Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục
CHƯƠNG 2
KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM, GỐC RỄ CỦA ĐẠI THỪA

Nhờ trí tuệ vĩ đại, Ngài đã chứng ngộ Niết bàn.
Nhờ lòng đại bi, Ngài sẵn lòng ôm trọn sinh tử.
Nhờ phương tiện thiện xảo, Ngài trực ngộ sinh tử niết bàn
vốn không hai
Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.

Chương này gồm có ba phần: rèn luyện tâm thức nương nơi Tứ Vô Lượng; khơi dậy Bồ Đề Tâm (bodhicitta) -- tức tâm thức hướng tới Giác Ngộ siêu việt; và tu tập theo giới luật của Bồ Đề Tâm trên hai phương diện phát nguyện và thực hành.

I. RÈN LUYỆN TÂM NƯƠNG NƠI TỨ VÔ LƯỢNG

Bốn phẩm hạnh vô lượng là lòng từ, bi, hỷ, và xả vô lượng. Lòng từ thường được đề cập đến trước tiên. Nhưng khi ta tuần tự thực hành bốn hạnh này như một phương cách rèn luyện tâm thức, thì chúng ta nên bắt đầu bằng việc phát triển tâm xả (tâm bình đẳng) trước nhất. Nếu không làm như vậy thì bất kỳ lòng từ, bi và hỉ nào mà chúng ta phát triển được cũng sẽ có khuynh hướng thiên lệch và không hoàn toàn thanh tịnh. Do đó, trong trường hợp này, chúng ta bắt đầu bằng thiền định về phẩm tính của tâm xả.

1. Thiền Định Về Tâm Xả

Xả (tiếng Tây Tạng là tang nyom) có nghĩa là từ bỏ (tang) sự thù ghét kẻ thù và sự bám luyến bằng hữu, và giữù một thái độ bình thản (nyom) đối với tất cả chúng sinh, thoát khỏi tâm trạng dính mắc với những người thân cận và lòng ác cảm với những người không thân thiết.

Như hoàn cảnh hiện nay, chúng ta rất gắn bó với những người mà ta nghĩ ù là thành viên của tập thể của riêng ta – cha, mẹ, những người thân thuộc, v.v... - trong khi chúng ta thù ghét thậm tệ kẻ thù của ta và những người liên kết với kẻ thù của ta. Đây là một lỗi lầm, và điều này xuất phát từ việc thiếu truy xét.

Trong những đời trước, những người mà giờ đây chúng ta coi như kẻ thù chắc chắn đã từng thân thiết với ta, luôn yêu thương, kề cận, chăm sóc chúng ta với thiện ý, và hiến tặng cho ta mọi sự giúp đỡ và nâng đỡ ta không cách gì có thể tưởng tượng nổi. Trái lại, nhiều người mà giờ đây ta gọi là bạn bè chắc chắn đã từng chống lại ta và làm hại ta. Như chúng ta thấy trong chương viết về vô thường, điều này được minh họa bởi những lời của Ngài Katyayana siêu phàm:

Hắn ăn thịt cha, đánh đuổi mẹ,
Hắn nâng niu trong lòng kẻ thù mà hắn đã giết;
Người vợ đang gặm xương chồng.
Ta bật cười khi chứng kiến màn sinh tử hiển bày!

Một ví dụ khác là câu chuyện của Công Chúa Pema Sel, con gái của vị Pháp Vương Trisong Detsen. Khi cô chết vào tuổi mười bảy, cha cô tới hỏi Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) làm sao một việc như vậy có thể xảy ra.

“Tôi nghĩ con gái tôi phải là người có những hành vi thanh tịnh trong quá khứ,” nhà vua nói. “Nó đã sinh ra làm con gái của Vua Trisong Detsen. Nó đã gặp tất cả các Ngài, là những dịch giả và học giả chẳng khác nào những vị Phật đích thực. Như vậy làm sao cuộc đời của nó lại ngắn ngủi như thế?”

“Hoàn toàn không phải do những hành vi thanh tịnh trong quá khứ mà công chúa sinh làm con Ngài,” Đạo Sư trả lời. “Xưa kia, Ta; Liên Hoa Sanh, cùng Ngài, Pháp Vương vĩ đại, và Đại Bồ Tát Tu viện trưởng bị sinh ra làm ba đứa trẻ thuộc giai cấp hạ tiện. Chúng ta đang xây dựng Đại Bảo Tháp Jarung Khashor. Lúc đó công chúa sinh làm một côn trùng chích vào cổ Ngài. Ngài lấy tay gạt đi và ngẫu nhiên giết chết nó. Vì món nợ Ngài vay trong kiếp đó, con côn trùng đã tái sinh làm con gái của Ngài.”129

Pháp Vương Trisong Detsen là người được xem là Hóa Thân của Bồ Tát Văn Thù mà con gái của Ngài lại có thể sinh làm con Ngài theo con đường tái sinh như vậy, do nghiệp chín muồi trổ quả từ một hành vi tạo tác trong quá khứ – như vậy thì ta còn có thể nói gì hơn về trường hợp của những chúng sinh khác?

Hiện nay, ta có một mối liên hệ hết sức thân thiết với cha mẹ và con cái chúng ta. Ta cảm thấy hết sức thương yêu họ và có những ước nguyện lạ thường đối với họ. Khi họ đau khổ, hay bất kỳ điều gì không vừa ý xảy ra với họ thì chúng ta bối rối lo âu còn hơn là khi điều đó xảy ra với cá nhân ta. Tất cả những điều này chỉ là sự đền trả cho điều ác mà chúng ta đã gây ra cho nhau trong những đời quá khứ.

Trong tất cả những người mà giờ đây chúng ta coi là kẻ thù, không ai chưa từng là cha hay mẹ trong một chuỗi dài những đời trước của ta. Ngay cả giờ đây, việc ta coi họ như những người chống lại ta không nhất thiết có nghĩa là họ thực sự làm điều ác đối với ta. Đối với một số người, chúng ta coi họ là những đối thủ, nhưng từ phía họ, họ lại hoàn toàn không nhìn thấy chúng ta theo cách đó. Một số khác có thể cảm thấy rằng họ là kẻ thù của ta nhưng hoàn toàn không có khả năng làm hại ta. Cũng có những người vào một lúc nào đó có vẻ như đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong một thời gian dài, lại có những điều họ làm có thể đem lại cho ta một nhận thức và cảm kích sâu sắc nào đó trong đời này, hoặc khiến ta chuyển tâm, hướng tâm về Pháp, và vì thế đem lại cho ta nhiều lợi lạc và hạnh phúc. Còn những người khác, nếu ta có thể khéo léo thích nghi với tánh khí của họ và khuyến dụ họ với lời lẽ dịu dàng cho tới khi chúng ta đạt được một vài thỏa thuận nào đó, thì ta có thể dễ dàng chuyển hoá họ thành bạn của ta.

Mặt khác, có những người mà chúng ta thường xem là thân thiết nhất với mình, chẳng hạn như con cái ta. Nhưng đã có những đứa con từng lừa gạt hay thậm chí giết cả cha mẹ chúng. Đôi khi con cái đứng về phe những người đang có tranh chấp với cha mẹ, hợp lực với họ để gây xung đột cho chính gia đình mình và cướp đoạt tài sản của cha mẹ. Ngay cả khi chúng ta sống thuận thảo với những người thân thiết với ta, những phiền muộn và rắc rối của họ cũng đem đến những ảnh hưởng không tốt đẹp đối với chúng ta, thậm chí còn ảnh hưởng ta mạnh mẽ hơn là những khó khăn của chính mình. Để giúp đỡ bạn bè, con cái và những người thân khác của ta, chúng ta tích lũy đầy rẫy những hành động bất thiện là những hành động sẽ đọa ta vào các tầng địa ngục trong đời sau. Khi ta thực sự muốn thực hành Pháp một cách đúng đắn thì họ lôi kéo chúng ta lại. Khi không thể thoát khỏi nỗi lo lắng về cha mẹ, con cái, và gia đình, chúng ta trì hỗn việc tu tập, thực hành Pháp, và vì thế không bao giờ tìm ra được thời gian để thực hành công phu tu tập này. Tóm lại, những người như vậy có thể làm hại ta thậm chí còn hơn cả những kẻ thù.

Hơn nữa, không có gì bảo đảm là những người chúng ta coi là đối thủ hôm nay lại không phải là con cái chúng ta trong những đời sau, hay bạn bè hiện tại sẽ không tái sinh làm kẻ thù của chúng ta trong kiếp tới, v.v... Chỉ vì trong một thoáng, ta chấp nhận rằng nhận thức của chúng ta về “kẻ thù” và “bạn bè” là thật có, nên ta tích tập nhiều hành động bất thiện qua lòng tham luyến và sân hận. Tại sao ta lại ôm chặt gánh nặng này để chúng lôi kéo ta, đọa ta xuống những cõi giới thấp?

Vì thế, hãy đi đến một quyết định mãnh liệt và hãy ý thức rằng tất cả chúng sinh bao la vô tận là cha mẹ và con cái của chính bạn. Như thế, hãy rèn luyện tâm ta giống như những bậc vĩ đại trong quá khứ đã làm, như ta đã có thể đọc thấy trong tiểu sử cuộc đời của các Ngài -- hãy coi tất cả bằng hữu và kẻ thù đều tương tự như nhau.

Trước hết, đối với tất cả những người mà bạn hoàn toàn không ưa thích – những người khơi dậy lòng sân hận và thù ghét trong bạn – hãy rèn luyện tâm thức bạn bằng nhiều phương tiện khác nhau để lòng sân hận và thù ghét mà bạn cảm thấy đối với họ không còn xuất hiện. Hãy nghĩ về họ như thể bạn nghĩ về một người nào đó một cách chung chung, không làm điều tốt cho bạn mà cũng chẳng làm hại bạn. Sau đó hãy quán chiếu rằng vô số chúng sinh mà bạn cảm thấy chung chung về họ, từ vô thủy đã từng là cha, mẹ bạn một lúc nào đó trong những đời quá khứ. Hãy thiền định về đề mục này, rèn luyện bản thân cho tới khi bạn cảm thấy thương yêu họ, tương tự như bạn yêu thương cha mẹ hiện thời của bạn. Cuối cùng, hãy thiền định cho tới khi bạn cảm thấy có đuợc lòng từ bi vô phân biệt đối với tất cả chúng sinh – dù bạn coi họ là bạn bè, kẻ thù hay không thù không bạn – nhưng đây chính là bạn đang phát triển lòng bi mẫn đối với cha mẹ nhiều đời kiếp của chính bạn.

Bây giờ, nếu bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến mọi người, thù và bạn đều như nhau, trong lòng không có mảy may một cảm xúc đặc biệt nào, không cảm thấy từ bi, cũng không cảm thấy thù ghét hay cảm thấy bất cứ gì khác -- nếu chỉ đơn thuần nghĩ như vậy thì tâm xả đó vẫn không thể nào thay thế được cho tâm xả vô lượng [mà chúng ta muốn phát khởi]. Loại tâm xả chung chung đó là thứ tâm xả không có chánh niệm, không gây ra điều ác nhưng cũng không đem lại lợi lạc. Hình ảnh được dùng để miêu tả một tâm xả chân chính vô lượng vô tận là hình ảnh một bữa tiệc do một hiền nhân vĩ đại chiêu đãi. Khi những đại hiền giả ngày xưa cúng dường những bữa tiệc, các Ngài sẽ mời tất cả mọi người, dù cao hay thấp, mạnh hay yếu, tốt hay xấu, đặc biệt hay bình thường, mà không có bất kỳ phân biệt nào. Tương tự như thế, thái độ của ta đối với tất cả chúng sinh khắp hư không phải là một cảm thức bao la của lòng từ bi, dung chứa tất cả một cách bình đẳng. Hãy rèn luyện tâm thức bạn cho tới khi bạn đạt tới một trạng thái của tâm xả vô lượng y như thế.

2. Thiền Định Về Tâm Từ

Qua công phu thiền định về tâm xả vô lượng đã được mô tả như trên, bạn hãy quan tâm tới tất cả chúng sinh trong tam giới với lòng từ rộng lớn tương tự. Lòng từ ái mà bạn cảm thấy đối với tất cả chúng sinh phải giống như lòng từ của những bậc cha mẹ chăm sóc con cái mình. Cha mẹ không để ý tới sự vô ơn bạc nghiã của con cái, họ gánh chịu mọi gian khổ, hoàn toàn hiến dâng mọi tư tưởng, lời nói, và hành động chỉ để những đứa con của họ được hạnh phúc, sung túc và thoải mái. Cũng thế, trong đời này và tất cả những đời sau của bạn, hãy hiến dâng mọi việc bạn làm, lời nói, hay suy nghĩ của bạn cho sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Tất cả những chúng sinh đó đều cố gắng để đạt được hạnh phúc và an nhàn. Tất cả đều muốn được sống hạnh phúc và nhàn nhã; không một ai trong số đó muốn hứng chịu bất hạnh hay đau khổ. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng nguyên nhân của hạnh phúc là những thiện hạnh, thay vào đó họ đắm mình trong mười hành vi bất thiện. Do đó, ước muốn sâu xa nhất (được hạnh phúc) và hành động của họ lại mâu thuẫn nhau: trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, họ chỉ mang lại đau khổ cho chính mình.

Hãy liên tục thiền định về tư tưởng này “thật tuyệt diệu biết bao nếu mỗi người trong những chúng sinh đó có thể thọ hưởng tất cả nìềm hạnh phúc và an nhàn mà họ mong muốn.” Hãy thiền định về điều đó cho tới khi lòng mong cầu cho người khác được hạnh phúc cũng mãnh liệt giống như bạn đang mong muốn cho bản thân bạn được hạnh phúc.

Kinh điển nói về “những hành vi nhân từ của thân, những hành vi nhân từ của khẩu, những hành vi nhân từ của ý.” Điều này có nghĩa là tất cả những gìï bạn nói ra bằng miệng, làm bằng tay, thay vì nói và làm những điều tổn hại người khác, thì hãy chỉ nói và làm những điều thẳng thắn và tốt lành. Như trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói:

Bất cứ khi nào bạn nhìn người khác,
Hãy nhìn họ với tấm lòng yêu thương rộng mở.

Ngay cả khi bạn chỉ nhìn một ai khác, hãy nhìn họ với nét tươi cười, vui vẻ, thay vì nhìn họ bằng một cái nhìn chòng chọc đầy gây hấn hay biểu lộ sự thù ghét. Có nhiều câu chuyện nói về điều này, giống như câu chuyện về một nhà cai trị đầy uy quyền nhìn mọi người với cái nhìn phẫn nộ. Chuyện kể rằng người đó bị tái sinh làm một ngạ quỷ sống nhờ thức ăn thừa dưới bếp lò của một căn nhà, và sau đó, cũng vì đã nhìn một thánh nhân theo lối đó, ông ta bị đọa vào địa ngục.

Bất cứ hành động nào bạn làm bằng thân, hãy gắng làm một cách dịu dàng và vui vẻ, cố gắng không làm hại người khác mà là để giúp đỡ họ. Lời nói của bạn không nên biểu lộ những thái độ như khinh miệt, chỉ trích hay ghen tị. Hãy làm sao để mỗi lời bạn nói đều vui vẻ và chân thật. Đối với thái độ của tâm, khi bạn giúp đỡ người khác, chớ mong chờ bất kỳ sự đền đáp tốt đẹp nào. Đừng làm một kẻ đạo đức giả và cố làm cho người khác coi bạn như một vị Bồ Tát bằng những lời nói và hành động tử tế của bạn. Tận đáy lòng bạn, hãy hoàn toàn mong ước hạnh phúc cho người khác và chỉ quan tâm tới những gì lợi lạc nhất cho họ. Hãy lập đi lập lại những lời cầu nguyện này: “Trải dài suốt tất cả các kiếp, nguyện xin cho tôi không làm tổn hại dù chỉ một sợi tóc trên đầu người khác, và nguyện xin cho tôi luôn luôn giúp đỡ mỗi người trong tất cả mọi người.”
Điều đặc biệt quan trọng là tránh làm cho những người dưới quyền của bạn đau khổ bằng cách đánh đập, ép buộc họ làm việc cực nhọc, v.v… Điều này áp dụng cho người giúp việc cũng như cho những thú vật của bạn, xuống tới con chó giữ nhà khiêm tốn nhất. Luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, bạn hãy tử tế với họ trong tư tưởng, lời nói và hành động. Bị tái sinh như một người hầu, hay một con chó giữ nhà, bị mọi người coi thường và khinh rẻ, là nghiệp trổ quả do những hành vi đã tạo trong quá khứ. Đó là quả hỗ tương của việc xem thường và khinh rẻ người khác khi bạn có một địa vị quyền uy trong một đời quá khứ. Nếu bây giờ vì giàu có và quyền thế mà bạn xem thường người khác, bạn sẽ phải trả món nợ này trong vài kiếp tới bằng cách phải tái sinh làm những người hầu của họ. Vì thế, hãy đặc biệt tử tế với những người đang ở vị trí thấp hơn bạn.

Bất kỳ những gì bạn có thể làm bằng thân, khẩu hay ý để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là cha mẹ của bạn, hay những người bị bệnh kinh niên, sẽ đem lại những lợi ích không thể nghĩ bàn. Ngài Jowo Atisa nói:

Tử tế đối với những người từ phương xa tới, những người bị bệnh lâu năm, hay cha mẹ trong tuổi già, tương đương với việc thiền định về tánh Không mà tinh tuý của tánh Không ấy chính là lòng từ bi.

Cha mẹ chúng ta đã tỏ cho ta thấy tình yêu thương và tâm từ ái bao la tới nỗi nếu chúng ta làm cho cha mẹ mình phải đau khổ lúc về già thì đây là một ác hạnh. Bản thân Đức Phật, để đền đáp lòng tốt của thân mẫu, Ngài đã đi tới tầng Trời thứ Ba Mươi Ba để giảng Pháp cho bà. Có câu nói rằng cho dù chúng ta hầu hạ cha mẹ bằng cách đưa họ đi khắp thế giới trên đôi vai của mình, thì việc ấy vẫn không đền đáp được lòng tốt của cha mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể đền đáp lòng tốt này bằng việc hướng dẫn cha mẹ đếùn với giáo lý của Đức Phật. Vì thế, hãy luôn luôn phụng sự cha mẹ bằng tư tưởng, lời nói, và hành động, và cố gắng tìm cách đưa cha mẹ mình đến với Giáo Pháp.

Đạo Sư Vĩ Đại xứ Oddiyana đã nói:

Không nên làm cho người già buồn khổ; hãy chăm sóc họ với lòng quan tâm và tôn kính.

Trong bất cứ những gì bạn nói và làm, hãy tỏ ra tử tế với tất cả những người lớn tuổi hơn bạn. Hãy quan tâm tới họ và làm bất kỳ những gì bạn có thể làm được khiến cho họ vui lòng.

Ngày nay, hầu hết mọi người đều nói rằng không có cách nào sống trong cõi luân hồi mà không làm tổn hại người khác. Nhưng điều này không đúng.

Ngày xưa, ở Khotan, hai vị sa-di đang thiền định về Đức Văn Thù (Manjushri) siêu phàm.

Một hôm, Ngài hiện ra với họ và nói: “Giữa ta và các ngươi không có duyên nghiệp với nhau. Vị Bổn Tôn mà các ngươi có liên hệ trong những đời quá khứ là Đức Quán Tự Tại vĩ đại. Hiện Ngài được tìm thấy ở Tây Tạng, là vị vua đang cai trị xứ này.* Các ngươi nên tới đó gặp Ngài.”
* Nhà vua có danh hiệu là Songtsen Gampo, vị vua Phật tử đầu tiên của Tây Tạng, Ngài được coi là một hoá thân của Đức Quán Tự Tại.

Khi hai vị sa-di tới Tây Tạng và đi vào vòng thành Lhasa, họ thấy rất đôâng người bị hành hình hay bị giam giữ. Họ hỏi điều gì đang xảy ra.

“Đó là những người bị vua ra lệnh trừng phạt,” họ được cho biết như vậy.

“Vị vua này chắc chắn không phải là Đức Quán Tự Tại,” họ tự nhủ, và sợ cũng bị trừng phạt như vậy nên họ quyết định bỏ đi.

Vị vua biết họ bỏ đi nên phái một sứ giả đi theo mời họ tới gặp Ngài.

“Đừng sợ,” Ngài bảo họ. “Tây Tạng là một vùng đất hoang dã, khó thuần phục. Vì lý do đó ta đã phải tạo ra ảo ảnh những tội nhân bị hành hình, bị chặt tay chân, và v.v. Nhưng trong thực tế, ta chưa từng làm tổn hại ai cho dù chỉ một sợi tóc.”

Vị vua đó là người cai trị toàn xứ Tây Tạng, Xứ Tuyết, và đã khiến các vị vua khắp bốn phương phải phục tùng Ngài. Ngài đánh bại những đội quân xâm lược và giữ yên ổn khắp biên cương. Mặc dù Ngài buộc lòng phải chiến thắng quân thù và bảo vệ thần dân của mình trên một phạm vi rộng lớn như vậy nhưng Ngài hoàn toàn tự chế ngự được để không làm tổn hại một sợi tóc trên đầu người. Vì thế, làm sao chúng ta không thể không làm như vậy để tránh việc gây tai hại cho người khác khi ta đang chăm sóc nơi trú ẩn bé xíu của ta, là những thứ mà nếu so sánh thì không lớn hơn những tổ côn trùng?

Gieo gió thì gặt bão. Việc làm hại người khác chỉ tạo nên đau khổ vô tận cho đời này và những đời kế tiếp. Chẳng có điều tốt lành nào có thể phát sinh từ ác hạnh, ngay cả trong những việc lặt vặt của đời này. Chưa từng có ai trở nên giàu có nhờ giết chóc, trộm cướp và những điều tương tự. Cuối cùng họ phải gánh chịu quả báo và thất thoát toàn bộ tiền bạc và của cải trong khi thực hiện ác hạnh.

Hình ảnh được đưa ra để minh họa cho lòng từ ái bao la là một con chim mẹ săn sóc những đứa con. Nó bắt đầu bằng việc làm một cái tổ mềm mại, ấm cúng. Chim mẹ che chở và ủ cho thật ấm những con chim con bằng đôi cánh của nó. Nó luôn dịu dàng và che chở chim con cho tới khi chúng có thể chắp cánh bay xa. Giống như con chim mẹ đó, hãy học cách tử tế trong tư tưởng, lời nói, và hành động với tất cả chúng sinh trong ba cõi.

3. Thiền Định Về Tâm Bi

Thiền định về tâm bi là hình dung chúng sinh bị hành hạ bởi nỗi đau khổ khủng khiếp và mong muốn họ được giải thoát khỏi những đau khổ đóù. Có câu nói rằng:

Hãy nghĩ về một người nào đó bị đau khổ dữ dội, như một người bị ném vào ngục tối sâu thẳm chờ đợi cuộc hành hình, hay một con vật sắp bị làm thịt đang đứng trước kẻ đồ tể. Hãy cảm nhận lòng từ ái đối với chúng sinh đó như thể họ là mẹ hay con của chính bạn.

Hãy hình dung một tù nhân bị nhà cầm quyền kết án tử hình và đang bị dẫn tới nơi hành quyết, hoặc một con cừu bị người đồ tể bắt trói lại.

Khi bạn nghĩ tới một tù nhân bị kết án, thì hãy hình dung con người đau khổ đó là chính bạn thay vì là một người nào khác. Hãy tự hỏi mình sẽ làm gì trong tình huống đó. Làm thế nào bây giờ? Không biết chạy nơi đâu. Không nơi ẩn trốn. Không chốn nương tựa và không ai che chở bạn. Bạn không có phương tiện để đào thoát. Bạn không thể bay xa. Bạn không có sức mạnh, không có quân đội để bảo vệ. Ngay chính lúc đó, mọi tri giác về cuộc đời này sắp bị cắt đứt. Bạn sẽ phải bỏ lại ngay cả thân thể của chính mình mà bạn đã từng bảo vệ, chăm chút từng chút một, và phải bắt đầu lên đường đi đến cuộc đời kế tiếp. Đau đớn làm sao! Hãy rèn luyện tâm thức bằng cách nhận lãnh vào mình nỗi đau khổ của tù nhân bị kết án đó.

Và khi bạn nghĩ tới một con cừu bị dẫn đi giết thịt, đừng nghĩ nó chỉ là một con cừu. Thay vào đó, hãy cảm thấy một cách chân thành rằng đó chính là người mẹ già của mình sắp bị giết, và hãy tự hỏi phải làm gì trong tình huống đó. Giờ đây bạn định làm gì khi họ sắp giết người mẹ già của bạn, mặc dù bà chẳng làm điều gì tổn hại đến ai? Hãy kinh nghiệm từ tận đáy lòng bạn nỗi khổ mà mẹ bạn phải trải qua. Khi tâm bạn nóng lòng muốn làm một điều gì ngay lập tức để người mẹ già của bạn không bị giết chết tại chỗ, hãy quán chiếu dù sinh loài đang đau khổ này không thực sự là cha hay mẹ bạn trong đời này, nhưng chắc chắn họ đã từng là cha hay mẹ bạn trong một thời điểm nào đó trong những đời quá khứ và đã từng nuôi dưỡng bạn với thiện tâm lớn lao giống hệt như cha mẹ trong đời này của bạn đã làm. Vì thế không có gì khác biệt giữa cha mẹ đời này với cha mẹ của vô lượng kiếp. Thương thay cho cha mẹ khốn khổ của bạn đang chịu đau khổ quá nhiều! Giá như họ có thể lập tức thoát khỏi nỗi khổ của họ, không chút trì hỗn – ngay giây phút này! Với những niệm tưởng này trong lòng, hãy thiền định với lòng bi mẫn không thể chịu đựng nổi đến nỗi đôi mắt bạn trở nên đẫm lệ.

Khi lòng bi của bạn được đánh thức, hãy thấu hiểu rằng tất cả những đau khổ này là hậu quả của các ác hạnh đã phạm trong quá khứ. Tất cả những chúng sinh khốn khổ giờ đây đang đắm mình trong những ác hạnh cũng sẽ phải chịu đau khổ không cách nào tránh khỏi. Để cho điều này hiện rõ trong tâm, hãy thiền định với lòng bi về tất cả những chúng sinh đang tạo nhân đau khổ cho bản thân họ bằng việc sát sinh và bằng những hành vi bất thiện khác.

Sau đó hãy quán sát sự đau khổ của tất cả những chúng sinh bị tái sinh trong các cõi địa ngục, giữa những ngạ quỷ và những cõi giới đau khổ khác. Hãy đồng nhất với họ như thể họ là cha mẹ bạn, hay là chính bạn, và thiền quán về lòng bi với một năng lực vĩ đại.

Cuối cùng, hãy quán chiếu sâu xa về tất cả chúng sinh trong tam giới. Bất kể ở đâu có không gian là ở đó có chúng sinh. Nơi nào có chúng sinh là nơi đó có ác hạnh và có quả khổ. Những chúng sinh đáng thương chỉ toàn dính mắc trong tất cả những ác hạnh và đau khổ! Tuyệt diệu biết bao nếu như mỗi chúng sinh trong sáu cõi có thể thoát khỏi mọi tri kiến gây ra bởi những hành vi trong quá khứ, thoát khỏi mọi đau khổ và những khuynh hướng bất thiện đó, và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu của Phật Quả viên mãn.

Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm bi, điều quan trọng trước tiên là hãy chú tâm vào nỗi khổ của một cá nhân, từng người một, và sau đó từng bước một, tu tập bản thân cho tới khi bạn có thể thiền định về tất cả chúng sinh như một toàn thể đồng nhất. Nếu không như thế, lòng từ bi của bạn sẽ rất mơ hồ và chỉ là lý thuyết suông. Tâm bi ấy sẽ không phải là một tâm bi chân chính, xác thực.

