1 Một kẻ lang thang chứng ngộ
Một phác họa tiểu sử
Đây hoàn toàn không phải là một namthar – một tiểu sử tâm linh – nó chỉ là một chuỗi những chuyện rủi ro. Tôi sinh ở miền đông Tây Tạng năm 1932. Cha tôi là một kẻ cướp lang thang, một kẻ cướp đường. Ông ta đánh đập, cướp giật và ngay cả giết người. Tôi thực sự không biết cha tôi, vì ông đã bỏ gia đình khi tôi còn rất nhỏ. Cha tôi giống như người các bạn thấy trong phim cao bồi, sống ngoài luật lệ trên lưng ngựa. Ông thường sống trong những miền hoang dã xứ Kham, miền đông Tây Tạng.
Trong gia đình tôi có ba trai và bảy gái. Hai người anh tôi thì rất mạnh và thô lỗ, như cha vậy ; ông cũng rất yêu quý hai đứa con cứng rắn này. Tôi là đứa thứ ba, có hơi yếu đuối và nhút nhát. Cha tôi thường chê tôi, nói rằng tôi giống một đứa con gái và chẳng được gì. Cha tôi dạy các con mình chiến đấu, nhưng những đứa con gái và tôi không thích lắm sự đánh nhau, cho nên cha chúng tôi không để ý đến chúng tôi.
Mẹ tôi là một tâm hồn dịu dàng và từ ái, một con người mộ đạo, với nhiều kiên nhẫn và chịu đựng. Bà có những ước mong thành thật thực hành Pháp, dù bà có quá nhiều con và nhiều chuyện để đối phó trong nhà. Bà nuôi hy vọng lớn lao rằng tôi sẽ đáp ứng những ước mong về Pháp của bà, bởi vì tôi giống bà ở tính cách dịu dàng và từ ái. Mẹ tôi tự bằng lòng với những phần thưởng đơn giản của đạo đức, cầu nguyện và sự hiến mình cho gia đình.
Bà nội tôi, mẹ của người cướp đường, cũng thuần thành. Bà là một đệ tử không thường xuyên của đại sư Đại Toàn Thiện Nyoshul Lungtok Nyima, người là đệ tử ruột của Patrul Rinpoche. Rất say mê Pháp và thực hành, bà không học nhiều nhưng đã nhận những giáo lý và thực hành và hiểu chúng, như thế chuyển hóa bản chất bà. Bà cầu nguyện thường trực cho đứa con cướp bóc ương ngạnh của bà chuyển biến và thay đổi cuộc đời của nó.
Khi tôi còn là một em bé, bà nội tôi và mẹ tôi thường hát đi hát lại bên nôi, “Chúng con quy y Phật, chúng con quy y Pháp, chúng con quy y Tăng.” Cũng thế, họ thường cầu nguyện và nói với người khác về những giáo lý, và cầu nguyện đến Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima, dù ngài ở đâu – họ thường không biết ngài ở đâu – một cách nhiệt thành, biểu lộ mong muốn tha thiết ngài sẽ đến để dạy và ban phước cho họ. Họ nhắc nhở mọi người ngài là một đại đạo sư như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên thiêng liêng của vị guru này, Nyoshul Lungtok, – một cái tên gây cảm hứng cho tôi đến tận ngày nay.
Khi tôi lớn lên, bà nội tôi giải thích cho tôi Nyoshul Lungtok là lama gốc tôn kính của bà, và ngài đã cho bà một đời sống mới. Dù không học kinh điển, bà có kinh nghiệm trong Đại Toàn Thiện, và cũng thực hành những giáo lý bồ đề tâm. Bà hát tụng thần chú của lòng đại bi, Om mani padme hung, ba trăm triệu lần trong đời bà. Nếu người ta trì tụng một trăm triệu lần một thần chú, đếm mỗi lần với một xâu chuỗi, đó gọi là một toong-jor. Bà đã làm ba lần như thế trong đời bà – ba trăm triệu trì tụng thần chú của lòng đại bi, thần chú của Quán Thế âm, Om mani padme hung, thực hành thiền định và từ bi như vậy.
Bà nội tôi khuyên tôi, bởi vì bản tánh tôi hiền lành, thực rất thích hợp để theo lối sống của mẹ tôi hơn là bắt chước cha tôi. Bà còn khuyến khích tôi tìm một lama-bồ tát thông thạo để dạy và huấn luyện tôi, và cố gắng trở nên giác ngộ như chính vị lama ấy – vì đó là điều Phật dạy.
Trong ba năm tôi chăm sóc gia súc của gia đình và những việc lặt vặt khác. Tôi chẳng học thứ gì, nhưng tôi nhớ nghĩ về vị lama mà tôi đã nghe tên. Trong thời gian này, khi tôi lên năm, mẹ tôi và bà đưa tôi đến tu viện Sakya gần đấy, nơi tôi được cắt tóc và cho một pháp danh. Năm tám tuổi, tôi vào tu viện. Có khoảng một trăm nhà sư, người thực hành và những lama trong tu viện ấy ở xứ Kham. Pháp danh của vị trụ trì là Jamyang Khenpa Tapkye ; ngài là ông cậu họ của tôi.
