Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
2 Ba Loại Giấc Ngủ

GIẤC NGỦ CỦA VÔ MINH

Giấc ngủ của vô minh, mà chúng ta gọi là “giấc ngủ sâu”, là một sự tối tăm vĩ đại. Nó giống như bóng tối của hàng ngàn năm, và thậm chí còn lâu hơn : nó là tinh túy của vô minh, gốc rễ sanh tử. Bất kể chúng ta ngủ bao nhiêu đêm, mỗi đêm cho ba chục năm hay bảy chục năm, chúng ta cũng không thể chấm dứt việc ngủ. Chúng ta trở lại giấc ngủ mãi như thể nó sạc năng lực cho chúng ta, và nó làm thế thật. Vô minh là sự duy trì và hỗ trợ cho sanh tử luân hồi, và là những chúng sanh của sanh tử, khi chúng ta hòa tan vào giấc ngủ của vô minh, những kiếp đời sanh tử của chúng ta được nuôi dưỡng. Chúng ta thức dậy khỏe mạnh hơn, cuộc hiện hữu trong sanh tử của chúng ta được tươi trẻ lại. Đây là “đại vô minh” vì nó là không đo lường được, là vô cùng.

Chúng ta kinh nghiệm giấc ngủ vô minh như là một cái không trơn, trong đó không có cảm thức về cái ngã và không có ý thức. Hãy nghĩ đến một ngày dài mệt mỏi, thời tiết mưa dầm, một bữa ăn tối nặng nề, và giấc ngủ đến sau đó không có sự sáng tỏ lẫn cảm thức về bản ngã. Chúng ta biến mất. Một biểu lộ của vô minh trong tâm thức là sự mê mờ, hôn trầm của tâm thức đẩy chúng ta về sự tan biến trong vô thức.

Vô minh bẩm sinh là nguyên nhân chủ yếu của giấc ngủ. Những nguyên nhân và điều kiện phụ và cần thiết cho những biểu lộ của nó gắn liền với thân thể và sự mệt mỏi của thân thể.

GIẤC NGỦ SANH TỬ

Loại giấc ngủ thứ hai là giấc ngủ sanh tử, giấc ngủ của những giấc mộng. Giấc ngủ sanh tử được gọi là “đại mê vọng” bởi vì nó có vẻ như không cùng.

Giấc ngủ sanh tử giống như đi dạo trong đường phố của một thành phố lớn, nơi mọi thứ xảy ra : người ta ôm nhau, tranh đấu, nói chuyện gẫu và bỏ nhau ; có đói và giàu, người chạy theo làm ăn và người lấy trộm từ sự làm ăn ; có những chỗ đẹp, những chỗ tả tơi, những chỗ đáng sợ. Những biểu lộ của sáu cõi sanh tử có thể tìm thấy trong bất cứ thành phố nào, và giấc ngủ sanh tử là thành phố của những giấc mộng, một cõi không biên giới của hoạt động tâm thức được sanh ra bởi những dấu vết nghiệp của những hành động đã qua. Khác với giấc ngủ của vô minh, trong đó tâm thức động dạng thô ngừng dứt, giấc ngủ sanh tử đòi hỏi sự tham dự của tâm thức thô và những phiền não tiêu cực.

Trong khi chính thân thể kêu gọi chúng ta đến giấc ngủ của vô minh, thì hoạt động phiền não là nguyên nhân chủ yếu của giấc mộng. Những nguyên nhân thứ yếu là những hoạt động đặt nền trên tham nắm và ghét bỏ.

GIẤC NGỦ TỊNH QUANG

Loại giấc ngủ thứ ba, được thành tựu qua yoga giấc ngủ, là giấc ngủ tịnh quang. Nó cũng được gọi là giấc ngủ của sáng tỏ. Nó xảy ra khi thân thể ngủ nhưng hành giả không mất niệm trong sự đen tối cũng không trong những giấc mộng, mà an trụ trong tánh giác thuần khiết.

Tịnh quang được định nghĩa trong hầu hết bản văn như sự hợp nhất của tánh không và tánh sáng tỏ. Chính tánh giác trống không, thuần khiết này là nền tảng của cá nhân. “Tịnh”, thanh tịnh, trong sáng ám chỉ tánh Không, bà mẹ, kunzhi. “Quang”, ánh sáng, ám chỉ sự sáng tỏ, đứa con, rigpa, cái tỉnh giác thuần túy bẩm sinh. Tịnh quang là sự chứng ngộ trực tiếp sự hợp nhất của rigpa và nền tảng, sự hợp nhất của tánh tỉnh giác và tánh Không.

Vô minh được so sánh với một phòng tối mà bạn ngủ trong đó. Tỉnh giác là một ngọn đèn trong phòng đó. Bất kể căn phòng đã tối tăm bao lâu, một giờ hay một triệu năm, khoảnh khắc ngọn đèn tỉnh giác được thắp lên, toàn thể căn phòng đều sáng rỡ. Có một vị Phật trong ngọn lửa, Pháp thân. Bạn là cái sáng rỡ ấy, quang minh ấy. Bạn là tịnh quang ; nó không phải là một đối vật của kinh nghiệm của bạn hay của một trạng thái tâm thức nào. Khi cái tỉnh giác sáng rỡ trong bóng tối là phúc lạc, trong sáng, bất động, không quy chiếu, không phán xét, không trung tâm hay chu vi, cái ấy là rigpa. Nó là bản tánh của tâm thức.

Khi tư tưởng được quan sát trong tánh giác mà không bám nắm không ghét bỏ, nó tan biến mất. Khi tư tưởng – đối tượng của tỉnh giác – tan biến, người quan sát hay chủ thể cũng tan biến. Trong một nghĩa, khi đối tượng tan biến, nó tan biến trong nền tảng và khi chủ thể tan biến, nó tan biến vào trong rigpa. Đây là một thí dụ liều lĩnh và người ta có thể nghĩ rằng có hai cái, nền tảng và rigpa ; đó là một cái hiểu sai lầm. Chúng thì không thể phân chia tách lìa như nước và tính ướt. Chúng được diễn tả như hai phương diện của cùng một cái để giúp chúng ta hiểu, để liên hệ những giáo lý với sự chia hai bên ngoài của chủ thể và đối tượng. Nhưng chân lý là không bao giờ có một đối tượng lìa ngoài một chủ thể ; chỉ có một ảo tưởng, một vọng tưởng về sự phân chia.

Xem mục lục