Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000


PHẦN SÁU: NHỮNG BỔ SUNG

 

Sau đây là phần bình giảng bổ sung, liên quan đến cả hai yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ, để đặt nền cho sự thấu hiểu việc thực hành.


1 Bối Cảnh

Trong tantra và Đại Toàn Thiện, sự nối kết giữa trò và thầy cực kỳ quan trọng. Học trò phải nhận sự trao truyền và giáo huấn từ thầy và rồi phải khai triển một sự vững chắc nào trong rigpa. Không có cái này, những phân định căn bản cho cuộc hành trình tâm linh là khó mà hiểu vì chúng vẫn là những phân biệt ý niệm. Bản tánh của tâm thức thì vượt khỏi những ý niệm. Không có sự hiểu biết trí thức thì khó khai triển kinh nghiệm, nhưng không có kinh nghiệm thì những giáo lý chỉ trở thành triết lý trừu tượng hay giáo điều mơ hồ đối với hành giả. Đó cũng giống như học về y khoa nhưng không nhận biết bệnh của chính mình ; nếu sự hiểu biết không được sử dụng, nó là vô ích. Chẳng có gì tốt đẹp nếu chỉ nghĩ rằng người ta đang ở trong rigpa hay nghĩ rằng người ta biết tịnh quang. Biết và ở lại trong cái thấy, cái tri kiến thì không chỉ nghĩ và nói về những giáo lý, mà thực sự sống trong kinh nghiệm mà những giáo lý chỉ bày. Hành giả học rigpa là cái gì bằng cách hiện thực là rigpa, và khám phá trí huệ vượt khỏi tâm thức ý niệm bằng cách khám phá rằng bản tánh chân thật của mình chính là trí huệ đó.

Tuy nhiên, một cái hiểu trí thức đúng đắn về bối cảnh của yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ giúp cho hành giả đúng hướng trong thực hành, tránh sai lầm, và chuẩn bị nhận biết quả của thực hành. Với một cái hiểu rõ ràng, hành giả có thể kiểm lại kinh nghiệm của y so với giáo lý và tránh sự sai lầm cho một kinh nghiệm nào khác là rigpa. Nhưng cuối cùng, kinh nghiệm ấy cần phải được kiểm nghiệm lại so với những chỉ dạy truyền khẩu của một vị thầy trong một tương quan đang diễn tiến, dù cho những gặp gỡ giữa thầy và trò không thể không thường xuyên chăng nữa.


2 Tâm thức và Rigpa

Giải thoát khỏi vô minh và khổ đau xảy ra khi chúng ta nhận biết và an trụ trong bản tánh chân thật của chúng ta. Cái nhận biết không phải là tâm thức ý niệm ; nó là tâm thức nền tảng, bản tánh của tâm thức, rigpa. Công việc cần thiết của chúng ta là phân biệt trong thực hành giữa tâm thức ý niệm và cái tỉnh giác thuần khiết của bản tánh tâm thức.

TÂM THỨC Ý NIỆM

Tâm thức ý niệm hay tâm thức động là cái tâm thức quen thuộc của kinh nghiệm hàng ngày, thường trực bận rộn với những tư tưởng, kỷ niệm, hình ảnh, đối thoại nội tâm, phán xét, nghĩa lý, xúc cảm và tưởng tượng hão huyền. Nó là cái tâm thức vẫn thường đồng hóa như là “tôi” và kinh nghiệm của “tôi”. Sự năng nổ căn bản của nó là sự ràng buộc với một cái nhìn thấy mang tính nhị nguyên về hiện hữu. Nó tự xem nó là một chủ thể trong một thế giới của đối vật. Nó bám víu vào một ít kinh nghiệm và đẩy xa những kinh nghiệm khác. Nó là phản ứng, đôi khi hoang dã, nhưng dù ngay khi nó cực kỳ bình an và vi tế – chẳng hạn trong thiền định hay tập trung mãnh liệt – nó vẫn duy trì “tư thế” bên trong là một thực thể quan sát môi trường chung quanh và tiếp tục tham dự vào nhị nguyên.

Tâm thức ý niệm không giới hạn vào ngôn ngữ và những ý tưởng. Ngôn ngữ – với những danh từ và động từ, những chủ thể và đối tượng của nó – thì nhất thiết phụ thuộc vào nhị nguyên, nhưng tâm thức ý niệm thì đã sống động trong chúng ta trước sự sở đắc ngôn ngữ. Theo nghĩa này, những thú vật cũng như trẻ em và những người sinh ra không có khả năng ngôn ngữ đều có một tâm thức ý niệm. Nó là kết quả của những khuynh hướng thói quen thuộc nghiệp đã hiện diện trước khi chúng ta phát triển một cảm thức về cái ngã, thậm chí trước khi chúng ta sinh ra. Đặc tính chính yếu của nó là phân chia theo một cách bản năng kinh nghiệm thành ra nhị nguyên, bắt đầu với chủ thể và đối tượng, với tôi và không phải tôi.

Tantra Mẹ nói đến tâm thức này như là “tâm thức biểu lộ hoạt động”. Nó là tâm thức khởi lên tùy thuộc vào sự chuyển động của khí có nghiệp nhiễm ô, và biểu lộ trong hình thức những tư tưởng, ý niệm và những hoạt động ý thức khác. Nếu tâm thức ý niệm trở nên hoàn toàn yên tĩnh, nó tan biến vào bản tánh của tâm thức và sẽ không khởi lên trở lại cho đến khi hoạt động tái tạo nó.

Những hành động của tâm động là đức hạnh, không đức hạnh và trung tính. Những hành động đức hạnh chiêu đãi kinh nghiệm về bản tánh của tâm thức. Những hành động trung tính quấy rối sự nối kết với bản tánh của tâm thức. Những hành động không đức hạnh tạo ra thêm sự quấy rối và đưa đến thêm sự mất nối kết. Những giáo lý đi vào chi tiết về những phân biệt giữa những hành động đức hạnh và không đức hạnh, như rộng lượng bố thí và keo kiệt... tuy nhiên điều này là sự phân biệt rõ ràng nhất : một số hành động dẫn đến sự nối kết hơn với rigpa và một số dẫn đến sự mất nối kết.

Cái ngã trói buộc với nhị nguyên chủ thể và đối tượng khởi lên từ tâm thức động. Từ tâm thức này mọi khổ đau sanh khởi ; tâm thức ý niệm làm việc rất cực nhọc và đó là điều nó thành tựu. Chúng ta sống trong những kỷ niệm của quá khứ và những mộng tưởng của tương lai, tách lìa với kinh nghiệm trực tiếp về sự rạng rỡ và vẻ đẹp của đời sống.

TÁNH GIÁC BẤT NHỊ : RIGPA

Thực tại nền tảng của tâm thức là tánh giác thanh tịnh và bất nhị : rigpa. Tinh túy của nó là một với tinh túy của tất cả những gì hiện hữu. Trong thực hành, nó phải không bị lẫn lộn với ngay cả những trạng thái vi tế nhất, tĩnh lặng nhất và bao la nhất của cái tâm thức động. Không được nhận biết, bản tánh của tâm thức biểu lộ như là tâm thức động, nhưng khi thấu biết trực tiếp, nó vừa là con đường đến giải thoát vừa là chính sự giải thoát.

Những giáo lý Đại Toàn Thiện thường dùng hình ảnh một cái gương để tượng trưng cho rigpa. Một cái gương phản chiếu mọi sự mà không chọn lựa, ưa thích hay phán xét. Nó phản chiếu cái đẹp và cái xấu, lớn và nhỏ, thiện và bất thiện. Không có những giới hạn, hạn cuộc nào trong những gì nó có thể phản chiếu, tuy nhiên cái gương thì không nhiễm ô, không dấu vết, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì phản chiếu trong nó. Nó cũng không bao giờ ngừng phản chiếu.

Tương tự, tất cả hình tướng của kinh nghiệm khởi trong rigpa : những tư tưởng, hình ảnh, tình cảm, sự bám chấp và cái được bám chấp, mọi chủ thể và đối tượng giả tạo bề ngoài, mọi kinh nghiệm. Chính tâm thức ý niệm khởi lên và ở trong rigpa. Sống và chết xảy ra trong bản tánh của tâm thức, nhưng nó không sanh cũng không chết, như những phản chiếu đến và đi mà không tạo ra hay hủy hoại tấm gương. Đồng hóa với tâm thức ý niệm, chúng ta sống như một cái gì đó của những phản chiếu trong tấm gương, phản ứng lại những phản chiếu khác, chịu mê lầm và khổ đau, không ngừng sống và chết. Chúng ta cho những phản chiếu là thực tại và tiêu phí những cuộc đời mình để đuổi bắt những ảo  ảnh.

