Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

5. Hãy an trụ trong bản tánh của alaya, cái tinh túy

Ý nghĩa châm ngôn này là trong khi ngồi thực hành thiền định và với một thấu hiểu về Bồ đề tâm tối hậu, bạn thực sự siêu việt bảy loại thức, và ở yên trong thức thứ tám, alaya. Sáu loại thức đầu tiên là những tri giác giác quan : (1) thức của thấy, (2) thức của nghe, (3) thức của ngửi, (4) thức của nếm, (5) thức của xúc chạm, (6) ý thức, hay yếu tố phối hợp làm nền cai quản năm thức kia. (Nói theo thông thường : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Loại thức thứ bảy, (7) tâm thức phiền não, là một loại kết khối nó truyền năng lực cho tất cả các thức trước. Tây Tạng gọi nó là nyošn-yi : nyošn là viết tắt của nyošnmong (phiền não), nghĩa đen là “làm phiền”, “nhiễm ô”, “loạn thần”, và yi là “tâm thức”.

Nghỉ ngơi tâm thức mình trong alaya nền tảng là sự thoát khỏi, tự do với tâm thức bảy phần và ở yên trong sự đơn nhất và trong tâm sáng tỏ và không phân biệt. Bạn bắt đầu thấy rằng quang cảnh, mùi hương, âm thanh và mọi cái khác xảy ra là một sản phẩm của miếng đất cây nhà lá vườn, hay của bộ chỉ huy. Bạn nhận biết chúng và rồi trở lại bộ chỉ huy, nơi những sản phẩm này bắt đầu biểu lộ. Bạn chỉ an trụ trong sự vô ích của những thứ sản phẩm ấy.

Ý tưởng là có một chỗ yên nghỉ nào đó, có thể được gọi là shamatha sơ khai. Có một điểm bắt đầu, một điểm trở về. Bạn có thể nhìn tôi và khi bạn nhìn tôi bạn nên kiểm tra chính bạn – nhưng bạn nên kiểm tra vượt khỏi chính bạn và tìm thấy một biểu hiện quê nhà nào đã ở đó. Thế nên ý tưởng là ở yên trong alaya, ở với quê nhà, ở yên nơi những chỉ thị và thông báo khởi phát từ đó.

Toàn thể lập luận hay tiến trình này bắt đầu do căn cứ trên sự việc cứ cho rằng bạn đã tự tin chính mình. Bạn có một loại thư giãn với chính mình. Đó là ý niệm Bồ đề tâm tối hậu. Bạn không phải chạy ra khỏi chính bạn trong mọi lúc để có được một cái gì ở ngoài. Bạn có thể đích thực ở nhà và nghỉ ngơi thư giãn. Ý tưởng là trở về nhà, ngôi nhà yêu dấu.

Bạn thử đối xử tốt với chính mình. Bạn chớ theo những lý luận hay ý niệm chấp cứng, kể cả ý nghĩ lan man. Ở yên trong bản tánh của alaya nghĩa là vượt qua sáu thức giác quan, và vượt qua cả thức thứ bảy, tiến trình tư tưởng lan man căn bản dẫn khởi sáu thức kia. Nguyên lý alaya nền tảng thoát khỏi mọi thức đó. Ngay trong những hoàn cảnh bình thường, nếu bạn thực sự truy tìm trở lại nơi đâu từ đó mọi sự đi đến, bạn sẽ tìm thấy một cấp độ an nghỉ sơ khai nào đó. Bạn có thể an nghỉ trong sự hiện hữu nền tảng sơ khai này, cấp độ hiện hữu này.

Khởi từ nguyên lý alaya nền tảng, bấy giờ chúng ta khai triển thức alaya, nó tạo ra những phân biệt. Chúng ta bắt đầu tạo ra một sự phân cách giữa cái này và cái kia, cái chủ từ và cái túc từ, cái và cái mọi thứ. Đó là ý nghĩa của ý thức, hay chúng ta có thể gọi nó là ý-thức-tự-nó – người ở phía chúng ta và người ở phía họ, có thể nói như thế. Nguyên lý alaya nền tảng không có xu hướng, không thiên về cái gì. Đấy là vì sao nguyên lý alaya nền tảng được gọi là đức hạnh tự nhiên. Nó trung tính. Nó không đực không cái, không dương không âm, bởi thế nó không ở mặt nào, trong nó không có sự theo đuổi, tìm hiểu. Thức alaya thì có xu hướng, thiên chấp. Nó là đực hay cái, âm hay dương, bởi vì ý niệm theo đuổi, tìm hiểu đã có trong đó.

Sự thức giác nền tảng, sugatagarbha (Phật tạng, Như lai tạng), thì vượt khỏi alaya, nhưng nó đi cùng và đồng thời với alaya. Nó là tiền alaya, nhưng nó bao hàm trạng thái alaya. Alaya có tính thiện nền tảng, nhưng Như lai tạng có tính thiện lớn lao hơn. Nó là sự thức giác tự thân, tự hữu. Từ quan điểm này, ngay cả alaya nền tảng cũng còn có thể được xem là một loại thức nào đó. Dầu nó không phải là một phạm trù của thức, nó cũng là một loại tỉnh giác, hay thậm chí là một loại tâm thức sanh tử. Nhưng Như lai tạng thì vượt khỏi đó. Nó là bất hoại – tổ tiên hay cha mẹ của alaya, quê nhà của quê nhà.

