Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

VI. Ý NGHĨA CHỦ VÀ KHÁCH

Kinh : Khi ấy, Ông Kiều Trần Na đứng dậy bạch Phật : “Tôi nay già cả, ở trong đại chúng riêng được cái danh là Hiểu. Do tôi ngộ được hai chữ Khách Trần mà thành quả. Thưa Thế Tôn, ví như người khách đi đường, vào trọ nơi quán xá, hoặc ngủ lại, hoặc ăn. Ăn, ngủ xong xếp đồ đạc lên đường không ở lại được. Nếu thật là người chủ, tự không phải đi đâu. Tôi nghĩ như vầy : Không ở yên mãi được thì gọi là Khách, còn ở mãi thì gọi là Chủ. Lấy cái sự Không ở yên mãi được làm ý nghĩa chữ Khách. Lại như trời mới tạnh, mặt trời chiếu sáng trên cao, ánh sáng xuyên qua khe hở chiếu rõ bụi bặm trong khoảng không. Bụi trần thì dao động, hư không lặng yên. Như vậy mà suy nghĩ: đứng lặng gọi là hư không, lay động gọi là Trần. Tôi lấy Sự lay động làm ý nghĩa chữ Trần”. 
Đức Phật nói : “Chính vậy”.

Thông rằng : Khách là thí dụ cho cái thô trọng của Sở Tri ; Trần là ví dụ cho cái vi tế của phiền não. Niệm niệm đổi dời, sanh ra rồi diệt mất chẳng ngừng, nên thí dụ như khách đi đường vào trọ quán xá. Khởi lên sự mê lầm, gây ra nghiệp, bỏ cũ theo mới, nên thí dụ là ăn, ngủ xong thì thu dọn lên đường. Cái Chân Tánh Thường Trụ vốn chẳng có chuyện ấy, nên thí dụ như người chủ chẳng đi đâu cả. Thô chướng thì dễ trừ mà cái mê lầm vi tế thì khó biết, nên phải do bầu trời Bản Tánh tạnh ráo sáng trong có mặt trời Trí Huệ soi chiếu, qua khe hở của Ngũ Ấm soi rõ Bản Tánh rỗng trống, mới biết hư vọng tự rối động ở trong. Do đó, mới lấy thí dụ “Trời tạnh, mặt trời chiếu sáng, ánh sáng vào trong lỗ hở, phát hiện rõ ràng bụi bặm trong hư không”.

Phiền não thì rối động. Chân Tánh vốn tịch nhiên. Như ngộ được là vốn không, thường trụ chẳng động, tức biết Tâm Tánh thường tịch vậy.

Tổ Triệu Châu nói : “Các ông từ một phen thấy lão tăng trở về sau, lại chẳng phải là người nào khác, chỉ thật là người chủ nhân ông. Cái ấy đây lại hướng ra ngoài tìm kiếm làm chi ? Chính lúc này đây, chớ chuyển đầu đổi não. Nếu chuyển đầu đổi não tức mất ngay vậy”.

Lại một hôm, Ngài đang quét đất, có vị tăng hỏi: “Hòa Thượng là bậc đại Thiện Tri Thức vì sao lại còn quét đất ?”

Tổ Châu nói rằng : “Bụi từ ngoài đến”.
Tăng hỏi : “Đã là chốn Già Lam trong sạch, làm sao có bụi ?”
Tổ Châu nói : “Lại một hạt bụi nữa kìa”.

Ngài Triệu Châu, ánh sáng con mắt Ngài soi nát bốn châu thiên hạ, biện rõ nghĩa Khách Trần, chẻ vào thấu cái nhỏ nhiệm. Nếu ở chỗ này mà soi ra được rành rẽ, thì quả thật là vị Sa Di có chủ, ở đời chẳng nhiễm, chứ đâu chỉ được mang tiếng là Giải(128). 

Kinh : Khi ấy, Đức Như Lai ở giữa đại chúng nắm năm ngón tay lại. Nắm rồi lại mở, mở rồi lại nắm. 

Rồi hỏi Ông Anan rằng : “Nay ông thấy gì?”

Ông Anan đáp : “Tôi thấy bàn tay Bách Bảo Luân của Như Lai ở giữa đại chúng lúc mở lúc nắm”.

Phật bảo Ông Anan : “Ông thấy tay ta ở giữa đại chúng khi mở khi nắm, đó là tay ta có mở có nắm hay là cái Thấy của ông có mở có nắm ?”

Ông Anan thưa : “Bàn tay báu của Phật ở giữa đại chúng khi mở khi nắm. Tôi thấy bàn tay Như Lai tự mở tự nắm, chẳng phải cái Tánh Thấy của tôi có mở có nắm”. 

