3 Chuyến Hành Hương Đến Maratika
Năm 1984, Norbu Rinpoche đi hành hương từ bắc Nepal đến tu viện Tolu, và đến động Maratika(1) nơi đại Thành Tựu giả(2) Padmasambhava(3) đã nhập thất với phối ngẫu của ngài là Mandarava.(4) Sau đây là một tường thuật một loạt những giấc mộng đáng chú ý Rinpoche có trên hành trình, bắt đầu với một giấc mộng đã có hai ngày sau khi đến tu viện.
Địa điểm của giấc mộng chính là Tu Viện Tolu. Nếu bạn mộng thấy một nơi chốn hay một sự vật bạn đã từng ở trong quá khứ, điều này thường phản ảnh một sự lập lại dấu vết nghiệp ; nếu bạn mộng thấy một nơi chốn hay hoàn cảnh bạn chưa từng ở, điều này phản ảnh một ước ao hay mong muốn. Ngược lại, nếu bạn mộng thấy nơi chốn bạn đang ở, điều này thường có ý nghĩa. Như thế tôi hiểu đây là một giấc mộng quan trọng.
Trong giấc mộng tôi ở động Tolu, và thậm chí có cả người đã đi cùng tôi cũng ở đó. Tôi đang dạy học trò, thì chú tôi tới. Tôi phải nói rằng người đến với chúng tôi không chỉ là chú của tôi, ông còn là một vị thầy chính của tôi, và là một hành giả phi thường và một terton.(5)
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện ngắn nói lên phẩm tính đáng ghi nhận của cuộc đời chú tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi sống gần một tu viện. Tôi còn nhớ có lần một con ngựa còn nhỏ bị chết. Đàn kên kên ăn con ngựa, nhưng ăn xong, một con kên kên ở lại. Chú tôi yêu cầu hai nhà sư đi đem con kên kên ấy về.
Khi trở về tu viện với con kên kên, hai nhà sư nói rằng con chim đã bị thương. Có một mảnh sắt nơi vai nó. Một nhà sư thử lấy nó ra, nhưng con kên kên vùng vẫy và chú tôi bảo ông ngừng tay và thả nó trong một khoảng vườn kín. Tôi nhớ mình đã thấy lạ lùng làm sao khi con kên kên yên lặng và thụ động như vậy. Thật vậy, toàn thể tình huống càng lúc càng trở nên lạ thường.
Hôm sau chú tôi bảo tôi cho kên kên một ít sữa. Khi tôi đến khu vườn hình bán nguyệt, với một sàn gỗ và nắp đậy trên, con kên kên ngồi im bất động. Tôi đặt sữa trước mặt nó. Hơi cử động cái đầu nó bắt đầu uống. Nó uống hết sữa tôi đưa, và khi uống xong nó bắt đầu chạy, và vỗ cánh nhè nhẹ. Vườn rộng nên nó có thể chạy một khoảng dài. Nó chạy đến gần cuối vườn, và rồi trên nửa đường trở lại, nó dừng lại và mảnh kim loại, một que sắt, rớt ra từ cánh nó. Ngay khi mảnh sắt rớt ra, con kên kên bay lên, ngắm hướng Đông nơi có núi lớn là Sitang. Tu viện Dzogchen(6) nổi tiếng ở sau núi đó. Đó cũng là ngọn núi chú tôi thường sống trong một cái hang.
Chúng tôi xem mảnh sắt rớt ra từ cánh kên kên. Nó khá dài. Khúc đầu cắm trong cánh có hình tam giác. Tôi còn nhớ âm thanh trong khi mảnh kim loại rớt ra từ đôi cánh. Câu chuyện này chỉ là một trong những chuyện lạ thường xảy ra quanh chú tôi.
Thế rồi, vào dịp ấy khi ở Tolu, chú tôi hiện ra trong giấc mộng của tôi. Trong giấc mộng ông khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Ông nói với tôi rằng ông rất bằng lòng tôi đã cho một bài thuyết pháp đẹp đẽ, có ích cho bất kỳ ai. Tôi hỏi ông có thật sự nghe không. Ông trả lời ông đã nghe từng lời. Trong giấc mộng tôi đã dạy Thik Sum Nedek,(7) ba tuyên bố cuối cùng nổi tiếng của Garab Dorie.(8) Rồi chú tôi yêu cầu tôi giải thích gomter(9) của tôi về Namkha.(10) Tôi trả lời cho ông rằng giấc mộng của tôi về Namkha không phải là một gomter.
Hãy cho tôi giải thích điều tôi đang nói. Một vài năm trước, tôi ở thành phố New York. Tôi có một khóa thảo luận với sinh viên về chức năng của những nguyên tố và năng lực, cũng như về lịch sử Tây Tạng. Ở khóa này tôi giải nghĩa những nguyên tố và tác dụng của chúng theo truyền thống cổ của đạo Bon.(11) Đêm ấy tôi có một giấc mộng, trong đó có một cậu nhỏ mặc đồ màu xanh. Tôi hỏi cậu là ai, và cậu trả lời cậu tên là Puel. Puel là một vị thần nổi tiếng của đạo Bon, đặc biệt được biết về khả năng dự đoán theo chiêm tinh.
