X. PHÁ TĂNG
A. DUYÊN KHỞI
1. CÁC VƯƠNG TỬ HỌ THÍCH
Một thời, đức Phật ở A-nô-di-giới, nước Di-ni-sưu.[101] Bấy giờ, các hào tộc Thích tử với đức tin kiên cố, theo đức Thế tôn cầu xuất gia. Bấy giờ, có hai anh em họ Thích. Một người tên là A-na-luật.[102] Người kế tên là Ma-ha-nam .[103] A-na-luật được mẹ yêu mến, không muốn rời xa mắt. Bà cho xây cất cung điện ba mùa xuân, hạ, đông, và cung cấp các thể nữ để cho mặc tình hưởng thụ ngũ dục.
Khi ấy, Ma-ha-nam nói với A-na-luật:
«Hiện nay con cháu hào tộc của giòng họ Thích do tín tâm kiên cố thảy đều theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Riêng nhà ta không có một người nào xuất gia. Anh hãy trông coi gia nghiệp, từ việc công đến việc tư, em xin giao hết. Em muốn xuất gia. Nếu anh không thể được thì em sẽ duy trì gia nghiệp để anh đi xuất gia.»
A-na-luật nói:
«Hiện tại, anh không thể xuất gia. Em có thể đi đi.»
Ma-ha-nam nói như vậy ba lần. A-na-luật cũng trả lời như vầy:
«Anh không thể xuất gia.»
Ma-ha-nam nói với A-na-luật:
«Nếu anh không thể xuất gia thì em cáo bạch để cho anh duy trì gia nghiệp. Anh trông coi người làm, sửa sang nhà cửa, phụng sự tôn trưởng và các người thân tộc; ra vào nơi vương sở, với oai nghi lễ tiết phải như vậy; cày ruộng, gieo trồng sao cho đúng thời vụ.»
A-na-luật bảo:
«Những điều em vừa nói, hết sức là phiền toái. Anh không thể kham được. Tại sao em không nói, anh hãy mặc tình hưởng thụ ngũ dục, còn việc nhà cửa em sẽ lo liệu? Anh muốn vì lòng tin theo Thế tôn cầu xuất gia.»
Ma-ha-nam nói:
«Anh cần đến từ giã mẹ.»
A-na-luật liền đến chỗ mẹ, thưa:
«Mẹ nghe con nói. Hiện nay các con cái dòng họ Thích tử đều có người xuất gia. Riêng nhà mình không có người nào đi xuất gia. Nay con muốn đến chỗ đức Thế tôn cầu xin xuất gia. Nếu mẹ cho phép, con sẽ xuất gia tu hạnh thanh tịnh.»
Bà mẹ nói:
«Mẹ chỉ có hai đứa con. Tình yêu thương rất sâu đậm. Một chút cũng không muốn xa rời con mắt. Nay làm sao để cho con xuất gia được? Cho đến chết, còn không muốn rời, huống là còn sống mà lại cách biệt!»
A-na-luật ba lần như vậy thưa mẹ xin xuất gia. Bà mẹ cũng như vậy ba lần từ chối: «Mẹ không để con đi!»
A-na-luật ba lần cầu xin mẹ đi xuất gia. Bà liền suy nghĩ: «Nên làm cách nào để khiến con đừng đi xuất gia?» Rồi bà lại nghĩ: «Thích tử Bạt-đề[104] được mẹ rất yêu mến, tất không cho xuất gia. Ta nên nói với A-na-luật: ‹Nếu mẹ của Bạt-đề cho Bạt-đề xuất gia thì mẹ cũng sẽ cho con xuất gia.›» Nghĩ như vậy rồi, bà nói với A-na-luật. A-na-luật nghe mẹ nói như vậy, liền đến chỗ Bạt-đề, nói:
«Anh nay biết không? Các Thích tử đều xuất gia. Song chúng ta chưa có người xuất gia. Hai người chúng ta có thể cùng nhau đi xuất gia.»
Bạt-đề bảo:
«Tôi không kham xuất gia. Anh muốn xuất gia thì tùy ý.»
A-na-luật ba lần khuyên. Bạt-đề cũng ba lần trả lời:
«Tôi không xuất gia.»
A-na-luật bảo:
«Hôm nay, việc xuất gia của tôi một phần tùy thuộc nơi anh.»
Bạt-đề đáp lại:
«Tại sao việc xuất gia của anh một phần tùy thuộc tôi?»
A-na-luật đáp:
«Tôi xin phép mẹ xuất gia. Mẹ tôi nói với tôi: ‹Nếu con có thể khiến Bạt-đề xuất gia thì mẹ sẽ cho con đi xuất gia.› Lý do là vậy.»
Bạt-đề bảo:
«Được rồi. Anh chờ một chút, để tôi đi thưa với mẹ tôi.»
Bạt-đề tử liền đến chỗ mẹ, quỳ mọp thưa:
«Nay mẹ có biết không? Các con nhà họ Thích đều xuất gia. Duy chỉ có một nhà mình là không. Nay tin tưởng muốn theo Thế tôn cầu xuất gia. Mẹ cho con đi!»
Bà mẹ bảo:
«Mẹ không cho con xuất gia. Vì sao? Mẹ chỉ có một mình con. Mẹ rất thương yêu, không muốn xa con dù chỉ trong chốt lát. Cho đến khi chết mẹ cũng không muốn rời, huống là hiện sống mà phải cách biệt.»
[591a1] Bạt Đề thưa xin xuất gia như vậy ba lần. Bà mẹ cũng ba lần trả lời không thuận cho.
Bà mẹ thấy con lòng rất chí thiết, nên tự nghĩ: «Ta sẽ làm cách nào để khiến con ta đừng xuất gia?» Rồi bà suy nghĩ: «Mẹ của A-na-luật rất yêu mến con của bà. Tất không cho con xuất gia. Nếu mẹ của A-na-luật cho con xuất gia thì ta cũng cho con ta đi xuất gia.» Nghĩ như vậy rồi liền nói với Bạt-đề:
«Nếu mẹ của A-na-luật cho con của bà đi xuất gia thì mẹ cũng sẽ cho con đi xuất gia.»
