Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

VI. LẬP THẤT NHỎ[54]


A. DUYÊN KHỞI
Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt-kỳ.[55] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng. Các tỳ-kheo người nước Khoáng dã,[56] nghe đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng, họ liền làm phòng xá lớn. Vì họ làm phòng xá lớn nên đòi hỏi nhiều công sức. Các tỳ-kheo ấy đi cầu xin khắp nơi, nói: «Cho tôi công thợ khéo; cung cấp cho tôi xe cộ và người đánh xe; cung cấp cho tôi cây, gỗ, tre, tranh, giây cột, v.v... »

Vì các tỳ-kheo khất cầu quá phiền hà, nên các cư sĩ mỗi khi từ xa, thấy tỳ-kheo đều quay xe tránh xa; hoặc lánh vào trong các đường hẻm, hoặc vào trong chợ búa, hoặc tự vào trong nhà, hay cúi đầu đi thẳng, không cho tỳ-kheo thấy mặt. Tại sao vậy? Vì sợ tỳ-kheo có sự khất cầu đòi hỏi.

Lại có một tỳ-kheo Khoáng dã muốn xây cất phòng xá; bèn tự mình chặt lấy cây để làm. Vị thần nương ở nơi cây đó có nhiều con cháu, khởi ý nghĩ: «Con cháu của ta đông, cây này là nơi che chở, nương tựa của ta, mà tỳ-kheo này chặt phá. Ta phải đánh tỳ-kheo này.» Rồi thần cây nghĩ trở lại: «Nay ta nếu trước không xét kỹ mà đánh tỳ-kheo, sợ e trái đạo lý. Ta nên đến chỗ đức Thế tôn, đem vấn đề này thưa rõ với Ngài. Nếu đức Thế tôn giáo sắc thế nào, ta sẽ phụng hành thế ấy.» Nghĩ rồi, liền đến chỗ đức Thế tôn, lạy dưới chân Phật, đứng qua một bên và đem vấn đề thưa rõ đức Thế tôn. Đức Thế tôn khen ngợi:

«Lành thay, ngươi đã không đánh vị tỳ-kheo trì giới. Nếu đánh thì mắc tội vô lượng. Nay ngươi nên đến dòng sông Hằng, nơi đó có một cây đại thọ tên là Ta-la. Vị thần nương ở cây đó vừa mạng chung. Ngươi có thể cư ngụ ở nơi đó.» Vị thần kia nghe xong, đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn, nhiễu ba vòng, rồi biến mất.

Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp[57] từ nước Ma-kiệt, hướng dẫn chúng đại tỳ-kheo năm trăm người, cùng đến nơi thành Khoáng dã, nghỉ lại một đêm, sáng ngày đắp y, bưng bát vào thành khất thực, bước đi đoan nghiêm, mắt nhìn đứng đắn, cử chỉ dáng điệu cùng chúng có khác.

Khi ấy, trong thành, các cư sĩ xa thấy tỳ-kheo bèn lánh vào đường hẻm, hay vào trong chợ búa, hoặc tự vào lại trong nhà, hoặc cúi đầu đi thẳng không cho tỳ-kheo thấy mặt. Tôn giả Ca-diếp thấy sự việc như vậy, bèn hỏi một người:

«Các cư sĩ nơi đây tại sao thấy tỳ-kheo tránh mặt, không cho tỳ-kheo thấy?» 

Người ấy nói với Tôn giả Ca-diếp rằng:

«Đức Thế tôn cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá riêng. Các tỳ-kheo khất cầu phương tiện nhiều nên gây phiền hà. Do vậy, mọi người đều tránh mặt.» 

Tôn giả Ca-diếp nghe như vậy rồi bùi ngùi không vui.

Lúc ấy, đức Thế tôn từ thành La-duyệt dẫn 1.250 vị Tỳ-kheo đến nơi thành Khoáng dã. Đến nơi, quý vị đều trải toà an toạ. Tôn giả Ca-diếp đến chỗ đức Thế tôn, lạy dưới chân Phật, đứng qua một bên, bày trống vai hữu, chấp tay, quỳ gối bạch Phật:

«Vừa vào thành khất thực, con thấy các cư sĩ, từ xa trông thấy các tỳ-kheo, họ đều tránh mặt... (nói đầy đủ như trên).» 

Tôn giả thưa xong, lạy dưới chân Phật, nhiễu ba vòng, rồi ra khỏi thành Khoáng dã. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo nơi thành Khoáng dã sanh tâm thù hận. Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng:

«Ta nhớ ngày trước, trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ này, có một vị thần đến nơi ta, cúi đầu lạy dưới chân, rồi đứng qua một bên, thưa với ta: ‹Đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo nơi Khoáng dã làm phòng xá riêng. Các ngươi khất cầu nhiều... (nói đầy đủ như trước).› Nay ta hỏi: Có thật các người làm phòng xá riêng, khất cầu nhiều như vậy chăng?»

