Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Trước khi đi xa hơn, tôi cần phân tách sự khác biệt giữa tâm và tánh. Tâm (citta) tiếng Anh là mind, tánh (svabhava) là nature hay characteristic có nghĩa là tánh chất, bản tánh, đặc tính. Tâm và tánh là hai thứ khác nhau. Khi nói đến tánh thì phải nói cho đủ là tánh của cái gì (the nature of something). Thí dụ như tánh của tôi hay sân, tánh của anh hay tham, tánh của đất là cứng, tánh của nước là ướt, tánh của gió là di động, tánh của lửa là nóng, tánh của hư không là trống rỗng không ngăn ngại, tánh của thức là biết phân biệt, tánh của muối là mặn, tánh của đường là ngọt, tánh của dấm là chua, tánh của ớt là cay, v.v... 

Khi nói đến tâm tánh, tức là tánh của tâm, tâm là chính, tánh là phụ. Tâm có thể ví như ông A, còn tánh ví như tánh tình của ông A. Khi nói ông A thế này, thế nọ, vui tánh hay hung dữ đó là nói về ông A nhưng cùng lúc cũng nói về tánh của ông A. Bởi thế tâm tánh luôn đi đôi, nói đến tâm tức bao hàm luôn tánh của nó, nói đến tánh thì đó là tánh của tâm, cho nên đôi lúc người ta dùng lẫn lộn cả hai danh từ này, giống như tâm và tánh là một. Nhưng tâm có nhiều tánh: tánh tham, tánh sân, tánh si, tánh ưa, tánh ghét, tánh ghen, tánh kiêu mạn, tánh nghi, tánh xấu hổ, tánh lười, tánh nịnh, tánh ích kỷ, tánh nhút nhát, tánh mắc cở, tánh sợ ma, v.v... Vậy khi nói chỉ thẳng tâm để thấy tánh là thấy tánh nào? Thấy tánh tham có thành Phật được không? Thấy tánh sân có thành Phật được không? Ai cũng thấy những tánh đó nơi mình và người khác, vậy có ai thành Phật không?  Nếu không thì phải thấy tánh nào? 

Thiền tông chủ trương nói về tâm, nhưng thật ra chú trọng về tánh của tâm. Tánh này không phải là những tánh tốt, xấu bình thường của con người mà là một loại tánh đặc biệt, danh từ chuyên môn là tánh giác, bổn tánh. Thấy được và trở về sống với tánh giác chính là ý nghĩa kiến tánh của Thiền tông.

Tánh giác

Tánh giác là một danh từ trong kinh Lăng Nghiêm, khi ngài Phú Lâu Na hỏi “tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới, v.v... đều là tính thanh tịnh bản nhiên Như lai tạng, thì sao bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi như núi, sông, đất liền, v.v...?” Đức Phật trả lời: “tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu”. Tánh giác có nghĩa đơn giản là tánh biết, nhưng tánh biết này không phải là cái biết thường tình thế gian như biết phải biết trái, biết yêu biết giận, biết buôn bán làm ăn, v.v... Tánh biết ở đây là tánh giác, là diệu minh. Diệu là năng duyên khởi ra sự vật, minh là nhận biết các sự vật. Tính chất nhận thức của Tánh biết này là hiện lượng (pramana), biết một cách trực tiếp, vô tư, không có vọng tưởng phân biệt, ưa ghét, thủ xả.

Tánh giác là tánh căn bản, thường hằng của tâm, còn được gọi là Phật tánh. Tánh giác này tỏa ra sáu giác quan thành nhiều tánh khác như tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, tánh ngửi, tánh nếm. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật khai thị tánh thấy cho ngài A-Nan, rồi sau nhờ Bồ tát Văn Thù lựa một phương pháp cho ngài A-Nan tu tập, đó là quán tánh nghe (nhĩ căn viên thông) của Quán thế Âm Bồ tát, để trở về chân tâm.

Chân tâm, vọng tâm

Chân tâm là khái niệm chính yếu của kinh Lăng Nghiêm, nó còn được gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Chân tâm có nghĩa là tâm chân thật (tâm thứ thiệt), không phải là vọng tâm (tâm thứ giả).

