Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Chúng ta đã luận bàn "Trên cơ sở của Không Tính, mọi hí luận đều triệt tiêu" (TL18.5d), thế nhưng làm thế nào mà tính đa chiều và tính tương đối của khái niệm ngôn ngữ lại có thể triệt tiêu như thế? Con người chỉ có thể tư tưởng một cách thiên hình vạn trạng dựa trên những khái niệm ngôn ngữ để có thể phán đoán về những sự vật tồn tại. Ngược lại điều này, Không Tính-Sùnyatà là một trạng thái siêu việt lên tất cả mọi tính cách có thể có của sự vật (hay tính cách mà người ta phán đoán về chúng), cũng giống như nhìn vào hư không, nó chẳng có cái gì mà người ta có thể tri giác được bằng trực quan, cũng chẳng có cái gì để người ta có thể biểu hiện bằng khái niệm ngôn ngữ được cả.

      "Trong cái Chân-Thật-Như-Là-Thế ấy, tất cả những Tác Vi (Hành) của tâm thức, cả những khái niệm ngôn ngữ đều dứt tuyệt" (TL18.7ab)*19

Nghĩa là: Căn cứ của ngôn ngữ, là những khái niệm hình thành của nó không tồn tại. Và như thế nào mà những khái niệm hình thành  lại có thể dứt tuyệt như thế?

      "(Bởi vì) tất cả những Tác vi (Hành) của tâm thức, cả những khái niệm ngôn ngữ đều tận tuyệt" (TL18.7b)

Có thể hiểu câu 7b với trợ ngữ bổ sung "bởi vì", như là lý do cho câu 7a. Nhóm từ "những Tác Vi của tâm thức" (Tâm hành) có thể hiểu như là "những Tác Vi có định hướng của tâm thức". Tức là, tạo tác cho sự vật tồn tại những ý nghĩa khác (với cái mà sự vật vốn là như thế, mà được định hướng theo hệ quy ngã_Tâm Hành Cảnh). Những ý nghĩa khác được tạo tác với tính định hướng này, từ điểm nhìn Chân Thực tối hậu, thì không phải là Thực Tại vốn như là thế. Những tác vi tạo tác của tâm thức được biểu hiện ra hoặc với tính cách cá biệt, hoặc với tính cách phổ quát, như là những "sự vật", "đối tượng" của chính tâm thức. "Tận tuyệt" ở đây có thể hiểu theo nghĩa "có thể xem như là một phương thức tận tuyệt". Điều này có nghĩa là: Cho dù những tính năng của tri năng có tác động vào hay không tác động vào đi nữa, thì Không Tính vẫn không hề mất đi, mà vẫn được trực quan bởi Tuệ Giác siêu việt lên mọi tư tưởng có tính định hướng của khái niệm (Vô Phân Biệt Trí). Bởi tính cách như thế, một khi con người đã đình chỉ mọi Tác Vi tạo tác của tâm thức, thì cũng đi đến chỗ đình chỉ luôn tất cả mọi tư tưởng hình thành từ khái niệm ngôn ngữ.

Tuy nhiên, sự đình chỉ mọi Tác Vi (Hành) tạo tác của tâm thức, không có nghĩa là "bởi một yếu tố nào đó", vậy thì làm sao có thể "tận tuyệt" được những tính năng vốn có của   chính tâm thức? Bên ngoài những Tác  Vi của chính tâm thức con người, là một Thực Tại vốn như là thế:

      "Không có Sinh Khởi, cũng không có Hoại Diệt,

      Đó là một thể tuyệt đối tuyệt hết mọi đối-phản Sinh-Diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, như Niết Bàn". (TL18.7cd)

Ở đây, phải nói đến "Tính Chân Thực của Thực Tại" (Pháp Tính), vốn là bản thể của vạn hữu, cũng đồng nghĩa với bản tính của sự vật tồn tại.

Hoặc giả, có thể giải thích thi tụng 18.7 như sau: Người phản luận có thể hỏi về cấu thức luận lý*20 của việc "tất cả những khái niệm ngôn ngữ đều bị dứt tuyệt", về việc này thì tôn sư (Long Thọ) đã minh giải: Khi một người tu hành thiền định, nhập vào Không Tính, thì người ấy đi vào trong một tâm cảnh siêu vượt mọi hình tướng, trong đó những  gì được biểu hiện bởi khái niệm ngôn ngữ không tồn tại, vì thế nên nói là "những khái niệm của ngôn ngữ đều dứt tuyệt". Bởi vì chính tâm thức không tác vi ra những định hướng có tính cách quy hướng (Ngã) nào để có thể hình thành những khái niệm thuộc về ngôn ngữ: "Vì tất cả những Tác Vi của tâm thức đều tận tuyệt".