Phật bảo : “Cái gì Động, cái gì Tĩnh ?”

Ông Anan thưa : “Bàn tay Phật không ở yên, chứ Tánh Thấy của tôi còn không có tĩnh, lấy gì gọi là không ở yên được ?”

Phật dạy : “Đúng thế”.

Thông rằng : Ông Kiều Trần Na nhờ ngộ hai chữ Khách Trần, chỉ rõ biết được cái bờ mé của phiền não. Đức Thế Tôn ắt chỉ ngay (Trực Chỉ) cái Bồ Đề mà nói. Trước hết là ở nơi ngoại cảnh mà biện rõ cái Chân Tánh. Cảnh có nắm mở mà cái Thấy thì không động hay tĩnh, đây là chỗ người ta dễ biết. Đức Thế Tôn nhân cái chỗ dễ biết đó mà dẫn dắt. Quả nhiên, Ông Anan tin là cái tay có nắm có mở, còn cái Thấy không có nắm mở, mà nói “Tánh Thấy của tôi còn không có cả cái tĩnh, lấy gì gọi là không ở yên ?” Tìm tướng động tĩnh tuyệt chẳng thể được. Cũng gần thấy được vị chủ nhân thường trụ rồi. Nếu không phải là sự thức tỉnh vi diệu của Thế Tôn làm sao được như vậy.

Xưa, có Ngài Tây Đường(129) hỏi Tổ Bá Trượng : “Về sau, ông làm sao khai thị cho người ?”
Tổ Trượng dùng tay mở nắm lại hai lượt.

Ngài Tây Đường hỏi : “Lại làm cái gì ?”

Tổ Trượng lấy ngón tay điểm ba cái.

Thử nói cái hiển dụng như thế của Tổ Bá Trượng là hợp với cơ phong của Lăng Nghiêm hay không, hay là có đạo lý gì khác ?

Lại như Hòa Thượng Câu Chi, thuở mới trụ am, có vị ni tên là Thực Tế đến am, đi thẳng vào chẳng hề cất nón, cầm tích trượng đi quanh thiền sàng ba vòng, rồi bảo : “Nói được thì bỏ nón”.
Hỏi vậy ba lần, thầy Câu Chi không có chỗ đáp được. Vị ni bèn đi. 

Thầy Câu Chi nói : “Trời sắp tối rồi, hãy nghĩ lại một đêm”.

Ni sư nói rằng : “Nói được thì ở lại”.

Thầy Câu Chi lại không có chỗ đáp lại. Ni sư bèn đi.

Sư Câu Chi than rằng : “Ta tuy có cái hình tướng trượng phu mà không có khí phách của trượng phu !” Bèn nổi lòng hăng tức muốn rõ biết việc này, định bỏ am đi các nơi tham hỏi.

Đêm ấy, vị thần Núi bảo rằng : “Chẳng nên lìa đây, ngày mai sẽ có vị Bồ Tát xác phàm đến đây vì Hòa Thượng nói pháp”.

Hôm sau, Tổ Thiên Long đến am, Ngài Câu Chi nghinh lễ rồi kể lại đầy đủ câu chuyện. Tổ Thiên Long chỉ dựng đứng một ngón tay mà khai thị cho. Ngài Câu Chi hoát nhiên đại ngộ. 

Từ đó về sau, hễ có ai hỏi, Ngài chỉ dựng đứng một ngón tay. Khi sắp thị tịch, Ngài nói với chúng rằng : “Ta được nơi Ngài Thiên Long một ngón tay Thiền, suốt đời dùng chẳng hết. Có hội chăng ?” Rồi dựng lên một ngón tay mà tịch.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Lão Câu Chi một ngón tay Thiền
Hai mươi năm dùng mãi không cùng
Tin có đạo nhân, nhiều phương thuật
Rõ không tục vật, trước mắt nhìn
Chỗ được quá giản dị
Ban bày khắp rộng thay !
Đại thiên sát hải uống đầu lông
Vô hạn rồng, lân vào tay kẻ ?
Nhậm Công(130) trân trọng nắm cần câu”.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

“Rất khen, thương lắm lão Câu Chi
Vũ trụ xưa nay chẳng có gì
Từng hướng đại dương buông gỗ nổi
Sóng đêm khúc gỗ tiếp rùa đui”.

Kinh Pháp Hoa : “Như con rùa một mắt gặp lỗ bộng của khúc gỗ trôi nổi, không bị nạn chết chìm”. Đức Thế Tôn từ lúc mở nắm ngón tay cho đến đây, không chỗ nào là không chỉ bày Tri Kiến(131) của Phật, khiến người được chỗ yên ổn. Sao lại chẳng bắt chước cái kế của con rùa đui ?

