Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm mình?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Các người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải sanh tâm như vầy: Ta phải diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà thật không có một chúng sanh nào được diệt độ.
Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ tát. Tại vì sao vậy? Thật không có pháp gì phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nghĩa chân thật của đạo Phật là không có ngã, không có pháp. Phần đầu là không có ngã, không có pháp ở mức ban đầu của con đường (ngộ), từ đây trở đi là không có ngã không có pháp ở mức vi tế (nhập). Ngài Tu Bồ Đề lập lại hai câu hỏi đã đặt ra ở đầu kinh để giúp các vị Bồ tát đã thấy được tánh Không qua phần trước, đi sâu vào tánh Không hầu tiêu trừ hiện nghiệp lưu thức, các tập khí ngủ ngầm, các mê lầm vi tế (vi tế hoặc), đi đến chỗ rốt ráo.
Đức Phật dạy phải phát tâm như vầy: “Niết bàn hay diệt độ tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh đều được Niết bàn, mà thật không có một chúng sanh nào Niết bàn”.
Niết bàn là pháp tánh trùm khắp ba đời mười phương không ai có thể ra khỏi hay trở vào Niết bàn, không ai có thể làm cho người khác Niết bàn, cũng không có ai chưa từng Niết bàn. Trong Tâm bao la trùm khắp có cái gì không phải là tâm? Trong Ánh sáng căn bản, có cái gì không phải là ánh sáng? Trong tánh nghe, có âm thanh nào chẳng phải là tánh nghe rỗng rang bất động?
Phát tâm là nhân, Niết bàn vô trụ xứ của Đại thừa là quả. Phát tâm là tương ưng ngay với sự thật muôn đời như vậy, với tánh vàng xưa nay khiến tất cả vốn là vàng như vậy. Phát tâm như vậy thì tất cả nhân tức là tất cả quả: “sanh tử tức Niết bàn”, “phiền não tức Bồ đề”, “tất cả chúng sanh bổn lai thành Phật”, “tất cả pháp đều là Phật pháp”.
Còn khe hở nào cho ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả? Mười phương thế giới hiện toàn thân, không đến không đi, không sanh không diệt. Trong thế giới Nhất Tâm này, không có chỗ cho một niệm nào khác để gọi là phát tâm: “Thật không có pháp gì phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Thọ trì, đọc tụng, vì người giảng nói chỉ một câu này thì quả báo chẳng thể nghĩ bàn, vì quả báo ấy không hạn lượng như pháp giới của chư Phật.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Ở nơi Phật Nhiên Đăng, Như Lai có pháp gì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
Thưa không, bạch Thế Tôn. Như con hiểu nghĩa Phật nói, thì ở nơi Phật Nhiên Đăng, Phật không có pháp gì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo: Như vậy, như vậy! Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gì Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu Bồ Đề! Nếu có pháp Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng chẳng thọ ký cho ta: Ông ở đời sau sẽ thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni. Vì thật không có pháp gì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta bằng lời nói: Ông đời sau sẽ được thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.
Có chủ thể đắc, có đối tượng để đắc, dầu là đắc giác ngộ viên mãn, thì cũng vẫn là một khe hở, dù nhỏ nhất, ngăn chia sanh tử và Niết bàn. Có pháp ở ngoài tâm thì có phải tâm ấy chưa toàn khắp?
Kinh Đại Bát Nhã nói: “Dù Phật có ra đời hay không, có thuyết pháp hay không, tánh Không vẫn hiện hữu như vậy suốt xưa nay và mai sau”.
Tánh Không thì không trụ ở đâu cả, cho nên ở đâu cũng có tánh Không, lúc nào cũng có tánh Không. Tâm Kinh Bát Nhã nói: “Sắc thọ tưởng hành thức, sắc thanh hương vị xúc pháp… là tánh Không. Tánh Không là sắc thọ tưởng hành thức, sắc thanh hương vị xúc pháp…”. Tánh Không là tất cả các pháp.