Khi ấy, Bạt-đề Thích tử đến chỗ A-na-luật nói:
«Mẹ tôi đã cho tôi đi xuất gia. Chúng ta nay có thể hoãn thời gian bảy năm để ở tại nhà, hưởng thụ ngũ dục đến mức tối đa, sau đó sẽ xuất gia.»
A-na-luật bảo:
«Bảy năm lâu quá, mạng người vô thường.»
Bạt-đề lại nói:
«Không thể bảy năm thì có thể sáu năm, hoặc năm, bốn, hai, một năm ở tại nhà để thụ hưởng ngũ dục.»
A-na-luật lại nói:
«Một năm lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.»
Bạt-đề nói:
«Không thể một năm thì có thể bảy tháng, để thụ hưởng ngũ dục.»
A-na-luật nói:
«Bảy tháng lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.»
Bạt-đề nói:
«Không chịu nói bảy tháng thì sáu, năm, bốn, ba, hai, một tháng để chúng ta cùng nhau thụ hưởng ngũ dục.»
A-na-luật nói:
«Một tháng lâu quá. Tôi không thể chịu nổi, vì mạng người vô thường.»
Bạt-đề tử nói:
«Nếu không thể một tháng thì có thể trong bảy ngày, để cùng nhau hưởng thụ dục lạc.»
A-na-luật nói:
«Bảy ngày thì không xa. Nếu hết bảy ngày mà anh có thể xuất gia thì tốt, bằng không thì tôi sẽ xuất gia.»
Rồi trong bảy ngày đó các Thích tử cùng nhau thụ hưởng ngũ dục với mức tối đa theo ý mình. Khi hết bảy ngày, Thích tử A-na-luật, Thích tử Bạt-đề, Thích tử Nan-đề, Thích tử Kim-tỳ-la, Thích tử Nan-đà, Thích tử Bạt-nan-đà, Thích tử A-nan-đà, Thích tử Đề-bà-đạt, ông thợ cạo Ưu-ba-ly là người thứ chín, đều tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thoa nơi thân, chải tóc, mang châu anh lạc, cỡi voi ngựa lớn ra thành Ca-tỳ-la-vệ. Nhân dân trong nước thấy các Thích tử, cùng nhau bàn nói:
«Các Thích tử này trước đây thường tắm rửa thân thể, mang đồ anh lạc, cỡi voi ngựa lớn vào trong vườn dạo chơi, hôm nay chắc cũng vậy.»
Khi các Thích tử cỡi voi lớn đến bên trong ranh giới, xuống voi, cỡi y phục, chuỗi anh lạc, và luôn cả voi, ngựa trao cho Ưu-ba-ly nói rằng:
«Nhà ngươi thường nương nhờ chúng tôi để sống. Nay, chúng tôi xuất gia. Cho nhà ngươi y phục quý báu và voi lớn này để nhà ngươi làm phương tiện nuôi sống.»
Khi các Thích tử tiến về phía trước, đến A-nậu-di,[105] nước Di-ni; ở phía sau, Ưu-ba-ly trong lòng suy nghĩ: «Ta vốn nhờ Thích tử nầy mà có được sự sống. Nay với lòng tin họ bỏ ta, theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Nay ta hãy theo họ xuất gia. Nếu họ có sở đắc thì ta cũng sẽ đắc.»
Ưu-ba-ly liền dùng tấm lụa trắng gói y phục quý báu và anh lạc lại, đem treo trên cây cao, với ý nghĩ: «Ai đến lấy thì cho.» Ưu-ba-ly tiến đến chỗ các Thích tử và thưa họ rằng:
«Sau khi quý vị đi, tôi liền khởi ý nghĩ: ‹Ta vốn nhờ Thích tử nầy mà có được sự sống. Nay với lòng tin họ bỏ ta, theo Thế tôn cầu xin xuất gia. Nay ta hãy theo họ xuất gia. Nếu họ có sở đắc thì ta cũng sẽ đắc.›»
Khi ấy, các Thích tử cùng Ưu-ba-ly dẫn nhau đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, lui đứng qua một bên, bạch với đức Phật:
«Bạch Thế tôn! Chúng con đã được cha mẹ cho phép xuất gia. Cúi xin Đại đức cho chúng con được xuất gia. Cúi mong Thế tôn, độ cho Ưu-ba-ly trước nhất. Vì sao? Vì chúng con có nhiều kiêu mạn và muốn trừ kiêu mạn ấy.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn, trước hết độ cho Ưu-ba-ly, kế đến độ Thích tử A-na-luật, kế đến Thích tử Bạt-đề, kế đến Thích tử Nan-đề, kế đến Thích tử Kim-tỳ-la, kế đến Thích tử Nan-đà. Ưu-ba-ly thọ đại giới là bậc Thượng tọa trên hết. Khi ấy, có vị đại Thượng tọa tên là Tỳ-la-trà,[106] độ riêng Thích tử A-nan-đà. Ngoài ra các thượng tọa khác độ Thích tử Bạt-nan-đà, và Thích tử Đề-bà-đạt
Khi đức Thế tôn độ các Thích tử rồi, Ngài bảo họ đến nước Chiêm-bà. Sau khi các Thích tử nhận sự giáo thọ của đức Thế tôn và các Thượng tọa rồi, đến nước kia, mỗi người đều tự tư duy, chứng tăng thượng địa. Đề-bà-đạt-đa đặng thần tức. Khi ấy, Bạt-đề Thích tử ở một mình nơi a-lan-nhã, dưới bóng cây, trong bãi tha ma, tu tập tư duy. Đến cuối đêm, lớn tiếng nói rằng: «Sung sướng thay! Sung sướng thay!» Các tỳ-kheo ở gần ở bên nghe và nghĩ: «Tỳ-kheo Bạt-đề này, vốn khi ở đời, thường hưởng thụ ngũ dục. Nay xả bỏ vinh hoa kia mà xuất gia hành đạo, sống một mình nơi a-lan-nhã, dưới bóng cây, trong bãi tha ma, đến cuối đêm, tự mình nói rằng: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› Thích tử Bạt-đề nầy há không phải nhớ lại lúc còn ở nhà hưởng thụ ngũ dục nên tự nói: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!›?»
