Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

Giới thiệu của người Biên Tập

Vào một đêm tối tăm năm 1950 tôi phóng ra khỏi giường và chạy đến cửa phòng cha mẹ tôi, khiếp hãi và nửa thức nửa tỉnh. Lúc đó tôi mới năm tuổi, và hình ảnh sống động của cơn ác mộng vẫn còn đậm nét. Thật quá thực : một con rắn cuộn tròn trong giường tôi – và những lời làm yên tâm của cha mẹ tôi rằng đó chỉ là một giấc mộng đối với tôi chỉ là sự an ủi nho nhỏ.

Đây là một trong những ký ức sớm nhất của tôi về giấc mộng. Đó là một giấc mộng đã lập đi lập lại suốt thời thơ ấu, thiếu niên và thậm chí đôi khi có cả bây giờ lúc tôi đã vào tuổi trung niên. Một giấc mộng là gì ? Có một ý nghĩa đặc biệt nào trong một giấc mộng thấy rắn cứ lập đi lập lại ? Những con rắn có phải là những sứ giả của tiềm thức, hay những kích thích tình dục thời nhỏ của một đứa bé hay là một tiếp thông với một loại chúng sanh gọi là naga (rồng) theo người Tây Tạng ? Có lẽ giấc mộng chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh cuộc đời của người nằm mộng, và như thế có một ý nghĩa đặc biệt cá nhân.

Chất liệu nguyên mẫu, những lo lắng và quan tâm thuộc cá nhân, báo trước tương lai, tiếp thông với những chiều kích khác của những chúng sanh khác, theo những vị thầy trong sự làm việc với giấc mộng, là mọi khả năng trong giấc mộng. Tuy nhiên phải nói rằng ít người gặp loại kinh nghiệm giấc mộng này. Đối với hầu hết, mộng chỉ là một xào nấu lại những ấn tượng của ban ngày trong bối cảnh những ước muốn, sợ hãi và nhân cách của người nằm mộng.

Vào thập niên 1950, mặc dầu có một số ít triết gia và tư tưởng gia hiện đại quan tâm trở lại việc mộng, nhưng hầu hết người Mỹ, trong đó có tôi, ít thấy những giấc mộng có ý nghĩa gì. Tình trạng lơ là này sớm thay đổi bởi những biến động của những năm sáu mươi. Từ sự thử thách khắc nghiệt của những khủng hoảng tập thể và cá nhân phát xuất từ những bi kịch của thập niên, và đồng thời với sự phổ biến của yoga và những hình thức thiền định khác, sự ý thức về vấn đề giấc mộng bắt đầu tự khẳng định trong nền văn hóa nói chung và trong bản thân tôi nói riêng.

Những ký ức về những giấc mộng của tôi từ thời niên thiếu đến trường thì không gì hơn một bóng mờ. Hình ảnh sống động và những hồi tưởng sắc bén của thời niên thiếu nhạt tan vào những hình ảnh thoáng qua hay chẳng nhớ gì cả. Nhưng trong năm 1978, kinh nghiệm và cái hiểu của tôi về tình trạng giấc mộng biến đổi tận gốc. Tôi du lịch đến Pháp để học với một lama nổi tiếng, Dudjom Rinpoche. Trong những chủ đề ngài dạy có yoga giấc mộng. Rinpoche nói rõ ràng về sự cần thiết nỗ lực tỉnh giác dù trong trạng thái ngủ. Ngài so sánh trạng thái ngủ thông thường của con người với giấc ngủ vô thức của một con vật. Ngài tiếc cho sự hoang phí một cơ hội quý báu như vậy cho việc tiến bộ của người ta. Tôi ra khỏi căn lều nơi những giáo lý được hướng dẫn trong một trạng thái kỳ lạ. Mọi thứ tôi thấy và nghe giống như giấc mộng, chắc chắn là do sự truyền dạy đầy thần lực của vị lama vĩ đại. Tri giác khác thường này kéo dài trọn ngày và đến tối, khi tôi chuẩn bị đi ngủ.

Tôi quyết định theo những giáo huấn của Rinpoche để khai triển tỉnh giác và cầu nguyện sự trợ giúp của ngài. Đêm ấy cũng khác thường. Tôi đi vào giấc ngủ, nhưng sớm trở nên ý thức rằng tôi đang ngủ. Tôi ở trong một trạng thái tỉnh thức sáng tỏ. Đó là kinh nghiệm ý thức đầu tiên của tôi về giấc ngủ yoga và ánh sáng tự nhiên của tâm thức.

Do những che ám của tâm thức của chính tôi, tôi không tiến bộ nhiều trong sự thực hành yoga giấc mộng và thực hành ánh sáng tự nhiên. Thật vậy, không chỉ đối với một kinh nghiệm mà tôi đã có, chắc chắn tôi đã hạ thấp toàn bộ chủ đề xuống lĩnh vực của những thành tích yoga vượt trên khả năng của một người bình thường. Vài năm sau, trong một cuộc nhập thất hai mươi mốt ngày, tôi có một kinh nghiệm khác về sự nằm mộng yoga hứng thú và chuyển hóa. Sau hai tuần, sự nhập thất của tôi đã sâu một cách đáng kể. Mỗi đêm tôi theo lời dạy của Dudjom Rinpoche để khai triển khả năng yoga giấc mộng. Sự thực hành thiền định mãnh liệt kéo dài mười giờ một ngày, và tâm thức tôi mạnh mẽ hơn. Tôi phấn chấn khi có thể nhớ lại đến khoảng tám giấc mộng một đêm nọ.

Vào cái đêm đặc biệt ấy, tôi thình lình cảm nghiệm rằng tôi vừa ngủ vừa biết rằng mình đang mộng. Vào khoảnh khắc của sự thể nghiệm, những màu sắc của cảnh mộng trở nên sống động và mãnh liệt đến sửng sốt. Tôi thấy mình đứng trên một vách đá và nhìn bao quát một thung lũng rộng rãi và đẹp đẽ. Tôi cảm thấy thư giãn và rung động, và tôi tự nhớ đó chỉ là một giấc mộng.

Tôi nhìn trùm cả quang cảnh đáng yêu trong một thời gian ngắn và rồi quyết định đi tới một bước, vừa nghĩa đen vừa nghĩa bóng. Nếu thật sự là một giấc mộng thì không có lý do gì tôi không thể bay. Tôi lao vào không gian, nhưng thay vì bay, tôi thấy giấc mộng chuyển hóa lần nữa. Vẫn minh mẫn, sự tỉnh giác của tôi xuất hiện trên một cầu thang. Thân thể tôi không còn nữa trong giấc mộng nhưng tôi tiến lên những bậc thang. Tôi đã bước một bước và đang bước một bước khác thì giấc mộng lại thay đổi. Lúc này chỉ tối đen mà không có hình ảnh nào cả. Tôi cưỡng chống lại sự thúc đẩy mở mắt ra. Thật ra, tôi không xác định làm cái gì, nhưng tôi muốn cảnh trở lại và rồi thình lình tôi lại ở trên cầu thang. Sự trở lại cảnh cầu thang này chỉ kéo dài một thoáng chốc và rồi tôi thức dậy.

Toàn thể kinh nghiệm là hấp dẫn. Tôi còn xem nó là một trong những kinh nghiệm ý nghĩa nhất cuộc đời tôi. Vị lama trông coi cuộc nhập thất ví kinh nghiệm của tôi như trải qua một cuộc thi học lái xe. Sau đó, tôi đã có nhiều kinh nghiệm minh bạch trong giấc mộng. Tôi không nói rằng chúng xảy ra mỗi đêm, nhưng chúng xảy ra thường. Sự thường xuyên của chúng tăng lên trong những thời kỳ tôi thực hành thiền định mạnh mẽ, như khi nhập thất. Cũng như nếu tôi thức và thực hành thiền định suốt đêm, tôi thấy rằng tôi thường có những giấc mộng minh bạch khi trở lại ngủ.

Với thời gian, tôi cũng có những giấc mộng bản chất tâm linh. Chẳng hạn, có lần khi đang nhập thất tôi nằm mơ thấy người yêu của tôi. Dù tôi không rõ ràng trong giấc mộng, nhưng tôi nhớ lại rõ. Hình ảnh của cô xuất hiện. Cô sáng rỡ nhưng đang nức nở. Tôi đã có dự định gặp cô ở trạm ga ngoại ô New York ngày hôm sau. Để thử lại kinh nghiệm giấc mộng của mình, tôi nói với cô rằng tôi rất buồn khi cô bị rối loạn trong đêm trước. Ánh mắt ngạc nhiên của cô tức khắc cho tôi biết giấc mộng là chính xác. Cô nói với tôi rằng cô đã bệnh và quả thật đã kêu khóc.

