Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

III. THẬP TRỤ

Kinh : “Anan, người thiện nam đó dùng phương tiện chân thật phát được mười cái tâm ấy. Tâm tinh phát huy mười cái Dụng xen lẫn vào nhau, viên thành một tâm, gọi là Phát Tâm Trụ.

Thông rằng : Từ Chân Diệu Viên trùng phát Chân Diệu, đây gọi là phương tiện chân thật. Dùng phương tiện chân thật mà phát được mười thứ Tín Tâm này. Tin ấy là Chân. Chân ấy là Tin, không dung chứa niệm nào khác xen tạp vào, thì cái Tâm ấy tinh thuần vậy. Sự tinh minh của tâm tự phát ánh sáng. Hoặc Định hoặc Huệ, hoặc Giới hoặc Nguyện, mười cái Dụng xen lẫn vào nhau : ngay trong Định mà Huệ, Giới đều sẵn đủ, ngay nơi Giới mà Định, Huệ đều tròn đầy. Tóm lại, là phát minh cái Bổn Lai, hướng nơi Phật mà an trụ, nên gọi là “Viên thành một tâm”. Mười cái Dụng chưa tròn thì tâm lượng chưa đầy, hẳn phải mười cái Dụng viên thành mới có thể gọi là Phát Tâm Trụ.

Ngài Thiên Thai Trí Giả lấy mười Tâm Anh Lạc (chuỗi ngọc) đối với mười quán pháp Đại Thừa, ước định Sơ Trụ của Viên Giáo, tỏ đủ mười Đức thì ý nghĩa cũng phù hợp nhau.

Xưa, Đức Lục Tổ canh ba vào thất, Đức Ngũ Tổ lấy áo cà sa che quanh không để người thấy, nói cho kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”(05), Lục Tổ ngay nơi lời nói đại ngộ, rõ tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự Tánh, bèn bạch cùng Ngũ Tổ:

“Nào ngờ Tự Tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ Tự Tánh vốn chẳng sanh diệt
Nào ngờ Tự Tánh vốn tự sẵn đủ
Nào ngờ Tự Tánh vốn không động lay
Nào ngờ Tự Tánh sanh ra muôn pháp”.

Đức Ngũ Tổ biết đã ngộ Bổn Tánh, nói rằng : “Chẳng rõ Bổn Tâm, học pháp vô ích. Như rõ Bổn Tâm mình, thấy Bổn Tánh mình thì gọi là trượng phu, thầy của Trời, Người, là Phật”.
Cho nên viên thành một tâm, như chỗ ngộ của Đức Lục Tổ mới có thể nói là Phát Tâm Trụ. 

Kinh : “Trong tâm phát sáng, như ngọc lưu ly trong sạch, ở trong hiện chói sắc vàng ròng. Dùng cái diệu tâm trước kia bước đi thành địa vị, gọi là Trị Địa Trụ.

Thông rằng : Chỗ thấy rõ ràng mới có thể bước đi. Chỗ thấy không rõ ràng dầu có cất bước đi nữa cũng chẳng phải là un đúc Tự Tánh, chỉ là chạy theo việc ngoài, ví như cất nhà trên đất người khác, đối với ta có dính dáng gì ?

Cái “Trong tâm phát sáng” đây tức là Vô Sư Trí, Tự Nhiên Trí, từ trong Pháp Giới Tánh mà hiện bày, như ngọc lưu ly trong sạch, ở trong hiện chói sắc vàng ròng. Thấy rất chân thật, ngộ rất thấu suốt, chỗ thấy cùng pháp không hai nhưng chỗ hành chưa tới. Từ đây gìn giữ, từ đây bước đi. Dùng mười thứ tâm mầu nhiệm trước kia, mỗi mỗi tự thân hành đạo, thân tâm như nhất, bước bước vững vàng như đất. Hễ cất nhà thì trước sửa sang nền đất. Đây là chỗ bắt đầu khởi bước, nên gọi là Trị Địa Trụ.

