Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Áp dụng Chứng ngộ vào Mọi Phương diện

CHỦ ĐỀ IV: ÁP DỤNG CHỨNG NGỘ VÀO MỌI PHƯƠNG DIỆN

Ba chủ đề đầu tiên liên hệ đến trí huệ và chúng ta đã thấy chủ đề thứ nhất có 10 điểm chính, chủ đề thứ hai có 11 và chủ đề thứ ba có 9, thành ra 30 chủ đề chính tất cả. Bốn chủ đề kế tiếp liên hệ đến áp dụng. Chương này nói về chúng ta áp dụng chính mình theo con đường như thế nào.

 

A. NHỮNG PHƯƠNG DIỆN

Chủ đề thứ nhất của phần này được gọi là những phương diện và gồm mọi điểm của ba phần chánh thứ nhất, nhưng từ một quan điểm quả. Chủ đề chánh thứ nhất, hiểu biết của toàn giác, được phân tích trong ba phân đoạn làm thành 37 chủ đề của phân đoạn thứ nhất, 34 chủ đề của phân đoạn thứ hai và 39 chủ đề của phân đoạn ba. Chủ đề chánh thứ hai, hiểu biết của con đường gồm 36 chủ đề. Trong chủ đề thứ ba, hiểu biết của nền tảng, có 27 điểm về bốn Chân lý Cao cả. Tổng cộng chúng ta có cả thảy 173 chủ đề và những cái này được liệt kê trong phần này được gọi là “những phương diện”. Những phương diện ấy được đặt trong liên hệ với quả.

B. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Tiếp theo là áp dụng thực hành, liệt kê mười hai lối thực hành khác nhau. Nhưng trước khi xem những cách thực hành này, chúng ta phải xem con người trước hết có thể nghe những giáo lý Bát nhã ba la mật, rồi thứ hai là chấp nhận chúng và thứ ba là giữ gìn chúng.

1. PHÁP KHÍ (HÀNH GIẢ) THÍCH HỢP

Một pháp khí thích hợp để nghe Bát nhã ba la mật phải có ba tính cách. Thứ nhất, người ấy phải có đức tin mạnh mẽ và sùng mộ Phật và thực sự nương dựa vào ngài. Tin Phật sẽ làm cho tâm người ta thu nhận những giáo lý Bát nhã ba la mật. Điểm thứ hai là người ta sẽ tích tập công đức và thiện căn nhờ cảm hứng. Điểm thứ ba, sau khi Phật nhập diệt, người ta không còn trực tiếp gặp Phật nên người ta nhận lời dạy thực hành từ một người bạn tâm linh (thiện tri thức). Thế nên, nương nhờ vào Phật, tích tập công đức, và hướng đến một người bạn tâm linh và ba điều cần thiết để trở thành một pháp khí thích hợp cho việc nghe những giáo lý.

Tiếp theo chúng ta phải tiếp cận những giáo lý cho pháp khí bằng cách đặt niềm tin vào Đức Phật. Sau khi đặt niềm tin vào Phật, chúng ta cần nghĩ về những giáo lý, hỏi và giải quyết những điểm nghi để có thể khai triển một kết quả không mơ hồ.

Rồi chúng ta cần hòa nhập với những giáo lý này bằng cách làm sáu ba la mật thành một phần sống động của cuộc đời chúng ta và đưa chúng vào thực hành. Như vậy chúng ta có ba pháp khí: pháp khí nghe pháp, pháp khí tiếp nhận, và pháp khí hòa nhập. Trong pháp khí người nghe có ba điểm, pháp khí tiếp nhận có hai điểm, pháp khí hòa nhập một điểm, tổng cọng là sáu điểm. Chính qua sáu chủ đề nhỏ này mà chúng ta hiểu con người áp dụng chính mình vào thực hành.

2. THỰC HÀNH THỰC SỰ

Có hai mươi điều cần làm trong thực hành. Thứ nhất chúng ta phải chuyên tâm vào tánh Không bằng cách hiểu rằng sắc và mọi phương diện khác của mọi thứ xuất hiện không có một thực tại vững chắc và thật có về phần chúng. Trong cách áp dụng thứ nhất chúng ta đi đến sự hiểu tánh Không của hiện hữu.

