Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Về thiền định, sau khi đã thấu hiểu cái thấy thoát khỏi những cực đoan nhị biên, người ta tham thiền về cái thấy để tịnh hóa những phiền não nhiễm ô và để hoàn thiện những con đường và những giai đoạn hầu tiến đến mục đích tối thượng. Longchenpa tổng kết thiền định trong ba phạm trù của sự tiếp cận với thiền định đối với ba cấp độ của hành giả trong chương thứ mười một của Shingta Chenpo.

THIỀN ĐỊNH SAU KHI ĐÃ XÁC QUYẾT CÁI THẤY

Sau khi đã xác quyết rõ ràng cái thấy (tri kiến), cần thiết phải tham thiền trong trạng thái thiền định. Nếu không người ta sẽ không hoàn thành giải thoát khỏi đám đông những nhiễm ô phiền não và sẽ không có thể hoàn thiện những giai đoạn và những con đường. Thế nên chắc chắn người ta cần thực hành thiền định. Thiền định là tham thiền trong trạng thái tự nhiên, nó tự nhiên như hư không, bằng phương tiện là sự tự do thoát khỏi những ý niệm, nghi ngờ và mong cầu….

Trước hết, người ta cần học hỏi, rồi tư duy và sau đó người ta cần đi vào thực hành về nó, vì cần thiết phải phát sanh nghĩa cốt yếu trong chính mình.

NHỮNG THIỀN ĐỊNH CHO NHỮNG CẤP ĐỘ 
KHÁC NHAU CỦA TRÍ NĂNG

Thiền định cho Người Trí Năng Cao

(i) Người có trí năng cao nhất đạt giải thoát nơi chứng ngộ. Người phước đức có trí năng cao nhất, họ đã tích tập công đức trong quá khứ, đạt giải thoát chỉ bằng chứng ngộ trạng thái tự nhiên của Tâm, nghĩa như hư không, siêu việt khỏi thiền định và không thiền định, nhờ vào những trường hợp (của những những ban phước) của Lama. Họ an trụ tự nhiên trong trạng thái yoga của dòng Tâm luôn luôn trong mọi lúc, không cần đến thiền định với cố gắng.

(ii) Với người chứng ngộ hoàn toàn, không có thiền định nào để thực hành. Khi một người đạt trạng thái chứng ngộ hoàn toàn (Klong-Gyur)…. bởi vì nó đã giải thoát khỏi luyến chấp vào (ý niệm) hiện hữu có thật, bấy giờ sẽ không có những cái dùng để đối trị nào để thiền định. Thế nên trạng thái chứng ngộ là không-có-thiền-định. Đã an trụ trong sự tương tục vắng mặt luyến chấp vào hiện hữu có thật, nó là trò chơi nhậm vận của vô trụ không kẽ hở, siêu việt những chiều kích, phương diện, và nó là sự thọ hưởng cõi Phật của Phổ Hiền vốn tự giải thoát…. Trong cái ấy không có những dấu hiệu và cấp độ, vì không có những loại thiền định hữu tướng…. Trong đó không có chỗ cho lầm lạc, vì nó không đi đâu cả. Không có những che ám của người canh chừng vì nó không được canh chừng….

Sự xảy ra những che ám và sai lầm : khi thiền giả canh chừng Tâm, nó vốn không thể tri giác được bằng sự canh chừng, thì sự canh chừng tự trở thành che ám. Tiến đến (nơi không có) có chỗ để đi đến thì tự nó trở thành sai lầm…. Trước hết đã có sự xác tín rằng Tâm mình tự nhiên là chân Phật từ vô thủy, sau đó người ta chứng ngộ rằng không cần ước mong Phật quả từ nguồn gốc nào khác. Ngay lúc ấy, người ta an trụ trong Phật quả.

(iii) Với người trí năng bình thường và thấp kém, cần phải thiền định. Đối với người trí năng bình thường và thấp, cần thiết phải thiền định với sự chuyên cần lớn lao, bởi vì họ chưa giải thoát khỏi sự nắm bắt bản ngã, nguyên nhân của sanh tử. Sự phân biệt giữa thiền định và không thiền định là theo sự việc (cái ý niệm) người nắm bắt và cái được nắm bắt (chủ thể và đối tượng) trong tâm đã tiêu tan hay chưa.

(iv) Sự đúng đắn của hành thiền. Bao giờ những sanh khởi (trong tâm mình) không là tự-khởi lên và tự-giải thoát, thì mọi tư tưởng chỉ là những ý niệm bình thường tạo ra sanh tử và dẫn đến những cõi thấp…. Bằng cách thiền định để làm bình lặng những ý niệm này, chắc chắn trí huệ, tức là sự giải thoát của những hiện tượng, sẽ sanh ra.

(v) Cần hợp nhất an định và quán chiếu. An định (Chỉ) hàng phục nhiễm ô phiền não, quán chiếu (Quán) nhổ gốc nhiễm ô phiền não….

Có hai phương diện của an định và quán chiếu, (sự đồng đẳng và những bản sắc tách biệt của an định và quán chiếu). Về đồng đẳng : Phương diện an trụ là an định và phương diện sáng tỏ là quán chiếu. Sự hợp nhất của an định và quán chiếu, sự chứng ngộ sáng tỏ và tánh Không thoát khỏi những biên kiến, giải thoát người ta khỏi sanh tử….

Về tách biệt : theo ngữ nguyên, tâm tập trung vào ý nghĩa của cái đã học được là an định và sự chứng ngộ ý nghĩa là quán chiếu. Theo ý nghĩa, có thể qua thiền định tập trung nhất tâm vào lúc ban đầu là an định và rồi thấu hiểu vô tự tánh là quán chiếu.

(vi) Lý do (tại sao thiền định là cần thiết). Đối với người trí năng cao, cũng như trên một đảo bằng vàng, dầu cho bạn có tìm kiếm, bạn sẽ không tìm ra đất hay đá, bất cứ cái gì sanh khởi đều được giải thoát trong bản tánh tối hậu. Thế nên những cái đối trị được tịnh hóa ở trong cảnh giới tối hậu (dByings), và không cần thiết những thời kỳ tham thiền nữa….

Đối với người trí năng bình thường : sau khi đã thấu hiểu cái thấy, bằng cách tham thiền mà không có sự chuyển động, trong trạng thái không sanh khởi thoát khỏi hôn trầm và trạo cử, như một ao nước không dơ bẩn, người ta hợp nhất an định và quán chiếu, tức định và huệ, và làm tan biến những ý niệm vào cảnh giới tối hậu, và sự ‘chứng ngộ như hư không’ xảy ra….

