Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (14)


Xem mục lục

C. QUAN SÁT NHỮNG PHẨM TÍNH TUYỆT HẢO 
CỦA NIẾT BÀN VÀ THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NIẾT BÀN

1. Lời khuyên tổng quát về mọi kỷ luật dẫn đến Niết bàn

a. Nỗ lực đạt đến Niết bàn

(Như ngài) dập tắt một ngọn lửa nếu nó thình lình bắt cháy trên áo quần hay trên đầu ngài, cũng thế hãy nỗ lực chấm dứt sự tái sanh qua những hành vi từ bỏ – vì không có mục tiêu nào khác tuyệt hảo hơn điều này. 104

Đạt đến Niết bàn là một tiến trình lâu dài, thế nên người ta cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu đầu hay áo quần người ta bắt lửa, bấy giờ người ta tức thời dập tắt nó. Tương tự, người ta phải cố gắng hết sức để chấm dứt tái sanh trong sanh tử, sự tái sanh ấy là kết quả của những hành vi và những nhiễm ô. Sanh tử là gốc rễ của mọi bệnh hoạn, và để chấm dứt nó, người ta cần thực hành Con Đường, vì không có cái gì tuyệt hảo hơn nó.

Qua giới, huệ và định hãy đạt được trạng thái Niết bàn an lạc, bình thản và không một vết dơ, nó thì không tuổi tác, không chết, không cạn kiệt, và không có đất, nước, lửa, không khí, mặt trời và mặt trăng. 105

 (i) giới (Skt. sila)
 (ii) huệ (Skt. prajna
 (iii) định (Skt. dhyana)

Qua thực hành ba cái này, chúng là ba nguyên nhân chánh để đạt được Niết bàn, người ta sẽ thành tựu bình an. Niết bàn có hai loại. Thứ nhất là Niết bàn không có nền móng (vô dư Niết bàn), Niết bàn không có năm uẩn, Niết bàn tối hậu, nirupadhisesanirvana. Thứ hai là Niết bàn với nền móng, sopadhisesanirvana (hữu dư Niết bàn) ; nghĩa là Niết bàn với năm uẩn dù tánh không của chúng đã được chứng ngộ.

Cái thứ nhất thoát khỏi năm uẩn, chúng đã cạn kiệt và tắt hẳn. Người ta đạt đến sự bình an của Niết bàn. Cái thứ hai bao gồm sự chứng ngộ tánh không ; dù người ta còn có các uẩn, chúng sẽ bị để lại đằng sau vào lúc chết.

Cả hai được gọi là thanh tịnh và trong sáng, vì những nhiễm ô đã bị thanh toán. Từ lúc đó trở đi, không có già, nên nó được gọi là không tuổi tác. Nó cũng được gọi là bất tử, vì không còn sự chết nữa. Nó là không tận, không màu sắc và không hình dáng. Trạng thái người ta sẽ đạt đến thì không có bốn nguyên tố, mặt trời và mặt trăng. Điều này được nói bởi vì trong một số triết học Ấn Độ mục đích là sự hợp nhất của những nguyên tố, và mặt trời mặt trăng… Để chỉ ra giải thoát là vô tướng, điều này được nói.

Hơn nữa, cả hai Niết bàn thoát khỏi hoạt động của tư tưởng, tạo tác ý niệm và xao lãng.

b. Lời khuyên tích tập cái cần thiết để đạt Niết bàn

(1) Thực hành bảy chi của giác ngộ

Bảy chi này của giác ngộ – niệm, phân biệt các pháp, tinh tấn, hỷ, tịnh hóa, định và xả – là sự tích tập đức hạnh (hay công đức), sự tích tập công đức này là nguyên nhân của đạt được Niết bàn. 106

Có bảy phần đặc biệt của con đường đến giải thoát, chúng được gọi là bảy chi của giác ngộ.

(1) Niệm, nó không quên cái nhìn thấy chân lý, là chi của sự an trụ trong cấp độ của địa thứ nhất.

(2) Huệ phân biệt các pháp là chi của tính cách nội tại.

(3) Tinh tấn làm khởi những hành động đức hạnh là chi của giải thoát.

(4) Hỷ, nó là hạnh phúc của tâm do chứng ngộ là chi của lợi lạc và công đức.

(5) Tịnh hóa, nó sửa chữa những hành động của thân và tâm, là chi của sự không bị nhiễm ô.