Như tôi đã nói, có vẻ rõ ràng là những kinh nghiệm này tăng lên khi tôi có cơ hội thực hành thiền định hay yoga giấc mộng một cách mãnh liệt. Trong một thời gian như thế tôi tham gia với Namkhai Norbu Rinpoche cho một cuộc hội thảo ở Washington, D.C. Ngài đã đi với một trong những học trò lớn tuổi nhất và bà trở bệnh nặng. Trong giấc mộng của tôi, tôi thấy mình với Namkhai Norbu Rinpoche. Ngài rất bận rộn với cơn bệnh của người học trò. Tôi nói, “Rinpoche, bà ấy đang chết.” Rinpoche trả lời, “Không, tôi đã điều trị cho bà, và bà sẽ tốt hơn.” Ngày hôm sau có những tin tức tốt bà đang bình phục, nhưng còn ngạc nhiên hơn là sự tỉnh táo của ngài Norbu trong cuộc nói chuyện trong mộng của chúng tôi trước khi tôi nói với ngài về chuyện đó. Về sau tôi có những giấc mộng khác ngài Norbu nói chuyện với tôi, và thỉnh thoảng tôi cũng đáp lại bằng những lời khá thông minh. Ngài Norbu rất quan tâm đến những kinh nghiệm này, và đôi khi hôm sau hỏi tôi có một giấc mơ thú vị nào vào đêm trước hay không. Có lúc ngài hỏi tôi, và nếu tôi chỉ nhớ mơ hồ, ngài nói, “Anh phải cố gắng nhớ.”

Không lâu sau đó tôi về thăm nhà cha mẹ. Họ đã sống ở đó suốt cuộc đời tôi. Tôi ngủ trong cùng căn phòng nơi tôi đã ngủ hồi nhỏ. Khi ngủ tôi có một giấc mơ rằng có một con rắn trong phòng với tôi. Thay vì đe dọa tôi, nó có vẻ muốn được nựng nịu như một vật cưng. Dù không hoàn toàn tỉnh táo, tôi nhớ đã tự hỏi phải làm sao với con rắn rõ ràng không được mời đến nhưng thân thiện này. Sau khi thức dậy, tôi nghĩ về giấc mộng này và ý nghĩa của nó khá lâu. Có lẽ tôi đã trở nên thích nghi với điều xưa kia đã sợ. Tôi lại nhớ đến lời bình giảng của ngài Norbu rằng với sự sáng tỏ tăng dần, những giấc mộng trở thành một cái gì như hội nghị Liên Hiệp Quốc. Con rắn trong giấc mộng có là một “đại diện” không ? Ngài Norbu đã khẳng định có nhiều loại chúng sanh mà chúng ta có thể giao tiếp trong trạng thái mộng.

Có nhiều lý thuyết không thể tính xuể đã được phát triển để giải thích về những kinh nghiệm chúng ta gọi là mộng. Dù những lý thuyết ấy có thể khác nhau một cách căn bản về nguồn gốc và ý nghĩa của những giấc mộng, có một sự đồng ý phổ quát rằng nhiều giấc mộng là huyền bí, có năng lực và sáng tạo.

Giấc mộng đã giữ một vị trí chủ đạo trong nhiều xã hội. Trong nhiều nền văn hóa, sự quan trọng của giấc mộng được chấp nhận, và khả năng nhớ lại hay thậm chí thay đổi một cách có ý thức một giấc mộng được ủng hộ. Những giấc mộng được nói đến một cách nổi bật – đôi khi chủ chốt – trong các tôn giáo, tham dự vào sự săn đuổi, khơi gợi những khuôn mẫu linh thiêng cho nghệ thuật và mỹ thuật, và cung cấp hướng dẫn trong lúc chiến tranh, khủng hoảng hay bệnh tật. Người mộng của một “giấc mộng lớn” thường nhằm vào một thầy tế lễ nam hay nữ, một danh hiệu có được nhờ chư thiên, thần ban phước.

Những người Ai Cập và những truyền thống khác đã giải thích có hệ thống những giấc mộng với mục đích giải mã những thông điệp từ thiên thần. Thầy tế lễ Ai Cập được gọi là “những vị thầy của những điều bí mật”, những người trung gian. Với sự phát minh chữ viết, kiến thức về giải thích giấc mộng được ghi chép lại. Một cuốn sách cổ thời về giải thích giấc mộng, viết bằng tiếng Ai Cập khoảng hai ngàn năm trước công nguyên trên giấy cói.

Trong nhiều nền văn hóa, những người nằm mộng chuẩn bị nhận một giấc mộng quan trọng hay chữa trị tham dự những nghi lễ tỉ mỉ. Những nghi lễ này, phổ biến vào thời xưa được ghi thành tài liệu trong những xã hội Mỹ Bản Địa cũng như ở Á châu và Babylon, Hy Lạp, La Mã. Những buổi lễ cầu gọi hay “ấp trứng” tiến hành bởi những người đã nhập môn có tu tập, và thường xảy ra ở những ngôi đền đặc biệt, xây dựng trên những cảnh quan thiêng liêng, quan trọng và đẹp đẽ.

Sau khi dâng cúng những lễ vật cho các thần linh hay một hy sinh để tẩy tịnh, người cầu mộng đôi khi uống những chất thuốc để làm mạnh thêm kinh nghiệm. Dựa vào mỗi nền văn hóa, thành tố cho những món thuốc này có thể gồm một số chất kích thích thần kinh.(1) Những địa điểm thiêng liêng thường được chọn nhờ địa lý phong thủy hay nhờ một sự phát hiện tâm linh của một thầy tế lễ. Quang cảnh của những ngôi đền này đặc biệt quan trọng đối với người Hy Lạp cổ, chẳng hạn họ tin rằng những thần linh âm phủ(2) cư trú những nơi chốn đặc biệt đó.

Mọi khía cạnh của những ngôi đền được thiết kế để làm sinh động và nâng cao những công việc của tâm vô thức cũng như cho những hồn linh. Ví dụ, sự thờ thần tiên tri Aesclepius(3) được biểu tượng bằng con rắn, và những người cầu mộng thường ngủ ở một chỗ nơi rắn di chuyển hầu như tự do. Sau những nghi lễ chi tiết, Aesclepius thường xuất hiện với người mộng như một người có bộ râu hay như một con vật, và trong nhiều trường hợp cá nhân ấy thức dậy được chữa khỏi. Vào lúc cao điểm của sự phổ biến, những trung tâm Aesclepius để “ấp” giấc mộng này có đến hàng trăm.

Những trường hợp chữa lành qua những nghi lễ như thế cũng có rộng rãi trong những nền văn hóa thầy pháp đương thời.(4) Chẳng hạn, Richard Grossinger, tác giả nhiều cuốn sách về dân tộc học giấc mộng, kể ra những nguồn gốc Mỹ Bản Địa giữa những bộ lạc Quạ, Chân Đen, Kwakiutl và Winnebago kể lại những giấc mộng trong đó một con vật hay chim, như một con rắn hay một con chim lặn nước, xuất hiện và dạy cách chữa khỏi mà áp dụng trong đời sống khi thức tỏ ra có năng lực chữa lành.

Những giấc mộng cũng gợi hứng cho những tiến bộ khoa học quan trọng. Có lẽ chuyện nổi tiếng nhất trong các sự việc này là khám phá cơ cấu phân tử của benzen bởi Kekule. Ông thuật lại :

Tâm trí tôi ở đâu đâu... Tôi xoay cái ghế lại phía lò sưởi, và thiếp ngủ. Những nguyên tử lại nhảy nhót trước mắt tôi. Những nhóm nhỏ hơn hầu hết ở dưới nền. Con mắt của tâm trí tôi, đã tập luyện quen với những sự nhìn thấy thuộc loại này, bây giờ phân biệt được những cấu trúc lớn hơn của những hình thể khác nhau. Những chuỗi dài... mọi sự đều chuyển động, xoắn và quay như những con rắn. Và hãy nhìn cái gì kìa ? Một con rắn ngoạm lấy đuôi nó, và như chế giễu hình thể quay tít trước mắt tôi. Tôi thức dậy như bị sét đánh ; lúc đó tôi lại dùng phần còn lại của đêm để tính ra những kết quả của nó.

Nhà hóa học Nga Mendelev khám phá phương pháp bản chu kỳ sắp đặt những nguyên tố theo trọng lượng nguyên tử khi đang ngủ mộng. Elias Howe hoàn thành phát minh máy bay của mình khi đang ngủ mộng. Lý thuyết tương đối của Albert Einstein đến với ông một phần trong giấc mộng. Những sáng tạo khác do giấc mộng gợi hứng bao gồm những tác phẩm văn chương như Hài Kịch Thiêng Liêng của Dante, Candide của Voltaire, Con Quạ của Poe và Ulysses của James Joyce. Robert Louis Stevenson có thể tạo hình những câu chuyện khi mộng, sau đó ông viết ra và xuất bản. Thậm chí những bản nhạc phổ thông của Billy Joel và Paul McCartney cũng đến trong những giấc mộng.