Trong cách áp dụng thứ hai chúng ta đi đến sự hiểu rằng tánh Không là thật tánh của sự vật thì rất sâu thẳm. Đôi khi chúng ta phải thiền định về cái gì đó, đôi khi chúng ta phải thiền định không có cái gì cả. Đôi khi chúng ta xem xét rằng chúng ở đó, đôi khi rằng chúng không ở đó. Không phải dễ dàng chúng ta có thể nói thật tánh là thế này thế kia. Đúng ra chúng ta tiếp cận nó theo nhiều cách khác nhau mà thường thì có vẻ mâu thuẫn. Nhưng thật ra không có vấn đề gì cả, bởi vì có một số công việc trên cấp độ tương đối và đó là tại sao khi chúng ta làm tất cả cách thức thực hành này trên cấp độ tối hậu thì không có gì để hoàn thành. Khi chúng ta hiểu chúng ta có hai cấp độ tương đối và tối hậu làm việc cùng nhau thì không có vấn đề gì cả. Thứ ba, chúng ta phải hiểu rằng tánh Không thì sâu thẳm hơn lúc ban đầu có vẻ thế. Thứ tư, tánh Không thì còn vi tế hơn nữa, như vậy các điểm thứ hai, ba, tư là chúng ta đi vào một cái hiểu sâu hơn và sâu hơn nữa.

Điểm thứ năm của hai mươi cách áp dụng là để có được quán thấy thực sự vào cái sâu thẳm ấy, người ta cần thực hành một thời gian dài và thực hành mở rộng.

Thứ sáu, khi đã thực hành lâu dài và mở rộng, người ta khai triển một trạng thái sâu thẳm đến mức người ta thấy Đức Phật và Phật nói trước cái sẽ có như thế nào.

Áp dụng thứ bảy là, đã tiếp nhận được những thọ ký của Đức Phật, người ta được đặt trên một con đường mà không thể trượt lui nữa. Đây là phương diện không trở lại (bất thối chuyển) của sự thực hành.

Thứ tám, qua những nỗ lực rộng rãi của bảy điểm đầu tiên, chúng ta sẽ có được giải thoát khỏi sanh tử. Thứ chín, bởi nhờ sự giải thoát chắc chắn của áp dụng thứ tám, sẽ không còn những chướng ngại có đủ sức cản trở tiến bộ của người ta. Áp dụng thứ mười được gọi là “đến gần hơn” bởi vì khi người ta đạt đến cấp độ áp dụng này, người đến gần Phật quả hơn.

Áp dụng thứ mười một là “nhanh chóng có được kết quả cuối cùng”, nghĩa là ở điểm này Phật quả đến một cách nhanh chóng. Áp dụng thứ mười hai là hoàn thiện những hoạt động lợi lạc cho những chúng sanh khác. Áp dụng thứ mười ba là “không tăng” nghĩa là không có sự tăng trưởng trong những phẩm tính tốt và những khả năng của một người giác ngộ. Rõ ràng, trên cấp độ tương đối của thực tại, có một tăng trưởng kinh khủng những phẩm tính tốt và những năng lực ở những cấp độ cao này và một giảm sút lớn lao những tính cách xấu. Tuy nhiên, ở cấp độ tối hậu không có tăng trưởng nào những phẩm tính này xảy ra.

Áp dụng thứ mười bốn là “không giảm” nghĩa là không có giảm sút những phẩm tính tốt và những khả năng và điều này tương đương với áp dụng thứ mười ba. Thứ mười lăm là “không còn thấy pháp hay chẳng phải pháp”. Điều này nghĩa là ở cấp độ này chúng ta không còn thấy những sự vật là đáng ưa thích hay là tuyệt hảo nhất (pháp) và cái thấp kém (chẳng phải pháp). Quán thấy của chúng ta vào thật tánh siêu vượt những ý niệm pháp và chẳng phải pháp, cái nhìn thấy không kết tinh những ý niệm theo cách ấy nữa.

Áp dụng thứ mười sáu là thấu hiểu sắc và các uẩn khác không thể quan niệm được như thế nào. Trong ánh sáng của thật tánh chúng ta kinh nghiệm sự biểu lộ của sắc là không thể quan niệm bởi vì trong cái không phân biệt có những vật phân biệt xuất hiện.