Đối với người trí năng kém, người ta cần thiền định và thuần hóa cái tâm hoang dã như khỉ vượn, nó không chịu ở yên dù chốc lát, bằng an định nhất tâm. Khi người ta có thể tập trung được, bấy giờ bằng thiền định, như cái đối trị, trên sự quán chiếu phân biệt chẳng hạn về tánh Không, vô tự tánh của hiện tượng, và bằng cách thiền quán rằng tất cả hình tướng là huyễn, người ta chứng ngộ nghĩa của sự không sanh khởi.

ĐƯỜNG LỐI THAM THIỀN CHO NGƯỜI TRÍ NĂNG BÌNH THƯỜNG

Phương pháp Thiền định

(i) Lời khuyên tham thiền về vô niệm. Khi có những sóng mạnh trong nước thì không có những phản chiếu, dù nước có tiềm năng phản chiếu. Cũng thế, tâm tự nhiên có những phẩm tính như thần thông, nhưng bởi vì tốc độ của những con sóng của tư tưởng lan man, những phẩm tính không biểu lộ. Thế nên quan trọng là tham thiền nhất tâm…. Nếu bạn tham thiền, bấy giờ những con sóng quấy nhiễu của những ý niệm sẽ biến mất và ánh sáng của ngọn đèn Tâm sáng ngời sẽ tự nhiên chiếu rọi. Thế nên hãy tham thiền mà không quấy nhiễu nước tâm.

(ii) Những tư thế của thân và cách tham thiền. Người ta cần tham thiền trong ba trạng thái thoát khỏi những cực đoan….

(a) Để cho một thân thể bất động, có tư thế bảy điểm của thân : chân xếp tréo, tay trong cử chỉ tham thiền, xương sống thẳng, lưỡi chạm vòm miệng trên, thở chậm, mắt nhìn (ngang tầm) đầu mũi và cổ hơi cong.

(b) Để cho những khả năng giác quan bất động : mắt không chuyển động và không làm ngừng những khả năng giác quan của tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm. Dầu gặp sắc, thanh, hương, vị, xúc và tư tưởng nào, chớ đóng chặt cửa cũng không theo nó. Nếu những khả năng giác quan này bị đóng chặn, bấy giờ ngũ nhãn, như thiên nhãn và lục thông của tâm, chúng là những công đức của phương diện đã thanh tịnh của những khả năng giác quan, sẽ không đạt được. Nếu chạy theo những tư tưởng, chuỗi xích liên tục của những tư tưởng sẽ không ngừng và người ta vẫn không khác gì một người bình thường. Bởi thế, người ta tham thiền trong cái hồ bất động của những khả năng giác quan với sự khởi lên không ngừng của nhiều đối tượng xuất hiện, như những phản chiếu của những ngôi sao. Nếu những đối tượng khác nhau không bị những tư tưởng nắm bắt, bấy giờ những đối tượng xuất hiện không chỉ không làm hại sự tham thiền, mà những phẩm tính của chúng sẽ sinh khởi. Đó gọi là “trí huệ bổn nguyên vô niệm”, vì những hình sắc xuất hiện nhưng không có những ý niệm. Nếu không có sự xuất hiện của những hình sắc, bấy giờ không có trí năng để thấy chúng, và bấy giờ không có vấn đề có tư tưởng hay không có tư tưởng, và cũng không có “trí huệ bổn nguyên vô niệm”. Bởi thế, khi những đối tượng xuất hiện với những giác quan, bằng cách ở trong vô niệm, vị thầy (Lama) đã có trí huệ phân biệt sẽ trực tiếp đạt được sự dứt diệt những tư tưởng đến và đi, và điều này được gọi là “sự dứt diệt của hơi thở.” Dù cho hơi thở qua miệng và mũi có tiếp tục, những tư tưởng sẽ không dao động. Sự chấm dứt việc ý niệm hóa được xem là cái chết của những tư tưởng. Khi không có việc ý niệm hóa, không cần thiền định như là một đối trị của nó và không cần trí huệ, tức là thiền giả nữ của sự tự do thoát khỏi những ý niệm hóa, nó là cái đối trị của việc ý niệm hóa….

Khi người ta hoàn thiện điểm cốt yếu này (của việc dừng dứt hơi thở), đó gọi là (trạng thái của) sáu thức tự nhiên hay không tạo tác. Bởi vì những đối tượng xuất hiện với những giác quan, mà những giác quan không tạo ra ý niệm về những đối tượng, và dù cho “những giác quan rơi vào trong những đối tượng” hay những đối tượng trở nên trong sáng (trong những giác quan), thì không chỉ những giác quan không làm hại tham thiền, cái nhìn thấy sáng suốt, mà chúng còn giúp tham thiền tiến bộ….

(c) Để cho một tâm bất động : sự tham thiền trong sự tự do với những cực đoan xảy ra tự nhiên khi thân thể và những khả năng giác quan bất động. Nó là sự tham thiền không chuyển động khỏi trạng thái tâm trong trẻo và sáng ngời thoát khỏi mọi phóng chiếu và thu hồi….

Vào lúc đó, nếu bạn bị phóng dật vì những ý niệm về những đối tượng bên ngoài có chất thể xuất hiện và về những cái không chất thể của tâm bên trong, bấy giờ mọi sự ràng buộc được tạo ra làm che ám Phật tánh, Tâm vốn tròn đủ. Thế nên người ta phải không có sự nắm bắt và luyến bám dù nhỏ nhất vào sanh tử và niết bàn như là xấu hay tốt, và thậm chí vào sự tham thiền. Như thế, không có những ý niệm về chất thể hay không chất thể, không có những tư tưởng về bất cứ sự vật nào khác. Vào lúc đó, tất cả những chuyển động của tư tưởng tan biến vào Tâm, cái nền tảng. Bấy giờ khi tâm trở nên bất biến và vững chắc, người ta đạt giải thoát khỏi sinh tử và sẽ không có luyến chấp vào ta và người và sự nắm bắt nhị nguyên. Đó là sự đạt được Thân Tối Hậu (Pháp thân) tuyệt hảo, siêu vượt khỏi những tạo tác, ý niệm và diễn tả.

(iii) Cách khai triển những đức hạnh. Khi tham thiền (theo cách như vậy), mọi sự ý niệm hóa sẽ được giải thoát…. Bấy giờ vì những ý niệm được thăng hoa vào bản tánh tối hậu và mọi tư tưởng được tan biến vào cảnh giới tối hậu, Đại Toàn Thiện quang minh hiển lộ ra, nó là sự chứng ngộ một vị như là Pháp thân, siêu vượt mọi dấu hiệu, ý nghĩa của lạc, sáng tỏ và vô niệm cùng với những kinh nghiệm về chúng.