(6) Những trạng thái thiền là sở hữu của một tâm trong sáng và thiền định là chi của sự không sanh khởi những nhiễm ô.

(7) Xả thì thoát khỏi buồn ngủ (hôn trầm) và xao lãng (phóng dật) là chi của sự không dính dáng với bất cứ nhiễm ô nào.
Bảy phần này của con đường đến giác ngộ là những nguyên nhân của sự đạt được Niết bàn.

(2) Chỉ ra rằng Niết bàn đạt được nhờ sự phối hợp của định tĩnh (Chỉ) và quán chiếu (Quán)

Không có huệ thì không có định, và ngược lại, không có định thì cũng không có huệ ; nhưng với người có hai cái này, đại dương sanh tử được biến thành như (nước ở trong) một dấu chân bò. 107

(i) định, tập trung (ở đây trong nghĩa tĩnh lặng, Skt. dhyana).

 (ii) huệ (ở đây trong nghĩa quán chiếu, Skt. prajna).

Không có huệ người ta không thể có định đúng. Điều này bởi vì mọi “phẩm tính siêu việt và thế gian” được đạt đến nhờ trí huệ. Như Acarya Nagarjuna nói,

Trí huệ là gốc của mọi phẩm tính thấy được và không thấy được ; bởi thế người ta phải nắm giữ trí huệ một cách trọn vẹn để đạt được cả hai.

Ngược lại không có định người ta không thể có huệ. Trí huệ này là sự thấu hiểu tánh không.

Trước khi người ta có thể có trí huệ, người ta phải có sự an tĩnh của cả thân và tâm do tập trung. Nghĩa là, người ta phải có nền tảng của định để có được sự chứng ngộ tánh không. Thiền giả nào có cả hai chánh định và chánh huệ sẽ làm cho đại dương sanh tử khô cạn rất nhanh chóng – như nước trong một dấu chân bò trên đất. Người cả hai định và huệ phối hợp có thể nhổ hẳn gốc rễ sanh tử.

Chủ yếu người ta phải thiền định về trí huệ. Dù cho người ta có thể có nhiều phẩm tính kỳ diệu khác, nhưng trừ phi người ta có sự thấu hiểu chân thật về tánh không, còn thì người ta vẫn cứ không thể thanh toán được nguyên nhân của sanh tử. Gốc rễ của sanh tử là sự bám níu. Như có nói trong Kinh Samadhiraja,

Người thế gian không thể phá hủy tri giác về tự ngã dù cho họ có nhập định. Sau khi (nhập định như vậy) tâm họ lại bị xao động bởi những nhiễm ô như trước. Nếu người ta tìm kiếm bằng thiền định sự vô ngã nơi các pháp kể cả tự ngã, bấy giờ công việc này sẽ là nguyên nhân cho quả Niết bàn và bất cứ nguyên nhân nào khác sẽ không làm hiển lộ an lạc.

(3) Từ bỏ suy nghĩ tìm tòi về cái không thể diễn tả được

Mười bốn câu hỏi mà bậc Dòng Dõi của Mặt Trời tuyên bố là không thể nói ra trong thế gian thì không khơi dẫn sự an bình của tâm, thế nên chớ suy nghĩ tìm tòi về chúng. 108

Người ta chớ bám vào mười bốn quan điểm sai lầm. Mười bốn cái ấy giống như một mạng lưới chỉ làm người ta vướng mắc thêm vào những nhiễm ô. Những quan điểm ấy không dẫn người ta đến giải thoát khỏi sanh tử vì chúng ngăn chặn con đường đến Niết bàn. Đó là mười bốn câu hỏi được hỏi với bậc Dòng Dõi Mặt Trời và không được Ngài trả lời.

(1) Vũ trụ là (a) vĩnh cửu, (b) không vĩnh cửu, (c) vừa vĩnh cửu vừa không vĩnh cửu, và (d) không vĩnh cửu cũng không phải không vĩnh cửu.

(2) Vũ trụ là (a) hữu hạn, (b) vô hạn, (c) vừa hữu hạn vừa vô hạn, và (d) không hữu hạn cũng không phải vô hạn.

(3) Như Lai là (a) hiện hữu sau khi chết, (b) không hiện hữu sau khi chết, (c) vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết, và (d) không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu sau khi chết.

(4) Linh hồn là đồng nhất với thân thể hay khác với thân thể.

Đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi đó, bởi vì chúng không có nền tảng vững chắc. Một câu hỏi không xứng đáng cho một câu trả lời nếu đối tượng của sự tra vấn không thực sự hiện hữu. Chẳng hạn, nếu có người hỏi, “Kích cỡ một cái nhà trên Kim tinh là gì ?”

(4) Hiểu Duyên Sanh, sự thật này giải thoát người ta khỏi sanh tử

Bậc Đại Trí tuyên bố, “Từ vô minh sanh những thiên hướng (hành), từ những thiên hướng sanh thức, từ thức sanh danh và sắc, từ danh sắc sanh sáu giác quan, từ những giác quan sanh tiếp xúc, từ tiếp xúc sanh cảm thọ, từ nền tảng của cảm thọ sanh khao khát, từ khao khát sanh bám giữ, từ bám giữ sanh trở thành, từ trở thành sự sanh xảy ra – nếu có sanh, bấy giờ một đống rất lớn khổ đau tiếp theo, như lo buồn, bệnh tật, già nua, thất vọng, sợ chết… ; tuy nhiên, bằng cách chấm dứt sanh, tất cả những cái ấy sẽ dừng dứt. 109-111

Nếu có vô minh, bám chấp một tự ngã, bấy giờ người ta lệ thuộc vào mọi khốn khổ của hiện hữu và xoay vòng liên tục trong sanh tử. Từ vô minh này, những thiên hướng sanh khởi. (Đây là hai nguyên nhân duy trì những đời trước để gây tạo ra đời sống hiện tại.) Từ những thiên hướng, thức sanh khởi. Từ thức danh và sắc được sanh ra. Từ danh và sắc sáu giác quan bên trong phát sanh. Từ những cái này, tiếp xúc giữa sáu giác quan và những đối tượng của chúng được sanh ra. Từ tiếp xúc, những cảm thọ thích, không thích… sanh khởi. Từ nền tảng của cảm thọ, khởi sanh khao khát, tức là tham muốn hạnh phúc và ghê sợ khổ đau. Từ khao khát, bám giữ tiếp theo. Từ bám giữ, trở thành được sanh ra. (Tám cái này là những điều kiện của cuộc đời hiện tại tựu thành bằng tái sanh). Từ trở thành, sanh xảy ra. Nếu có sanh, bấy giờ già, bệnh, chết và các thứ. (Hai cái này là những điều kiện duy trì cho đời tới).

Khổ đau sanh khởi trở đi trở lại từ sự phối hợp của những nguyên nhân này. Nhưng nếu người ta có thể chấm dứt tái sanh trong sanh tử vốn có từ những hành vi và nhiễm ô, bấy giờ mọi khổ đau của bệnh, già, và chết sẽ ngừng dứt. Khi sanh bị ngừng, mười hai mắt xích duyên sanh từ vô minh đến già và chết được dập tắt. Theo cách này người ta cần nghiên tầm và thiền định về Duyên Sanh (Phát Sanh Tùy Thuộc) này với mười hai mắt xích dẫn đến hoặc sanh tử hoặc Niết bàn. Gốc rễ của sanh tử là vô minh, sự bám chấp một tự ngã, và cái đối nghịch của cái này là Chân Lý, Tánh Không. Đã phát sanh được sự thấu hiểu tánh không, nó là trạng thái sâu xa tự nhiên của tất cả mọi sự, qua thiền định về mười hai mắt xích của Duyên Sanh, người ta sẽ chắc chắn thành tựu trạng thái thanh tịnh của giải thoát.

Đức Phật nói rằng người thấu hiểu mười hai mắt xích của Duyên Sanh sẽ hiểu sanh tử và Niết bàn. Cả hai cái này chỉ là một ảo tưởng của tâm, bản thân tâm này thì trống không.

(Giáo Pháp) Duyên Sanh này là kho tàng sâu xa và quý báu của lời dạy của bậc Chiến Thắng ; người thấy đúng cái này (Duyên Sanh) thì thấy Phật tối thượng, bậc Hiểu Biết Thực Tại. 112

Dù tất cả mọi sự trong đại dương của hiện hữu này rốt ráo không hiện hữu – vì thực tế không có thậm chí một nguyên tử hiện hữu – tuy nhiên những hiện tượng như chúng xuất hiện và được kinh nghiệm (những sự vật sanh khởi từ những nguyên nhân và điều kiện) thì không bị phủ nhận. Như giáo lý Duyên Sanh chứng tỏ, mọi sự tùy thuộc vào những cái khác cho sự hiện hữu của chúng (nghĩa là, mọi sự không có tự tánh).

Người ta phải nhớ rằng tất cả những sự vật do điều kiện (những sự vật phát sanh một cách tùy thuộc lẫn nhau) là không khác với Chân Lý Tối Hậu, và đồng thời Chân Lý Tối Hậu thì không khác với chúng. Người ta bị trói buộc vào sanh tử bởi những nhiễm ô và tạo tác tư tưởng, bởi vì họ không thấu hiểu chân lý.

Bao giờ người ta bám vào năm uẩn, người ta có một cái ngã hay bám chấp một tự ngã. Sự bám chấp một tự ngã này dẫn người ta đến chỗ thực hiện những hành động mà đến lượt chúng lại gây cho người ta tiếp tục sanh trong vòng hiện hữu sanh tử. 

Với sự thấu hiểu, chứng ngộ tánh không, mọi nhiễm ô và tạo tác tư tưởng sẽ tự động dừng dứt. Đấy là bởi vì vào lúc chứng ngộ tánh không, người ta sẽ thấy rằng không có tự ngã, không có cái khác, không có thời gian v.v… Bởi thế khi những hành động và sự bám chấp một tự ngã dừng mất, người ta giải thoát khỏi sanh tử.

Không có phương pháp nào cho đạt đến giải thoát tốt hơn sự chứng ngộ tánh không (nghĩa là sự vô tự tánh của tự ngã và vô tự tánh của những yếu tố hiện hữu). Bám chấp những quan điểm cực đoan thường (vĩnh cửu), đoạn (hư vô)… sẽ diệt mất khi sự chứng ngộ này sanh ra, và chỉ có “trung đạo” của Madhya-maka là còn lại. Vì Đức Phật là người duy nhất có thể giải thích cái này, đã nói, “Mọi sự là Duyên Sanh.” Bởi thế, Duyên Sanh hay Phát Sanh Tùy Thuộc là tinh túy đích thực của giáo lý đức Phật, bởi vì người ta không thể nói cái mà người ta tri giác là : (i) tự nó sanh, (ii) sanh từ những cái khác, (iii) sanh từ cả hai cái trên, và (iv) sanh mà không có một nguyên nhân. Đây không phải là một phủ nhận những sự vạât như chúng được thấy, mà Chân Lý Tối Hậu là cái gì ở một trật tự khác.

(i) Có người nói rằng một sự vật là tự nó sanh. Tuy nhiên, lỗi lầm của nhận định này nằm ở sự kiện nó có sự biến đổi. Một sự vật biến đổi thì tự thân nó không thể nói là đồng nhất, nghĩa là luôn luôn là chính nó. Chẳng hạn, một mầm cây thì không đồng nhất với hạt giống. Hơn nữa, nếu một sự vật được sinh từ chính nó, bấy giờ nó sẽ tự sinh cho đến vô hạn vì không có cái gì ngăn cản sự tự sanh không dứt của nó.

(ii) Rồi có người nói là một sự vật thì sinh từ cái khác nó. Nhưng lỗi lầm của nhận định này nằm ở sự kiện là nếu như vậy, cái gì cũng có thể được sinh từ bất cứ cái gì. Chẳng hạn, một cây bắp có thể được sanh từ một hạt giống lúa.

(iii) Có người nói rằng một sự vật được sanh từ cả chính nó và cái khác. Tuy nhiên, nhận định này chứa những lỗi lầm của hai cái trên, vì mỗi cái trên đều có lỗi lầm.

(iv) Có người nói rằng một sự vật được sinh không từ chính nó cũng không từ cái khác, nghĩa là tình cờ. Tuy nhiên, không có cái gì được sinh mà không có nguyên nhân.

Như Acarya Nagarjuna viết trong câu kệ mở đầu của Mulamadhyamakakarika (Trung Luận),

Không bao giờ có vật gì hiện hữu mà có thể tìm thấy được phát sanh từ chính nó, từ những cái khác, từ cả hai, hay không nguyên nhân.