Tôi nói, “Nếu ông thực là Puel, hãy giải thích cho tôi về chức năng của những nguyên tố, và làm sao người ta có thể điều hòa chúng khi có những rối loạn.” Cậu trai bé nhỏ này mới giải thích những loại chức năng khác biệt của những nguyên tố, liên hệ với thân thể, đời sống, may mắn, khả năng v.v... Qua đó tôi khám phá nguyên lý chính xác của Namkha, phương pháp điều hòa những nguyên tố của một con người.
Tôi nói với chú tôi rằng giấc mộng này về Puel không phải là một gomter, nó chỉ là một giấc mộng, nhưng ông nhất định rằng nó là một gomter cho nên ông muốn có một sự trao truyền. Vì chú là thầy của tôi, tôi không cảm thấy thoải mái với lời yêu cầu của ông, nhưng ông cố nài nên cuối cùng tôi đọc cho ông cuốn sách, và như thế trao truyền cho. Sau khi xong, ông nói rằng Namkha sẽ là một thực hành quan trọng trong tương lai. Ông cũng nói rằng tôi phải thực hành và dạy về “thực hành năm bóng tối”. Tôi hỏi thực hành năm bóng tối là gì. Ông nói rằng sẽ có vài chỉ dẫn về sau này. Đó là một trong những giấc mộng của tôi.
Suốt những ngày chúng tôi ở Tu Viện Tolu, tôi có liên tục những giấc mộng cực kỳ quan trọng, và chúng tôi đến gần ngày hai mươi lăm, ngày có ý nghĩa về mặt chiêm tinh.(12) Tôi hơi khó ngủ. Với quan tâm điều gì xảy ra giờ đây, tôi đi ngủ, nhưng không thể ngủ chút nào. Cuối cùng, khi tôi ngủ, tôi thấy mình trong một loại giấc mộng, trong đó tôi đang nói với ai đó. Tôi thực sự không biết tôi đang nói với người nào khác, hay đang nói chuyện với chính mình.
Tiếng nói bảo tôi thư giãn, trước hết hơi thở, và rồi thân thể, cho đến khi tôi thấy mình trong trạng thái thư giãn của Samaya.(13) Tôi thầm nghĩ rằng tôi chưa bao giờ nghe nói về trạng thái thư giãn này của Samaya. Tuy nhiên, tôi cố gắng hoài và đặt mình vào trạng thái ấy. Có lúc, do sự khó chịu với những điều kiện ngủ ở Tolu, tôi thức dậy. Thật vậy, tôi thức dậy ít nhất hai hay ba lần trong khi cố gắng đi vào trạng thái thư giãn. Trong một dịp thức dậy ấy, tôi nhận được những lời dạy trong mộng rằng hãy tháo lỏng đôi xà cạp để leo núi, mà do vì quá mệt tôi đã không tháo ra trước khi đi ngủ.
Khi thức dậy nhớ những lời dạy, tôi cởi chúng ra, và ngủ lại một lần nữa, từ từ thư giãn vào trạng thái Samaya. “Chưa hoàn toàn”, tiếng nói nói, “chúng ta phải có hơi thở tươi tắn hơn, dễ dàng hơn.” Để tuân theo, tôi mở rộng lều cho không khí trong lành, dù lúc đó trời rất lạnh và gió nhiều. Một lần nữa tôi lại ngủ và đi vào Samaya. Tôi lại nghĩ rằng Samaya này không phải hoàn hảo, cũng không thực sự là một trạng thái tham thiền nhập định.(14)
Tiếng nói trở lại, bảo “Bây giờ điều phải làm, là đi vào trạng thái của Pháp giới (Dharmadhatu).(15) Như được chỉ dạy, tôi thư giãn, và hướng đến trạng thái của Pháp giới này. Khi ấy tôi thức giấc vì một tiếng ho từ lều bên cạnh.
Tôi đi ngủ lại một lần nữa, và hướng mình qua những cấp độ thư giãn liên tiếp nhau. Tái đi tái lại tôi thức giấc vì lý do này hay lý do khác, và rồi mỗi lần bắt đầu lại từ đầu. Rồi thình lình tiếng nói cất lên, “Chúng ta ở đây, đây là trạng thái của Pháp giới”, với tôi nó có vẻ là trạng thái tham thiền nhập định.
Bây giờ tiếng nói chỉ cho tôi hướng mình đến trạng thái khác. Khi tôi làm điều này, bắt đầu xuất hiện một loại tigle(16) tương tự với cái đã xuất hiện trong một giấc mộng trước ở động Tolu. Tôi cũng thấy một bản viết gì đó, và tôi thức dậy một lần nữa...
Tôi phải bắt đầu lại từ đầu, thư giãn trải qua những giai đoạn khác nhau cho đến khi tigle xuất hiện trở lại. Cái tôi thấy trong tigle là đầu đề một bản văn. Lần này sau đầu đề, có xuất hiện một bản văn, tôi nhìn vào đó thấy như một màn hình phim chiếu bóng. Lần lượt một loạt những thực hành thiền định xuất hiện. Tôi đọc từng trang, nhưng nếu ở điểm nào tôi không thể đọc, tôi chỉ cần nghĩ rằng nó không rõ ràng, và phần không rõ ràng sẽ trở lại. Nó tự lập lại như tôi có một loại điều khiển từ xa. Theo cách này tôi đọc toàn bộ bản văn từ đầu đến cuối ít nhất ba hay bốn lần.
