Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
Đức Đạt Lai Lạt Ma
TU  TUỆ
Bản tiếng Anh:Practicing Wisdom - Nhà xuất bản Wisdom
Bản tiếng Pháp: Pratique de la Sagesse - Nhà xuất bản Presses du Châtelet
Bản dịch Việt ngữ: Hoang Phong - Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2008

1
Dẫn nhập

Phát huy một động lực tinh khiết

Suốt trong quyển sách này, với tư cách một người thầy tinh thần, tôi sẽ cố gắng phát huy trong tôi sự thúc đẩy tinh khiết nhất mà tôi có thể làm được vì lợi ích của chính quý vị, tức những người đọc quyển sách này. Về phần quý vị cũng thế, đến gần với những lời giảng huấn bằng tấm lòng thiện cảm và một tâm ý tích cực là một điều hệ trọng.

Đối với quý vị độc giả nào là những Phật tử trung kiên, mang hoài bảo đạt đến sự Tỉnh thức tối thượng, thật là hệ trọng nếu quý vị biết liên tục cố gắng tìm cách trở thành những con người thiện cảm và nhiệt tình. Chủ đích đó sẽ đem đến cho những cố gắng của quý vị một ý nghĩa, giúp quý vị tích lũy được những điều xứng đáng để tạo ra chung quanh quý vị một sức mạnh tích cực. Vì vậy, trong lúc chuẩn bị để đọc quyển sách này, quý vị hãy nương tựa vào ba Vật báu (4) và xác định trở lại một cách minh bạch lòng thương người của quý vị, quyết tâm của quý vị đạt đến Giác ngộ hoàn hảo vì sự tốt lành của tất cả chúng sinh. Không quy y Tam bảo, cách tu tập của quý vị sẽ không phải là tu tập Phật giáo. Thiếu ước vọng thương người, quyết tâm đạt được thể dạng của Phật vì lợi tha, hành vị của quý vị sẽ không thể xem là hành vi của một môn đệ Đại thừa.

Nếu quý vị nào, trong số nhũng người đọc của tôi, không phải là những người Phật giáo chuyên cần, xin quý vị ít nhất cũng nên có một chút quan tâm thật sự về đạo Phật. Sự kiện quý vị theo một truyền thống tôn giáo khác, Thiên chúa giáo chẳng hạn, điều đó cũng không cấm cản quý vị cảm thấy liên hệ đến một vài khía cạnh nào đó về phương pháp và kỷ thuật của những người Phật giáo xử dụng để cải thiện tâm linh của họ. Nếu quý vị thuộc vào trường hợp này, quý vị cũng nên cố gắng chấp nhận một thái độ thiện cảm và sự thúc đẩy tích cực trong khi quý vị chuẩn bị đọc quyển sách này. Nếu như  một vài phương pháp hoặc kỹ thuật nào mà quý vị thấy có thể ghép thêm vào đời sống tinh thần của quý vị, thì quý vị cũng đừng do dự. Nếu như không làm được như thế, tốt hơn xin quý vị hãy xếp quyển sách này lại, một cách thật đơn giản.

Chính tôi đây, tôi cũng chỉ đơn giản là một nhà sư Phật giáo, ngưỡng mộ và cảm ứng sâu xa trước những lời giáo huấn của Phật, và đặc biệt trước những người đã thực hiện được lòng Từ bi và thấu hiểu về bản thể sâu kín của hiện thực. Tuy không hề có một chút xíu kiêu hãnh nào trong tư thế đứng ra trình bày những lời giáo huấn phong phú về tinh thần này, nhưng ít ra tôi cũng phải cố gắng làm những gì tôi có thể làm được để nhận lấy trọng trách của lịch sử đặt lên vai tôi trong công tác chia xẻ những lời bình giải cá nhân của tôi về những lời giáo huấn này với một số người càng đông càng tốt.

Các người đọc của tôi, nhiều vị cũng có thể mang hoài bảo muốn cải thiện tâm linh mình. Dù rằng người giảng huấn cũng cần phải đủ sức nắm vững hoàn toàn những chủ đề đưa ra giảng dạy, mặc dù thế, về phần tôi, tôi cũng không giám tự cho mình đã hiểu biết đầy đủ và toàn diện về những chủ đề mà chúng Ta-bàn thảo với nhau hôm nay. Tuy nhiên, văn bản mà chúng ta sẽ nghiên cứu liên hệ chính yếu đến học thuyết về Tánh không, một học thuyết mà tôi ngưỡng mộ hết sức sâu xa, còn hơn thế nữa có thể nói là một sự ràng buộc tình cảm, vì mỗi lần có dịp là tôi tìm cách suy tư về học thuyết đó. Theo kinh nghiệm hạn hẹp của tôi – ít ra tôi cũng tự cho phép tin là tôi đã đạt được cái kinh nghiệm ấy – chủ thuyết về Tánh không là một triết thuyết sinh động, và một khi nắm vững được triết thuyết ấy ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả. Vì thế tôi nghĩ rằng đó là phẩm tính duy nhất mà tôi đã đạt được, giúp cho tôi dựa vào đó để thuyết giảng về văn bản của Tịch Thiên.