Tiếp đó Tâm Kinh nói: “Trong tánh Không, không có sắc thọ tưởng hành thức, không có sắc thanh hương vị xúc pháp… cho đến không có vô minh, không có hết vô minh, không có khổ tập diệt đạo, không có trí cũng không có đắc…”. “Không có” (Vô) này không có nghĩa là không có gì cả, mà có nghĩa là tất cả đều một vị tánh Không. Trong tánh Không, tất cả đều một vị tánh Không, thì còn có ai chứng ai đắc, có cái gì để chứng để đắc?
Trong một vị bình đẳng này, tất cả tướng và tưởng, nghĩa là tất cả các pháp, đều tan thành một vị. Đó là tánh Như, hay Chân Như.
Trong thật tướng của tất cả các pháp, tất cả vốn tự viên thành, chân lý tuyệt đối là tánh Không vốn tự viên thành mà chân lý tương đối là sắc thanh hương vị xúc pháp cũng vốn tự viên thành. Tất cả thành vàng ròng, không còn chỗ nào cho đến đi, sanh diệt, tăng giảm, một nhiều.
Đây là cái thấy cao nhất của Đại thừa, trong các kinh điển như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn…và phản ánh trong những tông phái Đại thừa tự gọi là Viên, Đốn. Cái thấy “tối thượng thừa” ấy, kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật.
“Không có pháp gì đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” vì đây là đứng trong Quả Phật mà nói, vì Quả Phật vốn tự viên thành, vốn tự toàn thiện, vốn tự viên mãn. Cho nên đây là Quả thừa(Phalayana), thay vì là Nhân thừa (Hetuyana). Nhân thừa là đi từ các nhân như sáu ba la mật, các hạnh Bồ tát… để đến quả Phật. Còn quả thừa là ở trong cái thấy quả vốn tự viên thành, trong nền tảng quả Phật vốn tự viên thành mà ứng dụng ra, lưu xuất ra các hạnh cũng vốn tự viên thành để trang nghiêm Quả Phật mà với mình vẫn chưa toàn vẹn. Với cái Thấy tối thượng thừa như vậy thì cái
Hạnh mới là Hạnh phổ khắp, rộng sâu không cùng. Cái Thấy được đại diện bởi Bồ tát Đại trí Văn Thù, và cái Hạnh được đại diện bởi Bồ tát Đại hạnh Phổ Hiền. Quả Phật là sự hợp nhất trọn vẹn Trí và Hạnh như vậy.
Vì sao thế? Như Lai tức là nghĩa Như của tất cả các pháp.
Nếu có người nói: Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải biết lời ấy không chân thật. Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gì Phật đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu Bồ Đề! Cái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Như Lai đắc, trong ấy không thật không hư. Thế nên Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là Phật pháp.
Thế nào là nghĩa Như, hay Chân Như của tất cả các pháp? Không nghĩ và không thể nghĩ “có”, không nghĩ và không thể nghĩ “không”, không nghĩ và không thể nghĩ “vừa có vừa không”, không nghĩ và không thể nghĩ “không có không không”. Đó là Chân Như.
Mặt khác khi các pháp đều đồng một nghĩa Như, thì các tư tưởng thiện hay ác đều đồng một nghĩa Như. Thấy được bản tánh của tư tưởng tốt và xấu đều là tánh Như, bấy giờ chúng ta hiểu ra câu trả lời của Đức Phật ở đầu kinh “Nên trụ như vậy, nên hàng phục tâm mình như vậy” khi thấy tư tưởng dầu tốt dầu xấu đều là nghĩa như hay tánh Như, bấy giờ chúng ta biết nghĩa của từ như vậy trong “Nên hàng phục tâm mình như vậy” là thế nào.
Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp. Thí như tất cả các pháp người trời, thân tâm, thế giới đồng một tánh vàng (tánh Như), thì trong đó không còn nói được ai đắc tánh vàng, có ai độ ai, có sanh tử để từ bỏ, có Niết bàn để nhập vào. Trong Phật tánh vàng ròng này, còn có đâu là tướng Phật, tướng chúng sanh, danh Phật, danh chúng sanh. Còn có đâu là giải thoát giác ngộ, đâu là sắc thanh hương vị xúc pháp.