Thiền sư Vân Cư Ứng thượng đường : “Người xưa nói “Muốn kham giữ việc này cần hướng về đảnh núi chót vót mà đứng, đáy bể thăm thẳm mà đi mới có đôi chút hơi hám”. Bằng các ông chưa rõ đại sự hãy nên dẫm bước trên đường huyền”.

Có nhà sư hỏi : “Thế nào là chỗ bước đi của người hướng thượng ?”

Tổ Cư nói : “Thiên hạ thái bình”.

Lại có nhà sư hỏi thiền sư Quảng Pháp Viện Nguyên : “Từ xưa các Thánh hướng chỗ nào mà đi ?”

Tổ Nguyên nói : “Đầu đường chữ thập ()”.
Hỏi : “Thế tức là hư khuyết vậy”.
Đáp : “Biết ông chưa đến đất đai ấy”.
Hỏi : “Đến rồi thì sao ?”
Tổ nguyên nói : “Nhà thường cơm nước”.

Cho nên lấy cái chỗ mà các vị tôn túc gọi là dẫm bước thì rõ Trị Địa Trụ. Cái dẫm bước này thật nhiệm mầu vậy. 

Kinh : “Tâm địa biết khắp, đều được tỏ rõ, dạo đi mười phương, được không ngăn ngại, gọi là Tu Hành Trụ.

Thông rằng : Tâm, do đâu mà biết là Địa ? Địa, do đâu mà biết là Tâm ? Tâm ấy là Diệu Tâm. Hạnh ấy là Diệu Hạnh. Trí ấy là Diệu Trí vậy. Lý, Hạnh, Trí ba Đức viên dung mới có thể nói là Tâm Địa biết khắp, sáng tỏ chẳng mờ, rõ ràng thường biết. Tâm tức là Hạnh, Hạnh tức là Tâm, dạo đi mười phương, có gì ngăn ngại. Đã không ngăn ngại nào cần dùng đến tu hành, mà ở đây gọi là Tu Hành Trụ ? Một là dẫm bước trên Thật Tế, không giữ bám chấp, nên lấy sự dạo đi làm Tu. Một là nắm chặt cái tâm sáng tỏ bèn là ngăn ngại, nên lấy sự không ngăn ngại làm Tu. Thật ra, là Hành mà không chỗ Hành, Tu mà không chỗ Tu vậy.

Thiền sư Thạch Sương chỉ dạy đại chúng rằng : “Hàng sơ cơ chưa rõ đại sự trước cần biết nắm cái đầu thì cái đuôi tự đến”.

Ngài Sơ Sơn bước ra, hỏi : “Thế nào là đầu ?”
Tổ Sương nói : “Cần biết ngay đang có”.
Ngài Sơ hỏi : “Thế nào là đuôi ?”
Tổ Sương nói : “Hết sạch hiện giờ”.
Hỏi : “Có đầu không đuôi thì sao ?”
Đáp : “Mửa được vàng ròng còn làm gì nữa ?”
Hỏi : “Có đuôi không đầu thì sao ?”
Đáp : “Vẫn còn nương dựa”.
Hỏi : “Được ngay đầu đuôi tương xứng thì thế nào ?”
Đáp : “Y chẳng làm cái hiểu biết, cũng chưa cho là y có đó !”
Về sau có nhà sư hỏi thiền sư Cửu Phong Kiền : “Thế nào là đầu ?”
Tổ Phong đáp : “Mở mắt chẳng hiểu biết”.
Hỏi : “Thế nào là đuôi ?”
Đáp : “Chẳng ngồi sàng muôn năm”.
Hỏi : “Có đầu không đuôi thì thế nào ?”
Đáp : “Rốt là chẳng quý”.
Hỏi : “Có đuôi không đầu thì thế nào ?”
Đáp : “Tuy no mà không có sức”.
Hỏi : “Được ngay đầu đuôi tương xứng thì thế nào ?”
Đáp : “Con cháu đắc lực, trong nhà chẳng biết”.
Ngài Cửu Phong hiểu được ý Tổ Thạch Sương như từ cùng một ấn in ra.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Quy thì tròn, củ(06) thì vuông 
Dùng thì làm, bỏ thì cất
Vụng chậm loài chim nương ổ, quanh quẩn thứ dê 
 đụng rào
Ăn cơm nhà người, nằm giường của mình
Mây kéo đổ mưa, móc kết thành sương
Chỉ ngọc qua lỗ kim vừa hợp, tơ dài chẳng dứt ruột
  thoi ra
Gái-đá máy ngừng, hề, màu đêm sắp Ngọ
Người gỗ chuyển đường, hề, bóng nguyệt dời khuya”.

