CHƯƠNG III
CHUYỂN HÓA NHỜ TUỆ GIÁC
HIỂU BIẾT VỀ BẢN CHẤT CỦA ĐAU KHỔ
Cùng với phương pháp gần gũi, thân mật với đối tượng để phát triển lòng từ bi, chúng ta có một phương cách quan trọng khác: đó là sự hiểu biết sâu xa về bản chất của khổ. Truyền thống Tây Tạng cho rằng sự quán tưởng về khổ đau có hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta quán chiếu các kinh nghiệm thực sự mình đã trải qua. Vì khi quan sát chính mình, ta chiêm nghiệm về các niềm đau của ta dễ dàng hơn là quán chiếu về người khác.
Do đó, hai yếu tố chính trong đạo Bụt là từ bi và hỷ xả, được coi là hai mặt của một đồng tiền. Sự buông xả chân thực hiện khởi khi người ta có giác ngộ thật sự về bản chất của cái khổ trong chính mình và lòng từ bi chân thực cũng xuất hiện khi ta thật sự hiểu về cái khổ của người khác. Chỉ có đối tượng khác nhau mà thôi.
Trước đây chúng ta đã nói sơ về ba loại khổ trong giáo pháp đạo Bụt: Khổ khổ - Hoại khổ - Hành khổ [1] . Tôi cũng đã giảng rằng trong việc tu luyện tâm từ bi và buông xả, chúng ta muốn nói về loại khổ thứ ba.
Về cái khổ thứ nhất, đó là những cái khổ vật chất như đau đớn hay những cái khổ hiển nhiên khác. Hãy coi loài vật, chúng cũng biết khổ và có khả năng làm cho đỡ đau phần nào, dù chỉ là đỡ khổ tạm thời.
Về loại thứ hai – Hoại khổ - ta muốn nói tới những kinh nghiệm sống mà ta thường cho là vui thú, là hạnh phúc trong cuộc đời. Chúng là những thứ dễ dàng thay đổi, và chúng ta càng ưa thích các thú vui đó thì chúng càng đưa ta tới đau khổ nhiều hơn. Nếu đó là những thứ mang cho ta hạnh phúc chân thực, thì khi ta càng tích lũy, hưởng thụ chúng, hạnh phúc của ta càng bền lâu. Nhưng nó không phải vậy!
Tất cả những gì tưởng như là thú vui, những gì khởi đầu tưởng như là hạnh phúc, khi ta theo đuổi chúng tới một điểm nào đó chúng sẽ thay đổi, trở thành khổ đau và đưa ta tới thất vọng vv…
Dù theo quy ước chung, người ta gọi đó là hạnh phúc, nó vẫn có bản chất của những cảm xúc thỏa mãn, bạn sẽ thấy chúng bị giới hạn, cực kỳ nhỏ hẹp.
Chúng ta thường nói tới sự vui sướng, là vì ta so sánh lúc đó với một hình thái khổ đau lớn lao ta mới trải qua. Thường chúng ta nói mình vui, mình hạnh phúc đa số là vì lúc đó khổ đau tạm thời vắng mặt.
Dù sao đây chưa phải là những cái khổ sâu xa nói tới trong Phật giáo. Hoại khổ, khổ vì sự thay đổi, cũng là thứ khổ mà các truyền thống tâm linh khác có bàn tới. Đạo Bụt cũng như các tôn giáo khác tại Ấn Độ có những phương pháp chung để nhận diện những kinh nghiệm khổ đau và vượt qua chúng một cách tạm thời. Trong các phương pháp ấy có thiền quán, quán tưởng, phát triển tâm thẩm thấu vv…
Nơi đây, chúng tôi muốn nói tới loại khổ thứ ba: Hành khổ hay nỗi khổ lan tràn gây ra bởi đủ thứ nhân duyên. Đó là căn bản của hai loại khổ kia. Đó là bản chất của sự hiện hữu của ta, vốn là kết quả của các hành nghiệp và những ảo tưởng, những cảm thọ phiền não.
Sống như những con người vô minh chưa giác ngộ thì chúng ta đều có căn bản bất như ý, đều bị khổ. Qua cách tu tập từ bi, buông xả, ta cần phát triển ước vọng chân thật mong được tự do, thoát khỏi loại khổ thứ ba này. Nhưng ước nguyện này chỉ hiện khởi khi ta hiểu được bản chất của khổ và các nguyên nhân tạo ra nó.
Khi chúng ta nói tới Tứ Diệu Đế [2] theo tiến trình hợp lý của nó, đáng lẽ phải nói tới chân đế thứ nhì (Tập tìm căn nguyên của khổ) trước khi nói tới chân đế thứ nhất (Khổ). Rồi chân đế thứ ba là Đạo (con đường) và chân đế thứ tư: Diệt (chấm dứt đau khổ). Tuy nhiên Bụt Thích Ca đã đảo lộn tứ diệu đế theo thứ tự Khổ - Tập – Diệt – Đạo, để nó hợp với sự phát triển tuệ giác của người tu tập.