Trong tánh Như vốn giác ngộ và chưa từng có vô minh ấy, không thể nói được là thật, là hư. Cho là thật, đó là thường kiến, mà đạo Phật thì vượt khỏi cái thế gian theo nghiệp mà cho là thật, và cũng vượt khỏi cái xuất thế gian theo nghiệp mà cho đó là hư. Không thể nói được là thật hay là hư, cho nên tất cả các pháp đều là Phật pháp.
Trong Phật pháp ấy, thấy sắc nào cũng là sắc Phật, nghe âm thanh nào cũng là thanh Phật, ngửi mùi nào cũng là hương Phật, nếm vị nào cũng là vị Phật, sờ chạm cái nào cũng là sờ chạm Phật, nghĩ cái gì cũng là ý nghĩ Phật.
Ở trong cái thấy Quả như vậy mà tu, thì không phải cần khổ tạo nhân, sửa sang, chỉnh trị, tạo tác, lấy bỏ. Ở trong cái thấy Quả ấy mà tu thì tu là hưởng thụ Ba Thân Phật (Tự thọ dụng tam muội), đi một bước là một bước Quả, đi một ngày là một ngày Quả, đi một đời là một đời Quả.
Thấy tất cả tướng đều là Tánh thì đây là cái tu nhàn nhã mà hiệu quả nhất, “y tánh khởi tu”, “tánh khởi”, như trong phẩm Bảo Vương Như Lai tánh khởi, Kinh Hoa Nghiêm khai thị. Đây là trong Phật, trong Ba Thân Phật mà tu.
Tu Bồ Đề! Nói là tất cả pháp đó, tức chẳng phải tất cả pháp, thế nên gọi là tất cả Phật pháp.
Tu Bồ Đề! Thí như người có thân cao lớn.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn tức chẳng phải là thân người cao lớn, ấy gọi là thân cao lớn.
Tu Bồ Đề! Bồ tát cũng như vậy, nếu nói thế này: Ta phải diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không thể gọi là Bồ tát. Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Thật không có các pháp gọi là Bồ tát, thế nên Phật nói tất cả pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát nói thế này: ta phải trang nghiêm cõi Phật, ắt không thể gọi là Bồ tát. Vì sao thế? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai nói đó là chân thật Bồ tát.
Thấy có tướng, thì có sự đắc hay không đắc. Thấy tất cả đều là tánh, thấy tất cả pháp đều là Phật pháp, thì chẳng có gì ngoài để mà đắc hay không đắc nữa.
Còn thấy một pháp lìa ngoài tánh, còn thấy một pháp chưa phải là Phật pháp, bèn có sanh tử. Cho nên còn có một tướng cũng phải là “chẳng phải tướng”, cũng phải đem nó vào “tất cả các pháp đều là Phật pháp” thì mới được gọi là Đại an ổn, Đại thái bình.
Nguyện và hạnh của Bồ tát là phải diệt độ tất cả chúng sanh, phải trang nghiêm cõi Phật bằng phước huệ của mình, nhưng nếu thấy có người diệt độ, người trang nghiêm, có công việc diệt độ, trang nghiêm, có đối tượng để diệt độ để trang nghiêm thì không thể gọi là Bồ tát, vì đã xa lìa cái thấy tánh Không.
Bồ tát phải hợp nhất tất cả trong tánh Không, tánh Như để pháp giới Phật không còn một kẻ hở nào cho tướng và tưởng, không còn một vết nứt nào cho sanh tử lọt vào.
Cho nên diệt độ mà không diệt độ, vì tất cả vốn đã diệt độ. Trang nghiêm mà không trang nghiêm, vì tất cả vốn đã trang nghiêm. Luôn luôn ở trong Quả, ở trong Phật, ở trong tánh mà diệt độ và trang nghiêm, thì đó là con đường tự do và an vui của Bồ tát.