Đức Đạt Lai Lạt Ma
TU TUỆ
Bản tiếng Anh:Practicing Wisdom - Nhà xuất bản Wisdom
Bản tiếng Pháp: Pratique de la Sagesse - Nhà xuất bản Presses du Châtelet
Bản dịch Việt ngữ: Hoang Phong - Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2008
12
Phát huy tâm thức giác ngộ
Yêu thương kẻ khác là một sự lợi ích
Tịch Thiên xác nhận rằng hạnh phúc và hân hoan thoát ra từ ý chí của ta mong muốn đem đến sự tốt đẹp cho tất cả những sinh linh có giác cảm khác, trong khi đó, những khó khăn, những thảm trạng và tai họa là hậu quả của sự kiện ta chỉ biết lo nghĩ đến chính ta.Tịch Thiên tự hỏi tại sao ta lại phải đề cập đến việc ấy : chỉ cần nhìn vào những phẩm tính của Phật, Ngài ước mong đem đến những gì tốt đẹp cho tất cả chúng sinh và số phận của chúng ta, tức thể dạng thường ngày mà chúng ta đang gánh chịu ? Chúng ta sẽ dẽ dàng nhận thấy luận cứ ấy là đúng khi so sánh giữa thử thách của những con người bình thường với những đức tính giác²ngộ và trí tuệ của chư Phật, điều ấy còn giúp ta so sánh giữa những xứng đáng và lợi ích về lòng ước vọng thiết tha đem đến sự tốt lành cho những chúng sinh có giác cảm và những tệ hại và bất lợi của thái độ ích kỷ, chỉ biết hướng về sự tốt lành của chính ta.
Tịch Thiên tự hỏi tại sao trong khi mà tất cả chúng sinh, cũng như chính ta, đều có cùng một ước vọng đạt được hạnh phúc và loại trừ khổ đau, ta lại chỉ biết tìm cách phục vụ cho quyền lợi của chính ta, làm tổn hại đến quyền lợi của kẻ khác – đến độ không còn biết nghĩ gì đến kẻ khác ? Câu hỏi này nêu lên một sự thật lớn lao.Cũng giống như chính ta, tất cả những chúng sinh khác đều mong mỏi được hạnh phúc và loại trừ khổ đau ; mỗi người trong chúng ta đều hiểu rằng tiếp theo sau những cảm nhận về hân hoan và hạnh phúc là những gì bất toại nguyện sẽ xảy ra. Cũng như chính tôi đây, với tư cách là một cá nhân, nếu đương nhiên tôi có quyền thực hiện ước vọng đạt được hạnh phúc và loại trừ khổ đau, thì tất cả những chúng sinh khác cũng có cái quyền ấy. Công nhận sự công bằng cơ bản nàytrên đây là một điều thật hết sức quan trọng.
Vậy sự khác biệt giữa những kẻ khác và ta là gì ? Dù rằng tất cả kẻ khác thật vô cùng quan trọng và quý giá, nhưng ta chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng cho một người. Mặc cho sự đau đớn của kẻ khác có dữ dội đến đâu đi nữa, ta chỉ quan tâm đến sự sự an vui của chính ta mà thôi. Thế mà, mỗi khi nói đến sự an vui của những sinh linh có giác cảm khác, ta có hiểu được chăng chữ khác chỉ định vô số chúng sinh. Dù cho sự đớn đau của môt chúng sinh khác đối với ta quá nhỏ nhoi đi nữa, nhưng những đớn đau của những chúng sinh khác khi cộng lại thì thật là vô biên. Vì thế, theo quan điểm dựa trên lượng chất, sự an vui của kẻ khác trở nên quan trọng hơn sự an vui của riêng ta rất nhiều.
Mặc dù ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính ta, nhưng khi những kẻ khác được hài lòng và hạnh phúc, ta cũng được hửng lây. Trái lại, nếu những kẻ khác luôn luôn đang btrong tình trạng đớn đau triền miên, chính ta cũng sẽ rơi vào một số phận như thế. Thật hết sức rõ ràng quyền lợi của kẻ khác liên hệ chặt chẻ với quyền lợi của chính ta. Hơn nữa, ta đã thấy rõ qua kinh nghiệm cá nhân của ta, nếu ta càng bám níu vào « cái tôi » – tức càng chăm lo quyền lợi của riêng ta – thì những vấn đề tâm lý và xúc cảm của ta lại càng trở nên trầm trọng hơn.