NHỮNG NĂM ĐẦU TIÊN Ở TU VIỆN
Là bà con, Jamyang Khenpa Tapkye quan tâm đến tôi. Tôi liền được dạy cho biết đọc và viết, chuyện đó là dễ dàng đối với tôi. Không phải đứa trẻ nào cũng có một dịp may như vậy. Để ở trong tu viện này, những người tập sự trẻ phải đi khất thực mỗi ngày chung quanh những làng lân cận. Tôi vẫn còn những vết sẹo nơi chân vì những con chó Tây Tạng khổng lồ, chó giữ nhà dữ tợn, chúng cắn tôi khi đi ngang qua cửa để xin tsampa, một loại bột nướng khô, thức ăn chủ yếu của người Tây Tạng. Khi những đứa trẻ tập sự không có gì, chúng sẽ bị đánh và bắt phải ngồi ở bên ngoài không có gì để chống lại với giá lạnh. Đó là một cuộc sống gian khổ.
Vào khoảng mười tuổi công việc của tôi là chăn cừu của tu viện, đôi khi ở trong chùa và đôi khi chăn ở ngoài, nơi những chỗ hoang vu. Khi trời nắng tôi được ra ngoài, rất thoải mái, cảm thấy rất hạnh phúc, chỉ xem chừng cừu gặm cỏ. Nhưng đôi khi trời mưa và lạnh cóng, với mưa đá và gió, tôi không chỗ ẩn núp. Hơn nữa tôi không thể thấy cừu biến mất trong sương mù và hẻm núi. Tôi phải tìm chúng để gom chúng lại và đưa về vào ban tối. Tôi biết chính xác chúng có bao nhiêu con. Tôi nhận ra từng khuôn mặt chúng và gọi mỗi con bằng tên nó.
Vào mùa xuân và mùa hè ngắn ngủi, có nhiều hoa dại và đủ loại chim ca hát. Kham rất đẹp vào thời kỳ ấy trong năm. Thời gian còn lại, khí hậu khá lạnh và khắc nghiệt. Tôi nhớ rõ ràng những ngày hè an vui của tuổi thơ khi khí hậu đáng yêu và tôi hoàn toàn sung sướng, ngồi ngoài nắng, hoàn toàn thoải mái và buông xả, khi đàn cừu gặm cỏ và tôi nhìn vào bầu trời xanh đậm màu ngọc bích và chỉ để tâm thức tôi tự do như nó là. Đấy là sự khởi đầu tự nhiên, không tạo tác của sự khai triển thiền định nơi tôi.
Đôi khi những con chim ríu rít, và vài tư tưởng bắt đầu đến trong tâm, đại loại : Tôi làm gì ở đây, nghe những con chim chăng ? Tại sao tôi ở đây ? Bà tôi bảo với tôi rằng chỉ sự việc độc nhất đáng làm là thực hành và chứng nghiệm Pháp thánh, tuy nhiên dù tôi đã vào tu viện, hình như bây giờ tôi chỉ là một người chăn cừu. Làm sao tôi có thể theo những giáo lý và gặp một vị thầy đích thực, hơn là chỉ làm một người chăn cừu mặc đồ thừa rách rưới, phí phạm thời gian trong những cánh đồng ?
Thu hết can đảm, tôi nói với mẹ tôi muốn học với một lama thật sự, có được những giáo lý tâm linh đích thực, và tìm ra Pháp thiêng liêng thật sự là gì. Rồi tôi bỏ tu viện và đến một thung lũng khác, nơi ấy có một đại lama cao cấp là Lama Rigdzin Jampel Dorje. Vị lama này quả thật là một đại sư giác ngộ, một đại thành tựu giả đã chứng ngộ sự hợp nhất của hai dòng giáo lý Đại Ấn (Mahamudra) và Đại Toàn Thiện (Dzogchen).
Khi tôi khoảng mười hai tuổi, tôi bắt đầu và hoàn thành năm trăm thực hành sơ bộ hay ngondro, dưới sự hướng dẫn cá nhân của vị đại lama này. Rồi tôi cầu thỉnh và nhận lãnh từ Jampel Dorje những giáo lý chi tiết về sự không tách lìa của thực hành thiền shamatha (chỉ) và thiền vipashyana (quán). Tôi áp dụng những giáo huấn Kim Cương thừa về thiền định này trong kiểu mẫu Đại Ấn, theo Dòng Thực Hành. Sự thực hành này gồm bốn yoga nổi tiếng của Đại Ấn – nhất tâm, đơn giản, một vị và siêu vượt khỏi thiền định – chúng được soi sáng hơn trong ba thể thức không-thiền-định, không-tạo-tác (vượt khỏi hành động và không hành động), và không-phóng-dật.
Tôi bắt đầu dần dần nhận ra rằng có lẽ thật khó khăn để thực sự tiến bộ trong thực hành tâm linh mà không có một nền tảng hiểu biết vững chắc những giáo lý tổng quát của kinh và tantra, và đặc biệt là Bồ đề tâm quý báu. Có nói rằng, “Thiền định mà không học thì giống như leo một ngọn núi mà không có đôi mắt ; học mà không thiền định thì giống như cố gắng leo một ngọn núi mà không có tay và chân.” Rigdzin Jampel Dorje chấp nhận. Thế nên tôi bắt đầu học với một vị khenpo quan trọng ở tu viện, một giáo sư tu viện trưởng uyên bác và thành tựu tâm linh. Tôi phải học và tụng đọc thuộc lòng vô số lời cầu nguyện, sadhana, kinh văn và bình giải trước chúng hội – một công việc khổng lồ.