Do những ngắt quãng tôi thường thức dậy. Nhưng mỗi lần tôi ngủ trở lại, và tôi bắt đầu với Samaya và mọi thứ còn lại, và rồi bản văn tiếp tục.
Thình lình có giọng nói, “Bây giờ ngươi đang ở trong trạng thái tiếp theo.” Cái phân biệt trạng thái này với trạng thái khác là bây giờ một ít chữ không hoàn toàn rõ xuất hiện chiếm toàn bộ không gian. Không chú tâm hay nhìn chăm chú, chúng xuất hiện. Như thế, tôi tiếp tục đọc và việc này tiếp tục không gián đoạn cho đến sáng.
Vào lúc này tôi ho mạnh và thức dậy. Những chữ vẫn còn dù mắt tôi đã mở. Đó không phải là một giấc mộng. Tôi thấy chúng một thời gian ngắn, và rồi chúng biến mất. Tôi nghĩ rằng có lẽ đây chỉ là ảnh hưởng của giấc mộng. Tò mò, tôi tiếp tục nhìn vào bầu trời. Trời rất trong và không có cái nhìn thấy nào nữa.
Tôi nhớ một lần tôi đang nhập thất ở Na Uy. Tôi đang giữa thời một thực hành khi cùng một điều như vậy xảy ra. Tôi nói với một số người về kinh nghiệm của tôi vào lúc đó. Trước kia tôi đã đọc về Snang-ba-yi-ger-shar(17) trong những tiểu sử của một số vị thầy thành tựu. Ở Na Uy tôi nhớ lại đã nghĩ rằng trước kia tôi không hiểu câu “Snang-ba-yi-ger-shar” có nghĩa gì. Dù sao, tôi ngủ lại một lần nữa, và thư giãn qua những giai đoạn liên tiếp. Trong giấc mộng, khi được dạy đi vào những trạng thái thư giãn khác nhau, thình lình tôi có một ý nghĩ về một trạng thái thậm chí còn hơn – một cái gì có tên là “Bya-grub-yeshe”, trạng thái cao nhất của trí huệ. Tiếng nói trả lời ý nghĩ tôi, “Nó sẽ đến khi mọi thứ đã trọn vẹn.” Rồi đến sáng. Tôi thực sự mệt mỏi. Người nào khác thì vẫn còn muốn ngủ. Đó là câu chuyện của ngày hai mươi lăm.
Ngày tiếp theo chúng tôi có một cuộc leo núi dài. Chiều hôm đó, khi tôi ngủ, tất cả xảy ra trở lại. Tôi lại đọc bản văn vài lần, và đặc biệt khoảng giữa các chữ không được rõ. Tới một lúc thình lình tôi thức dậy. Tôi thấy đầu mình phủ một tấm mền. Gió nhiều đến độ tôi phải tự che mình. Mở mền ra, tôi mở mắt và nhìn ngay vào bầu trời. Ở đó, rất ngắn ngủi, vẫn còn những chữ.
Bây giờ tôi muốn kể cho các bạn một giấc mộng vào đêm đầu tiên chúng tôi đến động Maratika. Trước khi vào giường tôi tự nghĩ rằng ngày mai sẽ là một ngày tốt đẹp để bắt đầu một thực hành thiền định sống lâu mà tôi đã mang theo. Tôi chưa hoàn toàn phát triển một phương pháp đặc biệt để làm thực hành này, nhưng tôi đã mang bản văn thực hành theo cùng bởi vì tôi nghĩ rằng Maratika là một chỗ tốt để thực hành nó.
Đêm ấy tôi mộng thấy tôi đang sửa soạn làm thực hành trong một cái hang lớn. Tôi đang giải thích phải thực hành như thế nào và đang làm lễ quán đảnh để cho những học trò thực hành. Bình thường, trong truyền thống của chúng ta, để làm một thực hành sống lâu, người ta cần một quán đảnh nhập môn sống lâu.
Những bạn nào biết tôi đều biết rằng tôi không phải là loại người kiểu mẫu trong việc làm những quán đảnh nhập môn tỉ mỉ và nhiều hình thức, nhưng tôi luôn luôn nói rằng cần thiết làm một loại quán đảnh(18) để cho phép thực hành. Trong giấc mộng tôi có ý niệm rằng trước tiên tôi sẽ cho một giải thích cẩn thận về ý nghĩa của quán đảnh. Khi người ta đã hiểu rõ nó, tôi sẽ ban cho quán đảnh với thần chú. Sau đó, chúng tôi sẽ thực hành chung ; điều đó tạo nên sự trao truyền lời nói.
Thế rồi, trong giấc mộng tôi giải thích mỗi điểm về quán đảnh là gì, bắt đầu bằng quán đảnh của thân. Vào lúc đó tôi nhận thấy có một người bên cạnh đưa cho tôi cái gì đó. Tôi quay qua phía người đó, và thấy rằng người ấy không phải một con người bình thường. Tôi chắc chắn điều này, bởi vì mới nhìn tôi thấy phần dưới của thân anh ta là thân một con rắn. Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là Rahula,(19) một trong những hộ pháp, nhưng khi tôi nhìn vào mặt thì có vẻ khác. Rồi tôi nghĩ rằng có lẽ người ấy là, hay tượng trưng cho, một người nào tôi đã từng biết. Tôi nhìn lại – khuôn mặt người ấy giống như rồng. Thân thì màu trắng. Thình lình anh ta đặt cái gì đó vào tay tôi.
