PHẦN I
DẪN NHẬP
Những đạo sư đạt đến giác ngộ cao nhất của Đại Toàn Thiện và phô bày những điều lạ lùng như một dấu hiệu về sự chứng đắc của các ngài tất cả đều trải qua một tiến trình sôi nổi mãnh liệt tu hành trải qua hàng năm. Điều ấy đúng với những đại đạo sư Đại Toàn Thiện quá khứ, như Prahevajra, Manjusrimitra, Vimala-mitra, Padmasambhava, Longchen Rabjam và Jigmed Lingpa, và nó cũng còn đúng cho nhiều đạo sư gần đây gồm cả một số những vị thầy của chính chúng ta. Trạng thái thiền định, sự chứng ngộ và sự hoàn thiện của kết quả của Đại Toàn Thiện là tức thời, không cố gắng, tự phát và tự nhiên. Nhưng để đạt đến sự chứng ngộ đó và hoàn thiện nó, hầu hết mọi người tu hành phải đi qua những học hỏi và tu hành từng bước, theo khả năng và tính chất của họ, với sự quy hướng mãnh liệt. Trong lịch sử Đại Toàn Thiện không có trường hợp một người cầu đạo bình thường đã đạt chứng ngộ mà không có những sửa soạn thiết yếu hay đã hoàn thiện sự chứng ngộ mà không cần làm cho tốt hơn và tinh lọc nó qua thiền định về nó. Tuy nhiên sự chứng ngộ thực sự là tức thời và sự hoàn thiện của nó là tự phát. Trong những đạo sư Đại Toàn Thiện vĩ đại này, nhiều vị là những hiện thân của chư Phật và chư Bồ tát, nhưng các vị tái nhập thân như những chúng sanh bình thường và trải qua sự gian khổ tu hành để chứng tỏ một cách thức tu hành trên đường đạo cho những người khác. Nhiều đạo sư vĩ đại khác là những chúng sanh bình thường đã trở thành những chứng ngộ và thành tựu qua sự tu hành lâu dài và tha thiết của mình.
VÀI ĐẠO SƯ ĐẠI TOÀN THIỆN THỜI XƯA
Phần sau là một tóm lược cuộc đời của một số đạo sư sơ thời từ Logyu Chenmo và Dzamling Thatru Khyabpa’i Gyen :
Đạo Sư Prahevajra là một vị thầy Phật giáo vĩ đại và ngài là đạo sư đầu tiên trong loài người của Đại Toàn Thiện. Ngài ở trong định ba mươi hai năm trong một lều cỏ. Ngài nhận những quán đảnh truyền pháp và 6.400.000 câu kệ của những tantra Đại Toàn Thiện từ Vajrasattva trong một thị kiến thanh tịnh. Vào lúc chấm dứt cuộc đời, ngài hòa tan thân thể thô của ngài vào một “thân Ánh Sáng” (A’od Phung). Manjusrimitra nhận những giáo lý Đại Toàn Thiện từ Prahevajra trong khoảng thời gian bảy mươi lăm năm và rồi đạt đến “thân Ánh Sáng”. Srisinha của Trung Hoa, sau khi học hỏi và tu hành nhiều pháp môn Phật giáo trong hàng thập niên, đã nhận những giáo lý Đại Toàn Thiện từ Manjusrimitra và thực hành chúng trong hai mươi lăm năm. Jnanasutra, sau khi trải qua học hỏi và tu hành nhiều pháp môn Phật giáo đã để hàng thập niên nhận lãnh những giáo lý và truyền pháp của nhiều giai đoạn của Đại Toàn Thiện từ Srisinha, và rồi tu hành chúng. Vimalamitra là một trong những nhà sư học thức uyên bác nhất trong năm trăm học giả sống gần Vajra-sana, nơi đức Phật đã giác ngộ. Để đáp ứng một lời tiên tri ngài nhận được từ Vajrasattva trong một thị kiến thanh tịnh, ngài đến Trung Hoa và trong hai mươi năm nhận những giáo lý của Ba Phạm Trù Đầu Tiên, Ba Phạm Trù Ngoại, Nội, và Bí Mật của Đại Toàn Thiện, từ Srisinha và rồi trở về Ấn Độ. Bấy giờ để đáp ứng một lời tiên tri do một Dakini ban cho, Vimalamitra đến Jnanasutra, cũng là một đệ tử của Srisinha. Ngài đã nhận sự trao truyền những cấp độ khác nhau của những giáo lý và những truyền pháp của Phạm Trù Bí Mật Sâu Nhất của Đại Toàn Thiện, những quán đảnh truyền pháp, những quán đảnh truyền pháp Tạo Tác, Không Tạo Tác, Đơn giản Và Tối Đơn giản, dần dần qua nhiều năm từ Jnanasutra. Rồi ngài hoàn thiện những chứng ngộ tương ứng của những giáo huấn và truyền pháp. Giống như Guru Padmasambhava, Vimalamitra đạt được thân “Đại Chuyển Hóa” (Pho-Ba Ch’en Po). người ta tin rằng trong “thân Ánh Sáng” này, ngài vẫn còn sống ở Ngũ Đài Sơn ở Trung Hoa và có thể thấy được đối với người có phước. Longchen Rabjam, sau khi trở thành một đại học giả và một đệ tử của pháp môn phổ thông của Phật giáo, đã nhận những giáo lý và trao truyền Đại Toàn Thiện từ đạo sư vĩ đại Kumaradza. Rồi ngài trải qua tu hành thiền định mãnh liệt trong sáu năm về những giáo lý ấy và trở thành vị thầy và tác giả được kính trọng nhất của Tây Tạng về kinh điển và giáo huấn Đại Toàn Thiện.