Tôi nghiên cứu ba lời nguyện của ba thừa, gồm những lời nguyện pratimoksha hay những lời nguyện giải thoát cá nhân từ Luật, những cam kết bồ tát và những samaya Mật thừa. Tôi nghiên cứu Bồ tát hạnh của đạo sư Đại thừa Ấn Độ Shantideva, những giáo lý Bồ đề tâm về tu hành tâm thức (sự chuyển hóa thái độ), của Atisha và rất nhiều giáo lý tương đối và tổng quát của Phật pháp, theo những kinh điển và bình giải của truyền thống Phật giáo. Tôi nhớ Mười Ba Đại Bản Văn. Về sau tôi nghiên cứu sâu về triết học Trung Đạo của Nargarjuna, biện chứng Trung Quán, ngữ nguyên học, luận lý, văn học Bát Nhã ba la mật, Năm Trang Hoàng của Asanga, A tỳ đạt ma câu xá của Vasubandhu và v.v… Cuối cùng tôi nghiên cứu toàn bộ Ba Tạng, gồm trong toàn bộ Tây Tạng gọi là Kangyur trong một trăm lẻ tám bộ lớn, cũng như những luận giải chi tiết của các pháp sư Ấn và Tạng trong một toàn bộ còn lớn hơn là Tangyur. Theo cách này, phối hợp với thực hành, tôi thông thạo ba thừa, gồm kinh và tantra – tất cả những giáo lý của đức Phật.
Được phấn khích mạnh mẽ, tôi theo đuổi sự tu hành học giả này một cách cần cù. Dưới đạo sư phi thường Rigdzin Jampel Dorje và khenpo của tôi, tôi trải qua mười hai năm acharya hay tu học khenpo theo đúng truyền thống phối hợp với thiền định và hành thiền của Dòng Thực Hành Rimé không bộ phái, cho đến năm hai mươi bốn tuổi. Tôi nghiên cứu mọi giáo lý cần thiết để trở thành một khenpo, một tu viện trưởng và một giáo sư và đảm nhận mọi thực hành Đại thừa và Kim Cương thừa và những nhập thất trong đơn độc để thực hiện chúng. Tôi còn nhớ tôi là một chú bé nhỏ con và đơn độc, trong một vùng tôi không quen biết một ai, và người ta thường giễu cợt tôi như thế nào. Tôi cũng nhớ một cách biết ơn lòng tốt khó tin và sự rộng lượng hào phóng của vị thầy vô ngã của tôi khi tôi theo đuổi tất cả những học hành và tu tập này trải hơn mười hai năm.
NHẬN NHỮNG GIÁO HUẤN CỐT LÕI
Khi tôi mười tám, tôi nhận lãnh những giáo lý sâu xa và độc nhất, bí mật về bản tánh chính yếu của tâm, những giáo huấn cốt lõi của Longchen Nyingthig, tinh túy tâm yếu của những giáo lý Đại Toàn Thiện. Tôi đã nhận những giáo lý biệt truyền quý báu này về cái thấy, thiền định và hành động của Đại Toàn Thiện từ tái sanh (tulku) của guru của bà nội tôi – những giáo lý làm rõ nghĩa tối hậu của Phật Pháp và của rigpa, tâm Phật bẩm sanh, theo sự sắp xếp nền tảng, con đường và quả, một bộ ba được xem là một và không thể phân chia. Tôi sớm đạt được niềm tin không lay chuyển bên trong và sự xác tín về Đại Toàn Thiện tự nhiên này, những giáo lý bất nhị của Đại Toàn Thiện về tánh thanh tịnh bổn nhiên và sự hiện tiền tự nhiên hiện thân trong những thực hành Trekchod – Cắt Đứt, và Togal – Siêu Xuất.
Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima, người nối pháp của Patrul Rinpoche, đã chết những năm trước đó. Tái sanh tulku của ngài đã sanh lại, lên ngôi và được các đệ tử của vị đời trước gồm cả Khenpo Ngakga dạy dỗ. Chính vị tulku này, pháp danh là Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima, đã đưa tôi vào bản tánh của tâm thức khi trao truyền những giáo lý này. Ngài là guru gốc của tôi. Tôi nhận pháp danh từ ngài và từ tu viện Nyoshul nơi chúng tôi sống với nhau, trong một quận ngoại ô vùng đại tu viện Kathok của Nyingma. Từ những lama này tôi thừa hưởng tất cả những giáo lý của Longchenpa và Jigme Lingpa. Tôi nhớ toàn bộ Bảy Kho Tàng của Longchenpa, cũng như hai bộ ba nổi tiếng của Longchenpa là Bộ Ba của Giải Thoát Tự Nhiên và Bộ Ba của Tự Do Bổn Nhiên của Tâm và Yonten Dzod, Kho Tàng của Những Phẩm Tính Giác Ngộ của Jigme Lingpa, giải nghĩa tất cả chín thừa theo truyền thống Nyingma của Phật pháp. Tôi hoàn toàn hạnh phúc.