Như vậy, người ta không thể nói rằng có cái gì thật sự phát sanh. Chỉ qua sự kết hợp những nguyên nhân và những điều kiện mà một kết quả được làm cho biểu lộ. Chỉ ở bề ngoài mà những sự vật được thấy là phát sanh. Không có cái nào có thể được bám chấp như là thật trong tự thể của nó, thế nên nó là phát sanh tùy thuộc lẫn nhau. Mọi sự được thấy thì giống như bóng trăng trong nước, bởi thế không thể nói là hiện hữu hay không hiện hữu. Từ thời vô thủy mọi pháp bên ngoài và bên trong không thể nói được là thật. Tuy nhiên, cùng lúc đó, tánh không không thể nói là khác với thế giới hiện tượng. Như Prajnaparamita Hrdaya Sutra (Bát Nhã Tâm Kinh) nói,

Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc cũng chẳng khác không, không cũng chẳng khác sắc…

Bởi thế, giáo pháp Duyên Sanh do đức Phật dạy được nói là pháp quý báu nhất.

Vì giáo pháp này cực kỳ sâu xa và khó hiểu, người ta cần làm quen với nó, nghiên cứu nó, và suy ngẫm nó với một tâm trong sáng. Những ai thấu hiểu “mười hai Duyên Sanh” thì thấy chân lý. Như có nói trong Arya-prajnaparamita-sancaya-gatha,

Bồ tát – người nhờ thấu hiểu trí huệ Duyên Sanh, nó là không sanh và không diệt, mà phá tan bóng tối của vô minh như những tia sáng mặt trời thoát khỏi mây xua tan bóng tối – sẽ đạt đến giác ngộ.

(5) Thiền định về Con Đường Tám Ngành Cao Cả

Để đạt an lạc, hãy thực hành tám phần này của Con Đường : cái thấy chân chánh, đời sống chân chánh, nỗ lực chân chánh, niệm chân chánh, định chân chánh, lời chân chánh, hành động chân chánh và tư tưởng chân chánh. 113

Cái thấy chân chánh là ngành nghiên cứu tìm tòi để thấy một cách trọn vẹn. Tư tưởng chân chánh là ngành khiến cho những sự khác được biết. Đời sống chân chánh, lời chân chánh và hành động chân chánh là những ngành khiến cho người khác có lòng tin. Niệm chân chánh, định chân chánh và nỗ lực chân chánh là những ngành chỉnh sửa những nhiễm ô đa dạng. Đấy là tám ngành của con đường. Người ta phải thực hành Con Đường Tám Ngành Cao Cả này để đạt đến trạng thái Niết bàn an lạc.

(6) Quan sát Bốn Chân Lý Cao Cả

Sanh này là khổ ; khao khát được gọi là nguồn gốc lớn lao của khổ ấy ; sự dừng dứt của khổ là giải thoát ; và con đường đạt đến giải thoát ấy là Con Đường Tám Ngành Cao Cả. Thế nên trong cách này, hãy luôn luôn cố gắng thực hiện Bốn Chân Lý Cao Cả, vì thậm chí người tại gia sống trong lòng của sự giàu có vẫn vượt qua dòng sông của những nhiễm ô nhờ cái hiểu biết này. 114-115

(i) Chân Lý Thứ Nhất : Người ta lệ thuộc vào sanh và tử bởi vì những hành vi và những nhiễm ô, thế nên người ta luôn luôn xoay tròn trong sanh tử. Người ta kinh nghiệm khổ đau thoát thai từ năm uẩn. Đây gọi là Chân lý của Khổ đau.

(ii) Chân Lý Thứ Hai : Bám níu vào năm uẩn là nguyên nhân của khổ đau. Đây là nguồn gốc của tất cả khổ. Điều này gọi là Chân lý của sự Phát sanh.

(iii) Chân Lý Thứ Ba : Thứ ba là Chân lý của Dừng diệt, với tính chất là sự dập tắt mọi khổ. Cái này cũng được gọi là Chân lý của Giải thoát.

(iv) Chân Lý Thứ Tư : Để đạt Niết bàn người ta phải thực hành và theo Con Đường Tám Ngành Cao Cả như đã được tả. Đây là Chân lý của Con đường.

Bốn Chân Lý Cao Cả là chân thực cho những bậc Thánh, nhưng không thực cho những người thế gian. Do đó Bốn Chân Lý Cao Cả cần được hiểu đúng.