Nếu bạn đã có một quán đảnh, bạn biết rằng thường có người phụ giúp vị thầy bằng cách đưa cho vị thầy những đồ vật. Vào đúng lúc trong buổi lễ, người trợ tá đưa cho vật thích hợp. Trong giấc mộng người giống như rồng này đưa cho tôi một vật tròn để tôi xác nhận quán đảnh của thân tôi sắp ban.
Tôi cầm vật tròn vào tay. Đó là một cái gương, nhưng trên vành có mười hai cái gương nhỏ. Xung quanh tất cả những cái gương nhỏ này có một loại cầu vồng. Và nơi chu vi là lông công. Nó rất đẹp. Khi tôi cầm vào tay, tôi biết rằng đây là vật để làm quán đảnh thân.
Bình thường trong một quán đảnh, gương tượng trưng cho tâm, phương diện thông hiểu. Tức thời trong giấc mộng một giải thích đến với tôi : “Thân thể có vẻ có chất thể, nhưng nó thật là trống không. Biểu tượng cho điều này là sự phản chiếu xuất hiện như là hình thể của chúng ta trong gương.” Nói lời giải thích này xong, tôi dùng gương trong giấc mộng để ban quán đảnh của thân. Trong giấc mộng tôi chạm gương vào đầu của mỗi người nhận quán đảnh. Với mỗi người tôi cũng tụng một thần chú.(20)
Tiếp theo tôi bắt đầu giải thích quán đảnh của lời nói. Vào ngay lúc đó tôi cảm thấy sự hiện diện của một người khác bên trái tôi. Người này cũng đưa một cho tôi một vật để xác nhận. Vật đó là một xâu chuỗi (mala)(21) làm bằng những viên hồng ngọc đỏ sậm làm thành hình số tám. Tôi xem cẩn thận người đưa cho xâu chuỗi. Người ấy có một thân đỏ sậm, và chỉ có một con mắt. Tôi lại nghĩ rằng đây không phải là người bình thường, có lẽ là Ekajati.(22) Mặt khác, người ấy không hoàn toàn giống Ekajati, và trong tay bà là những đồ vật lạ lùng này. Dù sao, ngay sau khi trao tôi xâu chuỗi, tôi lại thấy mình ban cho một giải thích.
“Xâu chuỗi này tượng trưng cho sự phát âm liên tục của thần chú.” Tôi không chỉ giải thích tác động, chức năng của thần chú, mà cũng cho một giải thích rất khác thường về hình thức thần chú này, được trình bày trong hình thức một số tám. Điều này hoàn toàn lạ lùng bởi vì sự giải thích không có gì ăn nhập với thực hành sống lâu (Cedrup Gondus) của Nyala Pema Dendul(23) mà tôi đã đem theo đến đây.
Ngày hôm sau, sau khi mộng thấy một thực hành sống lâu khác dành cho dakini Mandarava, tôi khám phá rằng thực sự có một thực hành Yantik, nó bao gồm sự quán tưởng này. Trong lúc ấy nhân vật Ekajati đặt vào tay tôi một vật khác, vật này là một biểu tượng để cho quán đảnh của tâm. Vật ấy giống như một chữ Vạn, nhưng ở trên đỉnh có những cái đinh ba. Nó được làm bằng đá xanh trong suốt và quý giá.
Rồi tôi giải thích ý nghĩa sự trao truyền của tâm. Sau đó, tôi đặt vật này lần lượt ở trái tim của mỗi người. Cùng lúc đó tôi đọc chú liên hệ với quán đảnh của tâm. Sau khi tôi đặt vật ấy nơi trái tim của người thứ nhất, tôi thấy rằng nó để lại một dấu in và dấu in của vật ấy quay, với một âm thanh nho nhỏ. Nó có vẻ rất sống động. Khi tôi quán đảnh cho người kế tiếp, sự việc như vậy lại xảy ra. Cuối cùng khi tôi hoàn tất tôi thấy rằng mọi dấu in chữ Vạn vẫn còn quay. Tôi làm buổi lễ quán đảnh như vậy, và rồi tôi thức dậy. Ngày hôm sau tôi quyết định nhập thất trong hang. Nhiều học trò đi theo tôi trong cuộc hành hương này cùng làm thực hành Pema Dendul trong hang Manda-rava.
Ngày hôm sau tôi có giấc mộng đặc biệt khác. Dù nhiều người trong đoàn chúng tôi chưa đến, tôi nằm mộng rằng tất cả chúng tôi đều ở trong hang. Chúng tôi đã thực hành và tôi đang cho những giáo pháp. Có vẻ như giấc mộng của đêm trước được tái tạo lại một cách chính xác. Bên trái tôi là nhân vật màu đỏ với một con mắt. Một lần nữa bà cầm nhiều đồ vật trong tay ; lần này bà đưa cho tôi một quả cầu pha lê.
Bây giờ tôi rõ rằng vị này phụ giúp tôi khi tôi dạy. Tôi cầm pha lê vào trong tay và nhìn nó. Ở trung tâm của pha lê tôi thấy một chữ. Ngay khi vừa thấy chữ đặc biệt này, tôi biết rằng đây quả thực là Ekajati. Tôi cũng có một cái nhìn thấy trong mộng rất rõ ràng về hộ pháp Ekajati khuyên bảo tôi : “Đây là lúc để mở kho tàng tâm con của vòng đời sống của Vajra, sự thực hành dakini để đạt được sống lâu.”
