Khởi Nguyên Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai.
Như mọi người đều biết, Ấn Ðộ thời đức Phật còn tại thế, thì ở tây Ấn Ðộ là trung tâm, là giáo khu của Bà La Môn giáo, và có truyền thống bảo thủ. Trong khi tại đông Ấn Ðộ, dọc theo dải Ma Kiệt Ðà lại mở ra chân trời mới với phong trào tự do tư tưởng. Ngay như thuyết “nghiệp lực” và Áo Nghĩa Thư đều phát triển tại phương đông cùng với vương triều Tỳ Ðế Ha (Vedeha). Ðức Phật - người thuộc tộc Thích Ca cũng là một chi của phương đông. Phật Giáo cũng dựa vào hoàn cảnh tự do tư tưởng mà phát đạt. Vì vậy, nên tư tưởng của đức Phật rất coi trọng sinh hoạt thực tế. Ðến độ lấy sinh hoạt thực tế làm nguyên tắc. Ngay như lúc sắp nhập diệt, Ðức Thích Tôn vẫn còn lo là các đệ tử sau này sẽ vướng vào các tiểu chi, tiểu tiết có thể gây trở ngại cho công cuộc phát triển giáo hóa. Do đó, Phật dặn dò thị giả - ngài A Nan rằng: “sau khi ta diệt độ, ông hãy triệu tập Tăng chúng và tuyên bố xả bỏ các “vi tế giới”. Vi tế giới là những việc nhỏ nhiệm, không quan trọng mà trong sinh hoạt thường nhật khi Phật còn tại thế đã chế định. Ðiều đó cho thấy đức Phật rất coi trọng sinh hoạt thực tế. Nghĩa là tự do “lấy, bỏ” miễn sao việc chế định giới luật phải thích nghi với sự tu tập. Ðây là điểm thủy chung nhất quán của giới luật.
Nhưng, trong lần đại hội thứ nhất, Tôn giả A Nan một lần đọc lên di huấn của đức Phật, ngài lại quên là lúc ấy ngài không thỉnh thị đức Phật dạy rõ thế nào là phạm vi tế giới. Do vậy mới phát khởi một chuỗi tranh luận. Sau cùng, ngài Ðại Ca Diếp với địa vị là người chủ trì cuộc Ðại hội kết tập đưa ra quyết định: “những gì Phật dạy, chúng ta phải phụng hành theo, những gì Phật không dạy, không đem ra bàn luận ở đây”(19).
Thì ra, các Thượng tọa trưởng lão đều là những vị bảo thủ, mà Ðại Ca Diếp là một trong những vị bảo thủ. Do đó, nội dung giới luật của lần Ðại hội kết tập lần thứ nhất được ghi nhận là đại biểu cho tinh thần Thượng tọa, và những vị Thượng tọa thì củng cố đại vị lãnh đạo của họ.
Mặc dù vậy, ngài trưởng lão Phú Lan Na vẫn giữ thái độ tuy không tiếp nhận cùng phái với ngài Ðại Ca Diếp, nhưng ngấm ngầm thay đổi tư tưởng. Cùng lúc ấy, ngài Phú Lan Na nhận được sự trọng thị từ các Tỳ kheo trung niên ở phía đông. Vì vậy, lần kết tập thứ hai diễn ra tại thành Tỳ Xá Ly, về mặt địa vực, thì hệ phía tây Ấn Ðộ thuộc về thành Ba Tra Ly Tử, và hệ phái đông Ấn Ðộ thuộc về thành Tỳ Xá Ly có biểu hiện tranh luận. Nhân vì sau khi Phật diệt độ, khu vực giáo hóa của Phật Giáo ngược lên theo phân chi của lưu vực sông Hằng là sông Diêm Ngu Na, từ đó phát triển rộng về hướng tây cho đến sông Ma Thâu La (nay là sông Juma thuộc tây ngạn sông Mutra), hình tành nên hệ Phật Giáo rất quan trọng ở tây Ấn Ðộ. Thời này tại đông Ấn Ðộ lấy thành Tỳ Xá Ly làm trung tâm của Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ. Ðối với vấn đề giới luật, thái độ của hệ phía đông khác với hệ phía tây. Sự thực đó là hiện tượng tự nhiên.