(iv) Chứng ngộ bản tánh tối hậu. Vào lúc trí huệ bổn nguyên vốn sẵn khởi hiện trong tâm thiền giả, ….nó thấy một cách toàn triệt tánh không thể phân chia của tánh Không và những hình tướng như tám ví dụ về huyễn, và bản tánh tối hậu của mọi hiện tượng, tức là bản tánh vô sanh…. Tâm hiển lộ như trò chơi phô diễn của tính bất nhị của sanh tử và niết bàn, trí huệ bổn nguyên siêu việt có và không, và sự bất biến của Sáng Tỏ…. Vào lúc đó, trí huệ bổn nguyên thì bất nhị với những đối tượng được biết và trí năng hiểu biết khởi hiện trong trạng thái bình đẳng nhất như.

(v) Nó là nguyên nhân trực tiếp của trí huệ bổn nguyên của những bậc cao cả. Sau tiến bộ vô biên trong những kinh nghiệm về trí huệ bổn nguyên của sự không ý niệm hóa, như là kết quả của những hành động, những chứng đắc cao như Con Đường Quán Thấy (Kiến Đạo vị) sẽ tự nhiên thành tựu.

Phương Pháp Tham Thiền

(i) Tham thiền trong sự không dao động và không ý niệm hóa. Trong Tâm như hư không, bằng cách để cho những tư tưởng của những biến cố tâm thức ở yên tự nhiên, chúng tan biến như mây biến mất (trong bầu trời). Người ta cần tham thiền trong trạng thái của cái thấy này, bản tánh của bầu trời, mà không dao động.

(ii) Tham thiền trong sự trong trẻo và sáng tỏ không có những ô nhiễm. Hãy tham thiền với sự sáng tỏ trong trạng thái không bị làm bẩn bởi những ý niệm về người nắm bắt và cái được nắm bắt và trong sự sáng tỏ không hôn trầm và trong an tĩnh không trạo cử, như một đại dương bình an, nó trụ trong chính nó.

(iii) Tham thiền không thiên chấp, như hư không. Hãy tham thiền trong trạng thái của Tâm, nó là tánh Không xưa nay như hư không, không có những phóng chiếu và thu hồi của những tư tưởng.

(iv) Tham thiền một cách tự nhiên và không gắng sức. Hãy tham thiền về tâm trong trạng thái không biến đổi như núi Tu Di, không có ý niệm ngăn chận hay bảo vệ và mong cầu hay nghi ngờ nào.

(v) Tham thiền về những đối tượng của những xuất hiện không dứt. Trong trạng thái thanh tịnh và sáng tỏ của tâm, hãy tham thiền về những đối tượng của những hình tướng xuất hiện trước các giác quan, sống động mà không có những ý niệm nắm bắt hay dao động.

(vi) Tham thiền trong sự sáng tỏ và thanh tịnh vốn giải thoát. Hãy tham thiền trong sự sáng tỏ và thanh tịnh sống động mà không hôn trầm hay trạo cử…. Tham thiền như thế, người ta sẽ chứng ngộ những hình tướng là tánh Không, như những ánh sáng cầu vồng.

(vii) Tham thiền nhất tâm như một người bắn cung. Hãy tham thiền về tâm trong trạng thái của bản tánh tối hậu, trần truồng và thẳng tắp, không dao động, như nhắm thẳng một mũi tên.

(viii) Tham thiền trong sự không gắng sức và tự nhiên. (Trước tiên) có sự thâm tín Pháp thân thường trụ nơi địa vị của nó bằng cách tham thiền tâm một cách tự nhiên, sau đó hãy tham thiền bằng cách buông xả trong trạng thái tự do khỏi những mong cầu và nghi ngờ…. Không cần sự gom tụ rất sống động, mà buông xả ba cửa tự nhiên và đơn giản an trụ, không có lang thang. Dầu cho (tâm) phóng dật tự do, nhưng bởi vì nó đã rơi vào trạng thái bình thường, hãy tham thiền một cách tự nhiên trong tâm bình thường (Tha-Mal-Gyi Shes-Pa) mà không dao động.

(ix) Kết luận về tám cách tham thiền. (Trong những cách tham thiền trên) không có cái được nắm bắt và người nắm bắt, thế nên chúng là những tham thiền thanh tịnh một cách tự nhiên. Chúng là sự hợp nhất giữa an định và quán chiếu, định và huệ. Dù cho có nói rằng phương diện an trụ trong “cái đang là” của chúng là an định và phương diện sáng tỏ của chúng là quán chiếu, (thực sự) chúng không phân chia, và được gọi là hợp nhất. Ở điểm này, không có những phân biệt về phương diện nào, ý niệm về an định lắng mất và quán chiếu cũng không còn được quan niệm như quán chiếu. Đó là sự hợp nhất bất phân và vốn sẵn đủ.

Sự Tiến Bộ Trên Con Đường trong Bảy Phương Diện

(i) Đường lối thấy (cái) không thể diễn tả nhờ tám tham thiền. Sự giải thích về tiến bộ trên con đường qua bốn cấp độ của trí huệ bổn nguyên như là kết quả của tham thiền…. Đã làm yên lặng những thâm nhập của trí thức vào trạng thái của Tâm vốn siêu vượt khỏi những tư tưởng và diễn tả, sự hiện khởi trong lần đầu trí huệ bổn nguyên trong sáng, chiếu rạng và không biến đổi là (1) “trí huệ bổn nguyên biểu lộ” (Con đường của những Tích Tập). Nó là sự hoàn thiện của trí huệ bổn nguyên quang minh.

(ii) Những dấu hiệu đạt đến con đường giải thoát. Đã chứng biết, (1) “trí huệ bổn nguyên quang minh biểu lộ”, người ta nhận biết Tâm, trí huệ vốn sẵn đủ. Do đã đi vào con đường giải thoát, hạt giống giác ngộ đã được gieo (trong chính mình)…. Khi một người nhận ra Tâm, “trí huệ bổn nguyên quang minh nền tảng” (A’od-gSal gZhi’i Ye-Shes), những tư tưởng ngoại sanh tức thời được giải thoát và ánh sáng rực rỡ con và mẹ được kết hợp. Bởi vì mọi hoạt động đã trở thành thuần chỉ đức hạnh, nó thoát khỏi bám chấp vào những hiện tượng, năm đối tượng bên ngoài và sự hồi ức bên trong và ý thức phủ định và xác định. Qua trạng thái của tâm tự sáng và trống không, nó hưởng thụ những đức hạnh của lòng bi khai triển đến tất cả chúng sanh không phân biệt xa gần và cỡ loại. Nó cũng gây cảm hứng cho những người khác (dấn thân vào những hoạt động) công đức. Nó từ bỏ xao lãng phóng dật và tiêu khiển, hưởng thụ cô đơn trong rừng núi. Dù trong những giấc mộng, chỉ có những tư tưởng thanh tịnh và đức hạnh. Bởi vì thân, khẩu, tâm đã được tu hành cao, nó khai triển những phẩm tính của “Con đường Tích Tập” và thấy nhiều thị kiến ánh sáng trong thất thiền.

