nhất là nguyện thực hành trong mười hai năm, kế đó là sáu năm, và tối thiểu là ba năm hay một năm. Nếu, thậm chí không thể hoàn thành được điều đó, con có thể giữ kỷ luật này, là chỉ sử dụng thân, khẩu, ý của con cho những theo đuổi tâm linh, và thực hành trong sáu tháng, một mùa hè hay mùa đông không lười biếng và giải đãi, điều này rất có ý nghĩa và con sẽ đi vào con đường giác ngộ.

Nói chung, những lời nguyện mà người ta không thể giữ được là nguyên nhân lớn nhất của sự phạm tội. Do vậy, không nên thọ bất kỳ giới nguyện nào mà con không thể giữ. Hãy chỉ hứa nguyện tương ứng với khả năng con. Thực hành theo cách này là thâm sâu. Hãy nhớ điều này trong tâm!

Vị Thầy hóa thân nói: Vào lúc hấp thu những giáo huấn khẩu truyền chân xác của vị Thầy bằng thực hành, việc quan trọng là luôn giữ im lặng, là sự nhập thất về lời nói của con.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Về mọi xao lãng, nói chuyện phiếm vô ích là xao lãng lớn nhất. Do đó, nói chuyện vô nghĩa không liên quan là nguy hiểm cho thực hành tâm linh. Có thể tịnh khẩu là sự nhập thất tối ưu nhất; nó giữ cho con không rối loạn ngay cả khi đang ở giữa chợ.

Bất kể việc thực hành kỷ luật tự thân của con ra sao, giữ im lặng là quyết định tốt nhất. Nếu không thể làm được, tối thiểu con nên tịnh khẩu cho đến khi hoàn tất thời kỳ thực hành. Do tịnh khẩu và thực hành tâm linh không gián đoạn vì việc nói chuyện thường tình, con sẽ đạt được năng lực của ngữ và nhanh chóng thành tựu.

Nói chung, nói nhiều mà không phải là thực hành Pháp hay liên quan đến Giáo Pháp đều vô nghĩa. Không cần phải như thế. Nếu không cố gắng hướng đến giác ngộ vô thượng bằng lời nói của con trong việc tụng niệm, tán thán sau khi ngưng nói chuyện thông thường thì con chắc chắn như một người câm. Hãy nhớ điều này trong tâm!

 Vị Tổ Hóa Thân Padma nói: Khi thiền quán về Bổn Tôn Yidam, nhận ra sự an định của thân, khẩu, ý là điều cốt tủy.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Quán tưởng thân con như tướng Bổn Tôn, xuất hiện rõ ràng nhưng không hiện hữu cụ thể là sự an định về thân. Ngữ của con tụng mantra của Bổn Tôn vang lên rõ ràng và trong sáng như âm vang của tánh Không là sự an định của ngữ. Tâm con thanh tịnh và thoát khỏi tư duy dựa trên khái niệm, sự hợp nhất của cái biết và tánh Không là sự an định của ý. Không lìa sự an định của thân, khẩu, ý là mahamudra.

Khi con niệm liên tục ba chủng tự này đó là tinh hoa của chư Như Lai; OM cho thân, AH cho khẩu, và HUNG cho ý, con được ban cho thân, khẩu, ý của tất cả chư Như Lai.

Nói chung, nếu an trụ không lìa khỏi thân, khẩu, ý giác ngộ, thì sự thực hành Kim Cương Thừa của con chắc chắn không lầm đường. Hãy nhớ điều này trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Giữ độ dài thời gian cho mỗi thời khóa với túc số tụng niệm là điều quan trọng.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó có nghĩa gì?

Vị Thầy đáp: Khi tụng niệm hãy ấn định một ngày chia thành ba, bốn thời, và nguyện tụng niệm cả ngày lẫn đêm, tốt nhất là một ngàn biến, tốt thứ hai là năm trăm biến, hoặc tối thiểu là một trăm lẻ tám biến.

Cho đến lúc hoàn tất số lượng đó, hãy giữ im lặng và không gián đoạn việc tụng niệm vì nói chuyện thông thường. Theo cách này, sẽ không xảy ra chướng ngại.

Kết hợp giai đoạn phát triển và thành tựu và chính con áp dụng sự tiếp cận và thành tựu như dòng chảy đều đặn của một con sông là tính chất đặc biệt của thực hành chân chính của giáo huấn khẩu truyền.