Áp dụng thứ mười bảy là chúng ta không còn tri giác theo thức những tính cách (tướng) đối với sắc và các uẩn khác thế nên chúng ta không gán những đặt tên cho các uẩn phẩm tính thế này và thế nọ. Nhờ những áp dụng thứ mười bảy, chúng ta đạt đến kết quả quý báu nhất và đến chỗ cuối cùng của sự tiến hóa trong áp dụng thứ mười tám. Áp dụng thứ mười chín chỉ ra điều chúng ta đang hoàn thành thì thoát khỏi những pha trộn của thức và tình làm hư hỏng nó như thế nào.

Áp dụng thứ hai mươi chỉ ra như thế nào những sự việc đi từ tốt hơn đến tốt hơn nữa. Đặc biệt, qua những địa bồ tát sâu xa chúng ta có được sự thanh tịnh kỳ diệu này, đi từ hoàn hảo đến hoàn hảo hơn, thậm chí đến hoàn hảo hơn nữa.

C. NHỮNG PHẨM TÍNH (TÍCH CỰC)

Khi chúng ta suy nghĩ về những phẩm tính, điều quan trọng cốt yếu là mở mình ra với sự ban phước của Phật. Phật với tình thương vĩ đại và chăm sóc thì ôm trùm khắp cả mọi chúng sanh. Không phải rằng tâm của Phật chỉ hướng đến một số đệ tử và chăm sóc họ và họ là những người có khả năng theo ngài. Tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của Phật trải ra chạm đến tất cả chúng sanh, mà chúng sanh thì vô tận cho đến khi nào không gian tận.

Thế nên từ Phật, bao giờ cũng có sự tỏa chiếu của sự ban phước và sự mở rộng mình với nó không tùy thuộc vào điều Phật có thể làm mà vào điều chúng ta có thể làm. Thế nên người ta có được sự lợi lạc từ sự ban phước của Phật hay không, tùy thuộc vào sự mở ra và tiếp nhận của riêng họ. Sự mở ra này dựa vào rất nhiều vào nguyện vọng và đức tin người ta có, sự tin cậy nơi Phật và những lời dạy của ngài. Nếu người ta đặt sự tin cậy lớn lao nơi Phật và những giáo lý của ngài và ước muốn được giống như ngài, bấy giờ điều này sẽ khiến người ta trở nên càng lúc càng rộng mở và tiếp nhận. Sự tiếp nhận này sẽ có thể khiến nghĩa kỳ diệu của Phật pháp trở thành một phần của họ, và qua cảm hứng ấy mà người ta sẽ thực hành sáu ba la mật vân vân. Một thí dụ minh họa sự mở ra này là mặt trời. Khi mặt trời chiếu sáng, ánh sáng của nó xuống khắp nơi trên trái đất và trên các hành tinh. Nếu bạn có một cái hang cửa vào hướng nam, nó sẽ nhận đầy đủ sức nóng, ánh sáng mặt trời. Nhưng cửa ở phía bắc, thì dù mặt trời chiếu mọi lúc, nó sẽ luôn luôn trong bóng râm. Tương tự, dù ánh mặt trời ban phước của Phật luôn luôn có đó, nó có làm lợi lạc cho chúng ta hay không thì tùy thuộc vào chúng ta tiếp nhận nó thế nào.

Tiến trình ấy trở nên thậm chí mạnh mẽ hơn, và sau lần đầu tiên mở mình ra với sự ban phước của Phật, có một thâm nhập thật sự, đến độ người ta được bao bọc bởi những phẩm tính của Phật, và điều xảy ra là người ta cần tin cậy vào Phật và Phật pháp. Những sự ấy sẽ trở nên một phần biểu lộ của sự thực hành và kinh nghiệm riêng. Người ta có một tiếp xúc sâu hơn nhiều với thần lực giáo hóa và những phẩm tính của Phật. Đây là một cấp độ rất sâu của phẩm tính hơn là lúc ban đầu mở chính mình với tính xác thực của Phật pháp.

Cho dù có một danh sách mười bốn phẩm tính khác nhau của sự áp dụng được đề cập ở đây, như là người ta gần gũi với Phật quả, rằng có những phẩm tính không ô nhiễm và vân vân, chúng ta sẽ không bàn luận riêng từng cái.