Nhìn vào trong quả cầu pha lê nhỏ, tôi có thấy những tia sáng chiếu khắp mọi hướng từ chữ ở giữa, nhưng chúng không chiếu ra ngoài quả cầu. Khi cầm quả cầu tôi hỏi, “Vật gì đây ?” Bà nói, “Đây là ‘Ta-te’. Con phải làm ‘Ta-te’.” Tôi trả lời, “Con không hiểu.” Khi tôi nói thế, hình như pha lê biến mất trong tôi. Tôi nhìn quanh để thấy Ekajati, nhưng bà cũng biến mất.
Ngay khi thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là “Ta-te”, và nó có nghĩa là gì. Còn lâu trời mới sáng, tôi có thì giờ, thế nên tôi tiếp tục tập trung vào từ ngữ “Ta-te”. Đây không phải là một chữ quen thuộc. “Ta” nghĩa là thanh tịnh, “te” nghĩa là đương đầu, hay đôi khi có nghĩa là lập danh sách. Trong trạng thái nửa thức tôi nghĩ về chữ này, thì chợt đến với tôi ý nghĩ tôi được yêu cầu viết ra bản văn, và về sau viết lại nó mà không dò theo bản văn thứ nhất để thử nghiệm sự chính xác của nó. Bây giờ thì rõ ràng điều tôi phải làm.
Sau khi tắm rửa, tôi lấy giấy và bút, và đi đến một hòn đá. Rồi không có một dàn bài nào, tôi viết bất kỳ cái gì đến với tâm trí tôi. Tôi viết vài trang, và cái nổi lên là một buổi lễ của Ekajati. Đây là sự bắt đầu. Sau đó tôi đi ăn sáng. Trong thời gian ăn sáng tôi yêu cầu một học trò đem cho tôi một cuốn sổ tay. Khi xong buổi ăn sáng mà bà ấy chưa trở lại, thế nên tôi lấy một cuốn sổ tay khác đến một chỗ đặc biệt nơi tôi đã ở ngày đầu tiên, một nơi thần lực của Maratika, và ngồi xuống.
Tôi sắp bắt đầu thì bà học trò đến với một cuốn sổ tay màu đen và một cây bút đỏ. Tôi bắt đầu viết, như là viết một lá thơ. Tôi mở đầu bằng địa danh Mara-tika, giờ và ngày. Lúc đó là 9 giờ 15 sáng. Khi tôi đang viết, những người trong nhóm tôi đi đến. Một số họ không biết tôi đang làm gì. Khi họ đến gặp tôi, tôi cố tránh họ.
Dù những gián đoạn, tôi viết xong lúc 12 giờ 15. Khi chấm dứt, tôi đã dùng hết trang cuối cùng, đúng vào dòng cuối cùng của cuốn sổ tay. Có vẻ đó như có chủ ý sắp đặt. Tôi tự nghĩ rằng đó là một dấu hiệu tốt.
Trở lại chỗ đóng lều, tôi đưa bản văn cho hai học trò giữ trong vài ngày. Tôi nghĩ sau vài ngày nữa tôi sẽ viết lại. Đó sẽ là “Ta-te”, bản thứ hai để đối chiếu với bản thứ nhất để xác định sự đích xác của nó. Điều này sẽ là chứng cớ rằng bản văn là đích thực chứ không phải chỉ là một trò chơi của trí năng.
Hai ngày trôi qua. Vào ngày thứ ba, tôi có một giấc mộng chỉ cho rằng thời gian đã đến để viết và làm vài minh giải. Sau khi hoàn thành thực hành buổi sáng tôi lại ngồi viết, và tiếp tục cho đến buổi ăn trưa. Lần thứ hai tôi viết ra bản văn thì rất an bình và chữ viết dễ dàng. Lần này mất hai giờ rưỡi. Rồi tôi yêu cầu đem bản chánh lại, và chị tôi so sánh hai bản. Gần như không có khác biệt nào, chỉ trừ hai hay ba sửa chữa về văn phạm.
Đây là câu chuyện nguồn gốc bản văn thực hành này, một thực hành để phát triển một đời sống lâu và vững chãi. Bản văn gồm những thần chú, những thực tập hơi thở và kiểm soát năng lực cũng như quán tưởng. Cũng có những giáo huấn về những luân xa và những kinh mạch. Trong truyền thống Tây Tạng loại thực hành này thường được đóng dấu niêm phong, nghĩa là nó được giữ bí mật trong rất nhiều năm. Khi bạn đang giữ một vật bí mật như vậy bạn thậm chí không được phép nói rằng bạn đang giữ một vật bí mật. Trong trường hợp này điều đó không cần thiết. Không có sự chỉ dẫn bản văn ấy cần được niêm kín. Tôi không có bí mật để giữ gìn ; bởi thế, tôi nói về nó. Tôi cũng nói về nó ở Maratika, và đã làm sự trao truyền những thần chú.
CHÚ THÍCH CHƯƠNG BA
1. Động Mandarava ở Maratika : Bắc Nepal, nơi Norbu Rinpoche đã ẩn cư năm 1984, có hai động thiêng. Cái lớn gắn liền với Padmasambhava, và cái nhỏ với Man-darava. Vào thế kỷ thứ bảy, Mandarava – cùng với Guru Padmasambhava – đã thực hành và đạt được bất tử trong động này, do đó nó được biết là Động của Đời Sống Thọ.