Bài tụng này đầu đuôi tương xứng. Phải Tu như thế, Hành như thế mới có thể tương ưng cùng pháp môn Viên Đốn. 

Kinh : “Hạnh đồng với Phật, lãnh nhận khí phần của Phật, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ. Cái âm tín thầm thông vào dòng giống Như Lai, gọi là Sanh Quý Trụ.

Thông rằng : Hạnh đồng với Phật là từng phần Chân Trí bình đẳng với Cứu Cánh Trí. Nhận khí phần của Phật là từng phần Chân Lý bình đẳng với Cứu Cánh Lý. Đoạn trước nói : “Khí Phần giao tiếp” thì còn là hai, Đến đây, vào dòng giống Như Lai thì cơ hồ hợp làm một vậy.

Thân Trung Ấm là cái Ấm này đã hết mà cái Ấm kia chưa sanh, ở khoảng giữa hai cái Ấm này, lơ lững giữa hư không bốn mươi chín ngày tự tìm cha mẹ. Nghiệp Duyên tương tự thì đến thai sanh. Chỗ này là âm tín thầm thông, chẳng phải do suy tính tìm cầu. Quyền trí như cha, thực trí như mẹ, nhậm vận tương hợp, chẳng mượn công sức, cái quả đức âm thầm bằng nhau. Đâu thể biết sự tự nhiên nhi nhiên, do đó như âm như thầm mới có thể vào dòng giống Như Lai.

Nói là Sanh Quý cũng giống như Vương Tử còn trong thai mà ngôi vị đã khác thường dân, nên nói rằng Quý. Quý ở chỗ đốn chứng Vô Thượng Đệ Nhất Pháp Môn vậy.

Tổ Động Sơn có họa đồ Ngũ Vị Vương Tử. Một là Đản Sanh. Hai là Triều Sanh. Ba là Mạt Sanh. Bốn là Hóa Sanh. Năm là Nội Sanh. Tất cả đều dùng để phát minh cơ duyên hướng thượng.
Tổ Thạch Sương tụng về “Ngũ Vị Vương Tử Đồ” như sau : 

Một là Đản Sanh :

Sang cả tự nhiên vốn chẳng công
Đức hợp Càn Khôn nuôi thịnh dòng
Đầu đuôi một giống không sai khác
Cung phân sáu trạch (nhà) cũng đồng tông
Trên hòa dưới kính, âm dương thuận
Cộng khí (phần) liền cành, khí lượng đồng
Muốn rõ Đản Sanh Vương-Tử-Phụ
Vút ra lồng bạc hạc thong dong. 

Hai là Triều Sanh

Khổ học tình đời luận khó bì
Ra rồi phàm sự đã vô vi
Thơ thành năm chữ, ba đông tuyết
Bút phẩy tơ hào, bốn biển mây
Công chứa muôn pho nên thời thánh
Một lòng trung hiếu giúp minh quân
Mặn chua chẳng phải sanh hay (biết) được
Nào nhọc bảng vàng hiển đại công. 