Như thế thì "Tự tính" của sự vật tồn tại với tính cách là "đối tượng" của tâm thức (hay của nhận thức nói chung) chẳng là gì khác hơn là chính cái được tạo tác ra bởi tâm thức. Bởi vì một khi một người đi sâu vào cảnh giới mà "tất cả những tác vi của tâm thức đều tận tuyệt", thì chúng cũng không còn tồn tại nữa. Nhưng, như thế nào mà những "đối tượng" của tâm thức ấy_cái được tạo tác ra bởi chính tâm thức ấy_lại ngưng tồn tại như thế? Bởi vì, lúc ấy chỉ còn lại cái Chân Thực như là thế (Pháp Tính): "một thể tuyệt đối tuyệt hết mọi đối-phản Sinh-Diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, như Niết Bàn". Trong câu này cần bổ sung thêm một ý nghĩa nữa: "Pháp Tính, đó cũng chính là chân tướng vốn có của vạn hữu và của chính tâm thức".

Hoặc giả, cũng có thể hiểu thâm ý của thi tụng 18.7 trong ý nghĩa: Khi không còn bận tâm đến nữa vấn đề tồn tại hay không tồn tại (như là tri thức giả định) nữa, thì khi ấy cái Chân Thực nguyên sơ của Thực Tại hiển lộ ra như nó vốn luôn luôn là như thế. Hoặc giả, nếu như có người hỏi: như thế nào cái Chân Thực nguyên sơ ấy hiển lộ ra? Thì có thể nói đơn giản rằng: chỉ vì đã không còn khái niệm có tính định hướng của ngôn ngữ gán cho nó một "ý nghĩa" quy hướng nào nữa, "mọi khái niệm ngôn ngữ đều dứt tuyệt" thì chỉ còn , Thực Tại-Pháp Tính, ở đó, từ xưa đến nay bao giờ vẫn thế. Nếu đã không còn lưu luyến gì nữa những tri thức giả định về tồn tại hay không tồn tại nữa, thì , như thế đấy. Hoặc giả, nếu còn thắc mắc nữa rằng như thế đấy là như thế nào? Thì  là bởi vì rằng "mọi Tác Vi của tâm thức đều tận tuyệt", chính tâm thức tự nó không còn Tác Vi nào tác động vào "đối tượng" của nó nữa, nó không còn bận tâm xao xuyến vì những cái mà nó giả định rằng tồn tại hay không tồn tại, với những nhận thức thông qua những khái niệm có tính quy hướng của ngôn ngữ nữa.

Ngoài ra, có thể hiểu ở thi tụng 18.7 này, còn có một ý nghĩa mặc định đã được giản lược đi, đó là: "những cái khác nữa". Ngoài những Tác Vi tạo tác và định hướng của tâm thức thông qua những khái niệm ngôn ngữ, còn có "những cái khác nữa" (những điều kiện tạo tác của nhận thức nói chung: những tính chất của sự vật được định hướng như là "đối tượng" của tâm thức_Sắc, những thụ cảm từ các quan năng đem lại những thông báo có liên quan đến tồn sinh_Thọ, những hình ảnh và biều tuợng của sự vật được tâm thức lưu lại trong kinh nghiệm_Tưởng, những Tác Vi của tâm thức để định hướng và phán đoán_Hành, và những ý thức phân định biện biệt giữa cái này và cái kia_Thức. Những điều kiện này vốn gắn kết nhau trong một tư thế liên hoàn chặc chẽ của nhận thức). Hơn nữa, không đặt cơ sở trên những điều kiện nhận thức này, không có nghĩa là không thể nhận ra tính chân thực của Thực Tại. Vì rằng, chính bản thân sự không đặt cơ sở dựa trên tính cách quy hướng (Ngã) như thế để nhận thức "sự vật" như là những "đối tượng", cũng là một sự nhận "biết" không lầm sai về những gì đang tồn tại, trong ý nghĩa nhận "biết" (Tuệ Giác) tính chân thực của Thực Tại. Đó chính là cái mà Kinh gọi là "Cái Biết Chân Thực là cái Không Biết". Bởi lẽ đó, mà mọi khái niệm ngôn ngữ mang tính định hướng và tính giả định, đều tận tuyệt.