Hiểu sanh tử là đầy khổ đau, người ta phải suy nghĩ đến những hậu quả xấu của nó bất kể họ sanh vào ở đâu. Đã hiểu thực sự rằng tất cả sanh tử là khổ, bấy giờ người ta sẽ mong muốn giải thoát, nghĩa là giải thoát khỏi khổ. Điều này sẽ khiến người ta trở nên ưa thích đi vào con đường của Pháp. Thứ nhất, người ta cần nghĩ rằng năm uẩn của người ta là vô thường. Thứ hai, người ta cần nghĩ rằng toàn thể sanh tử, nhất là chỗ người ta đang ở là đầy khổ đau. Cùng lúc, người ta cần nghĩ rằng không có ai sáng tạo ra khổ cả và bản tánh của khổ là tánh không. Thật vậy, người kinh nghiệm khổ không hiện hữu. Bấy giờ người ta cần nghĩ rằng khổ sanh khởi như thế nào – từ những hành vi và nhiễm ô. Rồi người ta muốn thanh toán nguyên nhân của khổ. Sau đó, Chân lý của Dừng diệt cần được thực hiện. Cuối cùng, người ta cần thực hành Con Đường, và đặc biệt thiền định về tánh không. Người ta cần thực hành Bốn Chân Lý Cao Cả theo cách này. Như đức Phật nói,

Người ta cần thấu hiểu khổ, người ta cần xóa bỏ nguyên nhân, người ta cần chứng đắc sự dừng diệt của khổ, người ta cần thực hành Con Đường.

Lại nữa, có nói trong Uttaratantra

Khổ, nguyên nhân của nó, sự dừng diệt cũng như Con Đường ; hãy hiểu những cái gì cần được biết, và những cái gì cần từ bỏ và hãy gắn bó với những cái trước.

Nếu người ta thực sự thực hành theo cách này, người ta sẽ đạt Niết bàn không nghi ngờ gì. Vào thời xưa, một nhà vua man di thấy một bức tranh đức Phật, thấy bánh xe của đời sống, hiểu được “mười hai kết nối Duyên Sanh” với chuyển động thuận chiều và nghịch chiều, hiểu được Bốn Chân Lý Cao Cả, và như vậy đã vượt qua được biển sanh tử. Nếu người ta thấu hiểu những cái này, thì cũng như nhà vua thời xưa, người ta cũng sẽ vượt qua đại dương sanh tử.

(7) Chớ chần chờ trong nỗ lực vì Niết bàn

Những người đã thấu hiểu, thể nghiệm Chân Lý không từ trời rơi xuống cũng không từ đất vọt lên như hạt mầm, vì họ trước kia cũng là những người lệ thuộc vào những nhiễm ô. 116

Những bậc Thánh đã tận trừ hai Chân Lý đầu và sở hữu hai Chân Lý sau. Các vị không sở hữu Chân Lý từ ban sơ. Họ không từ trời rơi xuống hay từ đất vọt ra với Chân Lý bẩm sinh, mà chứng ngộ nó bằng chính nỗ lực của mình. Các vị đã chịu khổ đau, và đã lệ thuộc vào những nhiễm ô như bất cứ người nào khác. Tuy nhiên, các vị tham khảo những bậc hướng dẫn tâm linh, thực hiện những hành động đúng, thực hành Con Đường, và cuối cùng đạt trạng thái giác ngộ. Thế nên người ta không nên ngã lòng, mà phải thực hành liên tục. Như có nói trong Bodhicaryavatara,

Đã được sanh ra làm một người thuộc một dòng giống như tôi, đã nhận ra cái gì lợi lạc và cái gì họa hại, nếu tôi không từ bỏ hạnh giác ngộ, tại sao tôi sẽ không đạt Giác Ngộ ?

(8) Lời khuyên ngắn gọn

Hỡi con người không sợ hãi, Thế Tôn đã nói rằng tâm là gốc của mọi đức hạnh công đức, thế nên hãy điều phục tâm ngài ; đây là lời chỉ dạy lợi lạc và hữu dụng, thế nên đó là điều cần được nói thêm. 117

Sự thực hành lợi lạc nhất cho những kết quả tạm thời và rốt ráo là như sau. Hễ người ta càng không thể kiểm soát được tâm mình bao nhiêu, thì ngược lại người ta lại bị tâm kiểm soát bấy nhiêu. Tâm người ta lại càng lệ thuộc vào nhiều nhiễm ô. Do điều này, người ta đã tích tập nhiều hành động (nghiệp). Bởi thế, người ta không bao giờ thoát khỏi sanh tử, mà luôn luôn lòng vòng hết sanh đến tử. Thế nên bây giờ người ta phải kiểm soát tâm mình và luôn luôn cẩn thận tránh những nhiễm ô và những đường lối bất thiện. Như thế người ta cần điều phục tâm mình với sự chăm sóc. Nếu người ta làm điều này, người ta sẽ tích tập một lượng lớn đức hạnh, công đức. Đức Phật nói rằng gốc của mọi công đức là điều phục tâm mình. Lại nữa, có nói trong Bodhicaryavatara,

Bằng cách ấy tâm tôi được khéo hộ trì và khéo bảo vệ ; nhiều khổ hạnh có ích lợi gì ngoại trừ sự thực hành giữ gìn tâm.