Sáng hôm sau, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày rõ ràng với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo một tỳ-kheo:
«Ông đến gọi gấp Tỳ-kheo Bạt-đề đến đây!»
Tỳ-kheo vâng lời đức Phật, đến nói với tỳ-kheo Bạt-đề rằng:
«Đức Thế tôn kêu người đến gấp.»
Tỳ-kheo Bạt-đề liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn biết mà vẫn có hỏi Bạt-đề:
«Có thật ông một mình ở nơi a-lan-nhã, trong bãi tha ma, dưới bóng cây, rồi đến giữa đêm tự kêu lên: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› ?»
Bạt-đề thưa:
«Bạch Thế tôn, có thật như vậy.»
Phật hỏi Bạt-đề:
«Ông quan sát ý nghĩa gì mà tự kêu lên: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!›?»
Bạt-đề thưa:
«Trước đây, khi con ở nhà, bên trong lẫn bên ngoài thường được tự hộ vệ bằng đao gậy. Với sự vệ hộ như vậy mà còn có sự sợ hãi. Sợ kẻ giặc bên ngoài đến xâm đoạt mạng sống của con. Nhưng, nay con ở một mình nơi a-lan-nhã, dưới gốc cây, trong bãi tha ma, cho đến giữa đêm mà không thấy có sự sợ hãi nào, lông trong người không hề dựng đứng. Bạch Thế tôn, con nghĩ đến cái lạc của sự xuất ly, cho nên tự nói: ‹Sung sướng thay! Sung sướng thay!› như thế.»
Thế tôn liền khen:
«Lành thay, lành thay, thiện gia nam tử! Điều đó thích hợp để ông chí tín xuất gia, vui hạnh thanh tịnh.»
2. NHÂN DUYÊN A-XÀ-THẾ
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ.
Lúc ấy, Vua Bình-sa[107] không có con. Vua liền tập hợp các bà-la-môn có khả năng về tướng số, khiến họ xem tướng các phu nhơn. Nhà Vua nói: «Người xem tướng các phu nhơn nầy, ai sẽ sanh được con.»
Bà-la-môn xem tướng xong, tâu:
«Phu nhơn trẻ, khỏe mạnh này sẽ sanh con. Nhưng sẽ là kẻ thù của Vua.» Vua nghe nói như vậy rồi, đêm đó cùng giao hợp với phu nhơn này. Bà ấy liền có thai. Sau đó, sanh một nam tử, tướng mạo đoan chánh. Vì khi chưa được sanh, bà-la-môn đã đoán định, nó sẽ là kẻ thù của Vua. Vì duyên cớ ấy cho nên đặt tên là Vị Sanh Oán .[108]
Vương tử này theo thời gian trưởng thành. Đề-bà-đạt-đa dùng sức thần thông khiến Vương tử hâm mộ.
Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ rằng: «Ta cần nuôi đồ chúng.»
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ở tại nước Câu-thiểm-tỳ.[109] Trong nước đó có một người tên là Ca-hưu-câu-la Tử.[110] Mạng chung, không bao lâu, ông này đã sanh hóa vào trong cõi trời Hoá tự tại[111]. Lúc ấy, Ca-hưu Thiên tử , vào giữa đêm, đến chỗ Đại Mục-kiền-liên, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, bạch với Mục-liên rằng:
«Tâm của Đề-bà-đạt-đa muốn làm ác, nên sanh ý niệm: ‹Ta [592a1] muốn nuôi đồ chúng.›»
Ca-hưu Thiên tử nói như vậy rồi, đảnh lễ, nhiễu quanh, xong biến mất.
Khi đêm đã qua, Mục-liên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế tôn hỏi Mục-liên:
«Ý ông nghĩ thế nào, như lời Ca-hưu Thiên tử nói, đúng thật chứ không nhầm lẫn chăng?»
Mục-liên thưa:
«Bạch Thế tôn, đúng như vậy.»
Đức Thế tôn bảo Mục-liên:
«Chớ nói như vậy. Ta không thấy có lời nói nào của Chư thiên, người đời các Ma, Phạm vương, Sa-môn, Bà-la-môn mà là như thật, không sai trái. Chỉ trừ có lời nói của Như Lai là không hư dối.»[112]
Đức Phật bảo Mục-liên:
«Ở đời có năm việc tối tôn (sẽ nói ở sau[113]).»
Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đến chỗ A-xà-thế, dùng sức thần thông bay lên hư không; hoặc hiện thân nói pháp, hoặc ẩn thân nói pháp, hoặc hiện nửa thân nói pháp, hoặc thân tuôn ra khói, hoặc thân tuôn ra lửa; hoặc biến thân làm hài nhi, thân mang anh lạc,[114] ngồi lên đùi thái tử, rồi xoay nghiêng qua, mút ngón tay thái tử. Thái tử A-xà-thế thấy sự biến hóa này đâm ra hoãng sợ, lông trong người đều dựng ngược lên. Đề-bà-đạt-đa biết Thái tử hoảng sợ liền nói:
«Chớ sợ, chớ sợ!»
Thái tử hỏi:
«Ông là ai?»
«Tôi là Đề-bà-đạt-đa.»
Thái tử nói:
«Ông thật là Đề-bà-đạt-đa thì trở lại nguyên hình.»
Đề-bà-đạt-đa trở lại nguyên hình. Thái tử thấy rồi, liền tăng thêm lòng hâm mộ. Đã hâm mộ rồi, Thái tử lại tăng thêm sự cúng dường.
Bấy giờ, hằng ngày, A-xà-thế dùng năm trăm chiếc xe sáng chiều đến thăm hỏi và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống.
Khi các Tỳ-kheo nghe A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi Đề-bà-đạt-đa sáng chiều và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, họ liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:
«Các ông, nên tự nhiếp tâm chớ sanh lòng tham đắm[115] những thứ lợi dưỡng của Đề-bà-đạt-đa. Vì sao? Chính vì A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, nên làm cho Đề-bà-đạt-đa tăng thêm ác tâm. Ví như nam tử, đánh vào lỗ mũi con chó dữ, khiến cho chó kia càng thêm hung ác. Các Tỳ-kheo nên biết, ở đây cũng như vậy. Chính hằng ngày A-xà-thế dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống, nên khiến cho ác tâm của Đề-bà-đạt-đa tăng thêm vậy.»
Lúc ấy, Vua Bình-sa nước Ma Kiệt nghe biết A-xà-thế hằng ngày dùng năm trăm chiếc xe đến thăm hỏi sáng chiều, và cung cấp năm trăm chõ đồ ăn thức uống cho Đề-bà-đạt-đa. Vua Bình-sa, hằng ngày cũng dùng bảy trăm chiếc xe đến thăm hỏi đức Thế tôn, và cung cấp bảy trăm chõ đồ ăn thức uống.
Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa nghe Vua Bình-sa dùng bảy trăm chiếc xe sáng chiều đến thăm hỏi đức Thế tôn, và cung cấp bảy trăm chõ đồ ăn thức uống. Do vì lợi dưỡng nên sanh tâm tật đố, Đề-bà-đạt-đa liền mất thần thông, bèn khởi ý nghĩ như vầy: «Nay ta nên chờ khi nào Phật cùng đại chúng hội hợp sẽ đến trước đức Phật, tha thiết thưa rằng: ‹Thế tôn tuổi đã già nua, thọ mạng hơn người, học đạo cũng lâu, nên yên sống nơi nhàn tịnh, mặc nhiên tự thủ. Đức Thế tôn là chủ của các pháp, nên phú chúc Tăng cho con, con sẽ chăm sóc.›»
Nghĩ như vậy rồi, Đề-bà-đạt-đa chờ đại chúng tập hợp, liền đem ý nghĩ đó trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo:
«Đối với Xá-lợi-phất, Mục-liên, ta còn không đem Tăng phú chúc cho, huống chi là đối với ông, người ngu si, mũi dãi đầy mình,[116] đâu có thể đem Tăng phú chúc cho ông được!»
Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa sanh ý niệm này: «Nay đức Thế tôn giữa đại chúng lại nói ta là người ngu si, mũi dãi đầy mình.» Do vậy, Đề-bà-đạt-đa liền sanh tâm bất nhẫn. Đây là lần đầu trong đời này, Đề-bà-đạt-đa sanh tâm bất nhẫn đối với Thế tôn.
Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa đến chỗ A-xà-thế, nói:
«Đức Vua dùng chánh pháp trị dân cho nên được trường thọ. Sau khi Phụ vương băng hà thì ngài mới được lên ngôi. Lúc ấy, tuổi ngài đã già nua, sẽ không hưởng thụ ngũ dục được lâu. Nay ông hãy giết cha. Tôi sẽ giết Phật. Lúc bấy giờ, quốc giới Ma-kiệt có Vua mới, Phật mới trị nước giáo hóa, đâu há không vui sao?»
Vương tử bảo rằng:
«Có thể vậy.»
Vương tử liền hỏi Đề-bà-đạt-đa:
«Ngài cần những gì ?»
Đề-bà nói:
«Tôi cần một số người.»
Vương tử liền cung cấp người.
Đề-bà-đạt-đa sai hai người đến hại Phật, dạy rằng:
«Ngươi đến giết Phật rồi, đi về bằng con đường khác.»
Sau khi sai hai người ấy đi rồi, Đề-bà-đạt-đa lại sai bốn người nữa đi với lời dặn:
«Các ngươi đón đầu hai người kia. Gặp chúng thì giết. Rồi theo con đường khác mà về.»
Tiếp đó, lại sai tám người, cũng dặn:
«Các ngươi đón đầu bốn người kia. Gặp chúng giữa đường thì giết. Rồi theo con đường khác mà về.»
Cứ như vậy Đề-bà-đạt-đa lần lượt sai gấp đôi người lên, cho đến sáu mươi bốn người. Như vậy, đầu mối bị cắt đứt, không thể phân biệt, không biết ai hại Thế tôn.
Lúc bấy giờ, đức Thế tôn ngồi trong hang Trư khảm;[117] từ trong hang nầy đi ra, kinh hành dưới sườn núi. Đức Phật tự nghĩ rằng: «Nhân duyên Ta làm xưa kia, ngày hôm nay là kỳ hẹn.»
Khi ấy, hai người nhận lệnh của Đề-bà-đạt-đa liền mặc áo giáp, cầm đao trượng đi đến đức Thế tôn. Cả hai người đều tâm niệm: «Ta sẽ hại Phật.» Vừa sanh ý niệm này, tức thời không thể bước tới được. Họ liền nghĩ: «Thế tôn có đại thần đức, oai lực vô lượng. Chính đệ tử của Ngài cũng có thần lực. Chúng ta đâu có thể hại được đức Thế tôn.» Vừa sanh ý nghĩ này thì liền bước đến được. Từ xa, họ thấy tướng mạo đức Thế tôn đoan chánh, các căn tịch tịnh, được sự điều phục tối thượng, tịch diệt đệ nhất, các căn kiên cố, như con long tượng đã được huấn luyện, ý không thác loạn, như nước lóng trong, trong ngoài đều thấu suốt. Họ thấy như vậy, liền phát tâm hoan hỷ, buông bỏ đao trượng, vất vào một chỗ, tiến đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế tôn tuần tự vì hai người nói pháp vi diệu, khiến họ phát tâm hoan hỷ, khuyên họ tu thiện, nói bố thí, nói trì giới, nói tạo phước sanh thiên; quở trách dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất ly. Hai người ngay nơi chỗ ngồi, hết các trần cấu, đặng pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, liền bạch Phật rằng:
«Từ nay về sau, chúng con xin thọ ba tự quy: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, làm người ưu-bà-tắc . Từ nay cho đến trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.»
