LỜI GIỚI THIỆU
Kỳ xuất bản cuốn sách này lần thứ nhất, phát hành năm 1885 trên trang đề tựa được miêu tả như sau: “Một luận văn dành riêng cho những ai chưa hiểu biết về Minh Triết Ðông Phương và muốn hấp thụ ảnh hưởng của nó [1]”. Nhưng chính cuốn sách này lại mở đầu như sau : “Những qui luật này được viết ra để cho tất cả các hàng đệ tử”. Dĩ nhiên lời miêu tả sau cùng thì rõ ràng và đúng hơn, trong đoạn lược sử của sách. Bản nguyên tác của sách hiện nay là do Chơn Sư Hilarion đọc cho bà Mabel Collins viết, khi bà ở trong một trạng thái thụ động như một đồng tử. Bà là một mệnh phụ rất quen thuộc trong giới Thông Thiên Học; bà đã một lần cộng tác với bà Blavatsky trong việc làm chủ bút tờ báo Lucifer. Chơn Sư Hilarion nhận được bản nội dung sách này chính tự tay Sư Phụ của Ngài, tức là Đấng Cao Cả mà các sinh viên Thông Thiên Học một đôi khi gọi Ngài là Ðức Vénetian, nhưng Ðức Vénetian cũng chỉ soạn thảo một phần của sách mà thôi. Sách này đã trải qua ba giai đoạn mà chúng ta hãy lần lượt ghi như sau:
Mãi cho đến bây giờ, tác phẩm này chỉ là một cuốn sách nhỏ, nhưng khi chúng tôi thấy nó lần đầu tiên thì nó còn nhỏ hơn bây giờ. Ðó là một cuốn sách viết tay trên những tờ lá gồi, cũ xưa đến đỗi ta không đoán tuổi nó được, sách này cũ đến nỗi ngay trước Thiên Chúa Giáng Sanh, người ta đã quên tên tác giả và ngày phát hành sách, nguồn gốc sách đã bị quên lãng trong những đám mây mờ của thời tiền sử xa xôi. Sách gồm mười tờ lá gồi và trên mỗi tờ chỉ có ba hàng chữ viết. Vì trong một cuốn sách viết tay, trên lá gồi như thế, chữ được viết theo dọc tờ giấy, từ trên xuống dưới (như chữ nho), chứ không viết xuyên ngang trang giấy, từ trái sang phải như ta thường viết bây giờ. Mỗi hàng chữ là một câu châm ngôn ngắn đầy đủ ý nghĩa.
Ðể cho ba mươi hàng chữ này được trình bày rõ ràng minh bạch, trong bổn in này mà quí bạn đang đọc đây, chúng được in bằng chữ sậm. Trong nguyên bản, có những câu châm ngôn được viết theo một lối chữ Bắc Phạn cổ xưa.
Chơn Sư Vénetian đã dịch sách này từ tiếng Bắc Phạn ra tiếng Hy Lạp để các môn đệ của Ngài thuộc môn phái Alexandria đọc. Trong một kiếp, Chơn Sư Hilarion đã là một môn đệ đó, mang tên là Iamblichus. Không những Ðức Vénetian dịch các câu châm ngôn, Ngài còn thêm vào đó những lời giảng nghĩa cần được đọc cùng với bản nguyên tác.
Thí dụ, nếu nhận xét về 3 câu châm ngôn đầu tiên, ta thấy đoạn văn đầu số 4 (kế tiếp) rõ ràng là dụng ý làm lời bình luận cho 3 câu trên, vì vậy, ta phải đọc như sau:
“Ngươi hãy tiêu diệt lòng tham vọng, nhưng hãy làm việc như những kẻ lòng đầy tham vọng.
“Ngươi hãy tiêu diệt lòng ham sống, nhưng hãy tôn trọng sự sống.
“Ngươi hãy tiêu diệt lòng ham muốn sự tiện nghi, nhưng hãy sung sướng như những kẻ chỉ sống để hưởng lạc thú”.