D. NHỮNG LỖI LẦM (NHỮNG RẮC RỐI TRONG THỰC HÀNH)

Trong sự thực hành có mọi loại vấn nạn rắc rối và những cái này tùy thuộc rất nhiều vào cá nhân. Có một số người rất chậm chạp và nặng trí, và họ có một loại rắc rối phải vượt qua trong thực hành. Một số người trí sắc bén, thậm chí quá sắc bén, và họ có một rắc rối phải vượt qua. Có một số người có những khó khăn về thân thể và một số người có những rắc rối về tâm thức cần chinh phục. Mọi loại khác nhau này cần phải đối trị riêng biệt. Chẳng hạn người nặng trí sẽ có thời gian để nắm hiểu điểm then chốt và trưởng thành, tiến bộ. Cách duy nhất có thể làm để tiến bộ là chuyên cần tinh tấn nhiều và áp dụng trở đi trở lại và vượt qua những khó khăn thậm chí lớn hơn trong thực hành của họ. Nếu làm như vậy, họ sẽ hoàn thành kết quả. Thế nên điều họ cần là sự áp dụng rất mạnh mẽ. Người trí sắc bén hơn thì hiểu nhiều hơn và nói chung có thể tiến bộ rất nhanh, nhưng đôi khi loại người này dễ tự phụ và lười biếng, bởi vì họ hiểu sự việc khá dễ dàng. Những điều ấy tạo ra rắc rối và cần được vượt qua bằng cách làm việc rất chuyên cần trên chính mình.

Đôi khi người ta cảm thấy mệt mỏi, có bệnh. Do đó người ta không có khuynh hướng thích thực hành. Những vấn nạn này tạo ra chướng ngại cho sự khai mở của họ và cần phải vượt qua. Cũng có những chướng ngại thuộc tâm thức khởi sanh ngăn cho người ta không thâm nhập vào thiền định rất trong sáng, trạng thái rất trong sáng của thấu hiểu và chứng ngộ. Đôi khi khởi lên những loạn động, hay hôn trầm, hay xao lãng. Những hoàn cảnh của thân tâm ấy là những chướng ngại, đến độ chúng làm ngưng trệ người ta chuyên tâm vào việc thấu hiểu Bát nhã ba la mật trong hai mươi cách mà chúng ta thấy trong phần sau. Bởi vì chúng làm chúng ta lìa khỏi Bát nhã, chúng là những lỗi lầm cần loại bỏ.

Bước thứ nhất là rất sáng suốt về cái tạo nên rắc rối cho thực hành, người ta cần biết cái cần thoát khỏi. Nên khi những chướng ngại này xảy ra, thì điều rất trọng yếu là không xem chúng như là việc tốt. Là một sai lầm rất lớn khi giải thích cái thực sự là một lỗi lầm thành một phẩm tính tốt. Thế nên cần nhận biết một lỗi lầm là một lỗi lầm, biết rằng đó là một vấn nạn cần loại bỏ và phải cố gắng loại bỏ. Đối với những phẩm tính tốt cũng áp dụng như vậy. Nếu chúng ta đang ở trong một trạng thái sai của tâm, chúng ta có thể lầm những phẩm tính tốt cho là những phẩm tính xấu. Người ta cần rất sáng tỏ về một phẩm tính và rồi làm việc rất nhiều để tăng trưởng những phẩm tính ấy. Cuối cùng khi chúng khởi lên người ta cần cảm thấy rất vui.

E. NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA BÁT NHÃ BA LA MẬT

Chủ đề này được gọi đơn giản là “những tính chất” nghĩa là tính chất của bản thân Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật là đối tượng của sự nghiên cứu của chúng ta và nó cần được hòa nhập với cuộc đời và góp phần vào sự chứng ngộ của chúng ta. Thực ra, Bát nhã ba la mật chỉ có một tính chất, một bản tánh. Nhưng bởi vì Bát nhã ba la mật là rất quan trọng trong sự phát triển của chúng ta, nó được xem xét ở đây qua bốn tính chất chủ yếu. Một khi chúng ta biết những tính chất, những bản sắc then chốt ấy, chúng ta sẽ có thể có một bức tranh rất rõ ràng về Bát nhã ba la mật để hòa nhập vào bản thân chúng ta.

