Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (11)


Xem mục lục

IV. ĐẠI VỌNG NGỮ


A. DUYÊN KHỞI
1. KẾT GỚI LẦN THỨ NHẤT
Một thời, đức Thế tôn du hóa tại Tỳ-xá-ly,[148] ở trong giảng đường Cao-các bên sông Di hầu. Bấy giờ gặp lúc lúa gạo quý hiếm,[149] nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan:

«Hãy tập họp tất cả tỳ-kheo trú ở Tỳ-xá-ly vào giảng đường.» 

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo tại giảng đường. Chúng tăng tập hợp xong, Tôn giả đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, thưa:

«Tất cả các tỳ-kheo có mặt tại Tỳ-xá-ly đã tập hợp tại giảng đường. Cúi xin đức Thánh biết thời.»

Khi ấy, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo:

«Các ngươi nên biết, hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi ai có thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, cùng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly này, thì đến đó nương nhờ, cùng tùy theo sự thích hợp mà an cư. Ta cũng sẽ an cư nơi nầy. Tại sao vậy? Vì thức ăn khó khăn, nên khiến cho chúng tăng mệt nhọc.»

Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy rồi, mỗi người đều theo thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, đồng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly mà an cư. Đức Thế tôn cũng an cư trong thành Tỳ-xá-ly.

Khi ấy, có số đông tỳ-kheo an cư ở trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu, khởi ý niệm: «Như hiện nay trong nước này lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Chúng ta nên dùng phương tiện thế nào để khỏi khổ sở vì ẩm thực?» Họ nghĩ ra phương tiện như sau: «Nay ta nên đến các nhà cư sĩ nói: ‹Tôi đạt được pháp thượng nhơn. Tôi là A-la-hán, đạt được thiền, đạt được thần thông, biết được tâm người khác.› Rồi lại khen tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác. Trong đó có những cư sĩ tin ưa, có thức ăn uống gì không dám tự ăn riêng, không cho vợ con, mà lại mang đến cúng dường chúng ta. Các cư sĩ kia cũng sẽ khen ngợi chúng ta: ‹Các vị tỳ-kheo này thật sự là ruộng phước, đáng tôn kính.› Như vậy chúng ta có thể nhận được thức ăn uống ngon bổ, có thể sống an lạc, không bị vấn đề khất thực gây khó khổ.»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cừu suy nghĩ như vậy rồi liền đến nhà các cư sĩ, tự nói:

«Tôi chứng đắc pháp thượng nhân. Tôi là A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.»

Lại khen vị tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.

Khi ấy các cư sĩ tin ưa, tin nhận lời nói kia, liền đem thức ăn uống có được và phần của vợ con không dám cho ăn hết, mang đến cúng dường cho các tỳ-kheo và nói: «Đây là bậc đáng tôn kính của thế gian.»

Các tỳ-kheo này nhờ thọ sự cúng dường của các vị cư sĩ nên nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. Các tỳ-kheo khác an cư tại Tỳ-xá-ly nhan sắc tiều tụy, hình thể khô héo, y phục rách rưới. An cư xong, thu xếp y bát đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:

«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»

Các tỳ-kheo  thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hiệp, an lạc; nhưng gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Vì vậy mà khổ.»

Trong khi đó, các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam, bên sông Bà-cừu thì nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. An cư xong thu xếp y bát, đến chỗ đức Thế tôn. Đến nơi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:

«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»

Các tỳ-kheo bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hợp an lạc; không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»

Đức Phật hỏi:

«Hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi dùng phương tiện nào mà không gặp phải khó khăn vì vấn đề ẩm thực?»

Các tỳ-kheo liền đem nhơn duyên trước trình bày đầy đủ với đức Thế tôn và thưa:

«Nhờ vậy chúng con không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»

Đức Thế tôn hỏi các tỳ-kheo:

«Sự thật các ngươi có chứng đắc như vậy không?»

Các tỳ-kheo thưa:

«Hoặc có người chứng thật. Hoặc có người không chứng thật.»

[578a1] Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Các ngươi, những kẻ ngu si, thật có mà còn không nên nói với người, huống là không thật mà lại đến nói với người!»

Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Trong đời có hai hạng giặc:[150] một là thật chẳng phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai là vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong chúng cố ý nói lời vọng ngữ, tự xưng rằng đạt được pháp thượng nhân. Trong hai hạng giặc này, kẻ vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong đại chúng cố ý nói lời vọng ngữ: tự xưng mình đạt được pháp thượng nhơn, là kẻ giặc lớn nhất không gì bằng. Tại sao vậy? Vì chúng ăn trộm thức ăn uống của người.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.›› 

Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

«Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

2. KẾT GIỚ LẦN THỨ HAI
Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, lúc ấy có một tỳ-kheo tăng thượng mạn nói với người rằng: «Tôi đắc đạo.» Thời gian sau, vị ấy tinh tấn không giải đãi, cần cầu phương tiện, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Vị ấy nghĩ như vầy: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Với tâm kiêu mạn, tôi đã tự nói tôi đắc đạo. Thời gian sau với tâm siêng năng, phương tiện tinh tấn, không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di? Nay phải làm thế nào?» Vị ấy tìm các tỳ-kheo đồng ý:[151] «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo này là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Tôi với tâm tăng thượng mạn tự xưng là tôi đắc đạo. Thời gian sau do sự siêng năng, phương tiện tinh tấn không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di sao? Lành thay, Đại đức vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ vâng làm.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy, đức Thế tôn do nhơn này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận thuyết pháp, dùng vô số phương tiện tán thán đầu-đà, tán thán[152] thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo:

«Người tăng thượng mạn không phạm.» 