Thậm chí với một vị tăng ở đơn độc còn khó theo lời khuyên của tôi đã cho ngài : (nhưng) hãy làm cho cuộc đời này có ý nghĩa bằng sự trau dồi phẩm tính của tinh túy bất kỳ thực hành nào ở đây. 118

Người ta cần cố gắng theo mọi giáo huấn được diễn tả trong bức thư này. Tuy nhiên, thậm chí một vị tăng sống một mình trong rừng không có bổn phận nào khác phải làm cũng khó theo mọi điều này. Chắc hẳn người tại gia có nhiều bắt buộc khác sẽ thấy nó cực kỳ khó khăn. Nhưng người ta nên làm thực hành nào họ có thể, như tránh những hành động không đức hạnh, thực hiện những hành động đức hạnh… Theo cách này, cuộc đời chúng ta sẽ có định hướng, ích lợi và không uổng phí. Qua thực hành như vậy, người ta sẽ đạt đến những cõi cao, và không nghi ngờ gì cuối cùng người ta sẽ đạt giác ngộ. Như có nói trong Ratna-vali của Thánh Nagarjuna,

Trước hết, Pháp đưa đến thịnh vượng và hạnh phúc ; sau đó là giải thoát. Do đã có được thịnh vượng và hạnh phúc, giải thoát sẽ dần dần sanh ra.

2. Lời khuyên thực hành Con Đường của Đại thừa

a. Đi vào Con Đường Đại thừa nhờ tùy hỷ với sự biểu lộ của Pháp

Đã tùy hỷ với công đức của tất cả (chúng sanh), cũng đã hồi hướng đức hạnh, thân, lời, tâm của ngài cho sự đạt đến Phật quả, và đã làm chủ toàn bộ yoga, bấy giờ ngài sẽ có vô số sự sanh trong những cõi của chư thiên và loài người nhờ số công đức này. 119-120a

Chư Phật và chư Bồ tát luôn luôn tùy hỷ mọi hành động đức hạnh của những bậc Thánh và của người thường. Tương tự, công đức của mọi hành động đức hạnh được làm qua thân, lời, tâm cần luôn luôn được hồi hướng. Chẳng hạn, người ta nghĩ như sau, “Do công đức của hành động này, nguyện tất cả chúng sanh đạt đến giác ngộ.” Như có nói trong Bodhicarya-vatara,

Chỉ làm những hành động thấy được hoặc không thấy được vì lợi lạc của những người khác ; hãy hồi hướng mọi công đức cho chúng sanh để họ đạt đến giác ngộ.

Nếu người ta hồi hướng những công đức của mình cho sự tốt đẹp của tất cả chúng sanh, người ta sẽ có nhiều, rất nhiều sự sanh tốt lành thuận lợi cho sự đạt giác ngộ. Cũng thế, qua sự làm chủ, thiện nghệ toàn bộ yoga bao gồm định tĩnh, quán chiếu, nhập thiền…, người ta sẽ có vô lượng phẩm tính cho phép họ tri giác Chân Lý.

Hãy sinh như Thánh Quán Thế Âm, qua đức hạnh mình giúp đỡ những người khốn khổ và xua tan bệnh tật, già nua, tham và sân, hãy an trụ vô lượng cuộc đời như bậc Bảo Vệ của Thế Giới, Thế Tôn A Di Đà Phật trong cõi Phật của Ngài. 120b-121

 

 


THÁNH QUÁN THẾ ÂM

Nhờ thần lực của những hành động đức hạnh đã làm, người ta cần cố gắng được là như Thánh Quán Thế Âm (Avalokitesùvara), bậc từ thời xa xưa, đã qua thân, lời, tâm của ngài, giúp đỡ vô vàn chúng sanh tuyệt vọng và đặt họ vào con đường đúng. Như thế, sinh trong sanh tử, người ta cần giúp đỡ tất cả chúng sanh để thanh toán khổ đau và nguyên nhân của nó và làm họ trưởng thành để họ có thể đi vào con đường đúng.