Kinh "Thánh Vô Tận Tuệ Bồ Tát" viết: "Cái Chân Thực Tối Hậu là cái như thế nào? Là cái mà ở đó không có những tác động của tâm thức nữa, huống hồ chi là tạo tác ra những khái niệm văn tự". Kinh điển khác thì nói: "Đó là cái xa lìa khỏi tâm thức, ý niệm và thức biệt". Và Trung Luận cũng nói về cái Chân Thực như thế một cách giản khiết: "Không có sinh khởi, cũng không có hoại diệt. Đó là một thể tuyệt đối tuyệt hết mọi đối-phản Sinh-Diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, như Niết Bàn" (TL18.7cd). Nghĩa là: Tất cả mọi tồn tại đều là thể siêu việt (khỏi mọi khái niệm ngôn ngữ và tư tưởng).

Hoặc giả là (trong một ý nghĩa khác), ở một người đã đi sâu vào tâm cảnh đã siêu việt khỏi những tác động của nhận thức, thì những biểu hiện ngôn ngữ và tư duy không khởi lên, cũng giống như ánh sáng mặt trời, khi ấy Tuệ Giác về Không Tính chiếu soi tất cả mọi bản tính vốn có (Pháp Tính) của tồn tại. Đó cũng chính là cái mà "mọi khái niệm ngôn ngữ đều dứt tuyệt", bởi vì rằng: "mọi Tác Vi của tâm thức đều dứt tuyệt". Đối tượng được nói đến ở đây là sự tác động của tâm thức con người. Như thế nào mà mọi tác động của tâm thức lại có thể dứt tuyệt như thế được? Là như thế này: Trong một thế giới mà tất cả mọi nhận thức về "đối tượng" đều khởi sinh do tác động quy hướng của tâm thức, thì mọi sự vật tồn tại được nhận thức với thiên hình vạn trạng những tính chất đặc thù hay phổ quát, và cái dòng chày tư duy cứ dấy lên thiên hình vạn trạng những tư duy, giống như con tằm tự cuộn mình trong cái kén của chính nó tạo ra; tuy nhiên, một khi mà con người nhận ra chân tướng vạn hữu vốn không tồn tại như thế (như là một "đối tượng" quy hướng của tâm thức), thì tâm thức không còn "đối tượng" của nó nữa, nên mọi tư duy (về những "đối tượng") cũng không thể khởi dấy lên được.

Ngay cả việc nhận "biết" (Tuệ Giác) bởi trực quan về "mọi Tác Vi của tâm thức đều dứt tuyệt" này, thì chủ thể nhận biết (là một cái gì vốn không có Tác Vi tạo tác), cũng không thuộc về "chủ thể" tạo tác (Tự Ngã). Thế thì, như thế nào mà có thể như thế được? Bởi vì rằng: "Không có sinh khởi, cũng không có hoại diệt. Đó là một thể tuyệt đối tuyệt hết mọi đối-phản Sinh-Diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, như Niết Bàn". Nói như vậy có nghĩa là: "đối tượng" của tâm thức, hay nói cách khác, "sự vật" ở ngoài tâm thức được quy hướng như là "đối tượng" của nó, đều dứt tuyệt, không có nghĩa là sự dứt tuyệt này được tạo tác ra bởi một cái gì khác nữa. Về việc này thì Kinh Bảo Tích có thuyết giảng: "Không phải vì do bởi Không Tính làm cho sự vật tồn tại trở thành Không. Mà chính vì tất cả mọi sự vật tồn tại tự chúng, đã vốn là Không Tính"

Thế nhưng, cũng cần được hiểu rằng bản tính của tất cả mọi sự vật cũng đồng nghĩa với Niết Bàn. Về điều này thì Kinh Phạm Thiên Vương Sở Vấn có nói: "Như Lai biết rằng: trên cơ sở của Giác Ngộ, thì những phiền não khởi dấy lên do vọng tưởng phân biệt, tự chúng không thực có, bẩn tính của chúng vốn là không khởi dấy lên".Cũng bởi lẽ ấy, Đề Bà Thánh Thiên nói một cách chuẩn xác rằng:

      "Chính tâm thức là mầm mống của sinh khởi, mà đối tượng của nó chính là phạm vi tác động của nó. Nếu nhận biết được rằng những đối tượng ấy vốn không tồn tại (như là những định hướng của Tự Ngã), thì mầm mống của sinh khởi cũng tận tuyệt" ("Tứ Bách Luân"-Catuh - Sataka, bản T, 14.25)

Như thế thì, nếu giác ngộ được rằng mọi sự vật tồn tại đều đồng như nhau, vốn tự chúng là những cái không sinh khởi, như Niết Bàn, thì "đối tượng" tác động của tâm thức đều dừng lại, nếu không có những đối tượng của tâm thức thì cũng không có đối tượng của ngôn ngữ. Nếu không có tất cả những thứ ấy, thì tất cả mọi thiên hình vạn trạng của tư duy, do chấp trước những lý lẽ theo thói thường của thế gian, đều dừng lại trong im lặng.

Xem mục lục