Chúng sinh sống với vọng tâm nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Muốn hiểu chân tâm là gì thì trước đó phải hiểu thế nào là vọng tâm.

Khi được hỏi tâm là gì, đa số đều trả lời tâm là cái hay suy nghĩ, phân biệt, tính toán, v.v... (giống như ngài A-Nan trong kinh Lăng Nghiêm). Những cái đó đúng là tâm nhưng là vọng tâm.

Vọng tâm là cái tâm hay suy nghĩ, phân biệt, tính toán, lo âu, ưa ghét, ích kỷ, giận hờn, tham, sân, si, v.v... Nói cách khác vọng tâm chính là thức (tâm vương và tâm sở). Hằng ngày tất cả mọi người đều sống với cái tâm đó, tưởng mình là cái tâm đó. Nhưng nhờ Phật chỉ dạy, cái tâm thức đó là vọng tâm, không phải là tánh chân thật của tâm. 

Dưới đây là một thí dụ để hiểu chân tâm và vọng tâm:

Bạn cần uống nước mà có người đưa cho bạn một ly nước đục. Nếu đổ đi thì không còn gì để uống, vậy muốn có nước trong để uống thì bạn phải làm sao? Bạn hãy để cho ly nước đục lắng xuống, đừng có lúc lắc, lay động nó. Sau một thời gian thì bụi bặm lắng xuống đáy, phần trên sẽ hiện ra nước trong. Kế tiếp bạn hãy từ từ rót nhẹ phần nước trong qua một ly khác thì bạn sẽ có ly nước trong. Hoặc bạn có thể dùng một tấm vải để lọc nước. Và khi đó dù bạn có lúc lắc, lay động cái ly cách mấy đi nữa, nước trong ly vẫn trong như thường. 

Tâm chúng sinh cũng giống như ly nước đục, đầy ô nhiễm phiền não nhưng bên trong vẫn có phần trong sạch mà không ai thấy. Khi biết tu, bớt ham muốn, vọng động nên phiền não lắng xuống để lộ ra phần trong sạch. Thấy được phần trong sạch đó là thấy được tánh thật của nước, ví như chân tâm. Tuy nhiên cần phải tiếp tục loại trừ tất cả bụi nhơ đến khi ly nước hoàn toàn trong sạch thì chân tâm hiển lộ 100%.

Nước đục ví như vọng tâm.

Nước trong ví như chân tâm.

“Nước, nước trong, nước đục”, cả ba đều là nước. Khi nước bị bụi thì nước trở thành nước đục. Cùng nước đục ấy, nếu được thanh lọc thì nó trở thành nước trong.

“Tâm, Phật, chúng sinh” cả ba đều là tâm. Khi tâm vọng động, vô minh thì tâm trở thành chúng sinh. Khi tâm giác ngộ, dứt sạch phiền não thì tâm trở thành Phật.

Bổn tánh, hậu tánh

“Bổn tâm thanh tịnh” có nghĩa là cái tâm ban đầu trong sạch, do bổn tâm thanh tịnh cho nên “bổn tánh thanh tịnh”. Nói cho đủ ý nghĩa là “bổn tánh của tâm thanh tịnh”. Nhà Thiền khi nói “kiến tánh” tức là ám chỉ cái bổn tánh của tâm, nhưng trong ngôn ngữ hàng ngày bổn tánh và bổn tâm được dùng lẫn lộn như nhau (như đã nói ở phần trước). 

Tâm ban đầu tánh vốn thanh tịnh, nhưng vì bất giác vô minh, khởi lên muôn ngàn vọng tưởng, phiền não, sinh ra sơn hà, đại địa, tạo ra ngũ uẩn, rồi trôi lăn trong sinh tử luân hồi, dần dần tâm tự quên mất cái tánh ban đầu (bổn tánh) và khoác vào những tánh tham, sân, si, mạn, nghi, v.v... những tánh này được gọi là hậu tánh (tánh huân tập về sau). Nhà Thiền chỉ nói về bổn tánh, chứ không có hậu tánh, “hậu tánh” là danh từ tôi phương tiện tạm đặt ra cho bạn đọc dễ hiểu mà thôi. 

Bổn tánh (của tâm) thanh tịnh = chân tâm.

Hậu tánh (của tâm) ô nhiễm = vọng tâm.

