Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

VIII. VÔ CĂN BÁNG


A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, có Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử [83] đắc A-la-hán, đang thiền tọa tư duy tại chỗ thanh vắng, tâm tự nghĩ rằng: «Thân này không bền chắc. Nay ta nên dùng phương tiện nào để tìm cầu sự bền chắc?» Tôn giả lại nghĩ: «Nay ta nên tận lực cúng dường bằng cách phân phối ngọa cụ trong Tăng và theo thứ lớp mời Tăng đi phó trai chăng?»

Khi ấy, vào buổi xế chiều, Đạp-bà-ma-la Tử rời khỏi chỗ thiền tịnh, sửa lại y phục, đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế tôn:

«Vừa rồi, khi đang thiền tọa tư duy tại chỗ thanh vắng, con tự nghĩ rằng: ‹Thân này không bền chắc. Nay ta nên dùng phương tiện nào để tìm cầu sự bền chắc? Ta có nên tận lực cúng dường bằng cách phân phối ngọa cụ trong Tăng và theo thứ lớp mời Tăng đi phó trai chăng?›»

Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Nên sai Đạp-bà-ma-la Tử làm người phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi thọ thực.»

Bạch nhị yết-ma, trong chúng nên sai người có khả năng như đã nói, tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức tăng xin lắng nghe, nay Tăng sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngoạ cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi thọ thực. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai, thì im lặng; ai không đồng ý xin nói. 

«Tăng đã chấp thuận sai Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho Tăng, và theo thứ tự mời Tăng đi phó trai rồi, nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.»

Lúc ấy, Đạp-bà-ma-la Tử liền vì Tăng phân phối ngọa cụ. Những vị cùng ý hướng thì thành cộng đồng[84]: A-luyện-nhã cộng đồng với A-luyện-nhã, khất thực[85] cộng đồng với khất thực, nạp y cộng đồng với nạp y,[86] không làm pháp dư thực cộng đồng với không làm pháp dư thực,[87] nhất tọa thực cộng đồng với nhất tọa thực, ăn một vắt cộng đồng với ăn một vắt, ngồi nơi gò mả cộng đồng với ngồi nơi gò mả, ngồi nơi chỗ trống cộng đồng với ngồi nơi chỗ trống, ngồi dưới bóng cây cộng đồng với ngồi dưới bóng cây, thường ngồi cộng đồng với thường ngồi, tùy tọa cộng đồng với tùy tọa, ba y cộng đồng với ba y, bối-nặc[88] cộng đồng với bối-nặc, đa văn cộng đồng với đa văn, pháp sư cộng đồng với pháp sư, trì luật cộng đồng với trì luật, tọa thiền cộng đồng với tọa thiền.

Bấy giờ, nơi La-duyệt-kỳ có tỳ-kheo khách đến, Đạp-bà-ma-la Tử liền theo thứ tự thích hợp phân phối ngọa cụ. Khi ấy có một trưởng lão tỳ-kheo, xẩm chiều, lên núi Kỳ-xà-quật. Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử từ nơi tay phát ra ánh sáng để phân phối ngọa cụ. Tôn giả nói:

«Đây là phòng. Đây là giường dây. Đây là giường cây. Đây là nệm lớn, nệm nhỏ. Đây là gối nằm. Đây là đồ trải đất. Đây là ống nhổ. Đây là đồ đựng nước tiểu. Đây là nơi đại tiện. Đây là tịnh địa. Đây là bất tịnh địa.»

Đức Thế tôn khen ngợi rằng:

«Trong hàng đệ tử của ta, người phân phối ngọa cụ cho Tăng, Đạp-bà-ma-la Tử là đệ nhất.»