Ngài dạy về Khổ đế trước, vì khi hiểu về khổ rồi, bạn sẽ muốn biết vì đâu mà khổ, rồi tới giai đoạn coi có thể chấm dứt khổ hay không. Chỉ khi bạn hiểu rằng ta có thể hết khổ, bạn mới đi tìm đế thứ tư – con đường dạy cho bạn cách chấm dứt khổ đau.
Vấn đề là bạn bắt buộc phải có sự buông xả, thật sự quên mình để hiểu được rằng chuyện chấm dứt khổ có thể thực hiện, căn cứ vào sự hiểu biết chân tướng của thực tại.
Trong trường hợp cá nhân tôi, tôi bắt đầu thật sự chú ý tới Tánh Không từ 30 năm trước. Do kết quả của những học hỏi, thiền và quán tưởng, tôi đi tới chỗ có cảm tưởng là mình mới có một thoáng hiểu nó là gì, dù tôi chưa dám nhận là mình đã trực tiếp thực chứng được về Tánh Không.
Tôi đã nói với các bạn đồng môn là khi tôi đạt tới sự ngừng bặt thật sự thì tôi sẽ lấy một kỳ nghỉ hè dài! Tôi cho rằng khi đạt tới trình độ đó tôi có thể nghỉ ngơi lâu được vì sự ngừng bặt thật sự không phải chỉ là thoát được khổ và các căn nguyên của nó một cách tạm thời, nhưng nó có nghĩa là ta đã thực sự loại trừ được hết mọi khổ đau.
Đó là tình trạng diệt khổ, khi đó dù bạn có tiếp xúc với các hoàn cảnh thường gây ra những cảm nghĩ tiêu cực, chúng cũng không làm bạn khổ vì gốc rễ của chúng đã không còn có mặt trong bạn. Đó là ý nghĩa của diệt khổ.
Khi chúng ta quán tưởng sâu xa về bản chất của khổ, về nguyên nhân tạo ra khổ, sự tự do thoát khổ, thoát cả các gốc rễ của chúng … lúc đó bạn sẽ phát triển được tâm buông xả tinh nguyên, vì đó là lúc bạn thực tâm muốn được thoát khổ, muốn được tự do. Trong thời điểm đó, bạn thấy như mình như kiệt sức hoàn toàn vì đã sống cuộc đời vô minh, đã bị các cảm nghĩ bất thiện thống trị đến thế.
Sau khi bạn thiết lập được ước nguyện tự do trong cuộc nhân sinh này, bạn có thể chuyển ước vọng ấy tới người khác, chú ý vào những kinh nghiệm khổ đau của họ như bạn đã làm cho mình.
Nếu bạn phối hợp chuyện này với suy tư trước kia (coi ai cũng có thể đã là mẹ mình), quán tưởng tới sự tử tế của họ, nhận biết sự bình đẳng giữa bạn và người khác – thì lòng từ bi tinh tuyền sẽ khởi lên trong tâm bạn. Chỉ khi đó bạn mới thực sự có ước nguyện vị tha, làm lợi ích cho người.
Khi có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn, bạn sẽ thay đổi quan niệm đối với Phật và Tăng. Bạn sẽ kính trọng Bụt Thích Ca hơn vì hiểu giáo pháp của ngài sâu xa hơn, nhất là về ý nghĩa của sự ngừng bặt và con đường đưa tới Niết Bàn.
Không phải Bụt chỉ giảng dạy mà ngài còn là hiện thân của những giáo nghĩa đó. Hơn nữa, sự kính quý tăng đoàn trong bạn cũng càng ngày càng lớn hơn vì đó là các vị đại diện cho Phật Pháp. Đây là căn bản của tam quy – ba sự nương tựa quay về Phật, Pháp và Tăng. Y như ngài Tsongkhapa đã viết trong cuốn “Ngợi ca lý duyên sinh”:
“Vì ngài dạy những điều ngài đã chứng nghiệm
Ngài là bậc đạo sư trí tuệ cao tột
Con xin tán dương và khấu đầu đảnh lễ ngài
Cùng những lý duyên sinh do Bụt truyền bá”.
Khi bạn suy ngẫm về những câu trên, bạn sẽ biết cách thiết lập một nền tảng tu tập sao cho thành công. Đây không phải như bạn chỉ chú tâm hết sức vào một điều nào đã chọn mà bạn phải có cái nhìn bao quát về con đường tu học. Cái nhìn rộng rãi đó sẽ hỗ trợ cho việc tu tập của bạn, dù bạn chỉ thực tập một khía cạnh đặc biệt nào thôi.