(iii) Trí huệ bổn nguyên của tiến bộ. Khi người ta đã tiến bộ lớn lao trong những kinh nghiệm nhờ sự thiền định ở trước, và những che ám với tâm sáng tỏ và trống không đã được giảm trừ, bấy giờ trí huệ, tham thiền và những kinh nghiệm trở nên mãnh liệt. Những hình tướng bên ngoài sẽ tự nhiên được thấy như mộng, như huyễn. Sự chứng nghiệm (thấy) những hiện tượng khác nhau đều có cùng một vị sẽ khởi lên và an trụ trong trạng thái như hư không. Đó là (2) “trí huệ bổn nguyên của tiến bộ” (Con đường của Áp dụng).

(iv) Những dấu hiệu đạt đến hơi nóng (nỗn địa). (Vào lúc đó), khi sự chứng nghiệm thành trong trắng phi thường, người ta đạt được những dấu hiệu mềm dẻo phi thường của thân và tâm. Trụ suốt ngày và đêm trong tham thiền hợp nhất phi thường, người ta không thể lìa khỏi nó. Vì lòng bi người ta hành động cho lợi lạc của chúng sanh và khai triển sự chán sợ đặc biệt và sự ngoi lên quyết liệt khỏi sanh tử. Thậm chí trong giấc mộng, người ta thấy những hiện tượng là mộng và huyễn…. Sẽ không còn sâu trùng hay sán lãi và trứng của chúng trong thân. Những cái này là những đạt được những dấu hiệu của “Con đường Áp dụng” và người ta sớm đến “Con đường Thấy.”

(v) Trí huệ bổn nguyên cao cả được chứng ngộ. Trước hết đã thấy Tâm, trí huệ bổn nguyên quang minh và bất nhiễm, người ta đạt được cái gọi là (3) “trí huệ bổn nguyên được chứng ngộ”. (Vào lúc đó,) khí trăm cánh hoa ở trong luân xa trái tim sẽ được tịnh hóa. Trí huệ của tinh túy trong sáng trở nên sáng rỡ cao độ, và bằng cách cũng làm tỏa sáng những luân xa khác, 1200 khí và tâm đức hạnh sẽ được làm vững chắc và 1200 khí phiền não sẽ dừng dứt. Bấy giờ (như một kết quả) theo những tantra, những tịnh độ vốn hiện diện xuất hiện trong tinh túy bên trong (Nang Gi Khams) (của người ta). Theo kinh, những tịnh độ bên ngoài, như khuôn mặt của hàng trăm vị Phật xuất hiện (trước nó). Người ta sẽ thành tựu một số lượng rất nhiều loại nhãn và các thông thanh tịnh và không che ám hơn là các nhãn và các thông của người bình thường đầy che ám và giới hạn. Người ta đã giải thoát khỏi những nhiễm ô phiền não của vọng tưởng, “những đối tượng cần đoạn trừ của Con đường Thấy”, và đã thể hiện trí huệ bổn nguyên, cái nhìn thấy (thị kiến) quang minh.

(vi) Bằng cách tu hành theo cái đã chứng ngộ, trí huệ bổn nguyên hiện khởi. Tu hành theo cái đã được thấy (trong con đường thấy) là “con đường thiền định”. Người ta đạt được những trình tự thấp, trung và cao của con đường này, và trong mỗi giai đoạn người ta thành tựu những đức hạnh đã nói ở trước lên gấp nhiều lần và hành động cho lợi lạc của chúng sanh. Từ sự chứng đắc giai đoạn thứ nhất (sơ địa) qua đến giai đoạn thứ bảy (thất địa), sẽ còn những ý niệm trong những lúc ngoài thiền định và những khác biệt giữa thiền định và ngoài thiền định. Trong ba giai đoạn thanh tịnh (địa thứ tám đến thứ mười), vì không có những tư tưởng trực tiếp (mNgon-Gyur), lúc đó có sự hợp nhất (của thiền định và ngoài thiền định), và ở đây mọi sự là một vị trong trí huệ bổn nguyên tối sơ.

(vii) Hoàn thiện trọn vẹn, sự thành tựu con đường cao cả. Trí huệ bổn nguyên của “con đường thiền định” được gọi là “trí huệ bổn nguyên được chứng ngộ trọn vẹn”. Đã thiền định về tám con đường cao cả, người ta đã tịnh hóa những nhiễm ô của chín giai đoạn (của con đường thiền định). Tổng quát, những đức hạnh của con đường và những giai đoạn (địa) xuất hiện bằng cách dựa trên những kinh mạch, khí và tinh chất (hạt). Những tích tập công đức và trí huệ bổn nguyên được phát sanh qua những hoàn thiện (về những kinh mạch, khí và tinh chất) và qua những nỗ lực tu hành hoàn thiện chúng.

(Con Đường Cho) Người Trí Năng Kém

(i) Những giai đoạn của thiền định

(a) AN ĐỊNH (Zhi-gNas)