Kinh : Lúc ấy, Như Lai từ trong bàn tay phát ra một đạo hào quang báu qua bên phải Ông Anan, Ông Anan liền quay đầu trông qua bên phải. Phật lại phóng ra một đạo hào quang qua bên trái Ông Anan, Ông Anan lại quay đầu trông qua bên trái. 

Phật bảo Ông Anan : “Hôm nay đầu ông vì sao dao động ?”

Ông Anan thưa : “Tôi thấy Như Lai phát hào quang báu qua bên phải rồi qua bên trái, nên tôi trông qua bên phải và bên trái, đầu tự dao động”.

- Ông Anan, ông xem hào quang của Phật mà dao động cái đầu qua phải qua trái. Đó là đầu ông động hay là cái Thấy động ?

-Thưa Thế Tôn, đầu tôi tự động chứ Tánh Thấy của tôi thì dừng đứng còn chẳng có, lấy gì mà dao động ?

Phật dạy : “Đúng vậy”.

Thông rằng : Đoạn này là ở trong thân mà biện rõ cái Chân Tánh : đầu tự dao động, còn cái Thấy (Tâm Tánh) không chỗ động. So với đoạn trước, tay tự nắm mở, còn cái Thấy không có chỗ động thì lại càng vi mật. Ở nơi thân của một người, có thấy động tức là đầu động, làm sao nói được là đầu tự động lay mà cái Thấy thì không động ? Cái tùy theo đầu mà có phải có trái ấy là Tình Kiến. Cái chẳng theo đầu mà có động có tĩnh là Chân Kiến (cái Thật Tánh). Tình Kiến thuộc Thức, nên có khởi có diệt. Chân Kiến thuộc Tánh, vốn không làm, không dừng lại. Làm sao nghiệm chuyện này ? Đầu có động, có tĩnh thì có thể thấy được, cái Thấy không có động tĩnh để có thể chỉ ra. Bởi thế, nên biết cái không có động tĩnh để chỉ ra được, đó là Chân Kiến. Trước đây, Ông Anan chấp Thức làm Tâm, chỉ biết Tình Kiến mà cho là cái Thấy. Nay nhờ phương tiện chỉ dạy của Như Lai, cái Trí Sáng tạm hiện ra, mới tin hiểu đầu tự dao động còn cái Thấy thì không chỗ động. Cái Tánh Thấy vốn chẳng động này, thì động cũng như thế, tĩnh cũng như thế; khi thấy chẳng phải có, khi không thấy chẳng phải là không, trong ấy còn không có cái ngừng yên, có gì mà dao động. Đó là cái Thể Không Tịch Ly Trần vậy. Ông Anan đối theo đây mà biết Tánh đó vậy. Đã nói là biết Tánh, sao còn lắm thứ đa nghi ? Ấy vì Ông Anan nhờ Phật đưa bàn tay ra, rồi phóng ánh sáng, lại nắm mở bàn tay, so sánh với đầu dao động. Cái Thấy bàn tay nắm mở không động, cái Thấy của đầu day qua phải qua trái cũng không động. Đây là cái biết do suy nghĩ đo lường chứ không phải là sự nhiệm mầu của tự mình tỏ ngộ. “Theo cửa mà vào, chẳng phải của báu trong nhà”, ở đây lại càng rõ ràng tin hiểu.

Thiền sư Vô Nghiệp ban đầu ra mắt Đức Mã Tổ, bạch hỏi rằng : “Văn học của Tam Thừa đã nghiên cứu sơ lược ý chỉ. Từng nghe Thiền Tông nói “Tức Tâm là Phật”, thật chưa hiểu được”.
Đức Mã Tổ nói : “Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải (tức thị), ngoài ra không có vật nào khác”.
Sư Nghiệp hỏi : “Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ Sư từ Tây sang ?”

Đức Mã Tổ nói : “Đại Đức đang ồn ào không ở yên ở trong ấy, hãy đi, khi khác đến”.