Khi ấy, đức Thế tôn bảo hai người rằng:
«Các ngươi muốn trở về, nên đi con đường kia, không nên đi con đường này.»
Hai người liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi cáo lui.
Khi về đến chỗ Đề-bà-đạt-đa, họ báo cáo:
«Đức Thế tôn có đại thần lực, oai lực vô lượng. Đệ tử của ngài cũng có thần lực. Chúng tôi đâu có thể hại Thế tôn được.»
Đề-bà-đạt-đa đáp lại:
«Các ngươi hãy cút đi, diệt đi! Cần gì các ngươi? Tại sao hai người mà không thể giết một người?»
Đề-bà-đạt-đa đang trong cơn thịnh nộ ấy, đích thân đến núi Kỳ-xà-quật, tự tay mình cầm một tảng đá lớn, từ xa ném đức Thế tôn. Khi ấy, có một vị trời liền đón viên đá đặt lên trên đỉnh núi. Từ bên mép tảng đá đó, có một mảnh nhỏ văng ra, nhằm vào ngón chân Phật, làm chợt da chảy máu. Khi ấy, đức Thế tôn như con đại long quay nhìn bên hữu và nói:
«Chuyện chưa từng có! Người họ Cù-đàm lại làm việc này.»
Khi ấy, đức Thế tôn trở vào trong hang, tự lấy tăng-già-lê xếp thành bốn lớp làm gối, nằm nghiêng bên hữu như con sư tử, hai gót chân chồng lên nhau, nhất tâm nhẫn thọ sự đau nhức cực kỳ.
Lúc bấy giờ, [593a1] một số đông tỳ-kheo nghe việc Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật; mỗi người cầm gậy, đá, bảo vệ quanh hang, lớn tiếng kêu réo. Phật từ trong hang nói ra, bảo các tỳ-kheo, ‹Các ông làm gì mà cầm gậy, đá đi quanh hang la lối như bọn người đánh cá la lối khi bắt được cá vậy?»
Các tỳ-kheo bạch Phật rằng:
«Vừa rồi, chúng con nghe Đề-bà-đạt-đa muốn đến hại Phật. Bởi vậy, chúng con cầm gậy, đá đến nơi hang. Sợ oan gia đến hại Thế tôn.»
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các ông hãy trở về chỗ nghỉ, chuyên tâm tu tập. Pháp thường của chư Phật không cần được che chở. Vì sao? Vì đã thắng các oán địch. Tỳ-kheo các ông nên biết, Chuyển luân thánh vương mà bị hại bởi kẻ thù từ bên ngoài, là điều không thể có. Như Lai cũng lại như vậy. Không có trường hợp các điều ác đến hại Như Lai.»
Rồi Phật bảo các tỳ-kheo:
«Trong đời có năm hạng Tôn sư :[118] Những gì là năm?
«Hoặc có Tôn sư giới không thanh tịnh, tự xưng rằng: ‹Ta giới thanh tịnh.› Nhưng các đệ tử thân cận biết như thật điều đó nên nói: ‹Thầy của ta giới không thanh tịnh mà tự xưng là giới của ông thanh tịnh. Nếu ta đến nói với hàng bạch y, thầy của ta sẽ không vui. Thầy không vui thì không nên nói. Cứ để cho Thầy nhận sự cúng dường của thí chủ, sau đó sẽ tự biết.› Như vậy, nầy các tỳ-kheo, pháp của vị tôn sư trong đời kia là đệ tử vì giới mà bảo vệ. Thầy mong cầu đệ tử bảo vệ.
«Thứ hai, này các tỳ-kheo, hoặc có tôn sư hoạt mạng không thanh tịnh[119] mà tự xưng, ‹Ta hoạt mạng thanh tịnh.›... nói như trên.
«Thứ ba, này các tỳ-kheo, hoặc có người kiến huệ không thanh tịnh[120] mà tự xưng, ‹Ta kiến huệ thanh tịnh.›... nói như trên.
«Thứ tư, hoặc có người ngôn thuyết không thanh tịnh,[121] mà tự xưng, ‹Ta ngôn thuyết thanh tịnh.›... nói như trên.
«Thứ năm, hoặc có người ở ngoài pháp luật,[122] mà tự xưng, ‹Ta thanh tịnh ở trong pháp luật.›... nói như trên.
«Như vậy, nầy các tỳ-kheo, trong đời có năm loại được coi là pháp của tôn sư.
«Này các tỳ-kheo! Nay, Ta trì giới thanh tịnh cũng tự nói là: ‹Ta trì giới thanh tịnh.› Không khiến đệ tử bảo vệ Ta. Ta cũng không cầu đệ tử bảo vệ.
«Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta hoạt mạng thanh tịnh, và cũng tự nói là, ‹Ta mạng thanh tịnh.›... nói như trên.
«Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta kiến huệ của ta thanh tịnh, và xưng là, ‹Ta kiến huệ thanh tịnh.›... nói như trên.
«Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta ngôn thuyết thanh tịnh, cũng tự nói là: ‹Ta ngôn thuyết thanh tịnh.›... nói như trên.
«Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Ta ở trong pháp luật, cũng tự xưng là ‹Ta ở trong pháp luật.›... nói như trên.»
