Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

ĐIỂM BỐN
CHỈ RA SỰ SỬ DỤNG VIỆC THỰC HÀNH 
TRONG TOÀN THỂ CUỘC SỐNG CỦA MÌNH

ĐIỂM BỐN VÀ TINH TẤN BA LA MẬT

Điểm thứ tư của bảy điểm tu tâm liên hệ với tinh tấn ba la mật. Tinh tấn tự nó nghĩa là thoát khỏi biếng lười. Khi chúng ta dùng danh từ lười biếng, chúng ta nói về một thiếu vắng chung chánh niệm và một thiếu vắng của niềm vui trong kỷ luật tu hành. Khi tâm thức bạn hòa trộn với pháp, khi bạn đã trở thành một con người của pháp, bấy giờ sự nối kết đã thành. Bởi thế, bạn không có vấn đề với lười biếng. Nhưng nếu bạn chưa tạo thành sự nối kết này, chắc chắn sẽ có một số vấn đề.

Chúng ta có thể bàn luận tinh tấn theo mặt phát triển niềm vui và cảm kích đối với cái chúng ta đang làm. Đó cũng giống như có một cuộc đi chơi ngày nghỉ : bạn rất hào hứng khi dậy vào sáng sớm vì bạn mong chờ một kinh nghiệm kỳ thú lớn lao. Tinh tấn giống như giây phút trước khi bạn thức dậy cho chuyến đi chơi : bạn có cảm giác tin tưởng rằng bạn sắp có một thời gian thích thú, nhưng đồng thời bạn phải đặt sự cố gắng của bạn vào đó. Thế nên tinh tấn là một loại lễ hội và niềm vui, nó thoát khỏi lười biếng.

Có nói trong kinh điển rằng không có tinh tấn bạn không thể du hành chút nào trên con đường. Chúng ta cũng đã nói nếu không có đôi chân giới luật, bạn không thể đi trên con đường đạo – nhưng thậm chí bạn có đôi chân ấy, nếu bạn không có tinh tấn, bạn không thể bước được bước nào. Tinh tấn bao gồm một ý nghĩa tự đẩy mình từng bước, từng chút một. Bạn thực sự nối kết mình với con đường khi bạn đi trên đó. Tuy nhiên, bạn cũng kinh nghiệm cảm giác kháng cự nào đó. Nhưng sự cưỡng chống này có thể được vượt thắng bằng cách vượt thắng lười biếng, bằng cách thôi ở yên trong sự tiêu khiển của sự nói tầm phào lăng nhăng thuộc tiềm thức của bạn, những tư tưởng lan man phóng dật và tính xúc cảm đủ mọi loại.

Điểm bốn về sự tu tâm nhằm đến sự hoàn thành sự tu hành của bạn trong toàn thể đời sống của bạn, từ hoàn cảnh bạn đang sống bây giờ cho đến lúc chết. Thế nên chúng ta đang bàn bạn có thể làm cái gì khi bạn còn sống và khi bạn chết. Hai châm ngôn này là những giáo huấn về cách làm thế nào hướng dẫn cuộc đời bạn.

17. Hãy thực hành năm sức mạnh. Những giáo huấn tâm yếu cô đọng

Chúng ta có năm loại yếu tố phát huy năng lực, hay năm sức mạnh, để cho chúng ta có thể thực hành kỷ luật bồ tát suốt toàn bộ cuộc đời chúng ta : quyết tâm mạnh mẽ, quen thuộc, hạt giống đức hạnh, khiển trách và nguyện vọng.

Quyết tâm mạnh mẽ

Thứ nhất là quyết tâm mạnh mẽ. Bạn quyết tâm hộ trì Bồ đề tâm hai phần. Hành giả cần luôn luôn có thái độ duy trì Bồ đề tâm – đời này, năm này, tháng này, ngày này. Quyết tâm mạnh mẽ nghĩa là không phí thì giờ của bạn. Đó cũng là biến nó thành một điểm mà bạn và sự thực hành là một. Thực hành là cách thức của bạn để làm cho bạn mạnh mẽ. Đôi khi bạn thức dậy buổi sáng, đặc biệt nếu bạn có một tối ngủ trễ hay bạn đã đi dự tiệc, bạn cảm thấy rất yếu ớt, có sự bất định nào đó. Hoàn toàn có thể bạn thức dậy với một sự lơ lửng, cảm thấy rất tội lỗi. Bạn tự hỏi hay mình đã ngu ngốc trong đêm trước, hay mình đã làm những điều không thể chấp nhận được. Bạn tự hỏi người khác nghĩ về bạn thế nào và bắt đầu sợ rằng họ có thể mất đi sự kính trọng đối với bạn hay họ xác nhận sự yếu đuối của bạn. Bạn lo phiền trong tình huống như vậy.

Ý tưởng sức mạnh thứ nhất là khi bạn mở mắt và nhìn ra cửa sổ, ngay khi bạn thức dậy, bạn tái xác định quyết tâm mạnh mẽ của bạn tiếp tục với sự thực hành Bồ đề tâm. Và bạn cũng làm điều đó khi bạn nằm xuống giường lúc cuối ngày, khi bạn nghĩ lại về công việc ban ngày của bạn, những vấn đề của nó, những ngăn trở của nó, những sung sướng của nó, và mọi thứ tốt xấu xảy ra. Khi bạn ngủ chập chờn, bạn nghĩ với quyết tâm mạnh mẽ rằng ngay khi bạn thức dậy bạn sẽ duy trì sự thực hành của bạn với sự tinh tấn liên tục, nó có nghĩa là niềm vui. Thế nên bạn có một cảm thức nào đó nhìn đến ngày mai, một thái độ nhìn đến ngày mai của bạn khi bạn thức dậy buổi sáng.

Quyết tâm mạnh mẽ nối kết với sự phát triển một thái độ hướng đến sự thực hành của bạn, nó hầu như giống với việc đang rơi hoàn toàn vào tình yêu. Bạn muốn đi vào giường với người yêu của bạn ; bạn cũng mong mỏi điều đó. Bạn có một cảm thức cảm kích và hoan hỷ ; bởi thế, sự thực hành của bạn không trở thành sự hành hạ hay khổ sở, nó không trở thành một cũi nhốt. Thay vì thế, sự thực hành của bạn trở thành một cách tự làm mình hưng phấn, hoan hỷ thường trực. Sự thực hành của bạn đòi hỏi một số nỗ lực, một số tự thúc đẩy, nhưng bạn đã nối kết tốt, thế nên bạn vui lòng thức dậy sớm vào buổi sáng và bạn vui lòng vào giường buổi tối. Ngay cả giấc ngủ của bạn cũng đáng giá ; bạn ngủ trong một khung cảnh tốt của tâm thức. Ý nghĩa là người ta đánh thức dậy sự tốt đẹp nền tảng, nguyên lý alaya và nhận thức rằng bạn đang ở điểm đúng, sự thực hành đúng. Thế nên có một cảm thức vui tươi trong quyết tâm mạnh mẽ, đó là sức mạnh thứ nhất.

Sự quen thuộc

Sức mạnh thứ hai được biết là sự quen thuộc. Bởi vì bạn đã phát triển quyết tâm mạnh mẽ, mọi sự trở thành một tiến trình tự nhiên. Cho dù đôi khi bạn không tỉnh thức, cho dù bạn mất tập trung hay tỉnh giác, những tình huống sẽ nhắc nhở bạn trở lại với thực hành của mình. Đây là một tiến trình của sự quen thuộc trong đó sự nói chuyện nhảm nhí thuộc tiềm thức nhưng mang tính cách giáo pháp của bạn bắt đầu có quyền lực hơn sự nói chuyện nhảm nhí thuộc tiềm thức bình thường của bạn. Bồ đề tâm đã trở thành nền tảng quen thuộc trong bất cứ điều gì bạn làm – hoặc xấu hoặc tốt hay trung tính. Thế là bạn thường quen với Bồ đề tâm như một thấu hiểu đang tiến triển.

Lại nữa, tiến trình này tương tự với chuyện đang yêu. Khi có ai nói đến tên người yêu của bạn, bạn cảm thấy cả khổ đau lẫn hạnh phúc. Bạn xoay hướng về cái tên người ấy và về bất cứ cái gì liên hệ đến chàng hay nàng. Cũng cách ấy, khuynh hướng tự nhiên của chánh niệm-tỉnh giác, khi ý niệm về vô ngã đã tiến hóa trong tâm thức bạn, là sự chớp sáng vào Pháp. Bạn quen thuộc với nó. Nói cách khác, bạn không nhìn Pháp như một thực thể ngoại tại nữa mà bạn bắt đầu nhận thức rằng Pháp là một tư tưởng chủ nhà, một lời nói chủ nhà, một hoạt động chủ nhà. Mỗi khi bạn mở một chai rượu vang hay mở nắp một chai Coca hay uống một ly nước – bất kỳ điều gì bạn làm đều trở thành một sự nhắc cho nhớ. Bạn không thể thoát khỏi nó ; nó trở thành một hoàn cảnh, một tình huống tự nhiên.

Thế nên bạn học được cách sống với sự minh mẫn của bạn. Điều này rất gay go đối với nhiều người vào lúc đầu, nhưng khi bạn bắt đầu thấu hiểu rằng sự minh mẫn là phần của hiện thể bạn, bấy giờ không có vấn đề gì. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng bạn muốn có một sự phá vỡ, đứt đoạn. Bạn muốn bỏ chạy và có một cuộc nghỉ lễ với sự minh mẫn của bạn. Bạn muốn làm một cái gì khác. Tuy nhiên, sức mạnh căn bản của bạn bắt đầu có quyền năng hơn, đến độ cái hư hỏng hay sự mất trí căn bản của bạn được chuyển thành chánh niệm và thấu suốt và bạn quen thuộc với sự thức tỉnh.