2. Mahasiddha : Sankrit, nghĩa đen là “Đại Tinh Thông”. Maha là đại, siddha là người đã đạt được siddhi – những năng lực tâm thần và tâm linh. Trong Phật giáo Tây Tạng có kiểu mẫu Tám Mươi Bốn Đại Thành Tựu Giả (Mahasiddha) gồm đàn ông và phụ nữ đã đạt những năng lực siêu nhiên. Những hành giả tantra này sống ở Ấn Độ và Nepal vào thế kỷ thứ tám.
3. Guru Padmasambhava : Sanskrit, padma (hoa sen) và sambhava (sanh). Một đạo sư Phật giáo Ấn Độ về Tantra và Dzogchen từ Oddiyana. Ngài được biết là “Liên Hoa Sanh” vì sự sanh ra kỳ diệu từ hoa sen. Guru Padmasambhava biểu lộ một cách tự phát là một chú bé tám tuổi ngồi trên một hoa sen giữa hồ ở Oddiyana. Ngài đưa Phật giáo đến Tây Tạng từ Ấn Độ ở thế kỷ thứ tám. Với những năng lực phi thường của mình, Guru Padmasambhava chiến thắng những chướng ngại ngăn cản Phật giáo cắm rễ vào đất Tây Tạng.
4. Mandarava : Công chúa Ấn Độ này từ Mandi là một trong những phối ngẫu chính của Padmasambhava. Bà bỏ cuộc đời vương giả để thực hành Pháp. Bà được biết tiếng nhất do làm chủ sự thực hành sống lâu với Padmasambhava. Bà được cầu khẩn trong một số nghi thức Tantra nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ.
5. Terton : Người khám phá terma, hay những bản văn Pháp được cất dấu với mục đích để được khám phá về sau. Những terma được tin là dấu trong cây, hồ, đất và thậm chí trong bầu trời.
6. Tu Viện Dzogchen : Trong thế kỷ mười bảy, ở Kham (Đông Tây Tạng) Tu Viện Dzogchen được xây dựng bởi Dzogchen Rinpoche thứ nhất, Pema Rigzin. Nó trở thành tu viện lớn nhất của Nyingma. Tu viện được xem là một trong hai mươi lăm nơi hành hương lớn của miền Đông Tây Tạng. Sát cạnh tu viện là động thiêng của Padmasambhava và ba hồ thiêng. Nhiều học giả nổi tiếng của tất cả bốn phái Phật giáo Tây Tạng và từ truyền thống Bon đã học ở Tu Viện Dzog-chen. Patrul Rinpoche và Mipham là hai vị trong số đó. Năm 1959 Tu Viện Dzogchen bị người Trung Quốc hủy hoại. Tu viện hiện giờ được xây lại ở Mysore, Nam Ấn Độ.
7. Thik Sum Nedek : Ba tuyên bố của Garab Dorje. Bản văn này tóm lại những giáo lý Dzogchen trong ba điểm thiết yếu : (1) Sự giới thiệu trực tiếp trạng thái bổn nguyên từ thầy qua trò. (2) Người thực hành không nghi ngờ gì nữa về trạng thái bổn nguyên là thế nào. (3) Người thực hành tiếp tục trong trạng thái của tánh giác bổn nguyên cho đến khi chứng ngộ hoàn toàn.
8. Garab Dorje : Theo những nguồn truyền thống của Nyingma, Garab Dorje sống 166 năm sau parinirvana (bát Niết bàn) của Phật. Có nói rằng Garab Dorje được mang thai một cách vô nhiễm bởi công chúa làm ni, con của một nhà vua ở Oddiyana. Vị ni này đang thực hành trên một hòn đảo giữa một cái hồ thì có một giấc mộng. Cô mộng thấy một người đàn ông đẹp đẽ, mặc đồ trắng cầm một bình pha lê với những thần chú khắc trên đó. Người này ban quán đảnh cho vị ni, và rồi tan thành ánh sáng vào trong thân thể vị ni. Thời gian sau giấc mơ này, cô sanh ra Garab Dorje. Theo những nguồn Nyingma, Garab Dorje là đạo sư Dzog-chen đầu tiên thuộc loài người. Trong đời trước ở một cõi khác, Garab Dorje đã nhận trao truyền Dzogchen trực tiếp từ biểu lộ báo thân của Vajrasattva. Sau khi sanh vào cõi người, Garab Dorje lập tức nhớ lại những giáo lý Dzogchen và dạy cho một tầng lớp chúng sanh là những dakini ở xứ sở thiêng liêng Oddiyana. Ngài cũng có những đệ tử người, một trong số đó là Manju-shrimita, người tổ chức những giáo lý của Garab Dorje thành Semde, Longde, và Managede. Để biết thêm về Garab Dorje, xem Những Chữ Vàng của John Reynolds, nhà xuất bản Snow Lion, 1996. (Bản dịch Việt ngữ của nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2002.)