Ba là Mạt Sanh

Nương lâu hang hốc dụng công phu
Giường cỏ cửa cây giữ chí cô (đơn)
Nghe, thấy mười năm tâm tự chứa
Một thân đông hạ, áo y không
Trong lặng mỉm cười ba thu ý
Thanh khổ cao danh thượng triết đồ
Nên nghiệp cao khoa đền chí cũ
So ra quan tướng chẳng ai bằng 

Bốn là Hóa Sanh

Nương phần đế mệnh để truyền trì
Muôn dặm sơn hà hiển chánh uy
Mặt trời đỏ bóng ngừng cõi dưới
Mây dồn gió mát lúc oi nồng 
Thấp cao há bỏ tôn ti lệnh
Năm khố xa gần biết phục sinh
Tay cầm diệu ấn biên cương lặng
Ngôi trời nào lộ chút cơ vi 

Năm là Nội Sanh

Thẳm chốn cửu trùng há lại tuyên
Khoác xấu xa để hiển diệu truyền
Chỉ thờ một đấng trời đất quý
Theo kia các đạo tự phân quyền
Tử La màn khép, vua tôi cách
Hoàng Các rèm buông, cấm chế toàn
Vì ngươi chốn chốn cung thần mến
Mượn lá vàng ngưng nín khóc liền 

Có nhà sư hỏi Tổ Thụy Nham : “Thế nào là Vương Tử Đản Sanh ?”
Tổ Nham nói : “Thâm cung dẫn chẳng ra”.
Ngài Đầu Tử tụng rằng :

“Quý lạ thiên nhiên hẳn có thì
Vườn Xuân sáu viện ít tương tùy
Nửa đêm sao hợp thiên luân khác
Đuốc chiếu trong cung lặng rủ rèm”.

Cho nên một đường Sanh Quý là tông phong của Tào Động, rất là miên mật. Chẳng vào thất này khó cùng nói năng. 

Kinh : “Đã vào Đạo Thai, chính mình nhờ được sự nuôi sống của Tánh Giác, như Thai đã thành, tướng người không thiếu gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ.

Thông rằng : Thánh Thai đã thành thì không chỉ nhận cái khí phần mà chính mình còn được sự nuôi sống của Tánh Giác, tiếp nối mạng mạch của Phật, ứng cơ tiếp vật, đủ đầy phương tiện. Tuy chưa đến chỗ viên mãn, nhưng cũng cụ thể chi tiết, như người ở trong thai, tướng mạo đầy đủ. Tướng mạo hiển bày để có thể thấy được, đó thuộc về phương tiện ứng dụng, nên gọi là Phương Tiện Cụ Túc Trụ.

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư, người ở xứ Hoàng Mai Kỳ Châu. Kiếp trước là đạo giả Tài Tùng ở Phá Đầu Sơn, từng hỏi Đức Tứ Tổ : “Có thể nghe được đạo pháp chăng ?”

Tổ đáp : “Ông đã già, có nghe được rồi làm sao rộng hóa ? Nếu sanh lại được thì tôi còn chờ ông”.

Đạo giả bèn đi, đến bờ sông, thấy một cô gái đang giặt áo, chắp tay hỏi rằng : “Ở nhờ được chăng?”

Cô gái nói : “Tôi có phụ huynh, có thể đến đó mà xin”.

Nói rằng : “Đồng ý tôi mới dám đi”.

Cô gái gật đầu ưng chịu. Đạo giả bèn quay gậy mà đi. 

Cô gái là con út nhà họ Châu, khi về nhà thì có thai. Cha mẹ rất xấu hổ, đuổi đi. Cô gái không chỗ nương tựa, ngày thì quay tơ mướn trong xóm, tối thì ngủ nhờ trong quán tiệm. Rồi sanh ra một đứa con trai, cho đó là chẳng lành, nên đem ném xuống một rạch nước đục. Sáng ngày thấy trôi ngược trở lên, khí phách tươi tốt, rất kinh sợ, vớt lên nuôi nấng. Đứa bé theo mẹ đi xin ăn, người làng gọi là thằng bé không họ. 

Có hôm, gặp một vị trí giả than rằng : “Đứa bé này thiếu mất bảy tướng tốt nữa, nên chẳng bằng Như Lai”.

Sau này, gặp Đức Tứ Tổ, Tổ hỏi : “Cậu bé tánh (họ) gì ?”

Đáp rằng : “Tánh (họ)ï thì có, nhưng chẳng phải tánh (họ) thường”.