Mặc dù những giấc mộng lạ thường như vậy, xã hội của chúng ta như một toàn thể đã mất đi tiếp xúc với nghệ thuật mộng. Tuy nhiên, gần đây một sự quan tâm thích thú rộng lớn với năng lực sáng tạo của những giấc mộng đã nổi lên, khởi từ những phương pháp để rèn luyện khác nhau, gồm khoa học, tâm lý học chiều sâu của Tây phương, sự ý thức tăng dần về các văn hóa bản địa, và tôn giáo.

KHOA HỌC VÀ HIỆN TƯỢNG MỘNG

Sự diễn tả khoa học hiện đại về hiện tượng mộng theo sau những khám phá vào năm 1952 của Kleitman và các học trò rằng mộng đi đôi với chuyển động nhanh của mắt. Những sự kiện khác về giấc mộng đã được phát hiện nhờ những thí nghiệm gần đây. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng mọi người đều mộng và khoảng hai mươi lăm phần trăm giấc ngủ là thời gian mộng. Những giấc mộng là trọng yếu cho sức khỏe của tâm trí, mộng là một hoạt động của óc não và mọi giấc mộng đều kèm theo những chuyển động nhanh của mắt. Giấc ngủ có bốn giai đoạn hay bốn độ sâu, nhưng mộng chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu tiên. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta trải qua bốn giai đoạn của giấc ngủ vài lần trong một đêm, và như vậy chúng ta thường mộng nhiều lần trong một đêm. Đã quan sát được nếu một người không có thời gian mộng sẽ tạo ra nó trong những đêm sau. Một số phần trăm lớn hơn của giấc ngủ được dùng để mộng khi gần đến bình minh.

Chúng ta hãy tập trung vào hiện tượng những giấc mộng minh bạch, trong những giấc mộng khác thường này người nằm mộng thấy mình đột nhiên tự biết một cách có ý thức hay “sáng tỏ, minh bạch” khi đang mộng. Thường thì ít được để ý nhưng bây giờ đã được kiểm chứng một cách khoa học, những tường thuật giấc mộng minh bạch đã hiện hữu trong văn học hàng ngàn năm năm nay. Chẳng hạn, Aristotle nhận xét như sau : “... bởi vì thường trong giấc ngủ có một cái gì đó trong ý thức nói rằng cái đang tự trình diện chỉ là một giấc mộng.”(5)

Những năm 1900 một nhà phân tâm học người Hà Lan tên là Van Eeden nghiên cứu hiện tượng này một cách có hệ thống và đã ấn định từ ngữ “giấc mộng minh bạch” để diễn tả nó. Trước ông, Hầu tước Hervey de Saint Denys đã nghiên cứu hiện tượng giấc mộng và xuất bản những tìm tòi của ông năm 1867 trong cuốn sách Những Giấc Mộng Và Làm Thế Nào Hướng Dẫn Chúng. Trong sách này, Saint Denys diễn tả khả năng thức tỉnh trong những giấc mộng của ông cũng như điều khiển chúng.

Steven Laberge, một nhà nghiên cứu hiện đại hiện tượng giấc mộng, phát triển một phương pháp luận dùng những chuyển động nhanh của mắt (R.E.M.) kèm theo giấc mộng để tập luyện sự minh bạch.(6) Trong một nghiên cứu, những đối tượng thí nghiệm được cho nghe máy thu âm lập lại câu “đây là một giấc mộng” mỗi vài giây. Câu này được mở sau khi mỗi chu kỳ R.E.M. bắt đầu. Rồi ông yêu cầu những đối tượng ghi nhận sự minh bạch của họ bằng cách chuyển động mắt theo một tiêu chuẩn sắp sẵn. Khoảng hai mươi phần trăm đối tượng có thể thành tựu sự minh bạch trong trạng thái mộng của họ nhờ kỹ thuật này. Mới hơn Laberge đã phát minh một dụng cụ “ánh sáng giấc mộng” để đeo trên mặt như một chiếc mặt nạ và nhận ra những chuyển động nhanh của mắt đi cùng với việc mộng. Những chuyển động nhanh của mắt gây ra một ánh sáng cường độ nhẹ chớp tắt có thể báo cho người mộng là anh ta đang mộng.

Báo cáo sau đây của một người tham dự trong một hội thảo về tỉnh giác trong mộng, có thể minh họa hiện tượng tỉnh thức hay minh bạch trong một giấc mộng :

Sáng thứ tư, 13 tháng Giêng năm 1988, tôi trở nên ý thức rằng tôi đang mộng ; và tôi quyết định rằng việc tốt nhất là bay trong bầu trời. Tôi buộc mình vào một chiếc phản lực và chúng tôi lên rất cao vào tầng bình lưu. Rồi tôi có chuyến đi ngược lại mà tôi có thể treo vào đó để nhìn thế giới. Tôi nhìn xuống và thấy trái đất như một quả cầu lớn. Rồi tôi buông tay, sải đôi tay để lướt tốt hơn. Tôi ở rất cao (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) trong bầu trời, để thấy sự bao la và vẻ đẹp của đại dương nhìn từ trên cao.

Sau một lúc, tôi lướt xuống thấp, rất chậm, thấy mình ở trên một hòn đảo đẹp đẽ. Hòn đảo này gây cho tôi thích thú. Trời bắt đầu sáng, ánh sáng yên tĩnh cho phép nhìn thấy những cột buồm của những chiếc thuyền đậu ở hải cảng. Vượt khỏi những cột buồm và boong tàu màu trắng là những núi đồi bao quanh với những ngôi nhà trên đó. Một cảnh tượng đẹp đẽ và hùng vĩ, những con tàu và núi trong buổi sáng trong trẻo. Nó gợi nhớ một sự hỗn hợp của hai nơi tôi đã từng thấy trước đó. Ở Paxos, Hy Lạp có đậu nhiều thuyền, và Martin City, Cali-fornia, có những nhà xây trên đồi. Tôi tiếp tục nhìn quang cảnh này trước khi tôi rơi vào một loại mộng tổng quát hơn, trong đó tôi không kiểm soát được cái thấy hay xác định được điều tôi muốn làm.

Báo cáo này là điển hình cho những giấc mộng thấy mình bay. Trong một số trường hợp người nằm mộng trước tiên thấy mình đang bay, và rồi trở nên minh bạch và sau đó cố gắng bay. Kiểu mẫu chung khác mà người nằm mơ chia sẻ với những người nằm mơ minh bạch là cảm giác màu sắc và xúc cảm, cảm giác tham dự vào một kinh nghiệm đáng sợ và tráng lệ.

Tuy nhiên không phải mọi giấc mộng minh bạch đều rộng rãi, chan hòa. Kenneth Kelzer, một tác giả và một người có giấc mộng minh bạch, bình luận về chủ đề dai dẳng thấy mình ở trong một nhà tù trong một loạt những giấc mộng minh bạch ông đã có. “Biểu tượng phòng nhà tù trong ba giấc mộng này cho tôi một nhắc nhở căn bản rằng tôi còn là một người tù, còn làm việc để đạt được sự tròn vẹn của tự do tâm thức mà tôi nguyện ước.”(7)

NHỮNG GIẤC MỘNG VÀ TÂM LÝ HỌC CHIỀU SÂU

Trong thế kỷ này, sự bành trướng say sưa của kỹ thuật học kỹ nghệ xảy ra với giá rất đắt. Với những lý do phức tạp nó giúp cho sự phát sanh những cuộc thế chiến. Sự hủy hoại và mất mát lớn lao đời sống dẫn đến một câu hỏi về những giá trị – đặc biệt những giá trị tôn giáo và đạo đức. Chống lại bóng ma tận thế, sự tuyệt vọng của cái vô nghĩa, và những đổ nát thấy được của lễ nghi tôn giáo Tây phương, những tư tưởng gia đương thời tìm cách hiểu những công việc của tinh thần bằng cách nghiên cứu những hiện tượng ý thức như trí tưởng tượng và giấc mộng – như thế đã khai triển sự tiếp cận của tâm lý học chiều sâu. Thâm nhập và phát triển thức giác về những tiến trình vô thức được xem là có giá trị để chữa lành cho một tâm hồn rã rời, rối loạn.

Sigmund Freud, người xây dựng tâm lý học hiện đại của Tây phương, gọi sự làm việc với giấc mộng là “con đường huy hoàng vương giả đến vô thức”, và ông đã giúp cho sự đánh thức mối quan tâm vào giấc mộng. Tác phẩm có ảnh hưởng sâu xa về sau của ông, Sự Giải Thích Những Giấc Mộng, trình bày một đường lối căn bản từ lý thuyết phân tâm học Tây phương trước đó. Freud khẳng định rằng những giấc mộng là những đại diện tượng trưng của những ước muốn bị dồn nén, hầu hết thuộc về tính dục. Qua tiến trình “hoàn thành ước muốn”, người nằm mộng giải phóng sự “kích thích” của sự thôi thúc. Ông nghĩ giấc mộng được tổ chức một cách điển hình theo một đường lối ngụy trang hay tượng trưng bởi vì những ước muốn hoặc thôi thúc này là không thể chấp nhận trong xã hội.