(1) THUẦN HÓA NHỮNG TƯ TƯỞNG

Trước hết vấn đề là làm sao tìm thấy sự an định…. Người ta cần tham thiền ở một nơi không có những gai góc (quấy nhiễu) cho tham thiền, như mối nguy hiểm từ con người, những tiêu khiển và tiếng ồn, một nơi tâm tự nhiên có thể buông xả. Hãy ngồi trên một chỗ ngồi tiện nghi trong tư thế tréo chân, bàn tay phủ lên đầu gối và quán tưởng ba kinh mạch. Khi thở ra, nghĩ rằng người ta thở ra qua kinh mạch Roma màu trắng bên phải và rồi qua lỗ mũi phải, và tất cả bệnh tật, chướng ngại và che ám bất thiện được tẩy sạch như khói qua một ống khói lò sưởi. Khi thở vào, nghĩ rằng những thu hút chư Phật trong hình thức ánh sáng đi vào qua lỗ mũi trái, kinh mạch Kyangma màu đỏ bên trái và rồi đi vào kinh mạch trung ương. Trong một chốc, giữ hơi thở ngay dưới rốn (bằng cách ép hơi thở một chút) vừa cả đi xuống và đi lên. Rồi chầm chậm thở ra như trước, nhưng giữ lại một ít. Trong ba tháng mùa xuân, không khí là không khí thuộc đất, và đó là thời gian đờm dãi phát triển. Thế nên, như đối trị của nó, người ta cần quán tưởng nó là không khí của không khí có màu lục. Ba tháng hè, để xua tan hơi nóng của lửa, hãy quán tưởng nó là không khí của nước màu trắng. Ba tháng mùa thu, để loại trừ những chuyển động của mật, hãy quán tưởng nó là không khí của đất có màu vàng. Trong ba tháng mùa đông, như đối trị cái lạnh của nước, hãy quán tưởng nó là không khí-lửa có màu đỏ. Về hình thể của không khí, hãy quán tưởng tinh túy của tâm và khí trong hình cái cung, tam giác, vòng tròn, hình vuông trong trái tim. (Quán tưởng chúng) như có cùng cảm nhận. Về số hơi thở, đếm lên đến bảy chu kỳ trong tâm. Một người mới học cần quán tưởng khí trong hình thể hình vuông v.v…. và khi nó phát ra qua hai lỗ mũi, nó dần dần lớn cho đến mức trở thành kích cỡ của ba ngàn thế giới…. Người ta cần tham thiền về nó với một tâm không dao động. Khi những đại bị đầy nghẽn, cần vượt qua bằng cách nói mạnh một chữ Ha ! mà không giữ hơi thở nào. Khi phúc lạc và sùng mộ v.v…. khởi lên, người ta nên giữ hơi thở (một chốc lát). Bằng cách thực hành hơi thở trong vài ngày đêm, sự an định của tâm trong sáng và rạng rỡ không có ý niệm sẽ hiện khởi. Vào lúc đó, vì không có không khí thô và những tư tưởng, mặt trăng trắng và mặt trời đỏ, tinh chất của hai kinh mạch Roma và Kyangma, sẽ trở nên vững chắc ổn định. Trong đó sẽ không có ngay cả một chuyển động vi tế của không khí, bởi vì người ta ở yên trong trạng thái không tư tưởng (vô niệm) trong kinh mạch trung ương và nhờ đó chứng ngộ trí huệ bổn nguyên vốn sẵn.

(2) TẬP TRUNG NHẤT TÂM

Sau khi thải bỏ những tư tưởng thô, ….người ta cần tu hành bốn trạng thái vô biên của tâm (bốn vô lượng tâm) và hai tâm của giác ngộ (Bồ đề tâm), chúng là những nguyện vọng và thực hành. Bồ tát hạnh nói : “Đã làm an những tư tưởng, hãy thiền định về Bồ đề tâm.” Hoặc tập trung vào giai đoạn phát triển hay vào (những đối tượng như) những khối và hình vẽ những thần bổn tôn. Kinh Samadhiraja nói : “Trên màu của vàng của hình ảnh trang nghiêm thế giới, bất cứ ai tập chú tâm mình đều là một Bồ tát đang tham thiền.” Nói tóm, một người chưa kinh nghiệm thiền định “vô niệm” cần tham thiền về bất cứ đối tượng đức hạnh nào mà không dao động, lạc vào những đối tượng khác.

(3) SỰ NHẬP ĐỊNH THẬT SỰ CỦA AN ĐỊNH

Khi không có những phóng chiếu của tư tưởng người ta không bỏ sự tham thiền tập trung vào đối tượng, tâm và thân thoải mái, ngữ giảm thiểu, lời nói trở nên dịu dàng và vẻ mặt trở nên ấm áp tráng lệ ; bấy giờ người ta đã hoàn thành an định nhất tâm.

(b) QUÁN CHIẾU (Lhag-mThong)

(1) CÁCH TU HÀNH QUÁN CHIẾU

Hãy thiền định về (những hiện tượng là) không hiện hữu từ cội nguồn của chúng mà xuất hiện như tám thí dụ như huyễn…. Trong thật nghĩa của chúng, mọi sự, thế giới và chúng sanh, đều là những tri giác bất tịnh của tâm mê lầm và Tam Bảo, là những tri giác thanh tịnh, đều không hiện hữu như một giấc mộng. Nhưng trong tâm mê lầm chúng xuất hiện bởi vì sự tích tập những thói quen tập khí. Mọi hình tướng có vẻ là thật, nhưng chúng là giả bởi vì chúng xuất hiện đối với những tri giác nhị nguyên…. Chư Phật xuất hiện với những tri giác mê lầm là giả bởi vì bản chất của những thân thể biểu lộ thì giống như những phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước và vì đó là những hình tướng (cho người thường) trong khi (bản thân chư Phật) không lìa khỏi Pháp thân và Báo thân. Tuy nhiên, bản tánh thanh tịnh của chư Phật thường trụ trong cảnh giới chân thật tuyệt đối thì không giả. Bởi vì những tư tưởng sai lầm, có vẻ như người ta lang thang trong sanh tử đời này sang đời khác và kinh nghiệm sướng khổ liên tiếp. Nhưng ngay vào khoảnh khắc (lang thang đó), theo cái thấy trạng thái vô sanh của Tâm, thì không có phân biệt giữa lang thang hay không lang thang trong sanh tử. Những hình tướng như mộng của mê lầm là không hiện hữu, vô tự tánh ngay lúc vừa xuất hiện suốt giấc ngủ của những tập khí huyễn ảo….

Tóm tắt, những hiện tượng hình tướng và sự gán tên là không hiện hữu mà chỉ xuất hiện giống như tám ví dụ như huyễn. Người ta cần tham thiền về điều này với sự sáng tỏ mà không tìm cách nắm bắt chúng.

(2) CÁCH LÀM KHỞI LÊN QUÁN CHIẾU

Đó là thiền định (thấy tất cả) như hư không mà không có bất cứ sự ý niệm hóa nào dù là ý niệm tri giác những sự vật là như huyễn…. Thậm chí (cái thấy rằng) “xuất hiện nhưng không có thật” bản thân nó chỉ là một khẳng định. Trong thật nghĩa, bản tánh không phải là một đối tượng cho sự ý niệm hóa để nói là có hay không. Thế nên người ta cần tham thiền về nghĩa này. Do thực hành này, ý tưởng thấy những hiện tượng bên ngoài là thật hay không thật, như huyễn cũng ngừng dứt. Như vậy, khi người ta chứng ngộ sự không thể ý niệm hóa của những đối tượng nắm bắt, bởi vì ý tưởng về cái được nắm bắt không có, sự bám chấp cũng không có, từ đó người ta chứng ngộ sự không hiện hữu của người nắm bắt. Hãy tham thiền về sự chứng ngộ bản tánh vô tự tánh của tất cả mọi sự và bản tánh siêu việt khỏi mọi ý niệm.

