Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Từ đầu đến ngang đây, Tâm Kinh giảng tánh không thuận theo

căn cơ người bình thường. Trong phần tiếp theo, Tâm Kinh sẽ

vì những người căn cơ phi thường mà trình bày ngắn gọn về

tánh không qua dạng mật chú. Tâm Kinh nói như sau:

“Do đó nên biết chú Bát nhã ba la mật đa –chú của đại trí

tuệ, tối thượng, đồng bậc với tuyệt bậc, trừ được hết thảy

khổ não – là thần chú chân thật vì không hư ngụy.”


Ở đây, chính bản thân của Bát nhã ba la mật đa,

prajnaparamita, được gọi là “thần chú”. Nguyên văn chữ

thần chú có nghĩa là “hộ trì tâm thức.” Chứng đắc Bát nhã ba

la mật đa sẽ che chở tâm thức thoát khỏi mê lầm, thoát khỏi

phiền não đến từ mê lầm và thoát khỏi cái khổ đến từ phiền

não.

Gọi Bát nhã ba la mật đa là “thần chú của đại trí tuệ”, vì thâm

nhập ý nghĩa rốt ráo của Bát nhã ba la mật đa sẽ đoạn trừ được

ba chất độc tham sân si. Gọi “tối thượng”, vì không có phương

tiện nào vĩ đại hơn Bát nhã ba la mật đa để cứu vớt chúng sinh

ra khỏi hai bờ cực đoan, là khổ đau luân hồi và an lạc riêng lẽ

của niết bàn cá nhân. Gọi “đồng bậc với tuyệt bậc”, vì địa vị

giác ngộ của Phật không gì có thể sánh bằng, đồng thời hành

giả có thể chứng ngộ sâu xa chú này và đạt đến địa vị không gì

sánh bằng đó. Cuối cùng, gọi “trừ được hết thảy khổ não”, vì

Bát nhã ba la mật đa trừ được khổ đau trong hiện tại, đồng thời

xóa sạch tất cả mọi tiềm năng tạo khổ trong tương lai.

Bát nhã ba la mật đa là Chân đế, là chân lý rốt ráo, nên gọi là

“chắc thật.” Khác với Tục đế, cảnh giới của Chân đế hoàn

toàn không có sự sai biệt giữa tướng và tánh. Vì vậy mà nói

tướng Chân đế là “không hư ngụy”. Ngoài ra, tính chất không

hư ngụy này cho thấy khi chứng được thần chú Bát nhã, có thể

nhờ Bát nhã ba la mật đa mà giải thoát toàn diện khỏi khổ đau

và nguyên nhân của khổ đau. Nhìn từ khía cạnh này, cũng có

thể nói Bát nhã ba la mật đa là chân thật.

Nay tôi xin tuyên thuyết thần chú Bát nhã ba la mật đa:

TADYATHA GATE GATE PARAGATE

PARASAMGATE BODHI SVAHA. Xá Lợi Phất, các vị

Đại bồ tát hãy nên hành trì Bát nhã ba la mật đa theo

đúng như vậy.


Chữ tadyatha tiếng Phạn có nghĩa là “như sau”, dùng làm từ

chuyển tiếp sang câu tiếp theo; gaté gaté là “đi, đi”; paragaté

là “vượt qua”; parasamgaté là “vượt qua hoàn toàn”; và bodhi

svaha có thể hiểu là “an trụ vững vàng trong giác ngộ.” Vậy

nguyên câu chú này có thể được dịch nghĩa như sau: “Vượt

qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn, an trú

trong giác ngộ.” Hình ảnh “vượt qua bờ bên kia” có thể dùng

làm cảnh ngữ của câu chú này, nói cách khác, bỏ bờ bên này

với căn nhà chúng ta có từ vô thủy là luân hồi và nếp sống vô

minh, để vượt qua đến bờ bên kia, bờ cứu cánh niết bàn, của

giải thoát toàn diện.

 

Xem mục lục