Nhận xét rằng một giấc mơ đơn giản tiêu biểu một tổng số chất liệu cá nhân, Freud giả thiết rằng mỗi đặc tính hay yếu tố của giấc mộng là một biểu tượng cô đọng. Mê cung của ý nghĩa có thể được tháo gỡ qua một tiến trình liên hệ tự do. Những kỹ thuật liệt kê mọi liên hệ với một giấc mộng tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong các nhà phân tâm học hiện thời. Ít được biết là sự loan báo của Freud về sự hiện hữu của thần giao cách cảm trong trạng thái mộng. Điều này được xuất bản trong những bài thuyết trình về phân tâm học của ông vào năm 1916.

Carl Jung có lẽ là nhà tâm lý học Tây phương đầu tiên thích thú với Phật giáo(8) và tôn giáo Đông phương. Jung, một học trò thân cận của Freud, về sau đi lối khác với thầy mình. Jung giải thích rằng ông không thể chấp nhận sự nhấn mạnh thái quá của Freud vào gốc rễ tình dục đối với mọi dồn nén, cũng như với những quan điểm chật hẹp, chống lại tôn giáo của Freud. Jung xem libido là một năng lực tâm lý vũ trụ trong khi với Freud đó chỉ đơn giản là năng lực dục tình.(9)

Jung cũng giả thiết sự hiện hữu của một trí nhớ sâu xa, bao trùm những tính cách văn hóa có thể thâm nhập được nhờ những giấc mộng đầy năng lực. Ông đặt tên cho trí nhớ này là “vô thức tập thể” và xem nó là một nơi chứa phong phú và đầy năng lực trí nhớ tập thể của loài người.

Jung công nhận rằng những giấc mộng thường bù trừ cho sự mất quân bình của người nằm mộng trong đời sống thức của người đó và đem cái vô thức ra ý thức. Ông nhận xét rằng những cá nhân vận hành với một vài kiểu đặc trưng, chẳng hạn với cảm nhận hay trí năng, và trong một cách hướng nội hay hướng ngoại. Nếu một người chủ yếu là trí năng và mặt cảm nhận bị đè nén hay vô thức, những cảm nhận sẽ biểu lộ thường hơn trong đời sống giấc mộng của người đó. Một người thuộc loại cảm nhận, ngược lại, sẽ có những giấc mộng trí năng để bù trừ cho lý trí.

Fritz Perls, người sáng lập trường phái tâm lý học Gestalt, tuyên bố những giấc mộng là “con đường vương giả đến sự hội nhập”. Đối với Perls, mộng và tỉnh giác về mộng là thiết yếu để đi vào sự quân bình và sở hữu được mọi phần của nhân cách của mình. Ông đặt nền sự làm việc với giấc mộng trên giả thiết rằng mọi mặt của một giấc mộng nên được xem như những phóng chiếu của những phần hay những nhân cách của người mộng. Sự đóng góp của Perls vào sự làm việc với giấc mộng và trị liệu là ý thức sắc sảo của ông rằng vận hành thần kinh được gây ra bởi những phần không sở hữu được của chính mình. Ông gợi ý rằng chúng ta không sở hữu hay tha hóa chính mình bởi sự phóng chiếu và/hay dồn nén. Chúng ta có thể đòi lại những phương diện không được biết này của những nhân cách của chúng ta bằng cách làm hiện hành hay cường điệu những phần của một giấc mộng. Qua tiến trình này chúng ta nhận biết đầy đủ hơn những thái độ, những sợ hãi, ước muốn của chính chúng ta, như thế cho phép tiến trình cá nhân hóa và trưởng thành không bị cản trở.

Thí dụ gây ấn tượng sau đây về sự hiện hành của một phần giấc mộng theo kiểu chữa trị Gestalt sẽ minh họa kỹ thuật của Perls về làm việc với giấc mộng. Người phụ nữ kể lại một giấc mộng trong đó một bình xịt nhỏ là một trong nhiều món để trên bàn trang điểm, và bà lần lượt cường điệu hóa các món khác nhau. Khi đến cái bình xịt, bà kêu lên, “Tôi bị một áp lực lớn lao. Tôi cảm thấy mình sắp nổ tung.” Sự hiện hành của giấc mộng này cung cấp một phản hồi nhanh chóng và rõ ràng về một vấn đề không giải quyết được của cuộc đời bà.

Một trường phái khác của tâm lý học hiện thời xem trọng kinh nghiệm giấc mộng được Medard Boss đại diện. Boss xem giấc mộng là một thực tại cần được hiểu như một giai đoạn tiểu sử. Trong tiến trình hiểu những giấc mộng của người ta, Boss khuyến khích người mộng kinh nghiệm thực sự và ở trong khoảnh khắc độc nhất ấy.

Không phải tất cả nhà tâm lý học đều công nhận tiềm năng to lớn của sự làm việc với giấc mộng ở một mức độ cao cấp. Chẳng hạn, trong trường phái hiện tượng luận do Bross và Keny chủ xướng, những giấc mộng được xem là tạo lập một “cái nhìn mờ ảo và chật hẹp về thế giới”, và là “cá nhân, thiếu kém và hạn hẹp so với trạng thái thức”. Trường phái những liên hệ đối tượng như Fairbairin tiêu biểu xem những giấc mộng là những hiện tượng loạn tinh thần, nồi thập cẩm của những lo lắng, ước muốn và thái độ.

Một số lý thuyết khoa học hiện thời cũng đi xa hơn trong việc phủ nhận nguyên lý tổ chức ý nghĩa trong trạng thái mộng. J. Allen Hobson của Trường Y khoa Harvard đề nghị trong cuốn sách Trí Óc Mộng một “bộ phận phát sanh trạng thái mộng” nằm trong cuống não. Bộ phận phát sanh khi làm hoạt động nhưng nơ-ron “lửa” một cách ngẫu nhiên và bộ não tìm cách làm cho những dấu hiệu yếu ớt đó có ý nghĩa bằng cách tổ chức chúng thành câu chuyện mộng. Những người khác đã đề nghị những giải thích mang tính cơ học tương tự về những hiện tượng mộng. Crick và Mitchison gợi ý rằng những giấc mộng xảy ra để trừ bỏ thông tin vô ích. Những nối kết không quan trọng và tạm thời được đem vào như vậy được thải bỏ và quên đi.

Những lý thuyết kế tiếp của Sagan và những người khác cố gắng giải thích những hành vi sáng tạo nổi tiếng nhất sanh trong trạng thái mộng đã đề nghị rằng những giấc mộng như vậy phát sanh từ hoạt động không bị ngăn cấm của não phải. Theo lý thuyết này, não trái thường thống trị vào ban ngày, sẽ bị dồn nén khi những giấc mộng hoạt động. Kết quả là, não phải ít bị ngăn cấm và trở nên trực giác và sáng tạo một cách kỳ diệu. Lý thuyết này giải thích chẳng hạn sự khám phá của Kekule về phân tử benzen như một thí dụ của sự khéo léo của não phải chủ yếu về nhận biết ngược với hoạt động phân tích hơn của não trái. Lý thuyết này, dù thú vị, cũng không giải thích được mọi loại thần giao cách cảm và những giấc mộng sáng tạo.

John Grant, một chuyên gia về nghiên cứu giấc mộng, mới đây đã có những cố gắng đáng kể cho những giải thích đối với sự thần giao cách cảm trong mộng. Kết luận của ông sau nhiều cố gắng vạch trần những đòi hỏi cảm xúc là chỉ có chín mươi lăm phần trăm thần giao cách cảm trong mộng và những giấc mộng báo trước tương lai có thể giải thích được theo những định luật và khoa học đã biết. Sự thống kê của riêng ông và sự bất lực trong việc giải thích năm phần trăm những giấc mộng khác thường kia tham dự vào tương lai thì rất trùng hợp với lý thuyết hiện tượng mộng của Norbu Rinpoche. Lý thuyết này công nhận vừa cả những giấc mộng thông thường mà nguồn gốc là những ước muốn và những lo âu của chúng ta, cũng như cả những giấc mộng loại sáng tỏ và sáng tạo sanh khởi từ tỉnh giác.