Sư Nghiệp vừa đi ra, Đức Tổ gọi : “Đại Đức !”
Sư Nghiệp quay đầu lại. 
Ngài Mã Tổ nói : “Đó là cái gì ?”
Sư Nghiệp liền lãnh ngộ, bèn lễ bái.
Ngài nói rằng : “Cái gã ngu này, lễ bái làm chi vậy ?”
Lại có thiền sư Ngũ Duệ Linh Mặc từ xa đến ra mắt Ngài Thạch Đầu, rồi hỏi : “Một lời hợp nhau thì ở, chẳng hợp thì đi”.
Tổ Đầu cứ ngồi. Sư Duệ bèn đi.
Tổ Đầu theo sau, gọi : “Xà Lê !”
Sư Duệ quay đầu lại. 
Tổ Đầu nói : “Từ sanh đến tử, chỉ là cái Ấy, quay đầu chuyển não làm gì !”
Sư Duệ ngay dưới câu nói đại ngộ, bèn bẻ ném cây trụ trượng mà ở lại.
Hãy nói hai Ngài Vô Nghiệp và Ngũ Duệ quay đầu, chuyển não thì liền ngộ, so với Ông Anan là nhiều, ít? 

Kinh : Lúc bấy giờ Như Lai bảo với cả đại chúng : “Như các chúng sanh lấy cái dao động mà gọi là Trần, lấy cái không ở yên mà gọi là Khách, thì các ông hãy xem Ông Anan : đầu tự dao động mà cái Thấy không có chỗ động; lại hãy xem bàn tay Ta tự mở tự nắm mà cái Thấy không duỗi không co. Cớ sao các ông hiện nay lại lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, bỏ mất Chân Tánh, làm việc điên đảo, mất chỗ Chân Thật, nhận Vật làm Mình, luân hồi trong ấy, tự mình chọn lấy sự trôi nổi đổi thay ?”

Thông rằng : Bàn tay của Phật chẳng dừng trụ, mà Tánh Thấy thường trụ, đó là Chủ Nhân Ông chân thật. Đầu tự dao động, Tánh Thấy không động, thật là cái Thể Chơn Không. Nay chẳng nhận Chủ mà nhận Khách, chẳng nhận cái Không mà nhận cái Trần, há chẳng phải là làm chuyện điên đảo hay sao? Cũng vì niệm niệm sanh diệt, phiền não nối nhau, đến nỗi bỏ mất Chân Tánh, chẳng nên đạo Bồ Đề, là do Khách Trần mê hoặc mới đến nỗi như thế. 

Kinh Viên Giác nói “Lầm nhận bốn Đại làm thân tướng của mình, bóng dáng sáu Trần duyên ảnh làm tâm tướng của mình”. Chính là chỗ ở đây nói “Lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, nhận vật làm mình”. Đã nhận cái vọng động chạy theo cảnh đó làm Tự Tâm, thì cái Chân Tâm Bất Động bèn mê trong cái trôi lăn, nên gọi là “Bỏ mất” chứ chẳng phải nói Bỏ mất là không hiện còn vậy. Giống như nước đã thành băng, tánh nước biến mất. 

Đoạn trước, nói “Hay sanh cái duyên, nhưng duyên theo cái Sở nên bỏ mất. Bỏ mất cái Vốn Tự Sáng này, tuy suốt ngày dùng mà chẳng tự giác, uổng oan sa vào các nẻo”. Như thế thì làm sao mà ra khỏi sanh tử ? Cho nên nói “Luân hồi xoay chuyển trong đó, tự chọn giữ lấy cái trôi nổi xoay vần”. Trước, nói “Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử nối nhau, đều do không biết cái Chân Tâm Thường Trụ, Tánh Thể Sáng Sạch. Dùng các vọng tưởng, những tưởng này chẳng chân thật nên có luân chuyển”. Chính là nói chỗ này.

Xưa, Tổ Động Sơn hỏi một vị tăng : “Ông tên gì?”
Đáp : “Tôi đây”.
Tổ Sơn hỏi : “Vậy cái gì là Chủ Nhơn Ông của thầy Xà Lê ?”
Đáp : “Cái Thấy đối diện”.
Tổ Sơn rằng : “Khổ thay, khổ thay ! Người đời nay hết thảy đều như thế này. Chỉ nhận ra lừa trước, ngựa sau(132) đấy thôi mà lấy làm cái Chính Mình. Phật Pháp chìm đắm là do đó vậy. Chủ trong Khách(133) còn chưa phân biệt được, làm sao phân biệt nổi Ông Chủ trong Chủ (Chủ trung Chủ)”.

Vị tăng liền hỏi : “Như sao là Chủ trong Chủ ?”
Tổ Sơn nói : “Thầy Xà Lê tự nói lấy”.
Vị tăng đáp : “Tôi mà nói được thì đó là Chủ trong Khách, còn như thế nào là Chủ trong Chủ ?”
Tổ Sơn nói rằng : “Nói ra thì dễ biết bao, mà tương tục nối nhau thì quá khó !”
Bèn khai thị bằng bài tụng :

“Ôi thấy đời nay học đạo đông
Ngàn ngàn vạn vạn nhận cửa ngoài
Cũng tợ vào kinh chầu Vua Thánh Chúa
Chỉ đến cửa triều đã vội ngừng”.