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

B. GIỚI VĂN
Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ,› trừ tăng thượng mạn, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.

C. THÍCH NGHĨA
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Không biết không thấy: thật sự không thấy biết.

Tự xưng: tự mình xưng nói có tín, giới, thí, văn, trí tuệ, biện tài.

Pháp của người: ấm của con người, giới của con người, nhập của con người.[153]

Pháp thượng nhơn : các pháp có khả năng thành tựu xuất ly.[154]

Tự nói:[155] tự nói niệm tại thân, tự nói chánh ức niệm, tự nói trì giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, tự nói đắc định, tự nói đắc chánh thọ, tự nói có đạo, tự nói tu tập, tự nói có huệ, tự nói kiến, tự nói đắc, tự nói quả.

- Tự nói niệm tại thân:[156] có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được[157] tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói đặng thân niệm xứ.

- Tự nói chánh ức niệm: có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói chánh ức niệm.

- Tự nói đắc giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, cũng được nói như trên.

- Tự nói đắc định: nói chứng đắc tam-muội có giác có quán;[158] tam-muội không giác có quán;[159] tam-muội không giác, không quán;[160] tam muội không - vô tướng - vô tác;[161] chuyên cần, thân cận tư duy định này. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói đắc chánh thọ:[162] chánh thọ có tưởng, chánh thọ không tưởng, chánh thọ tùy pháp, chánh thọ tâm tưởng, chánh thọ trừ sắc tưởng, chánh thọ không trừ sắc tưởng, chánh thọ trừ nhập,[163] chánh thọ nhất thiết nhập,[164] làm quen, học tập, gần gũi, tư duy chánh thọ này. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói có đạo: từ đạo có một chi đạo cho đến đạo có mười một chi; chuyên cần, thân cận tư duy đạo này. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói tu: tu giới, tu định, tu trí, tu giải thoát huệ, tu kiến giải thoát huệ, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói có trí: pháp trí,[165] tỉ trí,[166] đẳng trí,[167] tha tâm trí làm quen, học tập, gần gũi, tư duy trí này. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói kiến:[168] thấy khổ, thấy tập, thấy tận và thấy đạo. Hoặc lại nói như vầy: thiên nhãn thanh tịnh quán các chúng sanh, hoặc sanh, hoặc tử, hoặc có sắc đẹp, hoặc có sắc xấu, hoặc thiện thú, ác thú; hoặc biết có tốt xấu, quý tiện, tùy theo nghiệp báo của chúng sanh. Biết điều đó đúng như thật, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói đắc: đắc Tu-đà-hoàn, đắc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, làm quen, học tập, gần gũi. Ngoài ra như trên đã nói.

- Tự nói quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, làm quen, học tập, gần gũi... ngoài ra như trên đã nói.

Với những sự hư vọng, không thiệt như vậy; không biết, không thấy mà nói với người: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn.» Tự miệng mình nói với người mà người ấy hiểu, phạm ba-la-di. Nói mà người ấy không hiểu, phạm thâu-lan-giá.

Hoặc dùng tay làm dấu, hoặc sai sứ, hoặc viết thư, hoặc ra dấu hiệu cho biết, mà người ấy biết, phạm ba-la-di, không biết phạm thâu-lan-giá.

Tự mình ở chỗ vắng người, khởi ý tưởng là không vắng người, miệng nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Chỗ không vắng khởi ý tưởng là vắng, miệng mình nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Nói với chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hình, có trí, là mình đắc pháp thượng nhơn, mà những hàng ấy hiểu, phạm thâu-lan-giá; chúng không hiểu, phạm đột-kiết-la. Làm dấu bằng tay, sai sứ, viết thư, ra dấu mà người kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Nói với súc sanh không thể biến hình, là mình đắc pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la.

Nếu thật sự người đắc đạo mà nói với vị đại tỳ-kheo không đồng ý,[169] mình đạt được pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la. Nếu giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà lại nói rằng: «tôi đạt được», [579a1] phạm ba-la-di.

Người, khởi ý tưởng là người, phạm ba-la-di. Nghi là người, phạm thâu-lan-giá. Người mà tưởng chẳng phải người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà nghi cũng phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo-ni ba-la-di; thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: người tăng thượng mạn tự nói là nghiệp báo nhơn duyên chứ chẳng phải tu đạt được, hoặc hướng đến vị đại tỳ-kheo đồng ý[170] mà nói pháp thượng nhơn. Hoặc giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà không tự xưng là «tôi đạt được.» Hoặc vui đùa mà nói; hoặc nói lướt nhanh; nói chỗ vắng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nói nhầm việc kia thì không phạm. 

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách. 

Xem mục lục