Tulku Shedrup Tenpai Nyima trao truyền cho tôi Nyengyud Men Ngag Chenmo, những giáo huấn cốt lõi nói nhỏ bên tai của Đại Toàn Thiện. Tulku Shedrup Tenpai Nyima là đệ tử chính của Khenpo Ngakga vĩ đại : Ngakgi Wangpo, một đạo sư Đại Toàn Thiện trí huệ-điên cuồng còn nổi tiếng đến ngày nay – một đạo sư Togal thấu suốt và là một hiện thân của tổ Đại Toàn Thiện Ấn Độ Vimalamitra. Khi tôi còn rất nhỏ, tôi đã gặp Khenpo Ngakga và nhận vài trao truyền từ ngài. Tôi còn quá nhỏ để học hỏi thực sự sâu xa với ngài Khenpo Ngakga, thế nên tôi dần dần nhận riêng những giáo lý của ngài Khenpo Ngakga từ Nyoshul Lungtok Shedrup Tenpai Nyima.
Khenpo Ngakga có một phương cách uy nghi và sự lôi cuốn phi thường, một sự hiện diện khó tin nổi. Chỉ đi vào phòng ngài là những tư tưởng và ý niệm chấp ngã của người ta dừng lặng, mở ra cảnh giới trống trải vô ngã của rigpa một cách không cố gắng. Dù tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi cũng còn nhớ lại đầy biết ơn thời kỳ đó, “Sự hiện diện đích thực của một đạo sư Phật giáo chân thật thực sự là thế ấy. Ai cũng hoàn toàn kinh ngạc và cảm ứng bởi sự rực rỡ tự nhiên và sự tinh thông tâm linh như vậy. Phước đức làm sao khi gặp một vị Phật sống ngay nơi thế gian này !”
Ngài Khenpo Ngakga nổi tiếng nhiều vì nhiều lý do. Một lần ngài ngồi ba năm trên đệm thiền, không đi đâu cả. Khi vị đại lama này làm một cuộc nhập thất ba năm, ngài ở trong trạng thái trong vắt của rigpa gọi là zangtal suốt cả thời kỳ ; không ai có thể thấy một cái bóng in xuống từ thân ngài trong suốt ba năm. Điều này tuyệt đối chân thật.
Khi Khenpo Ngakga đang trong thiền định, vào những ngày tốt lành như ngày mồng mười mỗi tháng – ngày mỗi tháng của Guru Rinpoche, và ngày mười lăm – ngày trăng tròn, tám dấu hiệu xuất hiện trên thân ngài Ngakga, bởi vì thân ngài là hóa thân, sắc thân thực sự, sự biểu lộ trên trái đất của một vị Phật. Khenpo Ngakga có những phẩm tính không thể nghĩ bàn như vậy đến mức mà phẩm tính nào nghe ra cũng khó tin, nhưng có nhiều lama là đệ tử của ngài đã thành tựu giác ngộ hết lời ca tụng ngài. Jatral Rinpoche và Bairo Tulku Rinpoche ở Nepal là những đệ tử vĩ đại còn sống hiện giờ của Khenpo Ngakga.
Truyền thống Đại Toàn Thiện nói rằng mỗi một trăm năm một đại sư giác ngộ của Đại Toàn Thiện xuất sanh từ trái tim của Vimalamitra để làm việc cho ý định của Phật trong thế giới này. Trong thế kỷ mười chín, đó là Jamyang Khyentse Wangpo, và trong thế hệ vừa rồi đó là Khenpo Ngakga. Khenpo Ngakga có hàng ngàn đệ tử chứng ngộ, nhưng Nyoshul Lingtok Shedrup Tenpai Nyima, guru gốc của tôi là người kế pháp của ngài, người nắm giữ những giáo huấn cốt lõi của Đại Toàn Thiện đặc biệt gọi là Nyengyud Men Ngag Chenmo, Dòng Những Giáo Huấn Cốt Lõi Truyền Tải về Tinh Túy Tâm Yếu. Đấy là dòng và giáo lý đặc biệt của tôi, giáo lý thể nghiệm (nyongtri) căn cứ vào những giáo huấn cốt lõi truyền tai của Nyingthig, tinh túy tâm yếu của Longchenpa và Jigme Lingpa toàn giác, cốt tủy của Đại Toàn Thiện vốn sẵn đủ, Dzochen. Đây là một dòng truyền thừa chỉ nói thầm cho một đệ tử vào một thời gian nào, không bao giờ cho đám đông. Nó được xem là cực kỳ hiếm có và quý báu. Tôi cũng truyền nó cho rất ít lama đệ tử thân thiết riêng tư.
Những vị nắm giữ dòng và những đạo sư của giáo lý đặc biệt này đều đã giác ngộ, là những thành tựu giả triệt ngộ với những phẩm tính tâm linh không thể nghĩ bàn, nhưng những lama ngày nay như tôi chỉ là một cái bóng của những thiên thể sáng ngời tâm linh ấy. Những đạo sư thân thể ánh sáng cầu vòng ấy không dọi bóng ; ngày nay những người thân thể khuyết điểm như Nyoshul Khenpo tự cho là trao truyền giáo lý siêu việt ấy – vô lý biết bao ! Thuốc trường sanh của những giáo huấn cốt lõi để giải thoát trong dòng độc nhất này giống như hơi thở tươi mát của của những dakini trí huệ. Tiếng rống sư tử của Pháp đã được tuyên bày bởi những yogi như những sư tử tuyết vĩ đại trong đất nước Tây Tạng từ hàng ngàn năm nay, nhưng ngày nay chỉ có vài con chó như Nyoshul Khenpo đang sủa. Và không chỉ có vậy, họ đang đi đây đi đó đến mọi nước trong thế giới, sủa, ăn thức ăn của những người khác, làm rầm rĩ không biết hổ thẹn – đáng nực cười quá chừng !
