Sn 5.13: UDAYA-MANAVA-PUCCHA
CÁC CÂU HỎI CỦA UDAYA
Kinh này trước tiên nói là phải suy tư, phải lý luận. Đây là con đường truyền thống: văn (nghe, học, thu nhận kiến thức), tư (suy nghĩ, lý luận), tu (pháp hành, luyện tâm, thiền tập). Phật Giáo Tây Tạng có truyền thống tranh luận trước tập thể, cũng vì lý luận là một lối vào Trung Luận của ngài Long Thọ.
Nơi đây, chúng ta sẽ ghi chú chi tiết cho Kinh Sn 5.13, vì kinh tiếp theo sau sẽ phức tạp hơn.
Kinh này nói, sau khi suy tư, phải tập thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana). Thiền Tông có lời dạy cầm nang của ngài Huyền Giác nhấn mạnh hai yếu tố đều cần thiết, là: tỉnh tỉnh lặng lặng, lặng lặng tỉnh tỉnh. Trong toàn bộ các lời dạy sơ thời, Đức Phật gần như luôn luôn nói về hai phương tiện này, trong khi thiền tập tại Hoa Kỳ và các nước Tây Phương trong thế kỷ 20 và đầu 21 nhấn mạnh Vipassana, có khi không nhắc gì tới định (chỉ).
Kinh Sn 5.13 nói rằng Niết Bàn là khi thức tận diệt. Điều này không có nghĩa là, tận cùng là tu tới khi trờ thành cục đá, gốc cây. Chỉ có nghĩa là, thức là lực dẫn đi tái sanh, trong khi Niết Bàn là cảnh giới tịch tĩnh, an lạc, xa lìa mọi hình thức tái sanh, không còn lực nào dẫn đi nữa. Tuy nhiên, không nên hiểu thức như cái gì độc lập, vì Kinh MN 38 (Mahatanhasankhaya Sutta) nói rằng nên hiểu thức trong toàn cảnh duyên khởi, trong đó trực tiếp tham là xăng dầu cho thức chạy nhảy (Đức Phật dạy: Haven't I, in many ways, said of dependently co-arisen consciousness, 'Apart from a requisite condition, there is no coming-into-play of consciousness…).
Bài Kệ 1109 nói về Vô Niệm. Vì niệm là phương tiện cho thế giới vận hành. Cũng không nên nghĩ rằng vô niệm là dứt niệm, vì đầu kinh nói rằng suy tư là một cách nhận ra Pháp, tức là nhận ra Pháp Tánh hay Lý Duyên Khởi (Kinh MN 52 và Kinh AN 11.17 dạy 11 pháp môn, trong đó học nhân “suy tư, nhận biết vô thường, vững trú trong tâm thức này” – nghĩa là, suy tư, hay niệm, chính là một phương tiện lớn).
Bài Kệ 1109 viết về niệm như là xăng dầu cho thế giới vận hành:
-- bản dịch Bodhi: thought is its means of traveling about.
-- bản dịch Anandajoli: it roams about through reflections.
-- bản dịch Thanissaro: with directed thought, it's examined.
-- bản dịch Khantipalo: while thinking, the world’s wandering
-- bản dịch HT Minh Châu: Suy tầm là sở hành.
Để hiểu tận tường tiến trình này, nơi đây, chúng ta dẫn ra Kinh MN 18 Kinh Mật Hoàn. Thí dụ, nói về mắt (nhãn căn) và chung tất cả các căn khác, tiến trình sẽ như sau.
Căn (eye) + trần (sights) + thức (eye consciousness) => xúc (contact) => thọ (feeling) => tưởng (perception) => suy tầm (thought, thinking, reasoning -- thường gọi tắt là "niệm") => hý luận vọng tưởng (being beset by concepts of identity that emerge from the proliferation of perceptions -- thường gọi là "tâm phan duyên").
Viết như thế, là làm đơn giản hóa, vì Đức Phật có khi dạy nhóm duyên khởi của niệm sẽ khác một chút (theo Thanissaro, khi dẫn ra Kinh DN 21 và Kinh Sn 4.11).
Nơi đây, trích Kinh Mật Hoàn, bản dịch của ngài Minh Châu, chỗ này như sau:
“Chư Hiền, do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại...
Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có mắt, khi nào không có các sắc, khi nào không có nhãn thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của xúc, sự thi thiết của thọ được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của thọ, sự thi thiết của tưởng được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của tưởng, sự thi thiết của suy tầm được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của suy tầm, thời sự thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ.”
Thiền Tông nói về pháp môn gỡ khóa tiến trình kia như thế nào?
Sách Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn của Thiền sư Tuệ Hải (tức Huệ Hải), bản dịch của Thầy Thanh Từ, viết rằng trước tiên phải nhận ra Bản Tâm, hay Tự Tánh, ví như gương sáng:
“Ví như trong gương sáng tuy không có hình tượng, mà có thể thấy tất cả hình tượng. Vì sao? Vì gương sáng không tâm. Người học đạo nếu tâm không có chỗ nhiễm, vọng tâm chẳng sanh, tâm ngã sở (tâm chấp mình và sự vật của mình) diệt, tự nhiên được thanh tịnh, vì thanh tịnh nên hay sanh cái thấy này...
Vô niệm là không tà niệm, chớ chẳng phải không chánh niệm...
Niệm có, niệm không là niệm tà, chẳng niệm có không là niệm chánh; niệm thiện, niệm ác là niệm tà, chẳng niệm thiện ác là niệm chánh; cho đến niệm khổ vui, sanh diệt, thủ xả, oán thân, yêu ghét thảy đều là niệm tà, chẳng niệm khổ vui… là niệm chánh.”
Tóm lược ý kinh: Ly tham, giữ tâm lặng lặng và tỉnh tỉnh, chớ để niệm dẫn theo thế giới quay cuồng.
Kinh này gồm các bài kệ từ 1105 tới 1111.
1105. [Udaya] Đối trước bậc Thiền nhân -- ngài đã ngồi xa lìa bụi, đã làm xong việc phải làm, với lậu hoặc không còn, đã vượt qua tất cả các pháp – con xin hỏi, xin ngài nói về trí giải thoát, về phá vỡ vô minh.
1106. [Đức Phật]
Hỡi Udaya, hãy buông ái dục, lìa ưu trầm, dẹp bỏ lười biếng, xa rời hối tiếc.
1107. Trước tiên, hãy suy tư về Pháp. Kế tiếp, thanh tịnh hóa nhờ tịch lặng và tỉnh thức (chỉ và quán). Ta gọi đó là giải thoát bằng tri kiến tối hậu, phá vỡ vô minh.
1108. [Udaya] Vì đâu thế giới bị trói buộc? Vì đâu thế giới vận hành? Buông bỏ những gì, thì được gọi là Niết Bàn?
1109. [Đức Phật]
Thế giới bị trói buộc vì hỷ; niệm là phương tiện thế giới vận hành (bản dịch Bodhi: thought is its means of traveling about); buông bỏ tham ái là tên gọi Niết Bàn.
1110. [Udaya] Đối với người sống một cách chánh niệm, như thế nào để thức tận diệt? Chúng con tới để hỏi Thế Tôn, để có thể nghe lời ngài giảng.
1111. [Đức Phật]
Hễ ai không hoan hỷ với các thọ trong hay ngoài – người sống chánh niệm như thế, thức sẽ bị tận diệt.
Hết Các Câu Hỏi của Udaya