Do đây mà xét, thật Thức Tình Phân Biệt mà so với cái Kiến Tinh Bất Động hãy còn cách xa mấy dặm đường, mà cái Kiến Tinh Bất Động so với Chân Tánh Tịch Thường vẫn còn phải tự mình biện biệt. Như đoạn kinh sau nói “Thấy do lìa Thấy, cái Thấy không bì kịp”, thì cơ hồ đã vượt cửa triều mà thấy Vua rồi đó.

--------------

01 Như Lai Mật Nhân. 
02 Tròn vẹn, tức thời. 
03 Hướng thượng nhất lộ. 
04 Tên khác của Đức Như Lai. 
05 Kinh Duy Ma Cật.
06 Nhất chích nhãn: một con mắt, con mắt Đạo. 
07 Tu cho chứng được chỗ hiểu nghĩa. 
08 Chưa được chỗ hiểu nghĩa Như Lai Mật Nhân. 
09 Bản Lai Diện Mục: cái xưa nay trước mặt. 
10 Ấn Độ. 
11 Samadhi. Xưa gọi là Tam Muội. 
12 Đời Đường Cao Tông, nối pháp Tổ Tăng Xán, truyền lại cho Tổ Hoằng Nhẫn. 
13 Ở miền Nam Ấn. 
14 Nghiã Thanh thiền sư, đời Đường. Nối pháp Đại Dương Huyền thiền sư. 
15 Da trâu: ngưu bì. Trùm da trâu đi ra nắng càng bị bó cứng; buộc râu rồng (long tu) Xuống nước càng thắt chặt, đau đớn. Hai cái dùng để chỉ cái phước hữu lậu của người và trời làm hại huệ mạng. 
16 Lậu: tiếng chỉ phiền não. 
17 Tuyết Phong thiền sư, tên Nghiã Tồn, người xứ Phước Châu. Đắc pháp nơi Tổ Đức Sơn. Đời Đường Ý Tông, năm Hàm Thông, tại núi Tuyết Phong xứ Phước Châu sáng lập nhà thiền. Thường có đến 1500 người trong chúng học đạo. 
18 Người cầm đầu trong đại chúng. 
19  Càn Huệ Địa, địa vị thứ nhất của Thập Địa và Tam Thừa. Cái trí tuệ khô khan nên chưa thuần thục. Đại Thừa Nghĩa Chương nói: Tuy có trí tuệ, chưa đặng tịnh thủy (tâm tĩnh lặng, ví như nước đứng im). Lại còn về phép quán sự (đối lý quán nói sự quán) Đây chưa xong về lý, chưa thuần tịnh. 
20 Chỗ thấy theo sở học. 
21 Trần: hạt bụi. 
22 Lão Hồ: người rợ già. Chỉ Đức Đạt Mạ. 
23 Còn hoài. 
24 Đế quán Pháp Vương Pháp. Pháp Vương Pháp như thị. 
25 Thần mùa Xuân. 
26 Tiền tam tam, hậu tam tam. 
27 Tô lạc. 
28 Lo về trai tăng trong thiền viện. 
29 Giá Lý. 
30 Núi Ngũ Đài. 
31 Hiểu thấu róc tuốt. 
32 Tên bến sông Lạc, nay là tên của một huyện. Tổ ở huyện này nên lấy tên xứ để gọi. 
33 Thiên Nhiên thiền sư, ở Đơn Hà Sơn, Đông Châu. 
34 Thập Đắc và Hàn Sơn là hai vị tăng giả vờ điên khùng. Thật ra, là hiện thân của hai Đại Bồ Tát. 
35 Phổ Nguyện thiền sư, đời Đường, ở núi Nam Tuyền, nối kế pháp của Mã Tổ. 
36 Người xem hết đại chúng trong chùa. 
37 Thí tài. 
38 Gõ bản. 
39 Vị tăng đảm trách việc trai chúc (cơm, cháo cúng dường...). 
40 Tổ Quang Nhâm thiền sư, hiệu Sớ Sơn. Tướng lùn xấu, biện luận tinh anh. Gọi là Ông Phật lùn. Nối kế pháp ở Động Sơn. 
41 Trong Giá Lý. 
42 Oâm giữ bát. 
43 Ba Giáo Pháp trừ phiền não. 
44 Rảnh rang, mở khỏi. 
45 Ngũ Vị Tân. 
46 Yên lặng cùng tột. 
47 Nghiã Thanh thiền sư, đời Đường, xứ Thơ Châu, tại núi Đầu Tử. Nối kế pháp Đại Dương Huyền thiền sư. 