Hãy đặc biệt quán chiếu về những đau khổ và khó nhọc của trâu bò, cừu, ngựa thồ và những gia súc khác của bạn. Chúng ta chế ra đủ loại hình thức hành hạ dã man những sinh loài như thế, có thể so sánh với những hành hạ trong địa ngục. Chúng ta xỏ mũi, thiến, vặt lông, lấy máu sống những con thú.* Chúng ta chẳng suy xét trong bất kỳ phút giây ngắn ngủi nào để thấy rằng những con vật này có thể bị đau đớn. Nếu suy nghĩ về điều đó một cách sâu xa, ta sẽ thấy ngay vấn đề đáng tiếc là ở chỗ chúng ta đã không nuôi dưỡng lòng bi mẫn. Hãy quán chiếu về điều này thật kỹ lưỡng: ngay giờ đây,
* Gù lông mềm trên lưng bò yak được dùng làm len, người ta thường vặt nó ra hơn là xén.

nếu có ai chỉ nhổ một sợi tóc của bạn, bạn sẽ la lên vì đau đớn – bạn sẽ hoàn toàn không tha thứ cho việc đó. Thế mà chúng ta lại vặt tất cả lông-gù dài của những con bò yak của ta, để lại lớp da thịt trần trụi đỏ tấy lên mà nơi mỗi sợi lông tứa ra một giọt máu. Mặc dù con vật kêu rên vì đau đớn nhưng chúng ta chẳng mảy may quan tâm tới nỗi khổ của nó.

Chúng ta chẳng thể đứng yên khi bị một vết phỏng dộp trên bàn tay. Đôi khi mông đít ta bị đau do du hành trên lưng ngựa, ta không thể ngồi trên yên mà phải ngồi lệch một bên. Nhưng chúng ta không làm thế khi con ngựa bị kiệt sức hay đau đớn. Khi nó không thể đi tiếp được nữa và bị vấp ngã, thở hổn hển, ta vẫn cho là tại nó cứng đầu. Chúng ta mất bình tĩnh và quất nó không chút thương xót.

Hãy nghĩ về cá nhân một con vật, chẳng hạn một con cừu bị giết thịt. Trước tiên, khi bị lôi ra khỏi bầy, con vật tê liệt vì sợ hãi. Một vết thương tươm máu phồng lên ngay chỗ bị túm chặt. Nó bị quẳng nằm ngửa trên mặt đất; chân bị cột lại với nhau bằng một sợi dây da và mõm bị ràng cho tới khi chết ngạt.** Nếu con vật kéo dài thời gian hấp hối trong cơn đau dữ dội thì kẻ đồ tể, người làm những ác hạnh, hết sức giận dữ:

“Con này không muốn chết!” hắn nói, và đánh con vật túi bụi.

Con cừu này khó chết hơn cừu bị lột da và moi ruột. Cùng lúc đó một con vật khác bị rút máu cho tới khi không còn đứng vững được nữa. Máu của con vật đã chết được hoà chung với máu con vật còn sống và hỗn hợp này được nấu chín trong bộ ruột của một con vật đã bị mổ bụng để làm món xúc xích.* Bất cứ ai có thể ăn những thứ như thế về sau hẳn phải là một kẻ ăn thịt người thật sự.
** Ở Tây Tạng, người ta thường giết súc vật bằng cách làm cho nó ngạt thở.
*Như huyết-xúc xích. Điều này làm theo một niềm tin của địa phương là một hỗn hợp gồm máu của một con vật còn sống và máu một con vật đã chết làm tăng cường sinh lực.

Hãy suy nghĩ kỹ càng về nỗi khổ của những con vật này. Hãy hình dung chính bạn đang trải qua nỗi khổ đó và xem xét coi chúng ra sao. Hãy lấy tay bịt miệng bạn lại và ngừng thở. Hãy ở trong tình trạng như thế trong một lát. Bạn hãy kinh nghiệm sự đau đớn và hoảng sợ. Khi bạn đã thực sự quán sát điều đó, hãy nghiền ngẫm kỹ lưỡng rằng thật đáng buồn biết bao khi toàn thể chúng sinh đó bị dằn xé bởi những nỗi khổ khủng khiếp như thế mà không có lúc nào được ngơi nghỉ. Giá như bạn có năng lực để ban tặng chúng nơi ẩn náu thoát khỏi mọi thống khổ này!

Các Lạt Ma và tu sĩ là những người được mọi người tin tưởng là có lòng từ bi rộng lớn nhất. Nhưng họ lại chẳng có chút xíu nào tấm lòng ấy. Nói đến chuyện làm cho chúng sinh đau khổ thì quả là họ còn tệ hại hơn cả các gia chủ. Đây là dấu hiệu cho thấy thời đại giáo lý của Đức Phật đang thực sự tới lúc kết thúc. Chúng ta đã đi tới một thời kỳ khi mà những quỷ ma ăn thịt và các yêu tinh hoàn toàn được tôn kính. Trong quá khứ, Bậc Thầy của chúng ta, Đức Thích Ca Mâu Ni, đã từ bỏ vương quốc của một vị Chuyển Luân Thánh Vương.130 Cùng với những đệ tử A La Hán của Ngài, Ngài đi chân trần, khất thực với bình bát và cây gậy trong tay. Không những các Ngài đi khất thực mà không có lừa hay ngựa thồ, mà ngay cả Đức Phật cũng không có ngựa để cưỡi. Đó là bởi Ngài cảm thấy rằng làm cho chúng sinh đau khổ không phải là con đường của giáo lý đạo Phật. Không lẽ Đức Phật không đủ tháo vát để tìm cho bản thân mình một con ngựa già để cưỡi?

Tuy nhiên, khi những vị tôn kính của chúng ta tổ chức một buổi lễ trong làng, họ xỏ một mẩu dây bện tròn qua cái lỗ được đục ở mõm con trâu yak. Khi được đỡ lên yên, họ kéo bằng cả hai tay mạnh tới nỗi có thể nắm được sợi dây làm bằng lông yak, nó thọc sâu vào mũi con trâu yak, làm con vật đáng thương này đau đớn khủng khiếp đến độ phải chồm lên và phóng vọt tới. Vì thế người ngồi trên lưng nó, với tất cả sức mạnh của mình, đánh nó bằng roi. Không chịu nổi chỗ đau mới bên hông, con trâu yak bắt đầu chạy – nhưng mũi lại bị sợi dây kéo lại. Bây giờ lỗ mũi bị đau quá khiến con yak đứng lại, và lại bị roi quất. Bị trì kéo phía trước, bị roi quất phía sau cho tới khi chẳng mấy chốc con vật đau đớn và kiệt sức. Mồ hôi toát ra từ mỗi sợi lông, lưỡi nó thè ra, hơi thở khò khè, và nó không thể đi được nữa.

“Chuyện gì xảy ra với nó? Nó vẫn không chịu đi cho đàng hoàng,” người cưỡi trâu yak nghĩ như vậy và nổi giận, dùng cái tay nắm của sợi dây thúc vào sườn con vật cho tới khi trong cơn giận dữ, hắn thúc mạnh tới nỗi tay nắm bể làm hai. Hắn nhét những miếng bị bể vào thắt lưng, nhặt một cục đá nhọn và, xoay tròn trên yên, đâm mạnh xuống mông con trâu yak già nua… Tất cả những điều này xảy ra là bởi hắn không cảm thấy một chút xót thương nào đối với con vật.

Hãy hình dung chính bạn là con trâu yak già nua, lưng bạn oằn xuống vì bị chồng chất quá nặng, một sợi dây trì kéo bạn ở lỗ mũi, hông bạn bị quất, sườn bạn thâm tím vì cái bàn đạp. Bạn chỉ cảm thấy đau rát ở phía trước, phía sau, và hai bên sườn. Không một giây ngưng nghỉ, bạn leo lên những sườn núi dài, đi xuống những con dốc sâu, vượt qua các con sông rộng và những cánh đồng mênh mông. Không được nuốt dù chỉ một muỗng thức ăn, bạn bị dẫn đi trái với ý muốn của bạn từ sáng sớm cho tới chiều tối khi những tia nắng sau cùng của mặt trời tà đã biến mất. Hãy quán chiếu về nỗi đau đớn và kiệt lực của con vật như thế nào, sự đau đớn, đói khát mà bạn trải nghiệm ra sao, và sau đó, hãy nhận vào mình nỗi đau khổ đó. Bạn không thể cảm thấy điều gì khác ngoài lòng bi mẫn mãnh liệt và không thể nào chịu đựng nổi.

Thông thường, những người mà chúng ta gọi là Lạt Ma hay tu sĩ phải là nơi nương tựa và người trợ giúp – là những vị hộ trì và dẫn dắt tất cả chúng sinh với một tấm lòng vô phân biệt. Nhưng trong thực tế, họ thiên vị những vị thí chủ, những người bảo trợ họ, những người tặng cho họ thức ăn, nước uống và cúng dường họ. Họ cầu nguyện để những cá nhân đặc biệt này có thể được che chở và bảo vệ. Họ ban cho những người này các lễ quán đảnh và phước lành. Và trong thời gian đó, họ kết bè kết bạn để trục xuất tất cả những ngạ quỷ và những tinh linh ác hại mà sự tái sinh vào đường dữ là kết quả của nghiệp bất hạnh của chúngï. Chư vị Lạt Ma cử hành những buổi lễ như vậy tới lúc nổi cơn thịnh nộ, làm ra vẻ muốn đánh đập và kêu lên: “Giết, giết! Đánh, đánh!”

Giờ đây, chắc chắn rằng nếu bất kỳ ai coi những tinh linh ác hại như đối tượng để đánh hoặc giết thì hẳn đó là vì tâm thức họ đang bị đè nặng bởi năng lực của sự tham luyến và thù hận, và họ chưa từng phát khởi lòng bi mẫn bao la, vô phân biệt. Khi bạn suy nghĩ sâu xa về điều này, bạn sẽ thấy rằng những tinh linh ác hại này cần đến lòng từ bi hơn bất kỳ ân nhân, tín chủ nào. Họ trở thành những tinh linh nhiễu hại là bởi ác nghiệp của họ. Khi bị tái sinh làm ngạ quỷ với một thân thể khủng khiếp, họ đau đớn và sợ hãi không thể tưởng tượng nổi. Họ không kinh nghiệm được điều gì khác ngoại trừ sự đói, khát, và kiệt quệ kéo dài vô tận. Họ nhận thấy mọi sự chỉ là sự đe dọa. Khi tâm họ tràn đầy thù hận và gây hấn, nhiều người trong số họ bị đọa địa ngục ngay khi chết. Như vậy ai xứng đáng được thương xót hơn? Những vị thí chủ có thể đau yếu và khổ sở, nhưng điều đó sẽ giúp cho ác nghiệp của họ cạn kiệt và không còn tạo tác thêm nữa. Trái lại, những tinh linh xấu ác đó đang làm tổn hại những người khác với những ý định xấu ác, và bởi những ác hạnh của họ, họ sẽ bị lộn nhào xuống đáy sâu của các cõi thấp.

Nếu Đấng Chiến Thắng, thiện xảo trong các phương tiện và tràn đầy lòng từ bi, đã giảng dạy cách khử trừ hay đe dọa những tinh linh gây tổn hại này bằng những phương pháp hung nộ thì cũng chỉ là vì lòng bi mẫn đối với chúng tinh linh, giống như một người mẹ phát vào đít đứa trẻ không nghe lời.

Ngài cũng cho phép một số người thực hiện các nghi lễ giải thóat bằng cách là những người có năng lực được ngăn chận dòng tạo tác ác nghiệp của những kẻ chuyên gây tổn hại, và chuyển tâm thức chúng tới một cõi thanh tịnh. Nhưng ngược lại, đối với việc cố tình làm thoả mãn yêu cầu của những tín chủ, làm thoả mãn các tu sĩ, và thoả mãn những người mà chúng ta coi là đứng về phe ta để hắt hủi chúng quỷ ma và hắt hủi những người làm điều sai trái, rồi coi họ như những kẻ thù đáng ghét – bảo vệ một bên và tấn công bên kia do lòng tham luyến và thù hận – thì đó có phải là do Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy những thái độ như thế hay không? Chừng nào chúng ta còn bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tham luyến và thù hận như vậy, thì thật vô ích khi cố gắng loại bỏ hay tấn công bất kỳ tinh linh ác hại nào. Thân thể họ chỉ thuần là tâm thức nên họ sẽ không tuân lệnh chúng ta. Ngược lại họ sẽ chỉ gây thêm hoạ hại chúng ta. Quả thực – chưa cần phải nói tới chuyện tham luyến và thù hận – chừng nào chúng ta còn tin rằng những vị Trời và tinh linh như thế thực sự hiện hữu và muốn họ biến đi cho khuất mắt thì chúng ta sẽ không bao giờ thuần phục được họ.

Khi Ngài Jetsun Mila sống trong Động Pháo Đài Kim Xí Điểu ở thung lũng Chong, thì Vinayaka, chúa tể của những kẻ gây chướng ngại, thi triển một ảo giác siêu nhiên. Trong hang đá của mình, Jetsun Mila nhìn thấy năm atsara* (nhà tu khổ hạnh) với đôi mắt to như cái đĩa nhỏ. Ngài cầu nguyện vị Thầy và Bổn Tôn của Ngài, nhưng những con quỷ vẫn không bỏ đi. Ngài thiền định quán tưởng Bổn Tôn và niệm các thần chú phẫn nộ, nhưng chúng vẫn không đi.

Cuối cùng Ngài nghĩ: “Ngài Marpa xứ Lhodrak đã dạy ta rằng tất cả mọi sự việc trong vũ trụ đều chính là do tâm tạo, và bản tánh của tâm thì rỗng rang và chói ngời. Tin rằng ma quỷ và những kẻ gây chướng ngại này đều đến từ bên ngoài và muốn họ đi chỗ khác là điều vô nghĩa.”
* a tsa ra là một sửa đổi sai lạc của từ Phạn ngữ acarya, và ở đây có nghĩa là những sự xuất hiện mang hình tướng của các nhà tu khổ hạnh Ấn Độ.
Cảm nhận một xác tín mạnh mẽ như thế giúp Ngài thấu suốt được rằng những tinh linh và ma quỷ chỉ là những tri giác của chính mình, Ngài trở lại hang động. Trợn tròn đôi mắt kinh hãi, những nhà tu khổ hạnh vụt biến mất.

Đây cũng là điều mà Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá muốn nói tới khi nó hát cho Milarepa nghe:

Quỷ ma ta đây là huân tập của riêng Ngài biến hiện trong
tâm Ngài;
Nếu Ngài không nhận ra bản tánh thật của tâm,
Thì ta sẽ chẳng đi đâu chỉ vì Ngài bảo ta đi.
Nếu Ngài không nhận ra được tâm Ngài rỗng rang,
Thì ngoài ta ra, còn rất nhiều quỷ ma nữa!
Nhưng nếu Ngài nhận ra bản tánh thật của tâm,
Thì nghịch cảnh sẽ hộ trì Ngài chứ chẳng thể làm gì khác
Và ngay cả ta, Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá, sẵn sàng
đợi lệnh Ngài.

Như vậy, thay vì có sự xác tín để thấu hiểu rằng tất cả tinh linh và ma quỷ chính là bản tâm của ta, thì làm sao chúng ta có thể khuất phục được chúngï bằng cách lên cơn giận dữ phẫn nộ?

Khi các tăng sĩ tới thăm các vị thí chủ của họ, các tăng sĩ nàyï vui vẻ không chút do dự ăn hết con cừu đã bị giết để phục vụ họ. Khi các tăng sĩ ấyï thực hiện những nghi thức đặc biệt để cúng dường các vị Hộ Pháp, họ tuyên bố rằng món thịt thanh tịnh là một phần cần thiết. Đối với họ, món này có nghĩa là thịt và mỡ còn ướt máu của một con vật bị giết chết tươi, và với máu và mỡ đó, họ dùng để trang trí tất cả các bánh cúng (torma) và những món cúng dường khác. Những phương pháp đe dọa ghê sợ như thế chỉ có thể là những nghi thức của các kẻ ngoại đạo hay những người theo đạo BoŠn – chúng chắc chắn không phải là nghi thức Phật Giáo. Trong Phật Giáo, một khi đã quy y Pháp, chúng ta phải từ bỏ việc làm hại người khác. Làm thế nào mà việc giết một con thú ở mỗi nơi chúng ta đến, thưởng thức máu và thịt của nó, lại không là việc phạm giới nguyện quy y? Đặc biệt hơn nữa, trong truyền thống Bồ Tát của Đại Thừa, chúng ta được coi là nơi nương tựa và là người bảo vệ cho tất cả chúng sinh bao la vô tận. Nhưng đối với chính những chúng sinh có nghiệp bất hạnh mà ta được coi như đang che chở cho chúngï thì ta lại không cảm thấy chút xíu lòng bi mẫn nào. Thay vào đó, những chúng sinh nằm dưới sự che chở của chúng ta đã bị giết hại, thịt và máu nấu chín của chúngï được bày ra trước mặt ta, và những người bảo vệ họ – là chúng ta, những Bồ Tát – lại hân hoan ngấu nghiến món thịt rồi chép môi hả hê thoả mãn. Còn điều gì có thể xấu xa và ác độc hơn nữa không?

Những bản văn của Kim Cương Mật Thừa có nói:

Cho dù chúng ta có làm điều gì khiến simha và tramen* khó chịu
Chẳng hạn như việc không thọ dụng các phẩm vật cúng dường gồm máu và thịt y cứ theo văn bản,
Chúng ta hãy cầu xin các Không Hành nữ (dakini) ở những chốn linh thiêng tha thứ.

Vậy ở đây, “thọ dụng các phẩm vật cúng dường gồm máu và thịt y cứ theo văn bản” có nghĩa là thọ dụng những món này như đã được giải thích trong những bản văn Mật điển của Mật Thừa. Những hướng dẫn trong các bản văn đó là gì?

Năm loại thịt và năm cam lồ
Là thức ăn và nước uống cho bữa tiệc hội bên ngoài.

* Những bổn tôn tượng trưng của mạn đà la.

Do đó, “cúng dường một tiệc máu và thịt y cứ theo các bản văn” có nghĩa là cúng dường năm loại thịt được coi là những chất liệu mật nguyện (samaya) có giá trị đối với Mật Thừa – đó là thịt người, ngựa, chó, voi, và trâu bò. Năm loại thịt này không bị ô nhiễm bởi những ác hạnh vì đây là toàn thể những sinh vật không bị giết để làm thực phẩm.131 Điều này hoàn toàn trái ngược với việc chúng ta dựa vào khái niệm tịnh và bất tịnh—đối với khái niệm này thì thịt người, thịt chó… được xem là bất tịnh, kém tệ, trong khi loại thịt bổ béo của một con vật vừa bị giết để làm thực phẩm lại được coi là thanh tịnh. Những thái độ như thế được đề cập tới như là:

Xem chất liệu của năm mật nguyện thọ dụng
Là tịnh hay bất tịnh, hoặc thọ dụng trong lơ đễnh.

Nói khác đi, khi có những ý niệm tịnh hay bất tịnh là đã vi phạm những mật nguyện của việc thọ dụng, ngay cả khi năm loại thịt được chấp nhận kia chỉ có thể được sử dụng nếu bạn có năng lực chuyển hóa thực phẩm bạn ăn thành chất cam lồ và đang ở trong tiến trình tu tập để đạt tới những thành tựu đặc biệt ở một nơi ẩn dật. Nếu bạn ăn những món thịt này một cách ngẫu nhiên tình cờ trong làng xóm, chỉ vì bạn thích mùi vị của món thịt thì đây chính là ý nghĩa của câu “thọ dụng trong lơ đễnh, trái ngược với những mật nguyện của việc thọ dụng,” và đấy cũng là một sự vi phạm các giới mật nguyện.

Do đó, “thịt thanh tịnh” không có nghĩa là thịt của một con vật bị giết để làm thực phẩm, mà là “thịt của con vật bị chết vì hành nghiệp của nó trong quá khứ.” Có nghĩa là thịt của một con vật chết già, chết bệnh, hoặc chết vì những nguyên nhân tự nhiên khác, và những nguyên nhân này không là gì khác hơn ngoài ác báo phải trả cho những hành nghiệp của chính con vật ấy trong quá khứù.

Ngài Dagpo Rinpoche vô song nói rằng đem thịt và máu còn ấm của một con vật bị giết chết tươi và đặt nó trong mạn đà la thì việc làm ấy sẽ làm tất cả chư Bổn Tôn trí tuệ chết ngất. Cũng có câu nói rằng cúng dường chư vị Bổn Tôn trí tuệ máu và thịt của con vật bị giết thì cũng giống như giết chết một đứa con trước mặt bà mẹ. Nếu bạn mời người mẹ dùng bữa và sau đó đặt trước mặt bà ta món thịt của đứa con ruột của bà, thì liệu bà ta thích hay không thích? Chính bằng tình thương của bà mẹ đối với đứa con duy nhất của mình mà Chư Phật và Bồ Tát đã hướng nhìn về tất cả chúng sinh trong ba cõi. Như vậy, giết thịt một sinh vật vô tội mà nó là nạn nhân của những hành vi bất thiện của chính nóù, rồi cúng dường thịt, máu của nó cho các Ngài thì không cách nào có thể làm cho các Ngài hài lòng. Như Bồ Tát Tịch Thiên có nói:

Không niềm vui nào có thể mang lại sự hài lòng
Cho những người mà thân thể họ đang bị thiêu đốt,
Các đấng bi mẫn vĩ đại cũng không thể hài lòng
Khi chúng sinh bị hãm hại.

Nếu bạn chỉ dùng thịt và máu của những con vật bị giết để cử hành những nghi thức như nghi thức cầu nguyện những vị Hộ Thần, thì cố nhiên những vị Bổn Tôn trí tuệ và những vị Hộ Pháp, là những bậc Bồ Tát thuần tịnh, sẽ không bao giờ chấp nhận vật thực cúng dường là thịt của chúng sinh bị giết, được bày ra giống như được bày bán trên quầy thịt. Thậm chí các Ngài sẽ không bao giờ lại gần những nơi như thế. Thay vào đó, những tinh linh xấu ác đầy năng lực là những kẻ thích thịt và máu tươi, luôn luôn hăm hở trong việc hãm hại kẻ khác, chúng sẽ tụ hội quanh nơi cúng dường và dự tiệc.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi một hành giả của những “cúng dường đỏ” như thế thực hiện công việc của mình, người ta có thể thấy được một vài lợi ích nho nhỏ. Nhưng bởi những tinh linh này đang thường xuyên làm hại người khác, nên chúng có thể gây ra những khó khăn và bệnh tật bất ngờ. Một lần nữa, hành giả của những nghi thức “đỏ” sẽ lại xuất đầu lộ diện và cúng dường thịt và máu, và một lần nữa việc đó sẽ giúp ích trong một thời gian ngắn. Đây là cách thức những tinh linh xấu ác và các hành giả của những nghi thức “đỏ” trở thành bạn đồng hành không thể chia cách, luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau. Giống như những thú săn mồi rình mò, chúng đi loanh quanh vơ vẩn, hoàn toàn bị ám ảnh bởi nỗi khát khao nhai thịt, gặm xương và luôn luôn tìm kiếm thêm nạn nhân. Bị những tinh linh mê hoặc, các hành giả của những nghi thức như thế sẽ đánh mất ý niệm về sự huyễn ảo của vòng sinh tử luân hồi, đánh mất niềm khao khát giải thoát nào mà có thể họ đã có từ trước. Bất kểø niềm tin, tri kiến thanh tịnh hay mối quan tâm nơi Giáo Pháp nào mà một thời họ đã có, tất cả những phẩm tính này sẽ mờ nhạt dần, tới độ ngay cả nếu chính Đức Phật hiện ra bay bổng giữa bầu không trung trước mặt thì điều này cũng chẳng đánh thức được niềm tin trong họ; thậm chí khi thấy một con vật với bộ ruột lòng thòng ra ngoài, việc ấy cũng không thể khơi được chút lòng từ bi nào trong tâm của họ. Họ luôn dáo dác tìm mồi, giống như những kẻ sát nhân la-sát (raksasa) lên đường đi chinh phạt, mặt họ hừng hực, rung lên trong cơn thịnh nộ và tỏ vẻ khiêu chiến hung hăng. Họ kiêu căng về năng lực và ân phước của ngôn ngữ của họ, nó xuất phát từ việc họ thân thiết với những tinh linh xấu ác. Ngay khi chết, họ bị hút thẳng vào địa ngục – trừ phi những ác nghiệp của họ chưa đến lúc hoàn toàn trổ quả đề họ phải chịu quả báo như vậy. Trong trường hợp này, họ bị tái sinh vào hàng ngũ của một số tinh linh xấu ác chuyên đi săn bắt sinh lực của những người khác, hay tái sinh làm diều hâu, chó sói và những dã thú khác.

Trong triều đại của Pháp Vương Trisong Detsen, những người theo đạo Bošn cúng dường máu và thịt vì lợi ích của nhà vua. Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyana (Đức Liên Hoa Sanh), Đại học giả Vimalamitra, Đại Bồ Tát Tu Viện Trưởng và những dịch giả, học giả khác, tất cả hoàn toàn bị xúc phạm trước cảnh tượng cúng dường của những kẻ BoŠnpo. Các Ngài nói:

Một giáo lý duy nhất không thể có hai vị Thầy; Một tôn giáo duy nhất không thể có hai phương pháp tu tập. Truyền thống của đạo Bošn đối nghịch với giới luật của Giáo Pháp; Cái xấu ác của nó còn đồi bại hơn những việc làm sai quấy của người bình thường. Nếu quý vị cho phép tu tập như vậy, chúng tôi sẽ quay về nhà.

Tất cả những vị học giả cùng chung một ý kiến, thậm chí không cần phải bàn luận với nhau. Khi nhà vua thỉnh cầu các Ngài thuyết Pháp, không một ai bước lên. Ngay cả khi nhà vua mời họ dùng bữa, các Ngài đều từ chối.

Nếu chúng ta, tự cho là đang đi theo dấu chân của những học giả, thành tựu giả và Bồ Tát trong quá khứ, mà giờ đây lại thực hiện những nghi lễ sâu xa của Mật Thừa theo cung cách của những kẻ tu theo đạo BoŠn và gây tổn hại cho chúng sinh, điều này sẽ hủy hoại tính chất siêu phàm của Giáo Pháp, làm ô danh Tam Bảo, và sẽ quăng ném cả chúng ta lẫn những người khác vào địa ngục.

Hãy luôn luôn ngồi ở vị trí thấp nhất. Hãy mặc y phục giản dị. Hãy giúp đỡ tất cả những người khác càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn. Trong tất cả mọi công việc, hãy chỉ làm với mục đích phát triển lòng từ và bi cho tới khi chúng trở thành một phần căn bản của con người bạn. Điều đó sẽ đáp ứng cho mục đích tu hành, cho dù bạn không thực hành những hình thức nổi bật bề ngoài và dễ nhìn thấy của Giáo Pháp như việc cầu nguyện, làm các hạnh lành hay các hoạt động vị tha. Trong Phật Thuyết Pháp Tập Kinh có nói:

Hãy để những người khao khát Phật Quả không phải tu
tập nhiều Pháp trừ một Pháp duy nhất
Pháp đó là gì? Là lòng đại bi.
Những người có lòng đại bi sở hữu tất cả giáo lý của Đức
Phật như thể trong lòng bàn tay.

Có lần Geshe Tongpa được một vị tăng đến thăm, ông ta là đệ tử của Ba Anh Em và Ngài Khampa Lungpa.*

“Dạo này Potawa đang làm gì?” Ngài Tonpa hỏi vị sư.
“Ngài đang giảng dạy cho Tăng chúng hàng trăm người.”
“Rất tốt! Còn Geshe Puchungwa thì thế nào?”

“Ngài dùng toàn bộ thời giờ để sáng tạo những biểu tượng** cho thân, khẩu và ý của Đức Phật từ những vật liệu mà Ngài và những người khác cúng dường”.