Các tỳ-kheo trả lời: 

«Sự thật như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo:

«Tại sao các ngươi lấy cớ ta cho phép làm phòng xá riêng mà lại làm phòng xá lớn, để rồi đòi hỏi nhiều sự khất cầu phi pháp đối với vật khó kiếm?»

Đức Thế tôn quở trách các tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Xưa kia bên dòng sông Hằng nầy có một Phạm chí bện tóc ,[58] thường ở bên dòng sông, nhan sắc tiều tụy, hình thể gầy còm. Bấy giờ ta đến đó, chào hỏi xong, hỏi: ‹Tại sao hình thể của ông gầy còm, nhan sắc tiều tụy như thế?› Người kia trả lời Ta rằng: ‹Trong nước sông này có một Long vương tên là Ma-ni-kiền-đại.[59] Mỗi lần ra khỏi cung, nó đến chỗ tôi. Thân nó quấn quanh mình tôi. Đầu nó che trên tôi. Khi ấy, tôi nghĩ: Tánh của loài rồng rất bạo, sợ nó hại mạng tôi. Vì sự lo sợ này mà thân thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy thế nầy.› 

«Khi ấy Ta hỏi vị Phạm chí kia rằng: ‹Ngươi có muốn khiến con rồng đó thường ở trong nước, không đến chỗ người hay không?› 

«Phạm chí kia nói: ‹Thật sự tôi muốn con rồng đó đừng đến chỗ tôi.› 

«Ta liền hỏi Phạm chí: ‹Con rồng kia có chuỗi anh lạc[60] hay không?›

«Phạm chí đáp: ‹Dưới cổ nó có chuỗi ngọc châu anh lạc rất tốt.›

«Đức Phật nói với Phạm chí rằng: ‹Nếu con rồng kia, khi ra khỏi nước, đến chỗ ngươi, ngươi nên đứng dậy tiếp đón và nói: Long vương, hãy chờ! Hãy mang chuỗi anh lạc dưới cổ cho tôi. Nói xong rồi thì đọc kệ:

Nay ta cần chuỗi ngọc,

Anh lạc dưới cổ ngươi.

Hãy tỏ lòng tin ưa,

Cho ta viên ngọc đó.›

«Phạm chí ghi nhớ lời của Ta. Sau đó, khi Long vương từ trong nước ra, đến chỗ Phạm chí. Từ xa, Phạm chí trông thấy, liền đứng dậy nghinh đón và nói: ‹Hãy chờ chút, nầy Long vương! Xin vui lòng đưa cho tôi chuỗi ngọc dưới cổ.› 

«Phạm chí nói xong thuyết kệ:

Nay ta cần chuỗi ngọc,

Anh lạc dưới cổ ngươi.

Hãy tỏ lòng tin ưa,

Cho ta viên ngọc đó.

«Long vương bèn trả lời Phạm chí bằng bài kệ:

Của báu tôi có được, 

Do từ viên ngọc này;

Ông lại muốn cầu xin,

Thôi không gặp nhau nữa.

Đoan chánh, đẹp, tinh sạch,

Xin ngọc khiến tôi sợ;

Thôi không gặp nhau nữa,

Cho ông ngọc làm gì?

«Long vương tức thời trở lại cung, không xuất hiện đến nữa.» 

[585a1] Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền nói kệ:

Xin nhiều người không ưa,

Xin quá thành thù ghét;

Phạm chí xin ngọc rồng,

Rồng không trở lại nữa!

«Tỳ-kheo, các ngươi nên biết, cho đến súc sanh còn không ưa người xin, huống là đối với loài người, xin nhiều không nhàm chán mà không làm cho chán ghét? Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, riêng làm phòng xá lớn, có quá nhiều yêu sách... (nói đầy đủ như trước).» 

Đức Thế tôn lại bảo các tỳ-kheo:

«Xưa kia, một thuở nọ, ta ở nơi vườn Cấp-cô-độc, trong rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Khi ấy, có một tỳ-kheo[61] đến chỗ ta, cúi đầu lạy dưới chân, rồi ngồi qua một bên, ta hỏi thăm uỷ lạo rằng, ‹Các người sống có được an ổn không? Không khổ vì sự khất thực chăng?› 

«Tỳ-kheo ấy trả lời: ‹Chúng con sống được an ổn, không phải gặp sự khó khăn vì khất thực. Nhưng con ở trong rừng, có một điều lo ngại chính là, vào nửa đêm bọn chim kêu la bi thảm, làm rối loạn định tâm của con. Con khốn đốn vì việc này.›

«Đức Phật hỏi các tỳ-kheo: ‹Các ông có muốn bầy chim này không đến nơi rừng nầy nghỉ đêm nữa hay không?›