Khi ấy, có tỳ-kheo Từ Địa [89] đến thành La-duyệt. Đạp-bà-ma-la Tử phân phối ngọa cụ cho tỳ-kheo khách, tùy theo thứ bậc thích hợp, kể từ hàng Thượng tọa. Tỳ-kheo Từ Địa kia là bậc hạ tọa ở trong chúng, nên nhận được phòng xấu, ngọa cụ xấu. Từ Địa bèn nổi sân nhuế, nói: ‹Đạp-bà-ma-la Tử thiên vị, ưa thích người nào thì phân phối phòng tốt, ngọa cụ tốt. Người nào không ưa thích thì trao phòng xấu, ngọa cụ xấu. Tại sao chúng tăng lại sai người có sự thiên vị như vậy mà phân phối ngọa cụ của Tăng?›

Sáng hôm sau, Đạp-bà-ma-la Tử, mời chư Tăng theo thứ tự đi phó trai.

Khi ấy, trong thành La-duyệt, có một đàn-việt thường mỗi năm lại thết một bữa cơm ngon để cúng dường Tăng. Từ Địa tỳ-kheo hôm ấy đến phiên được mời đến đó. Nhà đàn-việt kia nghe Từ Địa tỳ-kheo sẽ đến thọ thực theo thứ tự. Họ bèn trải phu cụ tệ xấu ngoài ngõ để đón, tọa cụ và thức ăn cũng tồi tệ dùng để thiết đãi. Tỳ-kheo Từ Địa nhận được thức ăn xấu như vậy lại càng sân nhuế, nói:

«Đạp-bà-ma-la Tử thiên vị, ưa thích người nào thì phân phối phòng tốt, ngọa cụ tốt. Người nào không ưa thích thì trao phòng xấu, ngọa cụ xấu. Ông không ưa chúng tôi nên trao cho tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Sáng hôm nay vì không thích chúng tôi nên lại mời chúng tôi đến thọ thức ăn tồi. Tại sao chúng tăng lại sai tỳ-kheo có thiên vị như vậy là người vì Tăng phân phối ngọa cụ và mời Tăng đi phó trai?»

Bấy giờ, trong thành La-duyệt, có một tỳ-kheo-ni tên là Từ,[90] em gái của tỳ-kheo Từ Địa, nghe tỳ-kheo Từ Địa đến thành La-duyệt, liền đến chỗ tỳ-kheo thăm hỏi:

«Đi đường xa có mệt nhọc không? Có vất vả lắm không?» 

Với những lời thăm hỏi tốt đẹp như vậy, mà tỳ-kheo Từ Địa làm thinh không trả lời. Cô Tỳ-kheo-ni hỏi:

«Thưa đại đức! Em có lỗi gì mà Đại đức không đáp?»

Tỳ-kheo Từ Địa nói:

«Cần gì nói chuyện với cô? Tôi đang bị Đạp-bà-ma-la Tử quấy nhiễu, mà cô không thể trợ giúp tôi.»

Cô tỳ-kheo-ni hỏi:

«Muốn em làm những phương tiện gì để khiến Đạp-bà-ma-la Tử không quấy nhiễu Đại đức?» 

Tỳ-kheo Từ Địa nói:

«Cô chờ khi nào Phật và Tăng tỳ-kheo họp, đến giữa chúng nói như vầy: ‹Thưa Chư Đại đức! Thật là điều không thiện, không thích hợp, không tốt đẹp, không tùy thuận, điều không nên, không hợp thời! Tôi vốn nương vào nơi không có sự sợ sệt, sự ưu não, tại sao ngày nay lại sanh sợ sệt ưu não? Tại sao trong nước lại sanh ra lửa? Đạp-bà-ma-la Tử nầy [588a1] đã phạm đến tôi.› Chúng Tăng liền hòa hợp làm pháp diệt tẩn. Như vậy, y không còn đến gây quấy nhiễu anh nữa.»

Cô tỳ-kheo-ni nói:

«Điều này có khó gì? Em có thể làm được.»

Rồi thì, tỳ-kheo-ni Từ đến giữa Tăng,… được nói như trên.[91]

Lúc ấy, Đạp-bà-ma-la Tử ngồi cách Đức Phật không xa. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi 

«Ông có nghe những gì tỳ-kheo-ni này nói hay chăng?» 

Tôn giả thưa:

«Bạch Thế tôn con có nghe. Thế tôn biết điều đó.» 

Đức Thế tôn bảo:

«Nay không nên trả lời như vậy. Thật thì nói là thật. Không thật thì nói không thật.»