Tính chất thứ nhất của Bát nhã ba la mật liên hệ đến tinh túy của những hiện tượng. Chúng ta biết rằng mọi khổ đau, rắc rối, khó khăn và mê lầm của sanh tử đều có thể dò về tận gốc là vô minh. Bởi vì vô minh, có vọng tưởng. Một khi có vọng tưởng, thì toàn bộ vấn nạn rắc rối của sanh tử bắt đầu xảy ra. Chúng ta cố gắng hiểu cái gì đang xảy ra, hiểu như thế nào vọng tưởng có thể xảy ra, vọng tưởng là cái gì. Hơn thế nữa, tìm kiếm cái gì không phải là vọng tưởng, cái gì sáng suốt và đúng đắn trong chính mình. Chính Bát nhã ba la mật giúp chúng ta khám phá cái đó. Đặc biệt nó giúp chúng ta tìm thấy cái tinh túy nhất, bản tánh cốt lõi và cái này thoát khỏi vọng tưởng mê lầm. Thế nên điểm thứ nhất là tinh túy cốt lõi nhất của sự vật.

Tính chất thứ hai của Bát nhã ba la mật chỉ ra cho chúng ta sự ưu việt của Bát nhã ba la mật. Khi người ta hành động trong thế giới của những đối tượng, những sự vật và những ý tưởng, chúng là sản phẩm của vọng tưởng và vô minh, bấy giờ cái người ta hoàn thành, nếu nhìn trong một cách rất sâu rộng, thì không thực sự đáng giá. Nó không có tinh túy trong đó, không nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, khi tu tập Bát nhã ba la mật, chúng ta vượt khỏi vọng tưởng và vô minh và đến với sự thật. Sự thật này có một kết quả kéo dài, ích lợi, bởi vì Bát nhã ba la mật là một giáo lý cao cấp và tuyệt hảo. Nếu Bát nhã ba la mật có trong điều chúng ta làm, bấy giờ kết quả là thực sự đáng giá. Nếu nó không có trong đó thì không hoàn toàn có giá trị.

Tính chất thứ ba của Bát nhã ba la mật là hiểu biết. Bát nhã là thấy rõ ràng những sự vật là thế nào. Qua năng lực của Bát nhã người ta thực sự thấu hiểu sự vật, trí huệ Bát nhã có phẩm tính chứng ngộ.

Tính chất thứ tư là chức năng hoàn hảo nhất. Chính là qua Bát nhã ba la mật mà chúng ta có thể hoàn thành lợi lạc cho mình, có thể hiểu và thoát khỏi khổ đau, phiền não, và phát triển những phẩm tính khác nhau. Trí huệ Bát nhã cũng cho phép chúng ta hoàn thành lợi lạc cho những người khác, giúp đỡ và hướng dẫn họ. Qua trí huệ thấu hiểu sự vật là thế nào mà chúng ta khai triển động lực giúp đỡ những người khác. Thế nên ở gốc rễ sâu xa nhất của mọi điều đó, chúng ta có thể nói Bát nhã ba la mật có chức năng tốt nhất.

F. TƯƠNG ƯNG VỚI GIẢI THOÁT

Chủ đề thứ sáu nói về con đường tích tập thứ nhất. Giai đoạn tích tập đôi khi được gọi là giai đoạn dẫn đến hay hòa hợp với giải thoát. Đây là giải thoát khỏi sanh tử, giải thoát khỏi nhiễm ô của mình. Giải thoát rốt ráo chỉ xảy ra ở Phật quả. Từ quan điểm của thanh văn và duyên giác, giải thoát là khi người ta trở thành một a la hán. Nhưng trên con đường nối kết thứ hai, người ta đã có được sự giải thoát ban đầu. Những nhiễm ô mất sức mạnh của chúng và người ta thoát khỏi những khổ đau của các cõi thấp. Điều này xảy ra ở giai đoạn tích tập thứ nhất. Ở cấp độ này người ta thực sự vận hành những bánh xe pháp để vượt thắng sự tiêu cực, vô minh, nhiễm ô của mình để thoát khỏi tấm lưới siết rất chặt của sanh tử. Thế nên đó là lý do gọi con đường tích tập là “tương ưng với giải thoát”.