«Tỳ-kheo thưa với đức Phật: ‹Thật sự chúng con không muốn bầy chim ấy trở lại nghỉ đêm nơi rừng nầy nữa.›

«Đức Phật bảo các tỳ-kheo: ‹Các ông rình, khi nào bầy chim trở lại nghỉ đêm, nói với chúng nó rằng, Cho ta xin hai cái cánh, ta có việc cần dùng nó.›

«Lúc ấy,[62] các tỳ-kheo kia sau khi ghi nhớ lời dạy của Ta, bèn rình khi bầy chim kia trở lại nghỉ đêm nơi rừng; vào lúc nửa đêm, đến chỗ bầy chim kia, nói, ‹Nay ta cần dùng hai cái cánh của ngươi, ngươi đem cho ta đi!›

«Khi ấy, bầy chim, nghĩ thầm, ‹Tỳ-kheo này xin ta như vậy.› Nghĩ xong, liền bay ra khỏi rừng, từ đó không trở lại nữa.»

Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Các ông nên biết, cho đến loài cầm thú còn không thích bị người xin, huống là đối với người cầu xin đòi hỏi nhiều, mà không sinh chán ghét sao?

«Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, làm phòng xá lớn riêng, có qua nhiều yêu sách... (nói đầy đủ như trước).» 

Rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Xưa kia có con trai nhà tộc tánh, tên là Lại-tra-bà-la,[63] xuất gia hành đạo cho đến đối với nhà của cha mẹ mà cũng hoàn toàn không đến xin. Khi ấy, ông cha nói với Lại-tra-bà-la:

«Con biết chăng, ta tự nghiệm xét, ít có người không đến nhà cha xin. Con là con của cha, tại sao không đến nhà cha để xin?

«Khi ấy, Lại-tra-bà-la nói kệ cho cha nghe:

Cầu nhiều, người không ưa.

Cầu không được, sinh oán. 

Cho nên con không xin,

Sợ sanh thêm bớt vậy.

«Tỳ-kheo nên biết, Lại-tra-bà-la, đối với nhà của cha mình còn không đến xin, huống là các tỳ-kheo, đối với nhà cư sĩ, lại đến khất cầu đòi hỏi nhiều, khiến cho họ không ưa.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo khất cầu phi thời, khất cầu không biết chán, khất cầu bất chánh. Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện khen ngợi sự khất cầu đúng thời, khất cầu một cách vừa phải, khất cầu chơn chánh; rồi bảo các tỳ-kheo: 

«Tỳ-kheo Khoáng dã là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới nầy ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.» 

Muốn nói giới nên nói như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay phật. Phải mời các tỳ-kheo đến chỉ định nơi chốn. Các tỳ-kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tỳ-kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các tỳ-kheo đến để chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng định, tăng-già-bà-thi-sa.

C. THÍCH TỪ
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Tự khất cầu: vị kia khất cầu yêu sách chỗ này chỗ kia.

Thất [64]: tức là phòng.

Không có chủ:[65] không có một người, hai người, hay nhiều người đứng ra cất.

Tự làm cho mình:[66] tự mình tìm cầu, tự mình làm lấy.

Đúng lượng: dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật.[67]

Chỗ nguy hiểm:[68] là chỗ có hổ lang, sư tử, các thú dữ, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo không bị các loài trùng kiến hay các loài thú gây não hại, thì nên dọn khu đất cho bằng phẳng; hoặc có gốc cây, đá, gai gốc, thì hãy sai người đào bỏ. Hoặc có hang, hầm, mương, rãnh, ao, ngòi, thì hãy cho người lấp đi. Hoặc sợ nước ngập, hãy làm đê để chắn. Hoặc chỗ đất có người nói là của họ, thì nên cùng xử đoán, chớ để người khác tranh cãi. Đó gọi là chỗ nguy hiểm.

Chỗ bị bít lối:[69] nghĩa là nơi không đủ cho chiếc xe chở cỏ[70] quay đầu để tới lui, như vậy gọi là chỗ bị bít lối. 

Tỳ-kheo này xem coi, nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối rồi, đến trong Tăng cởi bỏ giày dép, trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch:[71]

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là..., tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình. Nay tôi đến trong Tăng cầu xin biết cho đó là chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối.

Bạch như vậy ba lần.