Hậu tánh của tâm là tánh chấp ngã, chấp pháp, tánh phiền não (20 căn bản phiền não trong Duy Thức). Hậu tánh này ai cũng biết, nhưng bổn tánh thì khó ai biết được, ngoại trừ các thiền sư ngộ đạo.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn khai thị kinh Kim Cang đến chỗ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì đại ngộ thốt lên năm đặc tính của bổn tánh:

1. Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh (hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh).

2. Đâu ngờ tự tánh vốn không sinh diệt (hà kỳ tự tánh bổn vô sinh diệt).

3. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ (hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc).

4. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động (hà kỳ tự tánh bổn vô diêu động).

5. Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp (hà kỳ tự tánh năng sinh vạn pháp).

Ngũ tổ biết Huệ Năng đã ngộ được bổn tánh mới bảo rằng: “Chẳng biết bổn tâm, học đạo vô ích, nếu biết được bổn tâm thấy được bổn tánh mình, tức gọi là trượng phu, là thầy của trời người, là Phật”. Biết được bổn tâm tức là thấy được bổn tánh. Nhưng thấy được một bổn tánh chưa chắc biết được bổn tâm, bởi vì tâm có nhiều bổn tánh. Qua lời của Lục tổ, chúng ta biết được năm thứ bổn tánh. Qua kinh Lăng Nghiêm, chúng ta biết được hai thứ bổn tánh, đó là diệu và minh. Tánh diệu là tánh năng sanh muôn pháp, ứng với bổn tánh thứ 5 của Lục tổ. Tánh minh là tánh giác (tánh biết), có thể được xem như là bổn tánh thứ 6 của tâm. Tánh không sanh diệt và không dao động, cũng chính là tánh “hằng chuyển như bộc lưu” của A-lại-da và “lặng lẽ trôi chảy” của dòng Hữu phần (bhavanga).

Nhờ Lục tổ khai thị về bổn tánh, chúng ta có thể tu tập từ bỏ những hậu tánh mà lần mò trở về bổn tánh. Trở về bổn tánh tức là trở về nguồn tâm, bổn tâm, chân tâm.

Nghi vấn về bổn tánh

1. Đạo Phật nói về nhân duyên, các pháp đều do nhân duyên sinh, cái này có vì cái kia có, không có nguyên nhân ban đầu, sao nay lại nói tâm ban đầu trong sạch rồi sau đó tâm bị ô nhiễm?

- Các pháp có hai loại: hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi (samskrta) là những thứ do nhân duyên hợp lại sinh ra, như bàn, ghế, nhà cửa, người, vật, v.v... những thứ này chịu luật vô thường, biến đổi và hoại diệt. Pháp vô vi (asamskrta) là những thứ không do nhân duyên sinh như hư không, Niết bàn, chân như, Phật tánh, chân tâm. Đứng trên lý tánh tuyệt đối để tìm một nguyên nhân đầu tiên sinh ra các pháp thì không thể có, vì cái này có là vì nhờ cái kia, và cái kia có là nhờ cái này. Nhưng trên phương diện tương đối thì vẫn có thể nói “ban đầu” khi một sự vật được sinh ra, thí dụ: một người được xem là sinh ra khi rời khỏi bụng mẹ; một chiếc xe được xem là hoàn tất khi đưa ra khỏi hãng chế tạo, v.v...

Chữ “tâm ban đầu” được dịch từ chữ “bổn tâm”. Bổn (hay bản) có nghĩa là ban đầu. Bổn tâm là tâm ban đầu. Bổn tánh là tánh ban đầu. 

Để hiểu rõ ý nghĩa “ban đầu”, xin lấy hai ví dụ: nước và gương.

Nếu có người đưa cho bạn một ly nước ngọt như Coca cola thì bạn có biết được bản chất ban đầu (tối sơ, nguyên thủy) của nó ra sao không? Chất ngọt trong Coca cola không phải là tính chất ban đầu của nước. Chất hơi bọt (gaz) trong đó cũng không phải là bản chất của nước. Màu nâu của Coca cola cũng không phải là tính chất ban đầu của nước. Bản chất (hay bổn chất) của nước là trong, nhạt, không có màu. Sau đó người ta bỏ vào đó chất coca, đường, màu hóa học, chất gaz và nước đó biến thành nước ngọt Coca cola. Dân Mỹ quen uống Coke (coca cola) hoặc nước ngọt nên khi nói đến nước uống thì họ không còn nghĩ đến nước lọc (nhạt nhẽo, vô vị) nữa. Như vậy có thể nói tính chất ban đầu (bổn chất hay bổn tính) của nước là trong, nhạt, không màu được không?