“Rất tốt!” Ngài Geshe Tonpa lập lại. “Còn Gonpawa thì thế nào?”
“Ngài không làm gì hết, chỉ thiền định”
“Rất tốt! Hãy nói cho ta về Khampa Lungpa.”
“Ngài sống ở nơi cô tịch, dấu mặt và khóc liên miên.”
*Xem Thuật ngữ. ** Nghĩa đen: sự hỗ trợ. Những biểu tượng cho thân Phật ám chỉ các pho tượng và tranh vẽ, những biểu tượng cho ngữ của Phật ám chỉ các Kinh văn linh thánh và những bản văn khác, và những biểu tượng cho tâm Phật ám chỉ các bảo tháp (stupa).

Nghe nói tới đây Ngài Tonpa dở nón, chắp tay giữa ngực và rơi nước mắt, kêu lên, “Ô, vị ấy thật tuyệt diệu! Ngài đang thật sự thực hành Giáo Pháp. Ta có thể nói một ít cho ngươi biết là Ngài tốt lành ra sao, nhưng ta biết Ngài sẽ không thích đâu.”

Lý do khiến Ngài Khampa Lungpa dấu mặt và khóc suốt ngày là bởi Ngài thường xuyên nghĩ tới chúng sinh bị hành hạ bởi những nỗi thống khổ trong vòng luân hồi, và Ngài thiền định về lòng từ bi đối với họ.

Một hôm Ngài Chengawa đang giảng về những lý do tại sao lòng từ và bi trở nên hết sức quan trọng, thì Langri Thangpa đảnh lễ trước mặt Ngài và nói rằng từ lúc đó trở đi, ông sẽ không thiền định về điều gì khác ngoại trừ hai điều này. Ngài Chengawa giở nón ra và nói ba lần “Thật là một tin lành tuyệt hảo!”

Không gì có thể hữu hiệu hơn lòng từ bi để tịnh hóa ác nghiệp và chướng ngại của chúng ta. Thời xa xưa ở Ấn Độ, giáo lý A Tỳ Đàm bị thử thách trong ba dịp khác nhau và sắp bị biến mất. Nhưng một nữ tu sĩ Bà la môn tên Prakasasila nghĩ rằng :“Ta sinh ra làm thân nữ. Bởi địa vị thấp kém nên bản thân ta không thể làm cho kinh điển của Đức Phật chói sáng được. Vì thế, ta sẽ phối hợp với những người đàn ông để sinh ra những người con trai để có thể phổ biến giáo lý A Tỳ Đàm.”

Cùng với chồng là một người trong giai cấp chiến sĩ (ksatriya), bà sinh Ngài Asanga (Vô Trước) cao quý, và với một người bà la môn, bà đã sinh ra Ngài Vasubhandhu (Thế Thân). Khi mỗi một trong hai con trai bà tới tuổi trưởng thành, họ hỏi cha họ làm gì.

Người mẹ bảo với từng đứa con: “Ta sinh ra con không phải để đi theo dấu chân của cha con. Con được sinh ra để phổ biến giáo lý của Đức Phật. Con phải học Giáo Pháp, và trở thành vị thầy của giáo lý A Tỳ Đàm.”

Ngài Vasubhandhu (Thế Thân) rời nhà tới Kashmir để học giáo lý A Tỳ Đàm. Ngài Asanga (Vô Trước) tới Núi Kukkutapada, ở đó Ngài bắt đầu thực hành pháp tu của Đức Phật Di Lặc với hy vọng có linh kiến về Ngài và có thể thỉnh cầu giáo huấn từ Ngài. Sáu năm trôi qua, mặc dù thiền định gian khổ, Ngài chẳng có được một giấc mộng lành nào.

“Có lẽ ta chẳng bao giờ thành công” Ngài nghĩ, và bỏ đi, cảm thấy ngã lòng. Dọc đường, Ngài đi ngang qua một người đang chà xát một thỏi sắt khổng lồ bằng một miếng vải mềm.

Ngài hỏi người đàn ông: “Ông đang gắng làm cái gì mà chà xát như thế?”

Ông ta trả lời: “Tôi cần một cây kim, nên tôi đang làm nó bằng cách chà xát thanh sắt này.”

Ngài Asanga nghĩ, “Ông ta sẽ không bao giờ làm được một cây kim bằng cách chà xát thỏi sắt khổng lồ đó với một miếng vải mềm. Cho dù nó có thể được làm trong một trăm năm, liệu ông ta có sống được tới đó không? Nếu chỉ vì một lý do quá nhỏ nhoi mà người bình thường còn nỗ lực như thế thì ta có thể thấy là mình chưa bao giờ thực sự thực hành Pháp với bất kỳ lòng kiên trì nào.”

Vì thế Ngài thực hành pháp tu trở lại. Ngài thực hành hơn ba năm mà vẫn không thấy dấu hiệu nào.132

“Lần này, ta hoàn toàn chắc chắn là ta không thể thành công,” Ngài nói, và lại lang thang lần nữa. Cuối cùng Ngài đi tới một tảng đá cao tới nỗi dường như chạm tới các tầng trời. Dưới chân tảng đá, một người đàn ông đang quất một miếng da nhúng nước vào tảng đá.

“Ông làm gì vậy?” Ngài Asanga hỏi ông ta.

Người đàn ông nói: “Tảng đá này cao quá, chẳng có chút nắng nào vào nhà, nhà tôi ở phía tây tảng đá nên tôi muốn làm tảng đá mòn đi cho tới khi nó biến mất”.

Với những suy tưởng như ba năm trước, Ngài Asanga quay trở lại và thực hành trong ba năm nữa, nhưng vẫn không có một giấc mộng lành nào.

Hoàn toàn thất vọng, Ngài nói: “Như vậy ta chẳng bao giờ thành công được điều gì!” và một lần nữa lại ra đi.

Dọc đường, Ngài đi qua một con chó cái với hai chân sau bị què và toàn bộ phần sau của nó nhung nhúc dòi. Tuy thế, nó vẫn đầy vẻ gây hấn và cố cắn Ngài khi trườn mình bằng hai chân trước, thân sau của nó kéo lê trên mặt đất. Asanga vô cùng xúc động, Ngài cảm nhận một lòng bi mẫn sâu xa không thể chịu đựng nổi. Ngài cắt một miếng thịt của mình cho con chó ăn. Sau đó Ngài quyết định giúp nó thoát khỏi những con dòi ở phần thân sau của nó. Vì sợ rằng có thể giết chết những con dòi nếu Ngài bốc chúng ra bằng tay, Ngài nhận thấy cách duy nhất để làm điều đó là dùng lưỡi. Nhưng mỗi khi nhìn vào toàn thân con chó đã quá thối rữa và đầy mủ thì Ngài lại không thể làm được. Do vậy, Ngài nhắm mắt lại và thè lưỡi ra.

Thay vì chạm vào thân con chó cái thì lưỡi Ngài lại chạm đất.

Ngài mở mắt ra và thấy con chó đã biến mất. Đức Phật Di Lặc (Maitreya) có hào quang bao quanh đang đứng ở chỗ của nó.

“Ngài tàn nhẫn làm sao,” Asanga kêu lên, “suốt thời gian qua Ngài không cho con nhìn thấy mặt!”

“Không phải là ta không hiện ra cho con thấy. Ta và con chưa bao giờ xa cách nhau. Nhưng vì những ác nghiệp và chướng ngại của con quá mạnh nên con không thể thấy được ta. Nhờ con đã thực hành suốt mười hai năm ròng nên ác nghiệp và chướng ngại đã suy giảm được một ít nên con mới có thể nhìn thấy con chó cái. Ngay bây giờ, nhờ lòng đại bi của con, các chướng ngại của con đã hoàn toàn được tịnh hóa và con có thể thấy ta bằng đôi mắt của con. Nếu không tin, hãy mang ta trên vai và cho mọi người quanh đây nhìn thấy!”

Vì thế Asanga đặt Đức Di Lặc trêân vai phải và đi vào chợ, ở đâu Ngài cũng hỏi mọi người: “Ông thấy cái gì trên vai tôi?”

Ngoại trừ một bà lão mà tri giác ít bị những tư tưởng huân tập ngăn che, còn thì mọi người đều trả lời là không có gì trên vai Ngài. Bà ta nói: “Ông đang mang thây một con chó thối”

Sau đó Đức Maitreya mang Asanga lên cõi trời Đâu Suất, ở đó Ngài ban cho Asanga Di Lặc Ngũ Luận (Năm Giáo Lý Của Di Lặc) và những giáo huấn khác. Khi trở về cõi người, Ngài Asanga (Vô Trước) truyền bá rộng rãi giáo lý Đại Thừa.

Bởi không có thực hành nào như lòng từ bi để tịnh hóa tất cả những hành vi gây tổn hại của chúng ta, và chính vì lòng bi mẫn chưa từng thất bại trong việc giúp cho chúng ta phát triển Bồ Đề Tâm phi thường, nên chúng ta phải kiên nhẫn thiền định về lòng bi mẫn.

Hình ảnh được đưa ra để thiền định về lòng từ bi là hình ảnh của một người mẹ cụt tay, mà đứa con của bà bị một con sông cuốn đi. Một bà mẹ như thế sẽ đau khổ biết chừng nào. Tình thương của bà dành cho đứa con quá mãnh liệt, nhưng vì không thể dùng đôi tay nên bà không thể chụp đứa con lại được.

“Tôi có thể làm gì bây giờ? Tôi có thể làm gì?” bà tự hỏi. Suy nghĩ duy nhất của bà là tìm ra phương tiện nào đó để cứu con. Trái tim bà tan nát, bà vừa khóc vừa chạy theo sau đứa con.

Hoàn toàn giống như vậy, tất cả chúng sinh trong tam giới đang bị giòng sông đau khổ cuốn trôi vào biển luân hồi. Mặc dù ta cảm nhận một lòng bi mẫn không thể chịu đựng nổi, nhưng chúng ta không có cách gì cứu thoát họ khỏi nỗi khổ của họ. Hãy thiền định về điều này, hãy nghĩ: “Giờ đây tôi có thể làm được gì?” và hãy khẩn gọi Thầy và Tam Bảo từ tận sâu thẳm trái tim bạn.

4. Thiền Định Về Tâm Hỷ

Hãy hình dung một người được sinh ra sống một đời sống cao quý, mạnh mẽ, thịnh vượng, đầy quyền thế, một người khác sống trong những cõi cao đang trải qua sự nhàn nhã, hạnh phúc, trường thọ, giàu có và được nhiều người hầu hạ. Không có bất kỳ cảm thức ghen tị hay ganh đua nào, hãy phát khởi niềm ước muốn rằng thậm chí những người này có thể trở nên vinh quang hơn nữa, vui hưởng sự thịnh vượng của những cõi cao hơn nữa, thoát khỏi mọi hiểm nguy, và luôn luôn phát triển một bộ óc thông minh và những tài năng hoàn hảo khác hơn nữa. Sau đó hãy thường xuyên tự nhủ rằng thật tuyệt vời biết bao nếu tất cả chúng sinh khác cũng có thể sống trong một hoàn cảnh sung sướng y như vậy.

Hãy bắt đầu công phu thiền định của bạn bằng cách suy nghĩ về một người có thể dễ dàng làm khơi dậy những cảm xúc tốt lành tích cực – như một người bà con, một người bạn thân hay một người mà bạn yêu mến – là người thành đạt, bằng lòng và an lạc, và hãy cảm thấy sung sướng rằng bạn đang như thế. Khi bạn đã tạo ra được cảm giác hạnh phúc đó, hãy cố gắng nuôi dưỡng cảm giác tương tự đối với những người bạn cảm thấy lãnh đạm. Sau đó tập trung cảm giác đó trên tất cả những loại kẻ thù đã làm tổn thương bạn, và đặc biệt với những người mà bạn cảm thấy ghen tị. Hãy nhổ tận gốc tâm thức xấu ác không chịu đựng nổi khi thấy ai đó được hưởng sự hoàn toàn sung túc, và hãy nuôi dưỡng một cảm giác vui thích đặc biệt đối với mỗi loại hạnh phúc mà họ có thể hưởng thụ. Hãy kết thúc bằng sự ngơi nghỉ trong trạng thái vô niệm.

Ý nghĩa của tâm hoan hỷ là có được một tâm thức thoát khỏi mọi ganh tị. Do đó, bạn nên cố gắng rèn luyện tâm bạn với đủ loại phương thức để ngăn chận những tư tưởng ganh tị vô cùng tai hại, không để cho chúng phát sinh. Đặc biệt, một vị Bồ Tát, người đã phát khởi Bồ Đề Tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh, phải cố gắng an lập tất cả chúng sinh đó trong hạnh phúc vĩnh cửu của Phật Quả, và trong hạnh phúc nhất thời của những cõi Trời và Người. Vậy, làm sao một vị Bồ Tát như thế lại có thể cảm thấy không hài lòng khi một số người, nhờ nghiệp lực của những hành vi trong quá khứ của họ, được sở hữu một vài điều kiện xuất chúng hay giàu có?

Một khi người ta bị thiên lệch bởi lòng ghen tị, họ không còn thấy cái tốt của người khác, và những hành vi tiêu cực hay ác hạnh của họ gia tăng một cách đáng báo động.

Khi danh tiếng và hoạt động của Ngài Jetsun Milarepa lan rộng, một luận sư tên Tarlo trở nên ghen tị và bắt đầu tấn công Ngài. Mặc dù Ngài Jetsun đã thể hiện cho ông thấy về năng lực thần diệu và khả năng thấu thị (thần nhãn) của Ngài, Tarlo không có niềm tin nơi Ngài và chỉ phản ứng lại bằng sự chỉ trích và tà kiến. Sau đó ông ta tái sinh thành một đại ác quỷ.

Có nhiều ví dụ khác về những điều có thể xảy ra dưới mãnh lực của lòng ghen tị, giống như cách luận sư Geshe Tsakpuwa đã cố tình đầu độc hãm hại Ngài Jetsun Mila.

Cho dù chính Đức Phật hiện diện trong thân người, Ngài cũng không thể làm được gì để dẫn dắt một người ghen tị. Một tâm thức bị ô nhiễm bởi ghen tị không thể nhìn thấy bất kỳ điều gì tốt đẹp nơi người khác. Vì không thể thấy điều gì tốt trong họ, nên không thể phát sinh ngay cả một chút niềm tin yếu ớt. Không có niềm tin, ta không thể nhận được lòng bi mẫn lẫn những ân phước. Devadatta và Sunaksatra là anh em họ của Đức Phật. Cả hai bị dày vò bởi sự ghen tị và không có chút lòng tin nào đối với Ngài. Mặc dù họ sống cả đời với Đức Phật nhưng Ngài hoàn toàn không thể chuyển hóa được tâm họ.*
* Xem Phần Một, Chương Sáu và Phần Hai, Chương Một.

Ngoài ra, ngay cả khi những tư tưởng ác độc về người khác không thật sự dẫn đến việc làm tổn hại đồ vật hay thân thể, nhưng chúng vẫn tạo ra những hậu quả tiêu cực to lớn cho người có tư tưởng đó. Ngày trước, có hai vị tiến sĩ học giả Phật Giáo (geshe) nổi tiếng đang kình địch nhau. Một ngày nọ, một người biết rằng người kia có tình nhân.

Vị geshe nói với người hầu: “Hãy chuẩn bị ít trà ngon, vì ta có một số tin tức rất hay ho.”

Người hầu pha trà, và khi dâng trà, anh ta hỏi: “Tin tức gì?”

Vị geshe trả lời: “Người ta nói rằng đối thủ của ta có tình nhân!”

Khi Ngài Kunpang Trakgyal nghe chuyện này, người ta nói rằng mặt Ngài sạm lại và Ngài hỏi: “Trong hai vị geshe, người nào vi phạm hành vi tệ mạt hơn?”

Việc liên tục chú tâm vào những cảm xúc như ghen tị và tranh đua không giúp gì cho sự nghiệp của riêng ta mà cũng không làm hại sự nghiệp các đối thủ của ta. Nó chỉ dẫn đến việc tích lũy các ác hạnh tiêu cực vô nghĩa. Hãy từ bỏ loại thái độ, tâm tư xấu xa này. Hãy luôn chân thành hoan hỷ về những thành tựu và hoàn cảnh thuận lợi của người khác, bất kể địa vị xã hội, thân tướng, tài sản, học vấn hay bất kỳ những gì khác của họ ra sao. Hãy suy đi nghĩ lại nhiều lần rằng bạn thật sự vui mừng biết bao bởi có được những người tuyệt vời như thế, thành công và may mắn đến thế. Hãy nghĩ rằng sẽ kỳ diệu biết bao nếu thậm chí họ còn trở nên phong lưu hơn bây giờ, và đạt được tất cả sức mạnh, của cải, học vấn và những phẩm tánh tốt đẹp mà họ có thể có được. Hãy thiền định về điều này từ đáy lòng bạn.

Hình ảnh được đưa ra cho tâm hoan hỷ vô lượng là hình ảnh một con lạc đà mẹ đi tìm đứa con thất lạc của nó. Trong tất cả các thú vật, lạc đà được coi là những bà mẹ âu yếm con nhất. Do đó nếu một lạc đà mẹ bị mất con thì nỗi đau buồn của nó sẽ rất dữ dội. Khi tìm lại được con thì nó vui mừng vô hạn. Đó là loại hoan hỷ mà bạn nên cố gắng phát triển.

Bốn phẩm tính Tứ Vô Lượng không bao giờ đem đến thất bại khi giúp ta phát triển Bồ Đề Tâm chân thật. Do đó, rất cần nuôi dưỡng tâm Tứ Vô Lượng cho tới khi bốn tâm ấy thật sự bén rễ trong ta.

Để cho dễ hiểu hơn, chúng ta có thể tóm tắt bốn tâm vô lượng trong một cụm từ duy nhất, “một tấm lòng nhân từ.” Hãy tu tập bản thân để bạn luôn luôn có một trái tim nhân từ trong mọi tình huống.

Một hôm, bàn tay của đức Atisa bị thương, và vì thế Ngài đặt nó trong lòng của Drom Tonpa và nói: “Ông là người có lòng nhân từ, hãy ban phước cho bàn tay ta!”

Ngài Atisa luôn luôn chỉ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của lòng từ ái, và thay vì hỏi mọi người “Bạn có khỏe không?” thì Ngài sẽ hỏi “Trái tim bạn có nhân từ không?” *

Bất cứ khi nào Ngài giảng dạy, Ngài đều thêm vào “Hãy có một trái tim nhân từ!”

Chính năng lực của những tác ý tốt lành hay bất thiện sẽ làm cho một hành vi trở nên là một thiện hạnh hay là một ác hạnh, mạnh hay yếu. Khi tác ý đằng sau những việc làm này là tốt, thì mọi hành vi của thân hay ngữ đều tốt lành, như đã được minh họa trong câu chuyện của một người lấy đế da che tsa- tsa. Khi tác ý ở phía sau là xấu, thì bất kỳ hành vi nào, dù nhìn có vẻ tốt nhưng thực ra sẽ là xấu. Vì thế hãy học tập để luôn luôn có những tác ý thiện lành, bất kể trong hoàn cảnh nào. Có câu nói rằng:

Nếu tác ý tốt đẹp thì quả vị [Bồ-Tát địa] và con đường tu sẽ tốt. Nếu tác ý xấu, những quả vị và con đường tu sẽ xấu.133
Bởi mọi sự đều tùy thuộc vào tác ý,
Phải luôn luôn giữ vững tất cả những tác ý thiện lành.

Con đường tu và quả vị sẽ tốt nếu tác ý tốt nghĩa là như thế nào?
* Thông thường, người ta hay hỏi xin các vị Lạt Ma đã chứng ngộ thổi vào vết thương để giúp cho vết thương được lành.
Có một lần, một bà lão và cô con gái đang vượt qua một con sông rộng, bà nắm lấy tay con, và cả hai bị dòng nước cuốn trôi.

Người mẹ nghĩ: “Ta có bị nước cuốn trôi thì cũng chẳng quan trọng gì, miễn là con ta được cứu sống!”

Cùng lúc đó, người con gái nghĩ: “Cho dù tôi có bị cuốn trôi thì cũng chẳng sao, miễn là mẹ tôi không bị chết đuối!”

Cả hai người đều chết chìm, và là kết quả do những tư tưởng thiện lành cho lẫn nhau, cả hai mẹ con được tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên (Brahma).

Trong một trường hợp khác, sáu vị tăng sĩ và một người đưa thư lên đò để qua sông Jasako. Chiếc đò rời bến.

Đi khoảng được một phần tư đường, người lái đò nói: “Chúng ta quá nặng. Nếu ai biết bơi thì xin nhảy xuống nước. Nếu không, tôi sẽ nhảy xuống và một người trong quý vị có thể cầm chèo.”

Không một ai biết bơi; và cũng chẳng có ai biết chèo.

Vì thế người đưa thư nhảy ra khỏi con thuyền, kêu lên: “Tốt nhất là tôi chết một mình để cho mọi người sống!”

Ngay lập tức một cầu vồng xuất hiện và một trận mưa hoa rơi xuống. Mặc dù người đưa thư không biết bơi nhưng ông đã được đưa vào bờ an toàn. Ông ta chưa từng thực hành Giáo Pháp. Đây là lợi ích trực tiếp phát xuất từ một tư tưởng tốt lành duy nhất.

Con đường và công hạnh sẽ xấu nếu những tư tưởng xấu là như thế nào?

Có một lần, một người hành khất nằm ngay cổng hoàng cung và nghĩ: “Ta ước mong nhà vua bị cắt đầu, và ta có thể chiếm trọn nơi này!”

Tư tưởng này không ngừng quay cuồng trong tâm ông suốt đêm dài. Đến sáng ông ta rơi vào giấc ngủ và trong khi ông ngủ, nhà vua ngồi trên xa mã đi ra. Một bánh xe cán ngang cổ người hành khất và cắt đứt đầu ông ta.

Trừ phi bạn nhớ tới mục đích của việc tìm kiếm Giáo Pháp của bạn trong chánh niệm và cảnh giác, và luôn luôn theo dõi tâm bạn, nếu không thì những cảm xúc mãnh liệt của tham ái và thù ghét có thể dễ dàng dẫn tới việc tích lũy những nghiệp ác rất nghiêm trọng. Mặc dù những mong ước của ông lão hành khất không bao giờ có thể trở thành sự thật nhưng hậu quả của những tư tưởng của ông ta đã đưa tới việc trổ quả của ác nghiệp, làm cho chuyện ấy trở thành sự thật ngay lập tức. Có thể xảy ra việc nhà vua đang ngủ thoải mái trên giường ngọc trong cung điện lại bị mất đầu không? Cho dù nhà vua bị mất đầu, thì chuyện vị thái tử sẽ thừa kế vương quốc chẳng là một chuyện hợp lý hơn sao? Ngay cả nếu vì một lý do nào đó thái tử không lên ngôi, thì liệu có thể có việc một ông lão hành khất sẽ thừa kế ngai vàng bất chấp tất cả các vị thừa tướng là những người như những con cọp, beo và gấu? Tuy nhiên, trừ phi bạn tự kiểm soát tư tưởng mình một cách thận trọng, còn thì ngay cả những tư tưởng tiêu cực lố bịch như vậy cũng có thể xuất hiện. Vì thế, Geshe Shawopa nói:

Đừng cai trị vương quốc mộng tưởng của những triển vọng tương lai, lúc nào cũng như đang nảy nở vô tận!

Một hôm Đức Phật và các vị tăng sĩ của Ngài được mời đến thọ trai tăng do một thí chủ cúng dường tại nhà của ông ta. Ở đó cũng có hai người hành khất trẻ tuổi, một người thuộc giai cấp chiến sĩ (ksatriya), còn người kia là một người Bà la môn (brahmin). Người Bà la môn đi tới xin trước khi Đức Phật và các tăng sĩ được cúng dường nên không nhận được gì. Người chiến sĩ đợi tới khi mọi người được cúng dường xong mới đến xin và nhận được nhiều thực phẩm ngon lành được để lại trong bình bát của các Ngài.134 Trưa hôm đó, trên đường đi, hai người nói chuyện với nhau về những suy nghĩ của họ.

Người chiến sĩ trẻ nói: “Nếu tôi giàu có, tôi sẽ cúng dường y phục và vật thực cho Đức Phật và các tu sĩ của Ngài cho tới cuối đời tôi. Tôi tôn kính các ngài bằng cách cúng dường tất cả những gì tôi có.”

Người Bà la môn trẻ tuổi nói: “Và nếu tôi là một vị vua đầy uy quyền, tôi muốn cái đầu cạo trọc của kẻ mê tín kia sẽ bị chặt và cả nhóm bị xử tử cùng với ông ta!”

Người chiến sĩ trẻ tới một xứ khác và cư ngụ dưới bóng của một thân cây lớn. Khi những bóng cây khác di chuyển, thì bóng của thân cây đặc biệt này vẫn đứng yên. Vị vua xứ đó vừa băng hà, và vì nhà vua không có người thừa kế nên dân chúng quyết định rằng người nào xứng đáng và dũng cảm nhất xứ sẽ được tôn làm vua của họ. Khi tiến hành tìm kiếm vị tân vương, họ chợt thấy người chiến sĩ trẻ đang ngủ dưới gốc cây, vẫn ở dưới bóng cây mặc dù quá ngọ đã lâu. Họ đánh thức anh ta dậy và tôn anh lên làm vua. Sau đó, vị vua này đã bày tỏ sự tôn kính Đức Phật và các tăng sĩ của Ngài như đã ước nguyện.

Về phần người Bà la môn trẻ, câu chuyện kể rằng khi nằm nghỉ ở ngã tư đường, đầu của anh ta bị bánh của một chiếc xe ngựa cán đứt.

Nếu bạn học tập để luôn luôn chỉ có những tư tưởng tốt lành, mọi mong ước của bạn trong đời này sẽ trở thành hiện thực. Những vị Trời nhân đức sẽ bảo vệ bạn và bạn sẽ nhận được ân phước từ tất cả chư Phật và Bồ Tát. Mọi việc bạn làm sẽ tốt đẹp, và vào lúc chết bạn sẽ không bị đau khổ. Trong những đời tương lai bạn sẽ luôn luôn được tái sinh vào cõi Trời hay người cho tới khi cuối cùng bạn đạt được Phật Quả viên mãn.

Đừng chỉ biết vội vã mà không thẩm xét những tư tưởng và cảm xúc của bạn, và cũng đừng thực hiện một cuộc phô bày vĩ đại các hoạt động đức hạnh như: lễ lạy, đi nhiễu, cầu nguyện, tụng niệm thần chú v.v… Thay vào đó, điều quan trọng là luôn kiểm soát thái độ [động lực] của bạn và trau dồi lòng nhân ái.

II. KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM

1. Phân Loại Bồ Đề Tâm Dựa Trên Ba Mức Độ Dũng Cảm

1.1 SỰ DŨNG CẢM CỦA MỘT VỊ VUA

Ưu tiên hàng đầu của một vị vua là chiến thắng tất cả quân địch, thăng chức cho những người đã giúp đỡ ngài, và tuyên bố rằng quyền bính thuộc về mình. Chỉ sau khi thực hiện xong những việc đó thì ước nguyện chăm lo cho thần dân của Ngài mới có kết quả. Tương tự như vậy, trước tiên bạn có ước nguyện mong muốn bản thân mình đạt đến Phật Quả và sau đó, sẽ đưa những người khác đến quả vị Phật, ước nguyện như thế này thì được gọi là phương thức khơi dậy Bồ Đề Tâm của một quân vương.

1.2 SỰ DŨNG CẢM CỦA NGƯỜI CHÈO THUYỀN

Mục đích của người chèo thuyền là cùng đi tới bờ bên kia với tất cả những người khách của ông. Tương tự, mong ước đạt được Phật Quả cho mình cùng lúc với tất cả chúng sinh được gọi là phương cách khơi dậy Bồ Đề Tâm của người chèo thuyền.

