Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Chúng sanh dĩ thập sự vi thiện, diệc dĩ thập sự vi ác. Hà đẳng vi thập? Thân tam, khẩu tứ, ý tam. Thân tam giả: Sát, đạo, dâm. Khẩu tứ giả: Lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Ý tam giả: Tật, nhuế (khuể), si. Như thị thập sự, bất thuận Thánh Đạo, danh Thập Aịc Hạnh. Thị ác nhược chỉ, danh Thập Thiện Hạnh nhĩ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Chúng sanh lấy mười việc làm điều thiện, cũng lấy mười việc làm điều ác. Những gì là mười? Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba. Thân có ba là sát, đạo, dâm. Miệng có bốn là nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối và nói thêu dệt. Ý có ba là đố kỵ, sân hận và ngu si. Mười việc này không thuận với Thánh Đạo, gọi là Thập Ác Hạnh. Nếu dứt được những việc ấy thì gọi là Thập Thiện Hạnh vậy."

 

Lược giảng:

Chương thứ tư giảng về "thiện ác vô tánh." Sự khác biệt giữa việc làm điều thiện và làm điều ác vốn đơn giản như việc trở bàn tay - tất cả đều là tùy thuộc ở sự quyết định của quý vị.

Đức Phật dạy: "Chúng sanh lấy mười việc làm điều thiện, cũng lấy mười việc làm điều ác." Có mười việc thiện mà chúng sanh có thể thực hiện được. Tuy rằng có thể làm nên việc thiện, nhưng nếu làm không đúng thì những việc ấy sẽ trở thành việc ác; phải làm sao cho đúng thì mới là việc thiện.

"Những gì là mười?" Mười việc ấy là những việc gì? "Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba." Mười việc ấy gồm có ba việc phát khởi từ thân, bốn việc phát khởi từ miệng và ba việc phát khởi từ ý.

"Thân có ba là sát, đạo, dâm." Ba việc về thân là những việc gì? Đó là sát sanh, trộm cắp và dâm dục. Thế nào là "sát"? Là giết chết, chấm dứt sự sống của sinh vật, kết thúc tánh mạng của chúng sanh. Thế nào là "đạo"? "Bất dư nhi thủ, danh vi đạo," nghĩa là không cho mà lấy, đó gọi là ăn cắp. Nếu chưa được sự cho phép của chủ nhân mà quý vị đã tự ý lấy đồ đạc của họ, như thế là trộm cắp. "Dâm" tức là những hành vi dâm ô giữa nam và nữ.

"Miệng có bốn." Bốn việc về miệng là những việc gì? "Là nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối và nói thêu dệt." Người "nói hai lưỡi" hoặc "nói lưỡi hai chiều" không phải là người có hai cái lưỡi, mà có nghĩa là người nói hai lời trái ngược nhau - như gặp Trương Tam thì người ấy nói về Lý Tứ, gặp Lý Tứ thì người ấy lại mách chuyện của Trương Tam - giống như con rắn hai đầu vậy. "Nói lời ác" tức là mắng chửi, nguyền rủa, hoặc nói xấu, bôi nhọ người khác. "Nói dối" tức là nói láo, nói không đúng sự thật. "Nói lời thêu dệt" tức là nói những lời vô nghĩa. Những lời lẽ đượm vẻ khinh bạc, đầy dẫy tà tri tà kiến, không đúng đắn, bậy bạ dơ bẩn, đều gọi là lời thêu dệt.

"Ý có ba." Ba việc về ý là những việc gì? "Là đố kỵ, sân hận và ngu si." "Đố kỵ" tức là ganh ghét. Kẻ có tâm đố kỵ, thường không muốn cho người khác được sự tốt lành, hễ thấy chuyện gì tốt đẹp xảy đến cho người khác thì liền sanh lòng ganh tỵ, ghen ghét. "Sân hận" bao gồm cả kiêu căng ngã mạn, thù hận, hiểm độc, tàn nhẫn, hung bạo. "Ngu si" tức là si mê, ngu muội, không phân biệt được sự lý một cách rõ ràng.

"Mười việc này", những việc vừa nêu trên, không thuận với Thánh Đạo, chẳng dẫn tới thiện đạo, gọi là "Thập Ác Hạnh" hay "Mười Điều Ác."

"Nếu dứt được những điều ấy", nếu ngăn chặn, đình chỉ được mười việc ác kể trên, thì gọi là " Thập Thiện Hạnh" hay "Mười Điều Thiện" vậy. Như thế, Mười Điều Thiện chính là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không đố kỵ, không sân hận, không ngu si, không nói lời ác, không nói hai lưỡi, không nói lời thêu dệt và không nói dối.

Xem mục lục