- Tình Hình Sôi Ðộng Của Lần Thất Bách Kết Tập.
Tuy trong luật cho rằng đây là thời cách Phật nhập diệt đã xa khoảng trăm năm. Nếu lấy sự tham gia đông đúc của các trưởng lão trong lần đại hội này, theo một trưởng lão đệ tử ngài A Nan pbát biểu, thì lần Ðại hội kết tập này diễn ra cách Phật nhập diệt trong vòng một trăm năm.
Nhân có trưởng lão Tỳ kheo Da Xá Ca Kiền Ðà Tử (Yasa Kakandakal Putta) là người của hệ phía tây đi tuần hóa đến thành Tỳ Xá Ly, thấy các Tỳ kheo ở phía đông cứ mỗi nửa tháng vào các ngày mùng tám, mười bốn và ngày rằm, dùng bình bát đựng đầy nước, và tụ tập người tại địa phương lại một nơi rồi yêu cầu họ - các bạch y - thí tiền. Trong số các bạch y có người không đồng ý cúng tiền, còn chê trách rằng: các Sa môn Thích tử không nên cầu thí kim tiền. Thấy vậy, trưởng lão Da Xá liền trách cứ các Tỳ kheo cầu bạch y cúng tiền, và nói: “cầu thí như vậy là không đúng tinh thần giáo pháp”. Lại hướng về đám tục nhân, và nói: “các ngươi không nên cúng thí tiền, ta từng đích thân theo Phật nghe pháp, nếu ai cầu thí không đúng với giáo pháp, cũng như những ai cúng thí không đúng với giáo pháp, cả hai đều đắc tội(20).
Việc ngài Da Xá hướng các tục nhân nói là họ sai trong việc cúng thí kim tiền, nên các Tỳ kheo yêu cầu ngài hướng về các bạch y mà bày tỏ yết ma (tức tạ lỗi). Ngài Da Xá không đồng ý tạ lỗi, và ngài vẫn khẩn thiết yêu cầu các Tỳ kheo không nên cầu thí kim tiền. Việc làm này của ngài được các tục nhân hết sức ca ngợi và kính ngưỡng. Kết quả ngài Da Xá không được các Tỳ kheo của tộc Bạt Kỳ dung nạp. Ngài liền đi về phía tây và nhằm vào các Ðại đức trưởng lão có danh vị mà du thuyết. Rồi ngài trở lại thành Tỳ Xá Ly triệu tập đại hội để làm sáng tỏ vấn đề giới luật.
Trưởng lão Da Xá đã không nệ nhọc nhằn để đi cả nghìn dặm. Ngài đến tận địa phương của Tỳ kheo Ba Lỵ Da - người nổi tiếng về tu khổ hạnh đầu đà (địa xứ này cách Ma Thâu La năm trăm dặm về phía tây). Ngài đến địa phương của Tỳ kheo A Bàn Ðế, đến trú xứ của Tỳ kheo Ðạt Thấn Na (ở Nam Sơn), quan trọng hơn cả là ngài tranh thủ đi đến địa phương Ma Thâu La của trưởng lão Tam Bồ Ðề, đến địa phương Tát Hàn Nhã của trưởng lão Ly Bà Ða. Tỳ kheo của bộ tộc Bạt Kỳ cũng bốn lần phản bác lại ngài Da Xá, và cho rằng nguyên ủy là do đức Phật đã dạy như vậy tại địa phương họ. Họ yêu cầu đại chúng trợ lực để giúp họ phản bác lại ngài Da Xá. Chung cuộc, việc du thuyết của ngài Da Xá đưa đến kết quả hết sức xán lạn. Ðó là có đến bảy trăm vị Tỳ kheo cùng đến thành Tỳ Xá Ly tham dự đại hội. Vì có quá đông người dự đại hội, nhưng nếu tất cả cùng tham gia biện luận, e rằng sẽ không đưa đến kết quả. Do đó, các Tỳ kheo của cả hai phía đông, tây đồng ý mỗi phía được suy cử bốn vị Thượng tọa làm đại biểu. Tên tự của những vị được suy cử, các bộ Luật có sự ghi chép khác nhau. Xin tham khảo và liệt kê tên tự của các vị Thượng tọa được suy cử như sau: Tát Bà Ca La, Ly Bà Ða, Tam Bồ Ðề, Da Xá, Tu Ma Na, Sa La, Phú Xà Tô Di La, Bà Tát Ma Ca La Ma. Ngoài ra còn có một vị vừa thọ giới cụ tục được năm năm, nhưng có đủ khả năng đảm nhận việc giáo hóa, và đã tỉnh thức giới luật nên được chọn lo việc bày xếp tọa cụ. Vị đó có tên là A Kỳ Ða (hoặc A Di Ðầu), do vậy nên cộng cả thảy là chín vị. Chín vị này có nhiệm vụ xem xét, tra cứu và thẩm định tất cả mọi biện luận. Thực tế, những vị vừa nêu là đại biểu cho bảy trăm người tham dự Ðại hội. Do đó, Ðại hội này có tên là Thất Bách Kết Tập.
- Vấn Ðề Mười Việc Phi Pháp.
Khởi đầu Ðại hội lần này là đem việc các Tỳ kheo đề nghị bạch y cúng tiền. Nhưng nội dung được đưa ra thảo luận gồm có mười khoảnh. Ðược gọi là “Thập sự phi pháp” của Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ, đó là:
1. Giác diêm tịnh: Nghe trữ muối ăn trong giác khí.
2. Nhị chỉ tịnh: Tức là tính theo bóng mặt trời, sau và chưa quá nửa ngày (đứng bóng) hai cách chỉ bóng mặt trời, như ăn chưa no, thì có thể ăn tiếp để no.
3. Tha tụ lạc tịnh: Tức là sau khi ăn xong một bữa, lại đến một xóm làng khác ăn thêm lần nữa.
4. Trụ xứ tịnh: Tỳ kheo cùng ở trong rừng khu (giới nội), có thể không bố tát với nhau trong cùng một trụ xứ.
5. Tùy ý tịnh: khi tăng chúng đã quyết định nơi nghị xứ (nơi hội nghị), thì tuy tất cả không cùng tham dự, nhưng để quyết định có hiệu lực, yêu cầu tăng chúng sau khi quyết định đã đưa ra thì mọi người đều tuân phục là được.
6. Sở tập tịnh: tức thuận theo những đièu đã được quyết định trước đó.
7. Sinh hòa hiệp (bất toản dao) tịnh: Tức được uống sữa bò chưa bị khuấy cho đóng ván đông đặc lại.
8. Ẩm xà lâu nghi tịnh: Xà lâu nghi là nhựa cây Câu Lang Tử chưa lên men, hoặc vừa lên men thì được lấy để uống.
9. Vô duyên tọa cụ định: khi may tọa cụ không được phép thêm biên, cũng như không được múon to nhỏ tùy thích.
10. Kim ngân tịnh: Tức là tùy ý nhận kim ngân.
Tỳ kheo tộc Bạt Kỳ của thành Tỳ Xá Ly cho rằng, mười việc nêu trên là được phép; vì hợp pháp (tịnh giới). Trong khi ngài Da Xá thi cho rằng mười việc trên là không phù hợp với luật chế.
Mục đích của lần kết tập thứ hai này là nhằm thẩm tra mười việc nêu trên được căn cứ vào luật chế nào. Kết quả thẩm tra hoàn toàn dựa vào các ghi chép trong luật điển, các vị Thượng tọa đồng ý thông qua mười việc trên là phi pháp (Thập sự phi pháp).