(ii) Phân tích tham thiền

(a) PHÂN TÍCH TÂM

Trong tâm, khi chuỗi dây những tư tưởng thích và không thích, đúng và sai, sướng và khổ khởi sanh, người ta cần cố gắng khảo sát nó mà không dao động dù chỉ một khoảnh khắc : lúc khởi đầu những tư tưởng đến từ đâu, hiện giờ chúng ở đâu, và cuối cùng chúng đi đâu, màu sắc, hình dáng và những đặc tính của chúng là gì ?

(b) CÁCH NHÌN THẤY BẢN TÁNH

Tri giác về sự hiện hữu của tâm chính là một nhiễm ô do những tư tưởng. Bởi vì trong thật nghĩa của nó, tâm không có hiện hữu, tâm không có nguyên nhân nào để sanh khởi. Thế nên nó trống không nguyên nhân sanh khởi. Không có cái gì hiện hữu bởi vì không có cái gì đã từng sanh ra. Thế nên sự hiện hữu của tâm là trống không mọi thực thể. Vì tâm không hiện diện, không có cái gì diệt mất. Thế nên sự diệt mất trống không mọi đặc tính. Tâm không có màu sắc, hình dáng và không có cái gì để chỉ ra hay tìm thấy, dù cho khảo sát và tìm kiếm nó khắp bên ngoài, bên trong hay ở giữa. Sự không tìm thấy này giống như hư không, trong sáng, bình đẳng, thoát khỏi chỉ định và phân tích, và không dính dáng gì đến chủ thể tác động và cái được tác động. Đó là cái thấy bản tánh của Thân Tối Hậu (Pháp thân).

(c) THAM THIÊN TRONG TRẠNG THÁI BUÔNG XẢ

Như yên nghỉ sau khi kiệt sức vì vác nặng, bằng cách buông bỏ những kinh nghiệm quá khứ về phân tích thô và tế, người ta ở trong trạng thái hoàn toàn thong dong, như đạt đến đích hay nghỉ ngơi tại chỗ khi hoàn toàn kiệt sức. Theo truyền thống này, hãy tham thiền bằng cách ở yên trong thong dong toàn diện qua buông xả, trong trạng thái mọi hình tướng bày hiện rõ ràng, trọn vẹn và toàn hảo, thoát khỏi mọi trí nhớ hay tư tưởng và sự không dứt của ánh sáng tự nhiên (mDangs) của tánh giác và phúc lạc…. Nói chung, thật là tự nhiên nếu bạn thiền định và tập trung nhất tâm mà tâm vẫn phóng chiếu. Nếu bạn buông thả cho tâm thong dong, nghĩ rằng, “Hãy đi nơi nào mày muốn đi”, nó sẽ ở yên như nó vẫn là, giống như một con lạc đà…. Khi bạn để cho tâm đi, nói rằng, “Chớ có trở về dù một chút”, dù nếu nó có vẻ đã ra đi, nó sẽ trở về bên trong và an trụ như tánh Không tự-an trụ. Nó cũng giống như một con quạ trên chiếc tàu giữa biển khơi…. Khi tâm phóng chiếu đến những đối tượng như các hình sắc, bởi vì những đối tượng là không thực, tâm sẽ không tiếp tục nương dựa vào chúng dù chỉ một chốc lát. Tâm sẽ trở về lại và trụ trong tánh Không thoát khỏi những ràng buộc của phân tích. Ví dụ, một con quạ bay đi từ một chiếc tàu giữa biển sẽ không đậu xuống chỗ nào khác được và sẽ trở lại chiếc tàu.

(d) CÁCH KHỞI SANH CHỨNG NGỘ

Bằng cách có được kinh nghiệm trong ý nghĩa của sự không tìm thấy tư tưởng luyến bám vào cái “tôi” và “bản ngã” khi truy cứu, người ta chứng ngộ sự vô ngã của người nắm bắt và do đó chứng ngộ sự không hiện hữu của người nắm bắt (chủ thể). Người ta đã chứng ngộ (trong những bài học ở trước) sự không hiện hữu của “bản ngã của những hiện tượng”, bởi vì cái được nắm bắt thì vô tự tánh. Sau khi chứng ngộ hai cái không có bản ngã (vô ngã và vô pháp), những đối tượng trong đó người ta nhận lấy sự tái sanh trong sanh tử và chủ thể để tái sanh cả hai được xác định là không hiện hữu. Sự giải thoát của sanh tử như là không hiện hữu trong thật tánh là sự đạt được cái thấy niết bàn, bởi vì sanh tử không là gì khác hơn tâm…. Nếu người ta thấu hiểu như thế, dù cho người ta không thể đạt giải thoát trong đời này, chắc chắn người ta sẽ được giải thoát trong đời tới…. Nó giống như “định nghiệp”, nghĩa là nếu người ta phạm vào một tội ác trầm trọng hay một hành động đức hạnh, người ta sẽ không thể không kinh nghiệm những hậu quả của nó trong đời tới.

(e) ĐẠT ĐƯỢC VỮNG CHẮC (TRONG AN ĐỊNH VÀ QUÁN CHIẾU)

Khi sự phản chiếu của mặt trăng xuất hiện trong một cái ao, nước và sự phản chiếu không thể tách rời. Cũng thế, khi (những sự vật) xuất hiện (trước tâm) và khi chúng được tâm nắm hiểu, tâm không tách lìa với những hình tướng. Cần hiểu rằng những sự xuất hiện (trước tâm) là (những hiện tượng) được nắm hiểu và không phải là những đối tượng thực sự xuất hiện. Đối tượng của những xuất hiện hình tướng và tánh Không của nó thì không thể tách rời như phản chiếu của mặt trăng và nước.

(f) HỌC NGHĨA BẤT NHỊ NHƯ THẾ NÀO

Do nắm lấy đối tượng không hiện hữu như là bản ngã, người ta tự làm mê lầm mình vào trong sanh tử, như khi tri giác nước trong một giấc mộng thấy là đáng sợ, cái sợ còn trầm trọng thêm. Những sáng tạo thuộc về những thói quen đã kiên cố của những tri giác sai lầm là không chỗ kiến lập (không gì khác hơn là những mê vọng). Nền tảng để khởi sanh những mê vọng, cái tâm, thì vốn thanh tịnh và vô tự tánh. Thế nên nó không bao giờ bị ô nhiễm bởi những cấu uế…. Người ta cần tham thiền trong trí huệ bổn nguyên vô nhiễm như hư không, cái cốt lõi không nhiễm ô bởi những cực đoan và cái tinh túy thoát khỏi những sự ý niệm hóa, mà không có sự tìm tòi nào bằng khảo sát hay phân tích. Nếu bạn tìm kiếm, Tâm sẽ bị ô nhiễm và do đó những tư tưởng thế gian sẽ tăng trưởng. Nếu bạn để yên một con rắn độc trong một cái lồng, nó sẽ không làm hại ai, nhưng nếu bạn quấy phá nó, nó sẽ cắn. Cũng thế, tâm (tự nó) là thoát khỏi những gắng sức, nhận và bỏ.