Đạp-bà-ma-la Tử nghe đức Thế tôn dạy như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên hữu, quỳ gối phải xuống đất, chấp tay bạch phật:

«Con từ khi sanh đến nay chưa từng nhớ trong mộng hành bất tịnh, huống là đối với lúc tỉnh mà hành bất tịnh.»

Đức Thế tôn bảo:

«Lành thay, lành thay, Đạp-bà-ma-la Tử, ông nên nói như vậy.»

Khi ấy, đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Các ông nên kiểm vấn tỳ-kheo Từ Địa này. Chớ để có sự vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ cho Tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử là người thanh tịnh này. Nếu vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ thì mắc trọng tội.»

Các tỳ-kheo thưa rằng:

«Thật vậy, bạch Thế tôn.»

Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, tìm đến chỗ tỳ-kheo Từ Địa để kiểm vấn gốc ngọn:

«Việc này thế nào? Có thật vậy không? Chớ vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ. Tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử này là người thanh tịnh. Nếu vu khống bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ thì mắc trọng tội.»      

Khi tỳ-kheo Từ Địa bị các tỳ-kheo cật vấn, báo cáo rằng:

«Tôi biết Đạp-bà-ma-la Tử là người phạm hạnh thanh tịnh, không có việc làm như vậy. Nhưng tôi đến thành La-duyệt, ông ấy vì Tăng phân phòng xá, ngọa cụ; đã trao cho chúng tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Tôi liền sanh tâm bất nhẫn, nói: Đạp-bà-ma-la Tử có thiên vị. Thích ai thì phân cho phòng tốt, ngọa cụ tốt. Không thích ai thì phân cho phòng xấu, ngọa cụ xấu. Do không thích tôi nên chia cho tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu. Rồi theo thứ tự mời thọ thực thì lại mời tôi đến chỗ có thức ăn dở. Do vậy, tôi càng thêm oán hận bội phần, nói rằng: Tại sao Tăng lại giao cho người có thiên vị như vậy phân chia phòng, ngọa cụ và phân chia thứ tự mời đi thọ thực? Nhưng Đạp-bà-ma-la Tử này lại người phạm hạnh thanh tịnh, không có việc làm như vậy.»

Trong các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, hành hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách tỳ-kheo Từ Địa:

«Tại sao ông vu khống Đạp-bà-ma-la Tử là người phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ?»

Rồi các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp các tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ Địa:

«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao vu khống người phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ?»

Đức Thế tôn nói với các tỳ-kheo:

«Có hai hạng người nhất định vào địa ngục. Hoặc chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh; hoặc vu khống người chơn phạm hạnh bằng tội phi phạm hạnh không căn cứ. Hai hạng người nầy một mạch vào thẳng địa ngục.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ Địa rồi bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo Từ Địa này là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người phạm giới này đầu tiên. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, đối với tỳ-kheo không phải ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, tỳ-kheo này nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo nói như vậy, tăng-già-bà-thi-sa.

C. THÍCH NGHĨA     
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Sân nhuế: có mười ác pháp làm nhơn duyên cho nên sân. Trong mười pháp, mỗi một pháp đều làm phát sinh sân. 

Căn cứ : có ba căn. Căn cứ do thấy, căn cứ do nghe, căn cứ do nghi.

- Căn cứ do thấy: thật thấy phạm phạm hạnh; thấy trộm năm tiền hay hơn năm tiền; thấy đoạn mạng người. Nếu người khác thấy mà mình nghe từ họ thì gọi là căn cứ do thấy.

- Căn cứ do nghe: nếu nghe nói phạm phạm hạnh; nghe nói trộm năm tiền hay hơn năm tiền; nghe nói đoạn mạng người; nghe nói tự khen ngợi đắc pháp thượng nhơn. Nếu người kia nói mà nghe từ người khác thì gọi là căn cứ do nghe.