Khi ấy, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Các ông hãy sai Xá-lợi-phất cáo tri cho đại chúng bạch y biết rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Nên bạch nhị yết-ma. Sai người biết làm yết-ma. Như sự việc trên mà tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Đây là lời tác bạch.»
«Đại đức Tăng lắng nghe. Tăng nay sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm› thì im lặng. Ai không đồng ý, hãy nói.»
«Tăng đã chấp thuận, Tăng sai tỳ-kheo Xá-lợi-phất đến đại chúng bạch y cáo tri rằng, ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm đều không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Nên biết, đó là điều do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm› Vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.»
Xá-lợi-phất nghe lời nói nầy rồi, tâm sanh nghi, liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, thưa:
«Bạch Thế tôn, làm sao con có thể đến chúng bạch y nói việc xấu của ông ấy? Vì sao? Trước đây, con trước các bạch y đã khen ngợi điều hay của Đề-bà-đạt-đa rằng, ‹Xuất gia từ dòng họ lớn, thông minh, có đại thần lực, nhan mạo đoan chánh.›»
Phật bảo Xá-lợi-phất:
«Trước đây ông khen ngợi Đề-bà-đạt-đa rằng, ‹Xuất gia từ dòng họ lớn, thông minh, có đại thần lực, nhan mạo đoan chánh.› Sự thật có phải vậy không?»
Xá-lợi-phất thưa:
«Bạch Đại đức, sự thật là như vậy.»
«Cho nên, này Xá-lợi-phất, nay ông nên đến trong đại chúng bạch y, nói: ‹Trước đây Đề-bà-đạt-đa là như vậy, ngày nay là như vậy. Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.›»
Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời đức Phật dạy rồi, đến trong đại chúng bạch y, nói, «Trước đây Đề-bà-đạt-đa là như vậy, ngày nay là như vậy. Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng. Đó là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.»
Khi ấy trong đại chúng có một số người chấp nhận Đề-bà-đạt-đa thì nói, «Sa-môn Thích tử vì sự cúng dường nên sanh tâm đố kỵ. Họ không vui khi Đề-bà-đạt-đa được sự cúng dường, cho nên nói giữa đại chúng rằng: ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa làm không phải là việc của Phật, Pháp, Tăng mà là do Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.›»
Trong đó những người hâm mộ Phật thì nói: «Hoặc có thể Đề-bà-đạt-đa đã làm, hoặc mới đương làm.»
Lúc bấy giờ, A-xà-thế bí mật dấu con dao bên trong chiếc áo, vội vàng lén vào trong cung để giết cha. Người giữ cửa phát giác, lục thấy trong người của A-xà-thế dấu một con dao, hỏi:
«Thái tử dấu con dao nầy đề làm gì?»
A-xà-thế trả lời:
«Ta muốn vào cung để hại Vua.»
Người giữ cửa hỏi:
«Ai dạy ông, sanh tâm như vậy?»
Vương tử nói:
«Đề-bà-đạt-đa dạy ta.»
Khi ấy, người giữ cửa liền đẫn đến chỗ các Đại thần, và báo cáo:
«A-xà-thế muốn hại Vua.»
Các Đại thần hỏi:
«Ai dạy ông điều đó?
Vương tử trả lời:
«Đề-bà-đạt-đa dạy tôi.»
Trong số các Đại thần có vị nói:
«Sa-môn họ Thích đều làm việc nầy. Phải giết hết.»
Có Đại thần lại nói:
«Không phải tất cả Sa-môn họ Thích đều làm việc ác. Đây chỉ là việc làm của Vương tử và Đề-bà-đạt-đa. Phải giết những người này.»
Có Đại thần lại nói:
«Không phải tất cả Sa-môn họ Thích đều làm việc ác. Đây chỉ là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế. Tuy là tội đáng chết, nhưng không nên giết. Vì sao vậy? Vua là vị vương trọng pháp, khi nghe ắt không vui.»
Khi ấy, người giữ cửa liền dẫn đến chỗ Vua Bình-sa, tâu:
«A-xà-thế nầy muốn hại Vua.»
Vua hỏi:
«Ai bảo ngươi làm điều đó?»
Vương tử thưa:
«Đề-bà-đạt.»
Trong số các Đại thần có vị nói:
«Sa-môn họ Thích tất cả đều làm việc nầy. Phải giết hết.»
Nhà Vua nghe câu nói nầy lòng không vui. Trong các Đại thần có người nói:
«Sa-môn Thích tử không phải làm ác hết, không nên giết hết. Đây chỉ là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, thì nên giết họ mà thôi.»
Nhà Vua nghe lời nói nầy, lòng cũng không vui.
Trong số Đại thần, có vị nói:
«Sa-môn Thích tử không làm ác hết, không nên giết hết. Đây là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế. Hai người tuy đáng chết nhưng không nên giết. Tại sao vậy? Nhà Vua là vị pháp vương, khi nghe ắt người không vui.»
Vua Bình Sa hài lòng với ý kiến nầy, bảo các thần rằng:
«Tất cả Sa-môn Thích tử nầy không hẳn đều là ác, bởi vậy không nên giết hết. Đây là việc làm của Đề-bà-đạt-đa và A-xà-thế, song cũng không nên giết. Tại sao vậy? Trước đây đức Phật đã khiến Xá-lợi-phất báo khắp giữa đám đông rằng: ‹Những gì Đề-bà-đạt-đa đã làm, không phải việc của Phật, Pháp, Tăng mà là Đề-bà-đạt-đa tự ý làm.› Cho nên, không nên giết.»
Sau khi phụ vương quở trách Thái tử A-xà-thế rồi, bảo các Đại thần:
Có thể tha thứ cho Thái tử A-xà-thế.»
Sau đó liền thả cho đi.
Khi ấy, các Đại thần cùng nhau lớn tiếng nói:
«A-xà-thế làm việc tày trời, đáng chết, tại sao chỉ quở trách sơ [594a1] rồi thả?»
Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại bảo A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan tràn, lợi dưỡng bị đoạn tuyệt. Đề-bà-đạt-đa cùng đồng bọn gồm năm người đến từng nhà khất thực. Người thứ nhất tên là Tam-văn-đạt-đa; người thứ hai tên là Kiền-trà-đạt-ba; người thứ ba tên là Cấu-bà-ly; người thứ tư tên Ca-lưu-la-đê-xá[123] và bản thân của Đề-bà-đạt-đa là người thứ năm.
Khi ấy, các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, lại bảo A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan tràn, lợi dưỡng đoạn tuyệt, cùng đồng bọn năm người đến từng nhà khất thực, liền đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn, một cách đầy đủ. Đức Thế tôn vì nhân duyên này liền tập hợp đại chúng. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa:
«Có thật ông dẫn bốn người đến từng nhà khất thực hay không?»
Đề-bà-đạt-đa thưa:
«Đúng như vậy, bạch Thế tôn.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa:
«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao ông riêng rẽ dẫn bốn người đến từng nhà khất thực. Ta đã dùng vô số phương tiện nói, ‹Các ngươi hãy thương tưởng nhà bạch y.› Nay sao ông riêng rẽ dẫn bốn người đến từng nhà khất thực?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa rồi, liền bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau không được ăn riêng chúng, được phép cho đến ba người cùng ăn.[124] Có hai điều lợi nên phải như vậy. Một là vì nhiếp phục người khó điều phục. Hai là vì từ mẫn đối với nhà bạch y. Tại sao vậy? Vì sợ hạng người khó điều phục kia tự cấu kết tạo chúng riêng để gây phiền não chúng Tăng.»
Đề-bà-đạt-đa liền sanh ý niệm này: «Điều chưa từng có! Sa-môn Cù-đàm lại đi cắt miếng ăn của kẻ khác. Ta hãy phá Tăng luân[125] của ông ta. Sau khi ta qua đời có thể để lại tiếng là, ‹Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực, trí tuệ vô ngại, mà bị Đề-bà-đạt-đa phá Tăng luân của ông ta.›»
3. PHÁ TĂNG LUÂN
Rồi thì, Đề-bà-đạt-đa liền đến các tỳ-kheo đồng bạn nói rằng:
«Nay chúng ta có thể cùng nhau phá Tăng luân của Cù-đàm. Sau khi chúng ta chết có thể để lại tiếng là, ‹Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực, trí tuệ vô ngại, mà bị Đề-bà-đạt-đa phá Tăng luân của ông ta.›»
Khi ấy, một đồng bạn của Đề-bà-đạt-đa là Tam-văn-đạt-đa, trí tuệ tài cao, phát biểu:
«Sa-môn Cù-đàm có đại thần lực. Cho đến đồ chúng đệ tử cũng lại như vậy. Làm sao chúng ta có thể phá được Tăng luân của người?»
Đề-bà-đạt-đa nói:
«Như Lai thường khen nói hạnh đầu-đà , thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly. Nay, ta có năm pháp cũng là thắng pháp của đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly: trọn đời khất thực, trọn đời mặc y phấn tảo, trọn đời ngồi nơi đất trống, trọn đời không ăn muối,[126] trọn đời không ăn cá thịt.[127] Nay, ta trì năm pháp này giáo hóa các tỳ-kheo đủ khiến cho họ tin ưa. Ta sẽ nói với các tỳ-kheo: ‹Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi người tu hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, ưa xuất ly. Nay, chúng ta có năm pháp cũng là thắng pháp đầu đà: trọn đời khất thực,… cho đến không ăn thịt cá. Hãy cùng nhau thực hành điều đó.› Tỳ-kheo tuổi nhỏ chắc sẽ thọ giáo. Tỳ-kheo thượng tọa sẽ ngại không tín thọ. Do phương tiện nầy có thể phá được Tăng luân kia.»
Bấy giờ, Tam-văn-đạt-đa nói với Đề-bà-đạt-đa rằng:
«Nếu làm như vậy, đủ để phá Tăng luân kia.»
Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa liền dùng năm pháp trên, dạy các tỳ-kheo:
«Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi người tu hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly. Nay, chúng ta có năm thắng pháp, cũng là hạnh đầu đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly: chúng ta trọn đời khất thực, trọn đời mặc y phấn tảo, trọn đời ngồi nơi đất trống, trọn đời không ăn muối, cá và thịt.»
Lúc bấy giờ, số đông tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa dùng năm pháp như vậy dạy các tỳ-kheo, khiến họ tin ưa... chi tiết như trên.
Các tỳ-kheo nghe rồi, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Hiện nay, Đề-bà-đạt-đa muốn đoạn bốn Thánh chủng.[128] Những gì là bốn? Ta thường dùng vô số phương tiện nói, y phục cốt nhắm đến tri túc. Ta cũng khen nói, y phục cốt nhắm đến tri túc. Ta cũng dùng vô số phương tiện nói, thức ăn, giường nằm và ngọa cụ, thuốc thang để chữa bệnh cần nhắm đến tri túc. Các tỳ-kheo nên biết, nay Đề-bà-đạt muốn đoạn bốn thánh chủng.»
Rồi đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn cố hỏi Đề-bà-đạt-đa:
«Có thật ông dùng năm pháp dạy các tỳ-kheo hay chăng?» … chi tiết như trên.
Trả lời:
«Đúng vậy, bạch Thế tôn.»[129]
Bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa:
«Tại sao ông dùng năm pháp dạy các tỳ-kheo... (như trên). Này Đề-bà-đạt-đa, ông chớ nên đoạn bốn thánh chủng, (4 thánh chủng như trên đã nói). Này Đề-bà-đạt-đa, nay ông chớ nên phương tiện phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt phương tiện phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Ông nên cùng Tăng hòa hiệp, không tranh chấp, cùng một thầy học như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có ích, sống an lạc. Bởi vậy cho nên, này Đề-bà-đạt-đa, ông nên biết, phá hòa hiệp Tăng là điều ác, gian nan, mắc đại trọng tội. Phá hòa hiệp Tăng đọa trong Nê-lê một kiếp, thọ tội không thể cứu vớt.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khiến cho tâm phá Tăng của Đề-bà-đạt-đa tạm chấm dứt. Ngài dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạt-đa rồi bảo các tỳ-kheo:
«Cho phép Tăng trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián, can gián để bỏ sự việc này bằng cách bạch tứ yết-ma.»
Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, như trên đây mà tác bạch như sau:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa này muốn phương tiện phá hòa hiệp Tăng, kiên trì không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng châp thuận cho pháp ha gián để bỏ việc này, nói rằng, ‹Đề-bà-đạt-đa, ông chớ phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đề-bà-đạt-đa, ông nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng nhất như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới sống an lạc.› Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đề-bà-đạt-đa này muốn thọ pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Nay Tăng trao cho pháp ha can gián để bỏ sự việc này. ‹Đề-bà-đạt-đa, ông chớ phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ. Đề-bà-đạt-đa, ông nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng nhất như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới sống an lạc.› Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất. » (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận trao cho Đề-bà-đạt-đa pháp ha gián để bỏ [595a1] việc nầy rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.»
Nên làm pháp ha gián như vậy, Tăng vì Đề-bà-đạt-đa làm pháp bạch tứ yết-ma ha gián như vậy rồi, các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn bảo:
«Nếu có tỳ-kheo nào khác phương tiện muốn phá hòa hợp Tăng, cũng dùng pháp bạch tứ yết-ma ha gián này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, muốn phá hoại hòa hợp Tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp Tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp Tăng, kiên trì không bỏ.[130] Các Tỳ-kheo nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại đức chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt phá hoại hoài hợp Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức, nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.› Tỳ-kheo ấy được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy, cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
D. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Hòa hiệp: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới.[131]
Tăng: có bốn tỳ-kheo, có năm tỳ-kheo, hoặc mười tỳ-kheo, cho đến vô số.
Phá: phá có mười tám việc: pháp, phi pháp, luật, phi luật, phạm, không phạm, hoặc nhẹ, hoặc nặng, có dư tàn, không dư tàn, thô ác, chẳng phải thô ác, thường sở hành, phi thường sở hành, chế, phi chế, thuyết, phi thuyết. Đó là mười tám việc.
Trụ pháp phá Tăng:[132] tức là trụ nơi mười tám việc này.
D. PHẠM TƯỚNG
Nếu tỳ-kheo tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng,[133] chấp chặt pháp phá Tăng[134] kiên trì không bỏ tỳ-kheo kia nên can gián[135] tỳ-kheo này rằng, ‹Đại đức chớ tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức nên cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc. Đại đức nên bỏ việc này, đừng để Tăng tác pháp ha gián mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt; bằng không nghe lời thì lại nên khiến tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc Đại thần của Vua, các Sa-môn khác đạo, bà-la-môn đến nói. Nếu tỳ-kheo ở nơi khác mà nghe biết vị này tin dùng lời nói của họ thì nên đến nhờ nói.
Nếu vị này nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác bạch.[136] Tác bạch rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác bạch xong, còn các pháp yết-ma nữa. Nay ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt; bằng không nghe lời nên tác sơ yết-ma, rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác sơ yết-ma rồi, còn hai yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng vì ngài tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác yết-ma lần thứ hai, rồi lại nói: «Đại đức, tôi đã tác yết-ma lần thứ hai rồi, còn một yết-ma nữa. Ngài nên bỏ việc này, đừng để Tăng vì ngài tác yết-ma mà phạm trọng tội.» Nếu vị ấy bỏ thì tốt, bằng không bỏ thì tác pháp yết-ma lần thứ ba. Trao xong, vị ấy phạm tăng-già-bà-thi-sa.
Yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bắt đầu tác bạch chưa xong mà bỏ, phạm một đột-kiết-la. Nếu tất cả chưa tác bạch, khi tiến hành muốn phá hòa hợp Tăng, chấp chặt phá hòa hợp Tăng kiên trì không bỏ, tất cả phạm đột-kiết-la.
Nếu khi Tăng đang tác yết-ma ha gián cho người phá Tăng mà có tỳ-kheo khuyến khích «Đừng bỏ.» Tỳ-kheo ấy phạm thâu-lan-giá. Nếu không phải là ha gián, tỳ-kheo ấy phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni xúi: «Đừng bỏ.» Cô ni này phạm thâu-lan-giá. Chưa tác pháp ha gián, cô ni xúi: «Đừng bỏ.» Cô ni ấy phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác xúi «Đừng bỏ.» Những người ấy phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni phạm tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phạm đột-kiết-la. Đó là phạm.
Sự không phạm: bắt đầu can gián liền bỏ. Nếu phi pháp biệt chúng tác pháp ha gián; phi pháp hòa hợp chúng tác pháp ha gián; pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp, phi pháp, phi luật, phi giáo giới của Phật. Nếu tất cả chưa tác pháp ha gián. Hoặc vì phá ác hữu, ác tri thức; hoặc vì phá phương tiện muốn phá Tăng, can ngăn khiến không phá; hoặc phá phương tiện trợ việc phá Tăng; hai, ba người yết-ma; hoặc muốn tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni; hoặc vì Tăng, vì tháp, vì hai Hòa thượng, đồng Hòa thượng, vì A-xà-lê, đồng A-xà-lê, vì tri thức, làm tổn giảm, làm không có trú xứ. Vì những mục đích này mà phá, thì không phạm,
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.