Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Có phải có nhiều sự thật, khi các giáo thuyết dị biệt nhau, và các ẩn sĩ tranh cãi nhau? Đức Phật trả lời rằng Ngài không nói quan kiến này đúng, quan kiến kia sai. Ngài nói rằng chỉ có một sự thật thôi, hễ ai thấy là sẽ dứt bặt tranh cãi. Sự thật đó là Pháp. Sự thật đó xa lìa nhị biên, xa lìa đúng/sai, xa lìa ưa/ghét. Sự thật này không nằm trong những gì được thấy, được nghe, được  suy nghĩ… cũng không ở trong giới luật và nghi lễ tôn giáo. Chỉ khi xa lìa mọi phán đoán, xa lìa mọi tranh cãi [dù với người, hay tự trong tâm mình], đó là giây phút của bình an, của thanh tịnh.

Giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, dù khẳng định Có hay Không, dù khẳng định Đúng hay Sai, chỉ là những khẳng định niệm này và niệm kia. Không phải là Thực tướng các pháp. Xa lìa các niệm có/không, lành/dữ… chính là tịch lặng, là tiếp cận với Pháp, với Thực tướng.

Những gì được thấy, những gì được nghe, những gì được cảm thọ… chỉ là bức màn của niệm hiện lên trong tâm. Hãy lẳng lặng để các pháp hiển lộ Như Thị, để cái được thấy chỉ là cái được thấy, để cái được nghe chỉ là cái được nghe… Lúc đó là thanh tịnh.

Lời dạy trong Kinh Sn 4.12 y hệt như Thiền Tông, qua các câu đầu trong Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán, bản dịch Trúc Thiên:

Đạo lớn chẳng gì khó

cốt đừng chọn lựa thôi

quí hồ không thương ghét

thì tự nhiên sáng ngời

 Sai lạc nửa đường tơ

đất trời liền phân cách

chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

thì hiện liền trước mắt.

 Tóm lược ý kinh: Hãy xa lìa tranh cãi, xa lìa phán đoán, xa lìa lựa chọn. Pháp [hay, Tánh các pháp] sẽ tự hiển lộ trước mắt, và đó là bình an, thanh tinh.

Kinh này gồm các bài kệ từ 878 tới 894.

878 (Câu hỏi)

Mỗi người bám lấy kiến [quan điểm] riêng của họ

Họ tranh cãi thiện nghệ, khẳng định:

“Biết như thế này, mới hiểu được Pháp

Bác bỏ kiến này, là sẽ bất toàn.”

879

Tranh cãi như thế, họ bất đồng và nói:

“Đối thủ của tôi kém cỏi, ngốc nghếch.”

Vì tất cả họ đều thiện nghệ tranh cãi

Giữa các quan kiến đó, sự thật ở đâu?

880 (Đức Phật)

Nếu nói, ai không đồng ý giáo thuyết kẻ khác

là trở thành kẻ khờ, là bất toàn trí tuệ

thì tất cả đều khờ, đều bất toàn trí tuệ

vì tất cả đều bám quan kiến riêng của họ.

881

Nhưng nếu, tất cả họ đều tịnh hóa vì quan kiến đó

và nếu họ đều có thông minh, khéo léo, tuệ thanh tịnh

thì không ai trong họ có tuệ bất toàn

vì quan kiến của họ là toàn hảo.

882

Ta không nói đây là đúng, không nói đây là sự thật

như các kẻ khờ đang tranh cãi kia

Tất cả họ ra sức để nói quan kiến của họ là đúng

và xem đối thủ [tranh cãi] của họ là khờ.

883 (Câu hỏi)

Cái mà người này nói là đúng, là sự thật

người kia lại bảo là sai, là rỗng tuếch

Rồi họ cứ tranh cãi như thế

Tại sao các ẩn sĩ không dạy [cùng] một sự thật?

884 (Đức Phật)

Chỉ có một sự thật, không có cái thứ nhì đâu

Người hiểu được, sẽ không tranh cãi với ai nữa.

Bởi vì họ tuyên bố các sự thật khác của họ

nên họ không nói lên cùng một sự thật.

885 (Câu hỏi)

Tại sao các nhà tranh cãi thiện nghệ này

lại tuyên thuyết nhiều sự thật khác nhau?

Có phải có nhiều sự thật dị biệt nhau,

hay vì lý luận của họ dẫn ra kết luận như thế?

886 (Đức Phật)

Không hề có nhiều sự thật dị biệt đâu.

chỉ là các niệm tưởng sai biệt [trong tâm họ]. 

Khi biện luận cho quan kiến của họ

họ nói chỉ hai thứ nhị biên: ‘đúng’ và ‘sai.’

887

Dựa vào những gì được thấy, được nghe, được suy nghĩ

dựa vào giới luật và nghi thức tôn giáo

họ coi thường những người khác.

Dựng lập trong giáo thuyết riêng, họ tự hài lòng

và nói, “Đối thủ của tôi là kẻ khờ, kém cỏi.”

888

Họ tự xem là chuyên gia thiện nghệ

Vì họ gọi đối thủ của họ là kẻ khờ

Họ tự cho là người giỏi, coi thường kẻ khác

Nhưng kẻ khác cũng  tự cho ngược lại.

889

Họ mài giũa trong kiến chấp sai lầm

tự cho toàn hảo, say sưa với ngã mạn

tự phong là bậc thầy, là đạo sư

tự chọ quan kiến của họ là toàn hảo.

890

Nếu có ai là bất toàn vì đối thủ nói như thế

thì đối thủ của họ cũng bất toàn tương tự.

Nhưng nếu họ trí tuệ, hiểu biết

thì không ai là kẻ khờ trong các giáo sĩ.

891

Thế rồi những người bám vào các dị kiến

say sưa biện luận và quy chụp nhau:

Hễ ai tuyên thuyết khác giáo thuyết này

đều là sai lạc, không phải đạo thanh tịnh.

892

Do vậy, họ nói: Chỉ đây là [đạo] thanh tịnh

không có sự thanh tịnh hóa trong các pháp khác.

Và họ kiên cố tự vây trong các dị kiến

tự khẳng định về các lối đi riêng của họ.

893

Khi khẳng định mạnh mẽ về lối đi riêng của họ

họ xem đối thủ nào nơi đây là kẻ khờ?

Họ sẽ chỉ mang tranh cãi vào chính họ

khi gọi đối thủ là kẻ khờ [sống] với giáo thuyết bất tịnh.

894

Tự vây trong giáo thuyết riêng của họ

tự lấy họ làm tiêu chuẩn để đo kẻ khác

họ gây thêm tranh cãi với thế giới.

Chỉ những ai đã rời bỏ mọi phán đoán

mới không gây tranh cãi xung đột trong thế giới này.

Hết Kinh Sn 4.12

Xem mục lục