Tất cả những gì con khao khát hướng đến như tịnh hóa che chướng, tích lũy công đức, loại trừ chướng duyên, và nhanh chóng đạt được hai loại thành tựu sẽ dễ dàng hoàn thành nhờ kết hợp giai đoạn phát triển và thành tựu với sự tụng niệm của sự tiếp cận và thành tựu (Bổn Tôn). 

Về tất cả dạng tụng niệm, niệm ba chủng tự OM AH HUNG, là tinh túy thân, khẩu, ý của tất cả đấng Như Lai. Ba chủng tự này là uyên thâm nhất và bao gồm tất cả. Do vậy, ba chủng tự này đem lại ân phước to lớn khi nguyện niệm chúng hoặc niệm vào lúc bắt đầu tụng niệm mọi mantra khác.

Nói chung, tích tụ từng giọt nước có thể thành một đại dương. Đừng để đôi môi con rảnh rỗi mà hãy liên tục tích lũy dù là một âm độc nhất của mantra. Đây là điều quan trọng nhất. Rồi đến một lúc nào đó sẽ đạt thành tựu. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Không hợp nhất phương tiện và trí tuệ, Kim Cương Thừa sẽ lạc vào con đường sai lầm.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Phương tiện ám chỉ nguyên lý không lỗi của cái gì người ta đang thực hành, dù ở giai đoạn phát triển hay thành tựu. Trí tuệ ám chỉ kiến giải (cái thấy), ý nghĩa của pháp tánh rỗng không và quang minh tự hiện hữu. Không nhận ra rằng cái thấy (kiến giải) là cái thấy rỗng rang tự hiện hữu trong chính con, con sẽ không đi vào con đường của trí tuệ. Do trí tuệ thiếu vắng phương tiện con sẽ không có bất kỳ kinh nghiệm nào, và vì phương tiện không có trí tuệ, pháp tánh không được đem vào thực hành. Thế nên, điều cần thiết là hợp nhất chúng không để chúng tách rời.

Nói chung, việc tách biệt phương tiện và trí tuệ giống như con chim chỉ bay bằng một cánh; con không thể đạt quả vị Phật. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Không thực hành tính bất nhị của thiền định và hậu thiền định, con sẽ không đạt được tánh Không.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Trong khi thiền định, con an trú trong tinh túy phi vật chất của pháp tánh, biết nhưng không có suy nghĩ dựa trên khái niệm. Trong lúc hậu thiền định, con nhận ra mọi sự đều rỗng không, vô tự tánh. Thoát khỏi bám luyến hay say mê kinh nghiệm hư không, con sẽ tự nhiên tiến bộ vượt khỏi thiền định và hậu thiền định, và không chấp vào một tiêu điểm dựa trên khái niệm hay hình dung về các thuộc tính, giống như sương mù và mây tan biến tự nhiên trong bầu trời rộng mở bao la.

Nói chung, trong cả hai thời thiền định và hậu thiền định, sự thiền định của con về bản thể của pháp tánh cần vượt lên sự trong sáng và che chướng, như quan sát hình ảnh trong gương.

Đạo Sư Padma nói: Nếu con không thể thiền định bằng việc xua tan một cách tự nhiên hôn trầm và trạo cử, con sẽ rơi vào những lỗi lầm cực đoan của chúng, mặc dù con thiền định.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Vào lúc thiền định, hãy an trú trong trạng thái tự nhiên của pháp tánh bằng cách nhìn thẳng vào hôn trầm, trạo cử, v..v... khi chúng xuất hiện, con sẽ thấy tự thân sự hôn trầm là pháp tánh rỗng rang. Khi xao động hãy nhìn thẳng vào tự thân sự xao động và con sẽ thấy đối tượng của xao động cũng rỗng không.

Khi loại bỏ được ý muốn gạt bỏ hôn trầm và trạo cử và con không còn bám vào chúng như có thật, hôn trầm và trạo cử sẽ tự nhiên giải thoát khỏi những cực đoan của chúng. Khi con có thể thực hành việc làm tan biến hôn trầm và trạo cử theo cách tự nhiên này, thiền định tự hiện hữu sẽ xảy ra.

Nói chung, vì mọi thiền định đều bao hàm cố gắng hiệu chỉnh hôn trầm và trạo cử, chúng trở thành sự thiền định dựa trên khái niệm. Nhận ra rằng gốc rễ của hôn trầm và trạo cử là tánh Không là điều cốt lõi. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Nếu con không thể hòa nhập Giáo Pháp với hoạt động đời sống hàng ngày, con sẽ bị thời khóa thiền định trói buộc.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, người ta bị trói buộc ra sao?

Vị Thầy đáp: Pháp tánh không tạo tác mà con kinh nghiệm trong lúc dựa vào thiền định phải được áp dụng vào thực hành trong mọi hoàn cảnh hậu thiền định, hoặc đi, đứng, nằm, hay ngồi. Nhờ không hề lìa khỏi sự thực hành Pháp này dù con thực hiện bất cứ hoạt động hàng ngày nào, con sẽ luôn an trụ trong trạng thái của pháp tánh. Do vậy, sự thiền định của con sẽ vượt lên thời khóa.

Nói chung, thiền giả giam cầm thân, khẩu, ý của họ mà không áp dụng những điểm cốt tủy của thiền định là bị trói buộc. Hãy nhớ điều này trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Nếu không thực hành cúng dường và sám hối con sẽ không tịnh hóa được những che chướng của nghiệp.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Vào lúc áp dụng những giáo huấn khẩu truyền vào thực hành, con nên làm cái được gọi là “lấy những hoạt động Giáo Pháp là con đường của mình”. Đó là, con cần chuyển hóa thành con đường vô điều kiện những hoạt động Pháp của sự thiền định, cúng dường, đi nhiễu, làm tượng tsa-tsa và torma (một loại bánh), đọc lớn tiếng, tụng ca, sao chép kinh văn, v..v... Hãy thực hiện những hoạt động này một cách liên tục. Do bám chấp, mệt mỏi, nhàm chán v..v... thì con sẽ không đạt được mục tiêu chính.

Nói chung, nếu thực hành với sự tạo tác ý niệm, bất cứ hành động đạo đức nào con thực hiện sẽ chỉ sinh ra những kết quả hạnh phúc của sinh tử, chúng sẽ không trở thành con đường giác ngộ. Như vậy là vô ích.

Thế nên, hãy thực hiện bất kỳ hành động đạo đức nào của thân, khẩu, ý một cách kỹ lưỡng trong khi ở trạng thái vô niệm. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Nếu không hoàn thiện những dấu hiệu qua thực hành Pháp, sự hướng dẫn không thật sự có kết quả.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Những dấu hiệu bên trong là sự hỷ lạc, trong sáng, và vô niệm hé lộ trong con. Thoát khỏi bám chấp vào hình tướng và trụ nơi những cảm xúc phiền não, những tư tưởng của con tự giải thoát.

Những dấu hiệu bậc trung của việc phát hiện những ân phước của Giáo Pháp là khi những ân phước xuất hiện tự nhiên trong thân và khẩu con, khi con có thể cắt đứt những cảm xúc bất thiện và vượt qua những khó khăn, và khi bệnh tật, những thế lực tiêu cực, và Mara không thể lừa gạt con.

Những dấu hiệu bên ngoài của việc tâm con được tự do nhờ thực hành Pháp là khi thoát khỏi tám mối quan tâm thế gian, sự ràng buộc bởi chấp ngã của con được cởi bỏ và tiêu tan.

Nói chung, sự tin chắc sẽ không phát sinh nếu vị thầy dạy Pháp thiếu khả năng. Thế nên, điều quan trọng nhất là hãy nối kết với vị Thầy có dòng truyền không gián đoạn của các bậc thành tựu kỳ diệu. Hãy nhớ điều đó trong tâm.

Đạo Sư Padma nói: Những giáo huấn uyên thâm không có sách vở. 

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Khi một vị Thầy phi thường trao truyền một giáo huấn uyên thâm, ngay cả dù chỉ một câu cho một đệ tử xứng đáng áp dụng vào thực hành, người đệ tử sẽ phát sinh niềm tin vững chắc và sẽ thành tựu đạo quả.

Tsogyal, tâm bất sinh của con là trống không, quang minh, và tỏa khắp. Hãy kinh nghiệm nó thường trực.