Nhiều cách tiếp cận khoa học và phân tích còn tranh cãi rằng nội dung của tất cả các giấc mộng chỉ là hỗn loạn hay tượng trưng và gồm một thùng hổ lốn những lo âu, ước muốn và thái độ. Kết quả là những người làm việc với giấc mộng hiện thời ở Tây phương nói chung không nhận biết hay hiểu những khả năng của sự làm việc với giấc mộng có trong những xã hội truyền thống. Khi tâm lý học chiều sâu của Tây phương làm việc với giấc mộng như một lối tiếp cận với sức khỏe tinh thần của cá nhân, sự hiểu biết của nó về những khả năng làm việc với giấc mộng bằng sự cải thiện, là còn hạn chế. Những khả năng khác và sự cần thiết xác định những ưu tiên xuất hiện khi chúng ta thám hiểm những hệ thống làm việc với giấc mộng trong những nền văn hóa khác.

LÀM VIỆC VỚI GIẤC MỘNG 
TRONG NHỮNG NỀN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Những hệ thống cho sự làm việc với giấc mộng và tỉnh giác trong mộng được tìm thấy hàng nghìn năm trước trong Phật giáo, Lão giáo, Ấn Độ giáo, Su-fi giáo, và những văn hóa truyền thống trên khắp thế giới.(10) Những hệ thống làm việc với giấc mộng này đã và thường vẫn còn được che phủ trong màn bí mật và chỉ dành cho người nhập môn. Những kinh nghiệm mộng được kể lại của những người dân có truyền thống mà văn hóa của họ tương đối còn nguyên vẹn có thể mở rộng tầm hiểu của chúng ta về những khả năng của sự làm việc với giấc mộng và tỉnh giác trong mộng, gồm những hiện tượng minh bạch, thần giao cách cảm, và những giấc mộng báo trước.

Những Thổ Dân Úc tin vào sự hiện hữu của tổ tiên, họ có năng lực hơn người còn sống, và được xem là có thân thể khác với người như tảng đá, gốc cây hay một hòn đảo. Theo những tác giả của một cuốn sách tổng hợp về văn hóa Thổ Dân, Mộng, Nghệ Thuật của Úc Châu Thổ Dân biên tập bởi Peter Sutton, chiều kích tâm linh trong đó những sinh thể này hiện hữu được diễn tả là “Thời gian mộng”. Những tổ tiên, được biết như “những Người mộng”, có thể tiếp xúc nhờ giấc mộng. Điều này nhấn mạnh niềm tin của người Thổ Dân vào nhiều loại sinh thể và những chiều kích chuyển tiếp trong đó những loại sinh thể này cư ngụ.

Đáng ghi nhận là những niềm tin Thổ Dân về những bản văn, nghệ thuật và những bài ca, chúng đến từ những giấc mộng. Một bài ca, câu chuyện, bức vẽ hay các sáng tác phẩm khác được nhận trong một giấc mộng như là sản phẩm của sự sáng tạo nguyên gốc từ một tổ tiên. Những tặng vật nghệ thuật này được xem là truyền dẫn theo kênh hơn là những sáng tạo của con người. Trong bộ lạc người mộng được tôn kính như một kênh dẫn qua đó minh triết của tổ tiên được truyền đạt, chứ không phải người phát sanh ra minh triết đó. Theo những huyền thoại và những chuyện kể về giấc mộng của người dân Bản Địa, những sản phẩm nghệ thuật đã đến trong những giấc mộng từ thời xa xưa và tiếp tục làm phong phú văn hóa Thổ Dân ngày nay.

Dân Senoi mà ngày nay gọi là Malaysia cho chúng ta một thí dụ về một chủng tộc truyền thống đặt cho sự làm việc với giấc mộng sáng tạo một giá trị cao khác thường. Patricia Garfield trong cuốn sách Mộng Sáng Tạo của bà trình bày những kỹ thuật mộng của người Senoi theo nhà nhân chủng học Kilton Stewart. Theo Stewart, người Senoi chú tâm khác thường vào công việc mộng và phát triển những phương pháp khúc chiết để ảnh hưởng và rút cảm hứng sáng tạo từ những giấc mộng – nhờ sự tăng cường, tự gợi ý, và thảo luận hàng ngày về những giấc mơ của họ. Bác sĩ Garfield tóm tắt những mục đích then chốt của sự làm việc với giấc mộng như sau : đối mặt và vượt qua nguy hiểm ở trong một giấc mộng, và làm cho giấc mộng có một kết quả tích cực hay sáng tạo. Những kết quả hòa nhập của công việc này rất có thể là một nguyên nhân cho sự xảy ra sự rối loạn trí óc. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu về sau không đồng ý với lời tuyên bố của Stewart rằng xã hội Senoi tiến gần đến một lý tưởng không tưởng.

Có lẽ người Senoi có một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kiểm soát giấc mộng bởi vì tầm quan trọng họ đặt cho những khả năng này. Những nhà nghiên cứu hiện thời tường trình rằng khả năng ảnh hưởng đến những giấc mộng hướng đến những kết quả tích cực có vẻ có những hiệu quả như tăng cường tự tin và tính sáng tạo.

Tiềm năng sáng tạo của những giấc mộng được đánh giá cao trong văn hóa truyền thống Tây Tạng. Trong Phật giáo Tây Tạng có một loại giấc mộng được đặt tên là Milam Ter hay “kho tàng mộng”. Những kho tàng này là những giáo pháp được xem là sự sáng tạo của những bậc giác ngộ. Những giáo pháp được che dấu hay cất kín một cách có chủ ý để làm lợi lạc cho những thế hệ tương lai. Như một chứng tỏ cho sự minh triết của chúng, những vị tạo ra những kho tàng này thường tiên tri tên của người sẽ khám phá ra chúng và thời gian khám phá.

Những hệ thống Phật giáo và đạo Bon(11) về sự tu tập tỉnh giác trong giấc mộng xuất hiện đã hàng ngàn năm, theo Norbu Rinpoche và Lopon Tenzin Namdak.(12) Trong phỏng vấn trình bày trong cuốn sách này, Namkhai Norbu Rinpoche bình luận rằng tu tập tỉnh giác trong mộng được thảo luận rộng trong bản văn rất cổ Mahamaya Tantra, tên tác giả không được biết đến. Khenpo Palden Sherab, một học giả Phật giáo có tiếng, đồng ý rằng những tantra là xưa cổ không thể nghĩ bàn. Theo Khenpo, nhiều ngàn năm trước đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những tantra đã được các đức Phật thời quá khứ dạy cho cả loài người và loài không phải người.

Chẳng hạn, hãy xem kinh nghiệm mộng lạ thường Namkhai Norbu Rinpoche đã có khi nhập thất ở Massa-chussetts mùa hè năm 1990. Đêm này qua đêm khác một người đàn bà mà Rinpoche xem là một dakini(13) xuất hiện trong giấc mộng của ngài và dạy ngài một bộ phức tạp những điệu múa với những bước chân rắc rối cho khoảng ba mươi sáu vũ công. Mỗi ngày Rinpoche viết ra những bài học từ những giấc mộng của đêm trước. Ngài cũng dạy một nhóm học trò của ngài điệu múa này, nó đi kèm một bài ca đặc biệt để làm sâu thêm thiền định. Bản thân giai điệu thì được nhận trong giấc mộng khác vào những năm trước. Nghe trực tiếp chuyện kể về những giấc mộng này, và đã tham dự vũ điệu tinh tế này, tôi chỉ có thể nói rằng kinh nghiệm của Rinpoche thì sâu xa vượt khỏi ngôn ngữ.

Vừa sau sự nhập thất của Rinpoche, ngài được một vị thầy Mỹ Bản Địa có tên là Sấm Sét đến thăm. Sấm Sét là hậu duệ của một dòng lâu dài Y Học Mỹ Bản Địa gồm những người chữa trị. Sau khi nghe những câu chuyện về điệu múa của Rinpoche và xem những tấm ảnh khi chúng tôi học nó, bà nhận xét rằng nó giống với Điệu Vũ Hồn Ma của người Mỹ Bản Địa.

Những giấc mộng Norbu Rinpoche kể lại sau đây có thể giúp minh họa tiềm năng con người trong trạng thái mộng khi tỉnh giác phát triển.

Năm 1959 tôi đã rời Tây Tạng đến Sikkim. Tình cảnh ở trong Tây Tạng trở nên xấu đi nhanh chóng. Tôi càng lo âu cho những người trong gia đình ở Tây Tạng. Nhiều người trong chúng tôi cầu nguyện Tara xin giúp đỡ. Chính trong thời gian này tôi có giấc mộng sau đây :

Tôi đang đi bộ qua một vùng núi non. Tôi còn nhớ những cái cây và hoa đẹp. Gần đường đi có những con thú hoang nhưng chúng hiền từ với tôi. Tôi ý thức rằng tôi đang trên đường đến chùa của Tara ở trên núi phía trước mặt. Tôi đến một chỗ gần chùa, nơi có một miếng đất với nhiều cây và hoa đỏ. Cũng có một cô gái trẻ khoảng mười một mười hai tuổi.

