Trong lần giảng Tâm Kinh này, đầu mỗi buổi giảng tôi đều
may mắn được nghe nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau
tụng Tâm Kinh. Xét theo lịch sử, truyền thống Phật giáo ở
Tích lan và ở các vùng Ðông Nam Á là truyền thống Phật giáo
sớm nhất, lưu giữ giáo pháp của Phật trong tạng kinh Pa-li.
Sau đó, tôi lại được nghe các vị tăng ni Trung quốc tụng Tâm
Kinh. Truyền thống Phật giáo Trung quốc chủ yếu dựa vào
tạng kinh tiếng Hoa, và cũng có một phần tiếng Pa-li. Sau đó
là lời tụng Tâm Kinh của các vị tăng ni Việt Nam. Những
truyền thống Phật giáo này đều có trước truyền thống Tây
Tạng, vì vậy mà cuối cùng là lời tụng Tâm Kinh theo tiếng
Tây Tạng.
Tôi vô cùng xúc động được có mặt ở đây hôm nay, tham dự
vào dịp may quí báu này, cùng ngồi với các đại diện của nhiều
truyền thống Phật giáo khác nhau, tất cả đều là đệ tử của đức
Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, cùng tụng kinh với nhau. Xin nói
thêm, xét theo lịch sử thì Phật giáo đã từng là quốc giáo của
Trung quốc. Lời tụng kinh tiếng Hoa nói lên nguyện vọng tôn
giáo của hàng triệu người trên mảnh đất ấy, vẫn giữ lòng tin
nơi Phật pháp. Trong vài chục năm qua, Phật pháp ở đất nước
vĩ đại ấy đã phải chịu hư hại lớn lao. Tuy vậy, nền văn hóa
Trung hoa phong phú, trong đó có cả niềm tin Phật pháp, đến
ngày nay vẫn còn cực kỳ sống động.
Thời gian trôi qua, nhiều lý tưởng, nhiều hệ thống tư duy đã
phá sản, nhưng giá trị của Phật giáo và của nhiều tôn giáo lớn
khác vẫn còn tồn tại trong xã hội, sống ngay giữa trái tim con
người. Tôi thấy đây là niềm hy vọng lớn của đại gia đình nhân
loại, vì tôn giáo là chìa khóa dẫn đến một xã hội công bằng
hơn, hòa bình hơn, cho thế hệ tương lai. Nguyện cho khía cạnh
trong sáng tốt đẹp này của tôn giáo sẽ giúp tâm con người
thăng hoa. Nguyện tôn giáo không bao giờ còn bị lạm dụng
thành nguyên nhân dẫn đến bất hòa tranh chấp, mà chỉ mang
lại tấm lòng thông cảm, tương kết giữa tất cả những ai đang
cùng nhau cư trú trên cõi địa cầu. Nhờ nỗ lực tinh tấn của từng
cá nhân, nguyện mỗi người trong chúng ta đều có đủ khả năng
bảo vệ niềm an lạc chung cho tất cả.
[HẾT PHẦN GIẢNG PHÁP CỦA ĐỨC ĐALAI LAMA]