Tổ hỏi : “Là tánh (họ) gì ?”
Đáp rằng : “Là tánh Phật”.
Tổ hỏi : “Con không có tánh (họ) ư ?”
Đáp rằng : “Tánh Không vậy”.

Tứ Tổ biết là pháp khí, bảo thị giả đến chỗ ở bà mẹ để xin cho Ngài xuất gia. Bà mẹ vì duyên cũ, nên không cản trở, cho theo làm đệ tử, về sau nối ngôi Tổ.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Hoàng Mai quả chín, sen trắng hoa khai
Hỏi, chỉ họ Phật, thân khác phàm thai
Y truyền Nam Lãnh người đem mất
Tùng lão Tây Sơn, trở lại đây
Hai lớp túi da thành nên chuyện
Một bầu trăng gió lặng bụi đời”.

Ngài Thủy Am tụng rằng :

“Hẹn đi, Tài Tùng, ấy lão nhơn
Trở lui vui pháp cậu đồng chân
Thân có mẹ sanh, cha Không Tánh
Linh miêu ngoài kiếp chẳng phạm xuân”.

Nếu đạo giả chưa đến Phương Tiện Cụ Túc Trụ thì làm sao đến đi tự do, gần được đầy đủ tướng tốt Như Lai ? 

Kinh : “Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng, gọi là Chánh Tâm Trụ.

Thông rằng : Dung mạo ví dụ cho sự ứng dụng, tâm tướng ví dụ cho Chân Trí. Dù cho bề ngoài giống nhau mà bên trong hơi khác thì chẳng phải Chánh Tâm vậy. Chánh Tâm cũng khó nói ra, vì phải phàm Thánh đều quên, Tình hết sạch, Thể hiện bày, mới có thể nói là Chánh. 

Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng lên miền Bắc gặp Tổ Lâm Tế rồi trở lại hầu Tổ Ngưỡng Sơn.

Tổ Sơn hỏi : “Ông đến làm gì ?”
Đáp : “Ra mắt thân cận Hòa Thượng”.
Tổ Sơn hỏi : “Có thấy Hòa Thượng chăng ?”
Đáp : “Dạ, thấy”.
Tổ Sơn nói : “Hòa Thượng sao giống con lừa ?”
Đáp : “Con thấy Hòa Thượng cũng chẳng giống Phật”.
Tổ Sơn nói : “Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì ?”
Đáp : “Nếu có chỗ giống thì đâu khác con lừa”.
Ngài Ngưỡng Sơn rất kinh ngạc, nói : “Phàm Thánh đều quên, tình dứt, thể lộ. Ta lấy chỗ này để xét nghiệm người, hai mươi năm nay không người rõ thấu. Ông giữ gìn đi”.
Ngài Ngưỡng Sơn thường chỉ sư mà nói với người khác : “Ông ấy là nhục thân Phật vậy”.
Xem đây thì “Dung mạo như Phật, tâm tướng cũng đồng”, chỉ có Ngài Quang Dũng là gần đó vậy. 

Kinh : “Thân Tâm hợp thành, ngày càng tăng trưởng, gọi là Bất Thối Trụ.

Thông rằng : Địa vị Bất Thối Tâm(07) ở trước chỉ sự vào sâu trong Tánh Sáng, có tiến không có lùi, thì chỉ mới nói về phương diện Tâm. Còn địa vị Bất Thối Trụ ở đây là Thân Tâm hợp thành, ngày càng tăng trưởng, là tiến tới gồm cả trong lẫn ngoài. Tức là ở địa vị trước đây, dung mạo, tâm tướng thoải mái, nhàn hạ mà chờ tự tăng trưởng, chứ chẳng phải chứa công dồn hạnh mà so sánh được.

Có nhà sư nêu lên bài kệ của thiền sư Ngọa Luân :

“Ngọa Luân có tài khéo
Hay dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh, Tâm chẳng khởi
Bồ Đề ngày tăng trưởng”.