(g) CÁCH CHỨNG NGỘ TRUNG ĐẠO, THOÁT KHỎI NHỮNG BIÊN KIẾN

Bởi thế người ta làm bình lặng những nhiễm ô của phiền não, và qua sự trầm mình không có ý niệm hóa vào trí huệ bổn nguyên, nó vốn thoát khỏi nhị nguyên của cái được nắm bắt và người nắm bắt, người ta thành tựu những nhãn và những thông…., những công đức của chứng ngộ và giải thoát.

(h) GIẢI THOÁT KHỎI SỰ THIỀN ĐỊNH VÀ NGƯỜI THIỀN ĐỊNH LÀ CHỨNG NGỘ CỦA PHẬT

Khi một người đang ở trong tham thiền, dù đối tượng có xuất hiện, không có gì cả trong tâm nó mà chỉ an trụ trong (tánh) như hư không vắng bặt mọi phóng chiếu và thu hồi. Thế nên với nó không có ý niệm về người nắm bắt. Đó là trí huệ bổn nguyên bất nhị, bởi vì ý niệm về nhị nguyên không có chỗ dùng, và đó chính là giải thoát khỏi người tạo ra và sự tạo ra bởi vì vắng bặt trò nhị nguyên của người thiền định và sự thiền định. Vào lúc đó, người ta đạt đến cảnh giới bổn nguyên tự nhiên bằng cách làm tan biến tâm và những biến cố của tâm thức vào trong cảnh giới thực tại tối hậu, và người ta trụ trong sự chứng ngộ Tâm, tức là Phật tuyệt đối, sự tự-hiện diện của Pháp thân…. Vào lúc đó, tâm và những biến cố tâm thức tan biến trong tánh thanh tịnh tự nhiên của Tâm, như muối hòa tan trong nước, và không có những tư tưởng chập chờn như đom đóm nữa.

(i) CÁCH CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH TỐI HẬU

Bằng cách thấu suốt năm đối tượng được nắm bắt bên ngoài như là những phản chiếu của mặt trăng (trong nước) và là một ảo ảnh, sẽ không có chút khuynh hướng nhỏ nào bám níu do những ý niệm bám nắm vào (những đối tượng như là) thật có. Bằng cách thấu suốt những giác quan nắm bắt bên trong là không có phần tử như hư không, người nắm bắt chúng là trống không trong thực thể của nó. Cảm giác tự nhiên, vắng dứt người nắm bắt và cái được nắm bắt, và tự do khỏi những phóng chiếu và thu hồi là trí huệ ba la mật như cam lồ. Nó là tánh sáng ngời tự nhiên, sâu thẳm, an bình, tự do và là trí huệ bổn nguyên tự-phân biệt…. Nó là sự hoàn thiện của trí huệ trong đó không có sanh tử ở đây, niết bàn ở kia, hay con đường tu hành ở giữa.

(j) CÁCH LÀM VIÊN MÃN CÁI THẤY

Ở trong trạng thái chứng ngộ nghĩa của cái thấy vĩ đại bao la như một con tàu, người ta vượt qua đại dương ý niệm hóa của sanh tử, và rồi không có ý niệm nào, người ta hợp nhất trí năng của mình với cái nền tảng vốn thoát khỏi mọi sự ý niệm hóa. Bởi vì cảnh giới tối hậu và trí huệ vốn không thể chia cách, cái thấy được gọi là trạng thái của Đại Toàn Thiện, và thế nên nó được gọi là sự hoàn thiện của Đại Toàn Thiện. Đó là sự hiển lộ của chứng ngộ cái toàn thiện của nghĩa tự hữu và vô sanh.

(k) SỰ NHẬN BIẾT AN ĐỊNH VÀ QUÁN CHIẾU TOÀN HẢO

Khi người ta tham thiền như vậy, tâm tự nhiên an trụ mà không có những phóng chiếu và thu hồi. Phương diện vô niệm và trống không do an trụ (trong tham thiền) là sự an định. Nó là sự hoàn thành của tích tập trí huệ bổn nguyên và là giai đoạn hoàn thiện của trí huệ, nguyên nhân của Pháp thân. Phương diện những hình tướng xuất hiện do sự sáng tỏ là quán chiếu. Nó là sự hoàn thành của tích tập công đức và là giai đoạn phát triển của phương diện thiện xảo, nguyên nhân của Sắc thân. Vào lúc đó người ta thành tựu sáu ba la mật tuyệt đối, sự tự do đối với ý niệm hóa…. Tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục,…. là sự nhẫn chịu trong chúng và nó không phải là sự hoàn thiện dần dần hay vượt lên chúng. Khi Bồ tát siêu vượt chúng, nó trở thành sự hoàn thiện của chúng. Vào lúc đó, người ta hoàn thiện giới luật tuyệt đối. Trong kinh Arya-susthitamatidevaputra-pariprccha-nama-mahayana có nói : “Trong người nào không có ý niệm về giới cũng như những dấu vết nhiễm ô của giới, đó là sự hoàn thiện của giới.”

(l) CHỨC NĂNG CỦA AN ĐINH VÀ QUÁN CHIẾU

Đạt được kinh nghiệm trong quán chiếu đã chứng ngộ ở trước tùy thuộc vào an định. Thế nên chắc chắn người ta cần những nỗ lực để thành tựu sự hợp nhất (của an định và quán chiếu).

(m) THỜI GIAN CHỨNG NGỘ VÔ NIỆM SAU KHI CÓ ĐƯỢC
KINH NGHIỆM

Khi thực hành về nghĩa toàn thiện, chứng ngộ rằng những chủ thể và những đối tượng và những chất thể và những không chất thể đều không có tự tánh là quán chiếu, nó đến trước tiên. An trụ trong trạng thái chứng ngộ ấy mà không có sự sanh khởi của những hình sắc trong tâm trí là an định, nó đến sau. Khi cõi giới và trí huệ bổn nguyên trở thành không thể chia tách, sự không thể chia tách của chúng phải được biết như là sự đạt đến kết quả của hợp nhất.