Nhất định, quan tâm đến chính ta là một điều hết sức quan trọng. Nhưng muốn thực hiện điều đó phảỉ biết chọn môột thái độ thực tế hơn, có nghĩa là không nên xem quyền lợi của ta quan trọng quá đáng và hãy nghĩ đến sự an vui của kẻ khác nhiều hơn. Hãy tỏ ra thương người nhiều hơn và quan tâm đến sự an vui của kẻ khác thực ra là thái độ rất lành mạnh dù chỉ để thỏa mãn quyền lợi của riêng ta. Khi ta biết hành động như thế, ta sẽ nhận ra một sự thay đổi quan trọng trong ta, đó là một thứ cảm tính an bình. Ta sẽ không hành động một cách ngược ngạo xem những việc nhỏ mọn trở thành to lớn giống như cả sinh mạng ta liên hệ vào đấy, và cả danh thơm của ta, cả cá tính của ta và cả kiếp sống của ta cũng bị hăm dọa. Nếu ta chỉ biết thường xuyên nghĩ đến quyền lợi của riêng ta – và hoàn toàn quên đi sự an vui cũa kẻ khác – thì một biến cố nhỏ nhoi nhất cũng có thể gây cho ta những bấn loạn mãnh liệt hay những vết thương trong nội tâm của ta. Kinh nghiệm cá nhân chứng minh cho ta những điều đó.
Tóm lại, thái độ thương người đó thật lợi ích vừa cho kẻ khác lại vừa cho ta nữa. Đặt tâm thức ta dưới sự nô lệ của ích kỷ sẽ kéo dài vô tận những cảm tính bất toại nguyện, thiếu thốn và bất hạnh mang tính cách nhất thời hay lâu dài. Ta phung phí cơ duyên tuyệt vời mà ta đang có – tức cơ duyên được làm thân con người, được thừa hưởng những khả năng tuyệt mỹ, như trí thông minh có thể giúp ta đặt được những mục tiêu cao cả nhất. Vì vậy thật hết sức quan trọng phải biết ước lượng những hậu quả do những hành vi của ta gây ra trong nhất thời và trong lâu dài. Có phương cách nào hơn để đem đến cho cuộc sống làm người của ta một ý nghĩa, nếu không phải đó là phương cách suy tư về bồ-đề tâm, tức ước vọng thương người mong đạt cho được giác ngộ vì sư an vui của tất cả những sinh linh có giác cảm ?
Làm phát sinh tâm thức giác ngộ
Về phần riêng tôi, tôi không dám nghĩ rằng đã đạt được tâm thức giác ngộ – hay Bồ-đề tâm – dù tôi hết sức mến phục những điều đó, nhưng tôi cảm thấy cảm tính mến phục ấy đã đem đến sự phong phú cho tôi và nguồn can đảm cho tôi, và đó cũng là nền móng xây dựng hạnh phúc của tôi ; chính nhờ nó, tôi mới đủ khả năng giúp kẻ khác được hạnh phúc, và tôi đã cảm nhận được sự hài lòng và hoan hỉ. Tôi hoàn toàn hy sinh cho lý tưởng thương người đó và tôi sẽ luôn luôn trung thành với lý tưởng đó – dù cho tôi ốm đau hay khoẻ mạnh, trong suốt tuổi già của tôi hay trong khi chết – và đối với nó, tôi tin chắc rằng tôi sẽ luôn luôn giữ được lòng mến phục sâu xa. Hỡi các bạn hữu của tôi, tôi mong muốn xin các bạn hãy tập làm quen nhiều chừng nào hay chừng ấy với Bồ-đề tâm. Nếu có thể được, các bạn hãy dốc hết nổ lực để làm phát sinh trong lòng các bạn thái độ thương người và lòng từ bi.
1-10- Tư duy ấy đã biến thân xác ô uế này thành một hình ảnh vàng ngọc và vô giá : ấy là Phật. Hãy nắm thật chặt vị thuốc mầu nhiệm này, tên gọi của vị thuốc là Tư duy của Giác ngộ !