Nói chung, nếu vị Thầy Giáo Pháp là tuyệt hảo, con sẽ có những giáo huấn uyên thâm dù con đi bất kỳ đâu. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Bất kỳ giáo lý nào con thực hành, nếu không vì lợi ích của chúng sanh thì sự thực hành đó sẽ dẫn đến trạng thái đại định của bậc Thanh Văn.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, sự thực hành đó sẽ dẫn đến trạng thái ra sao?

Vị Thầy đáp: Khi áp dụng những giáo huấn khẩu truyền vào thực hành, con thực hành Phật-tâm để đạt giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Nó là sự hoàn thành lợi ích cho người khác. Điều đó không phải là mục đích của những Thừa thông thường. Mong muốn chính mình được an bình, hạnh phúc, được tự tại và giải thoát thuộc về Tiểu Thừa.

Nói chung, mong muốn an lạc chỉ cho chính mình là nguyên nhân của đau khổ. Điều đó là vô ích.

Người thực hành chỉ tìm kiếm cho riêng mình hiếm khi được hạnh phúc. Do vậy, điều cốt lõi là chính con nỗ lực chỉ vì lợi ích của người khác. Khi thực hành vì lợi ích người khác con có thể thoát khỏi tính vị kỷ, nhưng lợi ích của chính con sẽ tự nhiên thành tựu. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Nếu không tuân thủ thực hành của con với lòng bi phi ý niệm, mọi thiện căn con đã thực hiện sẽ đi đến lãng phí.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, như vậy là sao?

Vị Thầy đáp: Một thiện căn nếu là ý niệm thì không thể tăng lên và do vậy sẽ bị tiêu hao. Nếu một hành động đạo đức được tuân hành bằng sự hồi hướng phi ý niệm, thì thiện căn đó không thể cạn kiệt và do vậy là nguyên nhân chính của giác ngộ tốiâ thượng.

Ý nghĩa của phi ý niệm là gì? Nó có nghĩa không quan niệm về “cái tôi”, không quan niệm về “người khác” và không quan niệm về thiện căn. Hãy tan hòa hoàn toàn ý niệm của con vào tánh Không.

Nói chung, một thiện căn là không lỗi khi đi theo phi ý niệm. Suy nghĩ với mục tiêu là mình làm một hành động thiện và hướng đến việc đạt được lợi hay danh là làm sai sự hồi hướng.

Khi một hành động thiện được làm để đạt danh tiếng kết hợp với sự hồi hướng cũng vì mục đích đó, việc thiện không thể tăng lên. Vậy, điểm quan trọng nhất là hoàn toàn tịnh hóa ba ý niệm (chủ thể, đối tượng và hành vi). Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Một thiện căn với phương tiện thiện xảo có thểõ soi sáng cho mọi thứ khác.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Nếu con muốn áp dụng giáo huấn khẩu truyền một cách khéo léo, hãy tu hành thực nghĩa và niêm phong nó với sự hồi hướng phi ý niệm. Bằng cách ấy, con sẽ soi sáng những thực hành trong thế giới hình tướng và do vậy thiện căn sẽ gia tăng dù con thực hành bất cứ Pháp nào.

Tóm lại, điểm quan trọng nhất là hãy làm cho thiện căn của con không cạn kiệt và gia tăng liên tục cho đến khi con đạt giác ngộ tối thượng. Trong mọi trường hợp hãy từ bỏ mọi bám chấp vào sự hồi hướng, đối tượng hồi hướng và người hồi hướng, không để lại một dấu vết nào. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Vị Thầy Hóa Thân Padmakara nói: Bằng cách đi với ba người bạn đồng hành hài hòa này, con sẽ miễn nhiễm với những che chướng của Mara.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó nghĩa là gì?

Vị Thầy đáp: Phát sinh lòng sùng kính hướngđối với vị Thầy chân chính hài hòa và quán tưởng Ngài luôn ngự trên đầu con để cầu nguyện và cúng dường.

Hãy giữ liên hệ với những bạn hữu hài hòa thực hành giáo lý với cùng samaya như con, không phấn đấu vì mục tiêu hay vật chất thế gian, mà quyết tâm mưu cầu hành động thiện cho tương lai.

Hãy gắn mình vào những giáo huấn hài hòa không hư hoại đó và đưa chúng vào thực hành qua những giáo lý uyên thâm về giai đoạn phát triển và thành tựu phù hợp với thực hành đích thực của một vị Thầy thành tựu.