Tiếp tục trên con đường này, bạn sẽ bắt đầu biết quý trọng kiếp người. Được làm người thật đáng quý ở điểm chúng ta biết suy ngẫm những vấn đề tâm linh và hành trì tu tập. Và bạn sẽ biết trân trọng những lời giảng dạy mà bao nhiêu bậc thầy Tây Tạng đã nhắc nhở nhiều lần: Đừng bỏ phí những duyên may ta gặp trong đời này vì được làm người là chuyện vô cùng khó khăn.
Kiếp người rất hiếm quý nên ta phải làm những hành động có ý nghĩa ngay bây giờ, vì bản chất cuộc đời chúng ta cũng rất phù du. Điều này chứng tỏ bạn nên dung hợp nhiều phương pháp tu tập để khi hành trì mỗi ngày bạn sẽ được tinh tấn.
Tôi đã nói rằng chúng ta có thể huấn luyện tâm bằng cách phát triển hai ước nguyện muốn giúp người và muốn được giác ngộ. Kết hợp cả hai chúng ta sẽ làm cho Bồ Đề Tâm phát sinh. Đó là ý nghĩa chân thực của các nguyên tắc vị tha, nguồn gốc của mọi tính thiện.
Lý lẽ, lòng tin và kinh nghiệm
Có vài điểm trong giáo lý đạo Phật có thể được chấp nhận là đúng, ít nhất trong giai đoạn mới học, nhờ vào những chứng nghiệm của người khác; nhưng nói chung, sự hiểu biết về đạo Phật của một người phải căn cứ vào suy luận và thực chứng của chính người đó.
Đạo Phật không dạy rằng Bụt vĩ đại vì ngài đã hoàn toàn giác ngộ và vì giáo pháp là do Bụt dạy cho nên phải tin. Không phải vậy, mà chúng tôi đến với đạo trước hết là do lòng kính trọng giáo pháp của Bụt Thích Ca, căn cứ vào giá trị của giáo pháp tâm linh đó.
Điều này chỉ xảy ra sau khi cá nhân hành giả hiểu giáo lý một cách sâu xa nhờ vào những kinh nghiệm bản thân và lý luận của chính mình. Chỉ khi đó họ mới phát triển lòng kính ngưỡng sâu xa với Bụt, là người đã giảng dạy và thể hiện giáo pháp. Giá trị của Bụt như một bậc Thầy tâm linh – được chứng tỏ qua giá trị của những gì ngài giảng dạy.
Tuy nhiên đôi khi ta phải nương vào sự tôn quý Bụt để chấp nhận một số điểm trong giáo pháp của ngài. Điều này phù hợp với quan điểm Phật giáo về sự hiện hữu của nhiều loại hiện tượng.
Nhiều chuyện hiển nhiên đối với ta, đó là những hiện tượng ta tiếp xúc trực tiếp được. Ta có thể nhìn thấy, sờ thấy hay cảm thấy nó, có thể chứng minh sự hiện hữu của chúng bằng những kinh nghiệm của mình. Đó là những hiện tượng có thể thực chứng, những sự việc hiển nhiên.
Rồi có loại hiện tượng thứ hai, được mô tả là hơi mờ hay hơi tiềm ẩn: Dù ta không có thể tiếp xúc với chúng trực tiếp bằng giác quan, nhưng qua các kinh nghiệm thực chứng ta biết chúng có thật.
Loại hiện tượng thứ ba được coi là kín bưng hay cực kỳ ẩn tàng, đó là những hiện tượng còn hoàn toàn bí mật đối với ta, nhất là trong thời gian đầu của con đường phát triển tâm linh. Khi đó, ta không hề biết cách tiếp cận với chúng, không thể dùng suy đoán hay nhận thức trực tiếp.
Vậy nên, ngay cả trong đạo Bụt, chúng ta khởi đầu phải chịu tin vào những chuyện do người khác chứng nghiệm vậy.
Liên hệ với chuyện này, tôi cũng muốn đề cập tới vấn đề chung của các tôn giáo lớn: chúng ta cần có lòng tin nhất trí vào con đường tâm linh của mình. Điều này có nghĩa là ta không nên theo hai con đường một lúc. Nó cũng hàm ý là sự dấn thân, cam kết vào con đường ta chọn rất quan trọng.
Vấn đề nêu trên rõ ràng liên can tới sự vấn đề chỉ có một tôn giáo hay là nhiều tôn giáo, một chân lý hay nhiều chân lý. Trên phiến diện ta thấy có sự đối nghịch về hai điểm sau đây: một là công nhận chỉ có một chân lý, một tôn giáo – hai là chấp nhận có nhiều sự thật và nhiều tôn giáo.
Riêng tôi, tôi không thấy có nghịch lý thật sự nào ở đây. Tôi đề nghị là đối với người hành trì thì nên theo một chân lý, một tôn giáo; nhưng trong cộng đồng hay trong xã hội, thì vẫn tôn trọng nguyên tắc có nhiều chân lý, nhiều tôn giáo. Xã hội loài người ở đâu cũng vậy, người ta rất khác biệt, tình cảm rất đa dạng, nên tôi không thấy điều nghịch lý nào trong chuyện có nhiều niềm tin khác nhau.
Dĩ nhiên ngay trong đạo Phật cũng có nhiều trường phái khác nhau. Ta có thể hiểu một người nghiêng về triết lý Trung Quán chủ trương rằng lập trường tối hậu của Bụt được diễn tả bằng quan điểm Tánh Không của phái Trung Quán. Nhưng hành giả đó cũng biết rằng trong các lời giảng của Bụt có nhiều nhận thức khác đối nghịch với phái Trung Quán.
Một người ủng hộ tông phái Phật giáo Duy Thức có thể lý luận rằng sự diễn giảng thuyết bất nhị giữa chủ thể và đối tượng – triết lý cao tột của Phật pháp – mới thật sự là Trung Quán!
Đó chẳng qua là lý thuyết Duy Thức thích hợp với vị hành giả đó hơn mà thôi. Người đó còn có thể cho rằng các triết gia Trung Quán thực đã theo thuyết hư vô và đã đi quá xa.
Các kinh bản dùng trong Tông Duy Thức, nhất là “Kinh Giải Thâm Mật” (Samdhinirmocana sutra) được phái này coi là các kinh văn do chính Bụt giảng dạy. Đọc kinh này chúng ta không thấy Bụt thuyết: “Ta nói kinh này để có lợi ích cho các con, để thích hợp với tâm thức các con, nhưng quan điểm riêng của ta lại khác”. Không có chuyện này. Kinh đó có ý nói: những chân lý trong kinh là những sự thật chung cuộc. Vậy thời, ta có thể thấy, giảng dạy Tánh Không cho những người thiên về Duy Thức có lẽ không lợi vì nó có thể đưa tới chủ nghĩa hư vô.
Tôi thường nói rằng loài người chúng ta khác nhau nhiều lắm, nên có nhiều khuynh hướng tâm linh và triết lý khác nhau. Một tỷ dụ khác: có một số người quan niệm rằng Thượng Đế rất nhiều quyền năng, đầy sáng tạo và phù hợp với căn bản tín ngưỡng của họ.
Ý tưởng ta chỉ sống có một kiếp, chỉ có đời này thôi và ta do Thượng Đế trực tiếp tạo ra, khiến cho ta có liên hệ chặt chẽ với ngài. Cảm giác gần gũi và liên hệ trực tiếp với Thượng Đế rất mạnh, nó có thể làm nền tảng để ta muốn sống một cuộc đời có đạo đức. Càng cảm thấy gần Thượng Đế, ta càng cố gắng để sống xứng đáng với kỳ vọng của ngài.
Cũng như các tỷ dụ đã nói trên, trong các tôn giáo hữu thần cũng có nhiều khác biệt lớn lao. Đạo Cơ Đốc có quan niệm về Ba Ngôi, nhưng đạo Hồi không tin như thế mà dạy người ta nhiều hơn về sự liên hệ với đấng tạo hóa.
Các tôn giáo hữu thần có nhiều khuynh hướng tâm linh khác biệt. Vấn đề quan trọng là khi bạn tìm được con đường nào thích hợp với tâm tình và ý hướng của bạn nhất và nó có hiệu năng tốt nhất cho bạn, thì đó là con đường nên theo.
Giác ngộ về bản thể chân thật của thực tại.
Quan niệm Vô Ngã, không có sự hiện hữu độc lập của cái Ngã rất phổ thông trong đạo Bụt. Phật pháp nhấn mạnh vào sự chối bỏ một linh hồn bất diệt hay có cái Tôi (Ngã). Điều này bắt nguồn từ chỗ cho rằng những khổ đau bối rối của ta đều khởi lên từ các nhận thức sai lầm về cái Ngã; nhất là sự tin tưởng ở một cái Ngã bất diệt và độc lập trong mỗi con người. Con đường giúp ta vượt thoát khổ đau không thể thiếu sự thực chứng về Vô Ngã.
Tất cả các tông phái Phật giáo chấp nhận chủ thuyết Vô Ngã. Nhưng vài trường phái đi xa hơn, xác quyết rằng không những ta phải buông bỏ quan niệm có cái Tôi độc lập vững chắc, mà ta còn áp dụng thuyết Vô Ngã vào tất cả các hiện tượng.
Vì chủ thể đã không có tự tánh khi hiện hữu, nên các kinh nghiệm, các hiện tượng đều như vậy. Cái phái đó chấp nhận giáo lý Vô Ngã cho con người và cho tất cả các hiện tượng.