Qua thần lực của những hành động đức hạnh đã làm, người ta cần có ý định, thậm chí ngay từ giây phút này, giúp đỡ tất cả chúng sanh đạt giải thoát – như Phật A Di Đà là bậc Cứu Độ Vĩ Đại của chúng sanh. Một ngày nào, người ta sẽ trở thành giống như Phật A Di Đà, bao giờ sanh tử còn hiện hữu, ngài còn ở nơi cõi Phật Cực Lạc của ngài chỉ vì mục đích giúp đỡ tất cả chúng sanh đạt đến giác ngộ. Như Santideva nói trong Bodhicaryavatara,

Bao giờ không gian còn tồn tại và bao giờ chúng sanh còn tồn tại, nguyện tôi còn ở lại để xóa sạch những khổ đau của chúng sanh.

b. Đạt Phật quả và hoàn thành lợi lạc của chúng sanh

Lan truyền đến những cõi của chư thiên, bầu trời và trên mặt đất, danh tiếng vĩ đại không tỳ vết (của ngài) sanh khởi từ huệ, giới và bố thí, đã hàng phục sự thích thú của chư thiên nơi các cõi trời và con người trên mặt đất trong sự hưởng thụ những trinh nữ tuyệt hảo, và đã đạt được Quyền Uy tối cao của những bậc Chiến Thắng dập tắt sự sanh khởi của sợ hãi và cái chết cho vô số chúng sanh phiền não bởi nhiễm ô, hãy đạt được trạng thái không sợ hãi, không tuổi tác, không lỗi lầm, an lạc, chỉ là danh tự, và siêu việt. 122-123


ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ

Bây giờ người ta phải có được trí huệ phân biệt giữa cái hiện tượng và cái tối hậu. Cũng thế, người ta phải tuân thủ kỷ luật đạo đức đã cam kết với những Guru. Khi cho, người ta cần không bám giữ đồ cho, người nhận và người cho, và người ta phải thực hành sự cho mà tuyệt đối không dính dáng gì với cuộc đời và tài sản của mình. Qua những thực hành này, người ta sẽ có danh tiếng bao la lan truyền đến những cõi của chư thiên, và đến mọi góc trên trái đất của con người. Nghe danh tiếng này, tất cả chúng sanh sẽ lìa bỏ những tham đắm của họ và sẽ nghĩ đến từ bỏ vì đã mệt mỏi và chán ghét những điều họ đã làm với cuộc đời họ. Nghĩa là, người ta sẽ giúp phá tan những khổ đau của tất cả chúng sanh đang lệ thuộc vào nhiễm ô và cứu họ khỏi sanh lại trong sanh tử chỉ đưa đến những hành vi và nhiễm ô khác.

Người ta sẽ đạt giác ngộ của môt vị Phật luôn luôn và mãi mãi cứu độ chúng sanh khỏi khổ. Như có nói trong Arya-mahapratiharya-nirdesùa-nama-mahayana-sutra,

Đã từ bỏ vương quốc của mình như người ta nhổ nước bọt, đã ra đi đến ở một nơi hoang vắng, một mình, đã từ bỏ những nhiễm ô và phá hủy Ma, người ta sẽ trở thành một vị Phật toàn thiện – giác ngộ, không tỳ vết và không hợp tạo.

Phật quả người ta sẽ đạt được thì có mọi phẩm tính siêu việt. Tuy nhiên, Phật quả trong tự thân nó thì không hiện hữu bởi vì thật ra bản chất của nó là tánh không, vượt khỏi mọi phẩm tính, vượt khỏi mọi cực đoan có và không, vượt khỏi hoạt động, tư tưởng và biểu lộ. Bởi thế nó chỉ là danh tự. Nó được nói là không sợ hãi bởi vì nó thoát khỏi đe dọa và lo sợ. Nó được nói là không tuổi tác, bởi vì nó thoát khỏi chết và bất kỳ loại vô thường nào. Hơn nữa, nó vô tận. Nhờ đạt Niết bàn này, người ta sẽ trở thành bậc Cứu Độ và Bảo Vệ của tất cả chúng sanh.
 



ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI 

HẾT.

TRỞ VỀ ĐỂ XEM MỤC TIẾP

Xem mục lục