Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Đa số người thường đánh giá quá cao khả năng, trí thông minh và tính chất của họ bởi vì họ bị bao bọc trong bóng tối vô minh của những cái bóng ích kỷ của chính họ. Những tham vọng và mong mỏi của họ vượt quá mức khả năng thực sự của họ có thể cung cấp cho họ. Quan trọng là thấu hiểu phạm vi khả năng của mình và theo đuổi mục tiêu phù hợp. Sau đây là tường thuật sự thăm viếng của chúng tôi ở một đạo sư Đại Toàn Thiện rất nổi tiếng, ngài Yukhod Chatralwa, nhà ẩn sĩ hay khổ hạnh tên là Choying Rangtrol từ thung lũng Yu. Vị thầy phụ đạo của tôi là Kyala Khenpo, Chochog (1893-1957) và tôi đến gặp Chatralwa cùng với người em trai của Khenpo, Kyali Loli và vài người khác.

Năm 1951 chúng tôi đến chỗ ẩn cư gọi là Yagegar, trang trại đẹp đẽ, để diện kiến Chatralwa, nhà khổ hạnh. Ngài có khoảng hai trăm đệ tử, hầu hết là nhà sư. Phần đông các đệ tử sống trong những lều và hang nhỏ vừa với một giường để ngồi và ngủ, trên đó họ có thể ngủ, ngồi, và thiền định. Gần giường có những lò để nấu trà, một bàn thờ nhỏ với vài cuốn sách. Nhiều người khó đứng thẳng trong thất của họ. Nhiều đệ tử đang hành thiền định Đại Toàn Thiện, nhưng đa số vẫn còn trong nghiên cứu và thực hành chung của kinh và tantra và những sơ bộ của Đại Toàn Thiện, họ được các đệ tử trưởng của Chatralwa dạy. Phần lớn Chatralwa chỉ đưa cho những chỉ dạy và soi sáng về thiền định và triết học của Đại Toàn Thiện và chỉ gặp riêng đệ tử, ban cho giáo huấn thiền định theo những kinh nghiệm của đệ tử. Ngài không thuyết pháp với những đám đông vì những đệ tử có những nhu cầu thiền định khác nhau. Điều ấn tượng nhất về nơi ẩn tu này là trong khi mọi đệ tử sống bằng những nhu cầu đủ sống, nhưng sự bình an, vui tươi, tĩnh lặng, bi mẫn, hài lòng và năng lực của họ, và những nụ cười trên mặt họ nói lên toàn bộ chuyện đời và những thành công của họ. Thường thường trừ phi bạn ở lại một thời gian lâu, Chatralwa sẽ không gặp bạn. Nhưng ngài rất yêu trẻ nhỏ, và chúng có thể đi vào nhà bất kỳ lúc nào ngài rảnh. Ngài chơi đùa với chúng và kể chuyện. Ngài đã rất già, có lẽ hơn 80 hay khoảng 90, nhưng không ai biết tuổi thật của ngài. Thường người ta phải giúp ngài đứng hay đi vì đầu gối ngài đã yếu ; nhưng có những bất ngờ như một lần ngài chạy theo những trang sách bị gió thổi tung, và không có ai thấy để trả lời tiếng gọi của ngài. Người ta tin rằng ngài có thể đọc tâm thức của người khác và ai cũng luôn luôn sợ về tư tưởng của họ khi họ ở gần ngài. Sau ngày đầu phỏng vấn của thầy phụ đạo Kyala Khenpo và tôi, Khenpo nói với người em Kyali Loli một số minh giải về thiền định Đại Toàn Thiện mà thầy đã nhận từ Chatralwa. Hôm sau, trước khi cáo từ sau buổi phỏng vấn thứ hai, Chatralwa bất ngờ nói với Khenpo : “Chớ cố gắng tìm ngay người nào để huyên thiên môi miệng.” Điều này làm mạnh thêm sự tin tưởng và cả e sợ rằng ngài có thấu thị. Và dĩ nhiên Khenpo hết dám nói những minh giải cho em mình.