Khi cô gái trẻ thấy tôi, cô lập tức đưa cho tôi một bông hoa đỏ, và hỏi tôi đi đâu. Tôi trả lời, “Tôi đến chùa Tara để cầu nguyện cho Tây Tạng.” Cô nói, “Ông không cần đến chùa, chỉ nói lời cầu nguyện này.” Rồi cô lập lại nhiều lần cho tôi một lời cầu nguyện, bắt đầu bằng, “Om Jetsumma...” Tôi bắt đầu đọc lời cầu nguyện này, lập lại nó khi đang cầm bông hoa. Tôi lập lại nhiều lần, rồi tôi thật sự tỉnh giấc khi nói lớn lời cầu nguyện.

Vài năm sau tôi có một giấc mộng liên quan đến việc này. Trong giấc mộng, tôi lại thấy mình nơi miếng đất đánh dấu sắp đến chùa của Tara. Cũng như giấc mơ trước, nhưng không có cô gái trẻ. Tôi nhìn phía trước tôi, và có một ngôi chùa trên đỉnh núi. Tôi tiếp tục hành trình cho đến khi đến nơi. Đó là một ngôi chùa giản dị, không vẽ hay trang hoàng đẹp đẽ. Nó hướng về hướng Tây.

Tôi đi vào và nhận thấy trên vách có một bức vẽ mạn đà la Shitro một trăm vị hóa thần hòa bình và hung nộ. Trên giá sách có nhiều sách Tây Tạng, gồm Tanjur và Kanjur. Tôi nhìn qua bộ sách và thấy một người Tây Tạng ở cửa. Ông mặc giống một vị lama, nhưng không hoàn toàn giống. Ông nói với tôi, “Anh có thấy Tara đang nói chưa ?”

Tôi trả lời tôi chưa thấy Tara đang nói, nhưng tôi muốn thấy. Người đàn ông dẫn tôi đến một phòng có những bức tượng. Khi ông hướng về cánh cửa để đi ra, ông nói, “Tara đang nói ở đây.” Tôi không thấy gì cả, nhưng rồi tôi nhận thấy người đó nhìn lên một đỉnh cột trụ. Tôi trông theo, và ở trên đỉnh cột trụ là một bức tượng Tara Lục. Ngài được tượng trưng là một em bé khoảng bảy, tám tuổi. Đó là một bức tượng đẹp, nhưng tôi không nghe tượng nói, và sau đó tôi thức dậy.

Chương tiếp theo trong câu chuyện này không phải là một giấc mộng. Năm 1984 tôi đi lên phía Bắc Nepal hướng đến Tu Viện Tolu, tôi nhận ra miếng đất trong giấc mộng, nơi cô gái đưa tôi bông hoa và lời cầu nguyện. Tôi nhìn lên và có một ngôi chùa. Khi tôi đến, mọi sự đúng như trong giấc mộng. Tôi bước đến cột trụ và tìm kiếm “Tara đang nói”. Bức tượng không có ở đó. Đó là chi tiết duy nhất khác với giấc mộng. Không lâu sau đó, tôi nghe có một học trò của tôi cúng dường chùa một tượng Tara Lục được đặt trên đỉnh cột trụ như là một tưởng niệm. Nếu ngày nay bạn du lịch đến chùa ấy bạn có thể thấy nó ở đó.

PHÁT TRIỂN TỈNH GIÁC TRONG GIẤC MỘNG

Khả năng phát triển tỉnh giác trong trạng thái mộng và có từ đó những kinh nghiệm cảm ứng cũng như khả năng kiểm soát giấc mộng được biên chép khá nhiều. Những thực hành phác họa ở sau trong cuốn sách này làm cho có thể đưa đến việc mộng ở mức độ cao cấp hơn.(14) Những so sánh xuyên qua các nền văn hóa chỉ rõ sự hiện hữu của một loại kinh nghiệm mộng đã thúc đẩy tiến bộ văn hóa và tôn giáo nhân loại. Những giấc mộng này, mà Norbu Rinpoche ám chỉ là những giấc mộng sáng tỏ, có vẻ khởi sanh từ sự tập trung mãnh liệt tâm thức vào một vấn đề hay chủ đề đặc biệt, cũng như qua thiền định và nghi lễ. Những kết quả đáng kinh ngạc, sáng tạo hay siêu việt thường khởi lên từ những giấc mộng đặc biệt này, một số trong đó có thể được truyền theo kênh.

Trong một hội thảo tỉnh giác trong giấc mộng tôi hướng dẫn năm 1989, một người tham dự kể lại giấc mộng sau đây : “Khi tôi là một đứa bé tôi thường có một giấc mộng tái diễn : có một người già, lùn và xấu xí làm tôi sợ hãi. Mỗi khi ông xuất hiện tôi bỏ chạy nhưng không biết chạy đâu trong cơn ác mộng, hay muốn ngất khi bỏ trốn. Cuối cùng trong một giấc mộng tôi trở nên rất bực mình và quyết định không muốn bị đe dọa nữa. Tôi quay lại phía ông ta và nói với ông ta rằng ông chỉ là một phần của giấc mộng của tôi. Khi làm thế tôi không sợ ông ta chút nào. Giấc mộng không bao giờ trở lại sau buổi đó.”

Thậm chí những kinh nghiệm mộng tương đối thứ yếu của chính tôi đôi khi có vẻ ủng hộ cho khả năng những giấc mộng dự báo tương lai. Chẳng hạn, năm vừa rồi tôi tham dự một buổi thể thao với hai người bạn. Tôi rất ấn tượng bởi sân vận động đầy màu sắc. Đêm ấy tôi mơ thấy một người chơi bóng chày. Hình của anh ta trên trang đầu một tờ báo. Tôi cố gắng đọc và nhớ. Sáng hôm sau tôi tôi chỉ còn nhớ tên Clark. Vừa thức dậy tôi đi tìm tờ New York Times, như thói quen bình thường, và khám phá một tấm ảnh của Will Clark, một đấu thủ bóng chày, trên trang đầu. Có thể bạn biện luận rằng đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu thế, bạn cũng biện luận như Aristotle đã làm để chống lại Heraclitus, người tin vào giấc mộng báo trước. Không kể gì giấc mộng của tôi về Will Clark có là tiên tri hay không, bản thân tôi đi đến chỗ tin rằng trong loại giấc mộng sáng tạo cấp cao hơn, có một phạm trù báo trước tương lai.

Nếu thực sự như vậy, điều ấy gợi ý rằng tương lai là đang có theo một cách nào đó trong hiện tại. Trong Phật giáo Tây Tạng, đạo Bon, và những truyền thống khác, những người giác ngộ được xem là có khả năng thấy quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nếu quả thực rõ ràng có một loại những giấc mộng cấp cao hơn, những câu hỏi sẽ sanh ra về việc người ta có thể khai triển khả năng của mình đối với chúng như thế nào và có hay không những nguyên nhân (vượt khỏi khả năng tăng thêm tính sáng tạo của chúng) để trau dồi khả năng này. Theo truyền thống Dzogchen (Đại Toàn Thiện) của Tây Tạng, chìa khóa để làm việc với những giấc mộng là sự khai triển tỉnh giác lớn hơn trong trạng thái mộng. Đây là cấp độ tỉnh giác phân biệt sự mộng bình thường so với quả tối hậu của sự chứng ngộ toàn triệt với trạng thái mộng. Norbu Rinpoche bàn luận sự khác biệt này trong chương về sự thực hành ánh sáng tự nhiên.

Trong một đêm, có khoảng tám giờ để ngủ, trong đó hai giờ hay hơn nữa có thể được dùng để nằm mộng. Chúng ta có thể nhớ lại những giấc mộng từ mỗi thời ấy không ? Chúng ta nhớ những chi tiết rõ ràng ra sao ? Một cá nhân không tỉnh giác với những giấc mộng của mình, không thể nhớ nhiều, đã hy sinh phần lớn sự tỉnh giác của mình trong cuộc đời. Người này bỏ lỡ cơ hội khám phá những chiều sâu phong phú và màu mỡ của tâm linh cũng như phát triển về tâm linh. Chúng ta hãy xem thông điệp của lời cầu nguyện Phật giáo này :

Khi trạng thái mộng ló dạng,
Chớ nằm trong vô minh như một xác chết.
Hãy đi vào cõi giới tự nhiên của tỉnh táo không dao động.
Hãy nhận biết những giấc mộng của con và chuyển hóa ảo tưởng thành quang minh.
Chớ ngủ như một con vật.
Chớ thực hành trộn lẫn ngủ và thực tại.

Không nghi ngờ rằng những giấc mộng minh bạch và những kinh nghiệm sáng tỏ là những cơ hội hấp dẫn ích lợi cho sự tự trọng, hợp nhất của nhân cách và vượt khỏi sợ hãi. Cũng cần thiết đặt những cơ hội xảy ra đó trong bối cảnh tìm tòi sự chuyển hóa tâm linh hay giác ngộ. Chừng nào một nền văn hóa như văn hóa của chúng ta có khuynh hướng đánh giá kinh nghiệm chỉ cho kinh nghiệm, thì có mối nguy hiểm lầm lẫn cho những cái cây là rừng.

