Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda tại hội trường thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. (Tôn giả) giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : – Này các Tỷ-kheo, ai tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ai đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết ? – Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. (Tôn giả) đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda : – Nhưng như thế nào, này Ananda, Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp ? Ông có phải đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết ? – Đúng vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết : Này các Hiền giả, thế nào là truy tìm quá khứ ? Vị ấy nghĩ : "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ ". Và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy... (như Kinh trước, thay đổi "này các Hiền giả" cho chữ "này các Tỷ-kheo") ... Như vậy, này các Hiền giả, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo. Con đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. – Lành thay, lành thay, này Ananda ! Lành thay, này Ananda ! Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ông đã giảng Nhứt Dạ Hiền Giả, tổng thuyết và biệt thuyết. – Và thế nào, này Ananda, là truy tìm quá khứ ?... (như trước)... Như vậy, này Ananda là truy tìm quá khứ. Và này Ananda thế nào là không truy tìm quá khứ ?... (như trên)... Như vậy, này Ananda, là không truy tìm quá khứ. Và này Ananda, thế nào là ước vọng tương lai ?... (như trên)... Như vậy này Ananda là ước vọng tương lai. Và này Ananda, thế nào là không ước vọng tương lai ? ... (như trên) ... Như vậy, này Ananda là không ước vọng tương lai. Và này Ananda thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại ?... (như trên)... Như vậy, này Ananda là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Và này Ananda, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại ?.. (như trên)... Như vậy này Ananda là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.