Có hai tông phái Phật giáo Đại thừa có xác quyết này. Đó là tông Pháp tướng hay Duy Thức (Cittamara) và tông phái Trung Quán hay Trung Đạo (Madhyanamaka). Trường phái Trung Quán thường bác bỏ bất cứ khái niệm nào cho rằng hiện tượng có bản chất hiện hữu hay cá tính tự tại.
Lần trước giảng tại Luân Đôn (Anh quốc), tôi đã bàn về thuyết Vô Ngã của Trung Quán, nên tôi nghĩ bữa nay tôi nên nói tới cái hiểu của phái Duy Thức về bản chất của thực tại.
Quan điểm của Duy Thức Tông
Tông phái Duy Thức luận bàn về tánh Vô Ngã của phái Trung Quán như sau: nếu Vô Ngã là sự vắng mặt của hiện hữu và tự tánh nội tại – thì như vậy, thuyết duyên khởi (căn bản của Phật giáo) cũng không đứng vững?
Theo Duy Thức, nếu chúng ta hiểu sâu xa về thuyết duyên khởi thì ta phải chấp nhận mọi sự vật có ảnh hưởng hỗ tương với nhau, tùy thuộc vào nhau. Họ lý luận rằng, như vậy các sự vật, các pháp phải có một bản chất, một hiện hữu nội tại nào đó.
Chống lại luận cứ của phái Trung Quán cho rằng Vô Ngã là căn bản của tất cả mọi pháp, Duy Thức Tông phải tìm một đường lối diễn giảng Kinh Bát Nhã, là kinh văn có vẻ như hỗ trợ cho phái Trung Quán. Họ đưa ra thuyết Tam tánh[3]. Theo đó, sự vắng mặt của tự tánh nội tại phải được hiểu khác nhau tùy theo các bối cảnh.
Có các hiện tượng mà bản chất của nó thuần là sản phẩm của tâm trí ta, do ta tạo nên. Theo Duy Thức luận, các hiện tượng đó có thể tánh Biến Kế Sở Chấp (imputednature-parakalpita). Tánh Biến kế Chấp đó cũng không có tự tánh nội tại.
Thứ nhì là tánh Y Tha Khởi (paratantra) của các hiện tượng: chúng có tự tánh nội tại nhưng không có khả năng sinh sản độc lập: Chúng không tự chúng thể hiện ra được mà chúng là kết quả của nhiều nhân duyên.
Thứ ba là thể tánh chân thực – Viên Thành Thật (parinnispanna) được mô tả là trống rỗng – tức là không có tự tánh tuyệt đối.
Phái Duy Thức lý luận rằng ba loại thể tánh đó có tính cách phổ biến, áp dụng được vào tất cả mọi hiện tượng (gọi chung là các pháp). Các pháp đều có ba bản chất (tam tự tánh): Y Tha Khởi – Biến Kế Sở Chấp và Viên Thành Thật – Hơn nữa ba tánh này tương quan chặt chẽ với nhau.
Y Tha Khởi là căn bản phát sinh ra những tâm hành của ta. Khi ta nhận thức sai lầm, quan niệm những sự việc tùy thuộc duyên sinh như là những thực tại độc lập, thì đó là Biến Kế Sở Chấp.
Sự vắng mặt của các nhận thức Biến Kế Sở Chấp là tánh Viên Thành Thật. Vậy Y Tha Khởi là tính chất căn bản, Biến Kế Sở Chấp gồm các nhận thức của ta phóng chiếu lên mọi sự vật và Viên Thành Thật là sự vắng mặt của các nhận thức Biến Kế Sở Chấp.
Duy Thức tông định nghĩa thể tánh chân thực hay Tánh Không theo hai cách. Một là tính cách bất nhị giữa chủ thể và đối tượng, giữa người quan sát và vật được quan sát. Sau các phân tích rốt ráo về chủ thể và đối tượng, ta thấy chúng bất nhị, nhưng trí tưởng tượng làm cho ta phân biệt ra hai thứ. Họ lý luận rằng trong nhận thức thông thường, chúng ta hay nhìn đối tượng với một tiêu chuẩn nào đó để ta có thể nói về nó, có nhận thức về nó, nhưng sự thật không phải như vậy.
Tỷ dụ như khi chúng ta gọi tên hay dán nhãn hiệu gì đó cho một vật, thì vật đó đâu có vì cái tên đó mà hiện hữu. Thật sự thì ngôn ngữ và ý tưởng của ta tạo ra sự liên hệ giữa tên gọi và đối tượng đó thôi.