Khi tâm thức ý niệm thoát khỏi bám lấy và ghét bỏ, nó tự nhiên thư giãn, buông xả vào rigpa không-do-tạo-tác. Bấy giờ không có nữa một sự đồng hóa với những phản chiếu trong tấm gương và chúng ta tùy duyên thích hợp một cách không cố gắng với mọi thứ khởi lên trong kinh nghiệm, hân thưởng mỗi một khoảnh khắc. Nếu giận ghét khởi lên, tấm gương tràn ngập giận ghét. Khi tình thương khởi lên, tấm gương tràn ngập tình thương. Đối với bản thân cái gương, ghét hay thương đều vô nghĩa : cả hai đều là một biểu lộ của khả năng phản chiếu bẩm sinh. Điều này được biết như là trí huệ giống như tấm gương (đại viên cảnh trí) ; khi chúng ta nhận biết bản tánh của tâm thức và phát triển khả năng an trụ trong nó, không có trạng thái tình cảm nào làm phóng dật chúng ta được. Thay vì thế, mọi trạng thái và mọi hiện tượng, thậm chí giận dữ, ghen ghét... đều được giải thoát vào sự thanh tịnh và trong sáng vốn là bản tánh của chúng. An trụ trong rigpa, chúng ta cắt tiệt nghiệp ngay tận gốc rễ của nó và được giải thoát khỏi sự trói buộc của sanh tử.

Vững chắc trong rigpa cũng làm cho dễ dàng hơn việc thực hiện mọi nguyện vọng tâm linh khác. Thực hành đức hạnh được dễ dàng hơn khi thoát khỏi bám chấp và cảm giác thiếu thốn, dễ dàng hơn để thực hành lòng bi khi không bị ám ảnh bởi chính bản thân mình, dễ dàng hơn để thực hành chuyển hóa khi không dính mắc vào những cá tính giả tạo và hạn hẹp.

Tantra Mẹ nói đến bản tánh của tâm thức như là “tâm bổn nguyên”. Nó giống như đại dương, trong khi tâm thức bình thường thì giống như những sông, hồ, suối... chúng chia xẻ chung bản tánh của đại dương và trở về với đại dương, nhưng tạm thời hiện hữu như những chi thể của nước bề ngoài có vẻ tách biệt. Tâm thức động cũng được ví như bọt sóng trong đại dương của tâm bổn nguyên, chúng thường trực hình thành và tan biến, tùy thuộc vào sức mạnh của những gió nghiệp. Nhưng bản tánh của đại dương không thể không đổi.

Rigpa tự hữu từ nền tảng. Hoạt động của nó là biểu lộ không ngừng ; tất cả mọi hiện tượng khởi lên trong nó mà không quấy nhiễu nó. Kết quả của sự an trụ toàn bộ trong bản tánh của tâm thức là ba thân của Phật ; pháp thân, nó là tinh túy không có tư tưởng, vô niệm ; báo thân, nó là sự biểu lộ không ngừng ; và hóa thân, nó là hoạt động bi mẫn không mê vọng.

Rigpa Nền Tảng và Rigpa Con Đường

Trong bối cảnh thực hành, có hai loại Rigpa được định nghĩa. Dù chỉ là một sự phân chia ý niệm, nó ích lợi trong sự hướng dẫn. Cái thứ nhất, rigpa nền tảng là tánh tỉnh giác nền tảng toàn khắp của nền tảng (khyab-rig). Mỗi chúng sanh có một tâm thức đều có cái tỉnh giác này – chư Phật cũng như những chúng sanh trong sanh tử – vì chính từ cái tỉnh giác này mà mọi tâm thức sanh khởi.

Cái thứ hai là tánh tỉnh giác bẩm sinh khởi lên của con đường (sam-rig), nó là kinh nghiệm cá nhân về tánh tỉnh giác toàn khắp. Nó được gọi là rigpa con đường bởi vì nó ám chỉ đến kinh nghiệm trực tiếp về rigpa mà những thiền giả có được khi họ đi vào sự thực hành Đại Toàn Thiện và nhận lãnh sự giới thiệu vào, nhập môn và trao truyền. Nghĩa là nó không được chứng ngộ trong kinh nghiệm cho đến khi hành giả được giới thiệu vào nó.

Rigpa con đường có khả năng biểu lộ vì sự kiện rằng những tâm thức của chúng ta khởi từ tánh tỉnh giác bổn nguyên của nền tảng. Khi tánh giác được biết một cách trực tiếp, chúng ta gọi nó là tánh giác bẩm sinh và đây là rigpa con đường mà thiền giả biết. Trong bối cảnh này, chúng ta ám chỉ tánh giác thuần khiết bổn nguyên như là rigpa và rigpa khởi trên con đường như là rang-rig. Cái thứ nhất giống như kem sữa và cái thứ hai như bơ theo nghĩa chúng cùng một chất nhưng có cái gì phải làm để tạo ra bơ. Đây là rigpa con đường hay rigpa khởi lên vì chúng ta vào trong nó rồi lại bỏ nó và rơi trở lại trong tâm thức động. Nó không liên tục, lúc có lúc không trong kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng rigpa thì luôn luôn hiện diện – rigpa nền tảng bổn nguyên là sự hiện diện, không khởi lên cũng không diệt mất – dù chúng ta có nhận biết nó hay không.