Đức Lục Tổ nghe xong, nói rằng : “Kệ này chưa rõ Tâm Địa, nếu nương theo đó mà tu hành thì càng thêm trói buộc. 
Nhân đó chỉ bày bằng bài kệ :

“Huệ Năng không tài khéo
Chẳng đoạn trăm tư tưởng
Đối cảnh, tâm tâm khởi
Bồ Đề nào tăng trưởng”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Hoa Quỳ hướng nhật, tơ liễu tùy phong”.

Ôi, một khiếu hướng thượng, chẳng tăng chẳng giảm, chỉ vì thức tình tiêu ma chưa hết nên thấy có tăng trưởng, có thối sụt đó thôi. Nếu có cái Thấy nơi chỗ chẳng tăng chẳng giảm mà xu hướng theo đó, liền đồng như hoa Quỳ hướng theo mặt trời. Nếu có cái Thấy nơi chỗ chẳng tăng chẳng giảm mà bỏ quên đi, liền đồng như tơ liễu tùy theo gió. Như vô tâm đối với cả hai, tùy thời ăn cơm mặc áo, nuôi lớn Thánh Thai, mới được gọi là Bất Thối Trụ. 

Kinh : “Linh tướng của mười thân, cùng lúc đầy đủ, gọi là Đồng Chân Trụ.

Thông rằng : Mười Thân là Bồ Đề Thân, Nguyện Thân, Hóa Thân, Lực Thân, Trang Nghiêm Thân, Uy Thế Thân, Ý Sanh Thân, Phước Thân, Pháp Thân và Trí Thân vậy. Linh Tướng đầy đủ so với “Tướng người không thiếu” ở trước thì đã viên mãn. Tuy cả hai đều đầy đủ cái Thể mà ở đây đã thành đứa bé, nên gọi là Đồng Chân Trụ.

Thiền sư Phần Dương Chiêu thượng đường rằng : “Phàm thuyết pháp, cần phải đủ mười Trí Đồng Chân. Nếu không đủ mười Trí Đồng Chân thì tà chánh chẳng rõ, tăng tục chẳng rành, không thể làm bậc tai mắt cho trời, người để quyết đoán phải quấy. Như chim bay giữa không mà gãy cánh, như bắn tên mà đứt dây cung. Cánh gãy chẳng thể bay lên không, dây cung đứt bắn chẳng trúng đích. Dây cung chắc, cánh cứng thì đích bắn hay hư không đều thấu suốt. Thế nào là mười Trí Đồng Chân ? Xin chỉ ra cùng quý Thượng Tọa. Một là Đồng Nhất Chất(08). Hai là Đồng Đại Sự(09). Ba là Tổng Đồng Tham(10). Bốn là Đồng Chơn Chí(11). Năm là Đồng Biến Phổ(12). Sáu là Đồng Cụ Túc(13). Bảy là Đồng Đắc Thất(14). Tám là Đồng Sanh Sát. Chín là Đồng Âm Hống(15). Mười là Đồng Đắc Nhập(16).

Ngài lại nói : “Cùng với người nào Đồng Đắc Nhập ? Cùng với ai Đồng Âm Hống ? Thế nào là Đồng Sanh Sát ? Vật gì Đồng Đắc Thất ? Cái gì Đồng Cụ Túc? Cái gì là Đồng Biến Phổ ? Người nào Đồng Chân Chí ? Ai có thể Tổng Đồng tham ? Cái gì Đồng Đại Sự ? Vật nào Đồng Nhất Chất ? Có chỉ ra được chăng ? Chỉ ra được thì chẳng tiếc từ bi. Chỉ không ra thì chưa có con mắt tham học vậy. Cần thiết chọn lấy, biết rõ phải quấy cái mặt mũi hiện tại. Chẳng thể đứng lâu, trân trọng!”

Mười Trí Đồng Chân này chỉ bày tỏ sự việc bên phía Trí Thân. Mười thân mà đầy đủ lại phải càng nhập vào chỗ vi diệu. Tuy thế, tất cả chỉ là một thể Bồ Đề, tùy chỗ khác tên mà thôi. Như riêng có chỗ đặc sắc thì làm sao có thể “Cùng Lúc Đầy Đủ” ư ? 