Tất cả những lời giảng giải và bàn rộng của Chơn Sư Vénetian được in bằng chữ thường, những lời này (cùng với bản nguyên tác của các câu châm ngôn) làm thành cuốn sách đã được phát hành lần đầu năm l885, vì Chơn Sư Hilarion dịch sách từ tiếng Hy lạp ra tiếng Anh nên mới có bản dịch như ngày nay. Khi sách vừa được in xong, Ngài lại thêm vào đó những câu chú giải riêng của Ngài rất có giá trị. Trong kỳ xuất bản thứ nhứt, những lời chú giải này được in trên những trang giấy rời phía sau phết keo để dán lên đoạn đầu hay đoạn cuối sách vừa được in xong. Trong bổn in mà quí bạn đang đọc đây, những lời chú giải được xếp đặt vào chỗ thích hợp, nhưng chữ được xếp nhỏ hơn và có in chữ “Chú giải” ở phía trước mỗi lời chú giải.
Trong mỗi kỳ tái bản về sau, người ta thêm vào đó những chương với lời đề tựa “Bình Luận” và theo như tôi hiểu thì bà M.C. đã nghĩ rằng chính Chơn Sư Hilarion đã cảm hứng bà, giống như khi bà viết nội dung sách đó. Tuy nhiên, không phải đúng vậy đâu, vì bất cứ ai chịu khó đọc những lời bình luận ấy cũng sẽ nhận thấy rõ ràng tác giả thuộc về một môn phái Huyền bí học hoàn toàn khác biệt với môn phái các Chơn Sư chúng ta [2].
Bài luận văn ngắn và viết rất hay về “Nhân Quả” cũng do Chơn Sư Vénetian viết và được thêm vào kỳ xuất bản đầu tiên của cuốn sách này [3].
Cuốn Ánh Sáng Trên Đường Đạo là bài thứ nhất trong số ba bài luận văn hằng giữ một vị trí độc đáo trong văn chương Thông Thiên Học, đó là những lời chỉ đạo mà những vị đã đi trên Ðường Ðạo ban ra cho những kẻ muốn noi theo Ðường đó. Tôi nhớ ông Subba Row, đã quá cố, có một lần nói với chúng tôi rằng những qui luật này có nhiều mức độ ý nghĩa khác nhau. Ông nói ta có thể học đi học lại những qui luật ấy như những lời chỉ đạo thích hợp với mọi trình độ cao thấp.
Trước hết, chúng thích hợp với kẻ chí nguyện – đang đi trên con Ðường Nhập Môn, rồi kẻ nào đã thật sự bước vào con Ðường Thánh Ðạo lần thứ nhất, cũng học lại những qui luật này một lần nữa, nhưng ở một trình độ cao hơn. Người ta nói rằng sau khi đắc quả Chơn Tiên và đang tiến đến những quả vị cao hơn, hành giả vẫn có thể học lại những qui luật trên thêm một lần nữa, các qui luật này vẫn được coi như là những lời chỉ đạo với một ý nghĩa cao hơn. Theo cách đó, đối với những ai đã hiểu được trọn vẹn cái ý nghĩa thần bí của cuốn sách này, thì sách sẽ đưa họ đi xa hơn là bất cứ cuốn sách nào khác.
Rồi đến cuốn “Tiếng Nói Vô Thinh” do chính bà Blavatsky ghi chép lại cho chúng ta; thực ra sách này ghi chép ba bài thuyết pháp của Ðức Aryasanga, Vị Ðại Giáo Chủ (mà hiện nay chúng ta được biết là Chơn Sư Djwal Kul); sau này, ba bài thuyết pháp đó được đệ tử của Ngài là Alcyone nhớ và chép lại trên giấy. Sách ấy ghi những lời chỉ đạo khiến ta tiến đến quả vị một vị La Hán. Trên nhiều phương diện, sách được soạn thảo hoàn toàn khác với quan điểm của Chơn Sư Hilarion, thật vậy nếu người sinh viên cần mẫn so sánh những điểm giống nhau và khác nhau trong hai cuốn sách thì chắc đó phải là một công việc rất hứng thú.
Cuốn thứ ba trong loại sách hướng dẫn ta trên Ðường Ðạo mới vừa được Alcyone đưa ra; Alcyone chính là vị đã ghi chép dùm chúng ta các bài thuyết pháp của Ðức Aryasanga. Trong cuốn “Dưới Chơn Thầy”, Alcyone nhắc lại cho ta nghe những lời giáo huấn mà Chơn Sư Kuthumi mang ra dạy Alcyone – với mục đích chuẩn bị cho ông được Ðiểm Ðạo lần thứ nhất. Vì vậy, phạm vi cuốn sách thứ ba này nhỏ hẹp hơn các cuốn khác, nhưng nó lại có ưu điểm là vô cùng rõ ràng và giản dị, vì những lời giáo huấn trong sách phải làm sao cho một trí óc hồng trần rất non nớt có thể thông hiểu được.
Cuốn sách viết tay bằng tiếng Bắc Phạn tối cổ, là nguồn cội xuất xứ của cuốn “Ánh Sáng Trên Đường Đạo” cũng được dịch ra tiếng Ai Cập, và nhiều lời giải nghĩa của Chơn Sư Vénetian có các âm thanh giáo lý của Ai Cập hơn là âm thanh giáo lý Ấn Ðộ. Dù Ai Cập hay Ấn Ðộ, thật là không còn có một viên ngọc báu nào quý giá hơn tác phẩm này trong văn chương Thông Thiên Học của chúng ta – không còn cuốn sách nào khác có thể đền bù xứng đáng cái công phu học hỏi tỉ mỉ và cần mẫn nhất của chúng ta. Nhưng xin hãy đọc đoạn văn trích trong lời nói đầu của cuốn “Dưới Chơn Thầy”.
“Thật là chưa đủ chút nào nếu ta chỉ nói suông rằng những lời dạy bảo này thật đúng chơn lý và tốt đẹp: ai muốn thành công thì phải thi hành và tuân theo đúng những lời chỉ dạy. Một người sắp chết đói mà chỉ nhìn ngó đồ ăn và nói suông rằng: Ðồ ăn ngon quá ! Thì hắn có no bụng được đâu ? Hắn phải thò tay gắp lấy ăn. Cũng giống như thế, thật là chưa đủ chút nào nếu quí bạn chỉ nghe thấy lời Chơn Sư dạy thôi; quí bạn phải thực hành điều Ngài dạy, phải theo dõi từng tiếng nói, phải nhận xét từng dấu hiệu bóng gió xa xôi. Nếu quí bạn bỏ qua một dấu hiệu hay một tiếng nói, thì dấu hiệu hay tiếng nói này sẽ mất đi mãi mãi, vì Chơn Sư không bao giờ nói hai lần.”
Ðược soạn thảo với mục đích rõ rệt là thúc đẩy sự tiến hóa của những kẻ đang đi trên đường Ðạo, các cuốn sách này đưa ra những lý tưởng mà người thế gian ít khi được chuẩn bị để có thể chấp nhận chúng. Con người chỉ thực sự hiểu các lời giáo huấn nếu y áp dụng chúng trong đời sống. Nếu y không thực hành những lời giáo huấn thì y không sao hiểu được cuốn sách này, và sẽ nghĩ rằng đây là một cuốn sách vô ích và không thực tế. Nhưng nếu quí bạn thành thực cố gắng sống theo sách này thì ánh sáng sẽ chiếu rọi vào sách ngay. Chúng ta chỉ có thể thưởng thức viên ngọc báu vô giá này theo cách đó mà thôi.
C.W. LEADBEATER