Tu tập trở về chân tâm, có cần nhận ra bổn tánh hay kiến tánh không?
Thiền tông thường nhấn mạnh về “ngộ”. Nhưng ngộ là ngộ cái gì? Chữ ngộ có nghĩa là hiểu hay nhận ra. Vậy ngộ là ngộ đạo hay là kiến tánh?
Ngộ đạo nghĩa đen có nghĩa là nhận ra con đường, nghĩa bóng là nhận và hiểu được lý đạo hay kiến tánh. Nếu là con đường thì đức Phật đã tìm ra rồi, chúng ta đâu cần phải khổ công đi tìm làm chi nữa, chỉ cần nương theo lời dạy của Phật mà thực hành, tu tập thì sẽ giải thoát. Cho nên không cần phải “ngộ” mới giải thoát. Nếu bạn hiểu, tin và đang thực tập tu hành theo lời Phật dạy thì xem như bạn đã ngộ đạo rồi, tức là đã nhận ra con đường giải thoát.
Nếu ngộ là kiến tánh (thấy tánh), vậy tánh đó là tánh gì? Đó là bổn tánh, tánh của chân tâm.
Kiến tánh cũng có nghĩa là nhận ra bản lai diện mục. Bản lai diện mục (mặt thật xưa nay) của chúng ta đơn giản là cái tâm (hay chân tâm). Nhưng nhận ra được (chân) tâm rồi thì sao? Thành Phật liền chăng?
Nhiều người tu thiền lo đi tìm “ngộ” mà quên tu, quên sửa những tập khí chấp ngã, ái dục, phiền não. Họ tưởng một phen “ngộ” rồi thì bản ngã, ái dục, phiền não tự nhiên biến mất, khỏe ru khỏi phải mất công tu hành cho cực.
Ngộ không phải tự nhiên mà có. Phải tu (học) mới ngộ (hiểu). Sau khi ngộ rồi vẫn phải tu (thực hành) tiếp. Đúng theo truyền thống thiền tông thì phải ngộ trước, tức là nhận ra bổn tánh, chân tâm, rồi sau đó tập an trú chân tâm đến khi hoàn toàn ở trong và sống theo chân tâm thì gọi là chứng nhập chân tâm.
Chúng sinh do thói quen lâu đời nhiều kiếp chạy theo ngoại cảnh nên việc nhận ra bổn tánh không phải là dễ. Cho nên nếu chờ phải kiến tánh mới tu thì tới kiếp nào mới kiến tánh? Và nếu chưa kiến tánh thì không tu sao?
Dù ngộ hay không cũng vẫn phải tu. Ngộ chỉ là một chặng đường ngắn trên con đường dài. Điều quan trọng là có đi và tiếp tục đi cho tới đích không? Người kiến tánh rồi phải tu tiếp, gọi là đốn ngộ tiệm tu, cho tới khi nhập chân tâm. Người chưa kiến tánh thì cứ nương theo lời chư tổ dạy về bổn tánh mà tu thì cuối cùng cũng ngộ.
Hòa thượng Thanh Từ có nói lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu. “Người học đạo không phải ngộ một lần là xong. Trong nhà Thiền thường nói rằng đại ngộ ít ra cũng ba, bốn lần còn tiểu ngộ thì vô số”. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật cũng nói “năm ấm ấy vốn trùng điệp sinh khởi; sinh, nhân Thức ấm mà có; diệt, từ Sắc ấm mà trừ; lý thì ngộ liền, nhân cái ngộ đều tiêu; sự không phải trừ liền, theo thứ lớp mà diệt hết”.
Pháp tu “biết vọng không theo” (tri vọng) của Hòa thượng Thanh Từ có khác gì pháp lau bụi của ngài Thần Tú? Mỗi vọng tưởng là một hạt bụi. Một vọng tưởng khởi lên bị chánh niệm nhận biết liền tan biến, giống như lau đi một hạt bụi.
Theo Đốn giáo thì tất cả chúng sinh đều đã là Phật rồi, có đầy đủ Phật tánh, đức tướng của Như Lai, nhưng vì bị vô minh, phiền não che lấp lâu đời lâu kiếp nên Phật tánh không hiển lộ. Bây giờ tu là lau chùi, tháo gỡ những lớp bụi vô minh, phiền não đó ra. Đến khi những lớp bụi đó không còn nữa thì Phật tánh hiển lộ. Bài kệ của ngài Thần Tú rất ích lợi và thiết thực cho việc tu tập khi ngài nói tâm như đài gương sáng, nhưng bị bụi bám lâu ngày, cần phải lau bụi thì gương sẽ sáng trở lại. Do đó chúng ta không cần phải “ngộ” để thành Phật mà cần lau bụi vô minh, ái dục, chấp ngã thì sẽ thành Phật. Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng là nói về thể tánh chân không của tâm, thanh tịnh không hề dính bụi. Còn kệ của ngài Thần Tú là nói về sự tướng, tâm động bị dính bụi phải lau chùi. Lý thì Huệ Năng, nhưng sự phải Thần Tú. Lý tuy đốn ngộ, nhưng sự phải tiệm tu.