Kinh : “Thành đủ hình hài, ra khỏi thai, chính mình là Phật Tử, gọi là Pháp Vương Tử Trụ.

Thông rằng : Tự mình thọ nhận khí phần của Phật, vào dòng giống Như Lai, lần hồi thành thai, tiến tới “Dung Mạo”, tiến tới “Tăng Trưởng”, tiến tới “Đồng Chân” mới được hình thể hoàn thành mà ra khỏi thai làm Pháp Vương Tử. Đã nhập Phật Tri Kiến mà còn được bảo nhậm như thế mới càng sáng càng suốt, thay Phật hoằng hóa. Sự thành tựu quả là không dễ dàng vậy.

Ngài Xá Lợi Phất tự miệng Phật sanh, từ Pháp hóa sanh làm trưởng tử của Phật. Ngài là Trí Huệ Đệ Nhất, từ nhiều kiếp đến nay chứ chẳng phải là sức lực một sớm một chiều vậy.

Tổ Quy Sơn đang ngủ, Ngài Ngưỡng Sơn đến thăm hỏi. Tổ bèn quay mặt vào vách.
Ngài Ngưỡng nói : “Hòa Thượng sao được như vậy ?”
Tổ Quy Sơn ngồi dậy bảo : “Ta vừa có một giấc mộng, ông thử suy đoán giùm ta xem !”
Ngài Ngưỡng Sơn bèn đem một thau nước đến cho Tổ rửa mặt.
Lát sau, Ngài Hương Nghiêm cũng đến thăm lễ. 
Tổ Quy Sơn nói : “Ta vừa có một giấc mộng, Huệ Tịch đã suy đoán giùm ta rồi, ông suy đoán giùm ta xem nào !”
Ngài Nghiêm bèn rót một chén trà bưng tới.
Tổ Quy nói : “Chỗ kiến giải của hai ông vượt cả Ngài Thu Tử(17)”.
Ôi, trí huệ như Ngài Xá Lợi Phất mà còn lại vượt qua thì há chẳng phải “Thành đủ hình hài, ra khỏi thai” mà còn “Lại ra khỏi thai” nữa ư ? 

Kinh : “Cốt cách đã thành người lớn, như vị Quốc Vương phân công ủy nhiệm các việc nước cho vị Thái Tử, khi vị Thế Tử trưởng thành, Sát Lợi Vương kia bày ra lễ Quán Đảnh, gọi là Quán Đảnh Trụ.

Thông rằng : Vị Pháp Vương Tử vì phương tiện, tâm tướng đều giống như Phật, đủ sức nối tiếp địa vị Phật, thay Phật làm việc cho nên lấy ví dụ Quốc Vương và Thái Tử, cũng như Sát Lợi Vương và thế tử bày ra lễ Quán Đảnh.

Con Quốc Vương gọi là Thái Tử, con Chư Hầu gọi là Thế Tử. Cốt cách đã thành người lớn, sắp được phó thác ngôi vua, cũng tương tự như Lễ Đội Mũ. Dùng nước biển lớn rưới trên đầu để biểu trưng rằng làm vua thì nên dùng các bậc Trí, như biển thu nạp trăm sông. Dùng nước biển là dùng tất cả nước vậy. Đây chỉ lấy việc nước nhà phân công ủy nhiệm, khiến nắm lấy mà lo liệu chứ chẳng phải chánh thức giao phó ngôi báu để được “Tức Chân” vậy.

Bởi địa vị này thầm đủ các đức, đủ sức phân hóa mười phương mà làm Phật sự nên gọi là Quán Đảnh Trụ. Đến hàng Thập Địa, hạnh viên mãn, gần với bực Đẳng Giác, mới có thể chánh thức được giao phó chức vị Phật. Vì thế, Pháp Vân Địa gọi là Quán Đảnh Bồ Tát, đó là Tức Chân vậy, chẳng còn trụ nơi trụ.