Một lama từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng so sánh sự theo đuổi kinh nghiệm giấc mộng minh bạch với những trò chơi giải trí thuần túy, trừ phi kinh nghiệm sanh khởi như một sản phẩm phụ của sự khai triển tính sáng tỏ thiền định của một cá nhân qua thực hành Dzogchen ban đêm về ánh sáng trắng hay yoga giấc mộng Mật thừa. Dù kinh nghiệm giấc mộng minh bạch có vẻ có giá trị tương đối, từ viễn cảnh Phật giáo sự ích lợi của nó là giới hạn trừ phi cá nhân biết làm thế nào áp dụng tỉnh giác minh bạch trong những trạng thái sau khi chết của Bardo Chonyid và Bardo Sipa.

Trong phái Dzogchen, đã hàng ngàn năm quen thuộc với những kinh nghiệm giấc mộng minh bạch cũng như những hiện tượng siêu tâm lý như thần giao cách cảm và biết trước, có một khuyên bảo vĩnh hằng từ thầy đến trò là người ta phải không bám chấp vào kinh nghiệm. Điều này ngược với khuynh hướng Tây phương cho kinh nghiệm là giá trị cho chính nó. Những cách tiếp cận Tây phương cũng khuyến khích một phân tích có hệ thống về nội dung của những giấc mộng, trong khi những vị thầy Dzogchen khuyến khích người thực hành chớ bám vào những hiện tượng giấc mộng.

Dù những ích lợi tương đối từ sự khảo sát rộng rãi chủ đề giấc mộng có vẻ rõ ràng, những ích lợi ấy chỉ đối với người sơ học. Đối với người thực hành cao cấp, bản thân tỉnh giác có giá trị tối hậu hơn kinh nghiệm và nội dung, bất kể mang tính sáng tạo bao nhiêu. Những vị thầy lớn đã thuật lại rằng những giấc mộng đã hoàn toàn ngừng dứt khi tỉnh giác trở thành tuyệt đối, tất cả được thay thế bằng sự sáng tỏ quang minh của một bản tánh không thể diễn tả.

Sự trình bày những kỹ thuật dành cho sự làm việc với giấc mộng từ những truyền thống cổ xưa này là quan trọng bởi vì những truyền thống cổ xưa ấy có nguy cơ biến mất. Dù cho đã có nhiều cuốn sách viết về chủ đề tổng quát những giấc mộng, vẫn chỉ có một số ít đặt sự làm việc với giấc mộng vào một bối cảnh tâm linh. Những vị thầy Phật giáo, đạo Bon và Lão giáo đã nói với tôi rằng tình hình đó đã khiến họ có những quyết định dạy công khai hơn.

Trong một đường lối cá nhân, chương trình này nhằm để tập trung sự chú ý vào năng lực và sự phong phú của việc duy trì tỉnh giác suốt trong thời gian ngủ thường bị để mặc. Dù hoàn cảnh chúng ta ra sao, nếu chúng ta trau dồi khả năng này, chúng ta có được một viên ngọc như ý. Ở Tây phương sự thăm dò khoa học về giấc ngủ và giấc mộng là hoàn toàn mới, nhưng trong cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn, khoa học bí ẩn của tỉnh giác trong mộng và sự thăm dò đã được yêu chuộng từ hàng ngàn năm.

Những nhà tâm lý học tiền phong của thế kỷ hai mươi đã bình giảng về hiện tượng mộng. Sigmund Freud gọi những giấc mộng là “con đường vương giả đến vô thức”, và Fritz Perls gọi chúng là “con đường vương giả đến hợp nhất”. Trong cách của chúng những xác nhận này có thể đúng, nhưng chúng bị lu mờ bởi khả tính rằng tỉnh giác với những giấc mộng là một con đường đến giác ngộ.

Tôi biết ơn dịp may được phụ giúp vào sự biên chép những kinh nghiệm giấc mộng phi thường và những giáo lý về trạng thái mộng của vị thầy Dzogchen Namkhai Norbu Rinpoche.

Michael Katz
New York City
23 tháng Tư, 1991

CHÚ THÍCH CHO LỜI GIỚI THIỆU

1. Chất kích thích thần kinh ảnh hưởng tâm thức, đôi khi khởi dẫn những cái nhìn thấy hay ảo giác. Được dùng bởi những shaman (thầy pháp) trong những văn hóa bản địa để tiếp xúc với thế giới hồn linh, những chất kích thích thường được dùng trong những nghi lễ chữa lành. Những chất đó chẳng hạn là peyote và vài loại nấm và xương rồng.

2. Những thần linh âm phủ được xem là sống dưới đất và liên hệ với nông nghiệp và sự màu mỡ của vùng đất. Những người tiền-Hy Lạp, tức là một văn hóa mẫu hệ, thờ cúng những thần linh này. Những thần linh ấy có thể so sánh với những thần bảo vệ địa phương mà người Tây Tạng tin là ở những nơi chốn đặc biệt.

3. Aesclepius (người La Mã gọi là Aesculapius) là con của thần Apollo và được con quái vật người ngựa Chi-ron nuôi trong hang của nó. Aesclepius trở thành một y sĩ vĩ đại và bỏ hang của Chiron để cứu giúp người dân Hy Lạp. Là một người chữa bệnh tài ba, người Hy Lạp thờ ông như là một vị thần và xây nhiều đền tôn vinh. Trong những đền này, Aesclepius có vẻ sắp đặt những giường cho người bệnh, như vậy đã thiết lập những bệnh viện đầu tiên. Ông bước đi với một cây gậy bện bằng những con rắn thiêng (biểu tượng hiện đại của y học), những con rắn này được xem là biết những nguyên nhân và những cách chữa bệnh. Đôi khi ông làm cho những bệnh nhân ngủ bằng một “ngọn gió huyền thuật” và nghe điều họ nói trong giấc mộng của họ. Thường thường lời họ nói giải thích cái gây ra sự ốm đau, và từ thông tin này ông có thể cho một cách chữa. Những thầy tế lễ tiếp tục cầu nguyện ông sau khi ông chết, và ông tiếp tục xuất hiện trong những giấc mộng của những người bệnh để cho họ lời khuyên về cách chữa trị.

4. Shaman, thầy pháp là một từ Siberia phát xuất từ hình thức cổ điển của thuật bùa chú ở Nam Á châu. Qua những nghi lễ, ca hát, đánh trống và chất kích thích thần kinh, những thầy pháp đi vào xuất thần để chữa bệnh và bói toán.

5. Từ Những Tác Phẩm của Aristotle Dịch Sang Anh Ngữ, xuất bản W. D. Ross (Oxford : Clarendon Press, 1931), Vol 1, Chương 1.

6. Laberge, Kelzer và những nhà nghiên cứu giấc mộng khác đã tìm cách phát triển và tập hợp những phương pháp để khơi dẫn sự nằm mộng minh bạch. Những phương pháp này gồm việc trực tiếp đi vào sự mộng nhờ tập trung một cách tự nhiên vào hình ảnh xảy ra do thôi miên trước khi vào giấc ngủ (xem Kelzer, Mặt Trời và Bóng, trang 144), và tự kỷ ám thị mà người mộng sẽ tức thời trở nên minh bạch trong việc nhận biết những điều phi lý trong trạng thái mộng. Chẳng hạn, người biên tập mới đây có một giấc mộng trong đó ông nhận thấy một người và một con chó tìm cách nhảy từ mái nhà này sang mái nhà kia nhưng không được và rớt theo một cách không phù hợp với luật trọng lực. Sự tỉnh giác về sự phi lý này là một phần của một giấc mộng minh bạch.

Những phương pháp khác gồm những cách khác nhau dùng tự kỷ ám thị để có sự minh bạch trong giấc mộng. Steven Laberge (xem Mộng Minh Bạch, trang 48-78) đặc biệt hoạt động cho sự hệ thống hóa những kỹ thuật này. Sự đưa vào giấc mộng minh bạch bằng cách nhớ gồm sự thức dậy trong đêm sau khi mộng, đặc biệt là những điều phi lý, và làm một gợi ý mạnh mẽ rằng nếu một điều phi lý hay dấu hiệu mộng xuất hiện trở lại người ta sẽ tức thời trở nên minh bạch. Trong kỹ thuật này người ta giữ ý định trở nên minh bạch tức thời trước khi trở lại ngủ. Laberge tường trình rằng sự hiệu quả của kỹ thuật này được nâng cấp bởi sự sử dụng đồng thời những lời khuyên kỹ thuật như kính bảo hộ mắt chớp lên ánh sáng cường độ thấp theo những chuyển động nhanh của mắt khi bắt đầu mộng.