48 Tức Quân Châu Động Sơn. Đắc pháp nơi Vân Nham Thịnh Tổ sư. Lập Thiên Chánh Ngũ Vị, thế mạnh, pháp rất thịnh hành. Sắc phong Ngộ Bổn thiền sư. 
49 Đức Nham Khoát thiền sư, đời nhà Đường, ở núi Nham Đầu. Tham học với Tổ Đức Sơn mà khế hiểu ý chỉ. Gặp Tổ Võ Tông gạn hỏi giáo pháp. Lánh ẩn mình làm người đưa đò. Sau cất am ở núi Ngoạ Long Sơn. Ba năm tịch. Sắc tặng Thanh Nham thiền sư. 
50 Tên riêng của Tổ Tề An thiền sư. 
51 Tổ Thích Tuyên Giám, đời Đường, ở Chùa Đức Sơn, Lãng Châu. Xuất gia từ nhỏ. Rất hiểu biết Kinh Luật, lắm thấu đáo kinh Kim Cang. Người đời ấy gọi là Châu Kim Cang. Chẳng tin chịu cái đạo của Nam phương thiền tông (Nam phương Huệ Năng). 
52 Tên núi ở Hồ Nam. Lời truyền, tích xưa có ba nhà sư là Giám Tuyên, Nghiã Tồn, Văn Thúy du phương đến đây ngộ đao. Từ đó đồ đệ nói Ngao Sơn ngộ đạo. 
53 Lên tòa thuyết pháp. 
54 Đây là lời nói ý của một vị Tổ trong tích Bà Tử Thiêu Am - một công án. 
 Tích rằng : Xưa, có một người bà tử (bà goá) Cung cấp cho một vị am chủ trải qua hai mươi năm. 
 Một ngày kia, sai đứa tớ gái hỏi : “Hiện nay như thế nào ?”. 
 Am chủ đáp : “Cây khô héo dựa hang núi lạnh. Ba năm (mùa lạnh) Không hơi ấm (Khô mộc ỷ hàn nham. Tam đông vô nỗn khí)”. 
 Tớ gái về thuật lại y như vậy. 
 Bà nói : “Ta hai mươi năm đã dâng cúng cho đứa phàm tục ấy”. 
 Bèn bảo đuổi đi, rồi liền đốt cái am. 
 Đây là lời tỏ ý nên đạo rồi của Tổ mà bà góa ấy không hiểu đó thôi. 
55 Hằng còn. 
56 Tổ Chí Cần thiền sư, đời Đường, ở núi Linh Vân. Ban đầu ở Ngụy Sơn, nhân thấy hoa đào mà tỏ ngộ đạo. 
57 Cái đức tánh xưa nay có lâu rồi vậy. 
58 Nhà Đại Thừa luận sư ra đời 600 năm sau khi Phật nhập tịch. Tên tiếng Phạn là As’vaghosa. Học trò của Hiếp trưởng lão. 
59 Tổ Đại Trí Hoài Hải thiền sư, đời Đường, ở núi Bá Trượng, nối kế mối pháp thế đức Mã Tổ Đạo Nhất thiền sư. Tổ chế lập phép thức thiền môn đầu tiên, gọi là Bá Trượng Thanh Qui. Tổ để lại nhiều công án như Bá Trượng Giả Hồ, Bá Trượng Tam Nhựt Nhĩ Lung... 
60 Vật biểu hiện chức trụ trì. 
61 Tông thừa, yếu chỉ nhà thiền, gọi chung là hướng thượng nhất lộ (ngoảnh lên một đường). 
62 Cái Tâm Chân Thật không sanh ra, không diệt mất. 
63 Thị tức thị, thì phải rồi. 
64 Con mắt vật chất. 
65 Tâm và Mắt. 
66 Tai có thể thấy, mắt có thể nghe... 
67 Tổ Huệ Khả. Người đời Bắc Ngụy, xứ Lạc Dương. Lúc Đạt Ma đại sư ở núi Tung Sơn, tại Chùa Thiếu Lâm, đức Thần Quang cầu đạo rất mực. Đến đêm hôm trời tuyết, chặt lìa cánh tay trái. Đức Đạt Ma cảm chịu. Cải đổi tên là Huệ Khả. Sau, thọ y bát của Tổ Đạt Ma, nối pháp của thiền tông, làm Tổ Thứ Hai. 
68 Mích tâm liễu bất khả đắc. 
69 Họ Phó, tên Hấp, tự Huyền Phong, là đạo sĩ để tóc. Lấy họ mà gọi là Phó Đại Sĩ; còn theo xứ mà gọi là Đông Dương Đại Sĩ. Tự ngài xưng là Thiện Huệ Đại Sĩ. 
