Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Phù vi Đạo giả, du mộc tại thủy, tầm lưu nhi hành, bất xúc lưỡng ngạn, bất vi nhân thủ, bất vi quỷ thần sở giá, bất vi hồi lưu sở trú, diệc bất hủ bại; ngô bảo thử mộc, quyết định nhập hải. Học Đạo chi nhân, bất vi tình dục sở hoặc, bất vi chúng tà sở nhiễu, tinh tấn vô vi; ngô bảo thử nhân, tất đắc Đạo hỷ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người hành Đạo ví như khúc gỗ dưới nước, theo dòng mà trôi. Nếu nó chẳng tấp vào hai bên bờ, chẳng bị người ta vớt lấy, chẳng bị quỷ thần ngăn trở, chẳng bị nước xoáy giữ lại, cũng chẳng bị mục nát, Ta cam đoan rằng khúc gỗ này nhất định sẽ ra đến biển. Người học Đạo nếu chẳng bị tình dục làm mê hoặc, chẳng bị các thứ tà vạy quấy nhiễu, lại tinh tấn tu pháp Vô-vi; Ta cam đoan rằng người này tất sẽ đắc Đạo."

 

Lược giảng:

Trong chương thứ hai mươi bảy này, Đức Phật nêu lên một tỷ dụ để giải thích vì sao người học Đạo cần phải tránh xa mọi thứ có thể gây chướng ngại.

Vậy, trong chương này, "hai bên bờ" tức là gì? Ở đây, "hai bên bờ" tượng trưng cho tình cảm và dục vọng. Tình cảm và dục vọng được phân làm hai loại là kiến tư tình dục (tình cảm và dục vọng dấy khởi từ cái thấy và cái nghĩ) và vô minh dục (tình cảm và dục vọng dấy khởi từ sự vô minh). Kiến tư tình dục tức là sự chấp trước sanh tử, và được ví là "bờ bên này." Vô minh tình dục là sự chấp trước Niết-bàn, và được ví là "bờ bên kia."

Ngoài ra, khúc gỗ "bị người ta vớt lấy" là dụ cho kẻ bị bao bọc trong tấm lưới tà kiến; còn "bị quỷ thần ngăn trở," là dụ cho những người bị che phủ bởi tấm lưới kiến tư.

Khúc gỗ "bị nước xoáy giữ lại" ám chỉ sự lười biếng, trễ nãi, trái ngược với tinh tấn. Khúc gỗ "bị mục nát" tiêu biểu cho sự tương phản với pháp Vô-vi. Có nhiều người tu hành vì không thể chân chánh, thẳng thắn nhớ nghĩ đến Chân-như, nên mặc dù họ luôn luôn muốn tinh tấn nhưng rốt cuộc lại trở thành thối chuyển. Họ như đang ở trong vũng nước xoáy - nước tuy chảy xiết nhưng chỉ xoáy quanh một chỗ, chỉ rẽ ngoặt rồi quay lại chỗ cũ. Tương tự như thế, họ trở về lại khởi điểm và không thể đạt tới pháp Vô-vi. Chính vì không đạt được pháp Vô-vi nên họ mới sanh ra chấp tướng; và thế là việc tu phước, tu huệ của họ không được viên mãn. Những người ở trong tình huống này thì chẳng khác nào khúc gỗ mục nát. Họ tất sẽ bị đọa lạc, không đến được bờ bên kia của Niết-bàn, không chấm dứt được dòng sanh tử. Đó là do họ bị tình dục làm cho mê muội, bị những sai lầm của ái dục và tà kiến vây khốn, quấy nhiễu.

Nếu quý vị chân chánh nhớ nghĩ tới Chân-như và tinh tấn tu hành, hiểu được rằng bản tánh của Pháp vốn là Vô-vi, và không bị tình ái lôi cuốn, chi phối, thì chắc chắn quý vị sẽ đắc Đạo. Đó là ý nghĩa khái quát của phần kinh văn trong chương này.

Đức Phật dạy: "Người hành Đạo ví như khúc gỗ dưới nước, theo dòng mà trôi." Đức Phật so sánh những người tu Đạo với khúc gỗ trôi xuôi theo dòng nước.

"Nếu nó chẳng tấp vào hai bên bờ." Giả sử khúc gỗ này chẳng bị đá ở hai bên bờ cản lại hoặc ngăn trở. "Tấp vào hai bên bờ" tức là bị mắc kẹt, bị chận lại. "Chẳng tấp vào hai bên bờ" tức là vẫn trôi lềnh bềnh, không bị vướng hoặc kẹt lại ở bờ nào cả. Khúc gỗ này ví như người tu Đạo không bị ái tình ràng buộc, níu kéo. Và nếu khúc gỗ ấy "chẳng bị người ta vớt lấy, chẳng bị quỷ thần ngăn trở hoặc che lấp, chẳng bị nước xoáy giữ lại, chẳng bị dòng nước cuộn tròn ngăn chận và cuốn lấy, và cũng chẳng bị mục nát, hư hoại; thì Ta cam đoan rằng khúc gỗ này nhất định sẽ ra đến biển, sẽ trôi ra được tới biển cả."

"Người học Đạo nếu chẳng bị tình dục - ái tình và vật dục - làm mê hoặc, chẳng bị các thứ tà vạy quấy nhiễu, chẳng bị vô minh, lười biếng ngăn trở, gây chướng ngại, lại tinh tấn tu pháp Vô-vi, hăng hái học tập theo pháp Vô-vi; thì Ta cam đoan rằng người này tất sẽ đắc Đạo. Ta bảo đảm là những người như thế nhất định sẽ đắc được Đạo."

Xem mục lục