- Căn cứ do nghi: có hai loại sanh ra nghi, từ thấy sanh ra nghi, từ nghe sanh ra nghi. Từ thấy sanh nghi, như thấy cùng người nữ vào trong rừng, hay từ rừng đi ra, không có y, lõa hình, nam căn không trong sạch, thân bị nhớp; tay cầm dao có dính máu, cùng ác tri thức làm bạn. Đó gọi là từ thấy sanh ra nghi. Từ nghe sanh nghi, hoặc trong chỗ tối nghe tiếng giường kêu, hoặc nghe tiếng nệm cỏ chuyển động, hoặc nghe tiếng thân động, hoặc nghe tiếng thì thầm nói khẽ, hoặc nghe tiếng giao hội, hoặc nghe nói «Tôi phạm phạm hạnh»; nghe tiếng nói trộm năm tiền hay hơn năm tiền nghe tiếng nói «Tôi giết người»; hoặc nghe nói «Tôi được pháp thượng nhơn.» Đó gọi là từ nghe sanh nghi. 

Trừ ba căn nầy ra, nếu dùng pháp khác để vu khống, thì gọi là không căn cứ. 

D. PHẠM TƯỚNG
Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy phạm ba-la-di, không nghe phạm ba-la-di, không nghi phạm ba-la-di lại nói: «Tôi thấy, nghe, nghi, người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp vô căn để hủy báng, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy phạm ba-la-di, không nghe phạm ba-la-di, không nghi phạm ba-la-di, lại sanh ý tưởng thấy, nghe, nghi, sau đó quên mất ý tưởng nầy, nói: «Tôi thấy, nghe, nghi, người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp vô căn để vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di. Đối với người kia có nghi, sau đó lại nói, «Tôi trong đây không nghi.» Nhưng lại nói, «Tôi thấy, nghe, nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di, mà đối với người kia sanh nghi, sau đó lại quên mất nghi, bèn nói: «Tôi thấy, nghe, nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di, mà trong đây không nghi. Nhưng lại nói, «Tôi trong đây có nghi là tội phạm ba-la-di được thấy, được nghe, được nghi.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di. Trong đây không nghi, sau đó quên là đã không nghi, nhưng lại nói: «Tôi thấy, nghe, nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà [589a1] vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di, mà nói, «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Mà trong đó tưởng là thấy, sau đó quên ý tưởng nầy, lại nói, «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây có nghi, lại nói: Trong đây không có nghi. «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây có nghi, sau quên, lại nói: «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di. Trong đây không nghi, lại nói: Tôi có nghi. «Tôi nghe và nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.

Nếu người kia không thanh tịnh, nhưng không thấy người kia phạm ba-la-di Trong đây không nghi, sau đó quên điều không nghi, lại nói: «Tôi nghe, nghi người kia phạm ba-la-di.» Bằng pháp không căn cứ mà vu khống, tăng-già-bà-thi-sa.[92]

Nghe nghi cũng như vậy. (Trong đây có các câu, nhưng văn dài dòng không chép ra.)[93]

Nếu tỳ-kheo bằng bốn sự[94] không căn cứ để vu khống tỳ-kheo, nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. 

Trừ bốn ba-la-di, dùng các pháp phi tỳ-kheo khác để vu khống, nói: «Ông phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, với tâm giặc thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật xuất huyết, phi nhân, súc sanh, hai căn.»[95] Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. 

Ngoại trừ chẳng phải pháp tỳ-kheo nầy, lại dùng pháp không căn cứ khác để vu khống tỳ-kheo, theo trước mà phạm.

Nếu dùng tám pháp ba-la-di không căn cứ để vu khống tỳ-kheo-ni, nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. 

Trừ tám pháp ba-la-di này, mà dùng các phi pháp tỳ-kheo-ni không căn cứ khác, để hủy báng, rõ ràng, tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá. Nếu dùng dấu tay, thư, sai sứ, hoặc làm dấu hiệu mà được nhận thức rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa; không rõ ràng phạm thâu-lan-giá. 

Trừ pháp phi tỳ-kheo-ni, lại dùng pháp không căn cứ khác vu khống tỳ-kheo-ni, theo trước mà phạm. 

Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra nếu dùng tội không căn cứ vu khống người khác phạm đột-kiết-la. 

Tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: dùng căn cứ thấy, nghe, nghi mà nói sự thật, nói giỡn chơi, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc nầy nhầm nói việc khác thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục