Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

XIII. ÁC TÁNH BẤT THỌ NHÂN NGỮ[156]


A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-thiểm-di.[157] 

Bấy giờ, Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà [158] vì tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác, lại nói các tỳ-kheo rằng: «Các ngài chớ nên nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức, thôi đi, đừng nên nói gì nữa! Các Đại đức sao lại dạy tôi? Tôi đáng dạy Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác. Ví như nước lớn từ đầu cuốn trôi các cây cỏ dồn lại một chỗ. Các Đại đức cũng lại như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập họp lại một chỗ. Cũng như gió lớn thổi các cây cỏ gom lại một chỗ. Các Đại đức cũng như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập hợp lại một chỗ. Bởi vậy, các Đại đức không đáng dạy tôi. Tôi đáng dạy các Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.»

Khi ấy, trong các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà:

«Sao lại ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác? Lại nói với các tỳ-kheo rằng: ‹Các ngài chớ nên nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng nên nói gì nữa! Các Đại đức sao lại dạy tôi? Tôi đáng dạy Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác. Ví như nước lớn từ đầu cuốn trôi các cây cỏ dồn lại một chỗ. Các Đại đức cũng lại như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập họp lại một chỗ. Cũng như gió lớn thổi các cây cỏ gom lại một chỗ. Các Đại đức cũng như vậy, đủ mọi dòng họ, đủ các tên gọi, đủ các gia tộc xuất gia, tập hợp lại một chỗ. Bởi vậy, các Đại đức không đáng dạy tôi. Tôi đáng dạy các Đại đức. Tại sao vậy? Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.›»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này Xiển-đà, sao lại ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác,… như trên cho đến, Thánh chúa của tôi chứng đặng Chánh giác.›»

Đức Thế tôn quở trách Xiển-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:

Cho phép Tăng trao cho Xiển-đà tỳ-kheo pháp bạch tứ yết-ma ha gián. Pháp quở trách can gián như vầy: trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo Xiển-đà này vì tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác. Các tỳ-kheo đã khuyên can như pháp những điều học giới, nhưng tự mình trở thành người không thể nói chuyện, bảo các tỳ-kheo rằng: ‹Các đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại đức thôi đi, khỏi cần phải dạy tôi.› Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Này Xiển-đà, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Xiển Đà, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe. Tỳ-kheo Xiển-đà này do tánh ngoan cố nên không nhận lời khuyên của người khác. Các tỳ-kheo đã khuyên can như pháp những điều trong giới học, nhưng tự mình trở thành người không thể nói chuyện, bảo các tỳ-kheo rằng: ‹Các đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại đức thôi đi, khỏi cần phải dạy tôi.› Nay Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp ha gián cho bỏ việc này, rằng: ‹Này Xiển-đà, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Xiển-đà, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp ha gián cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói. Đây là yết-ma lần đầu. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).

«Tăng đã trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp ha gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»

Nên can gián như vậy rồi Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp bạch tứ yết-ma can gián khiến cho bỏ việc này rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu có các Tỳ-kheo khác do tánh ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác, thì Tăng cũng trao cho pháp bạch tứ yết-ma can gián như vậy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới tập mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn nói giới nên nói như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, có tánh ngoan cố không nhận lời khuyên của người khác. Khi được các tỳ-kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: ‹Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức thôi đi, đừng can gián tôi.› Các tỳ-kheo can gián tỳ-kheo ấy rằng: ‹Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại đức hãy tự thân nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau.› Tỳ-kheo này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.

C. THÍCH TỪ
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tánh ngoan cố không nhận lời của người:[159] không nhẫn chịu, không thọ nhận lời người khác dạy bảo.

Lấy giới luật như pháp dạy bảo: có bảy tụ vi phạm: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.

Như pháp: đúng pháp, đúng luật, đúng lời Phật dạy. Nếu tỳ-kheo với tánh ngoan cố, không chấp nhận lời của người, các tỳ-kheo lấy giới luật như pháp để giáo thọ.

Tự thân không thể cùng nói: «Đại đức [600a1] chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu, tôi cũng không nói với đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Đại đức thôi đi, chớ can gián tôi.»[160] 

D. PHẠM TƯỚNG
Tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này rằng: «Đại đức, chớ tự mình trở thành người không thể nói chuyện. Hãy tự mình trở thành người có thể nói chuyện. Đại đức, ngài nên như pháp can gián các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cũng nên như pháp can gián ngài. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, trao đổi dạy bảo nhau, trao đổi can gián nhau, trao đổi sám hối với nhau. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»

Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, nên lại phải tha thiết nói: «Đại đức, Tăng đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn có một yết-ma nữa. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách lại phạm trọng tội.»

Nếu vị ấy nghe theo thì tốt, bằng không nghe lời nên tác pháp yết-ma lần thứ ba. Tác yết-ma lần thứ ba rồi, tăng-già-bà-thi-sa.

Bạch và yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá. Bạch và yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai thâu-lan-giá. Nếu bạch xong mà bỏ thì phạm một thâu-lan-giá. Nếu bạch chưa xong mà bỏ thì phạm đột-kiết-la. Nếu trước khi chưa bạch, ngoan cố không nhận lời khuyên bảo của người khác, thảy đều đột-kiết-la. 

Khi Tăng tác pháp quở trách can gián lại có tỳ-kheo khác bảo: «đừng bỏ!» Tỳ-kheo này phạm thâu-lan-giá. Nếu chưa tác pháp quở trách can gián thì phạm đột-kiết-la. Nếu khi Tăng tác pháp can ngăn quở trách có tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ!» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Nếu trước khi chưa tác pháp quở trách can gián thì cô ni phạm đột-kiết-la. 

Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác bảo: «đừng bỏ!» Quở trách, không quở trách đều phạm đột-kiết-la. 

Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Yết-ma phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp chúng, phi pháp, phi luật. Phi lời Phật dạy. Tất cả trước khi chưa can gián thì không phạm. Nếu bị người vô trí quở trách can gián, mà nói với người ấy rằng: «Việc làm của Hòa thượng, A-xà-lê của ông cũng như vậy. Ông hãy nên học hỏi, tụng kinh thêm.» Hoặc việc kia là như vậy. Hoặc nói giỡn chơi, hoặc nói gấp gáp, hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hay muốn nói việc này nhầm nói việc kia thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục