RIG-PA’I KHU-BYUG :
BẢN VĂN DZOGCHEN CỔ NHẤT
Rig-pai khu-byug, “Chim Cu Cu của tánh Giác”, bản văn này được tìm thấy ở ba chỗ : (1) IOL/Stein 647 trong bộ sưu tập Đôn Hoàng, (2) trong KA của rNying-mai rgyud bum, và (3) là chương 31 trong Bodhichittakulayaraja Tantra.
Trong nguồn thứ ba kể ở trên, bản văn được gọi là rDorje tshig drug, Sáu Câu Kệ Kim Cương. Bản văn gốc này cực kỳ ngắn, chỉ gồm sáu dòng (tshig). Bản Đôn Hoàng có thêm một bình giảng. Ở đầu đề bản văn là Rig-pai khu-byug, “Chim Cu Cu của tánh Giác”. Tuy nhiên bản văn trong Nying-mai rgyud bum giả thiết có chữ Santi darpa trong đầu đề Sanskrit, và nó được dịch ra Tạng văn là rDzogs-pa chen-po sa gcig-pa, “Địa Độc Nhất của Đại Toàn Thiện”. Ở đây santi có thể đại diện cho mahasanti/santimaha hay mahasandhi, dịch thành dzogchen. Theo Namkhai Norbu Rinpoche, santi không chỉ là một chữ Sanskrit sai, mà là hình thức trong tiếng địa phương Uddiyana tương đương với chữ sandhi của Sanskrit, “hợp nhất, toàn thiện”. Trong bối cảnh của Mahayoga Tantra, sự hợp nhất là hợp nhất của tiến trình phát sanh và tiến trình hoàn thiện, và trạng thái này của Đại Toàn Thiện siêu vượt cả những tiến trình hay những địa. Sa gcig-pa, địa độc nhất ám chỉ một địa (sa, Skt. bhumi) độc nhất (gcig), nghĩa là một trạng thái không được đạt đến bởi bất cứ địa hay cấp độ trung gian nào. Hệ thống Kinh nói đến dasha-bhumi hay mười địa của công hạnh Bồ tát rốt ráo thành tựu giác ngộ của một vị Phật. Nhiều Tantra nói đến mười sáu địa. Nhưng Đại Toàn Thiện chỉ biết một địa (bhumi), trạng thái tham thiền (rig-pa). Những địa nói đến con đường tiệm tiến, trong khi Đại Toàn Thiện tiêu biểu một con đường không thứ lớp, một con đường đặc trưng bởi đốn ngộ. Karmay gợi ý rằng darpa là chữ Sanskrit dhara, đất, nó cũng nghĩa như bhumi, địa. Trong bình giảng, có giải thích rằng ẩn dụ là “Chim Cu Cu của tánh Giác” nhưng nghĩa thật sự của nó là “những trang hoàng, chúng là những biểu lộ sáng tạo bởi tánh Giác”, trong khi sự liệt kê là Sáu Câu Kệ Kim Cương. Những tư tưởng xảy ra bên trong, cũng như những hình tướng bên ngoài, tiêu biểu trò chơi của năng lực sáng tạo của tánh Giác, và đặc biệt trong bộ Semde, những biểu lộ này của tâm được biết như những trang hoàng (rgyan) của Trạng Thái Bổn Nguyên. Như thế chúng ta có sự giải thích đầu đề bản văn.
Nhưng tại sao chim cu cu ? Chim cu cu là một biểu tượng quan trọng trong truyền thống bản địa của Tây Tạng. Nó là con chim vua của loài chim, hót lên báo hiệu mùa hè. Tiếng hót của nó thúc đẩy sự sanh trưởng của cây cỏ nhờ đó người và thú vật duy trì cuộc sống. Theo cùng cách, những giáo lý Dzogchen đánh thức tánh Giác Rigpa còn ngủ trong tất cả chúng sanh.
Theo bình giảng miệng của Namkhai Norbu Rinpoche, tôi đã dịch Sáu Câu Kệ Kim Cương như sau :
Trong Ấn ngữ : Santi darpa
Trong Tạng ngữ : rDzogs-pa chen-po sa gcig-pa (Địa độc nhất là Đại Toàn Thiện)
SVASTI
Đảnh lễ Đại An Lạc toàn thiện tự nhiên của những kim cương bất khả hoại của Thân, Ngữ và Tâm của Shri Bhaga-van Samantabhadra (Phổ Hiền), vinh quang của những vinh quang !
(1) Dù bản tánh của sự khác biệt (của tất cả những hiện tượng) là bất nhị,
(2) Về tính cá thể của bản thân những sự vật, chúng thoát khỏi bất kỳ tạo tác ý niệm nào.
(3) Dù không có tư tưởng hay ý niệm nào về cái được gọi là trạng thái hiện thể đúng như nó là,
(4) Những hình tướng xuất hiện khác nhau này được tạo ra chỉ là những biểu lộ của Samantabhadra (Trạng Thái Bổn Nguyên).
(5) Bởi vì mọi sự thì trọn vẹn trong chính nó, người ta đến chỗ từ bỏ căn bệnh (hay ám ảnh) nỗ lực,
(6) Và như thế người ta tương tục tự nhiên trong trạng thái an nhiên của tham thiền.
Chim Cu Cu của tánh Giác, nó là Bồ đề tâm, được hoàn mãn.
Có thể tóm tắt toàn bài kệ như sau :
Hai câu đầu :
Tuyên Bố Thứ Nhất Semde Nền Tảng Cái Thấy Hiểu
Hai câu thứ nhì :
Tuyên Bố Thứ Hai Longde Con Đường Thiền định
Hai câu thứ ba :
Tuyên Bố Thứ Ba Upadesha Quả Hạnh