Vị Tăng hỏi Tổ Tào Sơn : “Thế nào là sư tử ?”
Tổ Sơn đáp : “Các thú chẳng thể gần”.
Hỏi : “Thế nào là sư tử con ?”
Đáp : “Nuốt mất cha mẹ”.
Hỏi : “Đã là các thú chẳng thể gần vì sao lại bị con nuốt ?”
Đáp : “Há chẳng nghe nói : “Con mà gầm rống, tổ phụ đều mất sạch” ư ?”
Hỏi : “Mất sạch rồi thì thế nào ?”
Đáp : “Toàn thân về với cha”.
Hỏi : “Chưa rõ khi tổ mất thì phụ về chỗ nào ?
Đáp : “Chỗ nào cũng mất hết”.
Hỏi : “Vậy sao mới vừa nói “Toàn thân về với cha” ?”
Đáp : “Thí như con vua hay thành việc của cả nước”.
Tổ lại nói : “Thầy Xà Lê, nơi chuyện này, chẳng được vướng hẹp. Ngay như bây giờ, trên cành khô lại tung ra một ít hoa !”

Đây là từ trong Thể khởi ra cái Dụng, đó gọi là Diệu Trạm vậy.

Ông Tư Mã Đầu Đà từ Hồ Nam đến, thưa với Tổ Bách Trượng rằng : “Vừa rồi ở Hồ Nam, tôi có tìm được một ngọn núi tên là Đại Quy. Đó là chỗ ở của vị Thiện Tri Thức của một ngàn năm trăm đồ chúng vậy”. 
Tổ Trượng nói : “Lão tăng ở được chăng ?”
Đầu đà đáp : “Chẳng phải chỗ ở của Hòa Thượng”.
Tổ hỏi : “Sao vậy ?”
Đầu đà đáp : “Hòa Thượng là người xương mà kia thuộc về núi thịt, giả sử có ở thì đồ chúng chưa đủ ngàn người”.
Tổ nói : “Trong chúng của ta không có ai ở được sao ?”
Đầu đà đáp : “Xin chờ xem qua đã !”
Khi ấy Ngài Hoa Lâm Giác đang làm Đệ Nhất Tòa. Tổ Trượng bảo thị giả mời đến rồi hỏi : “Người này thì sao ?”
Ông Đầu Đà mời Ngài tằng hắng một tiếng và đi vài bước; rồi nói : “Không được”.
Tổ Trượng lại bảo gọi Ngài Quy Sơn khi ấy đang làm Điển Tòa. 
Đầu Đà vừa thấy bèn nói : “Đây chính là chủ nhân của Quy Sơn vậy”.
Tổ Trượng đêm đó gọi Ngài Quy Sơn vào thất, phó chúc rằng : “Ta hóa duyên ở đây. Thắng cảnh Quy Sơn ông nên ở đó để nối tiếp Tông ta, rộng độ lớp sau”.
Ngài Hoa Lâm Giác hỏi : “Con ở địa vị đầu chúng, sao vị Điển Tòa lại được trụ trì ?”
Tổ Trượng nói : “Nếu có thể ở trước đại chúng nói được một lời xuất cách thì sẽ trụ trì”. 
Liền chỉ cái tịnh bình hỏi : “Không được gọi là tịnh bình thì ông gọi là cái gì ?”
Ngài Hoa Lâm nói : “Không thể gọi là khúc bộng cây vậy !”
Tổ Trượng bèn hỏi Ngài Quy sơn, Ngài đá đổ tịnh bình, bỏ đi ra. 
Tổ Trượng cười rằng : “Đệ Nhất Tòa thua mất hòn núi rồi vậy”.

Ngài Quy Sơn bèn sang núi kia ở, hoằng hóa thịnh hành đất Hồ Nam, gọi là Quy Ngưỡng Tông.
Nếu chẳng có cái thấy xuất cách làm sao có thể rộng hóa một phương, phân công ủy thác Phật sự như vị Thái Tử một nước được ? Hàng Thập Tín còn phải bỏ Vọng về Chân, hàng Thập Trụ thì thuần Chân vậy, chỉ vì sức lực chưa sung mãn nên có giai cấp như thế.
 

Xem mục lục