Kỳ thực, nếu theo ý chỉ của đức Phật mà cân nhắc, thì “ Thập sự” này thuộc phạm vi của vi tế giới được ngài A Nan thuật lại lời di huấn của Phật là nên bỏ đi. Nhưng cung cách xử lý của các vị Thượng tọa là rất tôn trọng đối với những điều do đức Phật chế định. Vì vậy, chư vị Thượng tọa đều đứng về ngài Da Xá. Do đó, trong Luật văn có tăng bổ thêm “Thập sự”, và được chép thành văn. Như vậy, lần kết tập thứ hai này tuy gọi là kết tập thực thì chỉ vì Thập sự phi pháp mà thôi.
Như vậy, các Tỳ kheo Bạt kỳ coi như bị thảm bại trong kỳ đại hội này, nên lòng cảm thấy bất bình. Truyền thuyết rằng có sự kết tập riêng của đại chúng thuộc hệ phía đông. Cũng từ đó tách ra khỏi phái Thượng tọa, và trở thành hai phái. Ðiều đáng chú ý là quốc vương của thành Tỳ Xá Ly cũng tỏ ra bất mãn với một số Thượng tọa là khách mời, cho nên sau khi kết thúc đại hội, quốc vương lệnh cho các vị ấy rời khỏi thành Tỳ Xá Ly. Diễn biến này ngấm ngầm ẩn chứa khuynh hướng phản thành hệ phái đông thuộc Ðại Chúng Bộ, và hệ phía tây thuộc Thượng Tọa Bộ.
- Kết Tập Lần Thứ ba.
Việc kết tập thánh điển Phật Giáo; theo truyền thuyết thì có hai lần kết tập thứ ba, và hai lần kết tập thứ tư. Duy có điều, lần kết tập thứ ba có hay không diễn ra? Nếu là có, thì thời đại của cuộc kết tập rất khó định luận. Theo sự nghiên cứu của pháp sư Ấn Thuận, ông đưa ra ba thuyết về sự sai hiện của hệ Thượng tọa.
1. Truyền thuyết về Ðộc Tử Bộ.
Chuyện kể rằng, sau Phật diệt độ một trăm ba mươi bảy năm, tại thành Ba Tra Ly Tử có con ma tên là Chứng Hiển, hóa hiện thành vị La Hán, và cùng tăng chúng tranh luận mười sáu năm không dứt, may có vị Tỳ kheo tên là Ðộc Tử, ngài triệu tập tăng chúng, và khiến họ hòa hợp, nhờ đó mới dứt tranh luận. Bấy giờ có vị hộ pháp là vua Nan Ðà. Và cuộc triệu tập tăng chúng của ngài Ðộc Tử được gọi là lần kết tập thứ ba.
2. Truyền thuyết của hệ Phân Biệt Thuyết.
Tương truyền rằng sau Phật Niết bàn khoảng hai trăm ba mươi năm, tại thành Hoa Thị (Dàtaliputta) có tặc trú Tỳ kheo khởi tranh, khiến vua A Dục phải nghênh đón ngài Mục Kiền Liên Tử Ðế (Moggali Puta Tissa) đứng ra triệu tập một nghìn vị Tỳ kheo cu hội mới chấm dứt được cuộc tranh luận. Và đây cũng được gọi là cuộc kết tập lần thứ ba.
3. Truyền thuyết của hệ Nhất Thiết Hữu.
Truyền rằng sau Phật Niết bàn khoảng bốn trăm năm. Có vua Ca Nị Sắc Ca thâm tín Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, nhà vua cho triệu tập năm trăm vị Ðại đức qui tụ về nước Ca Thấp Di La, đem tam tạng Thánh điển Kinh Luật ra gạn bỏ đi những dị thuyết(21). Trong ba truyền thuyết, thì truyền thuyết thứ ba được coi là lần kết tập thứ tư. Sự tích về truyền thuyết này sẽ giới thiệu ở phần sau. Tư liệu liên quan đến việc kết tập thánh điển Tiểu thừa và Ðại thừa có thể tham khảo Phật Giáo Ðại Từ Ðiển của Vọng Nguyệt Thị, từ trang 902-904, xem phần tự thuật để rõ thêm.