Chatralwa sống như một thiền giả độc thân. Ngài có bộ tóc xám thưa ; tóc dài và hơi đóng thành lọn. Tôi nhớ lời ngài : “Thầy tôi, Adzom Drupa (1842-1924) nói với tôi rằng tôi nên sống một cuộc đời của hành giả mật thừa, và ngài tiên tri tôi sẽ trở thành một Terton, một người khám phá kho tàng. Nhưng tôi không muốn lấy vợ, vì nó có thể dẫn đến một cuộc sống tranh đấu, nhưng cũng không khám phá một Kho Tàng Giáo Lý mới nào. Thế nên, như một tượng trưng cho sự tuân thủ lời thầy, tôi giữ bộ tóc dài này như trang phục của một hành giả mật thừa.”

Vì rất khó cho bất kỳ ai để gặp Dodrup Chen Rinpoche Đệ Tam và bởi vì Chatralwa cũng không bao giờ có dịp may nào để gặp người, ngài đã nhận những minh giải từ Rinpoche qua Terton Sogyal (1856-1926) mà ngài đã ở lại một thời gian lâu. Chatralwa nói với chúng tôi : “Dĩ nhiên tôi không bao giờ có dịp may gặp Rinpoche, nhưng tôi đã nhận nhiều minh giải kỳ diệu từ ngài. Khi tôi ở chỗ của Terton Sogyal, khi nào Terton trở về sau khi gặp Rinpoche, ngài luôn luôn gọi tôi và chuyển cho tôi tất cả những giáo pháp và thiền định đã nhận được từ Rinpoche, hay bất cứ điều gì họ đã bàn luận về những điểm cốt lõi.” Cất cao giọng, ngài tiếp tục : “Các huynh ! Làm sao tôi có thể quên những chỉ dạy vàng ngọc đó chứ ? Tôi đâu có điên !”

Chatralwa có một ngôi nhà lớn tiện nghi với nhiều sách và vài thị giả. Nếu bạn cho ngài quà tặng hay vật cúng dường, đôi khi ngài nhận hay gởi chúng cho những công việc tôn giáo, nhưng đôi khi ngài biểu lộ giận dữ và ném chúng đi. Nhưng nếu bạn đem đến cho ngài một bữa ăn ngon, đặc biệt là Zhemog, ngài sẽ luôn luôn dùng nó với sự thích thú lớn lao và sẽ nói ra câu nói nổi tiếng của ngài : “Ồ, cái này xứng đáng bằng hàng trăm con ngựa và bò.”

Có một câu chuyện tức cười về ngôi nhà lớn của Chatralwa. Một hôm có một Lama có tiếng tên là Rinchen Targye, đã được Dodrup Chen Đệ Nhất tiên tri là một môn đồ lớn, có một cuộc tham hỏi Chatralwa. Vị Lama này vào phòng Chatralwa và nhìn chung quanh thay vì ngồi xuống nói chuyện với Chatralwa. Chatralwa gay gắt hỏi : “Ông mất cái gì ?” Vị Lama trả lời : “Tôi nghe ngài là một Chatralwa, một nhà khổ hạnh. Nhưng ngài có đủ để có thể gọi là một người giàu có. Làm sao người ta có thể gọi ngài là một Chatralwa ?” Chatralwa trả lời : “Chatralwa nghĩa là người nào đã cắt đứt những tham luyến xúc tình vào những sự vật thế gian hay vào đời sống. Nó không có nghĩa là nghèo và khao khát chúng như nhiều người vẫn làm.” Chatralwa luôn luôn thích người thẳng thắn và táo bạo.