9. Gomter : “terma tâm”, một terma khám phá trong dòng tâm của một terton.
10. Namkha : Một phương pháp thực hành để quân bình những nguyên tố. Một namkha được làm phù hợp với bản chiêm tinh ngày sanh (bản tử vi) của một người. Nó gồm hai miếng gỗ và một sợi dây năm màu, mỗi màu tượng trưng một nguyên tố : trắng, kim loại ; lục, gỗ/không khí ; đỏ, lửa ; vàng, đất ; và xanh, nước. Sợi dây màu được quấn quanh miếng gỗ trong một cách thức làm tác động điều hòa những nguyên tố của mình. Những namkha được một vị thầy cho phép thực hành, và người thực hành được ban cho chỉ dạy thiền định về một nghi lễ mà nếu thực hành chung với nam-kha, có thể có thể làm quân bình những nguyên tố của người ta.
11. Bon : là tôn giáo cổ và địa phương của Tây Tạng, nguồn gốc của nó có trước khi Phật giáo vào Tây Tạng rất lâu. Theo Lopon Tenzin Namdak, đạo Bon ở Tây Tạng có khoảng 18.000 năm trước công nguyên. Bon chia thành hai : Bon Cổ và Bon Tân hay Bon “Yung-drung”. Bon Cổ có những thực hành theo thuyết vạn vật hữu linh và bùa chú, trong khi Bon Yung-drung chia sẻ nhiều tương đồng với Phật giáo, đạo này đã đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám từ Ấn Độ. Theo Namkhai Norbu Rinpoche và Lopon Tenzin Namdak, Dzogchen thuộc về truyền thống cổ của Bon, và được thực hành ở Tây Tạng đã lâu trước khi Phật giáo được du nhập.
12. Ngày hai mươi lăm : Ngày hai mươi lăm âm lịch, khi mặt trăng khuyết, được biết là Ngày Dakini. Ngày Dakini nối kết với năng lực giác ngộ thuộc nữ tính trong thời gian này. Ngày Dakini là một thời gian tốt lành để làm Ghana Puja (Lễ Tiệc Dâng Cúng).
13. Samaya : Dù từ samaya thường được dịch là “cam kết”, và thường liên quan đến sự duy trì một thực hành thiền định hay thệ nguyện sống một cách trong sạch, trong thực hành giấc mộng nó có ý nghĩa riêng. Trong giấc mộng của Norbu Rinpoche, những từ Samaya và Dharmadhatu ám chỉ những cấp độ liên tiếp sâu hơn của sự thư giãn, buông xả.
14. Tham thiền : Sự thực hành chủ yếu của Dzogchen trong đó người ta liên tục ở trong một trạng thái tự-giải thoát. Trong trạng thái này người ta vượt khỏi mọi ý niệm của tâm thức nhị nguyên bình thường, tuy nhiên người ta hoàn toàn có khả năng sử dụng trí năng và tâm thức lý tính. Tham thiền không bao gồm cố gắng tìm thấy những kinh nghiệm của tĩnh lặng hay sáng tỏ, cũng không tránh những phóng dật. Trong tham thiền, khi một tư tưởng sanh khởi nó không bị đè nén cũng không được theo đuổi, mà tự-giải thoát và tan biến một cách tự phát. Đây là sự thực hành giải thoát tất cả cái gì sanh khởi mà một vị thầy Dzogchen đưa vào khi ông cho những giải thích về bản tánh của tâm.
15. Dharmadhatu : Từ này theo bình thường ám chỉ nền tảng tối hậu của hiện thể, và chiều kích của thực tại đúng như nó là. Tuy nhiên, trong bối cảnh giấc mộng nó đặc biệt nói đến cấp độ thư giãn sâu nhất.
16. Tigle : Có nhiều định nghĩa khác nhau của tigle. Trên một cấp độ, nó được định nghĩa là cái gì không có góc, một vòng tròn hay một quả cầu, như chữ bindu (giọt, hạt) của tiếng Sanskrit chẳng hạn. Tigle cũng được định nghĩa như chiều kích bên trong của một quả cầu. Tigle Chenbo (Khối Cầu Lớn), nghĩa là “cái bao gồm mọi sự”, là một từ khác của Dzogchen. Tigle cũng được biết như “tinh túy”, như trong nying thik, “tinh túy của tâm”. Trong một định nghĩa khác, tigle là tinh khí nơi đàn ông, và tinh dịch nơi đàn bà, chúng là những phương tiện vật chất để chuyên chở năng lực. Theo Yantra Yoga, tigle được định nghĩa là hình thức tinh chất nhất của năng lực vi tế của thân thể, cũng như Kudalini trong Sanskrit. Những tigle cũng là những quả cầu nhỏ ánh sáng cầu vồng sanh khởi với sự bắt đầu của những cái nhìn thấy trong thực hành togel.