Duy Thức lý luận rằng cái lối ra đặt tên hay nhận biết đối tượng chỉ có tính cách tương đối, tùy thuộc vào các nhân duyên, nhưng ta đã không hành xử như vậy. Nếu chúng ta được hỏi chữ “thân” nghĩa là gì? Ta thường theo bản năng, chỉ vào một cơ thể và nói “đó là cái thân” – chúng ta tin là có một đối tượng thật sự nào đó trong cái thân và có sự liên hệ của cái thân ấy với các ý niệm do chữ “thân” gây ra.
Phải Duy Thức không chấp nhận như vậy. Danh từ “thân” chỉ vào đối tượng “thân” phát khởi từ một hệ thống quy ước phức tạp. Nếu như thật sự có sự liên hệ giữa cái tên và đối tượng, thì ta phải có khái niệm về “thân” trước cả lúc ta đặt tên cho nó. Tuy nhiên ta cứ luôn luôn coi như là các vật thể có một liên hệ tuyệt đối với những cái tên ta đặt cho chúng, làm như chúng có một thể tánh độc lập vậy.
Phải Duy Thức mở cho chúng ta một lối tiếp xúc sâu xa hơn với thể tánh của thực tại qua tiến trình tìm hiểu về bản chất của các tên gọi, từ ngữ, hiện tượng và tánh chất của chúng.
Đó là Từ Tầm hay Tứ Tầm Tư Quán[4] , cách tìm hiểu qua bốn phương pháp tìm tòi. Nó đưa ta tới tuệ giác về 4 khía cạnh của các hiện tượng: Danh; Nghĩa; Tự Tánh và Sai biệt. Cách tìm hiểu này sau cùng nó sẽ dẫn ta tới sự hiểu biết về bản thể chân thật, sự bất nhị giữa đối tượng quán chiếu và chủ thể quán chiếu.
Dù khi nhìn thế giới một cách ngây thơ, chúng ta có khuynh hướng tin rằng các sự vật hiện hữu thật sự như ta thấy bề ngoài chúng, nhưng nhận thức thật sự về một đối tượng và chính đối tượng đó không phải là hai thứ riêng biệt. Đó chỉ là hai khía cạnh của một hiện tượng.
Triết lý Duy Thức quan niệm rằng những gì ta nhận thức về bề ngoài của đối tượng chỉ là sự phóng chiếu của tâm mình. Thật vậy, chủ thể và đối tượng, người quan sát và vật được quan sát đồng thời được khởi lên cùng một gốc, có chung một thể tánh thực tại.
Phái Duy Thức quan niệm rằng các nhận thức của ta rất phức tạp, và họ chia sẻ chúng ra làm nhiều phần. Khi ta nhận biết một vật, một hình tướng, thì có yếu tố nhìn nó như nó là, thí dụ vật đó màu xanh.
Cũng trong nhận thức đó, có một phần khác ta nhìn vật đó màu xanh vì nó biểu hiện đúng cái từ ngữ “xanh” trong ta. Một yếu tố khác nữa trong nhận thức “xanh” là ta thực sự tin rằng chữ “xanh” đó đã hiện hữu như một đối tượng thích hợp để ta quy chiếu về.
Và cuối cùng trong nhận thức đó cũng hàm chứa ý niệm màu xanh ấy hiện hữu như một thực thể có tự tánh độc lập, riêng biệt đối với ý niệm ta có về nó.
Phái Duy Thức giải nghĩa động cơ của những bình diện nhận thức khác nhau ấy bằng các xu hướng khác nhau trong ta. Họ cho rằng sở dĩ ta nhận ra vật đó màu xanh vì ta đã có sẵn thói quen nhận những vật như thế là màu xanh. Ngôn ngữ và các quy ước quen thuộc của ta gọi đó là màu xanh.
Nhận thức “xanh” không chỉ là từ ngữ xanh mà đó là một nhận thức Biến Kế Sở Chấp, coi màu xanh là một hiện hữu độc lập. Sau hết, nhận thức của ta về tự tánh độc lập của một vật đối với tâm trí ta được coi là một vết tích khác của khuynh hướng vô minh, của sự hiện hữu chưa tỉnh giác.
Trong 4 bình diện kể trên, hai điểm đầu cùng những khía cạnh của các nhận thức trong đó được coi là có giá trị. Nhưng hai điểm sau và các nhận thức của chúng đều bị coi là đưa người ta tới sự hiểu lầm về thực tướng của vạn pháp…
Tựu chung, phái Duy Thức coi chủ thể, đối tượng, và khả năng nhận thức theo thói quen chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một hiện tượng. Đó là cách họ thiết lập cái hiểu của họ về thể tánh chân thật: Đối tượng và chủ thể bất nhị.
Có sự khác biệt lớn lao giữa Duy Thức và các tông phái khác trong Đại Thừa. Nhưng cái hiểu chung của Duy Thức về toàn diện của Phật pháp thì không có gì khác.