1.3 SỰ DŨNG CẢM CỦA NGƯỜI CHĂN CỪU

Những người chăn cừu lùa bầy cừu của họ đi phía trước để biết chắc rằng chúng tìm được cỏ và nước, và cũng không bị chó sói, chó rừng hay những thú dữ khác tấn công. Bản thân người chăn cừu thì đi theo sau bầy cừu. Tương tự như thế, thái độ của những người mong muốn dẫn dắt tất cả chúng sinh khắp ba cõi đến bờ giác ngộ viên mãn trước khi bản thân họ đạt được Phật Quả thì đây được gọi là cách khơi dậy Bồ Đề Tâm của người chăn cừu.

Cách thức của vị vua, được gọi làï “khơi dậy Bồ Đề Tâm với ước nguyện lớn lao,” là cách ít can đảm nhất trong ba phương cách. Cách của người chèo thuyền, gọi là “khơi dậy Bồ Đề Tâm với trí tuệ thiêng liêng” thì dũng cảm hơn. Người ta nói Đức Di Lặc (Maitreya) khơi dậy Bồ Đề Tâm theo cách này. Cách của người chăn cừu, được gọi là “khơi dậy Bồ Đề Tâm không gì so sánh được” là cách dũng đảm nhất. Người ta nói đó là cách Đức Văn Thù (Manjusri) đã khơi dậy Bồ Đề Tâm.

2. Phân Loại Theo Các Địa Bồ Tát

Trên con đường vun bồi tích lũy công đức và hợp nhất phước huệ, khơi dậy Bồ Đề Tâm được gọi là “phát khởi Bồ Đề Tâm bằng cách phát nguyện.” Từ sơ địa cho tới địa Bồ Tát thứ bảy, cách thức khơi dậy Bồ Đề Tâm được gọi là “phát khởi Bồ Đề Tâm nương vào tác ý hoàn toàn thanh tịnh.” Trên ba địa thanh tịnh, khơi dậy Bồ Đề Tâm được gọi là “phát khởi Bồ Đề Tâm hoàn toàn thuần thục,” và ở địa Phật Quả, là “phát khởi Bồ Đề Tâm vô chướng ngại”

3. Phân Loại Theo Tính Chất Của Bồ Đề Tâm

Có hai loại Bồ Đề Tâm: Bồ Đề Tâm tương đối và Bồ Đề Tâm tối thượng.

3.1 BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI:

Bồ Đề Tâm tương đối có hai khía cạnh: tác ý và áp dụng thực hành.

3.1.1 Tác Ý (Bồ Đề Tâm Nguyện):

Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, Ngài Tịch Thiên (Santideva) có nói về hai khía cạnh của Bồ Đề Tâm:

Có ước muốn khởi hành và thực sự bước chân lên
con đường,
Hãy nhận biết sự khác biệt giữa hai điều đó.
Người minh triết và uyên bác nên hiểu rõ
Sự khác biệt này, cần thiết phải có và tuần tự phát triển.

Hãy lấy một ví dụ về một cuộc du hành tới Lhasa. Bước đầu tiên là có ý định: “Tôi sắp đi tới Lhasa.” Niệm tưởng ban đầu tương ứng với ý định: “Tôi sắp làm bất cứ điều gì để bảo đảm rằng tất cả chúng sinh sẽ đạt được trạng thái Phật Quả viên mãn,” làø phương diện ý định của việc khơi dậy Bồ Đề Tâm.136

3.1.2. Áp dụng thực hành (Bồ Đề Tâm Hạnh):

Sau đó bạn chuẩn bị ngựa và lương thực cần thiết, bắt đầu lên đường và thực sự du hành tới Lhasa. Tương tự như thế, bạn quyết định thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và tu tập tâm bạn trong trí tuệ vô phân biệt để đưa tất cả chúng sinh đến Phật Quả viên mãn. Đó chính là bạn thực sự đưa con đường tu của sáu pháp toàn thiện siêu việt (sáu ba la mật) vào thực hành. Điều này tương ứng với chuyến du hành thực sự, và là phương diện áp dụng Bồ Đề Tâm.137

3.2 BỒ ĐỀ TÂM TỐI THƯỢNG

Cả hai phương diện ý định và áp dụng thực hành đều là Bồ Đề Tâm tương đối.138 Nhờ tu tập một thời gian dài nương nơi Bồ Đề Tâm tương đối trên con đường tích lũy và hợp nhất, cuối cùng bạn đi tới con đường của cái thấy (kiến), ở đó bạn có một trực nghiệm chân thực về chân như, trạng thái như nhiên của vạn pháp. Đây là trí tuệ siêu vượt mọi tạo tác, là chân lý của tánh Không. Vào lúc đó, bạn khơi dậy Bồ Đề Tâm tối thượng hay Bồ Đề Tâm viên mãn.139

4. Thọ Giới Nguyện Bồ Đề Tâm140

Nhờ năng lực của thiền định mà ta đạt được Bồ Đề Tâm tối thượng đích thực, và điều này không tuỳ thuộc vào các nghi thức. Tuy nhiên, để phát triển Bồ Đề Tâm tương đối, là người sơ cơ, chúng ta cần phải tuân theo một số thủ tục, một số nghi thức mà qua đó chúng ta có thể thọ giới nguyện trong sự hiện diện của một vị Thầy tâm linh. Sau đó, chúng ta cần liên tục làm tươi mới giới nguyện đó qua các công phu và nghi thức thọ giới tương tự, và lập đi lập lại nhiều lần khiến cho Bồ Đề Tâm mà chúng ta đã khơi dậy không bị tàn lụi, trở nên càng lúc càng mãnh liệt hơn.

Hãy quán tưởng tất cả chư Phật, Bồ Tát và những Bổn Tôn khác trong không gian trước mặt bạn, như bạn đã làm trong khi thực hành pháp quán tưởng quy y. Hãy coi các Ngài như là những nhân chứng trong công phu phát Bồ Đề Tâm của bạn và suy nghĩ như vầy:

“Trong toàn thể vô số sinh loài khắp vũ trụ bao la, không ai chưa từng là cha mẹ của tôi trong tiến trình tiếp nối của những kiếp sống của tôi từ vô thủy. Tôi có thể quyết chắc rằng, là cha mẹ tôi, họ đã hết lòng chăm sóc tôi với tất cả sự dịu dàng âu yếm mà họ có thể có được, đã cho tôi thức ăn và quần áo tốt nhất trong số thực phẩm và quần áo của họ, đãø nuôi dưỡng tôi với tất cả tình thương, giống như cha mẹ hiện tại của tôi đã làm. Bây giờ, tất cả những bậc cha mẹ nhân từ đó đang đắm chìm trong những cơn sóng của đại dương sinh tử luân hồi đau khổ. Họ bị nhận chìm trong bóng tối sâu dày nhất của vô minh. Họ không có ý niệm về con đường chân chiùnh để thực hành, cũng như không biết con đường sai lầm để tránh bỏ. Họ không có người bạn tâm linh chân chiùnh nào để hướng dẫn. Họ không có nơi nương tựa hay sự che chở, không người dẫn dắt hay bạn đồng hành, không hy vọng và không có ai để hướng tới, họ lạc loài như một người mù lang thang không bạn hữu giữa một cánh đồng hoang. Những bà mẹ già của tôi, làm sao tôi có thể tự giải thoát một mình mình và bỏ mặc các vị trong luân hồi? Vì lợi ích của tất cả chúng sinh, tôi sẽ đánh thức Bồ Đề Tâm tối thượng. Trong khi học tập để noi gương những hành động phi thường của những bậc Bồ Tát trong quá khứ, tôi sẽø nỗ lực bằng mọi cách làm bất cứ điều gì cần thiết cho tới khi không còn một chúng sinh nào bị bỏ lại trong luân hồi!”

Với thái độ này, hãy tụng bài kệ sau đây càng nhiều càng tốt khi có thể:

Ô! Do lầm lạc của sắc tướng -- những ánh trăng phản
chiếu dưới nước,
Chúng sinh lang thang trong chuỗi luân hồi vô tận;
Để cho họ được an nghỉ trong không gian chói ngời của
giác tánh,
Với bốn đại hạnh vô lượng, con xin phát khởi Bồ Đề Tâm141 .

Vào lúc kết thúc thời công phu, hãy quán tưởng rằng, nương vào năng lực của lòng quy ngưỡng nhiệt thành của bạn đối với các Bổn Tôn trong ruộng công đức, toàn thể thánh chúng tan thành ánh sáng, bắt đầu từ bên ngoài, và cuối cùng hoà tan vào vị Thầy ở chính giữa; vị Thầy chính là sự hợp nhất của cả tam quy y (Tam Bảo). Tới lượt vị Thầy tan thành ánh sáng và hòa tan vào bạn, nhờ đó, Bồà Đề Tâm tối thượng hiện diện trong tâm của các Bổn Tôn quy y sẽ hiển lộ rõ ràng trong tâm bạn. Hãy tụng lời nguyện ước này:

Nguyện cho Bồ Đề Tâm, trân quý và tối thượng,
Nơi nào chưa hiện diện, xin tâm ấy phát khởi,
Nơi nào đã phát khởi, xin không hề mai một
Mà lớn mạnh, nở rộ, mỗi ngày mỗi hơn lên.

Sau đó hồi hướng công đức với những câu như sau:

Khi noi gương Đấng anh hùng Văn Thù,
Phổ Hiền, cùng tất cả những bậc đại trí,
Con cũng xin hồi hướng toàn bộ công đức
Của tất cả những việc làm thiện lành.

Việc phát khởi Bồ Đề Tâm, là tinh tuý của tám vạn bốn ngàn pháp môn mà Đấng Chiến Thắng đã chỉ dạy. Đây là giáo huấn bạn cần phải có, ngay cả chỉ một giáo huấn đó thôi cũng đãø đủ rồi. Nhưng nếu thiếu Bồ Đề Tâm thì tất cả mọi thứ khác cũng thành ra vô ích. Đây là món thuốc trị bá bệnh, chữa lành mọi bệnh tật. Tất cả những con đường khác của Giáo Pháp, chẳng hạn như việc tích lũy [hai bồ công đức], việc tịnh hóa những ô nhiễm, thiền định về các Bổn Tôn, và việc trì tụng các câu thần chú, đơn thuần chỉ là những phương pháp giúp cho viên-ngọc-như-ý-Bồ-Đề-Tâm phát khởi trong tâm thức của bạn. Không có Bồ Đề Tâm thì không phương pháp nào trong những phương pháp tu tập kia tự chúng có thể đưa dẫn bạn tới Phật Quả viên mãn.142 Nhưng một khi Bồ Đề Tâm đã được khơi dậy trong bạn, thì bạn có hành trì bất kỳ pháp tu tập nào, pháp ấy cũng sẽ dẫn bạn tới Phật Quả viên mãn. Hãy luôn luôn học tập để sử dụng bất kỳ phương tiện nào bạn có thể sử dụng được để giúp cho Bồ Đề Tâm phát khởi trong bạn, ngay cả nếu đó chỉ là một tia lửa nhỏ bé nhất mà thôi.143

Vị Thầy ban cho bạn những giáo huấn cốt tuỷ của con đường phát khởi Bồ Đề Tâm đang dìu dắt bạn bước đi trên con đường Đại Thừa, vì thế lòng tốt của Ngài thì vĩ đại hơn lòng tốt của những vị Thầy ban cho bạn bất kỳ những giáo huấn nào khác. Khi Ngài Atisa nhắc tới danh hiệu của những vị Thầy của Ngài, Ngài thường chắp tay trước ngực. Nhưng khi Ngài nói tới Đức Suvarnadvipa, Ngài chắp tay đặt lên đầu và mắt Ngài đẫm lệ. Chúng đệ tử hỏi Ngài tại sao có sự phân biệt như vậy.

“Thực sự có một sự khác biệt nào giữa những phẩm hạnh tâm linh hay thiện tâm của những vị Thầy này không?” họ hỏi.

“Tất cả những vị Thầy của ta đều là những bậc tu chứng đích thực,” Ngài Atisa trả lời, “và phẩm hạnh của các Ngài đều đồng nhất. Nhưng có một số điểm khác biệt trong thiện tâm của các Ngài. Chút ít Bồ Đề Tâm mà ta có được đến từ thiện tâm của Đức Suvarnadvipa. Đó là lý do tại sao ta cảm thấy biết ơn Ngài nhiều hơn hết cả.”

Có một câu nói rằng, điều quan trọng nhất về Bồ Đề Tâm không phải là việc khơi dậy tâm ấy, mà đúng hơn là tâm ấy đã thực sự phát khởi. Lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm phải thực sự sống động mãnh liệt trong chúng ta. Do đó, trì tụng nghi thức nhiều hằng trăm ngàn lần mà không thâu nhận được ý nghĩa vào trong tâm thì hoàn toàn vô ích. Thọ nhận giới nguyện Bồ Đề Tâm trước sự hiện diện của Chư Phật và Bồ Tát, và sau đó không trì giữ lời nguyện ấy thì đúng là lừa gạt các Ngài. Không có lỗi lầm nào tệ hại hơn thế. Vì thế cũng đừng lừa gạt chúng sinh – hãy luôn cố gắng nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm.

III. RÈN LUYỆN THEO GIỚI LUẬT CỦA BỒ ĐỀ TÂM

Đối với Bồ Đề Tâm nguyện [là tác ý muốn phát triển Bồ Đề Tâm], việc tu tập gồm có ba giai đoạn: coi người khác ngang bằng với mình, hoán đổi mình và người khác, và coi người khác quan trọng hơn chính mình. Đối với Bồ Đề Tâm hạnh, việc tu tập bao gồm việc thực hành sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật).

1. Bồ Đề Tâm Nguyện và Giới Luật

1.1 COI NGƯỜI KHÁC NGANG BẰNG VỚI MÌNH

Lý do khiến chúng ta lang thang trong biển luân hồi đau khổ từ vô thủy là bởi ta tin vào một cái “tôi” ở nơi không có cái tôi, tin vào một cái “ngã” ở nơi không có cái ngã, và bởi ta làm cho cái ngã đó trở thành đối tượng duy nhất của tình yêu thương của chúng ta. Thay vào đó, hãy quán chiếu như sau:

Chúng ta luôn luôn muốn được hạnh phúc và không bao giờ muốn đau khổ. Khi có bất kỳ điều khó chịu nào xảy tới cho ta, chúng ta cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Ngay cả cái kim châm hay một tia lửa nhỏ cũng làm chúng ta kêu la đau đớn - chúng ta hoàn toàn không thể đương đầu được với những điều đó. Nếu một con rận nhỏ cắn trên lưng chúng ta cũng khiến ta nổi cơn thịnh nộ. Chúng ta bắt con rận đó, nghiền nát nó trong hai móng tay, và mãi sau đó chúng ta vẫn cứ tiếp tục chà xát móng tay trong sự giận dữ. Đa số mọi người thời nay coi việc giết con rận là vô hại. Nhưng vì nó luôn luôn được làm trong cơn giận dữ, nên đó là một nguyên nhân chắc chắn để tái sinh trong Địa Ngục Vây Bắt và Nghiền Nát. Chúng ta phải xấu hổ khi nhận ra rằng ngay cả những khó chịu nhỏ bé như thế mà ta cũng không chịu được và phản ứng bằng cách gây ra đau khổ cho chúng sinh khác.

Giống như chúng ta, tất cả chúng sinh trong tam giới cũng muốn hạnh phúc và thoát khỏi mọi đau khổ. Nhưng mặc dù muốn được hạnh phúc, họ lại không biết rằng hạnh phúc chỉ đến từ việc thực hành thập thiện. Dù không muốn đau khổ, họ dâng hiến mọi nỗ lực cho mười ác hạnh khiến đem lại đau khổ. Điều họ ước muốn và những nỗ lực đạt được những điều đó lại hoàn toàn trái ngược nhau, và họ luôn luôn đau khổ. Trong tất cả những chúng sinh đó, không ai không từng là cha mẹ của chúng ta trong một khoảng thời gian nào đó từ vô thủy. Giờ đây chúng ta đã được một vị Thầy tâm linh chân chính nhận làm đệ tử, giờ đây chúng ta đã nhận lãnh Giáo Pháp chân chính và có thể phân biệt được điều gì có lợi và cái gì có hại. Với tình thương tràn đầy, chúng ta phải quan tâm chăm sóc tất cả những bà mẹ già (chúng sinh) đang bị trói buộc bởi chính màn lưới vô minh của họ, và nên chấm dứt bất kỳ việc tạo tác tâm phân biệt nào giữa họ và chúng ta. Kiên nhẫn trước sự vô ơn và trước thành kiến của họ, chúng ta nên thiền định về sự vắng bóng của bất kỳ ý niệm đối đãi nào giữa thù và bạn.

Luôn luôn giữ điều này trong tâm, hãy thiền quán về tâm vô phân biệt nhiều lần.

Bất cứ những gì tốt lành hay ích lợi mà bạn muốn cho chính mình, thì người khác cũng mong muốn y như vậy. Do đó, giống như bạn siêng năng làm việc để đem lại hạnh phúc và tiện nghi cho bạn, thì bạn cũng hãy luôn luôn cần mẫn làm việc vì hạnh phúc và tiện nghi cho người khác. Cũng như bạn cố gắng tránh cả những đau khổ nhỏ nhoi nhất cho chính mình, cũng hãy nỗ lực để ngăn ngừa cho người khác khỏi phải đau khổ dù là do một tổn hại nhỏ bé nhất. Giống như bạn cảm thấy hài lòng về hạnh phúc và sự thịnh vượng của riêng bạn, bạn hãy hoan hỷ tận đáy lòng khi người khác cũng được hạnh phúc và thịnh vượng như vậy. Tóm lại, khi thấy không có khác biệt nào giữa bạn và tất cả những chúng sinh trong tam giới, hãy lấy đó làm sứ mệnh duy nhất của bạn để tìm ra những phương cách giúp từng người trong tất cả chúng sinh được hạnh phúc, bây giờ và mãi mãi.

Khi được Trungpa Sinachen thỉnh cầu một giáo huấn đầy đủ tóm gọn trong một câu duy nhất, Ngài Padampa Sangye trả lời: “Bất cứ những gì ông muốn, tất cả người khác cũng muốn như thế; hãy hành động dựa trên điều đó!”

Hãy hoàn toàn diệt trừ tận gốc tất cả những thái độ sai lầm được đặt nền tảng trên sự tham luyến và thù hận, khiến bạn loại bỏ những người khác và chỉ quan tâm tới chính mình, và hãy nghĩ tưởng rằng bản thân bạn và những người khác hoàn toàn bình đẳng.

1.2 HOÁN ĐỔI MÌNH VÀ NGƯỜI

Hãy quan sát một người đang thật sự đau khổ vì bệnh tật, đói, khát hoặc vì một số những phiền não khác. Hoặc, nếu việc đó không thể làm được thì hãy tưởng tượng một người như thế đang ở trước mặt bạn. Khi thở ra, hãy tưởng tượng rằng bạn đang cho người đó tất cả hạnh phúc của bạn và những điều tốt đẹp nhất mà bạn có, thân thể bạn, tài sản và suối nguồn công đức của bạn, như thể bạn đang cởi bỏ quần áo của mình và mặc vào người họ. Sau đó, khi hít vào hãy tưởng tượng rằng bạn đang nhận vào mình tất cả những đau khổ của người đó, và kết quả là người đó trở nên hạnh phúc và thoát khỏi mọi phiền não. Hãy bắt đầu phương pháp thiền định này để ban tặng hạnh phúc và nhận lãnh đau khổ đối với một cá nhân, sau đó dần dần mở rộng để bao gồm tất cả chúng sinh.

Bất kỳ những điều gì bạn không mong muốn hoặc khi đau khổ xảy đến với bạn, hãy phát khởi lòng trắc ẩn chân thành, chan chứa đối với tất cả chúng sinh trong tam giới của luân hồi, là những chúng sinh giờ đây đang chịu đựng đau khổ giống như đau khổ của bạn. Hãy phát khởi ước nguyện mạnh mẽ rằng tất cả những đau khổ của họ có thể trổ quả trong bạn thay vì trong họ, và họ có thể hoàn toàn thoát khỏi đau khổ và được hạnh phúc. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy hạnh phúc hay cảm thấy mọi chuyện tốt đẹp, hãy phát khởi mong ước rằng hạnh phúc của bạn có thể trải rộng ra và đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.

Phương pháp thực hành Bồ Đề Tâm hoán chuyển ngã tha – hoán đổi mình và người khác – là tinh tuý của thiền định tối thượng và phương pháp này sẽ không bao giờ vơi cạn cho tất cả những ai đã khởi hành trên con đường của giáo lý Đại Thừa. Nếu bạn thật sự kinh nghiệm sự hoán đổi này dù chỉ một lần, kinh nghiệm này sẽ tịnh hoá những ác hạnh và những chướng ngại trong nhiều kiếp, và sẽ giúp bạn tích tụ được hai bồ phước huệ vô biên. Kinh nghiệm ấy sẽ cứu bạn thoát khỏi những cõi thấp và thoát khỏi bất kỳ con đường tái sinh nào dẫn bạn tới những cõi thấp đó.

Trong một đời trước, Đức Phật bị đọa vào một địa ngục, ở đó những tội nhân bị buộc phải kéo những toa xe. Ngài phải kéo một toa xe cùng một người khác tên là Kamarupa, nhưng cả hai người quá yếu nên không làm cho xe di chuyển được, lính canh hối thúc và đánh họ bằng những vũ khí nóng-đỏ, khiến họ đau đớn vô tả.

Vị Phật tương lai nghĩ: “Ngay cả hai chúng ta cùng nhau kéo cũng không thể làm cho toa xe di chuyển, mà mỗi người lại chịu đau khổ như nhau. Tôi sẽ kéo và chịu đau khổ một mình để Kamarupa có thể được nhẹ bớt.”

Ngài nói với lính canh: “Hãy đặt dây cương của anh ta lên vai tôi, mình tôi kéo được rồi.”

Nhưng những tên lính canh nổi giận: “Ai có thể làm được bất kỳ điều gì để tránh cho người khác khỏi phải kinh qua những hậu quả của những hành vi của chính họ?” họ nói, và đánh tới tấp lên đầu Ngài bằng dùi cui.

Tuy nhiên, nhờ thiện niệm này, Đức Phật lập tức thoát khỏi cuộc sống địa ngục và được tái sinh vào một cõi Trời. Người ta nói đây là cách thức mà Ngài khởi đầu làm lợi lạc cho người khác.

Một câu chuyện khác kể về bằng cách nào mà Đức Phật, trong một tái sinh ở đời trước là “Ái Nữ” của thuyền trưởng Vallabha, có lần được giải thoát khỏi những cõi thấp ngay khi Ngài thực sự kinh nghiệm sự hoán chuyển này của Ngài với những người khác. Có lần, một gia chủ tên là Vallabha, tất cả những con trai của ông đều chết cả. Do đó, khi sinh đứa con trai khác, ông quyết định đặt tên cho nó là Ái Nữ với hy vọng điều này sẽ làm cho nó được sống sót. Sau đó, Vallabha vượt biển để tìm châu báu, nhưng thuyền chìm và ông ta bỏ mạng.

Khi người con trai trưởng thành, anh hỏi mẹ rằng trước đây cha mình thuộc giai cấp nào. Sợ rằng nếu nói ra sự thật thì đứa con cũng có thể lại đi biển, nên người mẹ bảo với con rằng cha anh thuộc giai cấp thương nhân buôn gạo. Vì thế Ái Nữ trở thành một người buôn bán gạo và chăm sóc mẹ với bốn đồng xu của một karsa kiếm được trong ngày. Nhưng một người buôn gạo khác nói với anh rằng anh không thuộc giai cấp của họ, vì thế anh làm nghề buôn bán như họ là không đúng. Anh bị bắt buộc phải ngưng công việc.

Anh trở về với mẹ và hỏi bà lần nữa. Lần này mẹ anh nói rằng cha anh là một người bán hương liệu. Anh bắt đầu bán hương liệu, và chăm sóc mẹ với tám karsa kiếm được mỗi ngày.

Nhưng Ái Nữ bị bắt phải ngưng công việc một lần nữa, và lần này mẹ anh nói rằng cha anh đã buôn bán quần áo. Anh bắt đầu làm người buôn quần áo, và chẳng mấy chốc đã có thể đưa cho mẹ mười sáu karsa mỗi ngày. Nhưng một lần nữa anh bị buộc bỏ việc vì những người buôn quần áo khác.

Khi được biết cha thuộc giai cấp buôn châu báu, anh bắt đầu buôn ngọc và đem về cho mẹ ba mươi hai karsa mỗi ngày. Sau đó, những người buôn ngọc khác nói với anh là anh thuộc giai cấp những người đi tìm ngọc từ những chuyến đi biển và đây mới là công việc mà anh được sinh ra để làm.

Khi về nhà ngày hôm đó, anh nói với mẹ: “Con thuộc về giai cấp những người đi tìm châu báu. Vì thế con quyết định vượt đại dương để tiếp tục công việc buôn bán của riêng con!”

“Đúng là con thuộc giai cấp những người đi tìm châu báu,” bà mẹ nói, “nhưng cha con và tất cả tổ tiên của con đều chết trên biển trong khi đi tìm ngọc. Nếu con đi, con cũng sẽ chết. Thôi con đừng đi! Hãy ở lại nhà và buôn bán tại đây.”

Nhưng Ái Nữ không thể vâng lời mẹ. Anh chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho chuyến đi. Khi bắt đầu lên đường, mẹ anh không thể nào chia tay với anh được, bà nắm lấy viền áo anh và khóc. Anh ta nổi giận.

Anh la lên: “Nước mắt của mẹ sẽ đem lại vận rủi cho con trong chuyến vượt đại dương!” anh đá vào đầu mẹ rồi bỏ đi.

Trong cuộc hành trình dài, tàu của anh ta bị đắm và hầu như toàn bộ thủy thủ bị chết đuối, nhưng Ái Nữ nhanh tay nắm được một miếng ván và bị đánh dạt vào bờ trên một hòn đảo. Anh đi tới một thành phố tên là Hoan Hỉ. Trong một ngôi nhà đẹp làm bằng kim loại và ngọc quý, bốn vị thiên nữ xinh đẹp xếp những tấm nệm lụa cho anh ngồi và dâng cho anh ba loại thực phẩm trắng và ba thực phẩm ngọt.

Khi anh chuẩn bị về, họ cảnh báo, “Đừng đi về hướng Nam. Đại bất hạnh sẽ xảy ra cho anh nếu anh cứ đi!” Nhưng Ái Nữ không nghe và lên đường.

Anh đến một thành phố gọi là Hân Hoan, thậm chí còn đẹp hơn thành phố trước. Ở đây tám phụ nữ xinh đẹp phục vụ anh. Như lần trước, họ báo cho anh biết rằng đại hoạ đang đe doạ anh nếu anh đi về hướng Nam nhưng anh không chú ý và lên đường lần nữa.

Ở một thành phố được gọi là Nhiễm Độc thì còn hoàn hảo hơn những nơi khác, anh được mười sáu thiên nữ cực kỳ xinh đẹp chào đón, họ phục dịch anh và cũng như những lần trước, họ cảnh báo anh, nhưng một lần nữa lời cảnh báo ấy chẳng có hiệu quả gì.

Anh tiếp tục cuộc du hành và chợt nhìn thấy một pháo đài trắng mà chóp đỉnh của nó vươn tới tận trời cao. Nó được gọi là Lâu Đài của Đạo Sư Phạm Thiên (Guru Brahma), và ở đó ba mươi hai thiên nữ xinh đẹp mê hồn mời anh vào. Họ sửa soạn cho anh một giường có nệm bằng lụa, phục vụ ba món thực phẩm trắng và ba món thực phẩm ngọt và van nài anh ở lại. Nhưng anh vẫn muốn đi.

Khi anh bắt đầu lên đường, họ nói: “Cho dù Ngài đi đâu, hãy tránh hướng Nam! Tai họa sẽ giáng xuống Ngài.” Nhưng anh cảm thấy một sự thôi thúc phải đi về phương Nam, và anh đi về hướng đó.

Chẳng bao lâu một tòa thành bằng sắt hiện ra trước mặt anh, những tháp của nó cao vút lên tận bầu trời. Tại cổng, anh thấy một người da đen với đôi mắt đỏ ngầu đáng sợ, tay cầm thanh sắt dài. Ái Nữ hỏi ông ta trong lâu đài có gì, nhưng người đàn ông chỉ im lặng. Khi đến gần hơn, anh thấy nhiều người đàn ông giống người đầu tiên. Một cảm giác khủng khiếp lan khắp thân thể làm tóc anh dựng lên.