1. TINH TÚY CỦA CON ĐƯỜNG TÍCH TẬP

Trên con đường thứ nhất này chúng ta cố gắng hiểu tánh Không của những hiện tượng để giải thoát chính mình. Lúc ban đầu chúng ta dính thật chặt với sự vật, với những ý tưởng về thực tại của chúng ta và với chính bề ngoài của những thực thể. Để phá sự bám chấp này, chúng ta cần hiểu ba luân chủ thể, đối tượng, và tương quan của chúng. Trên con đường tích tập chúng ta đã nghiên cứu ba luân nghĩa là gì, trở nên quen với ý tưởng ấy và tham thiền sâu về ý nghĩa của sự vắng mặt của ba luân. Qua đó chúng ta trở nên có thể hiểu sự vắng mặt của những tính chất (vô tướng) và thấy từ trong sâu điều ấy thì đó là trí huệ. Khi chúng ta quen thuộc hơn với cách hành động vượt khỏi chủ thể, đối tượng và tương quan của chúng, chúng ta hành sáu ba la mật. Khi chúng ta đã hiểu ba luân, thì trong ánh sáng của cái hiểu ấy, chúng ta thực hành bố thí, trì giới, kham nhẫn, chuyên cần, thiền định và trau dồi trí huệ. Bởi vì chúng ta không còn tin sự vật là cứng đặc, chúng ta có thể thực hành các ba la mật tốt hơn trước kia rất nhiều. Nhờ cái hiểu này, chúng ta có thể thực hành rộng rãi và hiệu hữu hơn nhiều. Qua cái hiểu này chúng ta có được chứng ngộ tất cả 173 phương diện chính của Bát nhã ba la mật. Chính nhờ sự thực hành thiện xảo này mà chúng ta nắm được tất cả phương diện khác nhau này. Chúng bắt đầu trở nên quen thuộc.

2. NHỮNG PHẨM TÍNH CẦN CHO GIẢI THOÁT

Phẩm tính thứ nhất là có đức tin nơi Tam Bảo; tin Phật bởi vì chúng ta cảm thấy trạng thái Phật quả là tuyệt hảo và hiếm hoi. Chúng ta hiểu sự tốt đẹp không cùng của trạng thái ấy và mong mỏi thành tựu nó và chúng ta hướng tất cả đời mình đến sự giải thoát cho chính mình. Cũng như vậy, chúng ta hướng đến pháp, là tất cả những lời dạy của Phật, và đến tăng, những người bạn trên đường đi. Nếu không tin vào Phật quả, chúng ta sẽ không cảm nhận nhiều đối với pháp mà Phật ban cho. Cũng thế, nếu không tin rất nhiều vào pháp, chúng ta sẽ không tin cậy nhiều vào các vị thầy giữ gìn những lời dạy ấy hay những người bạn chỉ cho chúng ta con đường.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có đức tin mạnh mẽ vào Phật, bấy giờ chúng ta sẽ nhận ra giá trị lớn lao của pháp và hấp thụ chúng. Rồi chúng ta sẽ hướng đến những người bạn rất hiếm hoi có thể khiến cho chúng ta hiểu giáo pháp và họ mở ra ý nghĩa của chúng. Đức tin này không phải tin suông mà đặt nền trên hiểu và đánh giá. Thế nên tin vào Tam Bảo là hạt giống từ đó nảy sinh mọi phẩm tính khác.

Phẩm tính thứ hai là chuyên cần, tinh tấn. Luận nói chúng ta cần tinh tấn với đối tượng, nghĩa là chúng ta cần chuyên tâm liên tục thực hành pháp. Dĩ nhiên nếu có người làm một ít thực hành chỗ này chỗ nọ, sẽ có một số kết quả từ đó, và thậm chí một số kết quả vững chắc có thể thấy trong đời này.

Nhưng thực tế chúng ta đã bị mắc kẹt bởi khối nghiệp và bị quy định trong tâm thức mà chúng ta đã tạo ra từ rất nhiều đời. Có một lô công việc để làm, một lô chướng ngại phải loại bỏ cho nên chúng ta cần toàn tâm vào con đường tuyệt hảo của pháp.