Chúng tôi ở Yagegar mười tám ngày. Kyala Khenpo và tôi gặp Chatralwa nhiều lần. Chatralwa cho Khenpo những trả lời rất chi tiết, và sau mỗi câu trả lời ngài kể một câu chuyện lý thú thời quá khứ trước khi tiếp tục câu hỏi khác. Tôi không hiểu nhiều những giáo lý chính yếu nhưng thích thú những câu chuyện. Nhìn vào ngài cho người ta cảm giác ngài rất xưa cổ, không tuổi tác, thông thái, tự nhiên và bao la. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại : “Ồ, Kun-khyen Jigmed Lingpa phải giống như vị Lama này.” Vào lúc đó tôi không nghĩ nhiều về ý nghĩa khác thường của nó, nhưng về sau, và đến bây giờ khi nào tôi cố gắng hiểu, tôi cũng không tìm ra câu trả lời nào là tại sao ngài đã để cho tôi tham dự những cuộc tham hỏi rất bí truyền ấy. Vì tôi đã được công nhận như một Tulku của một đại Lama mà Chatralwa rất kính trọng, hay vì tôi chỉ là một đứa trẻ mười hai tuổi ? Tôi nghĩ lý do không phải là hai chuyện ấy. Bất cứ khi nào tôi nghĩ về ngài và sự hiện diện của ngài, nó vẫn còn đem lại một bình an lớn lao trong tôi. Đấy ắt là lý do thật sự để vị đại Lama có thấu thị này cho phép tôi có mặt.

Hai ngày trước khi chúng tôi ra đi, Khenpo thu xếp cho người em, Kyali Loli, có một cuộc tham hỏi với Chatralwa. Loli không phải là một học giả cũng không phải là một thiền giả đã hoàn thành. Dầu sao, ông cũng đã nhận những giáo lý Đại Toàn Thiện và đã thực hành chúng sau khi làm tròn những thực hành và những sơ bộ chung. Nhưng khi ông gặp Chatralwa, có sự thất vọng cho ông. Không phải vì ông không làm tốt sự thiền định Đại Toàn Thiện của mình, mà thậm chí ông không thể sẵn sàng bắt đầu nó.

Vào ngày đó, một trong những ngày quan trọng nhất của đời mình, Kyali Loli đến gặp Chatralwa. Loli là một người rất can đảm và không có gì làm ông bối rối. Thế nên Loli giải thích sự thực hành của mình, đặc biệt liên quan đến những kinh nghiệm Đại Toàn Thiện của mình, và ông cầu thỉnh những giáo huấn và minh giải. Chatralwa không có nhận xét nào về sự trình bày của Loli, nói rằng :

Trước hết anh cần phải niệm với lòng sùng mộ danh hiệu Phật A Di Đà 100 lần mỗi ngày, rồi tăng lên 200 và v.v.... Một ngày nào tới lúc mà anh làm bất cứ việc gì, anh sẽ luôn luôn được hợp nhất với sự biểu lộ của danh hiệu Phật và với cảm giác sự hiện diện của Phật. Nếu điều đó xảy ra, khi anh chết, anh sẽ chết với sự biểu lộ của danh hiệu Phật và những cảm giác có sự hiện diện của Phật. Bấy giờ do công đức của anh và những ban phước của Phật, những tri giác sẽ biểu lộ như là cõi Phật, và tương lai của anh sẽ bình an và hạnh phúc. Rồi anh sẽ được trang bị để phụng sự những người khác.

Rồi ngài viết ra vài dòng, một trích dẫn từ một kinh mở bày những công đức và lợi lạc của sự tụng niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

Kyali thất vọng vì ông không có giáo lý Đại Toàn Thiện nào, và điều đó làm tan vỡ trái tim kiêu hãnh của ông. Nhưng giờ đây nghĩ lại, tôi có thể hiểu những giáo lý này hoàn hảo cho ông như thế nào, và sẽ lợi lạc cho ông hay bất kỳ ai dùng những giáo huấn này như thế nào. Quan trọng cho vị thầy là tốt lòng, thẳng thắn, chắc chắn và sáng tỏ và cho đệ tử là thực tiễn, cẩn thận, nhẫn nại và rộng mở, như một câu nói :

Có Đại Toàn Thiện như những giáo lý thì chưa đủ, 
Người ấy cần trở thành Đại Toàn Thiện.” 

Xem mục lục