Phật giáo Tây Tạng dịch chữ Phật (Buddha) là Sangyé, có nghĩa hoàn toàn trong sạch (completely purified). Do đó người muốn thành Phật phải tu tập đủ mọi cách để tẩy trừ bụi vô minh, ái dục, chấp ngã. Tẩy sạch nhiều chừng nào thì thành Phật sớm chừng đó. Tẩy bụi chính là tu tập các phương pháp mà Phật để lại.
Phật là người đã tìm ra con đường và chỉ dạy phương pháp tu hành. Lục tổ đã kiến tánh và nói rõ bổn tánh (chân tâm) ra sao. Chúng ta chỉ cần nương theo đó mà tu tập, diệt trừ dần dần những hậu tánh thì bổn tánh sẽ hiển lộ. Đây là tiệm tu mà đốn ngộ.
Tiến trình giác ngộ
Giác (sáng suốt) hay tánh giác là Phật tánh (Buddhata) sẵn có xưa nay nơi tâm chúng sinh. Tánh Phật này nơi chúng sinh bị phiền não, chấp ngã che lấp nên còn gọi là Như Lai tạng (Như Lai tại triền). Ở nơi Phật thì nó hiển lộ chiếu sáng khắp pháp giới nên gọi là Pháp thân (Dharmakaya).
Từ lúc biết được tánh giác (ngộ) cho tới khi hoàn toàn giải thoát phải trải qua bao lâu, hay vừa giác ngộ là thành Phật ngay?
Ngài Mã Minh (Asvaghosa), đại luận sư Ấn độ và cũng là thiền tổ thứ 12, trong Đại thừa khởi tín luận, có nói về năm loại giác: bản giác, bất giác, thỉ giác, phần giác, cứu cánh giác.
1. Bản giác: tánh giác sẵn có xưa nay nơi tâm chúng sinh.
2. Bất giác: tuy sẵn có tánh giác, nhưng tâm mê, không tự nhận biết mình là tánh giác.
3.Thỉ giác: nhờ tu học nên nhận ra tánh giác sẵn có. Đây là mới giác ngộ.
4. Phần giác: tiếp tục tu hành, thanh lọc tâm ý, Phật tánh hiển lộ từng phần.
5. Cứu cánh giác: giác ngộ rốt ráo, Phật tánh hiển lộ hoàn toàn, tức là Phật.
Theo tổ Mã Minh thì từ lúc giác ngộ tánh giác hay Phật tánh hành giả vẫn phải tiếp tục tu hành trải qua phần giác (giác ngộ từng phần) rồi mới tới cứu cánh giác. Do đó, nếu chưa ngộ thì phải tu học để nhận ra tánh giác. Ngộ rồi thì cũng phải tu tiếp cho tới khi thành Phật mới xong.
Nhiều người tu Thiền nghe nói “kiến tánh thành Phật” nên rất ham cầu đốn ngộ qua sự nghe băng, giảng kinh mà quên đi luật nhân duyên, quên các phương tiện tu hành như tụng kinh, sám hối, bố thí, cúng dường, v.v... Tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, phải có nhân duyên (phước đức) đầy đủ mới ngộ được.
“Ví như chất lửa trong cây là chánh nhân của lửa. Song, nếu không có trợ duyên là người biết lấy lửa, dùng các phương tiện như bùi nhùi, công người cọ xát, v.v...thì lửa kia không thể tự phát sinh ra được.
Cũng vậy, chúng sinh tuy sẵn có Phật tánh (tánh giác) là cái nhân chánh để thành Phật, nhưng nếu không có ngoại duyên là gặp các đức Phật, Bồ tát, Thiện tri thức, v.v... dẫn dắt chỉ dạy phương pháp tu hành thì hành giả cũng không thể tự mình đoạn trừ phiền não và tu chứng Niết bàn được.
Trái lại, nếu chỉ có ngoại duyên mà không có Phật tánh là cái nhân chánh huân tập bên trong thì hành giả cũng không thể tự mình chán khổ sinh tử, cầu vui rốt ráo Niết bàn được.
Bởi thế nên phải có nội nhân và ngoại duyên đầy đủ, bên trong nhờ Phật tánh làm chánh nhân, bên ngoài nhờ đức từ bi và đại nguyện của Phật, Bồ tát giúp làm trợ duyên thì hành giả mới chán khổ sinh tử, tin có Niết bàn và phát tâm tu tập các pháp lành”.
Tánh giác (chân tâm) giống như ngọc kim cương, bản chất của nó trong sạch sáng suốt, nhưng còn bị lẫn lộn trong khoáng nhơ bẩn. Nếu hành giả chỉ lo quán tánh giác mà không dùng các phương tiện để tẩy trừ phiền não và tu các hạnh lành thì chất trong sạch sáng suốt của tánh giác không hiển lộ được. Giống như người chỉ nghĩ đến chất ngọc trong suốt mà không dùng đến các phương tiện như lọc khoáng, mài dũa, đẽo đục, v.v... thì không bao giờ có được viên ngọc kim cương đắt giá.