Lúc bấy giờ, chúng Tăng nên quan sát tỳ-kheo nầy có thể tin cậy được không? Nếu có thể tin cậy thì nên cho phép cất. Nếu không thể tin cậy thì tất cả chúng tăng nên đến nơi đó để xem xét. Nếu chúng Tăng không thể đi thì nên sai vị Tăng nào[72] có thể tin cậy đến đó để quan sát. Nếu nơi đó có nguy hiểm, bị bít lối thì không nên cho. Nếu không có nguy hiểm mà bị bít lối thì cũng không nên cho. Nơi có nguy hiểm mà không bị bít lối cũng không cho. Chỗ không nguy hiểm, không bị bít lối mới cho. Nơi chốn đã ổn định như vậy rồi, trong chúng sai một người có khả năng tác yết-ma. Vị ấy có thể là thượng tọa, thứ tọa, hoặc tụng luật hay không tụng luật, nên tác bạch:

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., tự khất cầu để cất thất, tự cất không có thí chủ. Nay đến trước chúng Tăng xin chỉ định nơi chốn là nơi không nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chỉ định nơi chốn không nguy hiểm, không bị bít lối cho tỳ-kheo này. Đây là lời tác bạch.

Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là..., tự khất cầu để cất thất, tự cất cho mình, không có thí chủ. Nay, tỳ-kheo này đến trước Tăng xin chỉ định nơi chốn[73] là nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Nay, Tăng chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng nay chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối, thì im lặng. Ai không chấp nhận, xin nói.

Tăng đã chỉ định nơi chốn cho tỳ-kheo tên là..., nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối, vì im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

D. PHẠM TƯỚNG
Vị tỳ-kheo cất phòng nên biết, từ khi khởi công đặt đá, đắp đất, hay vắt bùn, cho đến khi trét bùn sau cùng, hoàn thành toàn bộ, mà không được Tăng chỉ định nơi chốn, làm quá lượng, nơi nguy hiểm, bị bít lối: phạm hai tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, nơi có nguy hiểm, nhưng không bị bít lối: hai tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, tuy nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, tuy không cất quá lượng, nhưng cất nơi nguy hiểm, bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi nguy hiểm, không bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. 

Tăng không chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi không nguy hiểm nhưng bị bít lối, phạm một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la.

Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, [586a1] nơi có nguy hiểm, bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, tuy cất nơi có nguy hiểm nhưng không bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng; nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa, một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi có nguy hiểm nhưng không bị bít lối: một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, không cất quá lượng, nơi không nguy hiểm, nhưng bị bít lối: một đột-kiết-la. 

Tăng đã chỉ định nơi chốn, nhưng cất quá lượng, nơi không nguy hiểm, không bị bít lối: một tăng-già-bà-thi-sa. 

Nếu Tăng tỳ-kheo không chỉ định nơi chốn, cất quá lượng, nơi có nguy hiểm, bị bít lối, tự cất thất, hoàn thành, phạm tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la; cất mà không thành, phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la.

Nếu sai bảo người khác cất, thành thì phạm hai tăng-già-bà-thi-sa, hai đột-kiết-la;[74] không thành thì phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la. Nếu vì người khác cất thất, mà thành thì phạm hai thâu-lan-giá, hai đột-kiết-la; không thành, phạm bốn đột-kiết-la. 

Nếu khi cất thất mà dùng dây đo đất đúng lượng, nhưng người cất quá lượng, thì người cất phạm. Nếu tỳ-kheo sai người đặt dây mực để cất, người nhận lời sai bảo nói: «Cất như pháp», mà cất quá lượng thì người nhận lời ấy phạm. Nếu người ấy lại sai bảo người khác coi theo dây mực và được làm như pháp, không báo trở lại mà cất thì phạm. Nếu sai người đặt dây mực mà cất tức là cất như pháp; người dạy không hỏi có nên như pháp cất không? Người dạy phạm. 

Nếu Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng không chỉ định nơi chốn, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tăng không chỉ định nơi chốn, nghi, thâu-lan-giá. Tăng không chỉ định nơi chốn, có ý tưởng Tăng chỉ định nơi chốn, thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, có ý tưởng Tăng không chỉ định nơi chốn, thâu-lan-giá. Tăng đã chỉ định nơi chốn, có nghi, thâu-lan-giá. Cất quá lượng cũng như vậy. 

Nếu có nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm, đột-kiết-la. Có nguy hiểm, nghi, đột-kiết-la. Có nguy hiểm, tưởng không nguy hiểm, đột-kiết-la. Không nguy hiểm, tưởng có nguy hiểm, đột-kiết-la. Không nguy hiểm, nghi, đột-kiết-la. Nơi bị bít lối cũng như vậy. 

Tỳ-kheo-ni, thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni thì đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: cất đúng lượng, cất giảm lượng, Tăng chỉ định nơi chốn, nơi không nguy hiểm, nơi không bị bít lối, đo như pháp. Hoặc vì Tăng mà cất, vì Phật mà cất, cất làm giảng đường, am bằng cỏ, am bằng lá, hoặc cất thất nhỏ đủ ở dung thân, hoặc cất cho nhiều người ở, đó gọi là không phạm. 

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách.

Xem mục lục