70 Tổ Văn Yến thiền sư, tại núi Vân Môn, nối kế Tổ Tuyết Phong. Sắc phong các hiệu Khuôn Chơn thiền sư, Đại Từ Vân Khuôn Chơn Hoằng Minh thiền sư. Để lại nhiều thoại đầu công án như Vân Môn Nhất Bửu, Vân Môn Tam Cú, Vân Môn Thể Lộ Kim Phong... 
71 Một vị cao tăng. Tuyết Đậu là tên núi. Được ngài Vân Môn truyền pháp. Tại núi này còn có Thường Thông thiền sư, Minh Giác đại sư đều lấy tên núi làm hiệu. 
72 Lộ trụ : cây cột trước chùa. Là một công án của Tổ Vân Môn : Cổ Phật với cây lộ trụ tương giao, đó là cơ thứ mấy ?
73 Tăng Triệu : người viết bộ Bảo Tạng Luận còn gọi là Triệu Luận. 
74 Bổn Tịch thiền sư, kế pháp Tổ Động Sơn Lương Giới thiền sư. Phái Tào Động. Tào Sơn là tên gọi theo chỗ ở. 
75 Tác tặc nhân tâm hư. 
76 Hợp tự biết thực tình. 
77 So sánh, suy lường. 
78 Biết lầm lạc. 
79 Tức là sáu Thức tiêu. 
80 Cái Thức Thứ Nhứt, A Lại Da. 
81 Tổ Hồng Ân thiền sư. 
82 Tổ Huệ Tịch thiền sư, ở Giang Nam, núi Đại Ngưỡng Sơn, tên hiệu Ngưỡng Sơn. Tổ có ba chỗ công án: Ngưỡng Sơn Chẩm Tử, Ngưỡng Sơn Chỉ Tuyết và Ngưỡng Sơn Đằng Điều. 
83 Vân Cư Sơn: núi tại Giang Nam, huyện Khương Kiến Xương. Trên đỉnh thường có mây, nên đặt tên Vân Cư. Lại còn gọi là Âu Sơn, vì có đức Âu Ngập thành đạo tại đó. Đây có nhiều Tổ ở, hóa đạo nên thường lấy tên núi làm hiệu. 
84 Đức Huyền Giác, đời Đường. Ban đầu thuần thông phép Chỉ Quán của Thiên Thai. Thường tu thiền quán. Sau đến Tào Khê, một đêm mà khế ngộ yếu chỉ. Đặt tên Nhất Túc Giác. Trở về Vĩnh Gia, học trò gọi hiệu là Chơn Giác Đại Sư. 
85 Một loại sáo. 
86 Rảnh rang. 
87 Giáp Sơn: tên núi. Tổ sư tu tại núi này nên lấy tên núi làm hiệu. 
88 Tổ tên Sở Viên, tự Trần Minh, cháu sáu đời của Ngài Lâm Tế Nghiã Huyền (Tổ Lâm Tế tông). Nương ở Thạch Sương Sơn, ban đầu học Nho. Hai mươi mốt tuổi đi tu, kế pháp nơi Lạc Dương Chiêu. 
89 Nhà Thiền. 
90 Cái Không Chân Thật. 
91 Đọc, tụng. 
92 Ngưu bì. 
93 Môn phong. 
94 Người xứ Tào Châu, học xét ở Quan Âm Viện, xứ Triệu Châu. Kế pháp Tổ Nam Tuyền. Tổ có nhiều công án truyền đạo. 
95 Tổ Phổ Giác thiền sư, tên Huệ Nam, ở núi Hoàng Long. Thọ pháp Tổ Từ Minh Viên thiền sư ở Hoàng Long. Tổ để lại nhiều sự tích. 
96 Hết phiền não. 
97 Đế Thứ Nhất trong hai mươi lăm Đế của Số Luận Sư (ngoại đạo) Lập ra. Đó là cái nguồn cội của muôn vật mù mịt, không chơn chánh nên gọi là Minh Đế, còn gọi là Minh Tánh. 
98 Tự chứùng tịch tịnh. 
99 Kẻ mắt, tai tất cả các căn nhanh lẹ, sáng láng. 
100 Tổ xuất gia lúc mười tuổi, nghiên cứu xét cùng nghiã lý Duy Ma pháp, nhơn đó rõ biết Duy Thức; bàn cứu sách Nho; chuyên về Luật Tạng. 
101 Tự biết lấy rõ ràng. 
102 Tổ Phổ Nguyện thiền sư, kế pháp Đức Mã Tổ, hoằng đạo ở Nam Tuyền, thường xưng mình là Vương Lão Sư. 
