Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN BỐN: GIẤC NGỦ

Những phần sau đây hàm ý một sự quen thuộc nào đó với thuật ngữ căn bản của Mật thừa. Khác với phần trước về yoga giấc mộng, những đoạn sau về yoga giấc ngủ chủ yếu được gửi đến những ai đã là những hành giả của tantra hay Đại Toàn Thiện Dzogchen.


1 Giấc Ngủ và Rơi Vào Giấc Ngủ

Tiến trình bình thường của giấc ngủ xảy ra khi ý thức rút khỏi các giác quan và tâm thức tự chìm mất trong phóng dật, thưa thớt trong những hình ảnh và tư tưởng cho đến khi nó tan vào bóng tối. Vô thức bấy giờ kéo dài cho đến lúc những giấc mơ khởi sanh. Khi có giấc mộng, cảm thức về cái ngã được tái tạo qua tương quan nhị nguyên với những hình ảnh của giấc mộng cho đến lúc giai đoạn tiếp theo của vô thức xảy ra. Những thời kỳ tiếp nối của vô thức và giấc mộng tạo thành một đêm ngủ bình thường.

Giấc ngủ là tối tăm với chúng ta bởi vì chúng ta mất ý thức vào trong đó. Nó có vẻ không có kinh nghiệm nào bởi vì thường thì chúng ta đồng hóa với tâm thức thô, tâm thức này ngừng hoạt động trong giấc ngủ. Khoảng thời gian trong đó những bản sắc, những đồng hóa của chúng ta sụp đổ thì chúng ta gọi là “rơi vào giấc ngủ”. Chúng ta có ý thức trong giấc mộng bởi vì tâm thức động còn hoạt động, làm sanh khởi một bản ngã trong mộng mà chúng ta đồng hóa với. Tuy nhiên trong giấc ngủ, bản ngã chủ thể không sanh khởi.

Dù chúng ta định nghĩa giấc ngủ như là vô thức, thì sự tối tăm và trống trơn không phải là tinh túy của giấc ngủ. Đối với cái tỉnh giác thuần túy, nó là nền tảng của chúng ta, thì không có giấc ngủ. Khi không bị phiền não bởi những che ám, giấc mộng hay những tư tưởng, tâm thức động tan vào bản tánh của tâm thức ; bấy giờ thay vì giấc ngủ của vô minh, thì tánh sáng tỏ, thanh bình và an lạc khởi lên. Khi chúng ta phát triển khả năng an trụ trong tánh tỉnh giác này chúng ta thấy rằng giấc ngủ là sáng rỡ, quang minh. Cái sáng rỡ quang minh này là tịnh quang. Nó là thực tánh của chúng ta.

Như đã giải thích trong những chương trước, những giấc mộng khởi lên từ những dấu vết của nghiệp. Tôi đã dùng sự tương tự là ánh sáng được phóng chiếu qua phim để làm thành những bộ phim điện ảnh, mà những dấu vết nghiệp là những tấm ảnh phim, tỉnh giác là ánh sáng chiếu sáng chúng, và những giấc mộng được phóng chiếu trên cái nền tảng (khunzhi*). Yoga giấc mộng phát triển sự sáng sủa minh bạch liên quan với những hình ảnh giấc mộng. Nhưng trong yoga giấc ngủ, không có phim cũng không có phóng chiếu. Yoga giấc ngủ là không có hình ảnh. Sự thực hành là nhận biết trực tiếp tánh tỉnh giác bởi tánh tỉnh giác, chính bản thân ánh sáng soi chiếu. Nó là cái sáng rỡ quang minh mà không có bất kỳ loại hình ảnh nào. Về sau, khi sự vững chắc trong tịnh quang được phát triển, thậm chí những hình ảnh giấc mộng cũng sẽ không làm cho hành giả phóng dật, xao lãng và giai đoạn mộng của giấc ngủ cũng xảy trong tịnh quang. Những giấc mộng này bấy giờ được gọi là những giấc mộng tịnh quang, chúng khác với những giấc mộng của sự sáng tỏ. Trong những giấc mộng tịnh quang, tịnh quang không bị che mờ.

Chúng ta đánh mất cảm thức chân thật về tịnh quang khi chúng ta vừa ý niệm hóa nó hay cố gắng tưởng tượng ra nó. Không có chủ thể lẫn đối tượng trong tịnh quang. Nếu có bất kỳ một sự đồng hóa nào với một chủ thể, bấy giờ không có lối vào trong tịnh quang. Thật ra, không có cái gì “vào trong” tịnh quang : tịnh quang là nền tảng tự nhận biết chính nó. Không có gì là “bạn” hay là “nó.” Dùng ngôn ngữ nhị nguyên để diễn tả cái bất nhị thì tất yếu đưa tới nghịch lý mâu thuẫn. Cách độc nhất để biết tịnh quang là biết nó một cách trực tiếp.

 

Xem mục lục