Một kỹ thuật khác được các nhà nghiên cứu mộng bàn luận là thử trạng thái. Từ này ám chỉ sự thực hành tự hỏi mình vào những khoảng thường xuyên trong ngày, đồng thời phân tích hoàn cảnh để có sự trả lời chắc chắn. “Thử và phê phán trạng thái” (Mộng Minh Bạch, trang 58) trong nhiều trường hợp đã dẫn đến một tiến trình thử tương tự trong giấc mộng, và rồi đến sự minh bạch.

Những kỹ thuật tìm cách khơi dẫn sự minh bạch này trái ngược với sự thực hành ánh sáng tự nhiên trong những truyền thống Phật giáo, đạo Bon và Lão giáo như Norbu Rinpoche bàn luận, chúng đặc biệt không chú tâm vào sự phát triển sự minh bạch mà xem sự minh bạch là một phó sản tự nhiên của sự khai triển tỉnh giác và hiện diện.

7. Những diễn tả kinh nghiệm giấc mộng minh bạch này là dễ sợ và có tính giải thoát, hay có thể xem giấc mộng minh bạch của Kelzer bị nhốt trong tù là để nhắc nhở ông nhu cầu làm sao đạt đến “sự tròn vẹn của tự do tâm thức mà tôi nguyện ước”, có vẻ giống như chủ đề trong “Ẩn dụ cái Hang” của Plato.

Trong triết lý này, Plato diễn tả những người đang ở trong hang trở nên quen với những cái bóng câm lặng phản chiếu trong hang. Người ở trong hang không biết có một thực tại hùng vĩ, sinh động hơn, và nghi ngờ sự xác thật của mặt trời.

Những diễn tả những giấc mộng minh bạch có một cường độ phi thường, giàu màu sắc và những cảm giác khác có thể gợi lên một “mùi vị của giác ngộ”. Có lẽ người mộng tạm thời phá vỡ những kiểu thức bị quy định theo thói quen thường thống trị tri giác, ám chỉ việc đang sống trong hang.

8. Sự thích thú với Phật giáo và triết học Đông phương của Jung là khá lớn để cho ông viết lời đề tựa cho bản dịch lần thứ nhất của cuốn sách về cái chết của Phật tử Tây Tạng, Bardo Thodol. Nhưng không may, do những sự dịch sai lầm trong xuất bản Sách Tây Tạng về Đại Giải Thoát bởi Evans Wentz, Jung không hề có một cái hiểu về giáo lý Đại Toàn Thiện Dzogchen qua bản văn trong đó. Sự hiểu lầm của Evans Wentz về Dzogchen đưa ông đến sự dịch sai, như “bản tánh thanh tịnh bổn nguyên của tâm” thành “một tâm”.

Do đó Jung giải thích sai lầm “một tâm” như ám chỉ đến vô thức, điều này không thể được. Bản tánh thanh tịnh của tâm nói đến giáo lý cột trụ của Phật giáo, Đại Toàn Thiện. Hương vị của thực hành Dzogchen được diễn tả sau này trong cuốn sách này của Namkhai Norbu, và cũng trong bản văn gốc của thiền sư Tây Tạng Mipham (1846-1914).
Cho một sự thảo luận thấu triệt về sự hiểu sai nói ở trên, độc giả có thể đọc bản dịch lại mới đây cuốn Sách Tây Tạng về Đại Giải Thoát của John Reynolds.

9. Không rõ đến mức nào Jung đã bị ảnh hưởng trong ý niệm của ông về năng lực tâm linh vũ trụ bởi những lý thuyết Phật giáo Mật thừa và Lão giáo về năng lực bên trong, gọi là “lung”, “prana” và “khí” của Phật giáo Tây Tạng, Ấn Độ giáo và Lão giáo theo thứ tự.

Trong hệ thống Mật thừa Anu Yoga, “lung” hay không khí bên trong được nói là lưu thông qua những kinh mạch bên trong gọi là “tsa”. Theo Norbu Rinpoche và các lama khác trong truyền thống Dzogchen, “lung” có thể được tịnh hóa và lưu thông theo những con đường bên trong đặc biệt. Nhưng phương pháp hoàn thành những mục tiêu này là những bài tập hơi thở tỉ mỉ và những bài tập thân thể. Những bài tập này được gọi là Yantra Yoga, hay Tsa Lung.

10. Ngày nay rõ ràng là có nhiều dân tộc gọi là sơ khai với những đường lối khúc chiết để giải thích và thao tác với giấc mộng. Điều có vẻ giống nhau là từ hàng ngàn năm một số ít người được nhập môn trong các nền văn hóa khác nhau đã thực hành thao tác với giấc mộng, mộng minh bạch và hơn nữa, trong khi hầu hết người bình thường – như hiện giờ – ngủ một cách không có ý thức.

11. Đạo Bon hay Yung-drung Bon : Những giáo lý được tìm thấy trong trường phái Bon phát sanh từ Phật Tenpa Shenrab, xuất hiện trong thời tiền sử ở Trung Á. Bon nghĩa là lời dạy hay pháp, và Yung-drung nghĩa là vĩnh cửu hay không thể hủy hoại. Yung-drung thường được tượng trưng bằng một chữ Vạn xoay theo chiều trái. Hướng trái tượng trưng cho nguồn gốc mẫu hệ của Tây Tạng (trái liên hệ đến năng lực nữ, phải là nam). Yung-drung là một biểu tượng của cái bất khả hoại của những giáo lý Bon như dorje (vajra) trượng kim cương là biểu tượng của những giáo lý Phật giáo Mật thừa.

Yung-drung Bon cũng được biết là Bon Mới. Lopon Tenzin Namdak phân biệt hai giai đoạn phát triển của đạo Bon. Giai đoạn thứ nhất là “Bon Cũ” hay “Bon Nguyên Thủy”, tương tự với pháp thuật Bắc Á. Giai đoạn thứ hai là Yung-drung Bon với nguồn gốc của nó trong những giáo lý của Phật Tenpa Shenrab.

Tenzin Namdak sinh ở miền Đông Tây Tạng và được giáo dục ở Menri, Tu Viện chủ quản của đạo Bon ở Trung Tây Tạng. Năm 1959 ông trở thành một Lopon, trưởng của những nghiên cứu hàn lâm và dẫn một đoàn các tu sĩ Bon qua Ấn Độ. Trong đầu những năm 1960, ông tổ chức cộng đồng đạo Bon ở Dolangi Himachal Pradesh, và xây dựng một tu viện và một trường lama ở đó. Ông là vị thầy trưởng và là học giả đạo Bon cao nhất trong những người Tây Tạng ở nước ngoài. Lopon Tenzin Namdak là người giảng cho David Snellgrove viết cuốn Chín Đường Lối của đạo Bon. Lopon sống ở Anh ba năm và nói trôi chảy tiếng Anh.

12. Lopon Tenzin Namdak, một vị thầy thiền định cầm đầu phái Yung-drung Bon của đạo Bon, nói rằng truyền thống Bon – bao gồm những thực hành tỉnh giác trong mộng – đã có từ 18.000 năm trên một vùng đất gồm Tây Iran và Tây Tây Tạng.

Theo lịch sử đạo Bon, một siêu nhân, Tenpa Shen-rab, hiện thân vào thời đó, là vị phát sanh của đạo này. Để so sánh, những nhà khảo cổ học nói về sự hoạt động rõ ràng của tôn giáo – chôn người chết với những đồ vật – từ 30.000 năm trước công nguyên. Xa hơn thì có những di tích khảo cổ của người Cro Mag-non, tìm thấy khắp Phi châu, Âu châu, và từ Iran đến Á châu, khoảng 100.000 trước công nguyên.

13. Dakini : Tây Tạng, Khadro. Kha là không gian ; dro là đi. Như thế từ này chỉ người đi trên trời, đi trong không gian. Dakini là hiện thân của trí huệ và cuối cùng vượt khỏi sự phân biệt giới tính mà được xem là nam. Có nhiều loại dakini gồm dakini trí huệ, người đã giác ngộ. Những thí dụ loại này là Mandarava, Yeshe Tsogel và Vajra Yogini. Cũng có loại dakini ăn thịt, cũng như dakini thế gian, hiện thân năng lực nữ tính thế gian. Những dakini tượng trưng năng lực cho phép những giáo lý được dạy.

14. Phần sau của sách này là một loạt những giấc mộng của Namkhai Norbu Rinpoche do ngài kể lại khi hành hương đến động Maratika ở Nepal. Trong cuộc hành hương, Norbu Rinpoche mộng thấy một bản văn dài hơn trăm trang, gồm những giáo huấn cho những thực hành thiền định cao cấp. Những giấc mộng sáng tạo một cách kỳ diệu như vậy là loại giấc mộng của sự sáng tỏ.

Xem mục lục