Đối với những ai ưa thích ngành Tâm lý của Phật giáo, tôi nghĩ là họ rất cần hiểu quan điểm của phái Duy Thức về chân lý của thực tại. Chúng ta cần xét một cách cẩn trọng sự đối nghịch của Duy Thức với phái Trung Quán.
Duy Thức không đồng ý vì họ cho rằng phái Trung Quán khi lý luận mọi pháp không có hiện hữu nội tại, không có tự tánh hay bản thể, thì sẽ dẫn tới thuyết hư vô. Theo đó thì ta chỉ hiểu được triết lý Trung Quán nếu ta có thể phân biệt được rằng phủ định sự hiện hữu và tự tánh của vạn vật không phải là sự phủ định toàn bộ mọi pháp.
Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể trả lời phái Duy Thức và bênh vực phái Trung Quán ở sự phân biệt này.
Trong 26 chương của cuốn sách “Căn bản Trung Quán Tụng”[5], khi nói về thập nhị nhân duyên, ngài Long Thọ đã vất vả trong việc bênh vực phái Trung Quán.
Ngài chứng tỏ rằng phái này phủ nhận sự hiện hữu của các pháp nhưng không theo thuyết hư vô. Có sự khác biệt lớn lao giữa Tánh Không (Trống rỗng – Emptiness) với cái Không hư vô (Nihilism), giữa sự phủ nhận hiện hữu của tự tánh với sự chối bỏ tất cả các hiện hữu.
VẤN ĐÁP
Hỏi:
Tôi biết rằng qua sự tu tập lâu dài, chúng ta có thể loại bỏ được những cảm xúc phiền não qua sự hiểu biết về Tánh Không. Nhưng trong cơn giận giữ, chúng tôi phải làm sao?
Đạt Lai Lạt Ma:
Cái đó tùy thuộc rất nhiều vào cá nhân. Trong trường hợp một hành giả đã có kinh nghiệm sâu xa về Bồ Đề Tâm, coi nhẹ vật chất thế tục, và có hiểu biết về Tánh Không, thì rất ít khi họ có những cảm xúc bất thiện lớn như giận dữ hay ghen ghét.
Dù các cảm xúc này có nổi lên thì vị đó cũng có thể nhớ ngay được những bài pháp đã học và liên hệ nó tới các tiến bộ tâm linh trong mình để làm tan loãng sự căng thẳng của các cảm bất thiện đó.
Dù sao, đối với những người như tôi đây, chưa tiến bộ nhiều, thì phương pháp hay nhất là đừng để mình rơi vào tình trạng hay hoàn cảnh nào làm cho bạn nổi sân si. Đối với những người mới tu tập thì đề phòng tốt hơn là đối đầu, tôi cho là điều đó rất đúng.
Do kinh nghiệm, bạn sẽ biết thế nào là những tình huống làm bùng lên những cảm xúc bất thiện dữ dội trong bạn, và bạn sẽ biết cách hay nhất để tránh các cảnh này. Dù sao, khi các cảm thọ đó khởi lên, bạn cũng sẽ chỉ biết cách thu xếp nếu như chúng chưa bùng nổ lớn. Nếu chúng đã nổ tung lên rồi thì bạn cũng không can thiệp được bao nhiêu. Trường hợp đó, có lẽ tốt nhất là bạn cứ la toáng lên!
Khi tôi còn nhỏ, tại lâu đài mùa hạ Nobulingka bên Tây Tạng, mấy người dọn phòng thường bảo tôi là khi nào giận mấy người bạn cùng chơi đó quá mức, thì tôi nên cắn vào bàn tay của mình.
Nay nhìn lại, thì có lẽ đó là một cách khá hiệu quả. Bạn nghĩ mà coi, khi bạn giận nhiều thì bạn sẽ tự cắn mình đau hơn. Và chuyện đó sẽ đánh thức, sẽ nhắc nhở bạn đừng giận, vì bạn sẽ phải chịu đau. Cảm giác đau đớn đó cũng sẽ khiến cho tâm bạn ra khỏi được cơn giận dữ.
Hỏi:
Thưa ngài, tôi rất muốn trở thành một con người tốt hơn, tử tế hơn, có lòng từ bi và loại bỏ được những tư tưởng cùng hành vi bất thiện. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thụt lùi, càng làm lỗi nhiều hơn. Tôi tưởng như mình đi qua một lớp bùn trơn vậy. Ngài khuyên tôi nên làm sao?
Đạt Lai Lạt Ma:
Tôi có cảm tưởng bạn đã nghe những bài giảng rất nghiêm túc. Chuyện này cũng giống như hồi đầu, khi ta mới tập thiền. Khi bạn ngừng lại để ngồi xuống quán tưởng, bạn bắt đầu thấy các tư tưởng thay đổi luôn luôn và bạn bị đãng trí nhiều vô cùng, hình như là tâm bạn trở nên lăng xăng hơn vì thiền vậy. Thực ra đó là dấu hiệu tốt, chứng tỏ bạn có tiến bộ.