Anh tự bảo: “Nguy hiểm! Đây hẳn là sự nguy hiểm mà họ đã báo cho ta.”

Anh đi vào trong. Ở đó anh thấy một người mà óc bị nghiền thành bột bởi một bánh xe thép đang quay trên đầu anh ta.

“Anh làm điều gì mà phải chịu trừng phạt như vậy?” Ái Nữ hỏi.

“Tôi đã đá vào đầu mẹ tôi, và đây là nghiệp trổ quả. Nhưng còn bạn? Tại sao không hưởng hạnh phúc mà người ta dâng tặng anh ở Lâu Đài Đạo Sư Phạm Thiên? Tại sao lại đến đây để tìm kiếm đau khổ?”

“Tôi tin rằng mình bị đẩy đến đây cũng là do nghiệp của tôi,” Ái Nữ nghĩ.

Vào lúc đó, từ trên bầu trời có một giọng nói lớn: “Hãy để những người đang bị trói được tự do, và những kẻ tự do bị trói lại!”

Bánh xe thép bất ngờ quay trên đầu Ái Nữ. Giống như người kia, óc anh bị vỡ nát thành bột nhão và anh chịu đựng nỗi đau đớn và khốn khổ không tả xiết. Sự đau khổ này đánh thức trong lòng anh một cảm thức bi mẫn mãnh liệt đối với tất cả những người đang ở trong tình trạng như anh.

Anh nghĩ: “Trong các cõi luân hồi có những chúng sinh khác đang chịu đau khổ như tôi vì họ cũng đã đá vào đầu mẹ của họ. Cầu mong nỗi khổ của họ trổ quả trong tôi và cầu mong chỉ một mình tôi chịu đựng nỗi khổ đó thay cho tất cả. Cầu mong sẽ không còn ai phải trải qua nỗi đau khổ như thế trong bất kỳ đời nào trong chuỗi tái sinh liên tục của họ.”

Đột nhiên, bánh xe bay lên không trung, nỗi thống khổ của anh chấm dứt và anh bay lên tới độ cao của bảy cây dừa trong một trạng thái đại lạc.

Thực hành Bồ Đề Tâm bằng phương pháp hoán đổi mình với người khác là phương pháp tối cao và hết sức cần thiết để đạt được giác ngộ. Thật vậy, các Đạo Sư Kadampa trong quá khứ thường lấy đó làm pháp tu tập chính yếu. Có lần Geshe Chekawa, bậc thông suốt nhiều giáo lý của cả hai truyền thống Tân và Cựu và là bậc đã nhập tâm nhiều bản văn luận lý, tới thăm Geshe Chakshingwa. Ở trên gối của vị này, ông nhìn thấy một bản văn nhỏ, và khi mở nó ra ông tình cờ đọc được câu này:

Hãy hiến tặng lợi lạc và vinh quang cho người khác.
Hãy nhận lãnh thua thiệt và thất bại cho chính mình.

“Thật là một giáo lý tuyệt vời!” Chekawa nghĩ, và hỏi Chakshingwa giáo lý này tên gì.

“Đó là Tám Bài Kệ Luyện Tâm của Langri Thangpa,”

Chakshingwa nói.

“Ai đã thuyết những giáo huấn này?”

“Chính Ngài Langri Thangpa.”

Chekawa quyết định thọ lãnh những giáo lý này. Trước hết, ông tới Lhasa và dùng một vài ngày để đi nhiễu quanh những thánh địa. Một buổi chiều, một người cùi ở Langthang nói với ông rằng Langri Thangpa đã viên tịch. Chekawa hỏi ai là người thừa kế dòng truyền thừa và được cho biết là hai người có khả năng kế vị, đó là Shangshungpa và Dodepa, nhưng họ có thể không đồng ý về chuyện này. Tuy nhiên họ không cãi cọ vì tranh giành nhau.

Shangshungpa nói với Dodepa: “Ông là người lớn tuổi hơn, ông nên kế vị. Tôi sẽ phụng dưỡng ông như thể ông chính là Ngài Langri Thangpa!”

Nhưng Dodepa trả lời: “Ông uyên bác hơn. Ông nên làm người kế vị!”

Mặc dù cả hai nhìn nhau bằng tri giác thanh tịnh, Chekawa giải thích việc họ không tán thành việc kế thừa là một sự thiếu sót và cho rằng cả hai đều không phải là người trì giữ giáo lý của Ngài Langri Thangpa. Ông cố gắng tìm cho ra người trì giữ xuất sắc nhất, và mọi người nói với ông rằng người đó là Sharawa.

Sharawa đang ban một giáo lý gồm nhiều quyển sách cho hàng ngàn người trong Tăng đoàn. Chekawa lắng nghe Ngài trong vài ngày, nhưng không nghe Ngài nói một lời nào về giáo lý mà ông đang tìm kiếm.

“Dường như vị này cũng không có được giáo lý đó,” ông nghĩ, “nhưng ta sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài có giáo lý này, ta sẽ ở lại. Còn không, tốt hơn ta nên đi.”

Vì thế Chekawa tới gặp Sharawa, Ngài đang nhiễu quanh một bảo tháp. Ông trải một tấm vải lên mặt đất và mời Sharawa ngồi một lát và nói: “Con có một số việc muốn hỏi Ngài.”

“Đại Đức,” Sharawa nói, “ông cần hỏi vấn đề gì? Về phần ta, ta luôn tìm mọi câu trả lời trên gối thiền của mình.”

“Con đọc được những lời này trong một bản văn: ‘Hãy hiến tặng lợi lạc và vinh quang cho người khác. Hãy nhận lãnh thua thiệt và thất bại cho chính mình.’ Con rất thích những lời này. Đây có phải là một giáo lý sâu xa hay không?”

“Đại Đức,” Ngài Sharawa trả lời, “dù thích hay không thích giáo lý này, nhưng nếu ông muốn đạt được Phật Quả thì ông không thể bỏ qua giáo lý ấy.”

“Có phải Ngài đang trì giữ giáo lý này?”

“Đúng, đó là pháp tu chính yếu của ta,” Ngài Sharawa trả lời.

“Vậy thì con cầu khẩn Ngài dạy cho con,” Chekawa nói.

“Ông có thể ở lại đây với ta trong một thời gian dài hay không?” Ngài Sharawa hỏi, “Nếu ông có thể ở lại thì ta sẽ dạy cho ông.”

Từ Ngài, Chekawa nhận được những hướng dẫn dựa trên kinh nghiệm của Ngài144 trong một tiến trình liên tục huấn luyện tâm thức kéo dài sáu năm. Qua việc thực hành giáo lý trên, ông đã có thể giải thoát hoàn toàn khỏi mọi dấu vết của tâm vị kỷ.

Để xua tan bệnh tật và những đau khổ trong đời này và để chế ngự những tinh linh, những thế lực xấu ác và những kẻ gây nên chướng ngại, không có giáo huấn nào tốt hơn phương pháp thiền định Bồ Đề Tâm hoán đổi mình và người khác. Hãy thiền định về điều này với sự kiên trì, luôn luôn từ bỏ thuốc độc tâm thức tiêu cực, thứ thuốc độc đem lại cho bạn quá nhiều tánh tự kiêu cho mình là quan trọng.

1.3 COI NGƯỜI KHÁC QUAN TRỌNG HƠN MÌNH

“Tôi có thể ở trong vòng luân hồi, tôi có thể bị đọa vào trong địa ngục, tôi có thể bị bệnh tật, bồn chồn xúc động, hay đau khổ vì bất kỳ sự bất hạnh nào khác, nhưng tôi sẽ chịu đựng tất cả những điều đó. Cầu mong cho đau khổ của người khác trổ quả trong tôi! Cầu mong những chúng sinh khác có được mọi hạnh phúc và mọi quả tốt của những thiện hạnh của tôi!”

Hãy khơi dậy tư tưởng này từ tận sâu thẳm trong tâm bạn và hãy thực sự đưa chúng vào thực hành, noi theo gương của những vị Thầy của Ngài Atisa, là các Ngài Maitriyogi và Dharmaraksita, và của Đạo Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta trong những kiếp tái sinh làm Vua Padma, làm một con rùa và làm Vua Manicuda.

Có lần, Ngài Maitriyogi, Thầy của Atisa, đang thuyết giảng Giáo Pháp thì một người đàn ông ở gần đó ném đá vào một con chó. Vị Đạo Sư đang ngồi trên ngai la lên đau đớn và ngã xuống đất. Những người hiện diện không nhìn thấy việc xảy ra cho con chó nên nghĩ rằng Ngài giả vờ. Nhưng Ngài Maitriyogi biết được điều họ đang nghĩ, Ngài cho họ thấy trên lưng Ngài rõ ràng có một vết sưng do hòn đá ném vào con chó. Chứng cớ này đã thuyết phục được mọi người có mặt ở đó: Ngài đã nhận vào thân mình nỗi đau đớn của con chó khi bị ném đá.

Khởi đầu, Đạo Sư Dharmaraksita là một học giả Thanh Văn của phái Vaibhasika. Mặc dù vào lúc đầu đời, Ngài chưa bao giờ được nghe giáo lý Đại Thừa, nhưng Ngài phát khởi lòng mến mộ tự nhiên đối với truyền thống Đại Thừa, và Ngài tràn đầy lòng bi mẫn mà không cần bất kỳ nỗ lực hay dụng công nào.

Một lần kia, một người trong vùng Ngài đang sống lâm trọng bệnh mà thầy thuốc bảo rằng chỉ có thể được chữa lành bằng một loại thuốc – đó là thịt tươi. Nếu không tìm được nó thì không hy vọng gì.

“Nếu thế thì tôi sẽ cho thịt của tôi,” Dharmaraksita nói, và cắt một ít thịt ở đùi đưa cho người bệnh; họ ăn và khỏi bệnh.

Kết quả là bởi vì chưa chứng ngộ tánh Không nên Dharmaraksita bị đau đớn dữ dội, nhưng tâm đại bi của Ngài đã chặn đứng bất kỳ cảm giác hối tiếc nào của Ngài.

“Bạn có cảm thấy khoẻ hơn không?” Ngài hỏi người bệnh.

“Vâng, tôi khoẻ rồi, nhưng hãy nhìn những đau đớn khổ sở tôi đem lại cho Ngài!”
“Thậm chí tôi sẵn sàng chịu chết nếu điều đó có thể đem lại hạnh phúc cho bạn,” Ngài Dharmaraksita nói.

Tuy nhiên Ngài đau đớn tới nỗi không ngủ được. Cuối cùng, Ngài lơ mơ ngủ được một lát và có một giấc mơ.

Một người đàn ông màu trắng toát hiện ra nói với Ngài: “Bất kỳ ai muốn đạt được giác ngộ đều phải trải qua những thử thách như ngươi. Hoàn hảo! Hoàn hảo!” rồi người đàn ông nhổ vào vết thương và lấy tay chà xát. Vết thương biến mất, hoàn toàn không để lại dấu vết.

Khi Dharmaraksita thức dậy, Ngài thấy vết thương đã hoàn toàn lành lặn. Người đàn ông màu trắng chính là Đức Đại Bi.145 Sau đó, sự chứng ngộ đích thực về trạng thái bản nhiên đã ló rạng trong tâm Dharmaraksita và những lời vàng của Trung Quán Luận của Đức Long Thọ luôn ở trên môi Ngài.

Thời xa xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một đời trước là một vị Vua tên là Padma, có một trận dịch trầm trọng bột phát trong đám thần dân của Ngài và nhiều người đã chết. Nhà vua mời những vị thầy thuốc tới và hỏi họ cách chữa trị ra sao.

“Bệnh này chỉ có thể chữa khỏi bằng thịt cá rohita,” họ nói. “Nhưng cơn bệnh đã che mờ tâm trí chúng tôi tới nỗi chúng tôi không thể nghĩ ra cách chữa trị nào khác.”

Vào buổi sáng của một ngày tốt lành, nhà vua tắm rửa, mặc quần áo mới và cử hành một nghi lễ sám hối và tịnh hóa. Ngài thực hiện lễ cúng dường thịnh soạn cho Tam Bảo và cầu nguyện nhiệt thành, Ngài nói: “Ngay khi con chết, cầu mong con được lập tức tái sinh thành một con cá rohita sống trong sông Nivritta!”

Sau đó, Ngài lao mình xuống từ cung điện cao một ngàn cubit (khoảng 450m) – và ngay lập tức được tái sinh thành một con cá, thét lên bằng giọng người: “Ta là một con cá rohita, hãy lấy thịt ta và ăn đi!”.

Mọi người đến để ăn. Ngay khi một bên thân nó đã được ăn, con cá liền lật sang và mời họ ăn tiếp thân bên kia. Khi họ đang cắt thịt, phần thân đầu tiên trở lại đầy như cũ. Bằng cách này, khi tuần tự ăn từng bên thân cá, những ai bị bệnh đều có thể được chữa khỏi. Sau đó, con cá nói với tất cả mọi người rằng:

“Ta là Padma, vua của các người. Ta đã từ bỏ thân mạng để tái sinh thành một con cá rohita cứu các người khỏi bệnh dịch. Để biểu lộ lòng biết ơn của các người đối với ta, hãy từ bỏ những hành động xấu ác và làm mọi điều thiện mà các người có thể.”

Tất cả đều vâng lời Ngài và từ đó không bao giờ còn rơi vào vòng tái sinh ở các cõi thấp nữa.

Một lần khác, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tái sinh làm một con rùa khổng lồ, lúc đó một chiếc thuyền chở năm trăm nhà buôn bị đắm giữa biển.

Tất cả đều sắp chết đuối thì con rùa gọi họ bằng giọng người: “Hãy trèo lên lưng ta! Ta sẽ đưa tất cả các ngươi tới nơi an toàn!”.

Con rùa đem những nhà buôn này đến vùng đất khô ráo, sau đó kiệt sức qụy ngã bên bờ biển, và ngủ thiếp đi. Nhưng khi nó ngủ, một đám mây gồm tám mươi ngàn con ruồi ketaka bay đến và bắt đầu hút máu con rùa. Khi tỉnh dậy, nó nhìn thấy ruồi đông vô kể và nhận ra rằng nếu nó lặn xuống nước trở lại hay bò lên mặt đất thì những con ruồi sẽ chết. Vì thế nó cứ nằm yên đó, hiến tặng thân mạng nó cho những con ruồi.

Sau này khi con rùa đã thành Phật thì đàn ruồi ấy trở thành tám mươi ngàn vị Trời lắng nghe giáo lý của Ngài và lãnh hội được chân lý.

Trong một dịp khác, Đức Phật tái sinh ở xứ Saketa thành con trai của vị Vua Chỏøm Vàng cùng hoàng hậu Sắc Đẹp Làm Hoan Hỷ. Nơi đỉnh đầu của cậu bé là một nhục kế146 chứa một viên ngọc báu, từ đó chảy ra một chất cam lồ có năng lực biến sắt thành vàng. Vì lý do này cậu được gọi là Manicuda, “Chỏm Ngọc.” Khi cậu bé sinh ra, một trận mưa gồm đủ loại châu báu đổ xuống. Trong số của cải của cậu có một con voi lộng lẫy tên là Núi Tuyệt Hảo. Là vua, Ngài chỉ đạo những công việc thế gian phù hợp với Giáo Pháp, luôn phân phát của bố thí cho người nghèo, nhờ đó chấm dứt được sự nghèo khổ và ăn xin.

Một nhà hiền triết (risi) tên là Brighu gả con gái cho Ngài. Cô sinh ra từ hoa sen và có mọi điềm lành. Từ sự kết hợp này, một đứa con trai giống như cha ra đời, và người ta gọi cậu là Chỏm Hoa Sen.


 

Atisa (982 - 1054)

Học giả Ấn Độ vĩ đại của đại học viện Vikramasila, đã trải qua mười năm cuối đời mình tại Tây-Tạng, ở đó Ngài giảng dạy giáo lý chú trọng vào hai pháp môn căn bản là (1) quy y và (2) rèn luyện tâm thức nương vào lòng từ và bi.

Một ngày nọ, nhà vua quyết định tổ chức một lễ cúng dường lớn và mời nhiều vị khách, trong số họ có risi Brighu và một vị vua tên Dusyanta, Khó-Kham Nhẫn. Khi ấy Vua Trời Indra (Đế Thích) muốn thử ý định của Vua Chỏm Ngọc nên mang thân tướng của một Dạ Xoa (raksasa). Ông nhảy ra khỏi đồ cúng lửa và đi tới nhà vua, yêu cầu thực phẩm và nước uống. Nhà vua tặng Ông đủ loại món ăn và thức uống, nhưng Ông từ chối tất cả.

“Tất cả những cái tôi cần,” Ông nói với nụ cười mỉm, “là thịt và máu còn ấm của một người vừa bị giết!”

Nhà vua hơi giật mình. “Ta không thể làm được việc này mà không làm tổn hại người khác,” Ngài nghĩ. “Cho dù ông ta giết ta, ta sẽ không bao giờ làm hại người khác. Tuy nhiên, trừ khi ta cho ông ta những gì ông ta cần, còn không thì mọi hy vọng của ông ta sẽ bị đổ vỡ. Ta sẽ làm gì?”

Lúc đó, Nhà vua quyết định đã tới lúc cúng dường chính máu và thịt của mình và nói: “Tôi sẽ cho ông máu và thịt của chính tôi.”

Sự hoảng loạn lan khắp tập hội và họ cố gắng thuyết phục Vua, nhưng không có hiệu quả. Nhà vua cắt tĩnh mạch cổ để cho máu. Dạ Xoa uống máu no nê rồi cắt những miếng thịt của Vua và quỷ ma ăn thịt cho đến tận xương. Quyến thuộc của Nhà vua buồn bã. Hoàng hậu ngã bất tỉnh trên mặt đất. Nhưng Nhà vua vẫn làm chủ được năng lực của mình và Trời Indra trở nên cực kỳ hoan hỷ.

“Ta là Vua Trời Đế Thích,” Ông ta nói. “Ta không cần thịt và máu vì thế Ngài có thể ngưng hành vi nhân đức của Ngài lại.” Ông bôi chất cam lồ linh thánh lên những vết thương trên thân nhà vua khiến vua hồi phục như trước.

Về sau, Vua Chỏm Ngọc ban con voi Núi Tuyệt Hảo cho quan thượng thư của Ngài tên là Cỗ xe của Brahma. Vào lúc đó một trong những đệ tử của risi Marici tới, risi Marici là người đã thành tựu trong thiền định. Nhà vua đón tiếp ông ta với lòng tôn kính sâu xa và hỏi ông ta cần gì.

“Để tỏ lòng biết ơn vị thầy đã dạy tôi kinh Veda, tôi muốn dâng cho thầy tôi một người hầu, vì hiện tại thầy tôi đã già và không còn ai. Tôi tới xin vợ và con Ngài.”

Vì thế nhà vua để cho vợ con của mình đi. Người đệ tử cùng đi với họ và dâng họ cho thầy mình.

Trong lúc đó, Vua Khó-Kham Nhẫn thèm muốn con voi. Khi về tới vương quốc của mình, Vua gởûi một thông điệp yêu cầu rằng con voi phải được đem trình diện vua. Vua được trình báo kịp thời là con voi đã được đem cho một người bà la môn. Nhưng nhà vua không nghe và đe dọa sẽ có chiến tranh nếu không giao voi. Khi địch quân tiến đến, Vua Chỏm Ngọc cảm thấy một nỗi buồn sâu xa trong lòng.

“Đáng buồn biết bao tính tham lam có thể biến người bạn thân nhất thành kẻ thù dữ dội nhất chỉ trong chốc lát!” Ngài nghĩ. “Nếu ta chuẩn bị chiến đấu, ta có thể dễ dàng đánh bại ông ta. Nhưng nhiều người sẽ đau khổ, vì thế ta phải trốn đi!”

Bốn vị Phật Độc Giác xuất hiện và nói: “Đại Vương, đã đến lúc Ngài vào rừng.”

Vì thế Ngài đi tới Rừng Niềm Say Mê Của Người Khác, trong khi những vị thượng thư của Ngài tới gặp Marici và hỏi xin vị hoàng tử trẻ là người đã được tặng cho ông ta. Marici trả lại hoàng tử và hoàng tử nắm quyền chỉ huy quân đội và lâm chiến. Vua Khó-Kham Nhẫn bị thua trận và bị buộc phải lui về, và những tư tưởng cùng những hành vi xấu ác đã mang lại bệnh tật và đói kém cho vương quốc của nhà vua.

Khi vua Khó-Kham Nhẫn hỏi những người bà la môn của ông ta điều gì có thể làm cho những tai họa này chấm dứt, họ nói: “Phương thuốc đó là những viên ngọc của Vua Chỏm Ngọc. Ngài nên xin nhà vua viên ngọc đó.”

“Nhưng chắc chắn là ông ta sẽ từ chối,” Vua Khó-Kham Nhẫn nói.

Tuy nhiên, những người bà la môn cứ khăng khăng nói rằng Vua Chỏm Ngọc sẽ cho – bởi vua đã chẳng nổi danh là không bao giờ từ chối một lời thỉnh cầu nào đó sao? Một người bà la môn được phái đi để xin vua viên ngọc.

Vua Chỏm Ngọc đang đi dạo trong rừng, nhìn quanh quẩn, và tới gần ẩn thất của Marici. Cùng lúc đó, hoàng hậu ¬vợ Ngài – đang tìm rễ và lá trong rừng không xa nơi đó, bị một thợ săn tấn công.

“Vua Chỏm Ngọc cứu tôi!” bà la lên.

Tiếng kêu khóc từ xa của bà vang tới tai Vua Chỏm Ngọc, Ngài tự hỏi điều gì xảy ra và đi tới xem. Người thợ săn thấy Ngài đến gần, tưởng là vị risi. Sợ bị nguyền rủa, hắn bỏ chạy. Một người như Hoàng hậu trước đây từng thụ hưởng vô số tiện nghi của hoàng cung mà nay lâm vào cảnh khốn cùng đến nỗi Vua Chỏm Ngọc phải bàng hoàng khi Ngài nhìn thấy bà. “Buồn làm sao!” Ngài nghĩ. “Mọi sự duyên hợp chẳng có gì xác thực.”

Đúng lúc đó sứ giả bà la môn của Vua Khó-Kham Nhẫn đi tới. Ông ta thuật lại cho Ngài câu chuyện và hỏi xin nhục kế trên đầu Ngài.

“Hãy cắt nó và lấy đi,” nhà Vua nói.

Người bà la môn làm theo và ra đi. Mọi bệnh tật và đói kém đã chấm dứt trong vương quốc của Vua Khó-Kham Nhẫn.

Khi Vua Chỏm Ngọc chịu đựng nỗi đau đớn do vết thương của Ngài gây ra, nó khơi dậy trong Ngài lòng đại bi đối với tất cả chúng sinh trong các địa ngục nóng. Sau đó Ngài bất tỉnh.

Trong lúc đó, được thúc đẩy bởi những điềm lành xuất hiện, nhiều người trong triều đình cũng như các vị trời đi tới.

“Ôi, Đức Vua,” họ nói, “điều gì đã xảy ra?”

Nhà vua ngồi dậy và chùi những vết máu trên mặt Ngài.

“Vua Khó-Kham Nhẫn cho người tới xin ta nhục kế trên đầu vì thế ta đã tặng nó cho ông ta,” Ngài trả lời.

“Điều gì khiến Ngài làm như vậy?” họ hỏi.

“Ta không cố giữ bất kỳ điều gì cho mình. Mong ước duy nhất của ta là xứ sở của Vua Khó-Kham Nhẫn phải được cứu thoát khỏi bệnh tật và nạn đói kém. Nhưng ta còn muốn một điều nữa..”

“Đó là gì?” họ hỏi.
“Có khả năng che chở tất cả chúng sinh,” Ngài trả lời.
“Nhưng Ngài không cảm thấy hối tiếc chút nào chứ?” họ hỏi.
“Không, hoàn toàn không,” nhà vua nói.
“Nhìn vẻ đau đớâøäå
n tren mặt Ngai thì that khó có the tin điều Ngài nó
i.”
“Tốt” nhà vua nói, “nếu ta thật sự không hối tiếc về việc tặng nhục kế cho Vua Khó-Kham Nhẫn và quần thần của ngài, thì cầu mong thân ta trở lại y như trước!”

Và đó là điều đã xảy ra. Quần thần của Ngài van nài Ngài trở lại cung điện, nhưng Ngài từ chối. Vào lúc đó, bốn vị Phật Độc Giác lại xuất hiện.

“Bởi Ông đã giúp cho kẻ thù quá nhiều rồi, thì tại sao lại không giúp cho những bạn hữu?” các Ngài nói. “Bây giờ ông nên trở về cung điện của mình.”

Nhà Vua trở về cung điện, và đem lại lợi ích và hạnh phúc cho thần dân của Ngài.

2. Bồ Đề Tâm Hạnh:
Nương Theo Giới Hạnh
Của Sáu Pháp Toàn Thiện Siêu Việt (Lục độ ba-la-mật)

Năm pháp đầu tiên trong sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba-la-mật hay sáu ba-la-mật) – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định – bao gồm tất cả các phương tiện thiện xảo khác nhau.
Pháp thứ sáu, trí tuệ, thuộc về pháp vun bồi trí huệ nguyên sơ.147

2.1 BỐ THÍ SIÊU VIỆT (Bố thí ba-la-mật)

Bố thí có thể áp dụng qua ba hình thức: bố thí vật chất (tài thí), bố thí Pháp (Pháp thí), và bố thí sự che chở thoát khỏi sợ hãi (vô uý thí).

2.1.1 Bố thí vật chất (Tài thí)

Có ba loại bố thí vật chất: bố thí thông thường, đại bố thí và đại bố thí phi thường.

Bố thí thông thường. Điều này ám chỉ việc bố thí bất kỳ vật chất nào, cho dù nó không nhiều hơn một nhúm trà hay một chén bột lúa mạch. Nếu nó được bố thí với một tác ý hoàn toàn thanh tịnh thì số lượng không quan trọng. Sự Sám Hối Những Sa Sút nói về “kết quả tốt lành trong tương lai của việc bố thí dù chỉ một muỗng thực phẩm cho một chúng sinh trong cõi súc sinh.” Ta được biết rằng Các Đấng Chiến Thắng, khéo léo lão luyện trong phương tiện và với lòng đại bi quảng đại, có thể cứu giúp ngạ quỷ nhiều như cát sông Hằng (Gange) chỉ với một giọt nước hay một hạt lúa mạch bằng cách sử dụng oai lực của các dharani,* các thần chú và những phương tiện khác.

Những lễ cúng dường lửa -- đỏ và trắng, đem lại lợi ích to lớn cho ngạ quỷ di chuyển khắp hư không. Mặt khác, những tinh linh được nuôi dưỡng trên sự sống của những chúng sinh khác có thể tạm thời thỏa mãn bằng mùi vị của thực phẩm cúng dường được thiêu hoá (cúng dường lửa) và tâm họ được giải thoát nhờ tặng phẩm của Giáo Pháp.** Kết quả là những tinh linh đó không còn làm tổn hại người khác, và do đó nhiều chúng sinh khác được bảo vệ, thoát khỏi hiểm họa của cái chết. Điều này dẫn đến pháp bố thí sự che chở thoát khỏi sợ hãi (vô uý thí), vì thế thực hành cúng dường lửa bao gồm cả ba loại bố thí.

*Một loại thần chú dài được tìm thấy trong các Kinh điển. ** Trong nghi thức của một lễ cúng dường lửa (xem Thuật ngữ), “bố thí Pháp” thường được bao gồm trong hình thức của bài kệ tóm tắt giáo lý của Đức Phật, “Hãy từ bỏ ác hạnh…,” được trích dẫn ở tiết 2.1.2 Bố thí Pháp trong Chương này.