Nếu có người đưa cho bạn một tấm gương đầy bụi để soi thì bạn có dùng được không? Bạn sẽ vứt nó đi hay là bạn đi tìm khăn để lau gương cho sạch bụi. Khi lau gương sạch thì bạn có thể nói là tấm gương ban đầu vốn trong sáng, nhưng vì bụi bám lâu ngày nên gương trở thành mờ được không?

Tâm cũng như thế. Khi được thanh lọc, loại trừ tất cả những phiền não, vô minh, chấp ngã thì bản chất thật sự của tâm hiện ra, đó là tâm thanh tịnh, vô nhiễm. 

2. Tại sao tâm ban đầu vốn thanh tịnh mà lại khởi lên vô minh, phiền não, chấp ngã làm chi để trôi lăn trong sinh tử? Nếu tu thành Phật, được tâm thanh tịnh rồi, thì bất chợt tâm sẽ bị vô minh, phiền não nữa sao?

- Tâm ban đầu có cả hai: tánh giác và vô minh. Nhưng tánh giác thì vô thỉ vô chung (không có khởi đầu và không có chấn dứt), còn vô minh thì vô thỉ hữu chung (không có khởi đầu nhưng có chấm dứt). Sự bất giác vô minh không thể biết nó bắt đầu từ lúc nào, nhưng khi hoàn toàn giác ngộ thì vô minh chấm dứt. Giống như người đi tìm vàng, ban đầu thấy vàng thì vàng bị lẫn trong đất. Sau khi đem về nấu chảy, lọc ra thành vàng ròng thì vàng này vĩnh viễn không còn dính đất nữa. 

Tóm lược

Sau khi trình bày tâm là gì qua nhiều luận thuyết ở trên, không biết bạn đọc còn nhớ được gì không?  Nếu không, tôi xin tóm lược lại.

• Theo ngũ uẩn: Tâm là cái biết, biết suy nghĩ, tưởng nhớ.

• Theo Vi Diệu Pháp: Tâm là sự biết, nhận thức đối tượng, là dòng tâm thức, gồm 89 tâm vương và 52 tâm sở.

• Theo Duy Thức học: Tâm là thức, là sự biết, phân biệt đối tượng, gồm 8 tâm vương và 51 tâm sở. Tâm căn bản là A-lại-da thức, dung chứa cả hai loại chủng tử chân (tịnh) và vọng (nhiễm). Khi mê thì tâm là thức, khi hoàn toàn giác ngộ thì tâm trở thành trí.

• Theo Thiền tông: Tâm có hai hoại, chân tâm và vọng tâm. Chân tâm là tánh giác. Vọng tâm là thức, suy nghĩ, phân biệt.

Qua các định nghĩa ở trên, nói chung tâm là cái biết, hay tánh biết, nhưng quan trọng ở chỗ cái biết này là biết đúng hay sai? 

Khi biết đúng thì gọi là trí, là tánh giác, là chân tâm. 

Khi biết sai thì gọi là thức, là tánh mê, là vọng tâm.

Nhưng thế nào là biết đúng, biết sai? Khi nhìn cái bàn tôi biết đó là cái bàn thì có đúng không? Tôi biết 2+2=4 có đúng không? Tôi biết đi học có bằng bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ thì tôi có biết đúng không? Những cái biết này là đúng với thế gian, là chân lý thế gian, đạo Phật không từ chối và gọi đó là tục đế (samvrti-satya), nhưng nó vẫn là thức (vijnana), là kiến thức vì nó không đưa đến giải thoát sinh tử. Chỉ khi nào trong cái biết không còn bóng dáng của ngã, không còn ngã chấp (Ta biết, cái biết của Ta, kiến thức của Ta) thì đó mới là trí (jnana), là biết đúng, vì nó đưa đến giải thoát sinh tử.

Xem mục lục