Tôi xin nói, Chuyển Hóa Tâm không phải là chuyện dễ dàng. Nó cần thời gian, bạn đừng mất can đảm và chán nản mà nên tiếp tục. Có lẽ tốt hơn bạn nên nghĩ tới thời gian chuyển hóa, không phải chỉ vài tuần, vài tháng hay vài năm, mà là từ đời này qua kiếp khác – cả ngàn, cả triệu hay tỷ tỷ, vô lượng kiếp. Phật tử chúng tôi nghĩ như vậy.
Mỗi khi tôi thất vọng về mình hay buồn phiền quá, tôi nhớ tới câu kệ rất hay này: “Khi còn thế giới – Khi còn chúng sinh – Tôi nguyền ở lại – Giúp đời bớt khổ”. Tôi đọc lại bài kệ, suy ngẫm và quán tưởng về nó thì những tình cảm buồn nản ấy biến đi ngay.
Bạn chỉ cần quyết tâm thêm, đừng để ý tới vấn đề thời gian để có được chuyển hóa. Bạn cần phát triển cái quyết tâm đó thêm và mọi sự sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn có kết quả lập tức thì mọi chuyện sẽ khó khăn hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Khi bạn tìm được phương pháp nào hữu dụng thì cứ theo nó, nếu như bạn cảm thấy nó vô nghĩa, thì tôi cũng không biết nói sao. Tôi không khuyên bạn gì khác được.
[1] Ba thứ khổ: xem ghi chú số 6 chương I.
[2] Tứ Diệu Đế: Khổ - Tập – Diệt – Đạo (Bốn sự thật cao quý), là giáo pháp căn bản của đạo Phật, do chính Bụt Thích Ca giảng dạy từ khi mới đắc đạo, cho 5 đệ tử đầu tiên (trong đó có ngài Kiều Trần Như), vốn là các huynh đệ đồng tu của ngài. Cho tới khi sắp nhập diệt, đức Thế Tôn cũng vẫn giảng lại Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo cho các đệ tử.
[3] Tam Tánh (Three Natures) hay tam tự tánh: ba bản chất hay chân tướng của thực tại. Vì không có trí tuệ, thiếu hiểu biết nên chúng ta luôn luôn có những nhận thức sai lạc về thực tại. Các nhà Duy Thức học phân tích ra ba tự tánh của các pháp tùy theo cái nhìn của chúng ta:
- Biến Kế Chấp (Parakalpita) hay Biến Kế Sở Chấp: vạn vật không có tự tánh như chúng ta nhìn và gán cho chúng (coi chúng như có tự tánh độc lập). Tự tánh Biến Kế Chấp này của vạn vật là do sự vô minh của ta chứ thực ra, chúng không như vậy.
- Y Tha Khởi (Paratantra): tự tánh căn bản của vạn vật, mọi sự đều nương vào nhau, đều do duyên khởi. Do công trình tu học và quán chiếu lâu dài theo tự tánh Y Tha Khởi mà ta có thể chuyển hóa được khổ đau, vì hiểu được tính cách duyên khởi, vô thường, vô ngã của mọi sự kiện…
- Viên Thành Thật (Parinispanna): tánh chất thành tự viên mãn của vạn hữu. Đó chính là chân tướng của thực tại - sự vắng vặt vĩnh viễn của Biến Kế Chấp. Người giác ngộ nhìn mọi hiện tượng toàn bằng các nhận thức Y Tha Khởi, thóat được các nhận thức sai lầm, vượt ra khỏi sinh tử luân hồi… (xem sách Pháp Số Căn Bản của Hạnh Cơ và các cuốn Vấn đề nhận thức trong Duy Thức học, Trái tim mặt trời, Nẻo vào thiền học của Thích Nhất Hạnh).
[4] Tứ Tầm Tư Quán trong Duy Thức tông dạy người tu hành biết quan sát các hiện tượng theo 4 khía cạnh:
- Danh: từ ngữ, tên của hiện tượng
- Nghĩa: ý nghĩa của từ ngữ chỉ hiện tượng đó
- Tự tánh: bản chất của hiện tượng
- Sai biệt: các tánh chất khác nhau của hiện tượng
Hành giả quán sát các hiện tượng theo 4 khía cạnh trên để thấy đó là các pháp hư huyễn, chỉ do nội tâm biến hiện ra chứ chúng không có thực tướng.
[5] Căn bản Trung Quán Tụng: Mula-madhyamaka-karika, là tác phẩm rất quan trọng về Trung Quán luận của ngài Long Thọ.