Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Nhân hoài ái dục, bất kiến Đạo giả; thí như trừng thủy trí thủ giáo chi, chúng nhân cộng lâm, vô hữu đổ kỳ ảnh giả. Nhân dĩ ái dục giao thố, tâm trung trọc hưng, cố bất kiến Đạo. Nhữ đẳng Sa-môn đương xả ái dục; ái dục cấu tận, Đạo khả kiến hỷ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người ôm giữ lòng ái dục chẳng thấy được Đạo, ví như nước đã lóng trong lại lấy tay khuấy lên, khiến những người đến xem đều không thấy được bóng của họ. Người đời vì bị ái dục xáo trộn, làm cho cấu trược trong tâm nổi dậy, nên chẳng thấy được Đạo. Sa-môn các ông phải xả bỏ ái dục, cấu bẩn ái dục hết sạch thì có thể thấy được Đạo!"

 

Lược giảng:

Chương thứ mười sáu nói về tâm của người đời chúng ta. "Nước tâm" (tâm thủy) vốn lóng trong, nhưng nếu quý vị khuấy lên thì nước ấy sẽ không còn trong nữa. Như vậy, sự lóng trong là gì? Là Đạo! Còn không lóng trong là gì? Là ái dục! Chính lòng tham ái và tham dục gây chướng ngại, khiến chúng ta không thể minh tâm kiến tánh, không thấy được Đạo, không chứng được quả vị. Chứng được Sơ-quả A-la-hán là đạt đến ngôi vị Kiến Đạo, tức là đã thấy được Đạo vậy.

Đức Phật dạy: "Người ôm giữ lòng ái dục..." Giảng cái pháp này cho người Tây phương nghe thì thật khó mà giảng cho thông, vì đa số người Tây phương bất luận chuyện gì cũng đều nhắc tới ái (love), nói tới dục. Đặc biệt là có những tín đồ của nhiều giáo phái còn nói: "Giáo-chủ yêu tôi và tôi yêu giáo-chủ!" Giữa họ và "giáo-chủ" của họ có mối quan hệ luyến ái như giữa nam và nữ vậy. Thậm chí, có nhiều nữ tín đồ còn dám nói là họ đã married, đã kết hôn với "giáo-chủ" của họ nữa. Thật là những kẻ chẳng hiểu gì về Đạo cả!

Những người cứ ôm giữ lòng ái dục, thâm tâm chỉ toàn nhớ tưởng tới ái tình và dục vọng, thì "chẳng thấy được Đạo." Nếu quý vị tu Đạo nhưng lại không hiểu Đạo, thì sẽ một mặt tu hành, một mặt hủy hoại sự tu hành của mình - khuyên quý vị phải dứt bỏ lòng ái dục thì lòng ái dục của quý vị lại càng gia tăng!

"Ví như nước đã lóng trong lại lấy tay khuấy lên." Khi bị lòng tham ái và tham dục xâm chiếm thì quý vị không thể thấy được Đạo; giống như việc gì? Giống như nước đã lóng trong mà quý vị lại lấy tay khuấy lên, làm cho đục vậy. Sở dĩ như thế là vì trong nước ấy có đất cát, bùn, bụi bặm. Nếu trong nước hoàn toàn không có cát và bùn, thì quý vị có khuấy thế nào đi nữa, nước cũng chẳng bị đục! Cát và bùn ở đây tượng trưng cho cái gì? Tượng trưng cho ái và dục - ái tình và dục vọng ví như bụi bặm, bùn đất trong nước. Khi lòng tham ái và tham dục của quý vị dấy khởi, thì cũng giống như quý vị lấy tay khuấy đục nước, "khiến những người đến xem đều không thấy được bóng của họ" vậy. Tất cả những người đứng cạnh bờ nước đều không thấy có bóng mình phản chiếu trên mặt nước; vì sao? Vì nước đã bị khuấy đục! Vì sao quý vị không thấy được Đạo? Vì lòng tham ái và tham dục làm cho quý vị trở thành u mê tăm tối!

"Người đời vì bị ái dục xáo trộn, làm cho cấu trược trong tâm nổi dậy, nên chẳng thấy được Đạo." Từ sáng đến tối, họ chỉ nghĩ đến ái tình và dục vọng - những ý tưởng bất tịnh, không trong sạch. Vì bị lòng tham ái và tham dục xáo trộn, chi phối, nên họ không nghĩ tới điều gì khác ngoại trừ ái và dục. Trong tâm họ, cấu trược dấy lên làm đục "nước trí huệ" (trí huệ thủy) - họ không còn sáng suốt, không còn trí huệ nữa; và do đó, họ chẳng hiểu được Đạo. Quý vị ngày ngày miệt mài tu hành mà vẫn không chứng được quả vị, chẳng thấy được Đạo, là vì sao? Vì quý vị vẫn còn lòng tham ái và tham dục! Nếu không có tâm ái dục thì quý vị sẽ thấy được Đạo rất mau chóng.

Vì thế Đức Phật căn dặn: "Sa-môn các ông phải xả bỏ ái dục." Ở đây Sa-môn là bao gồm tất cả các Tỳ-khưu và Tỳ-khưu ni chúng ta hiện nay. Tất cả chúng ta đều nên dứt bỏ lòng tham ái và tham dục. Dứt bỏ ái dục không có nghĩa là phải tuyên bố: "Tôi rất ghét phái nữ. Hễ gặp họ là tôi nổi nóng, đuổi họ đi ngay!" Không phải như thế! Vậy thì phải như thế nào? Phải "nhìn mà như không thấy, nghe mà như chẳng nghe!" Quý vị không nhất thiết phải căm ghét họ; tuy nhiên, cũng chớ vì họ mà xao xuyến, khởi tâm động niệm, hoặc bị họ chi phối.

Trong câu "xả bỏ ái dục," thì "xả bỏ" có nghĩa là bố thí, đem cho. Thí dụ quý vị bố thí tiền bạc, thì một khi đã cho người ta rồi tức là quý vị không có số tiền đó nữa - quý vị đã xả bỏ số tiền ấy. "Cấu bẩn ái dục hết sạch thì có thể thấy được Đạo!" Khi lòng tham ái và dục niệm - những rác rưởi dơ bẩn - đều không còn nữa, thì quý vị có thể thấy được Đạo, chứng được quả vị.

Xem mục lục