Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Bác văn, ái Đạo, Đạo tất nan hội. Thủ chí phụng Đạo, kỳ Đạo thậm đại."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Học rộng, mến Đạo, thì Đạo ắt khó gặp. Giữ chí, thờ Đạo, thì Đạo kia rất lớn."

 

Lược giảng:

Trong chương thứ chín này, Đức Phật dạy những người tu hành rằng họ cần phải "văn nhi tư, tư nhi tu, nhi chứng"; nghĩa là phàm nghe rồi thì phải suy gẫm, suy gẫm kỹ rồi thì tu tập theo, và tu tập xong thì chứng đắc. Chớ nên chỉ biết nói suông hoặc chỉ lắng nghe Phật Pháp, mà chẳng áp dụng vào thân. Phải thực hành, ứng dụng thực tiễn thì mới đáng kể!

Cho nên, Đức Phật dạy: "Học rộng, mến Đạo." Thế nào gọi là "học rộng"? "Học rộng" tức là biết nhiều hiểu rộng. Tôn-giả A-Nan là bậc "đa văn đệ nhất," tức là người đứng đầu về khả năng "nghe nhiều hiểu rộng," và cũng có thể gọi là bậc "bác văn" (học rộng). Tuy nhiên, nếu chỉ học một cách thuần túy, chứ không quán xét những điều đã học, thì chẳng thể nào lãnh hội được những đạo lý tiềm tàng bên trong. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào sức nhớ dai, trí nhớ tốt, có thể thuộc làu kinh điển, mà chẳng suy xét cặn kẽ và chẳng tu hành theo những điều đã học, thì cũng thành vô dụng!

"Mến Đạo" tức là nói về những người tu Đạo, nhận biết rằng Đạo thật là cao quý, nhưng lại không hiểu được rằng Đạo vốn là tự tâm và chẳng hề xa rời tự tâm, cho nên cứ hướng ra ngoài tâm để tìm Đạo. Tuy rằng họ có lòng mộ Đạo, nhưng cứ truy tìm ở ngoài là không đúng, và như thế "thì Đạo ắt khó gặp." Họ cứ tìm kiếm ở ngoài tâm như thế thì chắc chắn sẽ không hiểu Đạo và nhất định sẽ không gặp được Đạo. Không gặp được Đạo thì họ cũng sẽ không hiểu được Đạo, bởi đã lạc hướng thì càng chạy chỉ càng cách xa thêm mà thôi!

"Giữ chí, thờ Đạo." Thế nào gọi là "giữ chí"? "Giữ chí" tức là không khởi vọng tưởng, không truy tìm bên ngoài. Có câu:

Cầu chư kỷ, bất cầu chư nhân;

Cầu nội, bất cầu ngoại.

(Cầu ở mình, chớ cầu ở người;

Tìm ở trong, chớ tìm ở ngoài.)

Bên trong, niệm niệm phải tỏ ngộ, niệm niệm phải sáng suốt, niệm niệm phải hướng về tâm Bồ-đề, không cầu danh cũng không cầu lợi. Không có tâm cầu danh cầu lợi tức là "giữ chí" vậy.

Thế nào gọi là "thờ Đạo"? "thờ Đạo" tức là tôn kính và duy trì Đạo. Như vậy, "giữ chí, thờ Đạo" có nghĩa là niệm niệm không xa rời tự tâm, niệm niệm đều thể hội nguồn tâm của mình, đều biết rõ bản thể của tự tâm; và tuyệt nhiên không truy cầu, tìm kiếm bên ngoài.

Thì Đạo kia rất lớn." Nếu quý vị có thể tu hành như thế, thì tự nhiên sẽ đạt được thành quả rất lớn lao!

Xem mục lục