(iii)Đã được kinh nghiệm, cách hoàn thiện sự tham thiền

(a) NHỮNG ĐỨC HẠNH CỦA THAM THIỀN

Trong tâm, những đức hạnh hiện diện một cách bổn nguyên, vốn có, nhưng khi tâm bị che phủ bởi những che ám thì những đức hạnh không biểu lộ. Bằng cách thiền định về an định và quán chiếu, người ta tịnh hóa một số che ám (như những ý niệm ngoại sanh) và thành tựu những chứng đắc phần hạn. Khi những ý niệm tâm thức tan vào cõi giới tối hậu, ….bởi vì đã tịnh hóa những ý niệm tâm thức, với thời gian người ta hoàn thành nhiều đức hạnh, như những định.

(b) CHÍN ĐỊNH

Chín định là tâm của sự ngừng dứt, bốn cấp độ định (của sắc giới) và bốn cấp độ của vô sắc giới. Chúng là chín tham thiền, những hoàn thiện của chín định….

Tâm nhất tâm với trí huệ của lạc, sáng tỏ và vô niệm được thành tựu trong đời của những chúng sanh dục giới, như con người, nhờ sự tu hành an định và quán chiếu, như đã giải thích ở trước. Nó được thành tựu nhờ cuộc đời làm người quý báu, bởi thế nó liên hệ với con người…. Tâm của bốn định của những cõi sắc : (1) Định thứ nhất : Khi người ta thực hành tham thiền nhất tâm, cái sơ bộ là khả năng tham thiền. Nó sẽ bắt đầu với tư tưởng (thô) rằng tôi nên tham thiền, và qua áp dụng sự gom tụ những tư tưởng phân tích vi tế để tham thiền trong trạng thái vô niệm, trí huệ thoát khỏi những ý niệm, thiền định thực sự được khởi sanh. Trong thời gian ngoài thiền định, người ta sẽ có vừa cả những tư tưởng (thô) và những tư tưởng phân tích (tế). (2) Định thứ hai : Qua những sơ bộ của cấp độ tâm thức định thứ nhất và bằng sự áp dụng không có những tư tưởng (vô niệm) thô mà chỉ có những tư tưởng phân tích tế, định thực sự của sáng tỏ và vô niệm sanh khởi. (3) Định thứ ba : Qua những sơ bộ của cấp độ tâm thức của định thứ hai và bằng sự áp dụng sự dứt bặt những tư tưởng thô và những tư tưởng phân tích tế, định phi thường thực sự của vô niệm khởi sanh trực tiếp. (4) Định thứ tư : Qua những sơ bộ của cấp độ tâm thức của định thứ ba và bằng áp dụng những tham thiền, định phi thường thực sự của hỷ và lạc sanh khởi. Trung Bát Nhã Ba la mật nói :

“Một cái định với những tư tưởng (thô) và phân tích (tế) là định thứ nhất. Với phân tích mà không có những tư tưởng là định thứ hai. Không có những tư tưởng lẫn phân tích là định thứ ba. Tâm hoan hỷ là định thứ tư.”

(c) NHỮNG ĐỊNH CỦA VÔ SẮC GIỚI

Nhờ tâm của bốn định sắc giới, những tâm phi thường của bốn cõi vô sắc được phát sanh. (1) Thứ nhất là trạng thái (thiền) vô biên như hư không. Nó là một ý niệm vững chắc rằng tất cả hiện tượng là thanh tịnh và không dơ nhiễm như hư không. (2) Trạng thái vô biên của thức. Nó ý niệm rằng ngay cả sự vô biên như hư không cũng chỉ là tâm và tâm thức đó là vô hạn, tự do từ vô thủy đến vô chung. (3) Trạng thái của không. Nó là cái ý niệm không quan sát thậm chí sự vô biên của thức, và (trong nó) không có gì được thấy bởi tâm. (4) Trạng thái đỉnh cao của hiện hữu. Nó ý niệm sự vượt khỏi cả hai cực đoan hiện hữu và không hiện hữu.

Trạng thái dứt diệt (diệt tận định) : Nó là sự dứt diệt của tất cả mọi thứ ý niệm hóa…. Có hai sự dứt diệt : Sự dứt diệt phân tích thuộc cá nhân (đạt được qua) những phân biệt và phân tích bởi tâm. Sự dứt diệt không phân tích (đạt được qua) tham thiền về bản tánh tối hậu mà không có những phân biện (của tâm thức). Trong trường hợp dứt diệt của những Bồ tát, các vị (vẫn) phụng sự chúng sanh qua (năng lực của) lòng bi….
Câu hỏi : (Nếu vị ấy có lòng bi,) bấy giờ làm sao vị ấy có thể thoát khỏi những ý niệm hóa ?
Trả lời : Không có những ý niệm hóa bởi vì vị ấy sở hữu lòng bi của trí huệ vô niệm.

(d) NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH CHÍN ĐỊNH

Bằng cách thiền định về những định sau chót, người ta phát lộ (năm) nhãn thiêng liêng và (sáu) thông mà nó chưa có. Nó sẽ thấy những giai đoạn khác nhau của những cõi Phật và những đức hạnh Phật khi tiến bộ trong những giai đoạn của con đường. Nó nhận được những chỉ dạy và hoàn thiện những tích tập của mình.

(e) THỜI GIAN ĐẠT ĐƯỢC BA THAM THIỀN

Mặt trời độc nhất được biết (qua nhiều tên như) “cái chiếu sáng” vì nó xua tan bóng tối, “cái ngàn ánh sáng” vì nó phóng chiếu những tia sáng, và “bạn của hoa sen” vì nó làm hoa sen nở. Cũng như vậy, sự tham thiền được biết có tên là “định như huyễn”, vì nó là tham thiền nhất tâm về sự chứng ngộ những hình tướng là huyễn, “định không ô nhiễm như mặt trăng”, vì nó xua tan bóng tối và đau đớn của phiền não, “định không che ám như hư không”, vì nó là sự chứng ngộ mọi hiện tượng là như hư không v.v…. Sự tham thiền là cùng một bản tánh, nhưng tùy theo sự tiến bộ của nó, những đức hạnh của nó tăng thêm và có hàng trăm ngàn đức hạnh nữa sẽ đạt được.

(f) ĐẠT ĐẾN THAM THIỀN HỢP NHẤT

Những lời và những ý nghĩa của Pháp được chứng ngộ hoàn toàn bởi quán chiếu phân biện, và chúng được duy trì nhất tâm trong tâm bằng an định. Thế nên quán chiếu là sự gom tụ (nghĩa là chứng ngộ) và an định là tham thiền. Trong Ye-Shes rGyas-Pa có nói :

 

Quán chiếu là sự gom tụ (chứng ngộ) của Pháp,

An định là tham thiền.

Xem mục lục