Vì cả hai việc cúng dường lửa và torma nước đều dễ thực hiện và rất hiệu quả nên hãy cố gắng thực hành đều đặn và không gián đoạn. Thật là vô cùng tốt lành nếu mỗi năm chúng ta cúng dường một trăm ngàn torma nước.

Khi người ta nhận được một ít thực phẩm hay một ít tiền, họ nắm chắc chúng trong tay bằng cái siết chặt của một người đang hấp hối, và chẳng thể dùng chúng cho đời này hay những đời sau. Cho dù họ có nhiều tới đâu chăng nữa thì họ vẫn nghĩ là họ không có gì, và rên rỉ như thể họ sắp chết đói. Cách cư xử như vậy có thể tức khắc tạo nên một kinh nghiệm giống như kinh nghiệm của cõi ngạ quỷ, qua kết quả tương đồng với nguyên nhân.#
# xem Phần Một, Chương Bốn, Mục I, tiết 2.2.2 Những kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân.
Hãy tránh những thái độ như vậy và cố gắng rộng rãi quảng đại, qua những hoạt động như cúng dường Tam Bảo và bố thí cho các hành khất. Như Ngài Jetsun Mila đã nói:

Hãy moi thực phẩm ra từ miệng bạn và cho đi như của bố thí.

Mặt khác, nếu bạn để cho mình trở thành kẻ nô lệ cho tính tham lam ích kỷ, thì cho dù bạn có tất cả của cải trong thế gian nhưng dường như của cải đó vẫn không đủ cho một người. Ngoài ra, không dám buông bỏ những gì bạn có, bạn tự nhủ rằng bất kỳ những gì bạn sắp sử dụng để cúng dường hay bố thí cho người nghèo khó, sau này bạn sẽ phải tìm kiếm ra lại để bù đắp vào, hoặc tiền của ấy phải đến từ một nơi nào khác.

Nói chung, Đức Phật dạy pháp bố thí vật chất và pháp bố thí sở hữu vật chất chủ yếu là để cho giới Bồ Tát cư sĩ. Nếu bạn là một vị tăng hay ni, điều quan trọng là đơn thuần giảm thiểu lòng ham muốn, học cách bằng lòng với những gì bạn có, và thực hành tu tập ba nhánh của con đường cao cấp (three-fold training of the higher path), quyết tâm ẩn thất trên núi cao và ở những nơi cô tịch, vui vẻ chấp nhận mọi gian khổ.

Một số hành giả từ bỏ những tu tập tâm linh để lao mình vào việc buôn bán, nông nghiệp hay những phương tiện sinh nhai khác, và chất đống của cải qua thủ đoạn quỷ quyệt và gian xảo. Họ chống chế rằng họ đang thực hành Pháp qua việc cúng dường và đóng góp vào các chương trình từ thiện bằng của cải mà họ đã kiếm được. Nhưng người ta nói về những người ấy như sau:

Khi Pháp không được thực hành phù hợp với Pháp thì ngay chính Pháp có thể gây ra việc tái sinh vào đường dữ.

Cách tiếp cận Pháp hay đến với Pháp của họ hoàn toàn vô giá trị. Vì thế, điều tối ư quan trọng là luôn hài lòng với những gì mình có.

Đại bố thí. Điều này có nghĩa cho người khác bất cứù thứ gì cực kỳ hiếm hoi hay quý báu đối với cá nhân bạn, chẳng hạn như ngựa hay voi, hay thậm chí con trai hay con gái của riêng bạn.

Đại bố thí phi thường. Điều này ám chỉ việc hiến tặng tứ chi, thân thể hay cuộc sống của chính bạn. Những tấm gương sáng là Hoàng Tử Đại Dũng Cảm hiến thân mạng cho một cọp cái đói khát. Tổ Long Thọ (Nagarjuna) cắt đầu cho con trai vua Surabhibhadra,* và Công Chúa Mandabhadri cũng hiến thân mạng cho một con cọp cái. Tuy nhiên, loại bố thí này chỉ được thực hành bởi những vị đã đạt được một trong những địa của Bồ Tát. Những người bình thường không thể làm nổi những việc như thế.148 Tạm thời, trong tâm thức bạn, hãy dâng hiến thân thể, cuộc sống và tài sản của bạn cho lợi ích của những người khác, trong lòng không chút mảy may tham luyến, và cầu nguyện rằng một ngày nào đó bạn sẽ có đủ khả năng để thực sự bố thí như vậy.
* Xem Phần Một, Chương Bốn, Mục III.

2.1.2 Bố thí Pháp (Pháp thí)

Điều này có nghĩa là dẫn dắt người khác đến với việc thực hành tâm linh bằng cách ban những quán đảnh, giảng Pháp, trao truyền kinh văn và v.v.. Tuy nhiên, làm điều tốt cho người khác trong khi tánh tham dục ích kỷ của chính mình vẫn chưa biến mất thì sẽ chẳng khác nào một màn trình diễn.

Các đệ tử của Ngài Atisa hỏi Ngài khi nào thì họ có thể giảng dạy cho người khác, làm việc vì lợi ích của người khác hay thực hiện pháp chuyển di thần thức cho người vừa mới chết. Ngài trả lời như sau:

Ông có thể dẫn dắt người khác một khi ông đã chứng ngộ
tánh Không và phát triển khả năng thấu thị.
Ông có thể làm việc vì lợi ích của người khác một khi
chẳng còn gì để làm đối với lợi lạc của riêng ông.149
Ông có thể thực hiện pháp chuyển di cho người chết một
khi ông đã đi vào con đường của cái Thấy (Kiến
Đạo).

Ngài cũng nói:

Thời buổi suy đồi này không phải là lúc để khoe khoang;
Đã tới lúc khơi dậy lòng cương quyết.
Không phải là lúc để nắm giữ những địa vị cao;
Đã tới lúc giữ một vị trí khiêm tốn.
Không phải là lúc để có người hầu và đệ tử;
Đã tới lúc sống trong cô tịch.
Không phải là lúc để chăm sóc đệ tử;
Đãõ tới lúc tự chăm sóc chính mình.
Không phải là lúc để phân tích những ngôn từ;
Đãõ tới lúc để quán chiếu yếu nghĩa.
Không phải là lúc để đi rong;
Đãõ tới lúc ở yên một chỗ.

Ba Anh Em hỏi Geshe Tonpa rằng tu tập trong cô tịch hoặc giúp đỡ
ngươi khác bằng Giáo Pháp, cái nào quan trọng hơn. Geshe Tonpa trả lời:

Đối với một người sơ cơ không có kinh nghiệm tu tập lẫn kinh nghiệm chứng ngộ thì thật vô ích khi cố gắng giúp đỡ người khác bằng Giáo Pháp. Họ chẳng gia hộ được cho bất kỳ một ai, giống như không có gì để rót ra từ một chiếc bình rỗng. Những giáo huấn của họ vô vị và không có thực chất, giống như ủ bia mà không nén hạt.

Một số người ở giai đoạn phát nguyện, là những người đã có hơi ấm150 của công phu tu tập nhưng chưa được kiên cố vững chắc trong việc tu tập cho lắm, thì họ không thể làm việc vì lợi ích của chúng sinh. Lực gia trì của họ giống như thứ gì đó được rót từ bình này sang bình khác: họ chỉ có thể đổ đầy cho người khác bằng cách làm cạn kiệt chính mình. Những giáo huấn của họ giống như một ngọn đèn được chuyền từ tay này qua tay khác: nếu họ cho người khác ánh sáng thì họ sẽ ở trong bóng tối.

Nhưng người đã đạt được một trong những quả vị của Bồ Tát thì sẵn sàng làm việc vì lợi ích chúng sinh. Lực gia trì của các vị ấy giống như năng lực của một chiếc bảo bình như ý: họ có thể giúp tất cả chúng sinh mà không bao giờ trở nên khô cạn. Những giáo huấn của các vị ấy giống như một ngọn đèn đặt ở ngay trung tâm, từ đó mọi người có thể bắt lấy ánh sáng mà ngọn đèn không bao giờ bị lu mờ.

Do đó, thời đại suy đồi này không phải là lúc để những người bình thường giúp đỡ người khác một cách hời hợt bề ngoài, mà đúng hơn là lúc để họ sống ở những nơi cô tịch và tu luyện tâm thức trong lòng từ và bi của Bồ đề Tâm. Đây là lúc tránh xa những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực. Khi một cây thuốc quý151 vẫn còn là một cây non chưa tới lúc thu hoạch, thì đó là lúc phải bảo vệ nó.

Vì những lý do này, thật là khó khăn để thực sự bố thí Pháp cho người khác. Thuyết giảng một giáo lý cho người khác mà bản thân chưa từng có kinh nghiệm về giáo pháp đó thì sẽ chẳng giúp được gì cho họ. Đối với việc góp nhặt những phẩm vật cúng dường và tài sản bằng việc giảng Pháp, Ngài Padampa Sangye gọi đó là “sử dụng Pháp như món hàng để làm giàu.”

Trừ phi bạn đã vượt qua niềm ước muốn bất kỳ điều gì cho chính bản thân mình, còn thì sẽ chẳng tốt lành gì hơn khi vội vã lao vào những hoạt động vị tha. Thay vào đó, hãy cầu nguyện rằng tâm thức của những tinh linh có thiện căn có thể được giải thoát khi nghe bạn cầu nguyện, trì tụng thần chú hay tụng đọc kinh điển. Hãy suy xét kỹ lưỡng điều đó để có thể tụng những bài nguyện bố thí Pháp được tìm thấy ở phần cuối của các bản văn nghi thức torma nước hay cúng dường thân,152 chẳng hạn như:

Hãy từ bỏ điều xấu
Năng làm các hạnh lành.
Thường làm chủ tâm mình.
Đây là lời Phật dạy.

Khi những tham dục ích kỷ của bản thân bạn đã cạn kiệt, thì sẽ tới lúc để bạn hoàn toàn dâng hiến bản thân cho người khác, không chút bận tâm về sự an toàn và hạnh phúc của riêng mình và không lơi lỏng nỗ lực của bạn dù chỉ trong giây lát.

2.1.3 Bố thí sự che chở khỏi sợ hãi (Vô Uý thí)

Điều này có nghĩa là thực sự làm bất kỳ điều gì bạn có thể làm được để giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Chẳng hạn, vô úy thí bao gồm việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người không có bất kỳ nơi nào an toàn, ban tặng sự che chở cho những người không có bất kỳ sự che chở nào, và đến với những người không có ai làm bạn đồng hành. Vô uý thí đặc biệt đề cập tới những hành động như cấm săn bắn và đánh bắt cá bất kỳ nơi nào bạn có khả năng làm việc đó, hoặc mua lại những con cừu đang bị mang đi làm thịt, và cứu mạng những con cá, những con sâu, ruồi muỗi và những sinh vật sắp chết khác. Bởi Đức Phật đã dạy rằng trong tất cả những hành vi tương đối tốt, cứu mạng sống của chúng sinh là điều tốt đẹp nhất.

Việc đồng loạt thực hiện những loại bố thí khác nhau tạo thành một giới nguyện quan trọng nhất của các giới nguyện của Mật Thừa. Trong Những Giới nguyện của Ngũ Bộ Phật có nói:

Như mật nguyện của Bảo Sanh Bộ,
Hãy luôn thực hành bốn loại bố thí.

2.2 TRÌ GIỚI SIÊU VIỆT (Giới ba-la-mật)

Trì Giới siêu việt bao gồm việc tránh làm những hành vi bất thiện, quyết làm điều thiện, và đem lại lợi ích cho người khác.

2.2.1 Tránh những hành động bất thiện

Điều này có nghĩa là loại bỏ như loại bỏ thuốc độc tất cả muời ác nghiệp của thân, khẩu và ý là những gì không nhắm tới lợi ích cho người khác.153

2.2.2 Quyết làm việc thiện Điều này có nghĩa luôn tạo ra càng nhiều càng tốt những hạt nhân tốt lành cho tương lai bằng cách luôn làm bất kỳ thiện hạnh nào khi bạn có thể làm, bất luận chúng có vẻ tầm thường vô nghĩa tới đâu chăng nữa.

Như tục ngữ bình dân có nói: “Thiện hạnh chỉ xảy ra khi miệng và tay ta được giải phóng, còn ác hạnh xảy ra khi ta ngồi một chỗ hay đi lòng vòng.” Chỉ bằng cách luôn luôn kiểm soát tâm ta bằng chánh niệm, tỉnh giác, bằng sự chú tâm cao độ, và bằng nỗ lực làm điều thiện, tự chế không làm điều ác, là bạn có thể tránh không mắc phạm nhiều ác hạnh trầm trọng – ngay cả khi bạn đang thuần túy mua vui cho chính mình.

Làm những ác hạnh nhỏ bé nhất,
Vì tin rằng chúng không thể tác hại:
Nhưng ngay cả một tàn lửa nhỏ
Có thể đốt cháy một núi rơm.

Hãy luôn luôn đưa lời khuyên này vào thực hành, áp dụngï chánh niệm và tỉnh giác liên tục, và cuối cùng bạn sẽ tích lũy được một khối lượng không thể tưởng tượng những thiện hạnh trong tiến trình sinh hoạt hàng ngày của bạn. Việc hoàn toàn tỏ lòng tôn kính khi đi ngang qua một đống đá mani bằng cách giởû nón và nhiễu quanh đó theo chiều kim đồng hồ, và ứng dụng ba phương pháp tối cao, những điều này có thể đưa dẫn ta tới Toàn Giác chứ không còn gì phải nghi ngại. Có câu nói rằng:

Không làm những thiện hạnh nhỏ bé nhất,
Vì tin rằng chúng khó giúp ích được ai:
Nhưng từng giọt nước rơi
Sớm hay muộn cũng làm đầy một hồ lớn.

Có câu chuyện về một con heo bị con chó rượt chạy quanh một bảo tháp, và câu chuyện khác về bảy con sâu bướm rơi khỏi chiếc lá xuống một con suối và được dòng nước dẫn trôi quanh tháp: rốt cuộc những sự kiện như thế đủ để đưa những chúng sinh đó đi tới giải thoát.

Vì thế hãy luôn từ bỏ hành vi ác hại nhỏ bé nhất; hãy làm bất kỳ điều thiện nào bạn có thể làm và hồi hướng tất cả công đức cho lợi lạc của chúng sinh. Điều này bao gồm tất cả mọi giới luật của Bồ Tát nguyện.

2.2.3 Đem lại lợi lạc cho người khác

Như chúng ta đã thấy, khi bạn hoàn toàn thoát khỏi lòng ham muốn bất kỳ điều gì cho bản thân thì sẽ tới lúc để bạn trực tiếp làm việc vì lợi ích của người khác, sử dụng bốn cách nhiếp phục người khác (tứ nhiếp pháp). Nhưng là một kẻ sơ cơ, cách đem lại lợi ích cho người khác là hồi hướng mọi công phu thực hành của bạn trong khi thực hiện các thiện hạnh và tránh làm những ác hạnh cũng vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Tất cả những điều này được thực hiện bằng cách áp dụng ba phương pháp tối cao.

2.3 NHẪN NHỤC SIÊU VIỆT (Nhẫn ba-la-mật)

Nhẫn nhục bao gồm ba phương diện: nhẫn nhục khi gặp bất công, nhẫn nhục chịu đựng những gian khổ vì Giáo Pháp, và nhẫn nhục đối mặt với chân lý sâu xa với tâm vô úy.

2.3.1 Nhẫn nhục khi gặp bất công

Loại nhẫn nhục này nên áp dụng bất cứ khi nào bạn bị tấn công, mất trộm hay thất bại, bị sỉ nhục vào mặt hay nói xấu sau lưng. Thay vì khó chịu và phản ứng một cách giận dữ thì bạn nên đáp lại một cách tốt lành với lòng từ và bi. Nếu mất kiên nhẫn và chịu thua cơn giận dữ, thì dù chỉ một lóe nhỏ thịnh nộ nổi lên là có thể hủy hoại hết các quả lành của những thiện hạnh mà bạn đã tích lũy trên một ngàn kiếp, như đã được đề cập trong Nhập Bồ Tát Hạnh:

Thiện hạnh tích lũy trong một ngàn kiếp,
Chẳng hạn hạnh bố thí,
Hay cúng dường các bậc đã chứng đại lạc:
Chỉ một tia giận dữ loé lên là thiện hạnh bị thiêu huỷ. 154

Ngoài ra:

Không xấu ác nào như sân hận,
Không khổ hạnh nào sánh được nhẫn nhục.155
Vì thế, hãy tắm mình trong nhẫn nhục -
Bằng mọi cách với lòng nhiệt thành khẩn thiết.

Hãy nhớ tới những tật bệnh mà sân hận mang lại, hãy nỗ lực vun bồi nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh. Ngài Padampa Sangye nói:

Thù ghét kẻ địch là một mê lầm gây ra bởi nghiệp. Hãy chuyển hóa tư tưởng xấu xa của quý vị, hỡi dân chúng xứ Tingri!

Và Ngài Atisa nói:

Không nên tức giận những người làm hại bạn.
Nếu nổi giận với những người làm hại mình,
Thì khi nào bạn mới trau dồi được nhẫn nhục?

Bất cứ khi nào có ai làm hại bạn, lăng mạ hay buộc tội bạn một cách sai lầm, nếu bạn không bị mất bình tĩnh hay để tâm thù hằn người đó, thì kết quả là nhiều ác hạnh và chướng ngại trong quá khứ của bạn sẽ vơi cạn. Nhờ phát triển tánh nhẫn nhục trong những tình huống như thế, bạn có thể tích lũy được rất nhiều công đức. Vì thế hãy coi những người đã đối xử bất công với bạn như những vị thầy của mình. Có câu nói rằng:

Nếu không có người làm bạn nổi sân, thì bạn có thể trau dồi hạnh nhẫn nhục với ai?

Ngày nay, chúng ta thường nghe nói rằng một người nào đó là một Lạt Ma hay một vị tăng sĩ chân chính nhưng lại có một tính khí kém tệ. Nhưng trong thế gian không có điều gì tệ hại hơn sân hận – vì thế làm sao có thể có người rất tốt đồng thời lại có một tính khí kém tệ? Ngài Padampa Sangye nói:

Bạn không biết rằng một hành động phát sinh từ sân hận dù trong khoảnh khắc thì còn tệ hại hơn một trăm hành vi phát sinh từ tham dục.

Nếu thực sự thấm nhuần giáo lý một cách đúng đắn, thì mọi việc bạn làm, nói, và suy nghĩ phải mềm mại như bước chân trên vải len và dịu nhẹ như súp tsampa hoà với bơ. Nhưng rất có thể việc bạn có thể nhẫn nhục trở thành một điều nghịch, và việc thực hành đức hạnh nhỏ bé nhất mà bạn làm được, hoặc giới nguyện mà bạn giữ được, sẽ khiến bạn cảm thấy rất hài lòng với chính mình và bạn sẽ thổi phồng bạn lên với lòng kiêu hãnh. Hoặc mỗi khi có ai nói với bạn chỉ một lời nhưng bạn lại cực kỳ nhạy cảm với cách họ nói lên lời đó, và bạn lại giận sôi lên bất kỳ lúc nào bạn nghĩ mình đang bị nhục mạ hay chỉ trích. Tánh khí tự ái đó là một dấu hiệu cho thấy tâm bạn và Pháp đi theo hai con đường riêng rẽ và Giáo Pháp hoàn toàn không chuyển hoá được tâm bạn. Geshe Chengawa nói:

Khi chúng ta học tập, quán chiếu và thiền định, nếu bản
ngã của chúng ta phát triển ngày càng lớn hơn, sự nhẫn
nại của ta trở nên còn mỏng manh hơn cả da non của
một đứa trẻ, và chúng ta cảm thấy dễ cáu kỉnh thậm chí
còn hơn cả quỷ Tsang Tsen, thì đây chắc chắn là những
dấu hiệu cho thấy công phu học tập, thiền định và quán
chiếu của chúng ta đã đi sai hướng.

Hãy luôn luôn khiêm tốn, ăn mặc giản dị, và đối xử tôn kính với mọi người dù họ tốt, xấu hay tầm thường. Hãy điều phục tâm bạn bằng Giáo Pháp, lấy từ và bi của Bồ Đề Tâm làm nền tảng của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là điểm tối trọng yếu của tất cả con đường tu tập, còn tốt lành gấp ngàn lần những cái thấy “tối thượng” hay những loại thiền định “sâu xa nhất” mà chẳng làm được điều gì tốt đẹp cho tâm thức.

2.3.2 Nhẫn nhục chịu đựng những gian khổ vì Đạo Pháp (Pháp Nhẫn)

Vì lợi ích của việc thực hành Đạo Pháp, bạn nên quên đi cái nóng, lạnh và mọi khó khăn khác. Trong các Mật điển có nói:

Ngay cả phải đi qua hỏa ngục hay biển dao kiếm sắc nhọn, Hãy tìm cầu Giáo Pháp cho tới khi bạn tắt hơi.

Phái Kadampa cổ có bốn mục tiêu như sau:

Hãy đặt tâm của bạn trên Pháp,
Hãy đặt Pháp của bạn trên một cuộc đời khiêm tốn,
Hãy đặt cuộc đời khiêm tốn của bạn trên sự suy nghiệm
về cái chết,
Hãy đặt cái chết của bạn trên một lỗ hang trống không,
trơ trụi.

Ngày nay, song song với những hoạt động thế gian, chúng ta nghĩ là mình có thể thực hành Giáo Pháp mà chẳng cần chút xíu quyết tâm hay kinh nghiệm gian khó nào, tiếp tục hưởng thụï tiện nghi, sự trọng vọng và hạnh phúc. “Những người khác có thể thực hiện được điều đó,” chúng ta kỳ kèo như vậy, và nói một cách thán phục rằng “Đó là một Lạt Ma xuất sắc, Ngài biết cách kết hợp Giáo Pháp và đời sống thế gian.”

Nhưng làm sao có thể có một cách thức kết hợp chặt chẽ Giáo Pháp với đời sống thế gian? Những người tuyên bố là mình đang làm điều đó có thể đang trải qua một cuộc sống thế gian tốt đẹp, nhưng bạn có thể tin chắc rằng hiện tại họ đangï không thực hành Giáo Pháp thuần tịnh. Tuyên bố rằng bạn có thể vừa thực hành Giáo Pháp và vừa sống cuộc sống thế gian cùng một lúc thì cũng giống như nói bạn có thể may vá bằng một cây kim có hai mũi, đặt lửa và nước vào chung một bình chứa, hay cưỡi hai con ngựa ở hai hướng khác nhau. Tất cả những điều này hoàn toàn không thể thực hiện được.

Đã có một người bình thường nào vượt trội hơn đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa? Ngay cả chính Ngài cũng không tìm ra cách thức để thực hành Giáo Pháp và sống cuộc sống thế tục song hành với nhau. Thay vào đó, Ngài bỏ lại vương quốc sau lưng giống như nhổ bãi nước bọt, và đến sống ở bờ Sông Ni Liên Thiền (Nairanjana), ở đó Ngài tu tập khổ hạnh trong sáu năm, chỉ tự nuôi sống bằng một giọt nước và một hột lúa mạch mỗi năm.

Còn về Ngài Jetsun Milarepa? Trong lúc tu tập, Ngài không có thực phẩm lẫn y phục. Ngài chẳng có gì để ăn ngoài rau tầm ma, và toàn thân Ngài trở nên như bộ xương phủ một lớp lông xanh lợt. Ai nhìn thấy Ngài cũng đều không hiểu Ngài là người hay là quỷ. Việc Ngài thực hành tu tập Giáo Pháp tới mức độ đó, thật kiên cường, hoàn toàn vui lòng chấp nhận gian khổ, đã chứng minh một cách chắc chắn rằng không thể đồng thời theo đuổi Giáo Pháp lẫn đời sống thế gian cùng một lúc. Không lẽ nào Ngài Milarepa đã quá tuyệt vọng đến nỗi không biết cách kết hợp tu tập và thế tục hay sao?

Đại thành tựu giả Melong Dorje đạt được thành tựu sau khi tu luyện trong chín năm, không có gì để ăn ngoài vỏ cây lakhe. Ngài Longchen Rabjam, Pháp Vương Toàn Trí của Giáo Pháp, chỉ sống bằng hai mươi mốt viên thủy ngân trong nhiều tháng.* Khi trời đổ tuyết, Ngài thường chui vào một bao vải thô nhám mà Ngài vừa dùng làm nệm vừa làm quần áo.

* Thuỷ ngân được dùng trong pháp tu bcud len (phápï trích chiết tinh chất). Độc chất của nó được làm trung hoà và người ta làm thành các viên thuốc. Các thiền giả sống bằng những viên thuốc này, không dùng tới thực phẩm thông thường.

Tất cả những bậc thành tựu giả trong quá khứ đạt được thành tựu chỉ bằng cách tu tập với quyết tâm, bằng lòng chấp nhận tất cả gian khổ, vứt bỏ mọi hoạt động thế gian. Không một ai trong các Ngài đạt được giác ngộ bằng cách thực hành Pháp song song với những hoạt động thông thường của đời sống hàng ngày, hưởng thụ tiện nghi, hạnh phúc và danh vọng. Ngài Rigdzin Jigmed Lingpa nói:

Khi bạn gầy dựng cho mình một chỗ ở tiện nghi, thực phẩm dồi dào, áo quần ấm cúng và có một đại thí chủ quảng đại, thì bạn đã hoàn toàn nuôi dưỡng quỷ ma thậm chí còn trước cả việc bắt đầu trau dồi Giáo Pháp.

Ngài Geshe Shawopa nói:

Để tu tập Pháp với lòng chân thành thì tham vọng trong đời sống của bạn phải cùng kiệt. Vào lúc cuối của một cuộc đời nghèo túng, bạn phải biết cách đối phó với cái chết của mình. Nếu bạn có thái độ này, bạn có thể đoan chắc rằng không có vị trời, ma quỷ hay con người nào còn có thể gây ra những khó khăn cho bạn.

Ngài Jetsun Milarepa đã từng hát:

Không ai hỏi thăm nếu tôi bệnh;
Không ai than khóc khi tôi chết:
Chết cô độc ở đây trong chốn ẩn tu này
Là tất cả những gì một yogi (hành giả du già) mong ước.

Không một dấu chân ngoài cửa thất,
Không dấu vết thịt thà bên trong:
Chết cô độc ở đây trong chốn ẩn tu này
Là tất cả những gì một yogi mong ước.

Không ai tự hỏi tôi đã đi đâu,
Chẳng có nơi chốn riêng biệt nào để đi.
Chết cô độc ở đây trong chốn ẩn tu này
Là tất cả những gì một yogi mong ước.

Thân xác tôi có thể thối rữa và bị côn trùng ăn thịt,
Xương cốt tôi bị ruồi nhặng rút rỉa;
Chết cô độc ở đây trong chốn ẩn tu này
Là tất cả những gì một yogi mong ước.

Do đó, điều tối quan trọng là xem thường mọi ham muốn của đời sống thế tục và tu tập bất chấp nóng, lạnh hoặc bất kỳ những khó khăn nào khác.

2.3.3 Nhẫn nại đối mặt chân lý sâu xa với tâm vô uý

Bạn nên cố gắng thọ nhận các giáo lý về trạng thái như nhiên của tánh Không sâu xa, hay đặc biệt hơn, giáo lý trọng yếu của Đại Viên Mãn Như Nhiên siêu việt mọi hoạt động và mọi nỗ lực, hay giáo lý Mười Hai Tiếng Cười Kim Cương siêu việt về nhân quả của các thiện hạnh và ác hạnh, hoặc giáo lý Tám Bài Kệ Vĩ Đại Tuyệt Vời... Hãy cố gắng lãnh hội chân nghĩa của những giáo lý này mà không phát sinh tà kiến.

Có tà kiến hay chỉ trích những giáo lý này là điều được gọi là “ác hạnh xoay lưng lại với Giáo Pháp.” Làm như vậy, ta có thể bị đọa xuống đáy sâu của địa ngục trong vô lượng kiếp. Như một bản văn sám hối có ghi:

Con luôn sám hối vì đã phạm một hành vi thậm chí còn nguy hại Hơn cả năm hành vi bị quả báo tức thời: đó là việc từ bỏ Giáo Pháp.