Nếu không lìa ba điều trên, con không thể bị thương tổn bởi những che chướng của Mara. 
Nói chung, nếu con lấy tâm mình làm nhân chứng để tự nỗ lực trong những hành động mà Tam Bảo sẽ không xem thường, kết quả lâu dài sẽ luôn hoàn hảo. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Khi thực hành Pháp, điều cần thiết là hãy đăït một nền tảng tốt đẹp. 
Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, điều đó làm ra sao?

Vị Thầy đáp: Trước hết, nếu không có sự tích lũy công đức, con sẽ không gặp được vị Thầy sở hữu những giáo huấn khẩu truyền. Nếu thiếu nghiệp tương tục của những tu hành trước, con sẽ không hiểu giáo lý. Nếu thiếu niềm tin đặc biệt và sùng kính, con sẽ không nhận được những công đức của vị Thầy. Nếu thiếu nguyện, kỷ luật, samaya, con sẽ vi phạm gốc rễ của thực hành Pháp. Nếu không được dẫn dắt bởi những giáo huấn khẩu truyền, con sẽ không biết cách thiền định ra sao. Nếu thiếu siêng năng và kiên trì con sẽ không đi vào con đường thực hành và đức hạnh của con sẽ sa vào lười biếng. Nếu tâm con không thành thật chuyển khỏi những mưu cầu của luân hồi, con sẽ không vươn tới sự viên mãn trong thực hành Pháp.

Nếu mọi yếu tố này xảy ra cùng lúc sẽ có thành tựu trong thực hành Pháp. Sự thành tựu giác ngộ tối thượng tùy thuộc vào sự trùng hợp của nhiều nguyên nhân và điều kiện, vậy hãy tinh tấn.

Tóm lại, nhằm từ bỏ những gì nên từ bỏ và hoàn thiện những gì nên hoàn thiện, đừng để thân, khẩu, ý hướng vào những chuyện thông thường mà hãy tự nỗ lực và kết quả sẽ ưu việt. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Biết về Giáo Pháp là không ích lợi, con hãy ghi nhớ trong tâm và hãy đưa nó vào thực hành.

Công Chúa Tsogyal hỏi: Thưa, người ta nên làm điều gì khi thực hành?

Vị Thầy đáp: Mở rộng sự hiểu biết về kiến giải, không thiên vị với những giáo lý. Trụ trên ngai thiền định, hãy cô đọng mọi giáo lý trong tâm con. Mở rộng cánh cửa hành động (hạnh), không mâu thuẫn giữa kiến và hành. Có sự xác tín của quả, hãy để sinh tử và niết bàn bình đẳng như pháp tánh. Hiểu được những giới hạn để giữ gìn samaya, hãy tuân theo ba bậc nguyện (Tiểu Thừa, Đại Thừa và Kim Cương Thừa). Làm theo cách này sự thực hành Pháp của con sẽ không lỗi.

Nói chung, đừng để việc thực hành Pháp thành nhàm chán vì không thâm nhập vào lòng và không áp dụng vào thực hành. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Đạo Sư Padma nói: Trong tương lai, khi thời đại đen tối của sự suy đồi xảy đến, một số người tuyên bố là hành giả sẽ mong muốn được dạy người khác mà không được sự cho phép. Tự họ không thực hành lại hướng dẫn người khác thiền định. Tự họ không giải thoát lại đòi ban những giáo huấn để giải thoát. Không từ bỏ tính vị kỷ họ lại dạy người khác nên rộng lượng và buông bỏ sự trói buộc của bám luyến. Không hiểu biết chút nào về hành động thiện hay ác của mình, họ diễn đạt dông dài về thiện hay ác một cách thông suốt. Bản thân họ không ổn định lại tuyên bố làm lợi ích cho người khác. Ta nghĩ sẽ có nhiều người nhân danh Giáo Pháp làm điều giả đạo đức, gạt gẫm và lừa dối.

Mọi người trong tương lai thực hành Pháp hãy đọc bản di chúc viết tay này của thầy tu khất sĩ Padmakara và tự mình khảo nghiệm!

