Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Ðể thực hành phương pháp bảy điểm nhân quả, quí vị cần

quán tưởng tất cả chúng sinh đều là mẹ của mình, hay là người

mà quí vị yêu quí nhất, là hiện thân của tất cả mọi tình cảm tốt

lành. Cần nhớ lại mọi cảm xúc dạt dào yêu thương của mình

đối với mẹ - hay với người nào đã tốt với quí vị như mẹ ruột -

rồi mở rộng cảm xúc đó ra, chan hòa lên tất cả mọi người, mọi

loài, với ý thức rằng bất cứ chúng sinh nào cũng đều đã từng

có lúc chăm sóc thương yêu quí vị giống như vậy. Khi thấy

được mối tương quan chặt chẽ giữa mình với tất cả, xuyên qua

những kiếp tái sinh triền miên không khởi điểm, chừng đó sẽ

thấy bất cứ một ai cũng đã từng là cha mẹ, đã từng đối xử với

chúng ta bằng thái độ chăm sóc nâng niu cực kỳ tốt lành.

Loại tình thương này cũng có thể tìm thấy trong thế giới của

súc sinh. Ví như loài chim, nếu chúng ta chịu khó quan sát, sẽ

thấy chim mẹ luôn ấp ủ chim non, chăm lo không quản ngại,

cho đến khi chim con đầy đủ lông cánh. Không cần biết chim

mẹ có loại tình cảm mà loài người thường gọi là lòng từ bi hay

không, nhưng rõ ràng là hành động này, tự nó, đã là một điều

tốt lành vĩ đại. Ðàn chim non lệ thuộc hoàn toàn vào chim mẹ;

mẹ là chốn chở che duy nhất, chốn nương tựa duy nhất, và

cũng là chốn cấp dưỡng duy nhất của chúng nó. Chim mẹ tận

tâm đến nỗi khi gặp nguy hiểm sẽ không ngần ngại hy sinh

tánh mạnh để bảo vệ đàn con. Ðó là tinh thần mà chúng ta cần

phải có đối với tất cả mọi loài chúng sinh.

Chịu khó quán chiếu về những kiếp tái sinh tiếp nối từ vô thủy

cho đến bây giờ, sẽ thấy được chúng sinh nào cũng đã từng đối

xử với chúng ta tốt như vậy. Thấy được điều này, tự dưng sẽ

nảy lòng thông cảm biết ơn sâu xa đối với tất cả, rồi từ đó sẽ

có được cảm giác gần gũi thân thiết rất tự nhiên đối với mọi

loài chúng sinh, dù ngay trong kiếp này họ có đối xử với ta

như thế nào cũng không quan trọng. Có được như vậy mới thật

sự là thân thiết gần gũi với tất cả chúng sinh.

Tuy nhiên, cảm giác thân thiết gần gũi này, cũng như mọi thứ

khác, chỉ có thể đến theo quá trình tuần tự. Trước tiên cần có

thái độ bình đẳng đối với tất cả. Trong đời sống hằng ngày

cảm xúc của chúng ta thay đổi lên xuống luôn luôn. Thân gần

người này, ghét xa người kia. Ngay như đối với cùng một

người, cũng có khi vì chuyện nhỏ nhặt mà thái độ của chúng ta

chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.

Phải thấy rằng nếu chưa loại bỏ toàn bộ phiền não, cảm giác

thương yêu gần gũi chỉ có thể đến từ tâm ô nhiễm, từ tham ái.

Cảm giác gần gũi khởi từ tham ái có khi lại là chướng ngại lớn

cho việc phát khởi lòng từ bi chân chính. Vì vậy phải nuôi

dưỡng tâm bình đẳng trước. Sau đó, phát triển cảm giác gần

gũi trên nền tảng của lý trí lành mạnh, thay vì dựa trên lòng

tham ái.

Dần dà, cảm giác thân thiết gần gũi đối với tất cả sẽ khiến

chúng ta xót xa không chịu nổi khi chứng kiến nỗi khổ của

chúng sinh. Ðến một lúc nào đó, lòng đại bi mong chúng sinh

thoát khổ sẽ mãnh liệt đến nỗi chúng ta tự thấy chính mình

phải gánh lấy trách nhiệm đưa chúng sinh ra khỏi khổ đau.

Lòng đại từ cũng vậy. Ðại từ là niềm mong mỏi chúng sinh

được hạnh phúc. Dần dần chúng ta sẽ quyết tâm gánh vác

trách nhiệm mang hạnh phúc về cho chúng sinh. Sau hết, khi

lòng đại từ đại bi đều đã lớn rộng mạnh mẽ, kèm chung với

tinh thần trách nhiệm cao độ, lúc ấy “thái độ vị tha phi

thường” sẽ phát khởi. Ðây là tâm nguyện khao khát muốn đưa

toàn thể chúng sinh ra khỏi khổ đau luân hồi. Có được thái độ

phi thường này rồi, chúng ta cần xét lại xem mình vốn có đủ

khả năng gánh vác việc lớn lao như vậy hay không. Ngài

Nguyệt Xứng, một vị đại luận sư xứ Ấn, có viết trong bộ

Lượng Thích Họci như sau:

Nếu chính mình cũng không biết rõ

Thật khó lòng giải thích cho người. (29)

Xét theo quan điểm Phật giáo, muốn bảo đảm bình an và hạnh

phúc chân thật cho chúng sinh, tốt nhất là đưa tất cả đến bờ

giác ngộ. Tuy nhiên, muốn đưa chúng sinh đến quả vị Phật, ít

nhất chính mình phải có đủ kiến thức và phải tự mình chứng

được quả vị Phật. Vậy muốn mang lợi lạc về cho chúng sinh

không còn cách nào khác hơn là chính mình phải đạt giác ngộ.

Ý nghĩ này là đỉnh cao của pháp tu bảy điểm nhân quả, đó

chính tâm bồ đề. Tâm này vừa mang chí nguyện muốn chúng

sinh được lợi lạc, vừa khát khao thành Phật để có khả năng

hoàn thành chí nguyện ấy.



i Phạn: Pramanavartika.

Xem mục lục