QUYỂN V
CHƯƠNG II
NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU
MỤC MỘT :
NÊU RA CÁI CĂN ĐỂ CHỈ CHỖ MÊ
I. XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI NÚT
Kinh : Ông Anan bạch Phật rằng : “Thưa Thế Tôn, tuy Như Lai đã dạy Nghĩa Quyết Định Thứ Hai, nhưng nay tôi xem những người mở nút trong thế gian, nếu không biết đầu mối của nút ở đâu, thì tôi tin là người ấy rốt cuộc không thể mở được. Thưa Thế Tôn, tôi và hàng Thanh Văn Hữu Học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay, chúng tôi cũng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt. Tuy được căn lành đa văn như thế này, mang tiếng là xuất gia nhưng cũng như người sốt rét cách nhật ! Xin nguyện Đức Đại Từ thương xót kẻ chìm đắm mà chỉ bày cho, giờ đây chính nơi thân tâm thế nào là nút, do đâu mà mở ? Cũng khiến cho chúng sanh khổ nạn đời vị lai được khỏi luân hồi, không rớt vào ba cõi”.
Nói lời ấy rồi, Ông Anan và cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn, mong chờ lời khai thị vô thượng của Như Lai.
Thông rằng : Đoạn trước, Ông Phú Lâu Na đã hỏi : “Hết thảy chúng sanh, do đâu mà có vọng khiến tự mình che khuất tánh Diệu Minh, mà chịu sự chìm đắm ?” Ở đây Ông Anan hỏi : “Giờ đây, chính nơi thân tâm, thế nào là nút, thế nào là mở ?” Đó là đều muốn đi đến cùng cực cái vọng căn, nghiên cứu nhỏ nhiệm cái vô minh câu sanh, mới biết đầu gốc thắt nút mà phá trừ đi vậy.
Đoạn trước, đáp rằng : “Biết rõ cái Mê là không có nguyên nhân, thì cái Vọng cũng không có chỗ nào nương dựa. Còn không có chỗ sanh ra, muốn diệt dứt chỗ nào ?” Ở đây thì đáp : “Tướng Phần và Kiến Phần không có tự tánh, cũng như các nhánh lau gác lên nhau. Xét cái tánh giao nhau đó, thì không và có đều là chẳng phải”.
Trước nói, “Tánh điên tự hết, hết tức Bồ Đề”. Đây nói, “Thấy biết mà không có thấy biết, đó chính là Niết Bàn”. Trước sau suốt thông như một. Chỉ là ở trước thuộc về Kiến Đạo, biết Vọng tức là Giác, Giác tức Bồ Đề. Còn đây là phần Tu Đạo, lìa cái Thấy tức là Không, Không tức là Niết Bàn.
Nút là sự trói buộc nơi Căn Trần do mê, nên chìm sâu sanh tử. Mở là sự thoát khỏi Căn Trần do ngộ, nên thấy biết cái Diệu Thường. Đây là theo căn Tai mà nghe ngược trở lại, thoát khỏi sự dính kết mà quay về bên trong, nhiếp phục tâm bám nắm, nhập Tri Kiến Phật, thuộc về công phu tu tập, nên gọi là Nghĩa Thứ Hai.
Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Đầu : “Như thế nào là Giải Thoát ?”
Tổ Đầu nói : “Ai trói buộc ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Tịnh Độ ?”
Tổ Đầu nói : “Ai làm dơ ông ?”
Hỏi : “Như thế nào là Niết Bàn ?”
Tổ Đầu nói : “Ai đem sanh tử lại cho ông ?”
Nếu nơi đây mà được liền cái chỗ an lạc, thì còn hướng chi đến cái đệ nhị đầu mà làm kế sanh nhai !