Một ngày nọ, hai vị tăng Ấn Độ có mười hai phẩm tính của công phu tu tập chân chính tự đến trình diện trước Ngài Atisa. Khi Atisa giảng cho họ rằng bản ngã là không có sự hiện hữu nội tại [không có tự tánh], họ đều hài lòng.

Nhưng khi Ngài giảng rằng các hiện tượng cũng không có hiện hữu nội tại156 [không có tự tánh] thì họ kêu lên: “Thật kinh khủng! Đừng nói những điều như thế!” và khi Ngài đọc Tâm Kinh, họ bịt chặt tai lại.

Ngài Atisa buồn bã nói với họ: “Trừ phi các ông tự tu tập bằng lòng từ và bi của Bồ đề Tâm và sau đó phát triển niềm xác tín về giáo lý sâu xa này, còn không thì chỉ với những giới nguyện thanh tịnh của các ông sẽ chẳng dẫn các ông tới đâu.”157

Vào thời của Đức Phật, có nhiều vị tăng vô cùng kiêu mạn, khi nghe Ngài giảng về tánh Không sâu xa đã ói máu ra mà chết, và bị đọa vào các địa ngục. Một số những chuyện khác đã kể lại những việc xảy ra tương tự.

Điều quan trọng là phải có một mối quan tâm chân thành và tôn kính nơi Giáo lý sâu xa và nơi những bậc thầy giảng dạy những giáo lý này. Cho dù những giới hạn của tâm thức bạn khiến bạn dửng dưng, nhưng tối thiểu bạn cũng đừng bao giờ phê bình những giáo lý đó.

2.4 TINH TẤN SIÊU VIỆT (Tinh tấn ba-la-mật)

Có ba loại tinh tấn: tinh tấn như áo giáp, tinh tấn trong hành động và tinh tấn không thể ngưng nghỉ.158

2.4.1 Tinh tấn như áo giáp

Khi bạn nghe những câu chuyện về cuộc đời của những bậc Thầy vĩ đại, về chư Phật và Bồ Tát, về những công hạnh các Ngài đã làm và những nỗi gian nan mà các Ngài đã trải qua vì Giáo Pháp, bạn đừng để bị thối chí. Đừng bao giờ nghĩ rằng các Ngài có thể thành tựu được tất cả những gì các Ngài làm chỉ vì các Ngài là những vị Phật và Bồ Tát, và bạn sẽ chẳng bao giờ làm được như vậy. Thay vào đó, hãy nhớ rằng, chỉ bằng cách hành động theo phương thức này mà tất cả các Ngài đã thành tựu như thế. Vì bạn là đệ tử của các Ngài, cho dù bạn không thể làm điều gì tốt hơn những gì các Ngài đã làm, bạn cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo dấu chân của các Ngài.

Nếu vô cùng gian khó và kiên trì lại là điều cần thiết với các Ngài như vậy, thì làm sao những điều như thế lại có thể không khẩn thiết với chúng ta, trong khi chúng ta không có được công phu tu tập liên tục từ vô thuỷ như các Ngài và hiện nay lại còn đang bị đè nặng bởi những ác nghiệp từ quá khứ?

Chúng ta có tất cả những điều kiện tự do và thuận lợi của kiếp hiện tại làm người. Chúng ta đã gặp được những vị Thầy tâm linh chân chính và đang thọ nhận những giáo huấn sâu xa. Giờ đây khi có được cơ hội này để thực hành chân pháp một cách đúng đắn, chúng ta phải hứa nguyện tự đáy lòng mình để thực hiện được như thế, và sẵn sàng chấp nhận những gian khổ, gánh vác những gánh nặng, và sẵn sàng hy sinh tính mạng mà không chút quan tâm đến máu thịt của chính mình. Điều đó được gọi là tinh tấn như áo giáp.*
* “Cốt tuỷ của tinh tấn là hoan hỷ trong khi làm các thiện hạnh.”NT
2.4.2 Tinh tấn trong hành động

Mỗi lúc có ý định học tập và thực hành Giáo Pháp, có thể bạn sẽ cứ trì hỗn việc đó tới ngày mai hay ngày mốt, ngày này qua ngày khác suốt cả đời bạn. Bạn không thể lãng phí cả một đời người chỉ toàn với những dự tính thực hành. Ngài Druk Pema Karpo nói:

Kiếp người giống như ở trong chuồng thú của kẻ đồ tể:
Cái chết đến gần trong từng giây phút.
Nếu bạn cứ chậm rãi trì hỗn hôm nay chờ qua ngày mai,
Thì coi chừng niềm ân hận và nước mắt sẽ đến với bạn
bên tử sàng!

Không nên chờ đợi một lúc nào khác để thực hành. Hãy làm điều gì đó để tu tập ngay lập tức, giống như một người nhát gan nhìn thấy con rắn trong vạt áo mình, hay một vũ nữ có mái tóc bị bén lửa. Hãy hoàn toàn từ bỏ những hoạt động thế gian và tự hiến dâng cho việc thực hành Pháp ngay bây giờ. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ tìm ra thời gian –hoạt động thế tục này sẽ tiếp theo sau bằng một hoạt động thế tục khác, sẽ bất tận, giống như những gợn sóng trên mặt nước. Chúng sẽ chỉ dừng lại khi bạn quyết định dứt khoát dập tắt chúng. Như Đấng Toàn Giác Longchenpa nói:

Những mối bận tâm thế gian không bao giờ chấm dứt cho tới khi ta chết. Nhưng chúng chấm dứt khi ta buông bỏ chúng – bản chất của chúng là như vậy.

Và:

Những hoạt động của chúng ta giống như trò chơi con nít. Chúng tiếp diễn chừng nào ta còn tiếp tục, chúng chấm dứt ngay khi ta ngừng chơi.

Một khi bạn cảm thấy muốn thực hành Giáo Pháp, đừng để sự lười biếng và trì hỗn làm chủ bạn dù chỉ trong khoảnh khắc. Hãy thực hành tu tập ngay lập tức, luôn thôi thúc với những quán chiếu suy niệm về lẽ vô thường. Điều đó gọi là tinh tấn trong hành động.

2.4.3 Tinh tấn không ngưng nghỉ

Không nên cảm thấy thỏa mãn khi chỉ mới thực hiện một khóa nhập thất nhỏ bé, hay thực hành được một vài pháp tu hay đạt được một vài thành tựu, tụng đọc được một ít bài cầu nguyện hay làm được một, hai việc tốt. Ngày nào mà bạn còn sống, hãy hứa nguyện thực hành pháp, và quyết định duy trì những nỗ lực của bạn với tất cả sức mạnh bền bỉ của một dòng sông lớn cho tới khi bạn đạt được Phật Quả viên mãn.

Những bậc siêu phàm trong quá khứ đã nói rằng ta phải thực hành giống như trâu yak đói đang ăn cỏ. Khi một con trâu yak giựt mạnh một bụi cỏ thì mắt nó đã bị gắn dính vào bụi kế tiếp. Cũng thế, trước khi bạn chấm dứt tu tập một Pháp nào, hãy tự nhủ rằng ngay sau khi bạn kết thúc tu tập pháp môn ấy, bạn sẽ bắt đầu một pháp môn mới.

Mỗi ngày hãy cố gắng miên mật tu tập càng lúc càng mãnh liệt; trong mọi lúc, không bao giờ để thân, khẩu và ý bạn rơi vào sự lười nhác hay xa lìa Pháp dù chỉ trong chốc lát. Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:

Khi càng tới gần cái chết mà càng thực hành Pháp một cách kiên định thì đó là dấu hiệu của một hành giả không bị nhiễm sương giá.*

* Sương giá, là thứ phá hoại vụ thu hoạch cây trái của ta, tượng trưng cho những chướng ngại ngăn cản chúng ta không đạt được mục đích.

Ngày nay, có những người nổi tiếng là đại thiền giả hay Lạt Ma xuất sắc, thường được nghe người ta nói: “Giờ đây Ngài không còn cần lễ lạy, tụng đọc những bài cầu nguyện, tích tập công đức và trí tuệ, hay cần tịnh hoá những chướng ngại và những thứ tương tự.”

Chẳng bao lâu, bản thân họ bắt đầu tin vào điều đó, và tự coi mình là người rất quan trọng, không còn cần tới việc tu tập này nữa. Nhưng, như Ngài Dagpo Rinpoche vô song nói:

Nghĩ rằng mình không cần những điều như vậy chứng tỏ rằng họ lại cần chúng hơn bao giờ hết.

Mỗi ngày, Đại Sư Ấn Độ Dipamkara** đều bắt tay vào việc nhào nặn các tsa-tsa. Chẳng mấy chốc tay Ngài dính đầy đất sét.

** Một danh hiệu khác của Ngài Atisa.

Những đệ tử của Ngài nói: “Người ta đang bàn tán vì một bậc thầy vĩ đại như Ngài mà tay lại dính bùn. Hơn nữa, bản thân Ngài đang mệt mỏi. Sao không để cho chúng con làm việc đó cho Ngài?”

Ngài Dipamkara nói: “Các ông nói gì? Các ông cũng sắp bắt đầu ăn dùm tôi phải không?”

Cho tới khi bạn đạt được Phật Quả viên mãn, bạn vẫn còn có những khuynh hướng và hành vi huân tập trong quá khứ cần loại bỏ, và vẫn còn cần đạt được càng lúc càng nhiều hơn những phẩm tính tâm linh. Vì thế không nên rơi vào biếng nhác và tu tập một cách lơ là. Hãy tinh tấn thực hành Giáo Pháp từ đáy lòng bạn, đừng bao giờ có cảm tưởng là mình đã thực hành đầy đủ rồi.

Nói chung, việc bạn có đạt được Phật quả hay không chỉ tùy thuộc vào hạnh tinh tấn của bạn. Vì thế, hãy sử dụng mọi nỗ lực để hành trì ba loại tinh tấn. Một người với trí thông minh ngoại hạng nhưng chỉ có một chút tinh tấn sẽ chỉ là một hành giả hạng thấp. Nhưng một người ít thông minh mà lại tinh tấn phi thường thì sẽ trở thành một hành giả thượng thừa. Không có chút tinh tấn nào thì mọi phẩm hạnh sẽ trở thành vô dụng. Đấng Toàn Giác Jigme Lingpa nói:

Không có sự thông minh hay năng lực,
Chẳng có của cải hay sức mạnh nào có thể giúp được
một người không chút tinh tấn –
Anh ta giống như một người chèo thuyền mà thuyền của anh
Có đủ mọi thứ trừ mái chèo.

Hãy luôn luôn điều độ trong việc ăn uống. Hãy ngủ nghỉ quân bình. Hãy miên mật, bền bỉ và liên tục. Hãy dụng tâm bạn như một dây cung tốt, không chùng quá mà cũng không căng quá. Nó sẽ giúp bạn thực hành tu tập thường xuyên.

2.5 THIỀN ĐỊNH SIÊU VIỆT (Định ba-la-mật)

Không thể phát triển thiền định nếu trước tiên không từ bỏ nhữngï kích động, từ bỏø những mối bận tâm làm ta sao lãng, và không sống ở nơi cô tịch. Vì thế vào lúc ban đầu, điều quan trọng là phải từ bỏ những xao lãng.

2.5.1 Từ bỏ những phóng dật

Bất cứ những gì tụ rồi cũng sẽ tán. Cha mẹ, anh em, vợ chồng, bạn bè và những mối liên hệ khác, thậm chí cả thịt, xương của thân thể mà ta đã nhận lúc sinh ra – tất cả sẽ đều đi tới chỗ ly tán. Hãy thấu suốt sự vô ích của việc bám luyến vào những người thân yêu và bằng hữu phù du, và hãy luôn luôn an trú trong cô tịch. Ngài Repa Shiwa O nói:

Phật Quả chỉ hiện diện trong chúng ta chứ không ở đâu khác. Mặc dù bằng hữu tâm linh hỗ trợ cho việc tu tập của chúng ta, Nhưng nếu có hơn ba hay bốn người họp lại thì họ sẽ đem tới tham luyến và sân hận.
Vì vậy tôi sẽ chỉ ở một mình.

Mong muốn cái này cái nọ là điều gây ra mọi phiền não cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ hài lòng với những gì mình có, và càng giàu có thì chúng ta lại càng tham lam hơn. Như tục ngữ có nói: “Đang giàu có nghĩa là đang nghèo túng.” Hoặc: “Giống như những người giàu, càng có nhiều thì càng cần nhiều,” và “Đánh mất kẻ thù, là đánh mất chính tài sản của bạn.” Bạn càng sở hữu nhiều nguồn lợi, tiền bạc và tài sản, thì bạn càng phải đối mặt với những nguy hiểm do kẻ thù, kẻ trộm và v.v.. gây ra. Bạn có thể tiêu phí cả cuộc đời bạn để thâu hoạch, bảo vệ và gia tăng tài sản của mình. Điều này chỉ dẫn tới đau khổ và những ác hạnh. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) siêu phàm đã nói:

Tích lũy, bảo vệ và phát triển của cải sẽ khiến bạn kiệt sức;
Hãy hiểu rằng giàu có
chỉ đem lại hư hoại và sự hủy diệt không cùng.

Cho dù một người sở hữu tất cả những của cải và tài sản trong thế gian, thì điều đó cũng chẳng làm thay đổi được sự thực là họ chỉ cần thực phẩm và y phục đủ dùng cho một người. Không chú ý tới những hành vi sai trái hay đau khổ, không biết tới mọi lời phẩm bình, họ bỏ thí cuộc đời hiện tại và ném bỏ những đời tương lai cho gió cuốn đi; đối với của cải vật chất tầm thường nhất, họ coi thường bất kỳ cảm giác xấu hổ, coi thường sự thẳng thắn trung thực, bỏ qua tất cả mọi tư tưởng khôn ngoan, thận trọng, bỏ qua mọi tôn kính Giáo Pháp hay mật nguyện của họ. Sử dụng tất cả thời gian có được, họ chạy theo thực phẩm, lợi nhuận và địa vị xã hội, giống như những tinh linh lang thang săn tìm các bánh cúng (torma); họ lãng phí toàn bộ cuộc đời họ mà chưa từng kinh nghiệm ngay cả một ngày giải thoát, an lành hay hạnh phúc. Cuối cùng, khi đã chất đống tất cả tài sản đó, họ có thể phải trả một giá rất đắt cho nó bằng cả cuộc đời họ và bị đâm hay bị bắn chết chỉ vì tiền bạc của họ. Rồi thì những gì họ đã một đời tích lũy lại bị kẻ thù và người khác tiêu xài. Tất cả là một sự lãng phí. Nhưng hàng đống những ác hạnh cao như Núi Tu Di mà họ tích luỹ để làm giàu thì vẫn còn dành riêng cho họ, và sẽ khiến cho họ phải lang thang trong đáy sâu của những cõi thấp, không bao giờ được tự do. Vì thế trong khi bạn vẫn còn cơ hội, hãy sử dụng một ít sở hữu mà bạn có thể có trong đời này để cung cấp cho những đời tương lai. Hãy bằng lòng với một lượng thực phẩm đạm bạc và quần áo đủ để tránh gió.

Những người mà tham vọng của họ bị giới hạn vào cuộc đời hiện tại, trong kinh văn gọi là “những người bạn ấu trĩ”. Họ không hề biết ơn đối với bất kỳ sự giúp đỡ nào mà bạn có thể dàn trải ra cho họ, và ngược lại còn có thể làm hại bạn. Bất kỳ những gì bạn làm cho họ đều không bao giờ đúng. Họ rất khó hài lòng. Nếu bạn có nhiều hơn họ, họ ganh tị; nếu bạn có ít hơn, họ khinh khi. Càng gần họ lâu thì những ác hạnh của bạn càng gia tăng và thiện hạnh suy yếu dần. Hãy từ bỏ những người bạn như vậy và hãy tránh họ thật xa.

Những nghề nghiệp như thương mại, nông nghiệp, kỹ nghệ và nghiên cứu thu hút bạn vào nhiều hoạt động, và cung cấp những nguồn xao lãng vô tận. Những theo đuổi tầm thường này làm bạn bận rộn thường xuyên vì những mục tiêu vụn vặt. Dù bạn có nỗ lực tới đâu chăng nữa, chẳng cái nào trong số đó có chút ý nghĩa nào. Trong tiến trình chiến thắng đối thủ và biệt đãi bạn bè, sẽ không bao giờ có được chấm dứt.

Hãy từ bỏ tất cả những hoạt động và những xao lãng vô cùng tận này, giống như nhổ nước bọt vào bãi rác. Hãy rời bỏ quê nhà của bạn và hướng về những vùng đất xa lạ. Hãy sống ở chân những vách đá với bạn đồng hành duy nhất là những thú hoang. Hãy an định thân và tâm bạn trong một trạng thái thư thản.159 Hãy chấm dứt tất cả mọi quan tâm tới thực phẩm, quần áo hay bất kỳ những gì người ta nói đến. Hãy trải cuộc đời của bạn ở chốn hoang vắng nơi không có một bóng người. Ngài Jetsun Milarepa nói:

Trong động đá ở nơi hoang dã
Nỗi buồn của con không sao khuây khoả.
Hỡi bậc Thầy của con, vị Phật trong ba thời,
Con mong tưởng Ngài không phút nào ngơi nghỉ.

Nếu bạn làm như Ngài đã làm, bạn sẽ nhận ra rằng, như tục ngữ nói: “Ở những nơi bạn cảm thấy cô độc, thiền định sẽ phát sinh.” Ở những nơi đó, ảo tưởng về luân hồi sẽ tan vỡ, quyết tâm tự giải thoát khỏi luân hồi, lòng tín tâm, tri giác thuần tịnh, thiền định và thể nhập, tất cả những phẩm tánh tốt đẹp của con đường đạo sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Hãy làm bất cứ những gì bạn có thể làm để sống một cuộc đời như vậy.

Trong những khu rừng hẻo lánh, là những nơi mà chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ đã tìm thấy sự an bình, không điều gì làm bạn bận rộn, không có những xao lãng, không có việc mua bán, không có những cánh đồng để làm việc, không có đám bạn bè ấu trĩ. Chim muông và hươu nai hoang dã dễ dàng kết bạn, nước suối và lá cây cung cấp thực phẩm khổ hạnh ngon lành. Giác tánh sẽ trở nên sáng tỏ một cách tự nhiên và thiền định tự động phát triển. Không kẻ thù, không bạn hữu, bạn có thể giải thoát khỏi những sợi dây xích của tham luyến và sân hận. Những nơi như vậy có đủ mọi thuận lợi. Trong Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh và những Kinh khác, Đức Phật nói rằng chỉ đơn thuần có ước muốn tới những chốn hoang vắng và đi bảy bước hướng về những nơi đó thì đáng giá hơn cả việc cúng dường tất cả mười phương chư Phật trong nhiều kiếp nhiều như cát sông Hằng. Và còn giá trị hơn nữa nếu bạn thực sự sống ở những nơi như vậy. Cũng có câu nói rằng:

Ở nơi hoàn toàn hẻo lánh, ẩn sâu trong những rặng núi,
Mọi việc người ta làm đều tốt lành.

Thậm chí không cần chút nỗ lực tinh tấn nào để thực hành, ở những nơi như vậy, ảo tưởng về sinh tử luân hồi sẽ tan vỡ, quyết tâm giải thoát khỏi luân hồi, lòng từ, bi và tất cả những phẩm tánh tuyệt hảo khác của đường tu sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Kết quả là toàn bộ cách sống của bạn trở nên lành mạnh. Lòng tham luyến, sân hận và tất cả những cảm xúc tiêu cực ở những nơi chốn sinh hoạt rộn ràng mà bạn đã cố gắng kiểm soát nhưng không có kết quả thì nay tự chúng sẽ suy giảm đi, chỉ vì giờ đây bạn đang sống trong cô tịch. Bạn sẽ dễ dàng phát triển tất cả những đức tánh của đường tu.

Những vấn đề này là những chuẩn bị sơ khởi cho thiền định, và là sự quan trọng sống còn, không thể bỏ qua.

2.5.2 Thiền định thực sự

Thiền định có ba loại: thiền định do những người bình thường thực hành, thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng (clearly discerning concentration), và thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai.

Thiền định do những người bình thường thực hành. Khi bạn chấp vào những kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng và vô niệm trong thiền định và cố tình tìm kiếm chúng, hoặc công phu thực hành của bạn bị bóp méo bởi lòng ham thích bất kỳ một kinh nghiệm nào, thì điều đó được gọi là thiền định được thực hành bởi những người bình thường.160

Thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng. Khi bạn thoát khỏi bất kỳ dính mắc nào về kinh nghiệm thiền định và không còn bị quyến rũ bởi thiền định nữa, nhưng vẫn bám lấy tánh Không như cách đối trị, điều đó được gọi là thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng.

Thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai. Khi bạn không còn bất cứ khái niệm nào về tánh Không như một cách đối trị nữa, mà an trụ trong một trạng thái thiền định phi khái niệm về chân tánh như thị, điều đó được gọi là thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai.

Bất cứ khi nào bạn thực hành thiền định, điều quan trọng là ngồi trong“tư thế bảy điểm của Tỳ Lô Giá Na (Vairocana)”161 với đôi mắt ngó ra xa trong một cách thức thích hợp. Có câu nói rằng:

Khi thân thẳng, các kinh mạch đều thẳng;
Khi kinh mạch thẳng, các năng lực đều thẳng;
Khi các năng lực thẳng thì tâm thức thẳng.162

Không nên nằm hay dựa vào bất cứ cái gì, mà hãy ngồi thẳng, tâm trí thoát khỏi bất kỳ niệm tưởng nào, và nghỉ ngơi thư thản trong trạng thái không bám chấp vào bất kỳ điều gì. Đó là cốt tủy của thiền định siêu việt.

2.6 TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT (Tuệ ba-la-mật)

Trí tuệ siêu việt có ba phương diện: trí tuệ hình thành nhờ lắng nghe, trí tuệ hình thành nhờ quán chiếu, và trí tuệ hình thành nhờ thiền định.

2.6.1 Trí tuệ nhờ lắng nghe Điều này có nghĩa là lắng nghe tất cả những ngôn từ và ý nghĩa của Pháp do một vị Thầy tâm linh nói ra, và hiểu được ý nghĩa của những ngôn từ đó khi chúng được nói ra.

2.6.2 Trí tuệ nhờ quán chiếu

Điều này có nghĩa là không chỉ lắng nghe những gì vị Thầy giảng dạy và hiểu được những lời dạy mà rồi sau đó phải xem xét lại trong tâm bạn và củng cố ý nghĩa của những lời dạy này qua công phu quán chiếu, khảo sát và phân tích, cũng như đặt câu hỏi về những điều bạn không thấu suốt. Nếu bạn tin rằng bạn hiểu biết hay thấu suốt một vài vấn đề đặc biệt nào đó thì điều này hoàn toàn không đủ. Bạn phải tuyệt đối đoan chắc rằng khi tới lúc để bạn tu tập ở nơi cô tịch, bạn sẽ có thể tự lo liệu cho mình mà không cần tham khảo bất kỳ người nào để hiểu rõ về một số vấn đề trong tu tập.

2.6.3 Trí tuệ nhờ thiền định

Nhờ thiền định, khi bạn trực nhận được kinh nghiệm của những gì trước đây bạn hiểu được bằng trí thông minh thì trạng thái chứng ngộ tâm thức bản nhiên sẽ phát triển một cách tự nhiên không chút sai lạc. Lòng xác quyết sẽ nảy sinh ra từ sâu thẳm bên trong bạn. Giải thoát khỏi những nghi ngờ và lưỡng lự đầy giới hạn, bạn thấy được chân tánh của trạng thái bản nhiên.

Trước tiên, khi đã diệt trừ mọi nghi ngờ qua lắng nghe và quán chiếu, bạn sẽ có những kinh nghiệm trực nhận qua thiền định, và thấy tất cả vạn pháp và tất cả mọi hình tướng chỉ là rỗng không huyễn ảo, chẳng có bất kỳ thực chất nào. Chẳng hạn như trong tám tỉ dụ về ảo giác:

Như trong một giấc mơ, tất cả những đối tượng bên ngoài đến từ cảm nhận của năm giác quan đều không hiện hữu; chúng xuất hiện từ sự mê lầm.

Như trong một màn biểu diễn ảo thuật, mọi thứ được « làm cho xảy ra » (giả hợp) nhưng tựu chung những màn ảo thuật này chỉ xuất hiện do sự kết hợp tạm thời của hoàn cảnh và các nhân duyên tương khởi.

Như trong một cái nhìn sai lạc, sự vật xuất hiện ở đó, nhưng lại không có gì.
Như trong một ảo ảnh, sự vật xuất hiện nhưng không có thực.
Như trong một tiếng vang, sự vật có thể được nhận biết nhưng không có gì ở đó, dù bên ngoài hay trong.
Như trong một thành phố của các gandharvas (thần hương ấm sống nhờ mùi hương), chẳng có nhà cũng không có người ở.
Như trong một phản chiếu, một vật xuất hiện, nhưng tự nó không thực có.
Như trong một thành phố được tạo bởi ma thuật, có đủ mọi thứ hình tướng nhưng chúng thực sự không có ở đó.

Nếu bạn nhìn tất cả mọi đối tượng nhận thức của bạn theo cách này, bạn sẽ hiểu được rằng tất cả những gì xuất hiện đều là hư ảo vì bản tánh đích thực của chúng (là tánh Không). Khi bạn nhìn vào chân tánh của cái « chủ thể » đã nhận ra đựơc những đối tượng này – tức là nhìn vào chính tâm của bạn – thì những đối tượng xuất hiện trong tâm của bạn sẽ không ngừng xuất hiện, nhưng những « khái niệm» cho rằng những đối tượng này thực sự hiện hữu, những khái niệm đó sẽ lắng xuống. Hãy để tâm an trụ trong cái nhận biết về chân tánh, rỗng rang nhưng sáng tỏ như bầu trời, đó chính là trí tuệ siêu việt.

Để giải thích thật chi tiết sáu pháp toàn thiện siêu việt (sáu ba la mật), mỗi một pháp toàn thiện được chia làm ba, tổng cộng là mười tám phần. Tự phạm trù bố thí vật chất có ba phần, cả thảy là hai mươi phần. Nếu chúng ta thêm vào phương tiện siêu việt, thành hai mươi mốt phần; năng lực siêu việt, thành hai mươi hai; ước nguyện siêu việt, thành hai mươi ba và trí tuệ nguyên sơ siêu việt, thành hai mươi bốn.163

Đi sâu vào từng chi tiết, mỗi một pháp toàn thiện siêu việt (ba la mật) được chia làm sáu, làm thành ba mươi sáu phần. Chúng ta có thể thấy được điều này xảy ra như thế nào bằng cách khảo sát về phần bố thí Pháp (Pháp thí) thuộc bố thí ba la mật.

Khi vị Thầy giảng dạy, Giáo Pháp được giảng dạy và những đệ tử được truyền dạy giáo lý này tập hợp lại cùng một lúc, thì việc giảng dạy giáo lý là bố thí siêu việt. Việc vị Thầy giảng dạy không tìm kiếm lợi lộc hoặc thanh danh trong việc giảng Pháp, và không làm ô nhiễm điều Ngài đang dạy bằng cách tự thổi phồng mình lên (do bực bội với địa vị của những người khác), hay bằng bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác, thì đây chính là trì giới siêu việt. Việc vị Thầy lập đi lập lại ý nghĩa của một lời giảng và không quan tâm tới những khó khăn và mệt nhọc chính là nhẫn nhục siêu việt. Việc vị Thầy giảng dạy đúng giờ đã định, không lười biếng giải đãi hay trì hỗn chính là tinh tấn siêu việt. Việc vị Thầy thuyết giảng chủ đề đang giảng mà không cho phép tâm xao lãng xa rời ngôn từ và ý nghĩa của chủ đề, không tạo ra bất kỳ sai sót nào và không thêm thắt hay bỏ sót bất kỳ điều gì, đó là thiền định siêu việt. Trong khi giảng dạy, vị Thầy an trụ, thấm đẫm trí tuệ, thoát khỏi tất cả mọi khái niệm về chủ thể, đối tượng, và hành động, đây chính là trí tuệ siêu việt. Vì thế tất cả các ba la mật hay các pháp toàn thiện siêu việt đều hiện diện đầy đủ.