Hạt giống đức hạnh

Thứ ba là hạt giống đức hạnh. Bạn có một mong mỏi lớn lao trong mọi lúc, thế nên bạn không có một nghỉ ngơi tách lìa khỏi sự thức tỉnh của bạn. Nói một cách căn bản nghĩa là không có một đứt đoạn với sự thực hành của bạn, mà tiếp nối liên tục – không bằng lòng với cái bạn đang làm và không để có một gián đoạn. Bạn không cảm thấy bạn đã đủ với “nó” hay bạn phải làm cái gì khác ngoài “nó”.

Đến điểm này, sự loạn thần của bạn về tự do cá nhân và những quyền con người có thể xảy ra. Bạn có thể bắt đầu nghĩ “Tôi có quyền làm bất cứ điều gì tôi muốn và tôi muốn lặn xuống đáy địa ngục. Tôi thích, tôi muốn điều đó.” Loại phản ứng đó có thể xảy ra. Nhưng bạn cần đẩy bạn khỏi đáy địa ngục – và chính bạn. Bạn cần hiểu rằng bạn không thể để cho mình thua cơn bệnh sợ hãi nhỏ trong sự minh mẫn của riêng bạn. Trong trường hợp này, đức hạnh nghĩa là thân, ngữ và tâm bạn đều được hồi hướng cho sự truyền bá, nhân giống Bồ đề tâm ở trong chính bạn.

Khiển trách

Thứ tư là khiển trách, khiển trách cái ngã của bạn. Đó là sự khiếp sợ đối với sanh tử. Bất cứ khi nào một tư tưởng chấp ngã xảy ra, bạn cần nghĩ, “Chính vì sự chấp ngã như vầy mà tôi lang thang trong sanh tử và chịu khổ đau không dứt. Bởi vì chấp ngã là nguồn gốc của khổ đau, nếu tôi cố gắng duy trì bản ngã, thì không bao giờ có hạnh phúc. Bởi thế tôi phải thuần hóa bản ngã càng nhiều càng tốt.” Thậm chí nếu bạn muốn tự nói dối với chính mình, bạn nên nói theo lối đó. Thật ra đôi khi sự nói dối với chính mình rất được khuyến khích, nhưng rõ ràng nó tùy thuộc vào bạn nói cái gì với chính mình. Trong trường hợp này, bạn được khuyến khích nói với bản ngã của bạn : “Mày đã tạo ra rắc rối kinh khủng cho tao, và tao không thích mày. Mày đã gây ra cho tao quá nhiều rắc rối bằng cách làm cho tao lang thang trong ba cõi thấp của sanh tử. Tao không muốn lẩn quẩn với mày chút nào. Tao sắp tiêu diệt mày. Cái “mày” này – dù sao, mày là ai ? Hãy biến đi ! Tao không thích mày.”

Nói chuyện với bản ngã của bạn, tự khiển trách mình theo cách ấy, là rất ích lợi. Đáng nên tắm dưới vòi sen và nói với mình theo cách ấy. Đáng nên ngồi trên chỗ toa lét và nói với mình theo cách ấy. Nó là một việc rất tốt cho bạn khi bạn đang lái xe. Thay vì bật nhạc rock lên, bạn hãy bật lên sự trách cứ bản ngã của bạn và nói với chính bạn. Nếu bạn đang đi cùng với người nào, bạn có thể cảm thấy bối rối, nhưng bạn vẫn có thể thì thầm với chính bạn. Đây là cách tốt nhất để trở thành một bồ tát hướng ngoại.

Nguyện vọng

Thứ năm là nguyện vọng. Hành giả cần chấm dứt mỗi thời thực hành thiền định với ao ước (1) cứu độ tất cả chúng sanh – bằng chính mình, đơn thương độc mã, (2) không quên Bồ đề tâm hai phần, ngay cả trong giấc mộng, và (3) áp dụng Bồ đề tâm bất kể những hỗn loạn và chướng ngại có thể khởi lên. Bởi vì bạn đã kinh nghiệm niềm vui và sự phấn khởi trong thực hành của bạn, nó không còn được cảm thấy như một gánh nặng cho bạn. Bởi thế, bạn ước nguyện hơn nữa và hơn nữa. Bạn sẽ muốn đạt đến giác ngộ. Bạn thích giải phóng mình khỏi cơn loạn thần. Bạn cũng muốn phụng sự cho tất cả “chúng sanh là mẹ của mình”(1) suốt khắp mọi thời gian, mọi hoàn cảnh, vào mọi lúc. Bạn sẵn sàng phụng sự cho bất cứ nguyên nhân xứng đáng nào nó sẽ giúp ích cho phần còn lại của thế giới. Đây là loại nguyện vọng căn bản y như phát thệ nguyện bồ tát. Đó cũng là giáo huấn chung về việc trở thành một người rất “mềm dẻo”, rất dễ thích ứng, đến độ toàn thể thế giới có thể sử dụng bạn như là một căn cứ làm việc để cho sự hưởng thụ trí huệ và an vui của họ.

 

Xem mục lục