3 Nền tảng : Kunzhi

Kunzhi, nền tảng của tất cả hiện hữu, của vật chất cũng như của tất cả tâm thức chúng sanh, là sự hợp nhất bất khả phân của tánh không và sự sáng tỏ. Hai cái này cũng được gọi là tịnh và quang, cùng tịnh quang của yoga giấc ngủ. (Kunzhi trong giáo lý Đại Toàn Thiện không đồng nghĩa với Kunzhi như được nói đến trong trường phái Duy Tâm Thức của kinh điển, trong đó Kunzhi hay a lại da thức diễn tả một thức trung tính nhưng không giác ngộ chứa đựng mọi phạm trù của những dấu vết tư tưởng và nghiệp.)

Tinh túy của Kunzhi là tánh không (sunyata). Nó là không gian vô biên, tuyệt đối ; nó trống không mọi thực thể, mọi hiện hữu nội tại, những ý niệm và biên giới. Nó là không gian trống không có vẻ như ở ngoài chúng ta, không gian trống không trong đó có những đồ vật, và không gian trống không của tâm thức. Kunzhi không có trong hay ngoài, không thể nói được là hiện hữu (vì nó không là gì cả), cũng không phải không hiện hữu (vì nó chính là thực tại). Nó vô hạn, không thể bị hủy diệt hay được tạo ra, không sanh không diệt. Ngôn ngữ dùng để diễn tả nó tất yếu là nghịch lý, bởi vì Kunzhi vượt khỏi nhị nguyên và ý niệm. Mọi tạo dựng về ngôn ngữ để thử hiểu nó đều đã sai lầm và chỉ có thể chỉ cho thấy rằng nó không thể bị bao trùm.

Sự sáng tỏ hay phương diện ánh sáng, của kunzhi, trên mức độ cá nhân, là rigpa, tánh giác thuần khiết. Kunzhi thì giống như bầu trời, nhưng nó không như nhau với bầu trời, vì bầu trời không có tỉnh giác ; kunzhi là tỉnh giác cũng là tánh không. Điều này không gợi ý rằng kunzhi là một chủ thể biết “về'', mà hơn nữa ám chỉ rằng tánh tỉnh giác là tánh không. Tánh không là sự sáng tỏ, sự sáng tỏ là tánh không. Không có chủ thể cũng không có đối tượng trong kunzhi, cũng không có nhị nguyên hay phân biệt nào khác.

Khi mặt trời lặn xuống vào buổi chiều, chúng ta nói rằng bóng tối trùm xuống. Đây là bóng tối từ quan điểm của người tri giác. Không gian thì luôn luôn trong sáng và tràn khắp, nó không thay đổi khi mặt mặt trời mọc hay lặn ; không có việc không gian sáng hay không gian tối. Chỉ có bóng tối hay ánh sáng với chúng ta, người tri giác. Bóng tối xảy ra trong không gian nhưng không ảnh hưởng đến không gian. Khi ngọn đèn của tỉnh giác được thắp lên, không gian của kunzhi không bao giờ tối. Bóng tối là kết quả của những che ám ; sự tỉnh giác của chúng ta bị mắc vướng trong bóng tối của tâm thức vô minh.

TÂM THỨC VÀ VẬT CHẤT

Tinh túy của cả tâm thức và vật chất là kunzhi, vậy thì tại sao vật chất không có sự tỉnh giác ? Tại sao những chúng sanh trở thành giác ngộ mà vật chất thì không thể ? Trong Đại Toàn Thiện chúng ta giải thích điều này bằng thí dụ một thỏi pha lê và một cục than, pha lê tượng trưng tâm thức và than tượng trưng vật chất.

Khi mặt trời chiếu sáng, cục than dù có trầm mình trong ánh sáng cũng không thể tỏa sáng được. Nó không có khả năng, cũng như vật chất thiếu khả năng phản tỉnh của tỉnh giác bẩm sinh. Nhưng khi ánh sáng mặt trời chiếu đến pha lê, nó phản chiếu ánh sáng bởi vì nó có khả năng bẩm sinh làm như vậy ; đó là bản tánh của nó. Khả năng này biểu lộ là sự phô diễn của ánh sáng muôn màu. Tương tự, chúng sanh có khả năng của tỉnh giác bẩm sinh. Tâm thức của một chúng sanh phản chiếu ánh sáng của tánh tỉnh giác bổn nguyên và tiềm năng của nó được hiển bày hoặc trong những phóng chiếu của tâm thức hoặc trong ánh sáng thuần khiết của rigpa.

Xem mục lục