Thứ ba, chúng ta cần thái độ tốt nhất, nghĩa là động cơ phải có phẩm tính cao cấp nhất, cao cả nhất. Nghĩa là động cơ của sự làm việc của chúng ta cần rất cao rộng. Đó cũng phải là một cái nhìn thấy rất rộng trên một cấp độ rất bao la và lớn lao. Dĩ nhiên chúng ta không thể nhanh chóng thay đổi sự bị điều kiện hóa của chúng ta bằng động cơ của chúng ta. Nhưng hết sức, chúng ta có thể mang trong tâm một thái độ và động cơ cao cả, và qua chánh niệm, cố gắng hòa nhập nó trở thành một phần của chúng ta.

Phẩm tính thứ tư là Samadhi không khái niệm. Chúng ta đều có cảm giác rằng đã kiểm soát tâm mình, nhưng thực ra khi nhìn vào hoàn cảnh, chúng ta chưa thực sự điều phục được tâm mình. Nếu chúng ta đã làm được, thì khi muốn thực hành cái tốt và những phẩm tính, bấy giờ chúng ta chỉ đơn giản làm điều đó. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi những điều xấu và những chướng ngại, nếu đã điều phục được tâm, bấy giờ chúng ta đơn giản chỉ làm thế. Dĩ nhiên, hoàn cảnh thật thì không giống như vậy bởi vì chúng ta chưa kiểm soát tâm được. Nếu chúng ta muốn ở yên trong thiền định, chúng ta chưa đủ sức kiểm soát tâm để đơn giản làm điều đó. Thế nên chúng ta thực sự cần nắm được trái tim của vấn đề, là kiểm soát được tâm chúng ta. Cách làm điều này là an nghỉ trong thiền định hay Samadhi không có khái niệm.

Phẩm tính thứ năm chúng ta cần là toàn giác. Trên con đường tu tập này chúng ta bắt đầu có được trí huệ, trí huệ của nghe, của tư duy, và của thiền định. Trước hết chúng ta nghe (hay đọc) những giáo lý của kinh và luận và chúng ta trở nên quen với những ý niệm của pháp. Giai đoạn thứ nhất này được gọi là giai đoạn nghe (văn). Giai đoạn tiếp theo chúng ta suy nghĩ rất sâu về nghĩa của cái đã nghe để đến một cái hiểu sâu hơn. Điều này gọi là trí huệ của giai đoạn tư duy (tư). Khi đã quen với nghĩa chân thật, và nhất là qua thiền định, chúng ta đến giai đoạn thiền định của trí huệ (tu). Ba bước nghe, tư duy và thiền định làm khởi sanh trí huệ về thật tánh của những hiện tượng.

Năm cái này nâng đỡ cho tiến bộ của Bồ tát qua giai đoạn tích tập: tin cậy vào Tam Bảo, chuyên cần, chánh niệm hay thái độ tốt nhất, Samadhi, và trí huệ. Với người có năm phẩm tính này thì tương đối dễ có được chứng ngộ pháp của Phật. Với người những phẩm tính ấy chưa biểu lộ sẽ cần làm việc nhiều hơn để tiến bộ và đạt được chứng ngộ.

Thế nên người với những khả năng bén nhạy sẽ tương đối dễ dàng hoàn thành chứng ngộ, và người khả năng chậm lụt sẽ thấy khó hơn. Nhưng bén nhạy hay chậm lụt, chớ nên xem quá tuyệt đối. Chúng ta tự khảo sát mình một cách chặt chẽ và thấy rằng chúng ta có một đức tin rất tốt vào giáo pháp của Phật, chúng ta rất chuyên cần, chúng ta rất chánh niệm với một thái độ cao cả, chúng ta đang là một vị thầy trong phạm vi rộng của tâm chúng ta, và có thể vào thiền định và trau dồi trí huệ. Đây là một người được diễn tả là có những khả năng bén nhạy. Ngược lại, là tâm chúng ta ít tin vào Tam Bảo, với chỉ một chuyên cần hời hợt, với không nhiều sự cao cả của tâm, không nhiều năng lực thiền định, và không nhiều trí huệ. Nhưng đó không phải là một hoàn cảnh cứng chắc bởi vì chúng ta có thể tự chuyển hóa từ một người cùn lụt thành một người bén nhạy. Chúng ta có thể trở thành một người rất bén nhạy và có khả năng để làm việc.