Tiến trình tri giác, khi trước tiên bạn tri giác một đối tượng giác quan, có một số yếu tố hợp thành. Bạn có những cơ cấu hiện hành, chúng tri giác những sự vật, những khả năng vật chất như mắt, tai, vân vân. Trên những cái đó là những khả năng trí óc chúng dùng những dụng cụ đặc biệt ấy để suy nghĩ về một số đối tượng. Nếu bạn vượt lên nó, có cái ý định của hành động, sự mê hoặc hay tò mò muốn biết làm thế nào để liên hệ với những đối tượng đó. Và nếu bạn lùi lại khỏi tất cả, bạn tìm thấy có một kinh nghiệm nền tảng ở dưới tất cả mọi thứ ấy, nó được biết như là nguyên lý alaya.

Theo bản văn này về lojong, kinh nghiệm ấy được biết như là tính thiện nền tảng. Thế nên châm ngôn này ám chỉ đến một kinh nghiệm, chứ không đơn giản đến tiến trình cơ chế máy móc của sự phóng chiếu. Chúng ta có thể diễn tả tiến trình này với ví dụ tương tự một máy chiếu phim. Chúng ta có tấm màn, thế giới hiện tượng ; rồi chúng ta tự phóng chiếu lên thế giới hiện tượng ; và chúng ta có bộ phim, nó là sự thay đổi thất thường của tâm thức, những hình ảnh chuyển động thường trực. Thế là chúng ta có một đối tượng chuyển động được phóng chiếu lên màn ảnh. Đối tượng chuyển động này sản xuất một cách máy móc bởi máy chiếu, với một số lỗ răng để giữ phim và những thiết bị để bảo đảm cho sự phóng chiếu được liên tục – đúng như tình huống của những cơ quan giác quan. Bởi thế chúng ta nhìn thấy và chúng ta nghe được, mỗi khi chúng ta nhìn và nghe. Chúng ta liên kết những sự vật với nhau bằng thời gian, dầu cho những hình ảnh hoàn toàn thay đổi mỗi khoảnh khắc. Và đằng sau toàn bộ sự việc là cái bóng đèn, nó phóng chiếu mọi thứ lên màn ảnh. Cái bóng đèn ấy là nguyên nhân của toàn bộ sự việc. Thế nên an trụ trong bản tánh của alaya thì cũng như an trụ trong bản tánh của cái bóng đèn này, nó ở đằng sau hệ thống máy móc chiếu phim. Như cái bóng đèn, alaya là sáng chói và tỏa chiếu. Cái bóng đèn không đi vào trong sự chuyển dịch của phần còn lại của bộ máy. Nó chẳng liên can gì với việc màn hình diễn tiến ra sao hay hình ảnh lọt qua như thế nào.

An trụ trong alaya là sự thực hành đích thực Bồ đề tâm tối hậu, xảy ra trong thực hành ngồi thiền. Bạn kinh nghiệm Bồ đề tâm tối hậu ở mức độ đó. Bồ đề tâm tối hậu là sự chứng ngộ một cách thuần túy rằng những hiện tượng không thể được xem là cứng đặc, nhưng đồng thời chúng là tự-tỏ sáng. Tương tự với chiếu phim, bạn phải làm việc với ngọn đèn. Bạn lấy ngọn đèn ra khỏi máy chiếu – cái máy chiếu của bạn chẳng là trò khỉ gì cả – và bạn chỉ việc bật nó lên trên cơ cấu cố định cũ mèm thường tục của bạn và nhìn vào đó. Đó là alaya tự-giải thoát.

Có thể đây là một chủ đề gây lúng túng khi thảo luận, nhưng cuốn sách này là dành cho những hành giả bình thường. Có thể chúng ta không tin hay đang tu hành alaya, nhưng chúng ta đang dùng nó như một viên đá để dẫm bước. Có thể nguy hiểm nếu bạn trau dồi nó như một cứu cánh tự thân. Trong trường hợp này nó chỉ là một bước tiếp theo trên cái thang. Chúng ta đang nói rất đơn giản về alaya như một tâm thức trong sáng, một tâm thức trong sáng nền tảng. Nó là sự đơn giản và sáng tỏ và là tư tưởng không lan man – alaya nền tảng sâu xa. Nó có thể không hoàn toàn thoát khỏi mọi thức, gồm cả chính thức thứ tám, nhưng nó là alaya của tiềm năng nền tảng.

Nói chung, chúng ta cần rất rõ ràng về điều này. Vào lúc này, chúng ta không đang cố gắng nắm lấy Phật tánh một cách tức thời. Giáo huấn này về sự an trụ trong alaya được ban cho người nào đang ở mức độ rất sơ khởi. Phần đông chúng ta có những vấn đề khó khăn, chúng ta không biết chúng ta đang ngồi hay không đang ngồi. Chúng ta có những xung đột về chuyện ấy. Chúng ta đang cố gắng làm việc trên những tiền đề căn bản của chúng ta như thế. Đó là một tiến trình chậm lại. Lần đầu tiên chúng ta học cách chậm lại.

Xem mục lục