Trí năng và lòng tin

Khi quý vị quan tâm sâu xa về Phật giáo và quý vị nhất định bước vào con đường tu tập tâm linh để khám phá sự phong phú trong những lời giảng huấn của Phật, hoặc trong trường hợp ngược lại quý vị chỉ mới khởi sự chú ý đến vấn đề này cũng thế, trong cả hai trường hợp quý vị đừng bao giờ để bị mù quáng bằng một thứ đức tin duy nhất – đừng xài hết tiền mặt cho một đức tin đơn thuần. Nếu quý vị bị lôi cuốn vào đó, quý vị có thể gặp nguy cơ đánh mất khả năng lý luận của quý vị. Đối tượng của đức tin và lòng mộ đạo phải được khám phá bằng những kinh nghiệm cá nhân, có nghĩa là bằng khả năng lý luận. Nếu sự khảo sát ấy đưa đến một sự tin tưởng sâu xa, đức tin của quý vị sẽ được nẩy nở. Sự tự tin và đức tin nếu dựa trên lý trí sẽ luôn luôn vững chắc và có thể tin tưởng được ; nếu ta không xây dựng lòng tin bằng cách vận dụng trí thông minh, thì ta sẽ không còn biết phải dựa vào những cơ sở nào vững chắc hơn để xây dựng lòng tin nơi những lời giáo huấn của Phật.

Học hỏi để mở rộng tầm hiểu biết cá nhân của ta về những lời giảng huấn của Phật quả thật là một điều hệ trọng. Long Thọ (Nagarjuna) (5), một vị thầy người Ấn thuộc thế kỷ thứ II, xác nhận rằng đức tin và trí thông minh, cả hai đều là những yếu tố cần thiết cho sự triển khai tinh thần, và đức tin còn có thể được xem trội hơn, như là một nền móng căn bản vậy. Tuy nhiên, Long Thọ cũng phát biểu thêm rằng đức tin chỉ đủ sức hướng dẫn sự thăng tiến tinh thần của ta khi nào nó được hổ trợ bởi trí thông minh, trí thông minh là phương tiện giúp ta đủ sức nhận ra con đường phải theo và trau dồi sự hiểu biết sâu xa. Dù sao, ta không thể để sự quán nhận đơn thuần dừng lại ở cấp bậc hiểu biết và trí thông minh, như thế chưa đủ ; nó còn phải thâm nhập vào tim ta và tâm thức ta để có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những hành vi của ta. Nói cách khác, là nghiên cứu đơn thuần trên mặt trí năng về Phật giáo sẽ không đưa đến một tác dụng nào trên thái độ và cách cư xử của ta trong cuộc sống.

Văn bản cội rễ 

Đối với Phật giáo Tây tạng, các văn bản cội rễ là các kinh điển sou-tra và tan-tra, ghi chép lại những lời giáo huấn đích thực của Phật. Ngoài số kinh điển ấy còn phải kể đến các bộ sách Tengyour, đó là kho tàng mênh mông gồm các trước tác của các học giả lỗi lạc người Ấn, và hàng ngàn những tập sách bình giải do các đại sư thuộc bốn trường phái Phật giáo Tây tạng biên soạn. Văn bản làm nòng cốt cho bài thuyết giảng này mang tựa đề « Sự hiểu biết siêu nhiên » thuộc vào chương IX của tập sách Hành trình đến Giác ngộ (Bodhicaryavatara), do một đại sư người Ấn là Tịch Thiên thuyết giảng vào thế kỷ thứ VIII.

Tôi được thụ giáo về văn bản này qua ngài Khounou Rinpoché - Tenzin Gyalsen, ông là một Đại thiền sư và một bậc thầy về tâm linh đã quá cố. Ông đã dốc lòng tu tập để thực hiện tâm linh Giác ngộ, dựa vào văn bản của Tịch Thiên, và chính ông, ông cũng đã được thụ giáo về văn bản này qua một vị Đại sư lừng danh khác là Djé Patrul Rinpoché. 

Tôi bình giảng tập luận Hành trình đến Giác ngộ dựa vào hai cách bình giải trong số những lời bình giải vừa kể trên đây. Cách thứ nhất của Khentchen Kunzang Palden xử dụng thuật ngữ riêng của Ninh-mã phái (Cựu học phái) ; cách thứ hai của Myniak Kunzang Seunam – vị này tuy là học trò của Patrul Rinpoché nhưng lại đứng về phía trường phái Guélougpa – xử dụng thuật ngữ giảng giải của trường phái này. Trong phần thuyết trình của tôi, tôi sẽ trình bày những khác biệt trong cả hai cách biện giải của hai học giả chuyên gia đó. Ta hãy sẽ xem kết quả biến chuyển như thế nào ! 

Xem mục lục