Hãy quan sát những khiếm khuyết của sinh tửi khổ đau! Vì hiển nhiên rằng mọi sự của đời này là vô thường, hãy chuyển tâm hướng vào trong con và suy nghĩ kỹ! Hãy lắng nghe về những chuyện đời của các vị Thầy thành tựu ở quá khứ đã thực hành kỷ luật tự thân ra sao. Hãy tìm một vị Thầy đủ khả năng và phục vụ Ngài với thân, khẩu, ý sùng kính.

Trước tiên, đừng kết thân với Ngài như một mối quan hệ bình đẳng mà phải cắt đứt những quan niệm sai lầm trong việc học hỏi và thiền định.

Kế tiếp, hãy duy trì sự thực hành liên tục và tự nỗ lực với sự kiên trì.

Sau cùng, thâm nhập Giáo Pháp vào tâm con nhờ thực hành và áp dụng những đối trị cảm xúc phiền não.

Luôn giữ giới luật và samaya không vi phạm. Đừng thực hành không liên tục hay trì hỗn mà hãy giữ hứa nguyện của con và lập tức áp dụng. Dù Ta, một khất sĩ đã đạt thành tựu, Ta không bao giờ tìm thấy thời gian để xao lãng. Thấy tất cả chúng sanh lạc đường bị hành hạ bởi những mưu cầu, ảo tưởng của luân hồi, bị những cảm xúc phiền não và nghiệp xấu, Ta thấy muốn khóc. Lòng Ta đau đớn vì thất vọng và khổ não.

Đã có thân người và nhận thức được những kết quả của hạnh phúc hay đau khổ của hành vi, những người không cố gắng đạt giác ngộ trong đời này và không thực hành ngay cả chỉ một thời quy y, lại theo đuổi những mưu cầu, tham vọng, giải trí và hưởng thụ của đời này và tích tụ ác nghiệp đều không có tấm lòng. Trái tim của họ đã mục rữa. Quỷ ma của Mara đã xâm chiếm tâm họ. Họ bị bạn bè quỷ quái lừa gạt.

Nếu tận đáy lòng giao phó mình cho Tam Bảo và thực hành để đạt giác ngộ trong một đời, chắc chắn Tam Bảo sẽ không dối gạt con. 

Chắc chắn con sẽ không bị đau khổ vì muốn thực phẩm hay quần áo. Người tuyên bố thiếu thực phẩm hay quần áo để thực hành Pháp, không có thời gian thọ quy y hay thực hành tâm linh và nói rằng họ không có thời gian rảnh rỗi là những người tự lừa gạt mình một cách đáng xấu hổ.

Ngay bây giờ, trong lúc các căn của con còn tốt và có thời gian rảnh rỗi, nếu không tự nỗ lực thực hành để đạt giác ngộ, chẳng bao lâu nữa con sẽ bị gió nghiệp cuốn đi, đến gặp Tử Thần và gặp hiểm nguy lúc cận tử, vào lúc đó con sẽ sợ hãi dữ dội, cố suy nghĩ về mọi điều có thể cứu vãn, nhưng đã quá trễ. Hãy nhớ điều đó trong tâm!

Nói chung khi thực hành Pháp con sẽ không thành công nếu không mang lấy cái chết trong tâm.

Hỡi những người có khả năng của thế hệ tương lai, không có sự giả dối nào trong lời của khất sĩ Padmakara. Dù các người theo đuổi bất kỳ điều gì hãy cố cố gắng mạnh mẽ để khỏi hối tiếc vào lúc chết! Hãy cẩn thận và tinh tấn với khao khát có thể giúp đỡ người khác!

Giáo lý này được đặt tựa là Tràng Hoa Pha Lê Của Sự Thực Hành Không Lỗi, tâm cốt tủy biểu lộ như cam lồ bất tử, với thân, khẩu, ý tôn kính và sùng mộ của tôi, Tsogyal xứ Kharchen đã khẩn cầu vị Thầy Hóa Thân Padmakara, vì lợi ích của những thế hệ tương lai, tôi soạn thảo, viết lại, và cất dấu bản văn như một kho tàng vì không thể truyền bá lúc này.

Khi gặp người may mắn, nguyện giáo huấn này được áp dụng vào thực hành.

Đây là giáo lý về Tràng Hoa Pha Lê Thanh Tịnh Của Sự Thực Hành Không Lỗi.

Niêm phong kho tàng. 
Niêm phong cất dấu. 
Niêm phong giao phó.

Xem mục lục