Tôi đã ở vài năm tại tu viện Kathok, một trong sáu tu viện chính của phái Nyingma. Trong tiếng Tây Tạng Kathok được gọi là Kathok Dorje Den, nghĩa là Kathok Bodhgaya hay Kathok tòa kim cương của giác ngộ. Ngôi chùa đã bảy trăm năm ở Kham này nổi tiếng như Bodhgaya thứ hai. Kể lại rằng một trăm ngàn yogi đã đạt được thân thể cầu vồng ở đó. Một câu chuyện khác nhắc đến màu trời vàng thần thoại của Kathok, nơi nhiều vị tỳ kheo sống đến nỗi bầu trời thường trực phản chiếu màu vàng sáng của y các ngài.
Ở Kathok những lama của tôi gồm mười hai đại tulku ; tám khenpo thành tựu tâm linh và uyên bác, những khenpo (khác với nhiều vị ngày nay) biết mọi thứ và nhớ toàn bộ đại tạng Kangyur và nhiều bình giải ; và năm lama giác ngộ không phải là tulku cũng không là khenpo, nhưng đã thành tựu những chứng đắc lớn lao qua nỗ lực tâm linh, trong khi vẫn là những hành giả tầm thường và là những cột trụ vững chắc của tăng đoàn.
Sau khi nhận sự trao truyền giáo huấn cốt lõi từ Tulku Shedrup Tenpai Nyima, tôi làm một năm ẩn tu trong hang, thực hành tummo, yoga nội nhiệt bí mật, và tập trung vào những giáo lý cốt lõi truyền tai này. Tôi còn tiếp tục theo đuổi việc học cho đến giữa những năm hai mươi. Tôi thực hành tummo trong nơi hoang dã đầy tuyết cho đến khi tuyết chảy tan quanh tôi. Trong thời kỳ thực hành mãnh liệt khác tôi sống một thời gian như một con thú hoang trong rừng sâu tự do thực hành rushen, những thực hành sơ khởi của Đại Toàn Thiện, với vài yogi khác dưới sự hướng dẫn của guru. Tôi còn nhớ việc sống tự do và buông xả như thế nào, vượt khỏi mọi câu thúc ý niệm và quy ước xã hội – giống như những đại thành tựu giả của thời xưa ! Đó là một thời kỳ tuyệt diệu của thực hành tâm linh. Emaho !
Tôi thực hành những sadhana Bát Nhã ba la mật đa thuộc Mật thừa gọi là Chošd hay Cắt Đứt Bản Ngã, thiền định suốt đêm trong những nghĩa địa khủng khiếp, hiến thân cho những hồn ma đói khát và những chủ nợ về nghiệp. Những thời kỳ khác tôi dùng để thiền định một mình trên những đỉnh núi đầy gió và trong những hang động đã được những đại sư ngày xưa làm phép để dùng, hay hành hương đến những cảnh trí thiêng liêng và những thung lũng giống như Shangri-la nơi các vị tổ nam và nữ của Phật giáo Kim Cương thừa đã thiền định, ở đó tôi làm những lễ cúng và những hoạt động công đức. Tôi hoàn thành sự tu tập Sáu Yoga của Naropa và Đại Ấn theo hệ thống Kagyu, cũng như Lamdray của phái Sakya – Con Đường và Quả, và Korday Yermay – sự Không Tách Lìa của Sanh tử và Niết bàn, và tantra anuttara yoga Kalachakra. Lama của tôi biết rằng tôi đã hoàn thành những thực hành khác nhau này, gặp gỡ những hóa thần bổn tôn ; và nhận những ban phước, trao truyền và quán đảnh trực tiếp từ các vị ấy, giống như những đạo sư gốc của dòng phái trong thời trước.
Rồi tôi du hành, nhận những giáo lý và những trao truyền từ mười hai vị đạo sư giác ngộ khác từ mọi truyền thống và dòng phái khác nhau có ở Tây Tạng. Những vị đạo sư này tôi xem là những lama gốc của tôi. Lúc đó tôi biết tôi tìm kiếm cái gì và tìm ra nó ở đâu. Tôi thực hành và hoàn thành những giáo lý này, như thế trở thành một lama Rimé không bộ phái, kẻ thừa kế mọi giáo lý thiêng liêng của Tám Cỗ Xe Lớn của Phật giáo Tây Tạng, chúng hiện giờ được xếp vào bốn phái chính : Nyingma, Kagyu, Sakya và Gelug.
ĐI KHỎI TÂY TẠNG
Những người đồng tu và tôi phải đi khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Sự thực hành tôn giáo vào những năm sáu mươi, bảy mươi được xem là chống phá chính trị. Tôi mất tiếp xúc với những người ở lại, kể cả những dấu vết của gia đình tôi. Tôi chỉ tái hợp với những anh chị em còn sống vào một chuyến viếng thăm miền đông Tây Tạng vào năm 1992.
Ở Ấn Độ, tôi đã thỉnh cầu và nhận được những giáo lý và trao truyền đầy đủ từ những vị đại đạo sư, gồm vị nhiếp chính của Padmasambhava tái sanh là đức Dudjom Rinpoche ; Dilgo Khyentse Rinpoche – hiện thân của Văn Thù và vị Phật sống, đức Gyalwa Karmapa thứ mười sáu. Về sau, những vị lama này, cũng như những vị khác Tai Situ Rinpoche, Pema Norbu Rinpoche, Sakya Trichen, và Dzigchen Rinpoche yêu cầu tôi làm Khenpo hay giáo sư tại các tu viện của ngài, để giáo dục tăng chúng và huấn luyện để thành khenpo trong các trường.
Tôi vẫn cầu nguyện thường xuyên đến hai mươi lăm đạo sư gốc này, các vị đã cho tôi mọi sự tôi biết và tôi có. Cho dù người ta biết hàng trăm ngàn người tuyệt hảo – hay hàng trăm ngàn người xấu – thì tsawai lama hay guru gốc của mình vẫn là người quan trọng nhất trong cuộc đời. Thật ra, cái thực sự làm tôi kinh ngạc nhất không phải là các vị thầy của tôi, mà là giáo lý của Đại Toàn Thiện tự nhiên, Dzogchen : đó thật là sự lạ lùng kỳ diệu, thần tình và không thể quan niệm nhất trong kinh nghiệm của tôi, và là cái tôi biết ơn nhất. Tôi không thể diễn bày nổi sự biết ơn đối với các vị thầy, các vị đã ban cho tôi những giáo lý. Tôi cố gắng làm tất cả những gì tôi có thể để đền đáp lòng tốt của các ngài bằng cách truyền nó cho những người khác, bất cứ nơi nào tôi đã ở. Vì tôi thực sự tin rằng chính cái này, và chỉ cái này là lợi lạc sâu thẳm nhất.
Tôi đã sống ở Ấn Độ một mình hai mươi lăm năm, không gom chứa vật gì, chỉ là một người già đơn độc, đôi khi đi dạo quanh với y áo kiểu lama Tây Tạng màu đỏ, đôi khi trong màu vàng cam hay màu vàng khất sĩ hay chỉ là những mảnh vải quấn. Đôi khi tôi thuyết pháp trong những tu viện. Tôi cũng có khi ở với những nhà khất sĩ ở Rishikesh và Haridwar, dọc sông Hằng, trong các tự viện, lều, mái che, dưới những tàng cây, bất cứ chỗ nào khi đêm xuống. Biết bao kinh nghiệm khác nhau như mộng ! Đôi khi tôi được tán dương và hoàn toàn thoải mái tiện nghi, thường hơn tôi bị bỏ quên và nghèo đói. Tuy nhiên sự giàu có vô cùng của chân lý và bình an bên trong chính là Pháp, nó luôn luôn nâng đỡ tôi sống hạnh phúc. Đôi khi tôi làm lễ quán đảnh cho những hội chúng lớn, gồm mười hai vị tulku và lama, nơi đó các vị để một cái bình vàng của lễ nhập môn vào tay tôi và tôi đặt nó lên đầu của hàng ngàn vị sư. Những khi khác tôi hoàn toàn nghèo khó, sống bằng tay nuôi miệng trên những con đường của Calcutta, lang thang lòng vòng ngửa tay xin đồng xu. Quá nhiều thăng trầm không ngờ nổi, ai có thể diễn tả cho hết ? Đời sống là như vậy, đầy những quanh co khúc khuỷu không mong đợi – như huyễn, vô thường, không chủ định, và không vững bền. Và cuối cùng, tất cả chúng ta đều chết. Thật là một quang cảnh !
Quá nhiều những trải nghiệm, ký ức, và suy tưởng khác nhau – một số tốt và một số xấu – như nhiều loại giấc mộng khác nhau. Một đêm năm 1959 tôi cùng với bảy mươi người thoát khỏi Tây Tạng, và một vài ngàn binh lính ngoại quốc ở trên những ngọn núi chung quanh, tìm kiếm những người trốn thoát trong đêm tối. Quân lính thình lình khai hỏa, và đạn súng máy và đạn sáng khắp nơi. Bảy mươi người trong đoàn, chỉ tìm thấy lại năm người còn sống qua ngày sau. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho số còn lại. Nhóm năm người chúng tôi tiếp tục đi bộ qua Hy Mã Lạp Sơn, Bhutan, Darjeeling, và Kalimpong – nơi nào có thức ăn, chỗ ở, và an toàn có thể tìm thấy.
Rồi tôi sống nơi vùng thấp nhiều năm như một người tỵ nạn, lưu đày khỏi xứ Tuyết, chen chúc với những người khác trong những trại tỵ nạn đông đặc, những chuyến xe lửa ẩm thấp, xin thức ăn trong những đường xá nóng bức và bụi bặm Ấn Độ. Vài năm sau tôi không ngờ lại thấy mình vượt qua đại dương trong những chiếc phản lực khổng lồ, lên xuống dọc chiều dài của những ngôi nhà chọc trời như cây kim vĩ đại trong những thang máy điều hòa không khí ở những đô thị lớn của thế giới hiện đại, ngủ trong những khách sạn lớn trên nệm dày của những căn phòng hiện đại, ăn trong những nhà hàng và những hàng hiên ngập nắng, được phục vụ như một ông vua.