Bây giờ hãy nhìn vào việc bố thí vật chất – ví dụ bố thí thực phẩm hay thức uống cho một hành khất. Khi vật cho, người cho và người nhận tất cả cùng hội hợp lại và hành động bố thí xảy ra, đó chính là bố thí. Việc đem cho thức ăn hay đồ uống của chính bạn, chứ không cho thực phẩm dở hay hư thối chính là trì giới. Việc không bao giờ nổi giận ngay cả khi bị hỏi
xin liên tục, đó là nhẫn nhục. Việc sẵn sàng bố thí, không bao giờ nghĩ tưởng tới sự mệt nhọc hay khó khăn ra sao, là tinh tấn. Việc không để bản thân bạn bị xao lãng bởi những niệm tưởng khác, đó là thiền định. Việc biết được ba yếu tố chủ thể, đối tượng và hành động không có thực tánh là trí tuệ. Một lần nữa ở đây cũng bao gồm sáu hoàn thiện siêu việt. Những phân chia tương tự cũng được định rõ cho giới luật, nhẫn nhục, và v.v..

Khi tóm tắt tinh tuý của nhữngï pháp toàn thiện siêu việt, Ngài Jetsun Milarepa nói:

Hoàn toàn từ bỏ niềm tin chấp «có»
Không có bố thí nào hơn được điều này.
Hoàn toàn từ bỏ mọi thủ đoạn và xảo trá,
Không giới luật nào hơn được điều này.
Hoàn toàn vượt lên mọi sợ hãi về chân nghĩa,
Không có nhẫn nhục nào hơn được điều này.
Hoàn toàn an trú không tách biệt với thực hành,
Không có tinh tấn nào hơn được điều này.
Hoàn toàn an trụ trong dòng chảy tự nhiên,
Không thiền định nào hơn được điều này.
Hoàn toàn chứng ngộ trạng thái bản nhiên,
Không trí tuệ nào hơn được điều này.
Hoàn toàn thực hành Giáo Pháp trong mọi việc làm,
Không phương tiện nào hơn được điều này.
Hoàn toàn chiến thắng bốn quỷ ma,
Không có sức mạnh nào hơn được điều này.
Hoàn toàn thành tựu mục đích (vun bồi hai bồphước huệ),
Không có nguyện ước nào cao xa hơn điều này.
Nhận biết nguồn gốc thật sự của những cảm xúc ô nhiễm,
Không có trí tuệ nguyên sơ nào hơn được điều này.

Có lần khi Khu, Ngok, và Drom* hỏi Ngài Atisa điều nào là tốt nhất trong tất cả các yếu tố của đường tu, Ngài trả lời:
* Ba đệ tử chính của Ngài Atisa (xem Thuật ngữ).
Học giả lỗi lạc nhất là người trực hiểu rằng chẳng có gì thực sự hiện hữu.
Tu sĩ xuất sắc nhất là người đã điều phục được tâm mình.
Phẩm tánh tốt nhất là lòng khát khao vĩ đại làm lợi lạc cho người khác.
Giáo huấn tuyệt diệu nhất là luôn quán sát tâm.
Phương thuốc hay nhất là hiểu rằng không sự vật nào có tự tánh.
Cách sống lý tưởng nhất là cách sống không hợp với phương cách thế gian. Thành tựu tốt đẹp nhất là những cảm xúc tiêu cực từ từ giảm thiểu.
Dấu hiệu tốt lành nhất của công phu tu tập là những ham muốn từ từ giảm thiểu.
Bố thí tốt nhất là không vướng mắc.
Trì giới tốt nhất là làm an bình tâm thức.
Nhẫn nhục tốt nhất là giữ một vị trí khiêm tốn.
Tinh tấn tốt nhất là từ bỏ mọi hoạt động.
Thiền định hoàn hảo nhất là tâm không biến đổi.164
Trí tuệ tuyệt vời nhất là hoàn toàn không coi bất kỳ điều gì thực sự hiện hữu.

Và Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:

Bố thí siêu việt được tìm thấy ở sự hài lòng,
Tinh túy của bố thí là hoàn toàn buông bỏ.
Giới luật là không làm phật lòng Tam Bảo.165
Nhẫn nhục tốt nhất là chánh niệm và tỉnh giác không bao giờ vơi cạn.
Tinh tấn rất cần thiết để duy trì tất cả các pháp toàn thiện siêu việt khác.
Thiền định là để kinh nghiệm rằng tất cả mọi hình tướng mà ta bám chấp vào đều chính là các vị Bổn Tôn.166
Trí tuệ là tự giải thoát khỏi đắm nhiễm và bám chấp.
Trong đó không có việc suy nghĩ và người nghĩ tưởng.
Đây không phải là tầm thường.
Đây là thoát khỏi những xác tín chết cứng.167
Đây là siêu vượt đau khổ.
Đây là an bình tối thượng.
Không nên tiết lộ điều này cho mọi người –
Hãy thành kín giữ gìn trong tâm của chính bạn.

Để đúc kết toàn bộ con đường bao la của giáo lý Bồ Tát, bao gồm sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật), thì toàn bộ con đường này có thể được trình bày một cách cô đọng là “tánh Không mà cốt tuỷ đích thực chính là lòng từ bi.” Ngài Saraha có nói trong các Doha (đạo ca) của Ngài:

Không có lòng từ bi, thì cái thấy của tánh Không
Sẽ không bao giờ dẫn bạn tới được con đường siêu phàm.
Nhưng chỉ thiền định duy nhất về lòng từ bi, bạn sẽ vẫn kẹt trong luân hồi sinh tử.
Vậy thì làm sao có thể giải thoát được?
Người có đủ cả hai điều này (lòng từ bi và tánh Không)
Sẽ không ở trong sinh tử mà cũng chẳng trụ ở Niết bàn.

Không trụ trong luân hồi lẫn Niết bàn là “Niết Bàn vô-trụ” của Phật Quả viên mãn. Như Đức Long Thọ đã nói:

Tinh tuý đích thật của tánh Không là lòng từ bi
Chỉ dành cho những người cầu tìm giác ngộ.

Có lần, Drom Tonpa hỏi Ngài Atisa trong tất cả các giáo lý, cái nào là tuyệt hảo nhất.

“Trong tất cả các giáo lý, giáo lý tuyệt hảo nhất là tánh Không mà lòng từ bi lại chính là cốt tuỷ của tánh Không ấy,” vị Thầy trả lời. “Nó giống như một loại thuốc cực mạnh, một loại thuốc trị bá bệnh, một loại thuốc có thể chữa lành mọi bệnh tật trên thế gian. Và cũng giống như loại thuốc chữa bá bệnh đó, việc nhận ra chân lý của tánh Không, bản tánh của thực tại, là phương thuốc cho tất cả những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực khác nhau.”

Drom Tonpa tiếp tục: “Như vậy thì tại sao rất nhiều người tuyên bố rằng mình đã chứng ngộ tánh Không nhưng họ vẫn không bớt được tham luyến và sân hận?”

“Đó là bởi sự chứng ngộ của họ chỉ là ngôn từ,” Ngài Atisa trả lời. “Nếu họ thực sự nắm được chân nghĩa của tánh Không, thì tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của họ phải mềm mại như bước đi trên thảm len hay như súp tsampa được trộn bơ. Đạo sư Aryadeva nói rằng ngay cả việc tự hỏi mọi sự có rỗng rang hay không cũng sẽ làm luân hồi tan rã.168 Do đó,ï thực sự chứng ngộ tánh Không là phương thuốc tối hảo trị bá bệnh bao gồm mọi yếu tố của con đường tu.”

“Làm sao tất cả mọi yếu tố của con đường tu lại có thể được bao gồm trong sự chứng ngộ tánh Không?” Drom Tonpa hỏi.

“Tất cả mọi yếu tố của con đường tu đều được chứa đựng trong sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật). Vì vậy nếu ông thực sự chứng ngộ tánh Không, ông sẽ tự giải thoát khỏi những tham luyến. Khi ông không cảm thấy khao khát, bám chấp hay ham muốn bất kỳ điều gì, dù bên trong hay bên ngoài, ông sẽ luôn có bố thí siêu việt. Giải thoát khỏi bám chấp và tham luyến, ông không còn bị ô nhiễm bởi những việc làm bất thiện nên ông luôn có trì giới siêu việt. Không có bất cứ khái niệm về “tôi” và “của tôi,” ông không còn sân hận, vì thế ông luôn có nhẫn nhục siêu việt. Nhờ chứng ngộ tánh Không, tâm ông thực sự hoan hỷ nên ông luôn có tinh tấn siêu việt. Thoát khỏi những phóng dật xao lãng xuất phát từ việc bám chấp cho rằng mọi vật là thường hằng bền vững, nên ông luôn có thiền định siêu việt. Khi ông không khái niệm hóa bất kỳ việc gì trong các phạm vi chủ thể, đối tượng và hành động, ông luôn có trí tuệ bát nhã siêu việt.”

“Có phải những người đã chứng ngộ chân lý đều thành Phật chỉ nhờ thấy được tánh Không và nhờ thiền định hay không?” Drom Tonpa hỏi.

“Trong tất cả những gì chúng ta thấy biết chẳng hạn như hình tướng và âm thanh, thì không gì không xuất hiện từ tâm. Nhận ra rằng tâm là sự tỉnh giác bất khả phân với tánh Không, đây chính là cái Thấy (kiến). Luôn luôn trì giữ nhận thức này trong tâm và không bao giờ xao lãng cái thấy ấy chính là thiền. Thực hành hai tích tập (vun bồi phước huệ) không khác chi thực hành một việc huyễn hóa trong trạng thái của cái thấy, đó là hành. Nếu ông có một kinh nghiệm sống động về việc thực hành này, kinh nghiệm đó sẽ tương tục trong các giấc mộng của ông. Nếu kinh nghiệm đóù đi vào trạng thái mộng, kinh nghiệm đó sẽ đến vào lúc chết. Nếu kinh nghiệm đó hiện diện trong trạng thái trung ấm, ông có thể chắc chắn rằng ông sẽ đạt được thành tựu tột bực nhất.”

Như thế tám mươi bốn ngàn cánh cửa dẫn tới Giáo Pháp mà Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy là tất cả những phương tiện thiện xảo để phát khởi Bồ Đề Tâm – là tánh Không mà cốt tủy đích thật của tánh Không chính là lòng bi mẫn.

Không có Bồ Đề Tâm, giáo lý về cái thấy và thiền định dù có vẻ uyên thâm tới đâu chăng nữa cũng sẽ không lợi ích chút nào để đạt được Phật Quả viên mãn. Những pháp tu của Kim Cương Thừa như giai đoạn phát triển, giai đoạn thành tựu v.v., được thực hành trong phạm vi của Bồ Đề Tâm, sẽ dẫn đến Phật Quả viên mãn chỉ trong một đời. Nhưng nếu không có Bồ Đề Tâm thì chúng chẳng khác với những pháp môn của các tirthika. Những người tirthika cũng có nhiều thực hành liên quan tới thiền định về các Bổn Tôn, tụng niệm các thần chú và tu tập sử dụng các kinh mạch và năng lực; họ cũng hành xử phù hợp với luật nhân quả. Nhưng chỉ vì họ không quy y và khơi dậy Bồ Đề Tâm nên họ không thể giải thoát khỏi các cõi luân hồi. Đó là lý do tại sao Ngài Geshe Kharak Gomchung nói:

Chẳng ích lợi gì khi thọ mọi giới nguyện, từ giới nguyện quy y cho tới những mật nguyện của Kim Cương thừa, trừ phi bạn chuyển tâm ra khỏi những sự việc của thế gian.
Chẳng ích lợi gì khi cứ liên tục thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác, trừ phi bạn an định được tánh ngã mạn (tự phụ) của riêng mình.
Chẳng ích lợi gì để thăng tiến trong tu tập nếu cuối cùng bạn từ bỏ những giới luật quy y.
Chẳng ích lợi gì khi thực hành cả ngày lẫn đêm trừ phi bạn kết hợp công phu tu tập với tâm Bồ Đề.

Trước tiên, nếu bạn không tạo được một nền tảng đúng đắn để có thể quy y và nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm, thì cho dù bạn có tỏ ra học tập, quán chiếu và thiền định mãnh liệt tới đâu chăng nữa, điều đó cũng sẽ hoàn toàn không ích lợi gì hơn việc xây lâu đài chín tầng trên mặt hồ đóng băng vào mùa đông và việc vẽ tranh bích họa trên tường thạch cao. Rốt cuộc sẽù chẳng có chút ý nghĩa nào.

Đừng bao giờ xem thường các pháp thực hành quy y và Bồ Đề Tâm, cho rằng những điều này thấp bé hay chỉ để dành cho những người sơ cơ. Hãy hoàn thành pháp quy y và Bồ Đề Tâm thật đầy đủ, trong khuôn khổ của các pháp môn chuẩn bị, trong các pháp môn thực hành chính yếu cũng như trong phần kết thúc, vì quy y và Bồ Đề Tâm là hai pháp tu thích hợp với bất kỳ con đường nào [mà bạn lựa chọn để tu tập]. Điều hết sức quan trọng cho tất cả mọi người, dù xấu hay tốt, cao hay thấp, là tập trung các nỗ lực chân thành nhất vào những pháp tu này.

Trong trường hợp đặc biệt của những Lạt Ma và tăng sĩ, là những người nhận của cúng dường từ các thí chủ, nhận tài vật nhân danh người chết, hay là những người cử hành các buổi lễ dẫn dắt người chết, điều tuyệt đối mà họ không thể thiếu là Bồ Đề Tâm chân thật. Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có nghi lễ và pháp tịnh hóa nào của họ đem lại được lợi ích nhỏ bé nhất cho người sống hay người chết. Đối với những người khác, họ có thể xuất hiện để cứu giúp, nhưng tận sâu thẳm bên trong thì sự giúp đỡ này luôn bị pha trộn với những động cơ ích kỷ. Đối với chính họ, họ sẽ bị ô nhiễm bởi việc thọ nhận những vật cúng dường đó, và sẽ gây ra vô số lỗi lầm có thể dẫn họ tới những cõi thấp trong đời kế tiếp.

Ngay cả người nào đó có thể bay như chim, di chuyển dưới mặt đất như chuột, đi qua núi đá không bị ngăn trở, để lại những dấu tay và chân trên đá, người nào đó có khả năng thấu thị không giới hạn và có thể thực hiện đủ mọi loại huyền thuật – nếu một người như vậy mà không có Bồ Đề Tâm, thì họ chỉ có thể là một tirthika hay đã bị một vài quỷ ma đầy năng lực nào đó ám nhập. Thoạt tiên, họ có thể lôi cuốn một số người ngây thơ bị cảm kích và đem cúng dường. Nhưng về lâu dài thì họ chỉ đem lại sự hủy hoại cho chính họ và những người khác. Trái lại, một người có Bồ Đề Tâm thật sự, thì cho dù không có bất kỳ phẩm tánh nào khác, họ cũng sẽ làm lợi ích cho bất kỳ ai đến tiếp xúc với họ.

Bạn không biết được ở nơi đâu có thể có một vị Bồ Tát. Người ta nói nhiều Bồ Tát sử dụng những phương tiện thiện xảo, thậm chí được tìm thấy trong số những kẻ sát sinh thú vật và gái điếm. Thật khó có thể nói người nào đó có Bồ Đề Tâm hay không. Đức Phật có nói:

Ngoài bản thân ta và những người giống ta, không ai có thể phán xét người khác.

Vì thế, hãy coi bất kỳ ai khơi dậy được Bồ Đề Tâm trong bạn là một vị Phật đích thực, hoặc một Bổn Tôn, một vị Thầy, một thiện tri thức hay bất kỳ vị nào khác.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đã đạt được một vài phẩm tánh nào đó chẳng hạn như những dấu hiệu tiến bộ trên con đường tu, bất kỳ chúng có thể là gì – chứng ngộ trạng thái bản nhiên, thần nhãn, thiền định, hoặc có được các linh kiến của Bổn Tôn v.v. – bạn có thể tin chắc rằng những dấu hiệu này thực sự là những phẩm tánh đích thực nếu lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm liên tục tăng trưởng thật vững chắc như là kết quả của kinh nghiệm tu tập kia. Tuy nhiên, tương tự như vậy, nếu kết quả của những kinh nghiệm như trên chỉ làm suy giảm lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, thì bạn có thể tin chắc rằng những gì có vẻ giống như là một dấu hiệu của sự thành công trên con đường tu thực ra chỉ là một chướng ngại của ma quỷ, hoặc một chỉ dấu cho thấy bạn đang đi lạc đường.

Đặc biệt hơn nữa, khi bạn chứng ngộ được trạng thái chân như đích thực thì bạn không thể nào không phát khởi một tín tâm phi thường và một nhận biết thanh tịnh về những bậc toàn thiện hơn bản thân bạn. Song song với kinh nghiệm chứng ngộ đó, bạn cũng sẽ phát khởi lòng từ và bi phi thường đối với những người kém toàn thiện hơn mình.

Ngài Dagpo Rinpoche vô song có lần hỏi Ngài Jetsun Mila: “Khi nào con có thể dẫn dắt người khác?”

Ngài Jetsun trả lời: “Một ngày nào đó, con sẽ có một thị kiến phi thường trong sáng về chân tánh của tâm con, nó hoàn toàn khác với thị kiến mà con hiện có, và thoát khỏi mọi ngờ vực. Vào lúc đó, trong một tâm trạng hoàn toàn khác thường, con sẽ nhận ra được ta, người cha già của con, như một vị Phật thật sự và chắc chắn con sẽ cảm thấy một cách rất tự nhiên lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh. Đó là lúc con nên bắt đầu giảng dạy.”

Vì thế, hãy học tập, quán chiếu và thiền định về Giáo Pháp, trên nền tảng vững chắc của lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, không tách riêng cái này với cái khác. Trước tiên nếu không loại bỏ những nghi ngờ qua việc học tập, bạn sẽ không bao giờ có thể thực hành pháp. Có câu nói rằng:

Thiền định mà không học tập
Giống như leo núi mà không có đôi tay.

Loại bỏ những nghi ngờ qua việc học tập không có nghĩa bạn phải thông suốt vô số những vấn đề rộng lớn. Trong thời buổi suy đồi này, sẽ không thể làm được điều đó trong một đời người ngắn ngủi. Điều quan trọng là bất kỳ giáo lý nào mà bạn sắp đưa vào công phu thực hành thì bạn nên biết chính xác phải làm những gì để thực hành pháp tu đó từ đầu tới cuối mà không phạm lỗi lầm. Nếu có bất kỳ do dự nào thì bạn nên loại bỏ ngay lòng ngờ vực này bằng cách quán chiếu về các giáo lý đó.

Khi Ngài Atisa ở Nyethang, Nachung Tonpa xứ Shan, Kyung Tonpa, và Lhangsang Tonpa xin Ngài dạy cho họ về những hệ thống luận lý khác nhau.

Ngài Atisa trả lời: “ Những người ngoại đạo phi-Phật-Giáo và bản thân những Phật Tử có nhiều hệ thống giáo lý, nhưng chúng hoàn toàn chỉ là những chuỗi tư tưởng lan man. Không cần tới hằng hà sa số tư tưởng đó: cuộc đời quá ngắn ngủi không thể thấu biết hết những điều này được. Giờ đây là lúc cắt giảm những điều này cho tới tận cốt lõi của chúng.”

“Làm thế nào để cắt giảm cho tới cốt tủy của chúng?”

“Bằng cách tu tập Bồ Đề Tâm với lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh đầy khắp không gian. Bằng cách thực hiện những nỗ lực tích cực trong việc tích tụ hai bồ công đức vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Bằng cách hồi hướng tất cả suối nguồn của những điều tốt lành của đời vị lai -- những điều tốt lành này đã được tạo ra [để hồi hướng] cho giác ngộ viên mãn của mỗi chúng sinh và cho tất cả chúng sinh. Và, cuối cùng, bằng cách nhận ra rằng tất cả những điều này đều rỗng rang tự bản chất, giống như những giấc mộng hay những trò huyễn hóa.”

Nếu bạn không biết làm cách nào để cắt giảm bất kỳ pháp môn nào cho tới phần tinh tuý, thì sẽ chẳng có số lượng thông tin, kiến thức và sự hiểu biết thông tuệ nào có thể đem lại lợi ích gì cho bạn.

Khi Ngài Atisa đến Tây Tạng, Ngài được mời tới thăm đại dịch giả Rinchen Zangpo. Ngài hỏi vị dịch giả về những giáo lý mà ông biết, liệt kê một danh sách dài, tuần tự từng cái một. Hoá ra không giáo lý nào Rinchen Zangpo không biết. Ngài Atisa đặc biệt hài lòng.

“Tuyệt vời!” Ngài nói. “Sự kiện đã có một bậc uyên thâm như ông sống ở Tây Tạng có nghĩa là cuộc thăm viếng của tôi hoàn toàn không cần thiết. Vậy làm cách nào ông kết hợp tất cả những giáo lý này khi ông ngồi xuống thực hành?”

“Tôi thực hành từng thứ như được giảng trong bản văn,” Rinchen Zangpo nói.

“Lão dịch giả vô dụng!” Ngài Atisa kêu lên trong thất vọng. “Như vậy rốt cuộc việc ta tới Tây Tạng là cần thiết”!

“Nhưng thay vào đó tôi nên làm gì?” vị dịch giả hỏi.

“Ông phải tìm ra điểm cốt lõi chung cho tất cả các giáo lý và thực hành theo cách đó,” Ngài Atisa bảo với ông ta.

Rất cần thiết phải tìm ra điểm trọng yếu của các pháp thực hành là những phương pháp được đặt trên nền tảng của những giáo huấn tinh tuý của vị Thầy. Một khi bạn thấu suốt được điểm trọng yếu, bạn phải đưa điều ấy vào thực hành, nếu không sẽ hoàn toàn vô ích. Ngài Jetsun Mila nói:

Người đói bụng sẽ không thỏa mãn bằng cách nghe nói về thực phẩm; điều mà họ cần là ăn. Tương tự như thế, chỉ hiểu biết suông về Pháp thì không có gì ích lợi; Pháp phải được thực hành.

Mục đích của tất cả các pháp tu là khi chính việc tu tập trở thành cách đối trị cho những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực và tâm chấp ngã. Ngài Jetsun Mila lại nói:

Người ta nói rằng bạn có thể khẳng định một người nào đó có phải là vừa mới ăn hay không bằng cách nhìn coi mặt họ đỏ như thế nào. Tương tự như thế, bạn có thể cả quyết người nào đó có hiểu và thực hành Giáo Pháp đúng đắn hay không bằng cách xem Pháp có là một phương thuốc chữa lành những cảm xúc tiêu cực và chấp ngã của họ hay không.

Potowa hỏi Geshe Tonpa đâu là ranh giới giữa Pháp và phi-Pháp. Vị geshe trả lời:

Nếu chống lại những cảm xúc tiêu cực thì đó là Pháp.
Nếu không, đó là phi- Pháp.
Nếu không thích hợp với những phương cách của thế gian thì đó là Pháp.
Nếu thích hợp, đó là phi-Pháp.
Nếu phù hợp với kinh điển và những giáo huấn của bạn thì đó là Pháp.
Nếu không phù hợp, đó là phi-Pháp.
Nếu để lại dấu ấn tích cực thì đó là Pháp.
Nếu để lại dấu ấn tiêu cực, đó là phi-Pháp.

Đạo Sư Chegom nói:

Tin vào nhân quả của mọi hành động là chánh kiến dành cho những người có căn cơ bình thường.

Nhận ra mọi hiện tượng bên ngoài và bên trong là sự hợp nhất của cả sắc lẫn tánh Không, và của giác tánh và tánh Không, là chánh kiến dành cho những người có căn cơ cao hơn.

Nhận ra rằng cái thấy, người có cái thấy và chính sự trực nhận cái thấy đều bất khả phân169 , đó là chánh kiến dành cho những người có căn cơ cao nhất.

Giữ tâm hoàn toàn tập trung trên đối tượng là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ bình thường.

Trụ tâm trên bốn sự hợp nhất 170 là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao hơn.

Một trạng thái vô niệm trong đó không có đối tượng của thiền định, không có người thiền định và không có kinh nghiệm thiền định là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao nhất.

Thận trọng về những kết quả của các hành động của mình như người ta cẩn thận bảo vệ con mắt mình là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ bình thường.

Hành động trong khi kinh nghiệm được tất cả giống như giấc mơ và ảo ảnh là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao hơn.

Hoàn toàn không hành động (không tạo tác)171 là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao nhất.

Không ngừng giảm thiểu tâm chấp ngã, giảm thiểu các cảm xúc và niệm tưởng tiêu cực là dấu hiệu của “hơi ấm” dành cho tất cả hành giả, dù họ có căn cơ bình thường, trung bình hay cao nhất.

Những lời tương tự như trên được tìm thấy trong Con Đường Trân Quý Siêu Việt của Ngài Dagpo vô song. Vì thế, khi học Giáo Pháp, bạn nên biết cách rút ra được tinh túy của Giáo Pháp. Ngài Longchenpa vĩ đại có nói:

Kiến thức thì vô tận như sao trên trời;
Tất cả những vấn đề có thể học được thì vô cùng tận.
Tốt hơn nên lập tức nắm lấy tinh tuý tối hậu của cái học–
Thành trì bất biến của Pháp Thân.

Sau đó, khi bạn quán chiếu về Pháp, bạn nên thoát khỏi mọi nghi ngờ. Ngài Padampa Sangye nói:

Hãy tìm kiếm những giáo huấn của vị Thầy giống như chim ưng mẹ săn mồi. Hãy lắng nghe các giáo lý như một con nai đang nghe nhạc; Hãy thiền định về giáo lý như một người ngu thưởng thức món ăn; Hãy suy niệm về giáo lý như một người du mục phương Bắc xén lông cừu; Hãy đạt được kết quả của giáo lý, giống như mặt trời nhô khỏi vầng mây.

Việc lắng nghe Pháp, quán chiếu và thiền định về Pháp phải được thực hành chặt chẽ với nhau. Ngài Dagpo vô song nói:

Hoà nhập sự học tập, quán chiếu và thiền định về Pháp là điểm trọng yếu không thể sai lầm.

Kết quả của việc học tập, quán chiếu và thiền định phải là sự phát triển vững chắc và chân thật của lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, cũng như phải là sự giảm thiểu vững chắc và chân thật của tâm chấp ngã và những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực khác.

Giáo huấn này, về việc làm thế nào khơi dậy Bồ Đề Tâm, là tinh túy của tất cả các Giáo Pháp và là yếu tố cốt tủy của tất cả những con đường tu. Đây là giáo lý tối hậu, có được giáo lý này thì dứt khoát tự thân một mình giáo lý ấy thôi đã là đầy đủ, còn nếu thiếu giáo lý ấy thì chắc chắn sẽ khiến cho tất cả mọi pháp tu đều thành vô dụng. Không nên hài lòng với việc chỉ lắng nghe và hiểu biết về giáo lý ấy. Tận trong đáy lòng của bạn, hãy đưa giáo lý ấy vào thực hành!

Con quả quyết là đang khơi dậy Bồ Đề Tâm, nhưng Bồ Đề Tâm trong con vẫn chưa phát khởi. Con đã tu tập trên con đường của sáu pháp toàn thiện siêu việt, nhưng vẫn còn ích kỷ. Xin từ bi gia hộ cho con và những kẻ có tâm lượng nhỏ hẹp như con, Để chúng con có thể rèn luyện được Bồ Đề Tâm cao cả.

Đức Kim Cang Tát Đoả (Vajrasattva) 

Xem mục lục