Khi ta suy tư hời hợt về Bồ-đề tâm, ta thấy nó tương đối khá đơn giản ; nó tỏ ra không đến đỗi quá hấp dẫn như thế. Các cách thiền định tan-tra xem nó như cơ bản của mạn-đà-la (môt khái niệm quan trông của Phật giáo Tây tạng, dưới hình thức một tranh vẽ, tượng trưng cho vũ trụ và những sức mạnh của vũ trụ giúp cho việc thiền định) và của các thần linh, điều này có thể tỏ ra vô cùng huyền bí cho ta, và cũng vì thế nên nó cũng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi ta bước vào tu tập, Bồ-đề tâm sẽ trở thành vô tận. Với nó ta sẽ không gặp bất cứ một bất ngờ nào làm cho ta vỡ mộng hay thối chí, trong khi đó những cách thiền định dựa vào thần linh, tụng kinh man-tra, cũng như các cách tu tập khác, đôi khi đưa đến thất vọng, bởi vì ta đặt vào đó những tham vọng quá lớn. Sau nhiều năm tu tập, ta có thể thốt lên : « Mặc dù tôi đã có tu tập thiền định dựa vào một thần linh và tôi cũng có tụng tất cả các kinh sách man-tra, nhưng tôi chẳng thấy một tiến bộ nào cả ; tôi chẳng cảm nhận được một kinh nghiệm thần bí nào cả » Tu tập về Bồ-đề tâm không đưa đến sự thất vọng đại loại như kiểu đó. Việc tu tập Bồ-đề tâm đòi hỏi một thời gian lâu dài, thật hết sức quan trọng khi ta bắt đầu đạt được một chút kinh nghiệm, hãy bộc lộ sự quyết tâm đó bằng những lời nguyện cầu dưới sự chứng kiến của một vị đạo sư hay trước một vị đại diện cho Phật. Hành vi này sẽ làm gia tăng thêm sức mạnh về Bồ-đề tạm của ta. Tu tập về Bồ-đề tâm là một nghi lễ đặc biệt, trong dịp này và trước mặt một vị thầy, ta phát nguyện cầu xin đạt được giác ngộ vì an vui của tất cả chúng sinh.
Phần đầu trong nghi lễ này là sự phát hiện ước vọng về Bồ-đề tâm. Làm phát sinh ước vọng thương người để đạt được Bồ-đề tâm vì sự an vui của tất cả chúng sinh tức là ta tự cam kết không từ bỏ và không làm suy thoái lòng nhiệt tâm đó, không những trong kiếp sống này, mà trong cả những kiếp sống về sau nữa. Muốn thực hiện lời cam kết đó phải noi theo một số giới luật. Phần thứ hai của nghi lễ là phát nguyện của người Bồ-tát ; người phát nguyện phải thực hiện xong phần thứ nhất của nghi lễ.
Sau khi đã phát nguyện, dù muốn hay không, dù đièu ấy có đem đến thích thú hay không, ta phải xem những lời phát nguyện ấy quý giá hơn mạng sống của chính ta. Sự quyết tâm giữ vững những lời phát nguyện đó phải vững chắc như một quả núi ; ta hứa từ giờ phút này phải noi theo những giới luật của người Bồ-tát và chọn một cuộc sống phù hợp với sự tu tập giúp đạt đến giác ngộ.
Nhất định một số những người đọc quyển sách này không phải là những người tu tập Phật giáo. Một số những người Phật giáo có thể cũng cảm thấy không mong muốn phát nguyện Bồ-đề tâm, và đặc biệt bước vào phần thứ hai của nghi lễ. Nếu ta cảm thấy thiếu khả năng tuân theo giới luật của người Bồ-tát, ta không nên phát nguyên ; nhưng điều này cũng không cấm cản ta làm nảy sinh lòng thương người trong ta, và cầu xin hạnh phúc sẽ đến với tất cả những sinh linh có giác cảm, để ta có đủ khả năng đạt được giác ngộ toàn vẹn vì an vui của kể khác. Làm được như thế cũng đủ : ta sẽ rút tỉa được những điều xứng đáng qua hành vi phát lộ Bồ-đề tâm, nhưng không cần phải tuân theo giới luật. Nếu không phát nguyện, ta chỉ phát huy được lòng ước vọng về Bồ-đề tâm mà thôi. Tùy vào sự phán đoán của quý vị về việc này.
Khích lệ bởi lòng ước mong giải thoát cho mọi chúng sinh
Tôi xin nhất quyết
Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng,
Cho đến khi nào đạt được giác ngộ toàn vẹn.
Thúc đẩy bởi trí tuệ và lòng từ bi,
Hôm nay đây trước mặt Phật,
Tôi xin được phát khởi tâm thức Giác ngộ,
Vì sự an vui của tất cả chúng sinh.
Khi nào không gian còn tiếp tục,
Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,
Tôi van xin vẫn còn đây
Để làm tan biến tất cả khổ đau của thế giới này.