Trong những năm đầu thập niên bảy mươi, tôi bị một cơn bệnh suýt chết. Một số người nghĩ rằng tôi bị trúng độc trong một hiệu ăn ở Kalimpong. Hệ thống thần kinh của tôi bị tê liệt ; tôi hoàn toàn là một phế nhân trong vài năm. Trước đó, tôi đã ban những giáo lý rộng và sâu và những quán đảnh cho nhiều người, gồm những nhà sư, lama, tulku và cư sĩ khắp vùng Hy Mã Lạp Sơn. Sau đó tôi không thể thấy rõ, đi khập khiểng, tay run, và tôi chờ chết. Trong thời gian khó khăn ấy, tôi được chăm sóc trong tu viện của Kangyur Rinpoche ở Darjeeling. Kangyur Rinpoche và gia đình ngài đã chăm sóc ân cần cho tôi. Tôi luôn luôn nghĩ đến họ với lòng biết ơn và kính trọng sâu xa. Lama Sonam Tobgyal từ chùa Riwoché là thị giả tin cẩn của tôi trong sáu năm của thời kỳ ấy, ở Ấn Độ và sau này ở Châu Âu.
Thời gian sau tôi được đưa đến Thụy Sĩ để chữa thuốc. Tôi ở hai năm với những người Tây Tạng theo tôi trong cộng đồng Tây Tạng ở đấy, rồi bảy đến tám năm ngơi nghỉ trong trung tâm Nyingma ở thung lũng Dordogne miền tây nam nước Pháp, chỉ thỉnh thoảng mới dạy. Trong bốn năm tôi ở và dạy trong trung tâm ẩn cư ba năm Chantelouse ở đó cho đến năm 1984.
Vì lúc ấy sức khỏe tôi được cải thiện và tôi hoạt động hơn, đi dạy khắp thế giới, cả Đông lẫn Tây, được những trung tâm của nhiều dòng phái khác nhau mời đến. Tôi có hai cuộc viếng thăm Tây Tạng : một lần với đức Khyentse Rinpoche và một đoàn tùy tùng năm 1990, và rồi với Penor Rinpoche năm 1992, khi tôi gặp những thành viên gia đình còn ở đây. Tôi hiện giờ đang làm việc để trùng tu ba tu viện của tôi và xây dựng vài bệnh viện ở Kham. Tôi hiện ở Thimpu, thủ đô của Bhutan, xứ sở Phật giáo độc lập cuối cùng còn lại trong dãy Hy Mã Lạp Sơn.
NHƯ MỘT GIẤC MỘNG, NHƯ MỘT ẢO ẢNH
Có phải cuộc đời giống như một cuốn phim hay một giấc mộng, như một chuỗi giấc mộng ở trong ảo ảnh như mộng bao la ? Làm thế nào để nhớ hết những màn khác nhau tất yếu lộ ra từ thời gian từ lúc tôi là một đứa bé tinh quái nhỏ con thất học cho đến bây giờ, khi tôi đã là một người lang thang đã già và lắm mồm với tóc bạc, kiếng lão và nếp nhăn ? Thật là một điều lạ lùng ! Già và còng. Một cảnh tượng ! Một du khách Tây Tạng đã già, mờ mắt nhìn ngó chung quanh ở những miền đất ngoại quốc ! Emaho ! Lạ lùng ! Kỳ diệu !
Làm sao để giải thích những thất thường vô cùng của trải nghiệm, trừ phi xem tất cả là những công việc của luật nhân quả nghiệp báo không sai chạy ? Và ai tạo ra nghiệp này, ngoài chính chúng ta ? Khi chúng ta nhận thức rằng chúng ta tạo ra nghiệp của chính mình, và do đó chịu trách nhiệm về sự trải nghiệm riêng của chúng ta, tốt lẫn xấu, ưng ý và không ưng, có phải cái nhìn soi suốt này giải phóng chúng ta khỏi bực tức và thất vọng, thấm nhuần một ý nghĩa của tự do và trách nhiệm, cũng như lòng từ bi đối với những ai khổ đau vì thiếu vắng một tỉnh giác như thế ?
Hẳn là chẳng có ý nghĩa gì với tôi khi nói về cuộc đời này, nhưng nó nhắc lại cho tôi tất cả giáo pháp thiêng liêng mà tôi đã thọ hưởng – một nguyên nhân đích thực cho sựï hưởng thụ trong những màn ồn náo rộn ràng này. Pháp đến trong nhiều hình thức, nhưng tất cả đều có một vị đơn nhất của bình an
vĩ đại.
Thật ra tôi chỉ là một con người tầm thường ; sự quan tâm duy nhất của tôi là phụng sự, giúp đỡ những người khác và phụ vào việc duy trì truyền bá Pháp. Tuyệt đối tôi không có công việc đăïc biệt nào để làm, nhưng tôi cảm thấy bởi vì Phật giáo đã giúp tôi quá nhiều trong cuộc đời này, nên tôi rất sung sướng khi giúp đỡ bằng cách đưa chính kinh nghiệm của tôi cho bất kỳ ai thích thú với Pháp. Tôi hy vọng trong tương lai, Pháp cao cả, những giáo lý giải thoát, sẽ nở rộ và làm lợi lạc cho mọi người dù họ là ai ở bất kỳ nơi đâu. Tôi không phải là một dịch giả, nên tôi không thể nói với người Tây phương trong ngôn ngữ của họ ; tôi chỉ cố gắng trình bày Pháp trong mọi cách tốt nhất mà tôi có thể làm.