103 So sánh, phân biệt. 
104 Đức Lục Tổ Huệ Năng đại sư, họ Lư Thị, người xứ Tân Hưng. Từ giã mẹ, thẳng đến Huỳnh Mai Động Sơn. Sau khi đắc pháp, trở về Chùa Pháp Tánh tại Nam Hải. Mở cửa pháp Động Sơn. Sau về Bửu Lâm tự. Ngài tọa tịch, có tháp tại Tào Khê, nay là Nam Hoa Tự. 
105 Thấy biết. 
106 Tổ Hoài Nhượng thiền sư, đời Đường, ở Hành Nhạc, Chùa Bát Nhã, nên xưng là Nam Nhạc. Lục Tổ Huệ Năng có hai đại đệ tử là Nam Nhạc và Thanh Lương. 
107 Hiệu riêng của Lục Tổ Huệ Năng. 
108 Hy Thiên thiền sư, ở Hành Sơn Nam Tự. Phía Đông chùa có tảng đá hình cái đài, cất am trên đó, người đời ấy kêu là Thạch Đầu Hòa Thượng. 
109 Một trong sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp). Tất cả pháp là chỗ duyên (sở duyên) Của ý thức, gọi chung là pháp trần. 
110 Là lục trần, cảnh hiện bày trước cái vọng tâm. 
111 Đại Viên Cảnh Trí của Duy Thức Tông. 
112 Lục đạo, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. 
113 Tổ Tông Nhứt thiền sư, tên Sư Bị, ở núi Huyền Sa. Khi nhỏ làm nghề chài. Ba mươi tuổi bổng ham mộ đi tu, vào học với Tổ Phù Dung, xuống tóc, lãnh cụ túc giới. Rồi tìm đến Tổ Tồn thiền sư tại núi Tuyết Phong, thâu hạp, tỏ ngộ huyền chỉ. Ban đầu trú tại Phổ Ứng Viện, sau dời về Huyền Sa. 
114 Tổ Khả Quan, hiệu Trúc Am. 
115 Từ kinh Lăng Nghiêm : Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập. 
116 Hết phiền não. 
117 Như thế là tu hành chân thật. 
118 Cái Giác Tánh ví như biển. 
119 Cái nghĩa lý của Giác Tánh rộng lớn như biển. 
120 Tâm Từ Bi. 
121 Cái Tánh Thấy vốn sáng suốt. 
122 Bổn Tâm. 
123 Đời Đường, các vị thiền sư am hiểu rồi cứ ngôøi tu tĩnh, người đời gọi là đám thầy cây khô. 
124 Tự là Tử Nguyên, hiệu Vô Học, đời Tống. Mười bốn tuổi đến Kính Sơn học cùng thầy Phật Giám; mười bảy tuổi có chỗ tỉnh ngộ. Sau khi thầy Phật Giám tịch, đi khắp nơi. Ba mươi sáu tuổi liễu nhiên đại ngộ. 
125 Tổ Phật Nhật thiền sư, tên Tông Cảo, đời Tống. Kế vị Viên Ngộ thiền sư. Bảy mươi hai tuổi tịch, sắc tứ hiệu Đại Huệ. 
126 Ly : lìa, giải thoát. 
127 Tổ Vạn Tùng Hanh Tú thiền sư. Xuất gia tại Tịnh Độ Tự, đi học khắp xứ, cuối cùng ra mắt Tổ Tuyết Nham ở chùa Đại Minh, hạp tỏ ngộ tâm ấn. Tìm về chùa Tịnh Độ dựng lập Vạn Tùng Hiên. 
128 Giải : hiểu. 
129 Bực trưởng thượng tôn túc lui ẩn nơi chùa khác, đến tạm trú chùa mình, gọi là Tây Đường. 
130 Nhậm Công : sách Trang Tử nói “Ông Nhậm Công làm cần câu lớn, sợi rất to. Năm chục con trâu làm mồi...”. 
131 Chỗ Thấy Biết.
132 Chỉ bọn nô lệ, tôi tớ hầu chủ chạy theo trước đầu lừa, đuôi ngựa. Thành ngữ này chê bai người đời dùng thức tình phân biệt, lấy thức tình làm thức ăn, đeo theo sự phân biệt vật chất, làm nô lệ cho nó. 
133 Tân Trung Chủ, một trong ngũ vị quân thần của Tông Tào Động.

Xem mục lục