SÙNG MỘ GÂY RA CHỨNG NGỘ TRONG GYALWA’I NYUKU
Những tu hành thiện pháp trong đó có sùng mộ là quan trọng nhất trong tu hành thiền định Đại Toàn Thiện. Chúng là những phương tiện cần thiết để đem lại chứng ngộ và hoàn thiện nó. Trong tiểu sử của mình, Pema Ledrel Tsal (1873-1941) diễn tả đạo sư của ngài là Nyoshul Lungtok dạy ngài như thế nào trong đường lối sau đây :
Trong dòng này, qua sự sùng mộ với đạo sư mà người ta đạt chứng ngộ. Cách thức có một vị thầy không phải là lễ phép mà là sùng mộ. Guru Yoga không phải những cầu nguyện, mà là sùng mộ. Một lần nọ, Jigmed Gyalwa’i Nyuku thực hành thiền định trong nhiều năm ở Tsa-ri với khổ hạnh và gian khổ mãnh liệt. Một hôm ngài đi ra khỏi hang, dưới ánh sáng mặt trời. Ngài nhìn về phía Lhasa, và một sự tưởng nhớ mạnh mẽ về bổn sư của ngài (Jigmed Lingpa) và về những vị thầy trong dòng khởi lên trong tâm. Ngài cầu nguyện đến các vị với sự sùng mộ mạnh mẽ. Trong một lúc như thể ngài mất ý thức. Khi tỉnh lại, ngài thấy rằng không có gì để thấy hay để thiền định, vì tất cả những nắm bắt, quan tâm đến thiền định đã tan biến vào cõi giới tối hậu. Ngài đã (thực sự) đạt đến sự hiện diện tối hậu của tánh giác bổn nhiên, thoát khỏi những dao động và mê lầm. Nhưng ngài (không biết bản chất sự việc là thế nào) và ngài không bằng lòng (với điều mà ngài kinh nghiệm). Ngài nghĩ, “Than ôi ! Nếu ta không đi ra ánh sáng mặt trời thì ta còn có thiền định, bây giờ thì chẳng có gì cả. Ta phải rời đây đi gặp Lama bởi gì bây giờ ngài đã già và ta phải có những soi sáng cho sự thiền định của ta.... Ngài đến gặp thầy là Rigdzin Jimed Lingpa, và trình bày sự chứng ngộ cho thầy nghe. Jimed Lingpa vui lòng và nói : Con à, thế đấy ! Con đã đạt đến giai đoạn “Sự cạn kiệt của những Hiện Hữu Hiện Tượng trong Bản Tánh Tối Hậu....” Và rồi ngài đi đến Thrama trong thung lũng Dza xứ Kham và thiền định ở đó hơn hai mươi năm, và ngài được biết đến như là Lama Thrama. Thế nên, chỉ chứng ngộ thì không đủ, mà người ta bấy giờ phải tiến tới thiền định về nó. Những kinh nghiệm (khai triển qua thiền định) cần được hoàn thiện (Klong-Du Gyur), và sự hoàn thiện cần được làm cho trọn vẹn. Cho đến khi nào sự hoàn thiện được trọn vẹn, người ta cần tu hành nó trong những thời kỳ thiền định. Khi nào với chính mình, nghĩa của dứt tận (cạn kiệt) của những hiện tượng trong Đại Toàn Thiện được hiện tiền, trí huệ phân biệt tất cả những hiện tượng, năng lực của tánh giác bổn nhiên, sẽ bừng phát và những thừa và những giáo nghĩa của các dòng phái có thể phân biệt không sai lầm. Và đối với những người khác, nếu người ta tự nhiên phát sanh đại bi vượt khỏi những ý niệm, thì thời gian cho người ta chỉ dạy, thảo luận và viết lách đã đến.
NHỮNG ĐỨC HẠNH KHAI TRIỂN TRONG NHỮNG NGƯỜI CÓ NHỮNG KINH NGHIỆM ĐẠI TOÀN THIỆN
Khi người ta tiến bộ qua sự tu hành Đại Toàn Thiện, tất cả những đức hạnh như lòng bi sẽ khai triển và mạnh mẽ. Trong tiểu sử của minh, Pema Ledrel Tsal viết :
(Nyoshul Lungtog) hỏi tôi : “Con có kiêu mạn không ?” Tôi trả lời ngài : “Trong những thời kỳ xuất định, con không có kinh nghiệm nào ngoại trừ sự đơn độc (sKyo Lhang-Lhang), bởi vì tất cả những hiện tượng là không thật và không quan trọng.” Nyoshul Lungtok nói : “Phải nên như thế. Người ta cần có những kinh nghiệm (về những tư tưởng đức hạnh), như bậc toàn giác (Longchen Rabjam) nói :
Dầu có những kinh nghiệm (trong Đại Toàn Thiện), những kinh nghiệm đức hạnh này sanh khởi :
(Sự chứng ngộ) vô thường và giảm thiểu giới hạn,
tầm mức của tâm thức, từ chiều sâu lòng mình,
Lòng từ và lòng bi không ngừng và
Tri giác thanh tịnh và sùng mộ không thiên chấp.