Tôi vui sướng khi thấy nhiều người Tây phương cũng cảm xúc khi thấy Pháp là lợi lạc, quan trọng và thâït sự ơn ích như thế nào. Đó là cái duy nhất mà tôi thực sự biết trong cuộc đời : những công đức tuyệt vời của Phật pháp. Bởi thế tôi cũng hoan hỷ thấy rằng người khác cũng cảm nhận như thế, và tôi biết rằng nếu họ áp dụng nó trong thực hành cụ thể, với sự soi chiếu vào trong, họ sẽ có thể rút ra lợi lạc từ những giáo lý sâu xa và ý nghĩa này. Không vĩ đại sao khi thấu hiểu cái Tự Biết độc nhất, trị bá bệnh này nó giải thoát và giải phóng mỗi một và tất cả, thay vì cứ tiếp tục trong sự theo đuổi không cùng vô tận những hình thức của cái biết, mà không có cái nào trong ấy có lợi lạc tối hậu cho mình và cho người ?
Ngay trên những ga xe điện ngầm ở Paris và London tôi đã thấy những người – họ không phải là Phật tử – mà những khả năng tâm linh đã sắc bén để có thể làm cho họ trực tiếp nắm lấy nội dung chân thật của Pháp bất nhị, nếu họ chỉ cần được giới thiệu với nó bởi một vị thầy đủ phẩm chất. Khi giây phút của Đại Toàn Thiện xảy tới, à, nó đấy ! Đó không phải là vấn đề văn hóa hay nghiên cứu ; mà là hấp lực tâm linh và sự chín thành nghiệp quả của mỗi người.
Những ngày hôm nay tôi phấn khởi được gặp các người thực hành Pháp của Tây phương, họ thành thực tìm kiếm hiểu biết kinh nghiệm đích thực và không bằng lòng với chỉ những nhạt nhẽo vô vị và sự kiện tôn giáo bên ngoài. Đấy là những người mong muốn và thiết tha phóng mình sâu vào trong chính họ, để học và hành những giáo lý, thậm chí làm những việc hy sinh, để nỗ lực trong sự trau dồi tỉnh giác tâm linh. Chẳng phải là Pháp ở khắp mọi nơi sao ? Chẳng phải là không có nơi nào khác để tìm kiếm và thấy ra nó, chỉ trừ trong chính mình, trong tâm và lòng của chính mình sao ?
Như terma sadhana tối thượng Longchen Nyingthig Guru Yoga, Tigle Gyachen của Jigme Lingpa bắt đầu với :
Không chư Phật không chúng sanh, vượt khỏi có và không có,
Bản thân tánh giác bổn nhiên là guru tuyệt đối, chân lý tuyệt đối.
Bằng cách an trụ tự nhiên, vượt ngoài bám trước, trong Bồ đề tâm vốn sẵn tự do và bẩm sinh toàn thiện này,
Tôi quy y và làm lộ bày Bồ đề tâm tuyệt đối.
Một Vidhyadhadra hay đạo sư rigpa như Rigdzin Jigme Lingpa đã thực sự chứng ngộ Phật tánh qua con đường Đại Toàn Thiện. Bấy giờ, dù chưa từng học nhiều, bởi vì luân xa trí huệ của ngài nở bừng trọn vẹn, ngài có thể tự phát viết ra những bình giải vô giá, hát những bài ca giác ngộ doha rạng ngời, phát giác những terma quý giá của Longchen Nyingthig bằng sự phát hiện huyền bí, và chỉ dạy rộng rãi, soi sáng con đường chúng ta đi cho tới tận ngày nay, ba thế kỷ sau đó.
Cá nhân tôi không đạt đến Phật tánh và tôi không biết tôi sẽ ở đâu trong tương lai, trong đời này cũng như trong đời tới. Nhưng đấy thực sự không phải là vấn đề, hoàn toàn không ! Dù gì cái xảy ra, cứ xảy ra. Tuyệt đối không có cái gì để phải quan tâm. Tôi chỉ cảm thấy biết ơn những vị thầy của tôi, biết ơn giáo lý và biết ơn đức Phật, và tôi mong muốn rằng tất cả đều có thể tham dự vào nguồn ban phước này, những công đức này, nó thực sự thuộc về tất cả không trừ một ai. Bởi thế tôi liên tục cầu nguyện rằng tất cả chúng sanh có thể tạo nên sự tiếp xúc, kết hợp tốt lành này, qua bất kỳ phương tiện gì lợi lạc và thích hợp.
Nguyện tất cả chúng sanh thức tỉnh trong ánh sáng của Đại Toàn Thiện vốn sẵn và thực hiện tự do, an bình và mãn nguyện toàn hảo !
Sarva mangalam ! Nguyện mọi sự đều tốt lành toàn thiện, và nguyện hòa bình có trong thế giới này và phổ khắp toàn thể vũ trụ.