17. Snang-ba-yi-ger-shar : Sự sanh khởi tự phát của các chữ.
18. Quán đảnh : Nhập môn, trao truyền và truyền pháp của thân, ngữ, tâm. Hiện hữu con người được làm bằng thân, ngữ, tâm. Thứ nhất, có chiều kích của “thân”, nó là sự tương quan lẫn nhau sinh động giữa thân người ta và môi trường vật chất chung quanh. Có hai từ Tây Tạng khác nhau để chỉ “thân”. Lu là thân vật chất thô của một người bình thường, trong khi ku ám chỉ thân cao cả của một người giác ngộ. Thứ hai, có chiều kích của năng lực của chúng ta gọi là “ngữ”, nó biểu thị bởi ngữ, hơi thở và năng lực tâm linh. Ngữ bình thường được biết như là ngag, trong khi ngữ giác ngộ là sung. Trong chiều kích của tâm hay ý, có yid, tâm bình thường, và thuk, tâm giác ngộ. Với trao truyền từ thầy qua trò, xảy ra một khả năng liên lạc trên ba cấp độ : vật chất, năng lực và tâm thức. Sự trao truyền Dzogchen của vị thầy là cho mục tiêu phát hiện bản tánh chân thật của cá nhân. Quán đảnh truyền pháp hay wang là một nghi lễ trong đó sự trao truyền này xảy ra. Truyền pháp, đặc biệt trong Phật giáo Mật thừa, có thể cực kỳ tỉ mỉ, sử dụng những dụng cụ tượng trưng và nghi lễ. Trong Dzogchen, phương pháp giới thiệu trực tiếp, đưa vào trực tiếp, nó có thể tỉ mỉ hay không tỉ mỉ, được dùng để giới thiệu người ta với bản tánh của tâm họ. Xem sự đưa vào trực tiếp này trong Những Chữ Vàng, John Reynolds.
19. Rahula : Một hộ pháp chánh của những giáo lý Dzogchen. Rahula biểu lộ trong một hình thức đáng sợ và dữ dội. Ngài có thần lực cực độ, và theo Namkhai Norbu Rinpoche, nếu không được kính trọng có thể gây tai hại đáng kể.
20. Mantra : Nghĩa đen, “bảo vệ tâm”. Mantra (thần chú) là sự phát âm những âm tiết thiêng liêng. Những thần chú khác nhau có những chức năng khác nhau : một số được dùng để kích động và làm hoạt động năng lực của người ta trong khi một số khác tạo ra một hậu quả bình an và bình lặng. Mục đích tối hậu của thần chú là giúp cho hành giả vượt khỏi tư tưởng nhị nguyên. Nhiều thần chú nối kết với bổn tôn riêng biệt, và trong nghi lễ Mật thừa chúng được trì tụng cho đến khi người ta đạt đến cùng những phẩm tính giác ngộ như bổn tôn.
21. Mala : Trong truyền thống Phật giáo một mala hay xâu chuỗi gồm 108 hạt dùng để đếm lần trì chú.
22. Ekajati : là hộ pháp chánh của những giáo lý Dzog-chen. Giác ngộ từ vô thủy, Ekajati là một xuất sanh (trulpa) trực tiếp của trí huệ bổn nguyên, Samantabhadri, vị này là phương diện nữ tính của Phật bổn nguyên Samantabhadra (Phổ Hiền). Là bậc giác ngộ bổn nguyên, Samantabhadri có trí huệ biết tất cả tám mươi bốn triệu giáo lý của Dzogchen. Ekajati biểu lộ có thể thấy được trong một hình tướng hung nộ để hàng phục loại chúng sanh rất có thần lực và tiềm ẩn sự phá hoại gọi là Mamos. “Ekajati” nghĩa là “một mắt”, nó tượng trưng trí huệ. Thân thể vị này có những cái độc nhất : một mắt, một răng, và một vú. Những đặc trưng này tượng trưng tánh giác bất nhị. Là nữ hộ pháp thủ lãnh của những giáo lý Dzogchen, vị này tiếp xúc với một terton hay vị thầy Dzogchen khi thời gian đã chín cho việc phát hiện một giáo lý hay một terma. Norbu Rinpoche đã nhận một sadhana từ Ekajati như là phần của gomter này về thực hành Mandarava. Sadhana là một khẩn cầu, trong đó hành giả yêu cầu Mandarava xóa sạch những chướng ngại đến chứng ngộ hoàn toàn và ban cho sự che chở trên con đường.
23. Cedrub Gondus : “Sự Hợp Nhất của những Tinh Túy Bổn Nguyên”, sự thực hành sống lâu mà Norbu Rin-poche đã đem đến Maratika. Thực hành sống lâu này là một terma của bổn sư của Changchub Dorje, Nyala Pema Dendul (1816-1872). Sự thực hành nguyên được trao truyền trực tiếp từ Phật Amitayus (Vô Lượng Thọ) đến Guru Padmasambhava. Trong động thiêng Mara-tika ở Bắc Nepal, Dakini Mandarava và Guru Padma-sambhava đã thực hành và làm chủ sự hợp nhất những tinh túy bổn nguyên và đạt được bất tử. Vào thế kỷ thứ tám, để lợi lạc những thế hệ tương lai, Guru Padma-sambhava viết ra sự thực hành và đặt nó như một kho tàng được che dấu trong một núi ở Đông Tây Tạng. Khoảng một ngàn năm sau, trong thế kỷ mười chín, Nyala Pema Dendul tái khám phá “kho tàng che dấu” hay terma này. Trong vài năm ngài thực hành terma sống lâu này một cách mãnh liệt. Vào cuối đời ngài đạt đến thân ánh sáng cầu vồng. Nyala Pema Dendul trao truyền sự thực hành cho Changchub Dorje và Ayu Khandro, cả hai thực hành nó và do đó sống lâu lạ thường – 137 năm và 116 năm theo thứ tự. Hai vị này cũng đạt thân ánh sáng. Namkhai Norbu Rinpoche nhận sự trao truyền terma này từ cả Changchub Dorje và Ayu Khandro, và có trao truyền sự thực hành để làm lợi lạc cho các đệ tử.