Chương này bao gồm con đường tích tập, trong luận gọi là con đường tương ưng tốt đẹp với giải thoát.

 

Câu hỏi

Câu hỏi: Sự phân tích chi tiết này có thể làm ngột ngạt sự quán thấy chúng ta có trên con đường không?

Rinpoche: Về sau trên con đường khi chúng ta đạt đến chứng ngộ sâu xa, bấy giờ những sự việc sẽ xảy ra về phần chúng và sẽ là một tiến hóa tự nhiên trong thực hành của chúng ta. Tuy nhiên để đạt đến cấp độ cao này, chúng ta cần hiểu Bát nhã ba la mật rất rõ. Để hiểu Bát nhã ba la mật, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là hiểu con đường cực kỳ rõ ràng, tức là điều chúng ta đang làm ở đây. Nếu chúng ta thiền định và học những điểm này, thì dần dần sanh khởi sự sáng tỏ về Bát nhã ba la mật và cái hiểu sẽ tăng thêm. Điều này lại giúp thiền định và chứng ngộ của chúng ta khai triển tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta chỉ chờ đợi chúng từ lúc ban đầu sẽ sanh khởi về phần chúng, chúng sẽ không bao giờ trở lại.

Câu hỏi: Bát nhã ba la mật được dạy ở Tây Tạng như thế nào?

Rinpoche: Ở Tây Tạng có một hợp nhất của truyền thống rộng của kinh và truyền thống sâu của luận. Hai cái này làm việc sát cánh nhau và làm mạnh cho nhau. Ngày nay người ta đến với Tây Tạng là đến với kim cương thừa, cũng như đến với Tích Lan là với truyền thống Theravada.

Dù Tây Tạng là nơi hoàn hảo mà kim cương thừa được giữ toàn vẹn và thanh tịnh, chúng ta cần biết rằng ở Tây Tạng có một sự thực hành nối kết của những tantra chứa đựng những kỹ thuật rất sâu, thế nên tantra thường được gọi là lối tiếp cận sâu với pháp. Kinh chứa tất cả thông tin có thể và những bài thuyết pháp, chúng rất rộng và toàn diện, nên chúng được gọi là lối tiếp cận rộng.

Người ta không nên đánh giá hai truyền thống này làm lợi lạc cho nhau cái nào nhiều hơn cái nào. Qua hiểu truyền thống rộng của kinh mà sự thực hành kim cương thừa trở nên có ý nghĩa, và qua những kỹ thuật và phương tiện thiện xảo kim cương thừa mà người ta có thể thực sự vượt qua mọi giai đoạn hiểu biết của con đường chúng ta đọc trong Bát nhã ba la mật.

Điều chúng ta đang làm ở đây là đi qua toàn bộ Bát nhã ba la mật đa rất nhanh chóng. Bát nhã ba la mật trong 100.000 câu kệ và nếu chúng ta học nó theo cái hiểu hàn lâm và đào sâu nó đến một chứng ngộ qua thực hành thì cần phải vài năm. Thế nên chúng ta cần có những ý niệm quan trọng được đúc kết trong Bát nhã ba la mật. Chúng ta tổng quát những điểm chính của sự khai triển trí huệ này và rồi khi thực hành kim cương thừa, những phương tiện thiện xảo ấy sẽ cho phép chúng ta khai triển nhanh chóng. Giáo lý này cho chúng ta những phương tiện để có được chứng ngộ, có được sự hiểu, hơn là chỉ làm kỹ thuật trong bóng tối, không hiểu tại sao mình làm điều ấy và những kết quả sẽ là gì. Sự nghiên cứu này giúp cho sự thực hành tantra của chúng ta, bởi vì chúng ta biết có một nghĩa rất lớn lao đằng sau nó. Nó không chỉ là cái gì chúng ta làm bởi vì phải làm. Rất tốt nếu nắm được tinh túy của Bát nhã ba la mật qua nghiên cứu này, dù nó rất ngắn gọn súc tích.

Xem mục lục